SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA CHO NGÀY THẾ GIỚI DI DÂN VÀ TỴ NẠN

Written by xbvn on Tháng Chín 26th, 2013. Posted in Học thuyết xã hội, Sứ điệp, Thế Giới, Xuân Tịnh

 Đây là sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Thế Giới Di Dân và Tỵ Nạn lần thứ 100, sẽ được tổ chức vào ngày 19 tháng 1 năm 2014 với chủ đề “Người Di Dân và Người Tỵ Nạn: Hướng Tới Một Thế Giới Tốt Đẹp Hơn”, trong đó Đức Thánh Cha tuyên bố họ “không phải là những con tốt trên bàn cờ của nhân loại”, họ có quyền “được là người hơn”. Đức Thánh Cha kêu gọi loại bỏ nỗi sợ hãi người di  cư và tỵ nạn và đồng thời cho thấy họ là “cơ hội mà Đấng Quan Phòng trao ban cho chúng ta để giúp xây dựng một xã hội công bằng hơn, một nền dân chủ hoàn hảo hơn, một quốc gia đoàn kết hơn, một thế giới huynh đệ hơn và một cộng đồng Kitô hữu cởi mở hơn và thấm đẫm Tin Mừng”

———

“Người Di Dân và Người Tỵ Nạn: Hướng Tới Một Thế Giới Tốt Đẹp Hơn”

Anh chị em thân mến ,

Xã hội của chúng ta đang trải qua, trong một cách chưa từng thấy, những quá trình phụ thuộc lẫn nhau và tương tác ở cấp độ toàn cầu. Trong khi không thiếu các yếu tố mơ hồ hoặc tiêu cực, các quá trình này nhắm đến việc cải thiện những điều kiện sống của gia đình nhân loại, không chỉ về kinh tế, nhưng cũng về mặt chính trị và văn hóa nữa. Mỗi một cá nhân là một phần của nhân loại, và với toàn thể gia đình của các dân tộc, chia sẻ niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Sự xem xét này gợi hứng cho chủ đề tôi đã chọn cho Ngày Thế Giới Di Dân và Tỵ Nạn năm nay: Người Di Dân và Người Tỵ Nạn: Hướng Tới Một Thế Giới Tốt Đẹp Hơn.

Trong thế giới đang thay đổi của chúng ta, hiện tượng đang lớn dần của sự di động của con người xuất hiện, sử dụng từ ngữ của Đức Thánh Cha Benedict XVI, như một “dấu chỉ thời đại” (x. Sứ điệp Ngày Thế giới Di Dân năm 2006). Trong khi sự thật là việc di cư thường cho thấy những thất bại và thiếu sót về phía các quốc gia và cộng đồng quốc tế, chúng cũng chỉ ra những nguyện vọng của nhân loại để tận hưởng một sự hòa hợp được đánh dấu bằng sự tôn trọng những khác biệt, bằng những thái độ chấp nhận và lòng mến khách cho phép một sự chia sẻ công bằng của cải của thế giới, và bằng việc bảo vệ và sự tiến bộ của phẩm giá và vai trò trung tâm của mỗi con người.

Từ quan điểm Kitô giáo, thực tế của sự di dân, cũng như những thực tại nhân loại khác, chỉ ra sự căng thẳng giữa vẻ đẹp của sự sáng tạo, được đánh dấu bởi Ân sủng và sự Cứu Chuộc, và những mầu nhiệm của tội lỗi. Đoàn kết, chấp nhận, và các dấu hiệu của tình huynh đệ và sự hiểu biết tồn tại bên cạnh với sự chối từ, phân biệt đối xử, nạn buôn bán và sự khai thác, đau khổ và cái chết. Đặc biệt đáng quan ngại là những tình huống mà sự di cư không chỉ là không tự nguyện, nhưng thực sự được thiết lập trong chuyển động của các hình thức khác nhau của nạn buôn người và nô lệ. Ngày nay, “lao động nô lệ” là đồng tiền chung! Tuy nhiên, bất chấp những vấn đề, những rủi ro và khó khăn phải đối mặt, số lượng lớn nhũng người di cư và người tỵ nạn tiếp tục được lấy cảm hứng từ sự tự tin và hy vọng, trong trái tim của mình họ trông ngóng về một tương lai tốt đẹp hơn, không chỉ cho bản thân mà còn cho gia đình và những người thân thân thiết của họ .

Tham gia vào việc tạo dựng “một thế giới tốt đẹp hơn” là gì? Sự diễn đạt không ám chỉ cách ngây thơ đến các khái niệm trừu tượng hay những lý tưởng không thể đạt được; đúng hơn, nó nhắm vào một sự phát triển đích thực và toàn vẹn, vào những nỗ lực để cung cấp những điều kiện sống xứng đáng cho tất cả mọi người, vào việc tìm kiếm các đáp ứng đúng đắn với các nhu cầu của các cá nhân và các gia đình, và vào việc bảo đảm rằng món quà sáng tạo của Thiên Chúa được tôn trọng, được bảo vệ và vun trồng. Đấng đáng kính Phaolô VI đã diễn tả khát vọng của con người ngày nay theo cách này: “để bảo đảm một nguồn cung cấp thực phẩm chắc chắn, chữa trị bệnh tật và việc làm ổn định… để thể hiện trách nhiệm cá nhân lớn hơn; để làm nhiều hơn, để học biết nhiều hơn, và sở hữu nhiều hơn, nhằm được là người hơn.” (TĐ Phát triển các Dân tộc, 6).

Trái tim của chúng ta mong muốn một cái gì đó “nhiều hơn”. Ngoài kiến thức hoặc tài sản lớn hơn, họ muốn được “là người” hơn. Phát triển không thể bị giản lược vào chỉ một mình sự tăng trưởng kinh tế mà thôi, nó thường được đạt tới mà không nghĩ đến người nghèo và người dễ bị tổn thương. Một thế giới tốt đẹp hơn chỉ đến nếu chú ý trước tiên được dành cho các cá nhân; nếu sự thăng tiến con người có tính toàn bộ, có tính đến mọi chiều kích của con người, bao gồm cả tinh thần, nếu không một ai bị bỏ quên, kể cả người nghèo khó, người bệnh tật, các tù nhân, người thiếu thốn và người xa lạ (x. Mt 25,31-46 ); nếu chúng ta có thể chứng minh về khả năng từ bỏ một nền văn hóa vứt bỏ và theo đuổi một nền văn hóa gặp gỡ và chấp nhận.

Người di cư và người tỵ nạn không phải là những con tốt trên bàn cờ của nhân loại. Họ là những trẻ em, những phụ nữ và những người đàn ông rời bỏ hoặc họ bị ép buộc phải rời bỏ nhà cửa của mình vì những lý do khác nhau, họ có chung một mong muốn chính đáng để hiểu biết và có được, nhưng trên hết để được là người hơn. Con số tuyệt đối của người dân di cư từ một lục địa nầy sang một lục địa khác, hoặc chuyển đổi nơi chốn trong quốc gia của họ và các khu vực địa lý, gây ấn tượng mạnh. Những phong trào di cư hiện thời đại diện cho phong trào lớn nhất của những cá nhân, nếu không phải là của các dân tộc, trong lịch sử. Khi Giáo Hội đồng hành với người di cư và người tỵ nạn trên hành trình của họ, Giáo Hội tìm hiểu nguyên nhân của di cư, nhưng Giáo Hội cũng làm việc để vượt qua các tác động tiêu cực của nó, và để tối đa hóa ảnh hưởng tích cực của nó đối với các cộng đồng gốc gác, trung chuyển và điểm đến.

Trong khi khuyến khích sự phát triển của một thế giới tốt đẹp hơn, chúng tôi không thể giữ im lặng về sự xấu xa của nghèo đói trong các hình thức khác nhau của nó. Bạo lực, bóc lột, phân biệt đối xử, gạt bỏ, hạn chế tiếp cận với các quyền tự do cơ bản, cho dù là các cá nhân hoặc đoàn nhóm: đây là một số trong những yếu tố chính của đói nghèo cần phải được vượt qua. Thường những điều nầy chính là những yếu tố đánh dấu phong trào di cư, do đó nối kết di cư và nghèo đói. Chạy trốn khỏi tình trạng nghèo đói cùng cực hay ngược đãi với hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn, hoặc đơn giản là để gìn giữ cuộc sống của mình, hàng triệu người chọn lựa để di cư. Mặc dù những hy vọng và ngóng chờ của mình, họ thường gặp phải sự ngờ vực, từ chối và loại trừ, chưa nói đến những thảm kịch và tai họa xúc phạm đến nhân phẩm của họ.

Thực tế của di cư, với kích thước mới của nó trong thời đại toàn cầu hóa của chúng ta, cần được tiếp cận và quản lý theo một cách thức mới, công bằng và hiệu quả; hơn bất cứ điều gì khác, việc này kêu gọi sự hợp tác quốc tế và tinh thần đoàn kết sâu xa và lòng trắc ẩn. Hợp tác ở các cấp độ khác nhau rất quan trọng, bao gồm cả việc áp dụng rộng rãi các chính sách và luật lệ nhằm bảo vệ và thăng tiến con người. Đức Thánh Cha Benedict XVI đã phác thảo các thông số của các chính sách đó, nói rằng chúng “cần được đặt ra từ sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia gốc gác của những người di cư và quốc gia là nơi đến của họ; chúng cần được đi kèm với những tiêu chuẩn quốc tế xứng hợp có thể phối hợp các hệ thống pháp luật khác nhau với một cái nhìn để bảo vệ các nhu cầu và quyền lợi của người di cư và gia đình họ, và đồng thời, những người của nước chủ nhà” (Caritas in Veritate, 62). Cùng nhau làm việc cho một thế giới tốt đẹp hơn đòi hỏi các quốc gia giúp đỡ lẫn nhau, trong một tinh thần sẵn sàng và tin tưởng, không dựng lên các rào cản không thể vượt qua. Một sự kết hợp tốt có thể là một nguồn động viên cho các nhà lãnh đạo chính phủ khi họ đối mặt với sự mất cân bằng kinh tế xã hội và sự toàn cầu hóa không được kiểm soát, chúng ở giữa trong số những nguyên nhân của các phong trào di cư trong đó các cá nhân là những nạn nhân hơn là nhân vật chính. Không một quốc gia có thể đơn độc phải đối mặt với những khó khăn liên quan đến hiện tượng này, hiện tượng bây giờ rất phổ biến đến nỗi nó ảnh hưởng đến tất cả các lục địa trong phong trào gấp đôi của nhập cư và di cư.

Cũng phải nhấn mạnh rằng sự hợp tác như thế cần bắt đầu với những nỗ lực của mỗi quốc gia để tạo điều kiện kinh tế và xã hội ở địa phương nhà tốt hơn, nhờ vậy di cư sẽ không là lựa chọn duy nhất còn lại cho những người tìm kiếm hòa bình, công lý, an ninh và tôn trọng đầy đủ nhân phẩm của họ. Việc tạo ra các cơ hội việc làm trong nền kinh tế địa phương cũng cần tránh sự tách biệt gia đình và bảo đảm rằng các cá nhân và các nhóm được hưởng các điều kiện ổn định và thanh bình.

Cuối cùng, trong khi xem xét tình hình của những người di cư và những người tỵ nạn, tôi còn muốn nêu ra một yếu tố khác trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, ấy là, việc loại bỏ các thành kiến và giả định trong việc tiếp cận với sự di cư. Cách thường xuyên, sự xuất hiện của những người di cư, người di tản, người tìm nơi trú ẩn và những người tị nạn làm phát sinh sự nghi ngờ và thù địch. Có một nỗi lo sợ rằng xã hội sẽ trở nên kém an toàn hơn, rằng bản sắc và văn hóa sẽ mất đi, rằng sự cạnh tranh việc làm sẽ trở nên khó khăn hơn và rằng thậm chí hoạt động tội phạm sẽ gia tăng. Các phương tiện truyền thông có một vai trò trách nhiệm lớn trong vấn đề này: việc của họ, trên thực tế, là để phá vỡ các định kiến và cung cấp thông tin chính xác trong khi báo cáo các lỗi lầm của một số ít cũng như sự trung thực, ngay thẳng và tốt lành của đa số. Một sự thay đổi trong thái độ đối với những người di cư và những người tị nạn là cần thiết về phía tất cả mọi người, bước ra khỏi thái độ phòng thủ và sợ hãi, sự thờ ơ và gạt ra ngoài lề -tất cả nét đặc trưng của một nền văn hóa vứt bỏ- đến với những thái độ đặt nền tảng trên một nền văn hóa gặp gỡ, nền văn hóa duy nhất có khả năng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, công bằng hơn và đầy tình huynh đệ. Các phương tiện truyền thông được mời gọi để nắm lấy “sự chuyển đổi thái độ” nầy và để thúc đẩy sự thay đổi nầy trong cách thức mà những người di cư và những người tị nạn được đối xử.

Tôi nghĩ đến việc ngay cả Thánh Gia Nazareth đã kinh nghiệm sự loại bỏ đầu tiên như thế nào: Đức Maria “sinh con trai đầu lòng, lấy tả bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2:7). Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse đã biết rời bỏ đất nước của mình và trở thành người di cư là có ý nghĩa gì: bị đe dọa bởi sự ham muốn quyền lực của vua Hêrôđê, họ bị buộc phải chạy trốn và tìm nơi ẩn náu ở Ai Cập (x. Mt 2:13-14). Nhưng trái tim từ mẫu của Mẹ Maria và tấm lòng nhân ái của Thánh Giuse, Đấng bảo vệ của Thánh Gia, không bao giờ nghi ngờ rằng Thiên Chúa sẽ luôn luôn ở với họ. Qua sự cầu bàu của các Ngài, xin cho sự chắc chắn trung kiên đó ở lại trong cõi lòng của mọi người di cư và người tỵ nạn.

Giáo hội, đáp lại lệnh truyền của Đức Kitô để “ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”, được mời gọi để trở thành Dân Thiên Chúa bao gồm tất cả các dân tộc và mang lại cho họ sự truyền rao Tin Mừng, để khuôn mặt của mỗi người mang dấu ấn của khuôn mặt Chúa Kitô! Ở đây chúng ta tìm thấy nền tảng sâu xa nhất của phẩm giá của con người, cái luôn luôn phải được tôn trọng và bảo vệ. Không hẳn các tiêu chuẩn về hiệu quả, năng suất, giai cấp xã hội, hoặc dân tộc hay tín đồ tôn giáo đặt nền tảng cho phẩm giá đó của con người, mà đúng hơn là cái sự thật được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống Ngài (x. St 1:26-27) và, thậm chí cũng như vậy, là con cái của Thiên Chúa. Mỗi con người là một người con của Thiên Chúa! Người đó mang hình ảnh của Chúa Kitô! Chính chúng ta cần phải nhìn thấy, và sau đó làm cho những người khác nhìn thấy, người di cư và người tị nạn không chỉ đại diện cho một vấn đề cần giải quyết, nhưng là anh chị em cần được chào đón, tôn trọng và yêu thương. Họ là một cơ hội mà Đấng Quan Phòng trao ban cho chúng ta để giúp xây dựng một xã hội công bằng hơn, một nền dân chủ hoàn hảo hơn, một quốc gia đoàn kết hơn, một thế giới huynh đệ hơn và một cộng đồng Kitô hữu cởi mở hơn và thấm đẫm Tin Mừng. Di cư có thể đem lại khả năng cho việc tân phúc âm hóa, mở ra triển vọng cho sự phát triển một nhân loại mới được báo trước trong mầu nhiệm vượt qua: một nhân loại mà đối với nó, mỗi đất nước xa lạ là một quê hương và mỗi quê hương là một đất nước xa lạ.

Anh chị em di dân và tỵ nạn thân mến! Xin đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng rằng các bạn cũng đang đối diện với một tương lai an toàn hơn, rằng trên hành trình của các bạn, các bạn sẽ gặp một bàn tay đưa ra, và bạn có thể trải nghiệm sự liên đới huynh đệ và sự ấm áp hữu nghị! Cho tất cả các bạn, và cho những người đã cống hiến đời sống của mình và những nỗ lực của họ để giúp đỡ các bạn, tôi hứa sẽ cầu nguyện và tôi thân ái ban Phép Lành Tòa Thánh.

Vatican, ngày 05 tháng 8 năm 2013

PHANXICÔ

XT (theo ZENIT)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31