SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ XXXVI (21/11/2021) : HÃY CHỖI DẬY, THẾ GIỚI CẦN SỨC MẠNH CỦA CÁC CON !
« Cha hy vọng rằng tất cả chúng ta sẽ có thể sống các giai đoạn này như là những người hành hương thực sự chứ không như « những người du lịch đức tin » ! …. Chúng ta hãy mở ra để lắng nghe tiếng Người, cũng xuyên qua các anh chị em của chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ giúp nhau cùng nhau đứng dậy, và vào thời điểm lịch sử khó khăn này, chúng ta sẽ trở thành những ngôn sứ của thời đại mới, tràn đầy hy vọng. »
Đó là lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp cho Ngày Quốc tế Giới Trẻ lần thứ 36, sẽ diễn ra vào vào ngày 21/11/2021, lễ Chúa Kitô Vua, khi mời gọi các bạn trẻ hãy chỗi dậy và làm chứng cho tình thương của Thiên Chúa trong một thế giới đang cần đến họ, những người « đang mang trong tâm hồn mình sức mạnh tuyệt vời ».
Qua sứ điệp này, Đức Thánh Cha đã chọn thánh Phaolô làm mẫu gương cho các bạn trẻ trong việc nhận ra sự mù lòa của mình, biết chỗi dậy, thay đổi viễn cảnh và mạnh mẽ làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha cũng cảnh giác các bạn trẻ : « Bao nhiêu sức mạnh và đam mê cũng đang sống trong tâm hồn các con ! Nhưng nếu bóng tối quanh các con và trong các con ngăn cản các con nhìn thấy cách đúng đắn, thì các con có nguy cơ đánh mất chính mình trong các cuộc chiến đấu vô nghĩa, cho đến chỗ bạo lực. Và thật không may chính các con sẽ là những nạn nhân đầu tiên của nó, cũng như những người thân của các con. »
Nhưng với sứ điệp này, Đức Thánh Cha hy vọng « có thể giúp các con chuẩn bị cho thời gian mới, cho một trang mới trong lịch sử nhân loại. Nhưng, các bạn trẻ thân mến, không thể bắt đầu lại mà không có các con. Để đứng lên, thế giới cần sức mạnh của các con, nhiệt huyết của các con, đam mê của các con ».
Dưới đây là toàn văn sứ điệp :
« Ngươi hãy chỗi dậy : vì Ta đặt ngươi làm chứng nhân về những điều ngươi đã thấy ! » (x. Cv 26, 16)
Các bạn trẻ thân mến !
Cha muốn nắm lấy tay các con một lần nữa để cùng nhau tiếp tục cuộc hành hương thiêng liêng dẫn chúng ta đến Ngày Quốc tế Giới Trẻ ở Lisbonne vào năm 2023.
Năm ngoái, không lâu trước khi đại dịch lây lan, Cha đã kýmột sứ điệp mà chủ đề là « Hỡi thanh niên, Ta truyền cho anh, hãy chỗi dậy » (x. Lc 7, 14). Trong sự quan phòng của Ngài, Chúa đã muốn chuẩn bị cho chúng ta trước thách đố rất khó khăn mà chúng ta đang trải qua.
Trên khắp thế giới, người ta đã phải đối mặt với nỗi đau mất mát biết bao người thân yêu và sự cô lập xã hội. Cuộc khủng hoảng y tế đã ngăn cản, cả các con nữa, những bạn trẻ – vốn tự nhiên hướng đến thế giới bên ngoài -, không thể ra ngoài để đến trường, đến đại học, đi làm, gặp gỡ nhau… Các con đã ở trong những hoàn cảnh khó khăn mà các con không có thói quen đối phó. Những người ít được chuẩn bị và hỗ trợ hơn đã cảm thấy mất phương hướng. Trong nhiều trường hợp, các vấn đề gia đình đã xuất hiện, cũng như nạn thất nghiệp, sự trầm uất, sự cô đơn và chứng nghiện ngập. Chưa kể đến sự trầm cảm tích tụ, những căng thẳng và bùng phát giận dữ, sự gia tăng bạo lực.
Nhưng tạ ơn Chúa, đây không phải là mặt duy nhất của sự việc. Nếu thử thách đã cho chúng ta thấy những mong manh của chúng ta, thì nó cũng làm nổi bật các đức tính của chúng ta trong đó có thiên hướng liên đới. Tuy nhiên, trong thế giới chúng ta đã chứng kiến nhiều người, bao gồm nhiều bạn trẻ, đấu tranh vì sự sống, gieo niềm hy vọng, bảo vệ tự do và công lý, kiến tạo hòa bình và xây dựng những chiếc cầu.
Khi một bạn trẻ ngã xuống, thì, theo một nghĩa nào đó, đó là nhân loại ngã xuống. Nhưng cũng đúng rằng khi một bạn trẻ đứng lên, thì như thể toàn thế giới đứng lên. Các bạn trẻ thân mến, thật là tiềm năng lớn lao nằm trong tay các bạn ! Các bạn mang trong tâm hồn mình sức mạnh tuyệt vời !
Vì thế, cả ngày hôm nay nữa, Thiên Chúa nói với mỗi người trong các bạn : « Hãy chỗi dậy ! ». Cha hết lòng hy vọng rằng sứ điệp này có thể giúp các con chuẩn bị cho thời gian mới, cho một trang mới trong lịch sử nhân loại. Nhưng, các bạn trẻ thân mến, không thể bắt đầu lại mà không có các con. Để đứng lên, thế giới cần sức mạnh của các con, nhiệt huyết của các con, đam mê của các con. Chính theo nghĩa này mà Cha muốn suy niệm với các con về đoạn sách Công vụ Tông đồ trong đó Chúa Giêsu nói với thánh Phaolô : « Ngươi hãy chỗi dậy ! Ta làm cho ngươi trở thành chứng nhân về những gì ngươi đã thấy » (x. Cv 26, 16).
Thánh Phaolô, chứng nhân trước mặt nhà vua
Câu Thánh Kinh làm chủ đề cho Ngày Quốc tế Giới Trẻ 2021 được rút ra từ chứng tá của thánh Phaolô trước mặt vua Agrippa, khi ngài ở trong tù. Ngài đã từng là kẻ thù và bách hại các Kitô hữu, giờ đây bị xét xử vì niềm tin của mình vào Chúa Kitô. Khoảng hai mươi lăm năm sau, thánh Tông đồ kể lại lịch sử của mình và tình tiết căn bản của cuộc gặp gỡ của ngài với Chúa Kitô.
Thánh Phaolô thú nhận rằng, trong quá khứ, ngài từng bách hại các Kitô hữu, cho đến một ngày nó, khi ngài đi đến Damas để bắt một số Kitô hữu, thì một ánh sáng « chói lọi hơn mặt trời » đã bao phủ ngài và những người bạn đồng hành của ngài (x. Cv 26, 13), nhưng chỉ mình ngài mới nghe được « một giọng nói » : Chúa Giêsu đã nói với ngài và gọi đích danh ngài.
« Saolô, Saolô ! »
Chúng ta hãy cùng nhau đào sâu sự kiện này. Khi gọi đích danh ngài, Chúa cho Saolô hiểu rằng Người biết ngài cách cá nhân. Như thể Người nói với ngài : « Ta biết ngươi là ai, Ta biết ngươi đang mưu toan gì, tuy vậy, Ta vẫn nói với ngươi ». Chúa gọi ngài hai lần, như là dấu hiệu của một ơn gọi đặc biệt và rất quan trọng, như Người đã từng làm với Môisê (x. Xh 3, 4) và với Samuel (x. 1S 3, 10). Khi ngã xuống đất, Saolô nhân ra mình là chứng nhân cho một cuộc biểu lộ thần linh, một mạc khải mạnh mẽ làm cho ngài đảo lộn, nhưng không hủy diệt ngài, trái lại, còn gọi đích danh ngài.
Quả thế, chỉ một cuộc gặp gỡ cá nhân, không khuyết danh với Chúa Kitô mới thay đổi cuộc sống. Chúa Giêsu cho thấy rằng Người biết rõ Saolô, « Người biết ông từ bên trong ». Cho dù Saolô là một kẻ bách hại, cho dù trong tâm hồn ông có hận thù với các Kitô hữu, Chúa Giêsu biết rằng điều đó là do sự thiếu hiểu biết và Người muốn chứng tỏ lòng thương xót của mình nơi ông. Ân sủng này, tình yêu nhưng không và vô điều kiện này, sẽ là ánh sáng biến đổi đời sống của Saolô cách triệt để.
« Lạy Chúa, Ngài là ai ? »
Đối diện với sự hiện diện thần bí đang gọi đích danh ông, Saolô hỏi : « Lạy Chúa, Ngài là ai ? » (Cv 26, 15). Câu hỏi này là hết sức quan trọng và trong đời sống, sớm hay muộn, tất cả chúng ta đều phải đặt ra. Nghe người khác nói về Chúa Kitô mà thôi thì không đủ, điều quan trọng là phải nói chuyện cách cá nhân với Người. Thực ra, cầu nguyện là thế đó. Đó là thưa chuyện trực tiếp với Chúa Giêsu, ngay cả khi có lẽ chúng ta đang có một tâm hồn hỗn độn, một tâm trí đầy nghi ngờ hay thậm chí là coi khinh Chúa Kitô và các Kitô hữu. Cha cầu chúc cho mỗi bạn trẻ, từ đáy lòng mình, đi đến chỗ đặt ra câu hỏi này : « Lạy Chúa, Ngài là ai ? ».
Chúng ta không thể cho rằng tất cả mọi người đều biết Chúa Giêsu, ngay cả vào kỷ nguyên internet. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra cho Chúa Giêsu và cho Giáo hội là thế này : « Ngài là ai ? ». Trong toàn bộ trình thuật về ơn gọi của thánh Phaolô, đó là lần duy nhất mà Người nói. Và trước câu hỏi của ông, Chúa trả lời ngay : « Ta là Giêsu mà ngươi đang bách hại » (ibid.).
« Ta là Giêsu mà ngươi đang bách hại ! »
Qua câu trả lời này, Chúa Giêsu mạc khải cho Saolô một mầu nhiệm lớn lao : sự kiện Người đồng hóa với Giáo hội, với các Kitô hữu. Cho đến lúc đó, Saolô đã không thấy gì về Chúa Kitô ngoại trừ các tín hữu mà ông đã tống ngục (x. Cv 26, 10), mà chính ông đã bỏ phiếu kết án tử (ibid.). Và ông đã chứng kiến các Kitô hữu đã đáp trả sự dữ bằng sự thiện, lòng hận thù bằng tình yêu như thế nào, bằng cách chấp nhận những bất công, những bạo lực, những vu khống và bách hại phải chịu đựng vì danh Chúa Kitô. Vì thế, để thấy rõ ràng, Saolô cách nào đó – mà ông không biết – đã gặp được Chúa Kitô : ông đã gặp được Người nơi các Kitô hữu !
Bao nhiêu lần chúng ta đã nghe nói : « Chúa Giêsu, vâng ; Giáo hội, không », như thể cả hai có thể hoán đổi cho nhau. Chúng ta không thể biết Chúa Giêsu mà không biết Giáo hội. Chúng ta chỉ có thể biết Chúa Giêsu qua các anh chị em trong cộng đồng của Người. Chúng ta không thể cho mình hoàn toàn là Kitô hữu nếu chúng ta không sống chiều kích Giáo hội của đức tin.
« Giơ chân đạp mũi nhọn thì khốn cho ngươi »
Đó là những lời mà Chúa Giêsu đã nói với Saolô sau khi ông ngã xuống đất. Nhưng như thể Người đã nói với ông cách mầu nhiệm từ lâu rồi, bằng cách cố gắng thu hút ông đến với mình, và Saolô đã chống lại. Chính « lời trách cứ » dịu dàng này, Chúa đang nói với mỗi bạn trẻ xa rời Người : « Con sẽ chạy trốn xa Ta cho đến khi nào ? Tại sao con không nghe thấy Ta đang gọi con ? Ta đang đợi con quay trở về ». Như ngôn sứ Giêrêmia, đôi khi chúng ta nói : « Con sẽ không còn nghĩ đến Người nữa » (Gr 20, 9). Nhưng trong tâm hồn mỗi người, như có ngọn lửa rực cháy : Cho dù chúng ta cố gắng kìm Người lại, nhưng chúng ta không thành công, bởi vì Người mạnh mẽ hơn chúng ta.
Chúa thậm chí chọn một người bách hại Người, hoàn toàn thù nghịch với Người và các môn đệ của Người. Nhưng không có ai là bất khả thu hồi đối với Thiên Chúa. Qua cuộc gặp gỡ cá nhân với Người, việc bắt đầu lại là điều luôn có thể được. Không một người trẻ nào ở ngoài tầm của ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta không thể nói với bất cứ ai : anh ta đã đi quá xa…đã quá muộn…Bao nhiêu bạn trẻ, dù say sưa chống lại và lội ngược dòng, nhưng vẫn ẩn chứa trong tâm hồn nhu cầu dấn thân, yêu thương hết sức mình, đồng hóa với một sứ mạng ! Chúa Giêsu thấy rõ điều đó nơi bạn trẻ Saolô.
Nhìn nhận sự mù quáng của mình
Chúng ta có thể hình dung rằng, trước khi gặp được Chúa Kitô, theo một nghĩa nào đó, Saolô đã « đầy ứ chính mình », tự cho mình là « cao cả » qua sự chính trực luân lý, lòng nhiệt thành, nguồn gốc và văn hóa của mình. Chắc chắn ông xác tín rằng mình đúng. Nhưng, khi Chúa tỏ mình ra cho ông, ông đã bị « quật ngã » và nhận ra mình mù lòa. Đột nhiên, ông khám phá ra rằng ông không có khả năng nhìn thấy không chỉ về mặt thể lý, nhưng còn về mặt tinh thần nữa. Những xác tín của ông bị lung lay. Trong tâm hồn ông, ông cảm thấy rằng những gì đã từng thúc đẩy ông với bao say mê – lòng nhiệt thành loại trừ các Kitô hữu – là hoàn toàn sai lầm. Ông ý thức bản thân không phải là người nắm giữ hoàn toàn chân lý, trái lại còn rất xa rời. Và, cũng như những xác tín của ông, « sự cao cả » của ông cũng lung lay. Bất ngờ, ông thấy mình lạc lõng, mong manh, « nhỏ bé ».
Sự khiêm tốn này – ý thức về những giới hạn của mình – là điều căn bản ! Người nào nghĩ mình biết tất cả về chính mình, về tha nhân và ngay cả những chân lý tôn giáo, sẽ khó gặp được Chúa Kitô. Saolô, bị mù lòa, đã mất đi những điểm tựa. Một mình, trong bóng tối, những điều rõ ràng duy nhất đối với ông là ánh sáng mà ông đã thấy và tiếng nói ông đã nghe. Thật nghịch lý : chính khi chúng ta nhìn nhận mình mù lòa mà chúng ta mới bắt đầu nhìn thấy.
Sau khi bị mù trên đường đi Damas, Saolô thích được gọi là Phaolô hơn, nghĩa là « nhỏ bé ». Đây không phải là biệt danh hay « danh xưng nghệ sĩ » – ngày nay rất được thích dùng ngay cả nơi người bình thường : cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô đã khiến ngài cảm thấy mình thực sự như thế, bằng cách phá đổ bức tường ngăn cản ngài nhận biết mình trong chân lý. Ngài đã khẳng định về chính mình : « Tôi, tôi là kẻ nhỏ bé nhất trong các Tông đồ, tôi không đáng được gọi là Tông đồ, vì tôi đã bách hại Giáo hội của Thiên Chúa » (1Cr 15, 9).
Thánh Têrêxa Lisieux, như các vị thánh khác, thích lặp đi lặp lại rằng khiêm tốn là chân lý. Ngày nay, có nhiều « câu chuyện » tô điểm thêm ngày sống của chúng ta, cách riêng trên các mạng xã hội, thường được xây dựng cách giả tạo với nhiều đồ trang trí, các máy quay phim, nhiều hình nền khác nhau. Người ta ngày càng tìm kiếm những ánh sáng của sân khấu, được định hướng cách thông minh, để có thể cho « các bạn bè » và « những người theo dõi » thấy một hình ảnh về chính mình vốn thường không phản ảnh chân lý của chúng ta. Chúa Kitô, ánh sáng ban ngày, đến soi sáng cho chúng ta và trả lại cho chúng ta tính đích thực của chúng ta, bằng cách giải thoát chúng ta khỏi tất cả các chiếc mặt nạ. Người cho chúng ta thấy cách rõ nét chúng ta là gì, bởi vì Người yêu thương chúng ta như chúng ta là.
Thay đổi viễn cảnh
Sự hoán cải của thánh Phaolô không phải là sự quay trở lại đằng sau, nhưng là mở ra cho một viễn cảnh hoàn toàn mới mẻ. Quả thế, ngài tiếp tục con đường đến Damas, nhưng ngài không còn là người trước đây nữa, ngài là một người khác (x. Cv 22, 10). Chúng ta có thể hoán cải và đổi mới trong đời sống thường ngày, bằng cách làm những điều mà chúng ta có thói quen làm, nhưng với tâm hồn được biển đổi và những động cơ khác biệt. Trong trường hợp này, Chúa Giêsu dứt khoát đòi hỏi thánh Phaolô đi đến Damas nơi ngài đang đến. Thánh Phaolô vâng lời, nhưng bây giờ mục đích và viễn cảnh của chuyến đi của ngài đã thay đổi tận căn. Từ nay, ngài sẽ nhìn thực tại với cái nhìn mới mẻ. Trước đó, chúng là những mục đích và viễn cảnh của người bách hại thích làm sáng tỏ công lý, từ nay chúng sẽ là mục đích và viễn cảnh của người môn đệ chứng nhân. Ở Damas, Anania đã rửa tội cho ngài và giới thiệu ngài cho cộng đoàn Kitô hữu. Trong thinh lặng và cầu nguyện, thánh Phaolô sẽ đào sâu kinh nghiệm của riêng mình và căn tính mới mẻ được Chúa Giêsu ban cho ngài.
Đừng dập tắt sức mạnh và đam mê của các bạn trẻ
Thái độ của thánh Phaolô trước khi gặp Chúa Kitô phục sinh không xa lạ lắm với chúng ta. Các bạn trẻ thân mến, bao nhiêu sức mạnh và đam mê cũng đang sống trong tâm hồn các con ! Nhưng nếu bóng tối quanh các con và trong các con ngăn cản các con nhìn thấy cách đúng đắn, thì các con có nguy cơ đánh mất chính mình trong các cuộc chiến đấu vô nghĩa, cho đến chỗ bạo lực. Và thật không may chính các con sẽ là những nạn nhân đầu tiên của nó, cũng như những người thân của các con. Cũng có nguy cơ đấu tranh vì những nguyên do mà, lúc đầu, bảo vệ các giá trị đúng đắn, nhưng rồi, đi đến chỗ phẫn nộ, lại trở thành những ý thức hệ hủy hoại. Bao nhiêu bạn trẻ ngày nay, có lẽ được thúc đẩy bởi những xác tín chính trị hay tôn giáo của mình, cuối cùng trở thành những công cụ bạo lực và hủy hoại trong đời sống của nhiều người ! Một số bạn trẻ, sinh ra vào kỷ nguyên kỹ thuật số, tìm thấy nơi môi trường ảo và trên các mạng xã hội chiến trường mới, không do dự nại đến vũ khí tin giả để loan truyền sự độc hại và làm mất uy tín đối thủ của mình.
Khi Chúa đi vào cuộc đời của thánh Phaolô, Người không hủy bỏ nhân cách của ngài, Người không xóa bỏ lòng nhiệt thành và đam mê của ngài, nhưng Người dùng những tư chất của ngài để biến ngài thành người loan báo Tin Mừng vĩ đại cho đến tận cùng trái đất.
Tông đồ của các dân tộc
Sau này, thánh Phaolô sẽ được biết như là « Tông đồ của các dân tộc » : ngài từng là một Pharisêu chu đáo tuân giữ Lề luật ! Đây là một nghịch lý khác : Chúa đặt sự tin tưởng của Người chính nơi kẻ đã bách hại Người. Như thánh Phaolô, mỗi người chúng ta, tự đáy lòng mình, có thể nghe thấy tiếng nói với ngài : « Ta tin tưởng vào con. Ta biết lịch sử của con và Ta nắm lấy nó trong tay Ta, cùng với con. Ngay cả khi con thường chống lại Ta, Ta chọn con và biến con thành chứng nhân của Ta ». Lôgíc của Thiên Chúa có thể biến kẻ bách hại tồi tệ nhất thành một chứng nhân vĩ đại.
Người môn đệ của Chúa Kitô được kêu gọi trở thành « ánh sáng thế gian » (Mt 5, 14). Thánh Phaolô phải làm chứng cho điều mình đã thấy, nhưng bây giờ ngài bị mù. Một lần nữa chúng ta đang ở trong sự nghịch lý ! Nhưng chính qua kinh nghiệm cá nhân của mình, thánh Phaolô sẽ có thể đồng hóa với những người mà Chúa sai ngài đến. Quả thế, ngài đã được đặt làm chứng nhân « để mở mắt cho họ, để dẫn đưa họ từ bóng tối đến cùng ánh sáng » (Cv 26, 18).
« Hãy chỗi dậy và làm chứng ! »
Khi đón nhận sự sống mời được ban cho chúng ta trong phép Rửa tội, chúng ta cũng đón nhận một sứ mạng từ Chúa : « Ngươi sẽ là chứng nhân của Ta ! » . Đó là một sứ mạng mà cần phải dâng hiến bản thân, thay đổi cuộc sống.
Ngày nay, lời Chúa Kitô mời gọi thánh Phaolô được gởi đến cho mỗi người trẻ trong các con : Hãy chỗi dậy ! Con không thể ở trên mặt đất để « thương hại cho số phận của con », có một sứ mạng đang chờ đợi con ! Con cũng thế, con có thể làm chứng nhân cho những công việc mà Chúa Giêsu đã bắt đầu thực hiện nơi con. Đó là lý do vì sao, nhân danh Chúa Kitô, cha nói với con :
– Hãy chỗi dậy và làm chứng cho kinh nghiệm mù lòa đã gặp được ánh sáng của con, đã thấy được sự thiện hảo và vẻ đẹp của Thiên Chúa nơi chính Ngừoi, nơi những người khác và nơi sự hiệp thông của Giáo hội vốn thắng vượt mọi nỗi cô độc.
– Hãy chỗi dậy và làm chứng cho tình yêu và lòng tôn trọng mà Người có thể thiết lập trong các mối tương quan nhân loại, trong đời sống gia đình, trong sự đối thoại giữa các bậc cha mẹ và con cái, giữa người trẻ và người cao tuổi.
– Hãy chỗi dậy và bảo vệ công bằng xã hội, sự thật và lẽ phải, nhân quyền, những người bị bách hại, người nghèo và dễ bị tổn thương, những người không có tiếng nói trong xã hội, những người nhập cư.
– Hãy chỗi dậy và làm chứng cho cái nhìn mới mẻ khiến cho con nhìn thấy công trình tạo dựng với đôi mắt đầy thán phục, khiến con nhìn nhận Trái Đất như là ngôi nhà chung của chúng ta và mang lại cho con sự can đảm bảo vệ nền sinh thái toàn diện.
– Hãy chỗi dậy và làm chứng rằng những cuộc sống thất bại có thể được xây dựng lại, những người đã chết về tinh thần có thể phục sinh, những người nô lệ có thể trở lại tự do, những tâm hồn bị đè nặng bởi nỗi buồn có thể thấy lại hy vọng.
– Hãy chỗi dậy và vui sướng làm chứng rằng Chúa Giêsu đang sống ! Hãy lan tỏa sứ điệp yêu thương và cứu độ của Người cho những người cùng tuổi với con, ở trường học, ở đại học, nơi làm việc, trong thế giới kỹ thuật số, ở khắp mọi nơi.
Chúa, Giáo hội, Đức Giáo hoàng, tin tưởng vào các con và các con là những chứng nhân cho nhiều người trẻ khác mà chúng con gặp gỡ trên « những con đường Damas » của thời đại chúng ta. Các con đừng quên : « Nếu ai đó thực sự cảm nghiệm về tình thương cứu độ của Thiên Chúa, thì họ không cần nhiều thời gian chuẩn bị để đi loan báo tình thương đó, họ không thể chờ đợi đón nhận nhiều bài học hay những huấn thị dài dòng. Mọi Kitô hữu đều là thừa sai trong chừng mực họ đã gặp được tình thương của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô » (Tông huấn Evangelii gaudium, số 120).
Các con hãy chỗi dậy và cử hành Ngày Quốc tế Giới Trẻ tại các Giáo hội địa phương của mình !
Một lần nữa cha mời gọi tất cả con con, những người trẻ trên khắp thế giới, tham dự vào cuộc hành hương thiêng liêng này vốn sẽ dẫn chúng ta đến cử hành Ngày Quốc tế Giới Trẻ ở Lisbonnne vào năm 2023. Tuy nhiên, cuộc hẹn sắp đến là tại các Giáo hội địa phương của các con, nơi các giáo phận khác nhau trên toàn thế giới mà, vào ngày lễ Chúa Kitô Vua, Ngày Quốc tế Giới Trẻ 2021 sẽ được cử hành ở cấp địa phương.
Cha hy vọng rằng tất cả chúng ta sẽ có thể sống các giai đoạn này như là những người hành hương thực sự chứ không như « những người du lịch đức tin » ! Chúng ta hãy mở mình ra cho sự ngạc nhiên của Thiên Chúa, Đấng muốn chiếu tỏ ánh sáng của Người trên hành trình của chúng ta. Chúng ta hãy mở ra để lắng nghe tiếng Người, cũng xuyên qua các anh chị em của chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ giúp nhau cùng nhau đứng dậy, và vào thời điểm lịch sử khó khăn này, chúng ta sẽ trở thành những ngôn sứ của thời đại mới, tràn đầy hy vọng ! Xin Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc cầu bàu cho chúng ta.
Rôma, Đền thờ thánh Gioan Latêranô, ngày 14/9/2021, ngày lễ Suy tôn Thánh Giá.
PHANXICÔ
——————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Xem thêm
NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG MỤC VỤ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ Ở CẤP ĐỊA PHƯƠNG ở đây.
Tags: Giới trẻ, Phanxicô-I, thánh Phaolô
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?