SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI DI DÂN VÀ TỴ NẠN 2021 : HƯỚNG ĐẾN MỘT CHÚNG TA NGÀY CÀNG RỘNG LỚN HƠN
« Chúng ta đừng sợ ước mơ và cùng nhau thực hiện nó như một nhân loại duy nhất », Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi trong sứ điệp cho Ngày thế giới Di dân và Tỵ nạn lần thứ 107, được công bố hôm 6/5/2021. Ngài mời gọi « vượt lên những nỗi sợ hãi của chúng ta » và « biến các biên giới thành những nơi gặp gỡ ưu việt ».
Nhằm hướng đến ngày này sẽ được cử hành vào ngày 26/9/2021, Đức Phanxicô mong ước « một chúng ta duy nhất, rộng lớn như toàn thể nhân loại ». Ngài đưa ra lời kêu gọi cho người Công giáo, nhưng còn cho « tất cả người nam và người nữ trên thế giới », « tạo lại gia đình nhân loại, để cùng nhau xây dựng tương lai công lý và hòa bình của chúng ta, bằng cách làm sao đừng để ai bị loại trừ ».
Chúng ta cũng cần nhớ rằng cho Ngày thế giới này, Đức Phanxicô đã chọn chủ đề « Hướng đến một « chúng ta » ngày càng rộng lớn hơn » – dựa theo một trích dẫn thông điệp Fratelli Tutti của ngài : « Mong sao cuối cùng không còn « những kẻ khác » nữa, nhưng đúng hơn là một « chúng ta » mà thôi ! » (số 35).
Dưới đây là toàn văn sứ điệp :
« Hướng đến một chúng ta ngày càng rộng lớn hơn »
Anh chị em thấn mến !
Trong Thông điệp Fratelli tutti, tôi đã bày tỏ một mối bận tâm và một ước muốn, mà vẫn còn chiếm một chỗ quan trọng trong tâm hồn tôi: “Sau cuộc khủng hoảng y tế, phản ứng tồi tệ nhất của chúng ta là càng sa vào cơn sốt tiêu thụ và những hình thức mới của việc ích kỷ bảo vệ bản thân. Mong sao cuối cùng không còn “những kẻ khác” nữa, nhưng đúng hơn là một “chúng ta” mà thôi!” (số 35).
Đó là lý do tại sao tôi nghĩ dành sứ điệp Ngày thế giới di dân và tỵ nạn lần thứ 107 cho chủ đề này : « Hướng đến một chúng ta ngày càng rộng lớn hơn », qua đó mong ước chỉ ra một chân trời rõ ràng cho hành trình chung của chúng ta trong thế giới này.
Lịch sử của « chúng ta »
Chân trời này hiện diện trong kế hoạch tạo dựng của chính Thiên Chúa : « Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài, theo hình ảnh của Thiên Chúa Ngài đã tạo dựng con người, Ngài đã tạo dựng họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc lành cho họ và nói: ‘Hãy sinh sôi nảy nở’” (Stk 1, 2728). Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta có nam có nữ, những hữu thể khác nhau và bổ túc cho nhau để cùng nhau làm nên một chúng ta có vận mệnh trở nên luôn rộng lớn hơn nữa với sự nhân tăng các thế hệ. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài, theo hình ảnh của Một Thiên Chúa Độc Nhất và Ba Ngôi Vị, sự hiệp thông trong đa dạng.
Và, do sự bất tuân của con người, khi con người quay lưng lại với Thiên Chúa, thì Ngài, vì lòng thương xót, đã muốn mang lại một con đường hòa giải không phải cho các cá nhân, nhưng cho một dân tộc, cho một chúng ta có vận mệnh bao hàm toàn thể gia đình nhân loại, tất cả các dân tộc: “Đây là nhà của Thiên Chúa ở với loài người! Ngài sẽ ở với họ, và họ sẽ là dân của Ngài, và chính Ngài, Thiên Chúa ở với họ, sẽ là Thiên Chúa của họ” (Kh 21, 3).
Vì thế, lịch sử cứu độ nhìn thấy một chúng ta lúc khởi đầu và một chúng ta lúc tận cùng, và ở trung tâm là mầu nhiệm Chúa Kitô, chết và phục sinh « để tất cả mọi người được nên một » (Ga 17, 21). Thế nhưng, thời gian hiện tại cho chúng ta thấy rằng cái “chúng ta” mà Thiên Chúa mong muốn bị phá vỡ và phân mảnh, bị tổn thương và biến dạng. Và điều đó đặc biệt diễn ra trong những thời điểm khủng hoảng lớn, như cơn đại dịch hiện nay. Các chủ nghĩa quốc gia khép kín và gây hấn (x. Fratelli tutti, số 11) và chủ nghĩa cá nhân triệt để (x. số 105) xé nát hay chia rẽ cái chúng ta, cả trong thế giới lẫn trong Giáo hội. Và cái giá cao nhất là được trả bởi những người có thể trở nên những kẻ khác cách dễ dàng nhất: người nước ngoài, người di cư, người bị gạt ra bên lề xã hội, đang sống nơi những vùng ngoại biên của cuộc sống.
Trên thực tế, tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền, và chúng ta được mời gọi dấn thân để không còn những bức tường tách rời chúng ta nữa, không còn những kẻ khác nữa, nhưng chỉ một chúng ta duy nhất, rộng lớn như toàn thể nhân loại. Đó là lý do tại sao tôi tận dụng ngày này để đưa ra một lời kêu gọi kép tiến bước cùng nhau hướng đến một chúng ta luôn rộng lớn hơn, bằng cách trước tiên nói với người tín hữu Công giáo rồi với tất cả người nam và người nữ trên thế giới.
Một Giáo hội ngày càng Công giáo hơn
Đối với các thành viên của Giáo hội Công giáo, lời kêu gọi này được thể hiện bằng một sự dấn thân ngày càng trung tín hơn với con người Công giáo của mình, bằng cách thực hiện những gì mà thánh Phaolô đã khuyến khích cho cộng đoàn Êphêsô: “Cũng như ơn gọi của anh chị em kêu gọi tất cả anh chị em đến một niềm hy vọng duy nhất, thì cũng thế chỉ có một Thân Thể và một Thánh Thần, chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa” (Êph 4, 4-5).
Thực ra, đặc tính công giáo của Giáo hội, tính phổ quát của Giáo hội, là một thực tại đòi hỏi được đón tiếp và sống ở mỗi thời đại, theo ý muốn và ân sủng của Chúa, Đấng đã hứa luôn ở cùng chúng ta, cho đến tận cùng thế giới (x. Mt 28, 20). Thánh Thần của Ngài làm cho chúng ta có khả năng ôm lấy mọi người để hiệp thông trong đa dạng, trong việc hài hòa các khác biệt mà không bao giờ áp đặt một sự đồng nhất làm mất đi phẩm cách nhân vị. Trong cuộc gặp gỡ với sự đa dạng của người nước ngoài, người di cư, người tỵ nạn và trong việc đối thoại liên văn hóa có thể nảy sinh từ đó, chúng ta có cơ hội lớn lên với tư cách là Giáo hội, làm phong phú lẫn nhau. Thực ra, dù ở đâu, mỗi người chịu phép rửa là một thành viên đầy đủ của cộng đoàn Giáo hội địa phương, một thành viên của Giáo hội duy nhất, một cư dân trong ngôi nhà duy nhất, một thành viên của gia đình duy nhất.
Các tín hữu Công giáo được mời gọi dấn thân, mỗi người từ cộng đoàn mình sống, để Giáo hội ngày càng trở nên bao hàm hơn, qua đó theo đuổi sứ mạng mà Chúa Giêsu Kitô giao phó cho các Tông đồ: “Dọc đường, hãy rao giảng rằng Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành các bệnh nhân, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được lành sạch, trừ khử ma quỷ. Anh em đã lãnh nhận cách nhưng không, thì hãy cho cách nhưng không” (Mt 10, 7-8).
Ngày nay, Giáo hội được mời gọi đi ra các nẻo đường của các vùng ngoại biên của cuộc sống để săn sóc những người bị thương tổn và tìm kiếm những người thất lạc, mà không thành kiến hay sợ hãi, không chiêu dụ tín đồ, nhưng sẵn sàng mở rộng căn lều của mình để đón tiếp mọi người. Trong số các cư dân của các vùng ngoại biên, chúng ta sẽ gặp thấy nhiều người di cư và tỵ nạn, những người di tản và các nạn nhân của hoạt động buôn người, mà Chúa muốn rằng tình yêu của Ngài được biểu lộ và ơn cứu độ của Ngài được rao giảng. “Dòng người di cư hiện tại làm nên một ‘hình thức’ truyền giáo mới, một cơ hội ưu việt để loan báo Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Ngài mà không rời bỏ môi trường của mình, để làm chứng cách cụ thể cho đức tin Kitô giáo trong bác ái và trong sự tôn trọng sâu xa những biểu lộ tôn giáo khác. Cuộc gặp gỡ với người di cư và tỵ nạn thuộc các xác tín và tôn giáo khác là một mảnh đất phong nhiêu cho việc phát triển một sự đối thoại đại kết và liên tôn chân thành và thêm phong phú” (Diễn văn cho các Giám đốc của các quốc gia về mục vụ cho người di cư, 22/9/2017).
Một thế giới ngày càng bao hàm hơn
Chính với tất cả người nam và người nữ trên thế giới mà tôi gởi lời kêu gọi tiến bước cùng nhau hướng đến một chúng ta ngày càng rộng lớn hơn, tạo lại gia đình nhân loại, để cùng nhau xây dựng tương lai công lý và hòa bình của chúng ta, bằng cách làm sao đừng để ai bị loại trừ.
Tương lai của các xã hội của chúng ta là một tương lai “đầy màu sắc”, được phong phú bởi sự đa dạng và các mối tương quan liên văn hóa. Đó là lý do tại sao ngày nay chúng ta phải học biết chung sống trong hài hòa và trong hòa bình. Tôi đặc biệt thích hình ảnh, ngày “chịu phép rửa” của Giáo hội vào lễ Hiện Xuống, của dân thành Giêrusalem lắng nghe lời rao giảng về ơn cứu độ ngay sau biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống: “Chúng ta là dân Pácthia, Mêđi và Êlam, là cư dân của vùng Mêxôpôtamia, Giuđê, Cáppađôkia, của tỉnh Pontô và Axia, có người là dân Phyghia và Pamphylia, từ Ai-cập và những vùng Libya giáp giới Kyrênê ; nào là những người từ Rôma đến đây; nào là người Do-thái cũng như người đạo theo ; nào là người đảo Cơrêta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2, 9-11).
Đó là lý tưởng về một Giêrusalem mới (x. Is 60; Kh 21, 3), nơi mà tất cả các dân tộc tập hợp lại với nhau trong hòa bình và hài hòa, tôn vinh lòng nhân từ của Thiên Chúa và những kỳ công của công trình tạo dựng. Nhưng để đạt tới lý tưởng này, tất cả chúng ta phải nỗ lực dẹp bỏ những bức tường ngăn cách chúng ta và xây dựng những chiếc cầu nâng đỡ nền văn hóa gặp gỡ, ý thức về mối liên kết mật thiết tồn tại giữa chúng ta. Trong viễn cảnh này, những cuộc di cư hiện nay mang lại cho chúng ta cơ hội vượt lên những nỗi sợ hãi của chúng ta để làm cho chúng ta nên phong phú nhờ sự đa dạng của ân huệ của mỗi người. Tiếp đến, nếu chúng ta muốn, chúng ta có thể biến các biên giới của chúng ta thành những nơi gặp gỡ ưu việt, ở đó phép lạ về một chúng ta ngày càng rộng lớn có thể triển nở.
Tôi xin tất cả người nam và người nữ trên thế giới sử dụng tốt những ân huệ mà Chúa đã giao phó cho chúng ta, để bảo toàn công trình tạo dựng của Ngài và làm cho nó càng đẹp đẽ hơn. “Một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, giao cho mỗi người mười nén bạc, rồi nói với họ: ‘Hãy lo làm ăn sinh lợi cho đến khi tôi trở về’”(Lc 19, 12-13). Chúa sẽ đòi chúng ta trả lời về những hành vi của chúng ta! Nhưng để đảm bảo ngôi nhà chung của chúng ta được bảo trì cách đúng đắn, chúng ta phải đặt mình trong một “chúng ta” ngày càng rộng lớn hơn, ngày càng đồng trách nhiệm hơn, với xác tín rằng mọi điều thiện hảo làm cho thế giới đều là đang làm cho thế hệ hiện nay và tương lai. Đó là một sự dấn thân cá nhân và tập thể, đảm nhận trách nhiệm tất cả các anh chị em sẽ tiếp tục đau khổ trong khi chúng ta tìm cách đạt tới một sự phát triển bền vững, quân bình và bao hàm hơn. Đó là một sự dấn thân không có bất kỳ phân biệt nào giữa người bản xứ và người nước ngoài, giữa dân và khách, vì đó là một kho tàng chung, và không ai bị loại trừ khỏi sự chăm sóc và quyền lợi của mình.
Ước mơ đã bắt đầu
Ngôn sứ Giô-en đã tiên báo rằng thời kỳ thiên sai sẽ như một kỷ nguyên đầy những ước mơ và thị kiến được Thánh Thần linh ứng: “Ta sẽ tuôn đổ thần khí của Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ nói tiên tri, người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến” (3,1). Chúng ta được mời gọi cùng nhau ước mơ. Chúng ta đừng sợ ước mơ và cùng nhau thực hiện nó như một nhân loại duy nhất, như những người bạn đồng hành, như những người con trai con gái của chính trái đất vốn là ngôi nhà chung của chúng ta, tất cả đều là anh chị em (x. Fratelli tutti, số 8).
Lời nguyện
Lạy Cha rất thánh và yêu mến,
Con của Cha là Chúa Giêsu đã dạy chúng con
rằng trên trời sẽ hân hoan vui mừng
khi một người lạc mất
được tìm thấy,
khi một người bị loại trừ, ruồng rẫy hay gạt bỏ
được đón tiếp một lần nữa trong cái chúng ta của chúng con,
để như thế trở nên ngày càng rộng lớn hơn.
Chúng con cầu xin Cha ban cho tất cả các môn đệ của Chúa Giêsu
và cho tất cả những người thành tâm thiện chí
ân sủng thực thi thánh ý Cha trên thế giới.
Xin Cha chúc lành cho mỗi cử chỉ đón tiếp và giúp đỡ
đặt tất cả những ai đang lưu đày
trong cái chúng ta của cộng đồng và của Giáo hội,
để trái đất của chúng con có thể trở thành,
như Cha đã tạo thành nó,
ngôi nhà chung của tất cả anh chị em. Amen.
Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 3 /5/2021, Lễ thánh Philipphê và Giacôbê, Tông đồ
PHANXICÔ
————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(theo ZENIT)
Migrants et réfugiés : « surmonter nos peurs », invite le pape
Tags: Di dân, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- CHA ROBERTO PASOLINI, TÂN GIẢNG THUYẾT CỦA PHỦ GIÁO HOÀNG
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC TRỰC TUYẾN ĐÒI HỎI MỘT QUY ĐỊNH MỚI
- ĐHY PAROLIN GỬI LỜI CHÚC TỐT ĐẸP NHẤT TỚI TRUMP VỀ CHIẾN THẮNG BẦU CỬ
- NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TRÚT BỎ NHỮNG GÌ THỪA THÃI VÀ TIẾN BƯỚC HƯỚNG TỚI NIỀM HY VỌNG