SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI ÔNG BÀ VÀ NGƯỜI CAO TUỔI LẦN II : KIẾN TẠO CUỘC CÁCH MẠNG CỦA SỰ DỊU DÀNG
Trong Sứ điệp này, Đức Thánh Cha mời gọi các ông bà và người cao tuổi « sống một tuổi già tích cực » và « hãy trở thành những người kiến tạo cuộc cách mạng của sự dịu dàng », « để cùng nhau giải thoát thế giới khỏi bóng tối của sự cô đơn và của con quỷ chiến tranh ».
« Tuổi già không phải là một thời gian vô ích lúc chúng ta phải rút lui và đồng thời ngừng tiến bộ, nhưng là một mùa mà chúng ta có thể tiếp tục sinh hoa kết trái : một sứ mạng mới đang chờ đợi chúng ta và mời gọi chúng ta hướng nhìn về tương lai. » Đức Phanxicô mời gọi và nhắc nhở như thế trong Sứ điệp cho Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao Tuổi lần II, sẽ được cử hành vào ngày 24/7 sắp tới.
« Đó là sự đóng góp của chúng ta vào cuộc cách mạng của sự dịu dàng , một cuộc cách mạng tinh thần và và giải trừ vũ khí mà, … tôi mời gọi anh chị em trở thành những nhân vật chính », Đức Thánh Cha nói tiếp.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh với người cao tuổi : « Chúng ta có một trách nhiệm to lớn : dạy cho những người nam và người nữ của thời đại chúng ta nhìn người khác bằng chính cái nhìn thấu hiểu và dịu dàng như chúng ta dành cho các cháu chắt của mình. …. Có lẽ điều đó có thể được coi như yếu đuối hay khuất phục, nhưng chính những người hiền lành, chứ không phải những kẻ hiếu chiến và trục lợi sẽ nhận được đất hứa làm gia nghiệp (x. Mt 5, 5) ».
“Tôi mời gọi anh chị em loan báo Ngày này trong các giáo xứ và cộng đoàn của mình ; đi tìm những người cao tuổi neo đơn nhất, ở nhà hay các nơi cư trú của họ. Chúng ta hãy làm sao để không ai sống ngày này trong sự neo đơn.“
Dưới đây là toàn văn Sứ điệp của Đức Thánh Cha :
« Già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết quả » (Tv 92, 15)
Quý ông bà và người cao tuổi rất thân mến !
Câu Thánh vịnh 92, « Già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết quả » (c. 15), là một tin mừng, một « phúc âm » đích thực mà chúng ta có thể loan báo cho thế giới nhân Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao Tuổi lần II. Nó ngược với những gì thế giới nghĩ về độ tuổi này của cuộc sống ; và cả với thái độ cam chịu của một số người trong chúng ta, những người cao tuổi, tiến bước với ít hy vọng và không mong đợi gì hơn ở tương lai.
Nhiều người sợ tuổi già. Họ xem tuổi già như một thứ bệnh, tốt nhất nên tránh bất kỳ loại tiếp xúc nào : người cao tuổi không liên quan đến chúng ta – họ nghĩ thế – và thật thích hợp khi người cao tuổi ở càng xa càng tốt, có lẽ giữa họ với nhau, trong các cơ cấu chăm sóc họ và bảo vệ chúng ta khỏi gánh lấy nỗi buồn rầu của họ. Đó là « nền văn hóa vứt bỏ » : não trạng này, trong khi khiến chúng ta cảm thấy khác với những người yếu đuối nhất và xa lạ với sự mong manh của họ, cho phép chúng ta tưởng tượng những con đường tách rời giữa « chúng ta » và « họ ». Nhưng, trên thực tế, như Thánh Kinh dạy, sống thọ là một phúc lành, và người già không phải là những người bị gạt bỏ mà cần phải giữ khoảng cách, nhưng là những dấu chỉ sống động của sự nhân từ của Thiên Chúa, Đấng ban sự sống dồi dào. Phúc thay ngôi nhà giữ gìn được một người cao tuổi ! Phúc thay gia đình thảo kính ông bà của mình !
Quả thật, tuổi già là một mùa khó hiểu, ngay cả đối với chúng ta là những người đang sống nó. Mặc dù nó đến sau một chặng đường dài, nhưng không ai chuẩn bị cho chúng ta đương đầu với nó, xem ra nó hầu như làm cho chúng ta ngạc nhiên. Các xã hội phát triển nhất chi tiêu rất nhiều cho lứa tuổi này của cuộc sống, nhưng chúng không giúp giải thích nó : chúng mang lại những kế hoạch hỗ trợ, nhưng không đưa ra các dự án sống [1]. Đó là lý do tại sao thật khó để nhìn về tương lai và nắm bắt được một chân trời để vươn tới. Một mặt, chúng ta bị cám dỗ để xua đuổi tuổi già bằng cách che giấu những nếp nhăn và giả vờ luôn luôn trẻ trung, mặt khác, dường như chúng ta không thể làm gì khác hơn là sống thất vọng, cam chịu không còn « sinh hoa kết trái » nữa.
Việc kết thúc hoạt động nghề nghiệp và sự kiện chúng ta có những người con tự lập khiến chúng ta mất đi những lý do mà chúng ta đã tiêu hao nhiều năng lượng. Ý thức rằng những sức lực suy giảm hay sự xuất hiện một căn bệnh có thể làm khủng hoảng các xác tín của chúng ta. Thế giới – với thời gian trôi nhanh của nó, mà chúng ta cảm thấy khó theo kịp nhịp độ – dường như không để cho chúng ta có chọn lựa thay thế nào và khiến chúng ta bị xâm chiếm bởi ý tưởng bị vứt bỏ. Như thế vang lên thấu trời lời cầu nguyện của Thánh vịnh : « Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng, chớ bỏ rơi khi sức lực suy tàn » (71, 9).
Nhưng cũng chính Thánh vịnh này – thuật lại sự hiện diện của Chúa trong các mùa khác nhau của cuộc sống – mời gọi chúng ta tiếp tục hy vọng : khi tuổi già đến và khi tóc bạc, Ngài vẫn sẽ ban cho chúng ta sự sống và không cho phép chúng ta bị sự dữ xâm chiếm. Bằng cách tin tưởng vào Ngài, chúng ta sẽ tìm thấy sức mạnh gia tăng lời khen ngợi (x. cc. 14-20) và chúng ta sẽ khám phá ra rằng già đi không chỉ là sự suy thoái tự nhiên của thân xác hay bước chuyển không thể tránh khỏi của thời gian, nhưng còn là món quà của một cuộc sống thọ. Già đi không phải là một sự kết án, nhưng là một phúc lành !
Vì thế, chúng ta phải canh chừng chính mình và học biết sống một tuổi già tích cực, ngay cả theo quan điểm thiêng liêng, bằng cách vun trồng đời sống nội tâm của chúng ta thông qua việc chăm chỉ đọc Lời Chúa, cầu nguyện hằng ngày, lãnh nhận các Bí tích và tham dự Phụng vụ. Và, với mối tương quan với Thiên Chúa, tương quan với người khác : trước hết là gia đình, con cái, cháu chắt, mà chúng ta phải dành trọn tình yêu thương quan tâm của chúng ta ; cũng như những người nghèo và đau khổ, mà chúng ta phải gần gũi bằng việc giúp đỡ cụ thể và lời cầu nguyện. Tất cả những điều đó sẽ giúp chúng ta không còn cảm thấy như những khán giả đơn thuần trên sân khấu của thế giới, không còn bằng lòng « nhìn từ ban-công », ở bên cửa sổ. Trái lại, khi tinh luyện các giác quan của chúng ta để nhận ra sự hiện diện của Chúa [2], chúng ta sẽ như « những cây ôliu xanh rờn trong nhà Thiên Chúa » (Tv 52, 10), chúng ta sẽ có thể là một phúc lành cho những người đang sống bên cạnh chúng ta.
Tuổi già không phải là một thời gian vô ích lúc chúng ta phải rút lui và đồng thời ngừng tiến bộ, nhưng là một mùa mà chúng ta có thể tiếp tục sinh hoa kết trái : một sứ mạng mới đang chờ đợi chúng ta và mời gọi chúng ta hướng nhìn về tương lai. « Sự nhạy cảm đặc biệt của những người cao tuổi chúng ta, đối với những biểu hiện quan tâm, suy nghĩ và những biểu hiện tình cảm vốn làm cho chúng ta nhân văn, một lần nữa phải trở thành ơn gọi đối với nhiều người. Và đó sẽ là sự chọn lựa đầy yêu thương của người cao tuổi đối với những thế hệ mới » [3]. Đó là sự đóng góp của chúng ta vào cuộc cách mạng của sự dịu dàng [4], một cuộc cách mạng tinh thần và và giải trừ vũ khí mà, thưa quý ông bà và người cao tuổi thân mến, tôi mời gọi anh chị em trở thành những nhân vật chính.
Thế giới đang trải qua một thời gian thử thách khó khăn, trước tiên được ghi dấu bởi cơn bão bất ngờ và dữ dội của đại dịch, rồi bởi cuộc chiến tranh gây tổn hại đến hòa bình và sự phát triển trên quy mô toàn cầu. Không phải ngẫu nhiên nếu chiến tranh đã trở lại Châu Âu vào thời điểm mà thế hệ từng sống nó vào thế kỷ trước đang dần biến mất. Và những cuộc khủng hoảng lớn này có nguy cơ làm cho chúng ta vô cảm trước sự kiện rằng có những « dịch bệnh » khác và những hình thức bạo lực lan tràn khác đang đe dọa gia đình nhân loại và ngôi nhà chung của chúng ta.
Đối diện với tất cả những điều đó, chúng ta cần một sự thay đổi sâu xa, một cuộc hoán cải vốn phi quân sự hóa các tâm hồn bằng cách cho phép mỗi người nhận ra nơi người khác là một người anh em. Và chúng ta, những ông bà và người cao tuổi, chúng ta có một trách nhiệm to lớn : dạy cho những người nam và người nữ của thời đại chúng ta nhìn người khác bằng chính cái nhìn thấu hiểu và dịu dàng như chúng ta dành cho các cháu chắt của mình. Chúng ta đã tinh luyện nhân tính của chúng ta bằng cách quan tâm đến người khác và, ngày nay, chúng ta có thể trở thành những bậc thầy của một lối sống hòa bình và quan tâm đến những người yếu đuối nhất. Có lẽ điều đó có thể được coi như yếu đuối hay khuất phục, nhưng chính những người hiền lành, chứ không phải những kẻ hiếu chiến và trục lợi sẽ nhận được đất hứa làm gia nghiệp (x. Mt 5, 5).
Một trong những hoa trái mà chúng ta được kêu gọi trổ sinh là quan tâm đến thế giới. « Tất cả chúng ta đều đã trải qua trên đầu gối của ông bà, những người đã ôm lấy chúng ta trong vòng tay của họ » [5] ; nhưng ngày nay, đã đến lúc chúng ta phải mang trên đầu gối của chúng ta – bằng sự giúp đỡ cụ thể hay thậm chí chỉ bằng lời cầu nguyện -, ngoài cháu chắt của chúng ta, rất nhiều cháu nhỏ sợ hãi mà chúng ta chưa biết và có lẽ đang chạy trốn chiến tranh hay đau khổ vì chiến tranh. Chúng ta hãy giữ trong tâm hồn chúng ta – như thánh Giuse, người cha dịu dàng và ân cần – những trẻ em Ucraina, Afghanistan, Nam Sudan…
Nhiều người trong chúng ta đã trưởng thành với một ý thức khôn ngoan và khiêm tốn, mà thế giới rất cần đến : chúng ta không tự cứu một mình, hạnh phúc là một tấm bánh được ăn cùng nhau. Chúng ta hãy chứng tỏ điều đó cho những người tự ảo tưởng tìm thấy sự triển nở bản thân và sự thành công trong sự đối lập. Tất cả mọi người, ngay cả những người yếu đuối nhất, đều có thể làm được điều đó : cách chúng ta để cho mình được trợ giúp – thường là bởi những người đến từ các nước khác – là một cách để nói rằng sống chung không chỉ là khả thi, nhưng còn cần thiết nữa.
Quý ông bà và người cao tuổi thân mến, trong thế giới của chúng ta, chúng ta được mời gọi trở thành những người kiến tạo cuộc cách mạng của sự dịu dàng ! Chúng ta hãy thực hiện điều đó bằng cách học biết sử dụng ngày càng nhiều hơn và ngày càng tốt hơn dụng cụ quý giá nhất mà chúng ta có, và thích hợp nhất cho lứa tuổi của chúng ta : đó là việc cầu nguyện. « Chúng ta cũng hãy trở thành những thi sĩ cầu nguyện : chúng ta hãy phát triển sở thích tìm kiếm các ngôn từ của chúng ta, một lần nữa chúng ta hãy tiếp thu những gì Lời Chúa dạy chúng ta » [6]. Lời cầu xin tin tưởng của chúng ta có thể làm được rất nhiều điều : nó có thể đồng hành với tiếng kêu đau đớn của người đau khổ và nó có thể đóng góp vào việc thay đổi các tâm hồn. Chúng ta có thể là « ‘ca đoàn’ thường trực của một đền thánh thiêng liêng vĩ đại, nơi mà lời nguyện khẩn cầu và bài ca chúc tụng ngợi khen nâng đỡ cộng đoàn đang làm việc và đấu tranh trên thực địa của cuộc sống » [7].
Vì thế, Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao Tuổi là một cơ hội để một lần nữa nói cách vui tươi rằng Giáo hội muốn mừng lễ với những người mà Chúa – như Thánh Kinh nói – đã « cho sống lâu tuổi thọ dư đầy ». Chúng ta hãy cùng nhau mừng lễ ! Tôi mời gọi anh chị em loan báo Ngày này trong các giáo xứ và cộng đoàn của mình ; đi tìm những người cao tuổi neo đơn nhất, ở nhà hay các nơi cư trú của họ. Chúng ta hãy làm sao để không ai sống ngày này trong sự neo đơn. Việc chờ đợi một ai đó viếng thăm có thể thay đổi hướng đi của những ngày sống của những người không còn mong đợi bất cứ điều gì tốt đẹp từ tương lai ; và, từ lần gặp đầu tiên, có thể nảy sinh một tình bạn mới. Việc viếng thăm những người cao tuổi neo đơn là một việc làm của lòng thương xót trong thời đại của chúng ta !
Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ, Mẹ của sự Dịu dàng, biến mỗi người chúng ta thành một người kiến tạo cuộc cách mạng của sự dịu dàng, để cùng nhau giải thoát thế giới khỏi bóng tối của sự cô đơn và của con quỷ chiến tranh.
Cầu mong Phép lành của tôi đến với anh chị em tất cả và những người thân yêu của anh chị em, cùng với sự bảo đảm về sự gần gũi yêu thương của tôi. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi !
Rôma, Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 3 tháng 5 năm 2022, ngày lễ hai thánh Tông đồ Philipphê và Giacôbê.
PHANXICÔ
—————————————
[1] Bài giáo lý về tuổi già – bài 1. Thời gian ân sủng và sự liên kết các lứa tuổi của cuộc đời (23/2/2022).
[2] Bài giáo lý về tuổi già – bài 5. Lòng trung tín với sự viếng thăm của Thiên Chúa đối với thế hệ tương lai (30 /3/ 200).
[3] Bài giáo lý về tuổi già – bài 3. Tuổi già, nguồn lực cho tuổi trẻ vô tâm (16 /3/ 2022).
[4] Bài giáo lý về thánh Giuse – bài 8. Thánh Giuse người cha của sự dịu dàng (19 /2/ 2022).
[5] Bài giảng Thánh lễ Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao Tuổi lần I (25 /7/ 2021).
[6] Bài giáo lý về gia đình 7. Ông Bà (11 /3/ 2015).
——————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: Vatican.va)
Tags: Ông Bà, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- CHA ROBERTO PASOLINI, TÂN GIẢNG THUYẾT CỦA PHỦ GIÁO HOÀNG
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC TRỰC TUYẾN ĐÒI HỎI MỘT QUY ĐỊNH MỚI
- ĐỨA TRẺ BÊN TRONG
- ĐHY PAROLIN GỬI LỜI CHÚC TỐT ĐẸP NHẤT TỚI TRUMP VỀ CHIẾN THẮNG BẦU CỬ