SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2023
Trong Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 97, sẽ được cử hành vào ngày 22/10/2023, Đức Phanxicô mời gọi các môn đệ truyền giáo của Chúa Kitô, trong tinh thần hiệp hành truyền giáo, hãy ra đi với « lòng bừng cháy » và « chân tiến bước » như hai môn đệ trên đường về Emmaüs để loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô phục sinh.
« Hình ảnh « chân tiến bước » một lần nữa nhắc nhở chúng ta về giá trị trường tồn của missio ad gentes (sứ mạng đến với muôn dân), sứ mạng, được Chúa phục sinh trao ban cho Giáo hội, để loan báo Tin Mừng cho mọi người và mọi dân tộc cho đến tận cùng trái đất. Ngày nay hơn bao giờ hết, nhân loại, bị tổn thương bởi quá nhiều bất công, chia rẽ và chiến tranh, đang cần đến Tin Mừng về hòa bình và ơn cứu độ trong Chúa Kitô. Vì thế, tôi nhân cơ hội này để tái khẳng định rằng « tất cả mọi người đều có quyền đón nhận Tin Mừng. Người Kitô hữu có bổn phận loan báo Tin Mừng mà không loại trừ ai, không phải như người áp đặt một bổn phận mới, nhưng như người chia sẻ niềm vui, chỉ ra một chân trời tươi đẹp, mang lại một bàn tiệc đáng ước ao » (ibid., số 14). Việc hoán cải sứ mạng vẫn là mục tiêu chính yếu mà chúng ta phải đặt ra với tư cách cá nhân và cộng đồng, vì « hoạt động truyền giáo là khuôn mẫu cho mọi nhiệm vụ của Giáo hội » (ibid., số 15) ».
Dưới đây là toàn văn Sứ điệp của Đức Thánh Cha :
Lòng bừng cháy, chân tiến bước (x. Lc 24, 13-35)
Anh chị em thân mến,
Cho Ngày Thế giới Truyền giáo năm nay, tôi đã chọn một chủ đề được gợi hứng từ câu chuyện của các môn đệ trên đường về Emmaüs, trong Tin Mừng theo thánh Luca (x. 24, 13-35): “Lòng bừng cháy, chân tiến bước”. Hai môn đệ này bối rối và thất vọng, nhưng cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô trong Lời Chúa và Bánh bẻ ra đã khơi dậy nơi họ lòng nhiệt thành lại lên đường quay trở lại Giêrusalem và loan báo Chúa đã thực sự phục sinh. Trong câu chuyện của Tin Mừng, chúng ta nắm bắt được sự biến đổi của các môn đệ từ một vài hình ảnh gợi ý: lòng bừng cháy vì Thánh Kinh được Chúa Giêsu giải thích, mắt mở ra để nhận ra Người và, cao điểm là chân tiến bước. Suy niệm ba khía cạnh vốn nêu bật hành trình của người môn đệ truyền giáo, chúng ta có thể đổi mới lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng của mình trong thế giới ngày nay.
- Lòng bừng cháy “khi Người giải thích Thánh Kinh cho chúng ta”. Lời Chúa soi sáng và biến đổi tâm hồn truyền giáo.
Trên đường từ Giêrusalem đến Emmaüs, tâm hồn của hai môn đệ buồn bã – như khuôn mặt của họ cho thấy – vì cái chết của Chúa Giêsu, Đấng mà họ đã tin (x. c. 17). Trước sự thất bại của người Thầy bị đóng đinh, niềm hy vọng Người là Đấng Thiên Sai của họ đã sụp đổ (x.c. 21).
Và, “đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ” (c. 15). Như lúc khởi đầu ơn gọi của các môn đệ, ngay cả bây giờ lúc các ông lạc lối, Chúa đã chủ động đến gần và đồng hành với các ông. Với lòng thương xót bao la của mình, Người không mệt mỏi ở lại với chúng ta, bất chấp những lỗi lầm của chúng ta, những nghi ngờ, những yếu đuối của chúng ta, bất chấp sự buồn sầu và bi quan vốn làm cho chúng ta trở nên “chẳng hiểu gì cả và chậm tin” (c. 25), trở nên những người kém lòng tin.
Ngày nay, cũng như xưa, Chúa phục sinh đến gần các môn đệ truyền giáo của Người, và Người đồng hành với họ, nhất là khi họ cảm thấy lạc lõng, nản lòng, sợ hãi trước mầu nhiệm sự dữ bao quanh họ và muốn bóp nghẹt họ. Đó là lý do tại sao “chúng ta đừng để bị cướp mất niềm hy vọng” (Tông huấn Evangelii gaudium, số 86). Chúa vĩ đại hơn những vấn đề của chúng ta, nhất là khi chúng ta gặp chúng trong việc loan báo Tin Mừng cho thế giới, vì sứ mạng này, xét cho cùng, là của Người và chúng ta chỉ là những cộng tác viên khiêm tốn của Người, “những đầy tớ vô dụng” (x. Lc 17, 10).
Tôi bày tỏ sự gần gũi trong Chúa Kitô với tất cả các nhà truyền giáo trên thế giới, cách riêng với những ai đang trải qua giai đoạn khó khăn: các bạn thân mến, Chúa phục sinh luôn ở với các bạn và Người nhìn thấy sự quảng đại và những hy sinh của các bạn đối với sứ mạng loan báo Tin Mừng ở những nơi xa xôi nhất. Những ngày của cuộc đời không phải toàn là ánh nắng, nhưng chúng ta hãy luôn nhớ lời Chúa Giêsu nói với các bạn hữu của mình trước cuộc khổ nạn: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).
Sau khi lắng nghe hai môn đệ trên đường về làng Emmaüs, Chúa Giêsu phục sinh “bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 27). Và trái tim của các môn đệ đã được sưởi ấm, như cuối cùng họ sẽ thú nhận với nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (c. 32). Quả thế, Chúa Giêsu là Lời hằng sống, Lời duy nhất có thể làm bừng cháy, soi sáng và biến đổi tâm hồn.
Như thế, chúng ta hiểu rõ hơn lời khẳng định của thánh Hiêrônimô: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” (In Is., Prologue). “Nếu Chúa không dẫn chúng ta vào đó, thì không thể hiểu được Thánh Kinh một cách sâu xa. Tuy nhiên, điều ngược lại cũng đúng: không có Thánh Kinh, các biến cố trong sứ mạng của Chúa Giêsu và Giáo hội của Người trên thế giới vẫn không thể giải mã được” (Tông thư dưới hình thức Tự sắc Aperuit illis, số 1). Đó là lý do tại sao việc hiểu biết Thánh Kinh lại quan trọng đối với đời sống của người Kitô hữu, và thậm chí còn quan trọng hơn đối với việc loan báo Chúa Kitô và Tin Mừng của Người. Nếu không, chúng ta sẽ truyền đạt điều gì cho người khác nếu không phải là những ý tưởng và dự án của riêng mình? Và một trái tim lạnh giá có bao giờ có thể khiến người khác bừng cháy?
Vì thế, chúng ta hãy luôn để cho Chúa phục sinh đồng hành với chúng ta, Đấng giải thích cho chúng ta ý nghĩa của Sách Thánh. Hãy để Người làm bừng cháy tâm hồn chúng ta, soi sáng chúng ta và biến đổi chúng ta, để chúng ta có thể loan báo cho thế giới mầu nhiệm cứu độ của Người với sức mạnh và sự khôn ngoan đến từ Thánh Thần của Người.
- Mắt “mở ra và nhận ra Người” khi Người bẻ bánh. Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể là tột đỉnh và là nguồn mạch của sứ mạng.
Lòng bừng cháy vì Lời Chúa đã thúc đẩy các môn đệ Emmaüs mời người Lữ Khách bí ẩn ở lại với họ vì trời đã tối. Và, chung quanh bàn ăn, mắt họ mở ra và họ nhận ra Người khi Người bẻ bánh. Yếu tố quyết định mở mắt cho các môn đệ là chuỗi hành động Chúa Giêsu thực hiện: cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ. Đó là những cử chỉ thông thường của một chủ nhà người Do Thái, nhưng, được Chúa Giêsu-Kitô thực hiện với ân sủng của Chúa Thánh Thần, chúng lặp lại cho hai vị khách dấu chỉ hóa bánh ra nhiều và nhất là dấu chỉ của bí tích Thánh Thể, bí tích của Hy tế trên thập giá. Nhưng vào chính lúc họ nhận ra Chúa Giêsu trong Người-bẻ-bánh, thì “Người biết mất khỏi mắt họ” (Lc 24, 31). Sự kiện này giúp chúng ta hiểu được một thực tại thiết yếu của đức tin chúng ta: Chúa Kitô, Đấng bẻ bánh giờ đây trở thành Tấm Bánh được bẻ ra, được chia sẻ với các môn đệ và do đó được họ ăn. Người đã trở nên vô hình, bởi vì giờ đây Người đã đi vào tâm hồn của các môn đệ để làm cho họ bừng cháy hơn nữa, thúc giục họ tiếp tục hành trình không chậm trễ để thông truyền cho tất cả mọi người kinh nghiệm độc đáo về cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh! Như thế, Chúa Kitô phục sinh là Đấng-bẻ-bánh và, đồng thời, Người là Tấm-Bánh-được-bẻ-ra-cho-chúng-ta. Và vì thế, mọi môn đệ truyền giáo đều được mời gọi, như Chúa Giêsu và trong Người, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, trở nên người-bẻ-bánh và tấm-bánh-được-bẻ-ra cho thế gian.
Vì mục đích này, cần phải nhớ rằng việc bẻ bánh vật chất đơn giản với người đói khát nhân danh Chúa Kitô đã là một hành vi truyền giáo của người Kitô hữu. Huống hồ việc bẻ Bánh Thánh Thể là chính Chúa Kitô là hành động truyền giáo tuyệt hảo, vì bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống và sứ mạng của Giáo hội.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã nhắc nhở điều đó: “Chúng ta không thể giữ cho riêng mình tình yêu mà chúng ta cử hành trong Bí tích [Thánh Thể]. Do bản chất Bí tích này đòi hỏi phải được thông truyền cho tất cả mọi người. Điều mà thế giới cần, đó là tình yêu của Thiên Chúa, đó là gặp gỡ Chúa Kitô và tin vào Người. Đó là lý do tại sao bí tích Thánh Thể không chỉ là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống của Giáo hội; nó còn là nguồn mạch và tột đỉnh của sứ mạng của Giáo hội: “Một Giáo hội thực sự Thánh Thể là một Giáo hội truyền giáo”” (Tông huấn Sacramentum caritatis, số 84).
Để sinh hoa trái, chúng ta phải luôn kết hiệp với Người (x. Ga 15, 4-9). Và sự kết hiệp này được thực hiện qua việc cầu nguyện hằng ngày, nhất là trong việc tôn thờ, thinh lặng trước sự hiện diện của Chúa, Đấng luôn ở với chúng ta trong bí tích Thánh Thể. Bằng cách yêu mến vun trồng sự hiệp thông này với Chúa Kitô, người môn đệ truyền giáo có thể trở thành một nhà thần bí trong hành động. Ước gì tâm hồn của chúng ta luôn khát khao bầu bạn với Chúa Giêsu, bằng cách thì thầm lời cầu xin tha thiết của hai người môn đệ Emmaüs, nhất là khi chiều xuống: “Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con!” (x. Lc 24, 29).
- Chân tiến bước, với niềm vui kể chuyện Chúa Kitô phục sinh. Tuổi trẻ vĩnh hằng của một Giáo hội luôn đi ra.
Sau khi được mở mắt và nhận ra Chúa Giêsu khi Người « bẻ bánh », các môn đệ « lập tức đứng dậy quay trở lại Giêrusalem » (x. Lc 24, 33). Sự khởi hành vội vã này, để chia sẻ với người khác niềm vui gặp gỡ Chúa, cho thấy rằng « niềm vui của Tin Mừng đổ đầy tâm hồn và toàn bộ cuộc sống của những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Những ai để cho mình được Người cứu rỗi đều được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi sự buồn phiền, trống rỗng nội tâm, cô độc. Với Chúa Giêsu-Kitô niềm vui luôn được sinh ra và tái sinh » (Tông huấn Evangelii gaudium, số 1). Chúng ta không thể thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu phục sinh mà không được bừng cháy bởi ước muốn nói cho mọi người biết về Người. Do đó, những ai đã nhận ra Chúa Kitô phục sinh trong Thánh Kinh và trong bí tích Thánh Thể, và những ai mang ngọn lửa của Người trong tâm hồn và ánh sáng của Người trong ánh mắt, đều là nguồn lực đầu tiên và chính yếu của sứ mạng. Họ có thể làm chứng cho sự sống không bao giờ chết, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất và trong những thời điểm đen tối nhất.
Hình ảnh « chân tiến bước » một lần nữa nhắc nhở chúng ta về giá trị trường tồn của missio ad gentes (sứ mạng đến với muôn dân), sứ mạng, được Chúa phục sinh trao ban cho Giáo hội, để loan báo Tin Mừng cho mọi người và mọi dân tộc cho đến tận cùng trái đất. Ngày nay hơn bao giờ hết, nhân loại, bị tổn thương bởi quá nhiều bất công, chia rẽ và chiến tranh, đang cần đến Tin Mừng về hòa bình và ơn cứu độ trong Chúa Kitô. Vì thế, tôi nhân cơ hội này để tái khẳng định rằng « tất cả mọi người đều có quyền đón nhận Tin Mừng. Người Kitô hữu có bổn phận loan báo Tin Mừng mà không loại trừ ai, không phải như người áp đặt một bổn phận mới, nhưng như người chia sẻ niềm vui, chỉ ra một chân trời tươi đẹp, mang lại một bàn tiệc đáng ước ao » (ibid., số 14). Việc hoán cải sứ mạng vẫn là mục tiêu chính yếu mà chúng ta phải đặt ra với tư cách cá nhân và cộng đồng, vì « hoạt động truyền giáo là khuôn mẫu cho mọi nhiệm vụ của Giáo hội » (ibid., số 15).
Như thánh Phaolô tông đồ khẳng định, tình yêu của Chúa Kitô chất vấn và thúc bách chúng ta (x. 2Cr 5, 14). Đó hệ tại một tình yêu kép : tình yêu của Chúa Kitô dành cho chúng ta vốn nhắc nhở, soi dẫn và khơi dậy tình yêu của chúng ta dành cho Người. Và chính tình yêu này đã làm cho Giáo hội đi ra luôn tươi trẻ, với tất cả các thành viên của mình trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô, xác tín rằng « Người đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình» (c. 15). Mỗi người đều có thể đóng góp cho phong trào truyền giáo này : bằng lời cầu nguyện và hành động, bằng việc dâng hiến tiền bạc và đau khổ, bằng chứng tá của mình. Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo là công cụ ưu tiên để thúc đẩy sự hợp tác truyền giáo này trên bình diện thiêng liêng và vật chất. Đó là lý do tại sao việc quyên góp vào Ngày Thế giới Truyền giáo được dành tặng cho Hội Giáo hoàng Truyền bá Đức tin.
Tính cấp bách của hoạt động truyền giáo của Giáo hội đương nhiên bao hàm sự hợp tác truyền giáo ngày càng chặt chẽ hơn của tất cả các thành viên của mình ở mọi cấp độ. Đó là một mục tiêu thiết yếu của hành trình hiệp hành mà Giáo hội đang thực hiện với các từ khóa hiệp thông, tham gia, sứ mạng. Hành trình này chắc chắn không phải là sự rút lui của Giáo hội vào chính mình ; nó không phải là một cuộc thăm dò ý kiến của người dân để quyết định, như trong một nghị viện, những gì phải tin và thực hạy hay không theo sở thích của con người. Đúng hơn, đó là một sự tiến bước như các môn đệ Emmaüs, bằng cách lắng nghe Chúa phục sinh, Đấng luôn đến giữa chúng ta để giải thích cho chúng ta ý nghĩa của Thánh Kinh và bẻ Bánh cho chúng ta, để chúng ta có thể tiếp tục sứ mạng của Người trong thế giới, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Cũng như hai môn đệ này đã thuật lại cho người khác những gì đã xảy ra dọc đường (x. Lc 24, 35), thì cũng thế, lời loan báo của chúng ta sẽ là một câu chuyện vui tươi về Đức Kitô là Chúa, về cuộc đời của Người, về cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người, về những điều kỳ diệu mà tình yêu của Người đã thực hiện trong cuộc sống của chúng ta.
Vì thế, chúng ta cũng hãy lại ra đi, được soi sáng bởi cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh và được Thánh Thần của Người thúc đẩy. Chúng ta hãy lại ra đi với lòng bừng cháy, chân tiến bước, để làm bừng cháy những trái tim khác bằng Lời Chúa, mở ra những đôi mắt khác cho Chúa Giêsu Thánh Thể, và mời gọi tất cả mọi người cùng nhau tiến bước trên con đường của hòa bình và ơn cứu độ mà Thiên Chúa, trong Chúa Kitô, đã ban cho nhân loại.
Lạy Thánh Mẫu Maria soi đường chỉ lối, Mẹ của các môn đệ truyền giáo của Chúa Kitô và là Nữ Vương các xứ Truyền giáo, xin cầu cho chúng con !
Rôma, Đền Thờ thánh Gioan Latêranô, ngày 06 tháng 01 năm 2023, Lễ Chúa Hiển Linh.
PHANXICÔ
————————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Bí-tích, Phanxicô-I, synode
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS