SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GỞI CHO CÁC THAM DỰ VIÊN DIỄN ĐÀN PARIS LẦN THỨ IV VỀ HÒA BÌNH

Written by xbvn on Tháng Mười Một 12th, 2021. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Sứ điệp, Thế Giới, Tý Linh, Văn kiện Giáo Hội

«Niềm hy vọng của tôi là  truyền thống Kitô giáo, cách riêng học thuyết xã hội của Giáo hội, cũng như các truyền thống tôn giáo khác, có thể đóng góp vào việc đảm bảo cho cuộc gặp gỡ của quý vị niềm hy vọng vững chắc rằng bất công và bạo lực là không thể không tránh được, chúng không phải là số phận của chúng ta. » Đức Phanxicô nói lên xác tín của mình như thế trong sứ điệp gởi cho các tham dự viên Diễn đàn Paris lần thứ IV về Hòa bình, được tổ chức trong khuôn khổ tưởng niệm cuộc đình chiến ngày 11/11/1918, diễn ra từ ngày 11-13/11/2021, với chủ đề « Giảm thiểu những rạn nứt trên thế giới ».

Và niềm hy vọng mà Đức Thánh Cha đưa ra không phải là một niềm hy vọng « hão » muốn « trở lại bình thường », nghĩa là muốn « trở lại với những cơ cấu xã hội cũ được gợi hứng bởi « sự tự mãn, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa cá nhân và sự cô lập » bằng cách loại trừ anh chị em nghèo khổ nhất của chúng ta », nhưng là một « niềm hy vọng có trách nhiệm », « tức là, cách cụ thể, đừng đi theo con đường dễ dàng trở lại với một « sự bình thường » được đánh dấu bởi sự bất công, nhưng chấp nhận thách đố đảm nhận cuộc khủng hoảng như là « một cơ hội hoán cải và thay đổi thực sự để suy nghĩ lại lối sống và các hệ thống kinh tế và xã hội của chúng ta » ».

Trong sứ điệp này, Đức Thánh Cha cũng kêu gọi « giải trừ quân bị toàn diện » và cảnh giác « ý tưởng hão về sự răn đe dựa trên sự cân bằng vũ trang », vốn đã chứng tỏ sai lầm trên thực tế, và đồng thời mời gọi thay thế ý tưởng đó bằng sự tin tưởng lẫn nhau mà Đức Gioan XXIII đã từng kêu gọi : « Tiền đề cho rằng hòa bình là kết quả của sự cân bằng vũ khí được thay thế bằng nguyên tắc rằng hòa bình đích thực chỉ có thể được xây dựng thông qua sự tin tưởng lẫn nhau ». 

Đại lộ Champs-Elisées ở Paris, sáng  11/11/2021 (ảnh AFP)

Dưới đây là sứ điệp của Đức Thánh Cha :

 

Thưa Quý vị hữu trách

Thưa Quý Ông Bà !

Tôi xin gởi lời chào thân ái đến mỗi người trong quý vị đang quy tụ dịp Diễn đàn Paris lần thứ 4 về hòa bình. Tôi biết ơn về cơ hội gặp gỡ và suy tư này. Tôi hy vọng rằng nó sẽ thành công và đóng góp vào việc thúc đẩy hòa bình, việc cai trị tốt và một tương lai tốt cho tất cả mọi người. Ước gì nó giúp chúng ta thoát khỏi đại dịch Covid-19 tốt hơn.

Vào thời điểm lịch sử này, gia đình nhân loại đang đối diện với một chọn lựa.  Khả năng đầu tiên là cái gọi là « trở lại bình thường ». Nhưng thực tại mà chúng ta biết trước đại dịch là thực tại trong đó sự giàu có và tăng trưởng kinh tế được dành riêng cho một thiểu số, đang khi hàng triệu người không thể thỏa mãn những nhu cầu cơ bản nhất và sống một cuộc sống xứng đáng ; một thế giới trong đó Trái Đất của chúng ta đã bị cướp phá bởi việc khai thác tài nguyên cách thiển cận, bởi ô nhiễm, bởi chủ nghĩa tiêu thụ « vứt bỏ » (x. Thông điệp Laudato Si’, số 22) và bị tổn thương bởi các cuộc chiến tránh và thử nghiệm vũ khí hủy diệt hàng loạt. Việc trở lại bình thường cũng có nghĩa là trở lại với những cơ cấu xã hội cũ được gợi hứng bởi « sự tự mãn, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa cá nhân và sự cô lập » bằng cách loại trừ anh chị em nghèo khổ nhất của chúng ta (1). Có phải đó là một tương lai mà chúng ta có thể chọn lựa ?

Trong thế giới toàn cầu hóa nhưng đầy xâu xé này, các quyết định mà chúng ta đưa ra hôm nay để thoát khỏi cuộc khủng hoảng sẽ xác định « quỹ đạo » của các thế hệ tương lai. Chúng ta thường quyền rằng chúng ta là một cộng đồng thế giới và « không ai tự cứu mình một mình, chỉ có thể cùng nhau cứu mình » (Thông điệp Fratelli tutti, số 32). Chính vì lý do này mà chúng ta cần đến một lối thoát mới ; chúng ta phải cùng nhau làm việc để thoát khỏi đó tốt hơn trước (2).

Vấn đề đầu tiên và là vấn đề cấp bách nhất mà chúng ta phải quan tâm là không thể có sự hợp tác hòa bình mà không có sự cam kết tập thể cụ thể để giải trừ quân bị toàn diện. Những chi tiêu quân sự trên thế giới giờ đây vượt quá mức được ghi nhận vào cuối thời kỳ « chiến tranh lạnh » và đang gia tăng cách có hệ thống hàng năm. Quả thế, các giai cấp lãnh đạo và các chính phủ biện minh cho việc tái vũ trang này bằng cách gợi lên ý tưởng hão về sự răn đe dựa trên sự cân bằng vũ trang. Trong viễn cảnh này, các Nhà nước có xu hướng theo  đuổi các lợi ích của mình chủ yếu trên cơ sở sử dụng hay đe dọa vũ lực. Thế nhưng, hệ thống này không đảm bảo việc xây dựng hay duy trì hòa bình. Thực ra, trong nhiều trường hợp, ý tưởng răn đe đã chứng tỏ sai lầm, dẫn đến những thảm kịch nhân đạo quy mô lớn. Đức Gioan XXIII đã từng khẳng định trong Thông điệp Pacem in terris : « Tiền đề cho rằng hòa bình là kết quả của sự cân bằng vũ khí được thay thế bằng nguyên tắc rằng hòa bình đích thực chỉ có thể được xây dựng thông qua sự tin tưởng lẫn nhau » (số 113).

Cũng thích hợp để nhấn mạnh rằng gắn liền với lôgíc răn đe là lôgíc của thị trường tự do theo đó việc vũ trang có thể được xem trên cơ sở bình đẳng với tất cả sản phẩm được chế tạo khác và do đó, với danh nghĩa này, được buôn bán tự do trên toàn thế giới. Vì thế, không phải ngẫu nhiên nếu, trong nhiều năm, chúng ta đã chứng kiến việc mở rộng thì trường vũ khí trên quy mô toàn cầu mà không hề dè dặt chút nào.

Đối với chúng ta, đại dịch là một tiết lộ về những giới hạn và lổ hổng của xã hội và lối sống của chúng ta. Tuy nhiên, giữa thực tại tối tăm này, chúng ta phải hy vọng, vì hy vọng thì « sinh ra năng lượng, kích thích trí tuệ và mang lại cho ý chí tất cả sự năng động của nó » (3). Hy vọng mời gọi chúng ta ước mơ lớn lao và nhường chỗ cho sự tưởng tượng về những khả năng mới. Hy vọng thì can đảm táo bạo và khuyến khích hành động dựa trên ý thức rằng thực tại có thể được thay đổi (4). Niềm hy vọng của tôi là  truyền thống Kitô giáo, cách riêng học thuyết xã hội của Giáo hội, cũng như các truyền thống tôn giáo khác, có thể đóng góp vào việc đảm bảo cho cuộc gặp gỡ của quý vị niềm hy vọng vững chắc rằng bất công và bạo lực là không thể không tránh được, chúng không phải là số phận của chúng ta.

Vì thế, đối diện với các hậu quả của cơn bão to lớn vốn đã làm rung chuyển thế giới chúng ta, lương tâm của chúng ta kêu gọi chúng ta về một niềm hy vọng có trách nhiệm, tức là, cách cụ thể, đừng đi theo con đường dễ dàng trở lại với một « sự bình thường » được đánh dấu bởi sự bất công, nhưng chấp nhận thách đố đảm nhận cuộc khủng hoảng như là « một cơ hội hoán cải và thay đổi thực sự để suy nghĩ lại lối sống và các hệ thống kinh tế và xã hội của chúng ta » (5). Niềm hy vọng có trách nhiệm cho phép chúng ta đẩy lùi sự cám dỗ của những giải pháp dễ dàng và cho chúng ta  can đảm tiến tới trên con đường công ích, quan tâm đến người nghèo và ngôi nhà chung.

Chúng ta đừng lãng phí cơ hội này để cải thiện thế giới chúng ta ; chọn lựa cách cương quyết những phương tiện công bằng hơn để tiến tới và xây dựng hòa bình. Được thôi thúc bởi xác tín này, có thể tạo ra các mô hình kinh tế phục vụ các nhu cầu của tất cả mọi người trong khi vẫn gìn giữ những quà tặng của thiên nhiên, cũng như những chính sách sáng suốt tạo thuận lợi cho việc phát triển toàn diện của gia đình nhân loại. (6).

Thưa quý Ông Bà, chúng ta hãy cùng nhau đương đầu với cuộc khủng hoảng này bằng cách cố gắng chữa lành cách sâu xa các vết thương của gia đình nhân loại . Ước gì lời mà ngôn sứ Giêrêmia nói với dân chúng trong thời gian khủng hoảng này cũng truyền cảm hứng cho chúng ta : « Các ngươi hãy dừng lại trên các nẻo đường mà xem, hãy hỏi những đường xưa lối cũ. Đâu là đường ngay nẻo chính ?  Hãy đi theo đó, và tâm hồn các ngươi sẽ bình an thư thái.» (Gr 6, 16).

Tôi chúc quý vị làm việc tốt đẹp và khấn xin phúc lành từ trời xuống trên quý vị.

Vatican, ngày 30 tháng 10 năm 2021

Phanxicô

————————————–

(1) X. Sứ điệp video nhân dịp Khóa họp thứ 75 của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc , 25/9/2020 .

(2) x. Bài giáo lý – “Chữa lành thế giới” : bài 5. Tình liên đới và đức tin , 2/9/2020.

(3) Bênêđíctô XVI, Diễn văn cho các nhà hữu trách, Cotonou-Benin, 19 /11/ 2011.

(4) X. Bài giáo lý – « Chữa lành thế giới » : bài 9. Chuẩn bị tương lai với Cháu Giêsu, Đấng cứu độ  và chữa lành , 30 /9/ 2020.

(5) x. Sứ điệp video nhân dịp Khóa họp thứ 75 cảu Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, 25 /9/ 2020.

(6) x. ibid.

——————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30