SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI 2016 : GIÁO HỘI, MẸ CỦA CÁC ƠN GỌI
Anh chị em thân mến,
Như tôi đã mong muốn rằng, trong suốt Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót, tất cả những người đã chịu phép rửa đều có thể cảm nghiệm được niềm vui thuộc về Giáo Hội! Ước gì họ có thể tái khám phá rằng ơn gọi Kitô hữu, cũng như các ơn gọi đặc biệt, đều nảy sinh từ giữa lòng dân Thiên Chúa và là những ân huệ của lòng thương xót của Thiên Chúa. Giáo Hội là ngôi nhà của lòng thương xót, và là “mảnh đất tốt” nơi đó ơn gọi nảy sinh, lớn lên và trổ sinh hoa trái.
Vì lý do này, tôi mời gọi tất cả anh chị em, vào Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Các Ơn Gọi lần thứ 53 này, chiêm ngắm cộng đoàn tông đồ, và biết ơn đối với vai trò mà cộng đoàn thực hiện trong hành trình ơn gọi của mỗi người. Trong Tông chiếu Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót, tôi đã nhắc nhớ lời nói của thánh Bêđa đáng kính liên quan đến ơn gọi của thánh Matthêu: “Miserando atque eligendo” (“Chúa Giêsu đã nhìn Matthêu bằng một cái nhìn thương xót, và đã chọn ngài”) (Tông chiếu Misericordiae Vultus, số 8). Hành động thương xót của Chúa tha thứ tội lỗi của chúng ta và khai mở cho chúng ta đời sống mới được cụ thể hóa trong tiếng gọi bước theo Ngài và sứ mạng truyền giáo. Mọi ơn gọi trong Giáo Hội đều có nguồn gốc nơi các nhìn đầy lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu. Hoán cải và ơn gọi như là hai mặt của cùng một mề đay và chúng không ngừng được nhắc nhớ cho chúng ta, trong đời sống làm người môn đệ truyền giáo của chúng ta.
Trong Tông huấn Evangelii nuntiandi, đức Chân Phước Phaolô VI đã mô tả những giai đoạn của tiến trình loan báo Tin Mừng. Một trong những giai đoạn đó là sự gắn bó với cộng đoàn Kitô hữu (x. số 23), mà chúng ta lãnh nhận chứng tá đức tin và lời tuyên xưng minh nhiên lòng thương xót của Chúa. Việc sáp nhập trong cộng đoàn này bao hàm tất cả sự phong phú của đời sống của Giáo Hội, cách riêng các bí tích. Và Giáo Hội không chỉ là nơi chúng ta tin, nhưng còn là đối tượng của đức tin của chúng ta; vì thế, trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin vào Giáo Hội…”.
Tiếng gọi của Thiên Chúa đến với chúng ta xuyên qua sự trung gian của cộng đoàn. Thiên Chúa mời gọi chúng ta thuộc về Giáo Hội và, sau một thời gian trưởng thành nào đó trong Giáo Hội, Ngài ban cho chúng ta một ơn gọi đặc thù. Hành trình ơn gọi được thực hiện cùng với anh chị em mà Chúa ban cho chúng ta: đó là một ơn gọi cùng với (con-vocation). Sự năng động của ơn gọi trong Giáo Hội là một phương thuốc chữa trị sự dửng dưng và chủ nghĩa cá nhân. Nó thiết lập sự hiệp thông trong đó sự dửng dưng bị chinh phục bởi tình yêu, bởi vì nó đòi hỏi chúng ta ra khỏi chính mình, biến cuộc sống chúng ta trở thành phục vụ cho kế hoạch của Thiên Chúa và biến hoàn cảnh lịch sử của dân thánh của Ngài trở thành của chúng ta.
Trong ngày cầu nguyện cho các ơn gọi này, tôi muốn khích lệ tất cả các tín hữu mang lấy trách nhiệm của mình trong mối ưu tư và sự phân định ơn gọi. Khi các Tông đồ tìm kiếm một người thay cho Giuđa Iscariốt, thánh Phêrô đã tập hợp 120 anh em lại (x.Cv 1,15); và, để chọn lựa bảy phó tế, toàn nhóm các môn đệ đã được triệu tập (x. Cv 6,2). Thánh Phaolô đã trao cho Titô những tiêu chí đặc thù để chọn các Kỳ mục (Tt 1,5-9). Cũng thế ngày nay, cộng đoàn Kitô hữu luôn luôn hiện diện vào lúc nảy sinh ơn gọi, lúc huấn luyện những người được kêu gọi và trong sự kiên trì của họ (x. Tông huấn Evangelii gaudium, số 107).
Ơn gọi nảy sinh trong Giáo Hội. Từ lúc hình thành một ơn gọi, thì một “cảm thức” thích đáng về Giáo Hội là cần thiết. Không ai được kêu gọi chỉ cho một vùng hạn định nào đó, hay cho một nhóm hay một phong trào nào đó trong Giáo Hội, nhưng là cho Giáo Hội và cho thế giới. “Một dấu chỉ rõ ràng về tính đích thực của một đặc sủng là đặc tính giáo hội của nó, khả năng của nó hội nhập hài hòa trong đời sống của dân thánh của Thiên Chúa, vì lợi ích của mọi người” (ibid., số 130). Khi đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa, bạn trẻ nhìn thấy chân trời giáo hội của mình được mở rộng hơn; người ấy có thể khám phá ra nhiều đặc sủng và thực hiện một sự phân định khách quan hơn. Bằng cách này, cộng đoàn trở nên ngôi nhà và gia đình trong đó ơn gọi được nảy sinh. Do đó, với lòng biết ơn, ứng viên nhìn sự trung gian cộng đoàn này như là một yếu tố mà mình không thể từ bỏ đối với tương lai của mình. Người ấy học biết và yêu mến anh chị em của mình đang trải qua một con đường khác với mình; và những mối liên hệ này củng cố sự hiệp thông nơi tất cả mọi người.
Ơn gọi lớn lên trong Giáo Hội. Trong suốt tiến trình đào tạo, các ứng viên ơn gọi khác nhau cần hiểu biết rõ cộng đoàn Giáo Hội, bằng cách vượt quá cái nhìn hạn hẹp mà hết thảy chúng ta đều có lúc khởi đầu. Vì mục đích này, thật thích hợp có những kinh nghiêm tông đồng cùng với các thành viên khác của cộng đoàn, chẳng hạn: thông truyền sứ điệp Kitô giáo bên cạnh một giáo lý viên tốt; cảm nghiệm việc loan báo Tin Mừng cho các vùng ngoại vi cùng với một cộng đoàn tu trì; khám phá kho tàng chiệm niệm bằng việc trải qua một thời gian trong một đan viện; hiểu biết rõ sứ mạng đến với muôn dân bằng việc tiếp xúc với các nhà truyền giáo; và, cùng với các linh mục giáo phận, đào sâu kinh nghiệm mục vụ tại giáo xứ và trong giáo phận. Đối với những ai đang được đào tạo rồi, thì cộng đoạn Giáo Hội vẫn luôn là nơi giáo dục căn bản, đối tượng của tất cả lòng biết ơn của chúng ta.
Ơn gọi được Giáo Hội nâng đỡ. Hành trình ơn gọi trong Giáo Hội không dừng lại sau sự dấn thân dứt khoát, nhưng còn tiếp tục trong sự sẵn sàng phục vụ, trong sự kiên trì và qua việc thường huấn. Người nào đã hiến dâng đời mình cho Chúa thì sẵn sàng phục vụ Giáo Hội nơi đâu Giáo Hội cần đến. Sứ mạng của Phaolô và Barnabê là một mẫu gương cho sự ứng trực này đối với Giáo Hội. Được Thánh Thần và cộng đoàn Antiokia sai đi truyền giáo (x. Cv 13,1-4), các ngài đã trở về trong chính cộng đoàn này và kể lại những gì Chúa đã làm qua các ngài (x. Cv 14,27). Các nhà truyền giáo được đồng hành và nâng đỡ bởi cộng đoàn Kitô hữu vốn vẫn là một quy chiếu sống còn, xét như là quê hương hữu hình mang lại sự an toàn cho những ai đang thực hiện cuộc hành hương của mình hướng về sự sống đời đời.
Trong số những người hoạt động mục vụ, các linh mục có một tầm quan trọng đặc biệt. Xuyên qua thừa tác vụ của các ngài, lời của Chúa Giêsu trở nên thời sự: “Ta là cửa đàn chiên […] Ta là mục tử tốt lành” (Ga 10,7.11). Mối ưu tư mục vụ ơn gọi là một phần nền tảng của thừa tác vụ của các ngài. Các linh mục đồng hành với những ai đang tìm kiếm ơn gọi của mình, cũng như những ai đã hiến dâng cuộc đời của mình cho việc phục vụ Thiên Chúa và cộng đoàn.
Tất cả các tín hữu đều được mời gọi ý thức về sự năng động ơn gọi này của Giáo Hội, để các cộng đoàn tín hữu có thể trở thành, theo mẫu gương của Đức Trinh Nữ Maria, cung lòng người mẹ đón nhận ân huệ của Chúa Thánh Thần (x. lc 1,35-38). Thiên chức làm mẹ của Giáo Hội được diễn tả qua việc kiên trì cầu nguyện cho các ơn gọi và qua hành động giáo dục và đồng hành với những ai nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa. Thiên chức này cũng được thực hiện trong sự chọn lựa cẩn thận các ứng viên linh mục và đời sống thánh hiện. Sau cùng, Giáo Hội là mẹ của các ơn gọi qua sự nâng đỡ liên lỉ của mình đối với những ai đã hiến dân đời mình phục vụ tha nhân.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho tất cả mọi người đang bước đi trong hành trình ơn gọi một sự gắn bó sâu xa với Giáo Hội; và xin Chúa Thánh thần củng cố nơi các mục tử và các tín hữu sự hiệp thông, sự phân định, cũng như tình phụ mẫu thiêng liêng.
Lạy Cha giàu lòng thương xót, Cha đã ban Con của Cha để cứu độ chúng con và không ngừng nâng đỡ chúng con bằng những ân huệ của Thánh Thần của Cha. Xin Cha ban cho chúng con những cộng đoàn Kitô hữu sống động, nhiệt huyết và vui tươi, những cộng đoàn là nguồn mạch của đời sống huynh đệ và khơi lên nơi các bạn trẻ ước muốn dâng mình cho Cha và cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Xin nâng đỡ các cộng đoàn này mang lại một giáo lý ơn gọi thích đáng và những con đường áp dụng khác nhau cho ơn gọi dâng hiến đặc biệt. Xin Cha ban sự khôn ngoan cần thiết cho việc phân định ơn gọi, để trong mọi sự được chiếu sáng sự cao cả của Tình Yêu thương xót của Cha. Xin Mẹ Maria, là Mẹ và là nhà giáo dục của Chúa Giêsu, cầu bàu cho mỗi cộng đoàn Kitô hữu, để, một khi được Thánh Thần làm cho phong nhiêu, cộng đoàn này trở thành nguồn mạch của các ơn gọi đích thực phục vụ dân thánh của Thiên Chúa.
Vatican, ngày 29 tháng 11 năm 2015
Chúa Nhật I Mùa Vọng
Tý Linh chuyển ngữ
(theo bản tiếng Pháp, tham chiếu bản tiếng Anh)
Tags: Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM
- CÁI CHẾT CỦA CHA FELIX WILFRED, “MỘT MẤT MÁT LỚN LAO CHO NỀN THẦN HỌC CHÂU Á”
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 1
- CẦU NGUYỆN VÀ BÓNG ĐÁ, BÍ QUYẾT CỦA NỮ TU INAH CANABARRO LUCAS, NGƯỜI LỚN TUỔI NHẤT THẾ GIỚI
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA HIỂN LINH 2025: GẶP GỠ CHÚA GIÊSU NƠI ANH CHỊ EM CHÚNG TA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG LỄ CHÚA HIỂN LINH 2025: MANG ÁNH SÁNG TÌNH YÊU VÀ HY VỌNG CỦA CHÚA CHO THẾ GIỚI
- NỮ TU SIMONA BRAMBILLA TRỞ THÀNH NỮ TỔNG TRƯỞNG ĐẦU TIÊN TẠI VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II SAU LỄ GIÁNG SINH: HÃY TRỞ THÀNH SỨ GIẢ CỦA NIỀM HY VỌNG