SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ NHÂN NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2015
Không còn nô lệ nữa, nhưng là anh em
1. Khởi đầu một năm mới, mà chúng ta đón nhận như là một ân sủng và ân ban của Thiên Chúa cho nhân loại, tôi mong ước gởi tới mỗi người nam và người nữ, cũng như mỗi dân tộc và mỗi quốc gia trên thế giới, với các Quốc Trưởng và các vị đứng đầu Chính phủ cũng như với các vị hữu trách các tôn giáo khác nhau, những lời cầu chúc bình an nồng nhiệt của tôi, cùng với lời cầu nguyện của tôi để ngừng đi những cuộc chiến tranh, những cuộc xung đột và nhiều nỗi đau khổ được gây nên hoặc do bởi bàn tay con người hoặc bởi những dịch bệnh cũ và mới cũng như bởi những hậu quả tàn phá của thiên tai. Cách đặc biệt tôi cầu nguyện để chúng ta, khi đáp lại ơn gọi chung của chúng ta cộng tác với Thiên Chúa và với mọi người thiện chí nhằm thăng tiến sự hòa hợp và hòa bình trên thế giới, biết kháng cự lại cám dỗ hành xử không xứng đáng với nhân tính của chúng ta.
Trong sứ điệp Ngày thế giới hòa bình 2014, tôi đã nhận xét rằng « trong tâm hồn của mỗi người nam và mỗi người nữ đều có ước muốn một cuộc sống tròn đầy, bao gồm một khát khao bất khả kìm nén tình huynh đệ, vốn thúc đẩy đến sự hiệp thông với những người khác, những người mà chúng ta không coi là kẻ thù hay đối thủ, nhưng là những người anh em cần phải đón nhận và ôm lấy» (1). Con người vì là một hữu thể tương quan, nhằm được thể hiện trong khung cảnh những mối tương quan liên vị do công bằng và bác ái gợi hứng, nên điều nền tảng cho sự phát triển của nó là phẩm giá, sự tự do và tính tự trị của nó phải được nhìn nhận và tôn trọng. Bất hạnh thay, mối tai họa càng ngày càng lan rộng của việc khai thác con người bởi con người đang làm tổn thương nghiêm trọng đến đời sống hiệp thông và ơn gọi dệt nên những mối tương quan liên vị được ghi dấu bởi sự tôn trọng, công bằng và bác ái. Hiện tượng tồi tệ này, vốn dẫn đến việc chà đạp phẩm giá và các quyền căn bản của người khác và triệt tiêu sự tự do và phẩm giá của họ, mang lấy những hình thức đa dạng mà từ đó tôi muốn có những suy tư vắn gọn, để, dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta có thể xem mọi người « không còn là nô lệ nữa, nhưng là anh em ».
Lắng nghe kế hoạch của Thiên Chúa về nhân loại
2. Chủ đề mà tôi chọn cho sứ điệp lần này nhắc lại Thư của thánh Phaolô gởi cho Philêmon, trong đó thánh Tông đồ đã xin người cộng tác của mình đón nhận Onêsimô, xưa là nô lệ của Philêmon và giờ đây đã trở thành Kitô hữu, và do đó, theo thánh Phaolô, đáng được coi như là một người anh em. Vì thế, vị Tông đồ dân ngoại đã viết : « Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn, không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến » (Plm 1, 15-16). Ônêsimô đã trở thành người anh em của Philêmon khi trở thành Kitô hữu. Như thế, việc trở lại với Chúa Kitô, khởi đầu của một cuộc sống người môn đệ trong Chúa Kitô, làm nên một cuộc sinh hạ mới (x. 2Cr 5,17 ; 1P 1,3) vốn làm tái sinh tình huynh đệ như là mối liên hệ nền tảng của cuộc sống gia đình và là nền móng của đời sống xã hội.
Trong sách Khởi Nguyên (x. 1,27-28), khi chúng ta đọc thấy rằng Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ và chúc lành cho họ, để họ lớn lên và tăng trưởng, thì Ngài đã làm cho Ađam và Eva trở thành những bậc cha mẹ mà, khi thực hiện lời chúc lành của Thiên Chúa hãy sinh sôi nảy nở, đã sinh ra tình huynh đệ đầu tiên, giữa Cain và Abel. Cain và Abel là anh em, bởi vì họ đến cùng một cung lòng, và vì thế họ có cùng nguồn gốc, cùng bản tính và cùng phẩm giá như cha mẹ họ, được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa.
Nhưng tình huynh đệ cũng diễn tả sự đa dạng và sự khác biệt vốn tồn tại giữa những người anh em, cho dù được liên kết bởi việc sinh hạ và có cùng bản tính và phẩm giá. Với tư cách là anh chị em, tất cả mọi người do đó, tự bản chất, đều có tương quan với người khác, mà họ khác biệt nhưng lại chia sẻ cùng nguồn gốc, cùng bản tính và cùng phẩm giá. Vì thế, tình huynh đệ làm nên mạng lưới những tương quan nền tảng cho việc xây dựng gia đình nhân loại do Thiên Chúa tạo dựng.
Bất hạnh thay, giữa việc tạo dựng đầu tiên được sách Khởi nguyên tường thuật và việc sinh hạ mới trong Chúa Kitô, vốn làm cho các tín hữu trở thành anh chị em của « trưởng tử giữa một đoàn em đông đúc » (Rm 8,29), có một thực tại tiêu cực của tội lỗi vốn liên tục phá vỡ tình huynh đệ của công trình tạo dựng và làm méo mó vẻ đẹp và sự cao quý của việc trở nên anh chị em của cùng một gia đình nhân loại. Không chỉ Cain không đón nhận Abel em mình, nhưng anh ta còn giết em mình do lòng ganh tỵ khi phạm tội giết em đầu tiên. « Việc Cain giết chết Abel chứng thực cách bi kịch việc loại bỏ tận căn ơn gọi huynh đệ. Câu chuyện của họ (x. Kn 4,1-16) làm nổi bật nhiệm vụ khó khăn mà tất cả mọi người được kêu gọi, đó là sống hiệp nhất, quan tâm lẫn nhau» (2).
Cũng tương tự, trong câu chuyện gia đình ông Nô-ê và con cái của ông (x. Kn 9,18-27), chính sự báng bổ của Sam đối với Nô-ê cha mình đã thúc đẩy Nô-ê nguyền rửa đứa con vô lễ và chúc lành cho những đứa khác, những đứa con đã tôn kính ông, và như thế đã tạo nên một sự bất bình đẳng giữa những anh em được sinh ra từ cùng lòng mẹ.
Trong trình thuật về nguồn gốc gia đình nhân loại, tội xa lìa Thiên Chúa, xa rời hình ảnh người cha và người con trở nên một lời diễn tả việc từ khước sự hiệp thông và được thể hiện qua nền văn hóa nô lệ (x. Kn 9, 25-27), với những hậu quả mà điều ấy ngụ ý và được kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác : khước từ tha nhân, ngược đãi người khác, vi phạm phẩm giá và các quyền căn bản, thể chế hóa những bất bình đẳng. Từ đó cần thiết có một sự hoán cải liên lỉ trở về với Giáo ước, được thực hiện bằng sự hiến tế của Chúa Kitô trên thập giá, tin tưởng rằng « ở đâu tội lỗi tràn đầy, ở đó ân sủng còn chứa chan gấp bội …nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta » (Rm 5, 20). Ngài, « Con yêu dấu » (x. Mt 3,17), đã đến mạc khải tình yêu của Chúa Cha cho nhân loại. Đối với Chúa Giêsu, bất cứ ai lắng nghe Tin Mừng và đáp lại lời mời gọi hoán cải đều trở thành « anh em, chị em và mẹ » (Mt 12,50), và do đó trở nên nghĩa tử của Cha Ngài (x. Êp 1,5).
Thế nhưng, chúng ta không trở nên Kitô hữu, nên con của Chúa Cha và anh em trong Chúa Kitô, bằng sự sắp đặt độc đoán của Thiên Chúa, không có việc thực thi sự tự do cá nhân, tức là không tự do hoán cải trở về với Chúa Kitô. Sự kiện làm con Thiên Chúa theo sau mệnh lệnh hoán cải : « Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần » (Cv 2,38). Tất cả những ai, nhờ đức tin và trong cuộc sống, đã đáp lại lời rao giảng này của Phêrô đều đã đi vào tình huynh đệ của cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên (x. 1P 2,17 ; Cv 1,15.16 ; 6,3 ; 15,23) : người Do Thái và Hy Lạp, nô lệ và tự do (x. 1Cr 12,13 ; Ga 3,28), mà sự đa dạng về nguồn gốc và điều kiện xã hội của họ không làm giảm đi phẩm giá của mỗi người, cũng không loại trừ ai khỏi việc thuộc về dân Thiên Chúa. Vì thế, cộng đoàn kitô hữu là nơi hiệp thông trong tình yêu giữa những người anh chị em với nhau (x. Rm 12,10 ; 1Th 4,9 ; Dt 13,1 ; 1P 1,22 ; 2P 1,7).
Tất cả những điều đó chứng minh rằng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, qua Ngài Thiên Chúa « đổi mới mọi sự » (Kh 21,5) (3), cũng có khả năng khôi phục các mối tương quan giữa con người, bao hàm cả giữa người nô lệ và ông chủ của mình, bằng cách làm nổi bật những gì mà cả hai đều có chung : mối liên hệ nghĩa tử và tình huynh đệ trong Chúa Kitô. Chính Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của mình : « Thầy không còn gọi các con là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm ; nhưng Thầy gọi các con là bạn hữu của Thầy, vì tất cả những gì Thầy đã nghe từ Cha Thầy, Thầy đã cho các con biết » (Ga 15,15).
Những bộ mặt đa dạng của tình trạng nô lệ hôm qua và hôm nay
3. Từ thuở xa xưa, nhiều xã hội loài người đã biết đến hiện tượng nô lệ hóa con người bởi con người. Có những thời kỳ trong lịch sử nhân loại trong đó việc thiết lập nạn nô lệ nói chung đã được chấp nhận và hợp thức hóa bởi luật pháp. Luật pháp thiết định ai sinh ra là người tự do và, trái lại, ai sinh ra là người nô lệ, và cả trong những điều kiện nào con người, sinh ra là người tự do, có thể mất đi sự tự do của mình hay giành lại được nó. Nói cách khách, chính luật pháp đã thừa nhận rằng một số người có thể hay phải được coi như là sở hữu của một người khác, người này có thể tự do sở hữu người kia ; người nô lệ có thể bị bán hay mua, được chuyển nhượng hay thủ đắc như thể người đó là một thứ hàng hóa.
Ngày nay, sau cuộc tiến triển tích cực của lương tâm nhân loại, nạn nô lệ, tội ác chống lại nhân loại (4), đã chính thức được xóa bỏ trên thế giới. Quyền của mỗi người không bị cầm giữ trong tình trạng nô lệ hay tôi đòi đã được nhìn nhận trong luật pháp quốc tế như là chuẩn mực bó buộc.
Thế nhưng, cho dầu cộng đồng quốc tế đã thông qua nhiều hiệp định nhằm chấm dứt nạn nô lệ dưới mọi hình thức của nó, và tiến hành nhiều chiến lược để chống lại hiện tượng này, vậy mà ngày nay vẫn còn hàng triệu người – trẻ em, đàn ông và phụ nữ thuộc mọi lứa tuổi – đang bị tước đi tự do và bó buộc sống trong những điều kiện như những điều kiện của tình trạng nô lệ.
Tôi nghĩ đến nhiều nam nữ công nhân, ngay cả vị thành niên, đang bị làm nô lệ nơi những lĩnh vực khác nhau, trên bình diện chính thức hay không chính thức, từ lao động tại gia đến lao động nông nghiệp, từ công nghiệp chế tạo đến lãnh vực hầm mỏ, nơi các nước có luật lao động không phù hợp với các chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu cũng như, ngay cả cách phi pháp, nơi những nước có luật bảo vệ người lao động.
Tôi cũng nghĩ đến những điều kiện sống của nhiều di dân mà, trong hành trình thê thảm của họ, chịu đói, đang bị lấy đi tự do, bị tước đi của cải của họ hay bị lạm dụng về mặt thể lý và tình dục. Tôi nghĩ đến những người trong số họ vốn, đã đạt tới điểm đến sau một chuyến đi trong những điều kiện thể lý rất vất vả và bị thống trị bởi nỗi sợ hãi và bất an, lại bị giam giữ trong những điều kiện thường là phi nhân. Tôi nghĩ đến những người trong số họ mà những hoàn cảnh xã hội, chính trị và kinh tế khác nhau thúc đẩy sống và làm việc trong những hoàn cảnh không xứng đáng, đặc biệt khi luật pháp quốc gia tạo nên hay cho phép một sự lệ thuộc cơ cấu của người lao động di trú đối với ông chủ, bằng cách điều kiện hóa, chẳng hạn, tính hợp pháp của việc cư trú với giao kèo lao động… Vâng, tôi nghĩa đến « lao động nô lệ ».
Tôi nghĩ đến những người bó buộc phải làm đĩ điếm, trong số đó nhiều người ở tuổi vị thành niên, và đến những nô lệ tình dục ; đến những phụ nữ bị cưỡng ép kết hôn, bị bán để kết hôn hay bị chuyền lại, bằng sự kế thừa, cho một thành viên gia đình trước cái chết của người chồng mà họ có quyền ưng thuận hay không ưng thuận.
Tôi không thể không nghĩ đến tất cả những ai mà, vị thành niên hay trưởng thành, là đối tượng cho việc mua bán các cơ phận con người, cho việc đi lính, ăn xin, những hoạt động phi pháp như sản xuất hay buôn bán chất ma túy, hay những hình thức che đậy của việc nhận con nuôi trên thế giới.
Sau cùng, tôi nghĩ đến tất cả những ai bị bắt cóc và giam giữ bởi những nhóm khủng bố, làm nô lệ cho những mục đích của họ như là những chiến binh hay, nhất là liên quan đến các cô gái trẻ và phụ nữ, như là những nô lệ tình dục. Nhiều người trong số họ đã biến mất, một số bị bán nhiều lần, bị tra tấn, cắt tay chân, hay bị giết chết.
Một số nguyên nhân sâu xa của nạn nô lệ
4. Ngày nay cũng như xưa, ở cội rễ của nạn nô lệ, có một quan niệm về con người thừa nhận khả năng đối xử họ như là một đồ vật. Khi tội lỗi làm hỏng tâm hồn con người và làm cho nó xa rời Đấng Tạo Hóa và đồng loại của mình, thì những người đồng loại không còn được coi như là những hữu thể bình đẳng về phẩm giá, như là những anh chị em đồng loại, nhưng bị coi như là những đồ vật. Con người, được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, bằng vũ lực, bằng sự lừa đảo hay bằng sự cưỡng bức thể lý hay tâm lý, bị tước đi tự do của mình, bị buôn bán, bị giảm thiểu thành sở hữu của một ai đó, nó bị đối xử như là một phương tiện chứ không như là một cùng đích.
Bên cạnh nguyên nhân hữu thể học này – việc khước từ nhân tính nơi người khác – , có những nguyên nhân khác giúp giải thích những hình thức nô lệ hiện đại. Trong số đó, tôi đặc biệt nghĩ đến sự nghèo khổ, đến sự kém phát triển và sự loại trừ, đặc biệt khi chúng được nối kết với việc thiếu giáo dục hay với một thực tại được rõ nét bởi những cơ hội làm việc ít ỏi, nếu không nói là không có. Thông thường, những nạn nhân của việc buôn bán hay nô lệ hóa là những người đã tìm kiếm một cách thức ra khỏi điều kiện nghèo khổ quá mức, thông thường là bằng cách tin vào những lời hứa việc làm giả tạo, và, trái lại, bị rơi vào tay cũng những mạng lưới tội phạm điều khiển việc buốn bán người. Những mạng lưới này sử dụng cách khôn khéo những kỹ thuật công nghệ thông tin hiện đại để nhử các thanh thiếu niên trên khắp thế giới.
Cũng thế, sự tham nhũng của những người làm tất cả để làm giàu phải được kể trong số những nguyên nhân của nạn nô lệ. Quả thế, nạn nô lệ và việc buôn bán người đòi hỏi một sự đồng lõa vốn thường ngang qua sự tham nhũng của những người trung gian, của một số thành viên của lực lượng cảnh sát hay của các nhân viên Nhà Nước hay của các thể chế khác nhau, dân sự và quân đội. « Điều đó xảy đến khi nằm ở trung tâm của một hệ thống kinh tế là thần tài chứ không phải con người, nhân vị. Vâng, ở trung tâm của mọi hệ thống xã hội và kinh tế phải là con người, hình ảnh của Thiên Chúa, được tạo dựng để là người cai quản vũ trụ. Khi con người bị đổi chỗ và thần tài xuất hiện thì sự đảo lộn các giá trị này sẽ được diễn ra » (5).
Những nguyên nhân khác của nạn nô lệ là những cuộc xung đột vũ trang, bạo lực, tình trạng tội phạm và chủ nghĩa khủng bố. Có nhiều người bị bắt cóc để bán, hay làm chiến binh, hay bị khai thác về mặt tình dục, đang khi những người khác bị bó buộc phải di cư, bỏ lại tất cả những gì họ có : đất đai, nhà cửa, tài sản, cũng như các thành viên của gia đình. Những người này bị thúc đẩy tìm kiếm một thế đôi ngả với những điều kiện kinh khủng này, ngay cả nguy hại đến phẩm giá và sự sống còn của họ, khi mạo hiểm bước vào cái vòng luẩn quẩn này vốn nạn nhân của sự khốn cùng, của sự tham nhũng và những hậu quả độc hại của chúng.
Một sự dấn thân chung để chiến thắng tình trạng nô lệ
5. Thông thường, khi quan sát hiện tượng của nạn buôn người, việc lưu thông phi pháp những người di dân và những bộ mặt khác được biết tới hay không của nạn nô lệ, ta có cảm tưởng rằng nó diễn ra trong sự dửng dưng toàn diện.
Bất hạnh thay, nếu điều đó là đúng phần lớn, thì tôi xin nhắc lại công việc âm thầm to lớn mà nhiều dòng tu, nhất là các dòng nữ, đang thực hiện từ nhiều năm nay đối với các nạn nhân. Các dòng tu này hoạt động trong những bối cảnh khó khăn, đôi khi bị thống trị bởi bạo lực, bằng việc tìm cách phá vỡ những xích xiềng vô hình trói buộc các nạn nhân với những kẻ buôn bán và khai thác họ ; những xích xiềng mà những mắt xích của chúng được làm bằng những cơ chế tâm lý tinh tế vốn làm cho các nạn nhân lệ thuộc vào những tên đao phủ của mình qua sự ngăm đe và hăm dọa, đối với họ và những người thân của họ, nhưng cả qua những phương tiện vật chất, như việc tịch thu giấy tờ tùy thân và bạo lực thể lý. Hoạt động của các dòng tu được thực hiện chủ yếu xoay quanh ba thực hành : trợ giúp các nạn nhân, phục hồi họ về mặt tâm lý và đào tạo, và tái hội nhập họ vào xã hội nơi đến hay nguyên quán.
Công việc lớn lao này, vốn đòi hỏi can đảm, kiên nhẫn và kiên trì, đáng được sự trân trọng của toàn thể Giáo Hội và xã hội. Nhưng chỉ nó mà thôi thì tất nhiên không thể đủ để chấm dứt tai họa khai thác con người. Còn cần phải có sự dấn thân ba mặt, trên bình diện thể chế, phòng ngừa, bảo vệ các nạn nhân và hành động tư pháp đối với những người có trách nhiệm. Vả lại, vì các tổ chức tội phạm sử dụng các mạng lưới toàn cầu để đạt tới các mục tiêu của họ, thì cũng thế việc dấn thân để chiến thắng hiện tượng này đòi hỏi một nỗ lực chung và cả toàn cầu nữa về phía những tác nhân khác nhau làm nên xã hội.
Các Nhà Nước phải canh chừng sao cho các pháp chế quốc gia của họ về di dân, lao động, nhận con nuôi, việc phân phối các doanh nghiệp và việc buôn bán các sản phẩm được làm ra do sự khai thác lao động phải thực sự tôn trọng phẩm giá con người. Cần có những luật lệ công bằng, tập trung vào nhân vị, bảo vệ các quyền căn bản của nó và tái xác lập chúng nếu chúng bị vi phạm, bằng việc phục hồi nạn nhân và đảm bảo an toàn cho họ, cũng như những cơ cấu hữu hiệu kiểm soát việc áp dụng đúng đắn các chuẩn mực này, vốn không nhường chỗ cho sự tham nhũng và thiếu sự trừng phạt. Cũng cần thiết phải nhìn nhận vai trò của phụ nữ trong xã hội, bằng cách cũng hoạt động trên bình diện văn hóa và truyền thông để đạt được những kết quả mong đợi.
Các tổ chức liên chính phủ, tuân theo nguyên tắc bổ trợ, được mời gọi có những sáng kiến phối hợp để chống lại các mạng lưới tội ác có tổ chức xuyên quốc gia đang điều hành việc buôn bán con người và việc lưu thông phi pháp những người di dân. Một sự phối hợp trên các bình diên khác nha là cần thiết, bao gồm các thể chế quốc gia và quốc tế, cũng như các tổ chức của xã hội dân sự và thế giới doanh nghiệp.
Quả thế, các doanh nghiệp (6) có bổn phận đảm bảo cho các nhân công của mình những điều kiện lao động xứng đáng và tiền lương thích hợp, nhưng cả canh chừng để những hình thức nô lệ hay buôn bán con người không diễn ra nơi các dây chuyền phân phối. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được đi kèm bởi trách nhiệm xã hội của người tiêu thụ. Quả thế, mỗi người phải ý thức rằng « mua sắm không chỉ là một hành vi kinh tế nhưng còn luôn là một hành vi luân lý » (7).
Về phần mình, các tổ chức của xã hội dân sự có bổn phận làm cho nhạy cảm và kích thích các lương tâm về các bước cần thiết để chống lại và loại trừ nền văn hóa nô lệ.
Những năm qua, Tòa Thánh, khi đón nhận tiếng kêu đau đớn của các nạn nhân buôn bán và tiếng nói của các dòng tu đang đồng hành họ hướng đến sự giải thoát, đã nhân tăng lời kêu gọi cộng đồng quốc tế để những tác nhân khác nhau liên kết những nỗ lực của họ và cộng tác để chấm dứt tai họa này (8). Vả lại, một số cuộc gặp gỡ đã được tổ chức với mục đích cho thấy hiện tượng buôn bán con người và tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa các tác nhân khác nhau, trong đó có các chuyên viên trong giới hàn lâm và các tổ chức quốc tế, các lực lượng cảnh sát của các nước nguồn gốc, chuyển tiếp và điểm tới khác nhau của những người di dân, và các vị đại diện các giáo hội dấn thân cho các nạn nhân. Tôi mong ước sự dấn thân này được tiếp tục và được củng cố trong những năm tới.
Toàn cầu hóa tình huynh đệ, chứ không nạn nô lệ hay sự dửng dưng
6. Trong công cuộc “loan báo chân lý về tình yêu của Chúa Kitô trong xã hội” (9) của mình, Giáo Hội lien lỉ dấn thân trong các hoạt động bác ái khởi từ chân lý về con người. Giáo Hội có nhiệm vụ cho mọi người thấy con đường hoán cải, vốn dẫn đến việc thay đổi cái nhìn về tha nhân, nhìn nhận nơi người khác, dầu họ là ai, một người anh em và chị em đồng loại, nhìn nhận phẩm giá tự tại của họ trong chân lý và tự do, như câu chuyện của thánh nữ Joséphine Bakhita minh họa cho chúng ta Thánh nữ có nguồn gốc ở vùng Darfour bên Su-đăng, bị bắt cóc bởi những kẻ buôn nô lệ và bị bán cho những ông chủ kinh khủng từ lúc chín tuổi, và tiếp đến, xuyên qua những biến cố đau thương, đã trở thành “người con tự do của Thiên Chúa” nhờ đức tin được sống trong đời sống thánh hiến và trong việc phục vụ người khác, đặc biệt những người bé nhỏ và yếu đuối. Vị thánh nữ này, sống giữa thế kỷ XIX và XX, ngày nay là một chứng tá và là một khuôn mẫu hy vọng (10) cho nhiều nạn nhân nô lệ, và thánh nữ có thể nâng đỡ những nỗ lực của tất cả những ai hiến thân cho cuộc đấu tranh chống lại “vết thương trong thân thể của nhân loại hiện đại, một vết thương trong thân xác của Chúa Kitô” (11).
Trong viễn ảnh này, tôi ước ao mời gọi mỗi người, trong vai trò và trách nhiệm riêng biệt của mình, làm những cử chỉ huynh đệ đối với những ai bị giam giữ trong tình trạng nô lệ. Chúng ta hãy tự hỏi làm thế nào, xét như là cộng đoàn hay cá nhân, chúng ta cam thấy bị chất vấn khi, trong đời thường chúng ta gặp gỡ hay có việc với những người có thể là nạn nhân của việc buôn bán con người, hay khi chúng ta phải chọn lựa mua những sản phẩm mà rất có thể là đã được làm nên nhờ việc khai thác những người khác. Một số người trong chúng ta, do dửng dưng hay bởi vì bị dồn ép bởi những bận tâm thường ngày, hay vì những lý do kinh tế, lại nhắm mắt đi. Trái lại, những người khác lại chọn lựa làm điều gì đó tích cực, dấn thân trong các hội đoàn của xã hội dân sự hay thực hiện những cử chỉ nhỏ giữa đời thường – những cử chỉ này có nhiều giá trị! – như một lời nói, một lời chào, một lời “xin chào”, hay một nụ cười, vốn không tốn đồng nào nhưng có thể mang lại hy vọng, mở ra những con đường, thay đổi cuộc sống của một người đang sống trong lén lút, và cả thay đổi cuộc sống của chúng ta qua việc đương đầu với thực tại này.
Chúng ta phải nhìn nhận rằng chúng ta đang đối diện với một hiện tượng toàn cầu vượt quá những khả năng của chỉ một cộng đồng hay quốc gia, Để chiến thắng nó, cần phải có sự huy động các chiều kích sánh với các chiều kích của hiện tượng này. Vì lý do này, tôi đưa ra lời kêu gọi cấp bách đối với mọi người nam và nữ thiện chí, và với tất cả những ai, gần hay xa, bao gồm cả những bình diện thể chế cao nhất, là những chứng tá cho tai họa nô lệ hiện đại này, đừng đồng lõa với sự xấu xa này, đừng ngoảnh mặt trước những đau khổ của anh chị em đồng loại, bị mất tự do và phẩm giá, nhưng có can đảm chạm đến thân xác đau khổ của Chúa Kitô (12), vốn trở nên hữu hình xuyên qua vô số khuôn mặt của những ai mà chính Ngài gọi là “những anh em bé mọn nhất của Ta đây” (Mt 25, 40.45).
Chúng ta biết rằng Thiên Chúa sẽ hỏi mỗi người chúng ta: Người đã làm gì em ngươi? (x. Kn 4, 9-10). Sự toàn cầu hóa sự dửng dưng, vốn hôm nay đè nặng lên cuộc sống của nhiều anh chị em, đòi hỏi hết thảy chúng ta trở nên những người kiến tạo một sự toàn cầu hóa tình liên đới và huynh đệ, vốn có thể mang lại cho họ niềm hy vọng, và giúp họ can đảm lấy lại con đường xuyên qua những vấn đề của thời đại chúng ta và những viễn ảnh mới mẻ mà nó mang lại và Thiên Chúa đặt trong đôi bàn tay của chúng ta.
Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 2014
PHANXICÔ
[1] Số 1.
[2] Sứ điệp Ngày thế giới hòa bình 2014, số 2.
[3] X. Tông huấn Evangelii gaudium, số 11.
[4] X. Diễn văn cho Phái đoàn quốc tế của Hiêp hội Luật Hình Sự, 23/10/2014 : nhật báo Osservatore Romano, ed. fr., n. 3.353 (30 oct. 2014), p. 8.
[5] Diễn văn cho các tham dự viên cuộc Hội ngộ thế giới các Phong trào bình dân, 28/10/ 2014 : nhật báo Osservatore Romano, ed. fr., n. 3.353 (30 oct. 2014), p. 6.
[6] X. Hội đồng Tòa Thánh ‘‘Công lý và Hòa bình’’, Ơn gọi của lãnh đạo doanh nghiệp. Một suy tư, Milan et Rome, 2013.
[7] Benoît XVI, Thông điệp Caritas in veritate, số 66.
[8] X. X. Sứ điệp gởi cho Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc Tổ chức lao động thế giới, nhân dịp khóa họp lần thứ 103 Hội thảo của Tổ chức lao động thế giới (Genève, 28/5-12 /6/2014), 22/5/2014 : L’Osservatore Romano, tiếng Pháp, số 3.333 (5/6/2014), tr. 5.
[9] Benoît XVI, Caritas in veritate, số 5.
[10] « Nhờ biết đến niềm hy vọng này, chị đã « được cứu chuộc », chị không còn cảm thấy là một nô lệ nữa, nhưng là một người con tự do của Thiên Chúa. Chị hiểu những gì thánh Phaolô đã hiểu khi ngài nhắc cho các tín hữu Êphêsô rằng trước kia họ không có hy vọng và không có Thiên Chúa trong thế giới – không hy vọng bởi vì không có Thiên Chúa» (Benoît XVI, Thông điệp Spe salvi, số 3).
[11] Diễn từ cho các tham dự viên cuộc Hội nghị quốc tế lần II về buôn bán con người, 10/4/2014 : DC số. 2516 (2014), p. 113 ; x. Tông huấn Evangelii gaudium, số 270.
[12] X.Tông huấn Evangelii gaudium, các số 24.270.
———
Tý Linh chuyển ngữ theo bản tiếng Pháp.
Tags: bác ái-liên đới, Hòa-bình, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO