SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO NHÂN NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH LẦN THỨ 50
1/1/2017
« Bất bạo động : đường lối của một chính sách vì hòa bình »
1. Khởi đầu năm mới này, tôi xin gởi lời chúc bình an đến các dân tộc và các quốc gia trên thế giới, đến các Nhà Lãnh Đạo Quốc Gia và các Chính Phủ, cũng như những người hữu trách của các cộng đồng tôn giáo và những biểu đạt khác nhau của xã hội dân sự. Tôi cầu chúc hòa bình đến mỗi người nam, mỗi người nữ cũng như mỗi đứa trẻ và tôi cầu nguyện để hình ảnh và sự họa ảnh của Thiên Chúa trong mỗi người cho phép chúng ta nhận biết lẫn nhau như ân ban thánh thiêng của một phẩm giá cao cả. Nhất là trong những tình cảnh xung đột, chúng ta hãy tôn trọng “phẩm giá thâm sâu nhất này” (1) và chúng ta hãy biến tình trạng bất bạo động tích cực trở thành lối sống của chúng ta.
Đó là Sứ điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 50. Trong sứ điệp đầu tiên, Chân Phước Phaolô VI đã ngỏ lời với mọi dân tộc, không chỉ người Công giáo, bằng những ngôn từ rõ ràng dứt khoát: “Cuối cùng, hòa bình đã nổi lên một cách rất rõ ràng và nó là đường lối duy nhất và đích thực trong tiến bộ của nhân loại (không phải là những căng thẳng của chủ nghĩa quốc gia cực đoan đầy tham vọng, cũng không phải là những cuộc chinh chiến đầy bạo lực, không phải là những cuộc trấn áp để tạo ra một trật tự xã hội giả tạo)”. Ngài cảnh báo chống lại “hiểm họa khi tin rằng những cuộc tranh cãi quốc tế không thể được giải quyết bằng những con đường của lý trí, nghĩa là bằng những cuộc thương thuyết được thiết lập trên luật pháp, công lý và công bằng, nhưng chỉ bằng phương tiện sức mạnh gieo rắc sợ hãi và chết chóc”. Ngược lại, khi trưng dẫn Thông điệp Pacem in terris của vị tiền nhiệm là Thánh Gioan XXIII, ngài ca ngợi “ý nghĩa và tình yêu hòa bình, được tạo lập trên sự thật, công lý, tự do và tình yêu”(2). Tính thời sự của những phát ngôn gây ấn tượng mạnh này, ngày nay vẫn không kém phần quan trọng và khẩn thiết như cách đây năm mươi năm.
Nhân dịp này, tôi mong ước dừng lại trên sự bất bạo động như đường lối của một chính sách vì hòa bình và tôi cầu xin Thiên Chúa giúp cho tất cả chúng ta kín múc tinh thần bất bạo động nơi sâu thẳm của tình cảm của chúng ta và của các giá trị con người của chúng ta. Ước gì tình bác ái và sự bất bạo động hướng dẫn phương thế mà chúng ta đối xử với nhau trong những mối tương quan liên vị, trong những quan hệ xã hội và trong những mối tương quan quốc tế. Khi những mối tương quan này biết chống lại cám dỗ trả thù, thì những nạn nhân của bạo lực có thể là những tác nhân khả tín nhất của tiến trình phi bạo lực để xây dựng nền hòa bình. Từ cấp độ địa phương và thường nhật cho tới cấp độ của các trật tự thế giới, ước gì tinh thần bất bạo động trở thành đường lối đặc trưng trong các quyết định của chúng ta, trong các hành động của chúng ta, trong nền chính trị dưới mọi hình dạng của nó!
Một thế giới bị phân mảnh
2. Thế kỷ vừa qua đã bị tàn phá bởi hai cuộc chiến tranh thế giới đầy chết chóc; thế kỷ này đã nhận ra sự đe dọa của chiến tranh hạt nhân và một số lượng lớn các cuộc xung đột, trong khi đó ngày nay, bất hạnh thay, chúng ta bị lôi cuốn vào một cuộc chiến tranh thế giới khủng khiếp bị phân mảnh. Thật không dễ để biết liệu thế giới hiện tại ít bạo lực hơn so với thế giới hôm qua hay không, cũng không thể biết liệu những phương tiện truyền thông hiện đại và di động, là những đặc nét của thời đại chúng ta, có làm cho chúng ta ý thức về bạo lực hay là thiết thân với bạo lực hơn.
Dù thế nào đi chăng nữa, tính bạo lực này được thực hiện bằng “những mảnh khác nhau”, theo những cách thức và ở những cấp độ khác nhau, gây nên những đau khổ lớn lao mà chúng ta ý thức rất rõ về điều đó: chiến tranh trong các quốc gia và lục địa khác nhau; khủng bố, tội ác và tấn công có vũ trang không lường trước được; những vụ lạm dụng mà người di dân và những nạn nhân của nạn buôn người phải chịu đựng; sự tàn phá môi trường. Cho mục đích nào? Bạo lực cho phép đạt đến những mục tiêu của giá trị vững bền sao? Tất cả những gì mà bạo lực có được không phải là kích động các cuộc trả thù và các vòng xoáy của các cuộc xung độ chết chóc mà chỉ gây lợi cho một số nhỏ ‘các lãnh chúa của chiến tranh” sao?
Bạo lực không phải là phương thuốc đối với thế giới bị phân mảnh. Đáp trả bạo lực bằng bạo lực dẫn đến những cuộc di dân bị ép buộc và những khổ đau khủng khiếp, vì phần quan trọng của các nguồn tài nguyên được dành cho những mục đích quân sự và bị lấy mất khỏi những nhu cầu hằng ngày của những người trẻ, của các gia đình đang gặp khó khăn, của những người cao tuổi, của những người bệnh, của phần lớn các cư dân trên thế giới này. Trong trường hợp xấu nhất, bạo lực có thể dẫn tới cái chết thể lý và tâm lý của rất nhiều người, thậm chí là tất cả mọi người.
Tin Mừng
3. Đức Giêsu cũng đã sống vào thời của bạo lực. Ngài đã dạy rằng chiến trường thực sự, mà trên đó bạo lực và hòa bình đương đầu với nhau, là tâm hồn của con người: “Chính từ bên trong, từ lòng người, phát xuất ra những ý định xấu” (Mc 7,21). Nhưng sứ điệp của Đức Kitô, khi đối diện với thực tại này, đưa ra câu trả lời tự bản chất là tích cực: Ngài đã rao giảng một cách không mệt mỏi tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, Đấng đón nhận và tha thứ và Ngài đã dạy cho các môn đệ yêu thương kẻ thù (x. Mt 5,44) và giơ má khác ra (x. Mt 5,39). Khi Ngài đã ngăn cản những người tố cáo người phụ nữ ngoại tình ném đá bà (x. Ga 8,1-11) và vào đêm trước ngày ngài chết, khi ngài đã nói với Phêrô xỏ gươm của ông vào vỏ (x. Mt 26,52), Đức Giêsu đã vạch ra con đường bất bạo động, mà Ngài theo đuổi cho đến cùng, cho tới chết trên thập giá, qua đó Ngài đã thực hiện nền hòa bình và phá hủy sự thù ghét (x. Ep 2,14-26). Chính vì thế, ai đó nhận Tin Mừng của Đức Giêsu thì biết cách nhận ra bạo lực mà nó chất chứa nơi chính nó và để cho mình được chữa lành bởi lòng thương xót của Thiên Chúa, khi trở nên như thế, đến lượt mình, người đó trở thành công cụ hòa giải, theo lời kích lệ của thánh Phanxicô Assidi: “Nền hòa bình mà môi miệng bạn loan truyền, hãy có nó ngay cả trong tim của bạn nữa”(3).
Là môn đệ đích thực của Đức Giêsu ngày nay có nghĩa là hội nhập vào lời đề nghị bất bạo động của Ngài. Như vị tiền nhiệm của tôi Đức Biển Đức XVI đã khẳng định, sự bất bạo động “có tính hiện thực, vì nó chú ý tới sự kiện là trên thế giới, quá nhiều bạo lực và bất công đang ngự trị, và ngược lại, người ta chỉ có thể vượt lên trên tình huống này bằng cách chống lại nó bằng sự bổ sung tình yêu, một sự bổ sung lòng tốt. “Sự bổ sung này” đến từ Thiên Chúa (4). Và Ngài mạnh mẽ thêm vào: “Đối với các Kitô hữu, bất bạo động không phải là một thái độ ứng xử có tính chiến lược, nhưng là một phương cách hiện hữu của con người, là thái độ của người vững tin vào tình yêu của Thiên Chúa và sức mạnh của Ngài, đến nỗi người đó không sợ đương đầu với sự dữ với duy chỉ vũ khí của tình yêu và chân lý. Tình yêu kẻ thù làm nên cốt lõi của “cuộc cách mạng Kitô giáo”(5). Một cách đúng đắn, Tin Mừng về tình yêu thương đối với kẻ thù (x. Lc 6, 27) được coi như “đại hiến chương của tính thần bất bạo động Kitô giáo”; Tin Mừng này không hệ tại ở việc “nhẫn nhục chịu đựng trước sự dữ […] nhưng là đáp trả sự dữ bằng sự thiện (x. Rm 12, 17-21), bằng cách bẻ gãy gông cùm của bất công”(6).
Mạnh mẽ hơn bạo lực
4. Sự bất bạo động đôi khi được hiểu theo nghĩa đầu hàng, không dấn thân và thụ động, nhưng trên thực tế nó không phải như thế. Khi Mẹ Têrêsa nhận Giải Nobel Hòa Bình vào năm 1979, Mẹ đã rõ ràng cho thấy sứ điệp bất bạo động tích cực : « Trong gia đình của chúng ta, chúng ta không cần bom đạn và vũ khí, không cần hủy diệt để mang lại hòa bình, nhưng chỉ cần chung sống, yêu thương nhau […]. Và chúng ta có thể chiến thắng mọi sự dữ trên thế giới» (7). Vì, sức mạnh của vũ khí là đánh lừa. « Đang khi những kẻ buôn bán vũ khí làm công việc của mình, thì có những người kiến tạo hòa bình nghèo khó mà, chỉ để giúp đỡ người này, người kia, rồi người kia, người kia nữa, đang mang lại cho họ sự sống » ; đối với những người kiến tạo hòa bình này, Mẹ Têrêsa là « một biểu tượng, một hình tượng của thời đại chúng ta » (8). Vào tháng Chín vừa qua, tôi đã có niềm vui sướng lớn lao khi phong thánh cho Mẹ. Tôi đã ca ngợi sự sẵn sàng ứng trực của Mẹ đối với mọi người bằng « sự đón tiếp và bảo vệ sự sống con người, sự sống trong cung lòng người mẹ và sự sống bị bỏ rơi và loại trừ. […] Mẹ đã cúi xuống trên những người kiệt sức yếu đau mà người ta để mặc cho chết bên vệ đường, bằng việc nhìn nhận phẩm giá mà Thiên Chúa đã ban cho họ ; Mẹ đã làm cho những người quyền thế trên trái đất lắng nghe tiếng của Mẹ, để họ nhận ra lỗi lầm của mình trước những tội ác – trước những tội ác – của sự nghèo đói mà chính họ đã tạo ra » (9). Đáp lại, sứ mạng của Mẹ – và hệ tại điều đó Mẹ đại diện cho hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người – là đến gặp gỡ các nạn nhân cách quảng đại và tận tâm, chạm đến và băng bó mọi thân xác bị tổn thương, chữa lành mọi cuộc sống mệt mỏi.
Con đường bất bạo động được thực hành cách kiên định và mạch lạc đã mang lại những kết quả ấn tượng. Những thành công đạt được bởi Mahatma Gandhi và Khan Abdul Ghaffar Khan trong việc giải phóng Ấn Độ, và bởi Martin Luther King Jr chống lại sự phân biệt kỳ thị chủng tộc sẽ không bao giờ bị quên lãng. Cách riêng, những người nữ thường là những người lãnh đạo bất bạo động, chẳng hạn như Leymah Gbowee và hàng ngàn phụ nữ Libêria đã tổ chức những buổi gặp gỡ cầu nguyện và một cuộc phản kháng bất bạo động (pray-ins) vốn đạt được những cuộc thương thảo ở cấp cao để chấp dứt cuộc chiến tranh dân sự lần hai ở Libêria.
Chúng ta cũng không thể quên thập niên lịch sử đã kết thúc bởi sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Châu Âu. Các cộng đồng Kitô hữu đã mang lại sự đóng góp của mình bằng lời cầu nguyện tha thiết và bằng hành động can đảm. Thừa tác vụ và huấn quyền của thánh Gioan-Phaolô II đã có một ảnh hưởng đặc biệt. Khi suy từ về những biến cố năm 1989 trong Thông điệp Bách Chu Niên (1991), vị tiền nhiệm của tôi đã nhấn mạnh rằng một sự thay đổi lịch sử trong đời sống các dân tộc, các quốc gia và Nhà Nước được thực hiện « bằng một cuộc đấu tranh hòa bình, chỉ sử dụng những vũ khí của sự thật và công lý » (10). Hành trình chuyển tiếp chính trị hướng đến hòa bình này đã trở nên khả thi phần nào « bằng hành động bất bạo động của những con người mà, khi họ đã luôn khước từ nhượng bộ cho sức mạnh của vũ lực, đã biết tìm ra nơi mỗi trường hợp cách thức hữu hiệu làm chứng cho sự thật ». Và ngài đã kết luận : « Ước gì con người có thể học biết đấu tranh cách bất bạo động cho công lý, bằng việc từ bỏ đấu tranh giai cấp trong những cuộc tranh chấp nội bộ và từ bỏ cuộc chiến tranh trong các cuộc tranh chấp quốc tế » (11).
Giáo Hội đã dấn thân để thực hiện những chiến lược bất bạo động nhằm cổ võ hòa bình nơi nhiều nước, thậm chí bằng cách kêu xin các tác nhân bạo lực nhất trong nỗ lực để xây dựng một nền hòa bình đúng đắn và bền vững.
Sự dấn thân cho các nạn nhân của bất công và bạo động này không phải là một gia sản độc quyền của Giáo Hội Công Giáo, nhưng là riêng của nhiều truyền thống tôn giáo mà đối với họ « lòng trắc ẩn và tinh thần bất bạo động là thiết yếu và chỉ ra con đường sự sống » (12). Tôi mạnh mẽ tái khẳng định điều này : « Không có tôn giáo nào là khủng bố » (13). Bạo lực là một sự xúc phạm nhân danh Thiên Chúa (14). Chúng ta không bao giờ mệt mỏi lặp đi lặp lại điều này : « Không bao giờ danh Thiên Chúa có thể biện minh cho bạo lực. Chỉ hòa bình là thánh thiện. Chỉ hòa bình là thánh thiện, chứ không phải là chiến tranh ! ». (15).
Nguồn gốc gia đình của một chính sách bất bạo động
5. Nếu nguồn gốc của bạo lực là tâm hồn con người, thì như thế điều căn bản là trải qua con đường bất bạo động trước tiên ở bên trong gia đình. Đó là một thành tố của niềm vui yêu thương này mà tôi đã trình bày, vào tháng Ba vừa qua, trong Tông huấn Amoris laetitia, nhằm kết thúc hai năm suy tư của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình. Gia đình là lò luyện cần thiết trong đó vợ chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em học biết tương giao và săn sóc lẫn nhau một cách vô vị lợi, và là nơi mà những xích mích, thậm chí là những xung đột phải được vượt qua không phải bằng bạo lực, nhưng bằng việc đối thoại, sự tôn trọng, việc tìm kiếm điều tốt của người khác, lòng thương xót và sự tha thứ (16). Từ bên trong gia đình, niềm vui yêu thương lan tỏa khắp thế giới và chiếu tỏa trong toàn xã hội (17). Mặt khác, một nền đạo đức huynh đệ và chung sống hòa bình giữa những con người và giữa các dân tộc không thể được xây dựng trên lôgíc của sự sợ hãi, của bạo lực và khép kín, nhưng trên trách nhiệm, lòng tôn trọng và đối thoại chân thành. Theo nghĩa này, tôi kêu gọi giải trừ quân bị, cũng như cấm và bãi bỏ vũ khí hạt nhân : thể loại đạo đức này không thể dựa vào việc răn đe hạt nhân và sự đe dọa hủy diệt lẫn nhau (18). Cũng cấp bách như thế, tôi kêu xin bạo lực gia đình và những lạm dụng đối với phụ nữ và trẻ em hãy ngừng lại.
Năm Thánh Lòng Thương Xót, kết thúc vào tháng Mười Một vừa qua, đã là một lời mời gọi nhìn vào sâu thẳm tâm hồn chúng ta và để cho lòng thương xót của Thiên Chúa bước vào đó. Năm Thánh làm cho chúng ta ý thức về rất nhiều người và các nhóm xã hội đang bị đối xử cách dửng dưng, đang là nạn nhân của bất công và đang chịu cảnh bảo lực. Họ thuộc về « gia đình » của chúng ta, họ là anh chị em của chúng ta. Vì thế, các chính sách bất bạo động phải bắt đầu giữa các bức tường của mái nhà để tiếp đến được lan tỏa trong toàn thể gia đình nhân loại. « Mẫu gương của thánh Têrêsa ở Lisieux mời gọi chúng ta thực hành con đường bé nhỏ của tình yêu, không đánh mất cơ hội của một lời tử tế yêu thương, của một nụ cười, của bất kỳ cử chỉ nhỏ bé nào vốn gieo rắc bình an và tình bằng hữu. Một nền sinh thái toàn diện cũng được thực hiện bằng những cử chỉ nhỏ giữa đời thường qua đó chúng ta cắt đứt lôgíc bạo lực, bóc lột, ích kỷ » (19).
Lời mời gọi của tôi
6. Việc xây dựng hòa bình bằng con đường bất bạo động tích cực là một yếu tố cần thiết và mạch lạc với những nỗ lực thường xuyên của Giáo Hội để hạn chế việc sử dụng bạo lực bằng những chuẩn mực luân lý, bằng việc tham dự của mình vào những công việc của các thể chế quốc tế và nhờ sự đóng góp đầy khả năng của nhiều Kitô hữu vào việc soạn thảo luật pháp trên nhiều cấp trật. Chính Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta một « thủ bản » của chiến lược xây dựng hòa bình này trong Bài giảng trên núi. Tám mối phúc (x. Mt 5, 3-10) vạch ra chân dung của người mà chúng ta có thể gọi là hạnh phúc, tốt lành và chân chính. Chúa Giêsu nói : phúc cho những ai hiền lành, những ai có lòng thương xót, những ai kiến tạo hòa bình, những tâm hồn trong sạch, những ai đói khát sự công chính.
Đó cũng là một chương trình và một thách đố cho các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo, cho các vị hữu trách các thể chế quốc tế và cho các vị lãnh đạo của các doanh nghiệp và các hãng truyền thông trên toàn thế giới : áp dụng các Mối Phúc trong cách họ thực thi trách nhiệm của riêng mình. Một thách đố để xây dựng xã hội, cộng đồng hay doanh nghiệp mà họ có trách nhiệm với lối sống của những người kiến tạo hòa bình ; chứng tỏ lòng thương xót bằng cách khước từ việc loại bỏ con người, việc làm hủy hoại môi trường và muốn chiến thắng bằng mọi giá. Điều đó đòi hỏi sự sẵn lòng « đối diện sự xung đột, giải quyết nó và biến nó thành một mắt xích của một tiến trình mới » (20). Hành động theo cách này có nghĩa là chọn lựa sự liên đới như là lối sống để viết nên lịch sử và xây dựng tình bằng hữu xã hội. Đường lối bất bạo động tích cực là một cách thức cho thấy rằng sự hiệp nhất thực sự mạnh mẽ và phong phú hơn sự xung đột. Trong thế giới tất cả đều gắn kết mật thiết với nhau (21). Chắc chắn, có thể xảy ra là những sự khác biệt tạo nên những xích mích : chúng ta hãy đối diện với chúng cách xây dựng và bất bạo động, để « những căng thẳng và những đối lập có thể đạt tới một sự hiệp nhất đa dạng, một sự hiệp nhất vốn sinh ra một đời sống mới », bằng việc gìn giữ « những tiềm năng quý giá của các đối cực » (22).
Tôi đảm bảo rằng Giáo Hội Công Giáo sẽ đồng hành với mọi ý định xây dựng hòa bình, bao hàm con đường bất bạo động tích cực và sáng tạo. ngày 1/1/2017 sẽ hình thành Bộ mới, Bộ Phục vụ sự Phát triển con người toàn diện, vốn sẽ giúp Giáo Hội cổ võ cách luôn luôn hữu hiệu hơn « những thiện ích vô biên của công lý, hòa bình và việc gìn giữ công trình tạo dựng » và việc quan tâm đến những người di dân, « những người túng thiếu, các bệnh nhân và những người bị loại trừ, những người bên lề xã hội và các nạn nhân của những cuộc xung đột vũ trang và của các thiên tai, các tù nhân, những người thất nghiệp và các nạn nhân của mọi hình thức nô lệ và tra tấn » (23). Mỗi hành động theo đường hướng này, dù khiêm tốn, đều đóng góp vào việc xây dựng một thế giới được giải thoát khỏi nạn bạo lực, bước đầu tiên hướng đến công lý và hòa bình.
Kết luận
7. Phù hợp với truyền thống, tôi ký Sứ điệp này vào ngày 8/12, ngày lễ Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đức Maria là Nữ Vương Hòa Bình. Khi Con của Mẹ giáng sinh, các thiên thần đã tôn vinh Thiên Chúa và cầu chúc hòa bình dưới thế cho người thiện tâm (x. Lc 2, 14). Chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ làm người hướng dẫn chúng ta.
« Hết thảy chúng ta đều khát vọng hòa bình ; nhiều người đang xây dựng hòa bình mỗi ngày bằng những cử chỉ nhỏ bé ; có nhiều người đang đau khổ và nhẫn nại nâng đỡ những nỗ lực của nhiều mong muốn xây dựng hòa bình » (24). Vào năm 2017, chúng ta hãy dấn thân, bằng lời cầu nguyện và bằng hành động, trở thành những con người đã dứt bỏ sự bạo lực khỏi lòng mình, khỏi những lời nói và việc làm, và xây dựng những cộng đoàn bất bạo động, vốn săn sóc ngôi nhà chung. « Không có gì là không thể được nếu chúng ta cầu xin Chúa. Hết thảy chúng ta đều có thể là những con người kiến tạo hòa bình » (25).
Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 2016
Phanxicô
(Giuse Nguyễn Xuân Phong và Tý Linh chuyển ngữ theo bản tiếng Pháp )
——————————–
(1) Tông huấn Evangelii gaudium, số 228.
(2) Sứ điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình lần thứ nhất, 1/1/1968.
(3) « Légende des trois compagnons », số 58, Sources franciscaines, Cerf/Éditions franciscaines, 2010, tr. 1146.
(4) Kinh Truyền Tin, 18/2/2007.
(7) Mẹ Têrêsa, Diễn từ cho Giải Nobel Hòa Bình, 11/12/1979.
(8) Bài suy niệm « Con đường hòa bình », Nhà nguyện Domus Sanctae Marthae, 19/11/ 2015.
(9) Bài giảng lễ phong thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta, 4/9/2016.
(12) Diễn từ trong buổi tiếp kiến chung liên tôn, 3/11/2016.
(13) Diễn từ dịp Hội ngộ các phong trào bình dân lần thứ 3, 5/11/2016.
(14) Xem Diễn từ dịp Gặp gỡ Lãnh đạo Hồi giáo vùng Caucase và với các vị Đại diện của các cộng đồng tôn giáo khác, Bakou, 2/10/2016.
(15) Diễn từ, Assise, 20/9/2016.
(16) Xem Tông huấn Amoris laetitia, các số 90-130.
(17) Xem Ibid., các số 133.194.234.
(18) Xem Sứ điệp dịp Hội nghi về tác động nhân đạo của vũ khí hạt nhân, 7/12/2014.
(19) Thông điệp Laudato si’, số 230.
(20) Tông huấn Evangelii gaudium, số 227.
(21) Xem Thông điệp Laudato si’, các số 16.117.138.
(22) Tông huấn Evangelii gaudium, số 228.
(23) Tông thư dưới hình thức “Tự sắc” qua đó Bộ Phục vụ sự Phát triển con người toàn diện được thành lập, 17/8/2016.
(24) Buổi đọc kinh Nữ Vương Thiên Đàng, Bethléem, 25/5/2014.
(25) Lời kêu gọi, Assise, 20/9/2016.
Tags: Hòa-bình, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM