SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI LẦN THỨ 48

Written by xbvn on Tháng Một 24th, 2014. Posted in Luân lý, Sứ điệp, Thế Giới, Tý Linh

Dưới đây là toàn văn sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội 2014, với tựa đề “Việc truyền thông nhằm phục một nền văn hóa gặp gỡ đích thực”. Trong sứ điệp này, Đức Thánh Cha quan niệm việc truyền thông như là một sự xích lại gần, trong tình người, để hiểu biết nhau hơn và giúp đỡ nhau. Đối với ngài, “diễn tả tình nhân ái” là “ơn gọi”  của truyền thông.

[Chúa Nhật 1.6.2014]

Anh chị em thân mến,

Ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới càng ngày càng trở nên “nhỏ bé” hơn và do đó việc xích lại gần nhau càng dễ dàng. Việc phát triển các phương tiện giao thông và các công nghệ truyền thông làm cho chúng ta gần nhau, nối kết  chúng ta luôn hơn nữa, và việc toàn cầu hóa làm cho chúng ta trở nên tương tùy. Thế nhưng, giữa lòng nhân loại vẫn còn tồn tại dai dẳng những chia rẽ, đôi khi rất sâu đậm. Trên bình diện thế giới, chúng ta thấy sự chênh lệch quá mức giữa sự xa hoa của người giàu và sự khốn khổ của người nghèo. Thông thường chỉ đi đến các đường phố để thấy sự tương phản giữa những người đang sống trên các vỉa hè và các ánh sáng lộng lẫy của các quán hàng. Chúng ta đã quen với điều đó đến nỗi nó không còn tác động đến chúng ta nữa. Thế giới đang chịu nhiều hình thức loại trừ, gạt bỏ bên lề xã hội và nghèo đói, cũng như đang chịu những cuộc xung đột trong đó các nguyên nhân kinh tế, chính trị, ý thức hệ và, bất hạnh thay, ngay cả tôn giáo đang trộn lẫn vào nhau.

Trong thế giới này, các phương tiện truyền thông có thể đóng góp vào việc làm cho chúng ta cảm thấy gần gũi nhau hơn ; làm cho chúng ta nhận thấy một ý thức mới về sự hiệp nhất của gia đình nhân loại, vốn thúc đẩy đến tình liên đới và sự dấn thân nghiêm chỉnh cho một cuộc sống xứng đáng hơn. Truyền thông đúng đắn giúp chúng ta xích lại gần nhau và biết rõ nhau hơn, trở nên hiệp nhất hơn. Những bức tường chia rẽ chúng ta chỉ  có thể được vượt qua nếu chúng ta sẵn sàng lắng nghe nhau và học biết lẫn nhau. Chúng ta cần điều chỉnh các sự khác biệt xuyên qua các hình thức đối thoại vốn cho phép chúng ta lớn lên trong sự hiểu biết và tôn trọng nhau. Nền văn hóa gặp gỡ đòi hỏi chúng ta sẵn sàng không chỉ cho đi, nhưng còn lãnh nhận từ người khác nữa. Các phương tiện truyền thông có thể  giúp chúng ta trong lãnh vực này, đặc biệt ngày nay, khi mà các mạng lưới tương giao của con người đã đạt tới một sự tiến bộ phi thường. Cách riêng, Internet có thể mang lại những khả năng gặp gỡ và liên đới hơn nữa giữa mọi người, và đó là một điều  tốt, đó là một ân huệ của Thiên Chúa.

Thế nhưng, có những khía cạnh gây ra vấn đề: tốc độ của việc thông tin vượt quá khả năng suy tư và phán đoán của chúng ta và không cho phép một sự diễn tả về chính mình có chừng mực và đúng đắn. Những ý kiến bày tỏ khác nhau có thể được xem như là một sự phong phú, nhưng đó cũng có thể khép kín chính mình trong một phạm vi các thông tin vốn chỉ đáp ứng những mong đợi của chúng ta, những ý tưởng của chúng ta, hay ngay cả những lợi ích chính trị và kinh tế nhất định của chúng ta. Môi trường truyền thông có thể giúp chúng ta lớn lên hay, trái lại, làm cho chúng ta lạc hướng. Ước muốn kết nối về mặt kỹ thuật số cuối cùng có thể cô lập chúng ta với tha nhân của chúng ta, với những người láng giềng gần nhất của chúng ta. Vì những lý do khác nhau, không được quên những ai không thể tiếp cận các phương tiện truyền thông xã hội, và có nguy cơ bị loại trừ.

Những giới hạn này là có thực, tuy nhiên chúng không thể biện minh cho một sự bác bỏ các phương tiện truyền thông xã hội; đúng hơn chúng nhắc nhở chúng ta rằng, chung cuộc, việc truyền thông là một cuộc chinh phục nhân bản hơn là công nghệ kỹ thuật. Do đó, điều gì giúp chúng ta, trong môi trường kỹ thuật kỹ thuật số, được lớn lên về mặt con người và trong sự hiểu biết lẫn nhau? Chẳng hạn, chúng ta phải nhận ra một một ý nghĩa nào đó về sự chậm rãi và sự bình tĩnh. Điều đó đòi hỏi chúng ta có thời gian và khả năng thinh lặng để lắng nghe. Chúng ta cũng cần phải kiên nhẫn nếu chúng ta muốn hiểu người khác biệt với chúng ta: nhân vị được diễn tả cách tròn đầy không phải khi nó chỉ được bao dung mà thôi,  nhưng còn cả khi nó biết mình thực sự được đón tiếp. Nếu chúng ta thực sự ao ước lắng nghe người khác, thì khi đó chúng ta sẽ học biết nhìn thế giới bằng đôi mắt khác biệt, và cảm nhận kinh nghiệm của con người như nó được biểu lộ nơi những nền văn hóa và các truyền thống khác nhau. Nhưng chúng ta cũng biết đánh giá tốt hơn những giá trị cao cả mà Kitô giáo đã gợi hứng, như cái về con người như là một nhân vị, hôn nhân và gia đình, sự phân biệt giữa phạm vi tôn giáo và phạm vi chính trị, những nguyên tắc liên đới và bổ trợ và nhiều giá trị khác.

Như thế, làm thế nào việc truyền thông/việc tương giao có thể phục vụ cho một nền văn hóa gặp gỡ đích thực? Và đối với chúng ta, những người môn đệ của Chúa, gặp gỡ một người theo Tin Mừng nghĩa là gì? Làm sao có thể thực sự gần gũi nhau, bất  chấp tất cả những giới hạn và tội lỗi của chúng ta? Những câu hỏi này được tóm lại trong một câu mà một ngày nọ, một người thông luật, tức là một người truyền thông, đã đặt ra cho Chúa Giêsu: “Ai là tha nhân của tôi?” (Lc 10, 29). Câu hỏi này cho phép chúng ta hiểu việc truyền thông theo nghĩa sự thân cận. Chúng ta có thể diễn giải nó thế này: làm thế nào “sự thân cận” này được biểu lộ trong việc sử dụng  các phương tiện truyền thông và trong môi trường mới được tạo nên bởi các công nghệ kỹ thuật số? Tôi tìm thấy một câu trả lời trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, vốn cũng là một dụ ngôn về người truyền thông. Quả thế, người truyền thông thì xích lại gần. Và người Samaritanô nhân hậu không chỉ xích lại gần, nhưng ông còn bảo lãnh cho người đang dở sống dở chết đang nằm trên đường. Chúa Giêsu đảo ngược viễn cảnh: đó không phải là nhìn nhận người khác như là đồng loại của tôi, nhưng là khả năng của tôi trở nên đồng loại với tha nhân. Do đó, truyền thông có nghĩa là ý thức mình là người, những người con của Thiên Chúa. Tôi thích định nghĩa sức mạnh truyền thông này như là “sự thân cận”.

Khi việc truyền thông chỉ nhắm trước tiên thúc đẩy đến việc tiêu thụ hay thao túng con người, thì chúng ta đang đương đầu với một sự tấn công bạo lực như sự tấn công mà bọn cướp đã làm tổn thương người kia và bỏ mặc trên vệ đường, như chúng ta đọc thấy trong dụ ngôn. Nơi người ấy thầy Lê-vi và tư tế đã không coi là tha nhân của mình, nhưng là một người xa lạ mà tốt hơn là nên tránh xa. Vào lúc đó,  những gì đã điều kiện hóa họ, đó là những quy luật về sự thanh sách phụng tự. Ngày nay, chúng ta có nguy cơ trước việc một số phương tiện truyền thông điều kiện hóa chúng ta đến độ làm cho chúng ta không biết tha nhân đích thực của chúng ta.

Việc trải qua chiều dài “những con đường” kỹ thuật số mà  thôi thì không đủ, tức là chỉ nối mạng: điều cần thiết là việc kết nối này được kèm theo một cuộc gặp gỡ đích thực. Chúng ta không thể sống một mình, khép kín nơi chính mình. Chúng ta cần yêu thương và được yêu thương. Chúng ta cần tình nhân ái. Không phải những chiến lược truyền thông đảm bảo vẻ đẹp, sự tốt lành và chân lý của nó. Vả lại, thế giới truyền thông không thể xa lạ với mối ưu tư cho con người, và nó có ơn gọi diễn tả tình nhân ái. Mạng lưới kỹ thuật số có thể là một nơi đầy tình người, không chỉ là một mạng lưới những dây dợ, nhưng là của những nhân vị. Tính trung lập của các phương tiện truyền thông chỉ là bề ngoài: chỉ người truyền thông nào biết hy sinh chính mình thì mới được coi là một điểm tham chiếu. Sự dấn thân chính mình là chính nguồn cội của tính khả tín của một người truyền thông. Vì lý do này, chứng tá Kitô hữu, nhờ mạng lưới, có thể đạt tới những vùng ngoại vi của cuộc sống.

Tôi thường lặp đi lặp lại điều này: giữa một Giáo Hội ra đường gặp tai nạn, và một Giáo Hội bệnh hoạn tự quy chiếu về chính mình, thì tôi chắc chắn: tôi thích Giáo Hội bị tai nạn hơn. Và những con đường này là những nẻo đường của thế giới trong đó người ta sống, người ta có thể đạt tới nó cách hữu hiệu và đầy tình người. Trong số những con đường này, cũng có những con đường kỹ thuật số, đầy người, thường bị thương tổn: những người nam và người nữ vốn tìm kiếm một ơn cứu rỗi hay một niềm hy vọng. Cũng nhờ mạng lưới, sứ điệp Kitô giáo có thể hành trình “cho đến tận cùng thế giới” (Cv 1,8). Mở những cánh cửa của các nhà thờ cũng có nghĩa mở chúng ra trong môi trường kỹ thuật số,  hoặc để người ta đi vào, cho dù điều kiện sống của họ thế nào, hoặc để Tin Mừng có thể vượt qua ngưỡng cửa của đền thờ và đi ra gặp gỡ mọi người. Chúng ta được kêu gọi làm chứng cho một Giáo Hội vốn là ngôi nhà của mọi người. Chúng ta có khả năng thông truyền khuôn mặt của một Giáo Hội như thế không? Việc truyền thông đón góp vào việc khuôn đúc nên ơn gọi truyền giáo của toàn  thể Giáo Hội, và các mạng lưới  xã hội ngày nay là một trong những nơi để sống ơn gọi tái khám phá vẻ đẹp của đức tin, vẻ đẹp của việc gặp gỡ với Chúa Kitô này. Ngay cả trong khung cảnh của việc truyền thông, cần phải có một Giáo Hội thành công mang lại hơi ấm, sưởi ấm lòng người.

Chứng tá của người Kitô hữu không được thực hiện với việc dội bom các sứ điệp tôn giáo, nhưng bằng ý muốn tự hiến chính mình cho người khác “xuyên qua sự sẵn sàng hiến thân cách kiên nhẫn và tôn trọng trong những vấn đề và những nghi ngờ của họ, trên con đường tìm kiếm chân lý và ý nghĩa của cuộc sống con người” (Bênêđíctô XVI, Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội, 2013). Chúng ta hãy nghĩ đến trình thuật về các môn đệ trên đường Emmaus. Cần phải biết bước vào đối thoại với những người nam và người nữ hôm nay, để hiểu những mong đợi, những nghi ngờ, những hy vọng của họ, và đề nghị Tin Mừng cho họ, tức là Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, chết và sống lại để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. Thách đố này cần thiết có chiều sâu, quan tâm đến cuộc sống, sự nhạy bén tâm lình. Đối thoại có nghĩa là xác tín rằng tha nhân có điều gì đó tốt lành để nói, nhường chỗ cho quan điểm của người ấy, cho những đề nghị của người ấy. Đối thoại không có nghĩa là từ bỏ ý tưởng và truyền thống riêng của mình, nhưng là từ bỏ tham vọng rằng chúng là độc nhất và tuyệt đối.

Ước gì hình ảnh của người Samaritanô nhân hậu, người đã chăm sóc các vết thương của người bị nạn bằng việc đổ dầu và rượu băng bó, trở thành người dẫn đường của chúng ta. Ước gì việc truyền thông của chúng ta trở thành một thứ dầu thơm cho nỗi đau thương và rượu ngon mang lại sự hân hoan. Sự chiếu sáng của chúng ta không đến từ những kỹ xảo hay những hiệu ứng đặc biệt, nhưng từ khả năng của chúng ta  xích lại gần mọi người bị thương mà chúng ta gặp thấy trên hành  trình của chúng ta, cách yêu thương, cách đầy tình nhân ái. Đừng sợ trở nên những công dân của mảnh đất kỹ thuật số. Sự quan tâm và sự hiện diện của Giáo Hội là quan trọng trong thế giới truyền thông, để đối thoại với con người  thời nay và dẫn họ đến gặp gỡ Chúa Kitô: một Giáo Hội vốn đồng hành trên con đường, biết lữ hành với mọi người. Trong khung cảnh này, cuộc cách mạng của các phương tiện truyền thông và thông tin là một thách đố to lớn và rất lý thú, vốn đòi hỏi những nghị lực tươi mới và một trí tưởng tượng mới mẻ để truyền đạt cho người khác vẻ đẹp của Thiên Chúa.

Vatican,  ngày 24 tháng Giêng năm 2014, kính nhớ thánh Phanxicô Salê

Tý Linh chuyển ngữ theo bản tiếng Pháp

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31