SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAOLÔ VI GỬI CHO CÁC LINH MỤC VÀO NGÀY 30 THÁNG 06 NĂM 1968
Anh em linh mục của Giáo Hội Công Giáo, những người con thân yêu trong tất cả thân mến, Bí tích Truyền Chức Thánh đã làm cho anh em thành những người anh em và những cộng sự viên của chúng tôi trong sứ vụ của ơn cứu độ, anh em thân mến, chúng tôi muốn ngỏ lời trực tiếp với anh em vào lúc kết thúc Năm đức tin nhằm kỷ niệm 1900 năm cuộc tử đạo của hai Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Đây là những lời ngắn gọn và đơn giản nhưng hữu ích cho anh em.
Chúng tôi đã ấp ủ điều đó trong tim từ lâu. Như là đồng đạo của anh em, luôn luôn, nghĩa là từ ngày chúng tôi được chia sẻ sứ mạng nhiệm mầu là được thụ phong linh mục và cảm nhận tình liên đới mới mẻ và sâu xa, tình liên đới này đã nối kết chúng tôi với tất cả những anh em đồng đạo với chúng tôi: vì tất cả chúng ta được chọn để tái hiện Đức Kitô theo thánh ý Chúa Cha, để thánh hóa, hướng dẫn và phục vụ các tín hữu, để thực thi ơn cứu độ đối với thế giới. Chúng tôi không bao giờ quên mối dây liên kết đầy tôn trọng, thân ái và huynh đệ đối với anh em. Khi Hội Thánh mời gọi chúng tôi thực hiện những chức vụ trong công tác mục vụ, trước tiên như là Giám mục, rồi như là Giáo Hoàng, những suy tư về hàng giáo sĩ trở thành lời khẩn nài liên lỉ trong đời sống nội tâm của chúng tôi với tâm tình đầy quý mến, ân cần và bác ái. Chúng tôi thường cảm thấy tiếc nuối vì đã không nói với anh em cho đủ, vì đã không minh chứng cho anh em thường xuyên, bằng những dấu chỉ tốt nhất, tình cảm mà Thần Khí Chúa đã đặt để và luôn đặt để trong tâm khảm của chúng tôi đối với anh em; đây là tình cảm phát xuất từ con tim và kèm theo tình cảm này là những tư tưởng khác và những tình cảm khác mà sứ vụ của chúng tôi làm lộ ra trong ý thức của chúng tôi: trên tất cả mọi sự, với tất cả mọi sự, trong trật tự của đức ái, chính các linh mục với các giám mục chiếm vị trí thứ nhất.
Chính vì thế ngày hôm nay chúng tôi muốn nói với anh em. Đây không phải là một thông điệp mà chúng tôi muốn ngỏ lời với anh em, đđây không phải là một huấn dụ, đây không phải là một hành vi mang hình thức giáo luật, đây chỉ đơn giản là sự tuôn trào của con tim. “Chúng tôi chân thành ngỏ lời với anh em, chúng tôi mở rộng tấm lòng đối với anh em” (2Cr 6,11). Mừng kỷ niệm trăm năm cuộc tử đạo của hai Thánh Tông Đồ mà qua sứ điệp Tin Mừng và qua bửu huyết của các ngài đã đặt nền móng cho Giáo Hội Rôma, bắt buộc chúng tôi phải mở ra cho anh em một khoảng thời gian cho tâm hồn.
Chúng tôi biết lòng trung thành của anh em đối với Đức Kitô và đối với Giáo Hội
Với lòng thán phục lớn lao, với tâm tình trìu mến vô bờ, chúng tôi biết lòng trung thành của anh em đối với Đức Kitô và Giáo Hội. Chúng tôi biết lòng quảng đại dấn thân và nỗi vất vả của anh em. Chúng tôi biết anh em tận tâm tận lực trong sứ vụ, anh em ân cần lo lắng trong các hoạt động tông đồ. Chúng tôi cũng biết rằng tính vô vị lợi của Tin Mừng và đức ái mục vụ của anh em khơi lên trong lòng rất nhiều Kitô hữu lòng kính trọng và tâm tình tri ân. Những kho tàng phát xuất từ đời sống tâm linh của anh em, từ cuộc đối thoại của anh em đối với Thiên Chúa và từ những lễ tế của anh em với Đức Kitô, từ đà tiến của anh em đến chiều kích chiêm niệm ngay giữa những hoạt động, chúng tôi biết tất cả những điều đó. Chúng tôi mong muốn lặp lại Lời Chúa trong sách Khải Huyền về mỗi người trong anh em: “Ta biết các việc ngươi làm, nỗi vất vả và lòng kiên nhẫn của người”(2,2). Khung cảnh này mang lại cho chúng tôi biết bao là cảm xúc và niềm vui! Thật đáng ghi ơn biết bao! Chúng tôi cảm ơn anh em và chúng tôi chúc lành cho anh em nhân danh Đức Kitô vì những gì anh em đã sống, vì những gì anh em thực hiện trong lòng Giáo Hội của Đức Kitô. Anh em là những người thợ thiện hảo với Giám mục của anh em, anh em là những cột trụ, những bậc thầy và những bạn hữu và cũng là những người trực tiếp phân phát mầu nhiệm của Thiên Chúa (x. 1Cr 4,1; 2Cr 6,4). Chúng tôi mong muốn biểu lộ với anh em trọn vẹn con tim của chúng tôi để mỗi người trong anh em tự biết và cảm thấy mình được quí trọng và yếu mến và để mỗi người trong anh em cảm thấy vui mừng vì hiệp thông với chúng tôi trong kế hoạch lớn lao và trong nỗ lực liên lỷ của sứ vụ tông đồ.
Nỗi lo âu và bất an của một số linh mục
Đó không phải là một lối nhìn thiển cận hay chế diễu. Bên cạnh nhiều linh mục tìm thấy bình an và niềm vui trong sứ vụ của mình dẫu rằng tiếng nói của họ không vang dội như bao tiếng nói khác. Chúng tôi biết rằng còn có một tình trạng đau lòng hơn. Nơi một số thành viên của hàng giáo sĩ, nỗi lo âu và bất an về điều kiện của Giáo Hội. Họ nghĩ là đã bị gạt ra bên lề trong đà tiến của xã hội hiện đại.
Quả vậy, linh mục không thoát khỏi những tác động của cuộc khủng hoảng biến đổi đang làm rung chuyển thế giới. Cũng như tất cả những anh em trong đức tin, linh mục cũng biết đến những phút giây tâm tối trong hành trình của họ hướng về Thiên Chúa. Hơn nữa, một vài sự kiện của đời sống linh mục được giải thích và được phổ quát hóa không đúng đắn làm cho linh mục phải chịu đựng đau khổ một cách bất công. Vì thế, chúng tôi xin anh em linh mục nhớ lại tình cảnh của mỗi người Kitô hữu và đặc biệt của linh mục, đó sẽ luôn là một tình cảnh đầy nghịch lý và không thể hiểu thấu dưới cặp mắt của những người không có đức tin. Do đó, chính nhờ vào việc đào sâu đức tin của riêng mình mà tình cảnh hiện tại sẽ như lời mời gọi linh mục đi đến ý thức rõ ràng hơn về những gì linh mục là, về những sức mạnh mà linh mục được mặc lấy, về sứ vụ mà linh mục được trao phó. Các con và anh em thân mến, chúng tôi nguyện xin Thiên Chúa giúp cho chúng tôi có khả năng và xứng đáng để trao tặng cho anh em tia sáng nào đó và sự trợ lực nào đó.
Chúng tôi nói với tất cả các linh mục rằng đừng bao giờ nghi ngờ về bản chất chức linh mục thừa tác của mình. Đó không phải là một sứ vụ hay một công việc phục vụ nào đó phải thực hiện cho cộng đoàn Giáo Hội. Đó là công việc phục vụ dự phần một cách đặc biệt vào sức mạnh của chức tư tế của Đức Kitô nhờ Bí tích truyền chức thánh với đặc tính là không thể xóa nhòa (Lumen gentium 10 và 28).
Chiều kích thánh thiêng của chức linh mục
Vì thế, chúng tôi có thể làm sáng tỏ một vài chiều kích loại biệt của chức linh mục trong Hội Thánh Công Giáo. Trước tiên là chiều kích thánh thiêng. Linh mục là người của Thiên Chúa, linh mục là thừa tác viên của Thiên Chúa; linh mục có thể chu toàn những tác vụ vượt lên trên hiệu quả tự nhiên bởi vì linh mục hành động “in personna Christi”; Đức Kitô trao ban cho linh mục một sức mạnh siêu vượt, dầu linh mục vừa khiêm nhường và vừa vinh quang trở thành khí cụ hữu hiệu của Chúa trong một vài thời điểm; linh mục cũng là phương tiện của Chúa Thánh Thần. Mối tương quan duy nhất, sự ủy quyền và lòng tin tưởng mang chiều kính linh thiêng đi giữa giữa linh mục và thế giới thánh thiêng.
Chiều kích tông đồ
Tuy nhiên, món quà này, linh mục không nhận nó cho riêng mình nhưng cho tha nhân: chiều kính thánh thiêng được thiết lập để quy hướng đến chiều kích tông đồ; nghĩa là cho sứ vụ và cho thừa tác vụ linh mục.
Chúng tôi biết rõ điều này, linh mục là người không sống cho chính mình nhưng cho tha nhân. Ngài là con người của cộng đoàn. Chính khía cạnh này của đời sống linh mục được hiểu rõ nhất trong thời đại chúng ta. Có những linh mục thấy ở đó câu trả lời cho những câu hỏi đầy khiêu khích về sự sống sót của chức linh mục trong thế giới hiện đại; cũng có những linh mục đi xa đến mức hỏi rằng liệu linh mục có còn lý do để hiện hữu nữa không? Những công việc phục vụ mà linh mục dành cho xã hội, đặc biệt là cho các cộng đoàn Giáo Hội minh chứng một cách đầy đủ về sự hiện hữu của chức linh mục. Thế giới cần chức linh mục. Giáo Hội cần. Khi nói điều đó, một loại nhu cầu của nhân loại phô diễn trong tâm trí chúng tôi. Những loại người nào không cần đến lời giảng dạy của Kitô giáo, không cần đến đức tin và ân sủng? Người nào không cần tìm một ai đó hiến thân cho mình một cách vô vị lợi và với tình yêu mến? Chẳng lẽ đức ái mục vụ lại có giới hạn hay sao? Đó không phải là hễ nơi đâu ước muốn thực hiện tình bác ái này là nhỏ nhất trong khi nhu cầu về đức ái thì nhiều nhất hay sao? Đúng thế: công cuộc rao giảng Tin Mừng, giới trẻ, trường học, bệnh nhân và ngày nay là giới thợ thuyền cấu thành nên một lời mời gọi liên tục trong con tim linh mục. Và lẽ nào chúng ta vẫn còn nghi ngờ tìm thấy chỗ đứng, vai trò, sứ vụ trong cuộc sống hiện tại? Đúng hơn có lẽ cần nói làm cách nào để đáp ứng cho những người đang cần đến chúng ta? Làm cách nào qua sự hiến thân một cách cá nhân của chúng ta tương hợp với sự bội tăng về những trách nhiệm mục vụ và tông đồ? Có lẽ chưa bao giờ như hiện nay Giáo Hội ý thức mình là phương tiện cần thiết của ơn cứu độ, chưa bao giờ trong quá khứ tính năng động trong việc phân phát các ân huệ của Thiên Chúa lớn như lúc này. Và lẽ nào chúng ta lại mơ mộng một thế giới không có Giáo Hội và một Giáo Hội không có các thừa tác viên được chuẩn bị, được chuyên biệt hóa và được thánh hiến! Linh mục tự thân là dấu chỉ của tình yêu Đức Kitô đối với nhân loại, cũng là chứng nhân của sự dấn thân trọn vẹn mà qua đó Giáo Hội tìm cách thực hiện tình yêu này, một tình yêu đi đến cây Thập Giá.
Chiều kích huyền nhiệm và khổ chế
Từ ý thức sống động về ơn gọi của mình, về sự thánh hiến của mình như công cụ của Đức Kitô nhằm phục vụ con người, phát sinh ra trong linh mục ý thức về một chiều kích khác, chiều kích huyền nhiệm và khổ chế, chiều kích này định phẩm cho linh mục. Nếu mỗi người Kitô hữu là đền thờ của Chúa Thánh Thần, thì cuộc đối thoại nội tâm từ trong tâm hồn của linh mục với Sự Hiện Diện đang cư ngụ trong linh mục, biến đổi, ám ảnh linh mục và làm cho linh mục vui thỏa sẽ như thế nào? Những lời sau đây của Thánh Tông Đồ ngỏ lời với chúng ta, những linh mục: “Những kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa chứ không phải từ chúng tôi” (2Cr 4,7). Các con và anh em linh mục thân mến, làm cách nào ý thức này được xác quyết nơi chúng ta và làm cách nào ý thức này được nuôi dưỡng nơi chúng ta? Bằng cách nào ngọn đèn chiêm niệm luôn bừng cháy trong chúng ta? Làm cách nào chúng ta để cho mình bị lôi kéo bởi trung tâm điểm này của nhân cách chúng ta và quy hồi những đòi buộc thu hút chúng ta từ bên ngoài để thay thế bằng một vài lúc ngừng nghỉ và đối thoại nội tâm với Thiên Chúa? Chúng ta có giữa thói quen cầu nguyện cá nhân, suy niệm và đọc kinh phụng vụ không? Làm thế nào chúng ta có thể hy vọng mang lại hoa trái tối đa cho những hoạt động của chúng ta nếu chúng ta không biết kín múc ở nơi nguồn suối nội tâm những nguồn năng lượng tuyệt hảo nhất mà chỉ mình Thiên Chúa mới có thể trao ban khi chúng ta đàm đạo với Thiên Chúa? Tìm lý do đệ nhất và sức mạnh đầy đủ đối với đời sống độc thân trong Giáo Hội ở đâu nếu không phải là trong sự đòi buộc và trong sự trọn vẹn của tình bác ái được đổ tràn trong con tim được thánh hiến của chúng ta cho tình yêu duy nhất và cho sự phục vụ hoàn toàn đối với Thiên Chúa và đối với ý định cứu rỗi sao?
Chiều kích Giáo Hội
Nhưng một số người nói rằng ngày nay cấu trúc không là như vậy nữa để thực hiện hữu hiệu sự tân hiến mang lại nhiều hoa trái và đáng tán dương. Chính ở đó mà chúng ta tìm thấy chiều kính thứ tư của chức linh mục: chiều kích Giáo Hội. Linh mục không phải là một con người đơn độc; linh mục là chi thể của một thân thể được tổ chức, đó là Giáo Hội phổ quát, giáo phận và trong trường hợp điển hình, – có lẽ chúng tôi sẽ nói một cách chắc chắn, – là thành viên của giáo xứ. Chính Giáo Hội phải thích ứng với những nhu cầu mới của thế giới. Và Giáo Hội, sau khi kết thúc Công Đồng, đã dấn thân hoàn toàn vào việc canh tân về mặt tâm tinh và về cơ cấu tổ chức. Chúng ta hãy giúp đỡ Giáo Hội bằng sự hợp tác của chúng ta, bằng sự tán thành của chúng ta và bằng lòng kiên nhẫn của chúng ta.
Anh em và các con thân mến, hãy tin tưởng Giáo Hội. Hãy yêu mến Giáo Hội nhiều. Giáo Hội là đối tượng trực tiếp của tình yêu Đức Kitô “Dilexit Ecclesiam” (Ep 5,25). Hãy yêu mến Giáo Hội ngay cả trong những giới hạn và những khuyết điểm. Không phải vì những giới hạn và những khuyết điểm của Giáo Hội, – và có lẽ ngay cả những lỗi lầm của Giáo Hội, – nhưng bởi vì chỉ bằng cách yêu mến Giáo Hội mà chúng ta mới có thể chữa lành Giáo Hội và làm rực rỡ lên vẻ đẹp của hiền thê Đức Kitô. Chính Giáo Hội sẽ cứu thế giới, Giáo Hội hôm qua, hôm nay và ngày mai vẫn là như thế và Giáo Hội được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và được tất cả con cái giúp đỡ luôn tìm thấy sức mạnh để canh tân, để tươi trẻ lại, để đáp ứng cho những nhu cầu luôn luôn mới.
Chúng tôi nghĩ đến rất nhiều linh mục đang vất vả trong nỗ lực mang tính phương pháp để làm giàu đời sống tâm linh, trong việc học hỏi Lời Chúa, trong việc áp dụng đúng và trung thành công cuộc canh tân phụng vụ, trong việc tăng cường các công việc mục vụ đối với những người khiêm nhường và những người đói khát công bằng xã hội, trong việc giáo dục hòa bình và tự do cho dân chúng, trong công cuộc đối thoại đại kết đối với anh em Kitô hữu đã tách ra khỏi chúng ta, trong việc chu toàn hằng ngày và khiêm nhường những bổn phận đã được trao phó và trên tất cả trong tình yêu chiếu tỏa từ Chúa Kitô, từ Đức Mẹ, từ Giáo Hội và từ tất cả mọi người. Và chính chúng tôi được an ủi và khích lệ từ những điều đó.
Trong khi những tình cảm này chất chứa trong tâm khảm chúng tôi, anh em linh mục thân mến, dù anh em ở xa hay gần trong ngày mừng lễ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô, chúng tôi chào anh em và chúng tôi chúc lành cho anh em tất cả
Từ điện Vatican, ngày 30 tháng 06 năm 1968
Phaolô VI Giáo Hoàng
Nguyễn Xuân Phong chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI CÁC TÂN HỒNG Y HÃY LÀ NHỮNG NGƯỜI XÂY DỰNG SỰ HIỆP THÔNG VÀ HIỆP NHẤT
- NGHỀ NÀO HẠNH PHÚC NHẤT THẾ GIỚI?
- TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI QUAY TRỞ LẠI VỚI LỊCH SỬ TRONG VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC ?
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG BẮT ĐẦU GIAI ĐOẠN CUỐI CÙNG
- TẠI SAO CHA MATTHIEU JASSERON, NGÔI SAO TIKTOK, THÔNG BÁO “RÚT” KHỎI CHỨC LINH MỤC ?
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: NHIỀU ĐÓNG GÓP VỀ CÁC VẤN ĐỀ KHÁC NHAU CỦA GIÁO HỘI
- THƯ CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỞI CÁC TÂN HỒNG Y
- BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỚI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, TU SĨ, CHỦNG SINH VÀ CÁC NHÂN VIÊN MỤC VỤ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI GIÁO HỘI BỈ: “KHÔNG CÓ CHÚA THÁNH THẦN, KHÔNG CÓ GÌ LÀ KITÔ GIÁO XẢY ĐẾN CẢ”
- CUỘC GẶP GỠ VỚI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, NHỮNG NGƯỜI SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN, CHỦNG SINH VÀ GIÁO LÝ VIÊN
- ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI TRỞ THÀNH VÀ LAN TỎA HƯƠNG THƠM CỦA TIN MỪNG
- 62 LINH MỤC LỚN TUỔI BỊ LỪA GẠT: MỘT VỤ “LỪA ĐẢO TỪ THIỆN” PHI THƯỜNG TRƯỚC TÒA ÁN
- TẠI JAKARTA, ĐỨC PHANXICÔ CẢM ƠN CÁC GIÁO LÝ VIÊN: “CÁC CON LÀ SỨC MẠNH CỦA GIÁO HỘI”
- ĐỨC PHANXICÔ KHUYẾN KHÍCH GIÁO HỘI INDONESIA SỐNG TÌNH HUYNH ĐỆ VÀ LÒNG TRẮC ẨN
- ĐỨC PHANXICÔ: ĐỜI SỐNG TU TRÌ LÀ CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN TRONG SỰ THÁNH THIỆN
- LÀM THẾ NÀO ĐÁNH THỨC ƠN GỌI TU TRÌ TRONG CÁC GIA ĐÌNH?
- THƯ CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ VAI TRÒ CỦA VĂN CHƯƠNG TRONG ĐÀO TẠO