SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2024 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ : QUA SA MẠC THIÊN CHÚA HƯỚNG DẪN CHÚNG TA ĐẾN TỰ DO

Written by xbvn on Tháng Hai 1st, 2024. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản, Sứ điệp, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Sứ điệp Mùa Chay 2024 của Đức Phanxicô mời gọi suy tư, liên đới và tự do. Dựa vào sách Xuất Hành, ngài trình bày Mùa Chay như thời gian hoán cải và tự do, trong đó cần phải chiến đấu chống lại những cám dỗ của các thần tượng để tìm ra con đường dẫn đến Thiên Chúa giải thoát.  Đặc biệt, ngài mời gọi mọi cộng đoàn Kitô hãy “mang lại cho các tín hữu những thời điểm để suy nghĩ lại về lối sống của mình”, và đồng thời lưu ý rằng “cầu nguyện, bố thí và ăn chay không phải là ba việc thực hành độc lập, nhưng là một chuyển động cởi mở, giải phóng duy nhất: không còn những thần tượng đè nặng chúng ta, không còn những ràng buộc giam cầm chúng ta“.

Dưới đây là Sứ điệp của Đức Thánh Cha, được công bố ngày 1/2/2024 :

Qua sa mạc Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta đến tự do

Anh chị em thân mến!

Khi Thiên Chúa của chúng ta tự mặc khải chính mình, Ngài thông truyền sự tự do: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20, 2). Đây là cách mở đầu Mười Điều Răn được ban cho Môisê trên núi Sinai. Dân chúng biết rõ cuộc xuất hành mà Thiên Chúa đang nói tới: kinh nghiệm về tình trạng nô lệ vẫn còn khắc sâu trong xác thịt của họ. Họ nhận được mười chỉ dẫn trong sa mạc như một con đường dẫn đến tự do. Chúng ta gọi chúng là “các giới răn”, để nhấn mạnh sức mạnh của tình yêu qua đó Thiên Chúa giáo dục dân Ngài. Quả thật, đó là một lời kêu gọi mạnh mẽ hướng đến tự do. Nó không bị giảm thiểu thành một sự kiện duy nhất, bởi vì nó trưởng thành qua một cuộc hành trình. Cũng như dân Israel trong sa mạc vẫn còn giữ Ai Cập trong lòng mình – thực ra, họ thường hối tiếc về quá khứ và lẩm bẩm chống lại trời và chống lại ông Môsê – cũng vậy, ngày nay, dân Chúa vẫn giữ trong mình những mối ràng buộc mà họ phải chọn từ bỏ. Chúng ta nhận ra điều này khi chúng ta thiếu hy vọng và chúng ta lang thang trong cuộc đời như trên một cánh đồng hoang vắng, không có một miền đất hứa để cùng nhau hướng tới. Mùa Chay là thời gian ân sủng, trong đó sa mạc lại trở thành – như ngôn sứ Hôsê đã loan báo – nơi của tình yêu ban đầu (x. Hs 2, 16-17). Thiên Chúa giáo dục dân Ngài để họ thoát khỏi cảnh nô lệ và trải nghiệm cuộc vượt qua từ cái chết đến sự sống. Như một phu quân, Ngài đưa chúng ta trở về với Ngài và thì thầm những lời yêu thương vào trái tim chúng ta.

Cuộc xuất hành từ nô lệ hướng đến tự do không phải là một con đường trừu tượng. Để Mùa Chay của chúng ta trở nên cụ thể như vậy, bước đầu tiên là muốn nhìn thấy thực tại. Trong bụi gai cháy, khi Chúa thu hút Môsê và nói chuyện với ông, Ngài liền tự mặc khải chính mình như là một vị Thiên Chúa nhìn thấy và nhất là lắng nghe: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật” (Xh 3, 7-8). Ngay cả ngày nay, tiếng kêu của rất nhiều anh chị em bị áp bức đã thấu đến tận trời. Chúng ta hãy tự hỏi: nó có thấu đến chúng ta không? Nó có làm lay chuyển chúng ta không? Nó có làm chúng ta cảm động không? Nhiều yếu tố đã làm cho chúng ta xa rời nhau, coi thường tình huynh đệ vốn đã gắn kết chúng ta với nhau, từ nguyên thủy.

Trong chuyến đi đến Lampedusa, tôi đã phản đối việc toàn cầu hóa sự thờ ơ bằng hai câu hỏi ngày càng mang tính thời sự: “Ngươi đang ở đâu? » (Stk 3, 9) và “Em ngươi ở đâu? » (Stk 4, 9). Hành trình Mùa Chay sẽ cụ thể nếu, khi lắng nghe chúng một lần nữa, chúng ta nhận ra rằng chúng ta vẫn còn ở dưới sự thống trị của Pharaô. Một sự thống trị làm chúng ta kiệt sức và vô cảm. Đó là một mô hình tăng trưởng chia rẽ chúng ta và đánh cắp tương lai của chúng ta. Trái đất, không khí và nước bị ô nhiễm, nhưng tâm hồn cũng bị ô nhiễm từ đó. Thật vậy, mặc dù sự giải thoát của chúng ta bắt đầu bằng bí tích Rửa tội, nhưng trong chúng ta vẫn còn một nỗi hoài niệm không thể giải thích được về thân phận nô lệ. Nó giống như một sự thu hút hướng tới sự an toàn của những thứ an toàn quen thuộc, gây tổn hại đến tự do.

Tôi muốn nhấn mạnh, trong trình thuật của sách Xuất Hành, một chi tiết không phải là không quan trọng: chính Thiên Chúa nhìn thấy, cảm động và giải thoát, không phải là Israel cầu xin điều đó. Quả thế, Pharaô đã phá hủy ngay cả những ước mơ, đánh cắp bầu trời, cho thấy một thế giới như là bất biến, nơi phẩm giá bị coi thường và những mối quan hệ đích thực bị phủ nhận. Tắt một lời, ông ta đã thành công trong việc xiềng xích chính mình. Chúng ta hãy tự hỏi: tôi có muốn một thế giới mới không? Tôi đã sẵn sàng thoát khỏi những thỏa hiệp với thế giới cũ chưa? Chứng từ của nhiều anh em giám mục và đông đảo những người xây dựng hòa bình và công lý ngày càng thuyết phục tôi phải tố giác sự thiếu hy vọng. Nó là một trở ngại cho ước mơ, một tiếng kêu câm lặng thấu tới tận trời và chạm đến trái tim của Thiên Chúa và giống như sự hối tiếc về thân phận nô lệ này vốn đã làm tê liệt Israel trong sa mạc, ngăn cản họ tiến về phía trước. Cuộc xuất hành có thể chấm dứt: nếu không, chúng ta không thể giải thích tại sao một nhân loại đã đạt đến ngưỡng của tình huynh đệ phổ quát và những trình độ phát triển khoa học, kỹ thuật, văn hóa và pháp lý có khả năng bảo đảm phẩm giá của tất cả mọi người, lại đang mò mẫm trong bóng tối của những bất bình đẳng và xung đột.

Thiên Chúa đã không mệt mỏi với chúng ta. Chúng ta hãy đón nhận Mùa Chay như là thời gian mạnh mẽ trong đó Lời của Ngài nói với chúng ta một lần nữa: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20, 2). Đó là một thời gian hoán cải, một thời gian của tự do. Chính Chúa Giêsu, như chúng ta nhớ mỗi năm vào Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Chay, đã được Chúa Thánh Thần dẫn vào sa mạc để được thử thách trong sự tự do của Ngài. Trong bốn mươi ngày, Người sẽ ở trước chúng ta và với chúng ta: Ngài là Người Con nhập thể. Trái với Pharaô, Thiên Chúa không muốn các bề tôi, nhưng là những người con. Sa mạc là không gian trong đó sự tự do của chúng ta có thể trưởng thành trong một quyết định cá nhân là không rơi trở lại tình trạng nô lệ. Trong Mùa Chay, chúng ta tìm thấy các tiêu chuẩn mới của sự phán xét và một cộng đồng để bắt đầu cuộc hành trình mà chúng ta chưa bao giờ trải qua trước đây.

Điều đó đòi hỏi một cuộc chiến đấu: sách Xuất hành và những cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc cho chúng ta biết rõ điều này. Quả thế, những lời dối trá của kẻ thù đối lập với tiếng Chúa phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1, 11) và “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20, 3). Các thần tượng còn ghê gớm hơn Pharaô: chúng ta có thể coi chúng như tiếng nói của nó trong chúng ta. Có thể làm mọi việc, được mọi người công nhận, thắng thế trước mọi người: mỗi người đều cảm nhận được sự quyến rũ của sự dối trá này trong chính mình. Đó là một thói quen cũ. Chúng ta có thể bám vào tiền bạc, vào những dự án nào đó, vào những ý tưởng, vào những mục tiêu, vào quan điểm của chúng ta, vào một truyền thống, thậm chí vào một số người. Thay vì đưa chúng ta tiến về phía trước, chúng sẽ làm chúng ta tê liệt. Thay vì đưa chúng ta đến với nhau, chúng sẽ khiến chúng ta chống lại nhau. Nhưng có một nhân loại mới, đoàn dân của những người nhỏ bé và khiêm nhường vốn không khuất phục trước sự lôi cuốn của sự dối trá. Trong khi các thần tượng làm cho những người phục vụ chúng bị câm, mù, điếc hoặc bất động (x. Tv 114, 4), thì những người có tinh thần nghèo khó lại ngay lập tức cởi mở và sẵn sàng: một sức mạnh thầm lặng về sự thiện vốn chữa lành và nâng đỡ thế giới.

Đã đến lúc phải hành động, và trong suốt Mùa Chay, hành động, đó cũng là dừng lại. Dừng lại để cầu nguyện, đón nhận Lời Chúa, và dừng lại như người Samaritanô, trước sự hiện diện của người anh em bị thương tích. Tình yêu Thiên Chúa và tha nhân là một tình yêu duy nhất. Không có những thần nào khác, đó là dừng lại trước sự hiện diện của Thiên Chúa, trước xác thịt của người lân cận. Đây là lý do tại sao cầu nguyện, bố thí và ăn chay không phải là ba việc thực hành độc lập, nhưng là một chuyển động cởi mở, giải phóng duy nhất: không còn những thần tượng đè nặng chúng ta, không còn những ràng buộc giam cầm chúng ta. Khi đó, trái tim teo tóp và cô độc sẽ thức tỉnh. Vì thế hãy chậm lại và dừng lại. Chiều kích chiêm niệm của cuộc sống, mà Mùa Chay sẽ giúp chúng ta tái khám phá, sẽ huy động những nguồn năng lượng mới. Trước sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta trở thành anh chị em, chúng ta nhìn nhận người khác với một cường độ mới: thay vì những mối đe dọa và kẻ thù, chúng ta tìm thấy những người bạn đồng hành. Đó là ước mơ của Thiên Chúa, là miền đất hứa mà chúng ta hướng tới một khi rời bỏ thân phận nô lệ.

Hình thức hiệp hành của Giáo hội, mà chúng ta đang tái khám phá và vun trồng trong những năm gần đây, gợi ý rằng Mùa Chay cũng là thời gian của những quyết định cộng đoàn, của những lựa chọn ngược dòng lớn nhỏ, có khả năng thay đổi cuộc sống hàng ngày của con người và cuộc sống của một khu phố: thói quen mua sắm, chăm sóc công trình tạo dựng, hòa nhập những người không được nhìn thấy hoặc những người bị coi thường. Tôi mời gọi mọi cộng đoàn Kitô hãy làm điều này: mang lại cho các tín hữu những thời điểm để suy nghĩ lại về lối sống của mình; dành thời gian để kiểm tra sự hiện diện của họ trong khu phố và sự đóng góp của họ để làm cho nó tốt hơn. Thật là bất hạnh nếu việc sám hối của người Kitô hữu lại giống với sự sám hối đã làm Chúa Giêsu đau buồn. Cả với chúng ta nữa, Người nói: “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay” (Mt 6, 16). Ngược lại, chúng ta hãy nhìn thấy niềm vui trên những khuôn mặt, chúng ta hãy ngửi mùi hương của sự tự do, chúng ta hãy giải phóng tình yêu này, vốn làm cho mọi thứ trở nên mới mẻ, bắt đầu từ những người nhỏ bé nhất và gần gũi nhất. Điều này có thể xảy ra trong mỗi cộng đoàn Kitô hữu.

Trong chừng mực Mùa Chay này sẽ là Mùa Chay hoán cải, khi đó nhân loại lạc lối sẽ cảm nghiệm bước nhảy vọt của tính sáng tạo: bình minh của một niềm hy vọng mới. Tôi muốn nói với anh chị em, như với những người trẻ tôi đã gặp ở Lisbon mùa hè vừa qua: “Các con hãy tìm kiếm và mạo hiểm, hãy tìm kiếm và mạo hiểm. Vào thời điểm bước ngoặt này của lịch sử, những thách thức thật to lớn, những tiếng rên rỉ thật đau đớn. Chúng ta đang chứng kiến ​​một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba phân mảnh. Chúng ta hãy mạo hiểm nghĩ rằng chúng ta không phải đang cơn hấp hối, nhưng trái lại đang trong cuộc sinh nở; không phải ở cuối, mà là ở khởi đầu của một chương trình tuyệt vời. Cần phải can đảm để nghĩ như vậy” (Gặp gỡ với giới trẻ đại học, ngày 3 tháng 8 năm 2023). Đó là lòng can đảm của sự hoán cải, của sự giải thoát khỏi cảnh nô lệ. Đức tin và đức ái nắm giữ “người em gái hy vọng” này. Chúng dạy cho nó bước đi và nó đồng thời kéo chúng về phía trước [1].

Tôi chúc lành cho tất cả anh chị em cũng như hành trình Mùa Chay của anh chị em.

Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 3 tháng 12 năm 2023, Chúa Nhật I Mùa Vọng.

PHANXICÔ

———————————–

[1] X. Ch. Péguy, Le porche du mystère de la deuxième vertu, in Œuvres poétiques et dramatiques, Gallimard, Paris, 2014, tr. 613.

———————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30