SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2014 : TÁI KHÁM PHÁ TÌNH HUYNH ĐỆ TRONG GIA ĐÌNH, TRONG CÁC TƯƠNG QUAN XÃ HỘI, TRONG KINH TẾ VÀ GIỮA CÁC DÂN TỘC
Chủ đề : « Tình huynh đệ, nền tảng và con đường của hòa bình »
Trong sứ điệp đầu tiên của tôi cho Ngày Thế Giới Hòa Bình, tôi ước mong gởi đến hết mọi người, những con người và các dân tộc, lời cầu chúc một cuộc sống tràn đầy niềm vui và hy vọng. Quả thế, trong tâm hồn của mỗi người nam và mỗi người nữ đều có ước muốn một cuộc sống tròn đầy, bao gồm một khát khao bất khả kìm nén tình huynh đệ, vốn thúc đẩy đến sự hiệp thông với những người khác, những người mà chúng ta không coi là kẻ thù hay đối thủ, nhưng là những người anh em cần phải đón nhận và ôm lấy.
Quả thế, tình huynh đệ là một chiều kích thiết yếu của con người, vốn là một hữu thể tương quan. Ý thức mãnh liệt là hữu thể tương quan dẫn chúng ta đến chỗ nhìn thấy và đối xứ mỗi người như là một người chị em và anh em đích thức ; nếu không có điều đó, thì việc xây dựng một xã hội công bằng, một nền hòa bình vững chắc và bền vững sẽ trở nên bất khả. Và cần phải nhắc lại ngay rằng tình huynh đệ thông thường bắt đầu được học biết giữa lòng gia đình, nhất là nhờ những vai trò hữu trách và bổ túc của mọi thành viên của nó, cách riêng của người cha và người mẹ. Gia đình là nguồn mạch của mọi tình huynh đệ, và do đó nó cũng là nền tảng và là con đường đầu tiên của hòa bình, vì ơn gọi của nó là phải chinh phục thế giới bằng tình yêu.
Con số luôn càng ngày càng gia tăng những mối liên kết và tương giao vốn bao trùm hành tinh chúng ta đang làm cho càng hiển nhiên hơn ý thức về tình hiệp nhất và sự chia sẻ cùng một số phận chung giữa các Dân tộc trên trái đất. Trong những tính năng động của lịch sử, cũng như trong tính đa dạng của các sắc tộc, các xã hội và các nền văn hóa, như thế chúng ta nhận thấy được gieo trông ơn gọi làm nên một cộng đồng các anh chị em đón nhận lẫn nhau, bằng việc săn sóc lẫn nhau. Nhưng một ơn gọi như thế ngày nay thường vẫn còn bị ngăn trở và chối bỏ bởi các sự kiện, trong một thế giới được nổi bật bởi « sự toàn cầu hóa dửng dưng » này, vốn từ từ làm cho chúng ta « quen » với nỗi đau khổ của người khác, bằng cách làm cho chúng ta khép kín nơi chính mình.
Ở nhiều nơi trên thế giới, việc vi phạm nghiêm trọng đến các quyền căn bản của con người, nhất là quyền được sống và tự do tôn giáo, dường như không biết nghỉ. Hiện tượng bi thảm của việc buôn bán con người, mà người ta không chút ngại ngùng đang lợi dụng sự sống và sự tuyệt vọng của họ, là một ví dụ đáng lo ngại. Bên cạnh các cuộc chiến tranh vũ trang, còn có những cuộc chiến ít thấy hơn, nhưng không ít tàn khốc hơn, đang diễn ra trong lãnh vực kinh tế và tài chính với những phương tiện cũng phá hủy sự sống, các gia đình, các doanh nghiệp.
Như Đức Bênêđictô XVI đã khẳng định, việc toàn cầu hóa làm cho chúng ta gần nhau hơn, nhưng không làm cho chúng ta trở thành anh em (1). Vả lại, nhiều hoàn cảnh bất bình đẳng, nghèo khổ và bất công, cho thấy không chỉ một sự thiếu hụt sâu xa tình huynh đệ, nhưng còn sự vắng bóng một nền văn hóa của tình liên đới. Những ý thức hệ mới, do một thứ chủ nghĩa cá nhân lan rộng, một chủ nghĩa vị kỷ và chủ nghia tiêu thụ duy vật, làm yếu đi các mối liên hệ xã hội, bằng việc nuôi dưỡng não trạng về « đồ bỏ đi », vốn đẩy đến sự khinh miệt và bỏ rơi những người yếu đuối nhất, những người được xem như là « vô bổ ». Như thế việc cùng chung sống của con người luôn trở nên giống với một thái độ « có qua có lại » (« do ut des ») thực dụng và ích kỷ.
Đồng thời, xem ra rõ ràng các nền đạo đức hiện đại cũng trở nên bất khả sản sinh những mối liên hệ huynh đệ đích thực, vì một tình huynh đệ bị tước đi việc quy chiếu đến một người Cha chung, như là nền tảng tối hậu của nó, sẽ không thể tồn tại (2). Một tình huynh đệ đích thực giữa con người giả thiết và đòi hỏi một tình phụ tử siêu việt. Từ việc nhìn nhận tình phụ tử này, sẽ được củng cố tình huynh đệ giữa người với người, tức là thái độ trở nên « tha nhân » biết quan tâm đến người khác.
« Em ngươi đâu ? » (Kn 4,9)
2. Để hiểu tốt hơn ơn gọi sống tình huynh đệ này của con người, để nhận ra cách thích đáng hơn những trở ngại đi ngược lại việc thực hiện nó và khám phá ra những con đường vượt qua chúng, điều căn bản là để mình được hướng dẫn bởi sự hiểu biết kế hoạch của Thiên Chúa, như nó được trình bày cách nổi bật trong Thánh Kinh.
Theo trình thuật Khởi nguyên, tất cả mọi người xuất phát từ cặp cha mẹ chung, Ađam và Eva, cặp được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh và giống như Ngài (x. Kn 1,26), từ đó Cain và Abel được sinh ra. Trong biến cố gia đình nguyên thủy, chúng ta đọc thấy sự hình thành xã hội, sự tiến triển của các mối quan hệ giữa người với người và giữa các dân tộc.
Abel làm nghề chăn chiên, Cain làm nông. Căn tính sâu xa của họ và đồng thời là ơn gọi của họ, là căn tính anh em, cả trong tính đa dạng hoạt động và văn hóa của họ, theo cách của họ tương quan với Thiên Chúa và với thọ tạo. Nhưng việc Cain giết chết Abel chứng thực cách bi kịch việc loại bỏ tận căn ơn gọi huynh đệ. Câu chuyện của họ (x. Kn 4,1-16) làm nổi bật nhiệm vụ khó khăn mà tất cả mọi người được kêu gọi, đó là sống hiệp nhất, quan tâm lẫn nhau. Cain, vì không chấp nhận sự trìu mến của Thiên Chúa dành cho Abel, người đã dâng cho Ngài con chiên tốt nhất trong đàn chiên của mình – « Đức Chúa đoái nhìn đến Abel và lễ vật của Abel, nhưng Ngài không đoán nhìn đến Cain và lễ vật của Cain » (Kn 4,4-5) – nên đã giết Abel vì ghen tỵ. Bằng cách này, Cain đã từ chối nhận mình là anh em, có một mối tương quan tích cực với Aben, sống trước nhan Thiên Chúa, bằng việc đảm nhận những trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ người khác. Trước câu hỏi : « Em ngươi đâu ? » qua đó Thiên Chúa chất vấn Cain, đòi hỏi y tính sổ về hành động của mình, y trả lời : « Tôi không biết. Tôi đâu phải là người canh giữ em tôi ? » (Kn 4,9). Rồi sách Khởi Nguyên nói với chúng ta, « Cain đi xa khuất mặt Đức Chúa » (4,16).
Cần phải tự vấn về các lý do sâu xa đã dẫn Cain đến chỗ không nhận biết mối liên hệ huynh đệ và, cả mối liên hệ hỗ tương và hiệp thông nối kết y với Abel em của mình. Chính Thiên Chúa tố giác và khiển trách Cain đã xích lại gần sự dữ : « Tội lỗi chẳng phải nó đang năm phục ở cửa nhà ngươi ? » (Kn 4,7). Tuy nhiên, Cain khước từ chống lại sự dữ và quyết định « lao vào em mình là Abel » (Kn 4,8), khinh thường kế hoạch của Thiên Chúa. Như thế, y làm tổn thương ơn gọi nguyên thủy của mình là con Thiên Chúa và sống tình huynh đệ.
Trình thuật Cain và Abel dạy rằng nhân loại được ghi khắc nơi mình một ơn gọi huynh đệ, nhưng còn cả khả năng thê thảm phản bội nó. Thói ích kỷ thường ngày làm chứng cho điều đó, nó là cội rễ của nhiều cuộc chiến tranh và bất công : quả thế nhiều người nam và nữ đang chết bởi bàn tay của anh chị em vốn không biết nhận mình như thế, tức là như những hữu thể được tạo dựng cho tình hỗ tương, cho sự hiệp thông và trao ban.
« Còn anh em hết thảy đều là anh em » (Mt 23,8)
3. Vấn đề đồng thời nổi lên : người nam và người nữ của thế giới này phải chăng họ sẽ không bao giờ có thể đáp ứng trọn vẹn lòng khát khao tình huynh đệ, được Thiên Chúa là Cha ghi khắc nơi họ ? Bằng sức riêng của họ, phải chăng họ sẽ thành công chinh phục sự dửng dưng, thói ích kỷ và lòng hận thù, chấp nhận những khác biệt chính đáng vốn làm rõ nét các anh chị em ?
Khi giải thích những lời này, chúng ta có thể tổng hợp như thế này câu trả lời mà Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta : vì chỉ có một Cha là Thiên Chúa, nên anh em hết thảy đều là anh em với nhau (x. Mt 23, 8-9). Gốc rễ của tình huynh đệ được chứa đựng trong tình phụ tử của Thiên Chúa. Nó không hệ tại một tình phụ tử chung chung, lờ mờ hay vô hiệu về mặt lịch sử, nhưng là tình yêu nhân vị, rõ ràng và rất cụ thể của Thiên Chúa đối với mỗi người (x. Mt 6, 25-30). Do đó nó hệ tại một tình phụ tử nảy sinh cách hiệu quả tình huynh đệ, bởi vì tình yêu của Thiên Chúa, khi nó được đón nhận, trở nên tác nhân tuyệt vời nhất biến đổi cuộc sống và các tương quan với tha nhân, mở con người ra với tình liên đới và sự chia sẻ đầy công hiệu.
Cách riêng, tình huynh đệ nhân loại được tái sinh trong và nhờ Chúa Giêsu Kitô trong cái chết và sự phục sinh của Ngài. Thập giá là « nơi » dứt khoát thiết lập tình huynh đệ, mà con người không thể sản sinh ra một mình. Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đảm nhận bản tính con người để cứu chuộc nó, bằng việc yêu mến Chúa Cha cho đến chết, và chết trên thập giá (x. Phil. 2,8), đã thiết lập chúng ta, qua sự phục sinh của Ngài, như là nhân loại mới, hiệp thông tròn đầy với ý muốn của Thiên Chúa, với kế hoạch của Ngài, vốn bao hàm việc thực hiện tròn đầy ơn gọi huynh đệ.
Chúa Giêsu lấy lại từ khởi thủy kế hoạch của Cha, bằng cách nhìn nhận tính tối thượng của Ngài trên mọi sự. Nhưng Chúa Kitô, trong việc phó thác cho cái chết vì yêu thương Cha, lại trở nên nguyên lý mới và dứt khoát của tất cả chúng ta, được kêu gọi nhìn nhận chúng ta nơi Ngài như là anh chị em bởi vì là những người con cùng một Cha. Ngài là chính Giao Ước, không gian ngôi vị của sự hòa giải con người với Thiên Chúa và giữa các anh chị em với nhau. Trong cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu, cũng có sự vượt quá sự chia cắt giữa các dân tộc, giữa dân tộc của Giao Ước và dân tộc của các Dân ngoại, bị lấy đi niềm hy vọng bởi vì vẫn còn xa lạ, cho đến thời điểm này, với những cam kết của Lời Hứa. Như ta đọc thấy trong Thư gởi tín hữu Êphêsô, Chúa Giêsu Kitô là Đấng giao hòa mọi người trong Ngài. Ngài là sự bình an vì từ hai dân tộc Ngài đã làm nối kết thành một, phá đổ bức tường ngăn cách đang chia rẽ họ, tức là sự thù ghét. Ngài đã tạo nên nơi chính Ngài một dân tộc duy nhất, một con người mới duy nhất, một nhân loại mới duy nhất (x.2,14-16).
Người nào chấp nhận sự sống của Chúa Kitô và sống trong Ngài, thì nhìn nhận Thiên Chúa là Cha và hoàn toàn dâng hiến cho Ngài, bằng việc yêu mến Ngài trên hết mọi sự. Con người được hòa giải nhìn thấy nơi Thiên Chúa là Cha của mọi người và, do đó, nó được thúc đẩy sống một tình huynh đệ mở ra cho mọi người. Trong Chúa Kitô, tha nhân được đón nhận và yêu mến như là con cái của Thiên Chúa, như là anh chị em với nhau, chứ không phải như một người xa lạ, và càng không phải là người đối kháng hay thậm chí là kẻ thù. Trong gia đình của Thiên Chúa, nơi mọi người đều là con cái cùng một Cha, và bởi vì được tháp nhập trong Chúa Kitô, làm con trong Con, nên không có « những mạng sống bỏ đi ». Mọi người đều hưởng một phẩm giá ngang bằng và bất khả xâm phạm. Mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương, mọi người đều đã được cứu chuộc bằng giá máu của Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại cho mỗi người. Đó là lý do tại sao chúng ta không thể dửng dưng với số phận của anh em.
Tình huynh đệ, nền tảng và con đường của hòa bình
4. Hiểu như thế, thì thật dễ dàng để hiểu rằng tình huynh đệ là nền tảng và con đường của hòa bình. Các Thông điệp xã hội của các vị tiền nhiệm của tôi đã mang lại một sự trợ giúp quý giá theo nghĩa này. Chỉ cần quy chiếu đến những định nghĩa về hòa bình trong Thông điệp « Phát triển các dân tộc » (Populorum progressio) của Đức Phaolô VI hay của Thông điệp « Quan tâm đến vấn đề xã hội » (Sollicitudo rei socialis) của Đức Gioan-Phaolô II là cũng đủ. Từ Thông điệp « Phát triển các dân tộc », chúng ta rút ra rằng sự phát triển toàn diện các dân tộc là một danh xưng mới của hòa bình (3). Từ Thông điệp « Quan tâm đến vấn đề xã hội », hòa bình là hoa trái của tình liên đới (opus solidaritatis, số 4).
Đức Phaolô VI đã khẳng định rằng không chỉ các nhân vị nhưng còn cả các Dân tộc phải gặp gỡ nhau trong tinh thần huynh đệ. Và ngài giải thích : « Trong sự hiểu biết và trong tình bằng hữu lẫn nhau này, trong sự hiệp thông thánh thiêng này, chúng ta phải […] cùng nhau hành động để xây dựng tương lai chung của nhân loại » (5). Bổn phận này trước tiên liên quan đến những người được ưu đãi nhất. Bổn phận của họ được bén rễ trong tình huynh đệ nhân loại và siêu nhiên và được trình bày dưới ba khía cạnh : bổn phận liên đới, vốn đòi hỏi các quốc gia giàu có giúp đỡ các quốc gia kém phát triển hơn ; bổn phận công bằng xã hội, vốn đòi hỏi xếp đặt lại cách cụ thể hơn những tương quan không hợp lệ giữa các dân tộc mạnh và các dân tộc yếu ; bổn phận bác ái phổ quát, vốn ngụ ý việc thăng tiến một thế giới nhân bản hơn cho hết mọi người, một thế giới trong đó mọi người có gì đó để trao ban và lãnh nhận, mà sự tiến bộ của người/nước này không phải là một trở ngại cho sự phát triển của người/nước kia (6).
Như thế, nếu ta xem hòa bình như là « hoa trái của tình liên đới », thì cũng thế, ta không thể đồng thời nghĩ rằng tình huynh đệ không phải là nền tảng chính yếu của nó. Như Đức Gioan-Phaolô II khẳng định, tình huynh đệ là một thiện ích bất khả phân chia. Hoặc là đó là thiện ích của mọi người hoặc là nó không là thiện ích của ai hết. Nó có thể thực sự được thủ đắc và thưởng nếm, xét như là phẩm chất tốt nhất của đời sống và như là sự phát triển nhân bản và bền vững hơn, chỉ khi nó tạo nên từ phần của mọi người, « một sự quả quyết vững chắc và kiên trì dấn thân cho công ích » (7). Điều đó ngụ ý đừng để bị lèo lái bởi « lòng ham muốn lợi nhuận » và « lòng khát khao quyền lực ». Cần phải có lòng sẵn sàng « chết đi » vì tha nhân thay vì bóc lột nó, « phục vụ tha nhân » thay vì đàn áp nó vì lợi ích riêng của mình. « Tha nhân » – nhân vị, dân tộc hay quốc gia – [không được coi] như là một dụng cụ nào đó mà ngươi ta khai thác với giá rẻ mạt khả năng lao động và sức chịu đựng thể lý để rồi bỏ rơi nó khi không còn dùng nữa, nhưng là như « đồng loại » của chúng ta, một « trợ tá » (8).
Tình liên đới Kitô giáo giả thiết rằng tha nhân được yêu thương không chỉ như « một con người với các quyền và sự bình đẳng căn bản của nó đối với mọi người, nhưng [như] là hình ảnh sống động của Thiên Chúa là Cha, được cứu chuộc bằng giá máu của Chúa Kitô và là đối tượng của hoạt động liên lỉ của Chúa Thánh Thần » (9), như là một người anh em khác. « Như thế – Đức Gioan-Phaolô II nhắc nhở – ý thức về tình phụ tử chung của Thiên Chúa, về tình huynh đệ của mọi người trong Chúa Kitô, ‘con trong Con’, về sự hiện diện và hoạt động ban sự sống của Chúa Thánh Thần, sẽ mang lại cho cái nhìn của chúng ta về thế giới như là một tiêu chí giải thích mới » (10), để biến đổi nó.
Tình huynh đệ, tiền đề để khắc phục sự nghèo đói
5. Trong Thông điệp « Caritas in veritate », vị Tiền nhiệm của tôi đã nhắc lại cho thế giới biết việc thiếu tình huynh đệ giữa các dân tộc và con người là một nguyên nhân quan trọng dường nào của sự nghèo đói (11). Trong nhiều xã hội, chúng ta cảm nghiệm một sự nghèo đói tương quan sâu xa do việc thiếu hụt những tương quan gia đình và cộng đồng vững chắc. Chúng ta chứng kiến cách lo âu sự gia tăng những kiểu khác nhau về sự bất ổn, bị gạt ra bên lề, sự cô đơn và những hình thức lệ thuộc bệnh hoạn khác nhau. Một sự nghèo khổ như thế có thể được vượt qua chỉ bằng việc tái khám phá và làm tăng giá trị các mối tương quan huynh đệ giữa các gia đình và cộng đồng, xuyên qua việc chia sẻ những niềm vui và nỗi thống khổ, những khó khăn và thành công đi kèm với cuộc sống con người.
Vả lại, nếu, một mặt, chúng ta gặp phải một sự giảm thiểu thành nghèo khổ tuyết đối, thì mặt khác, chúng ta không thể không nhận ra một sự gia tăng nghiêm trọng sự nghèo khổ tương quan, tức là những bất bình đẳng giữa người với người và các nhóm người đang sống trong cùng một vùng, hay ngay cả trong một khung cảnh lịch sử-văn hóa. Theo nghĩa này, cũng thật hữu ích các chính sách hữu hiệu thăng tiến nguyên tắc tình huynh đệ, đảm bảo cho con người – bình đẳng trong phẩm giá và các quyền căn bản của họ – tiếp cận « tư bản », các dịch vụ, các phương tiện giáo dục, y tế, kỹ thuật để mỗi người có cơ hội diễn tả và thực hiện kế hoạch sống của mình, và có thể được phát triển cách tròn đây như là một nhân vị.
Chúng ta cũng nhìn nhận sự cần thiết của các chính sách dùng để giảm bớt sự phân phối bất quân bình thái quá lợi tức. Chúng ta không được quên giáo huấn của Giáo Hội về những gì được gọi là « món nợ xã hội » (hypothèque sociale), qua đó, như thánh Tôma Aquinô nói, được phép và ngay cả cần thiết việc « con người có quyền sở hữu của cải » (12), còn về việc sử dụng, « nó không bao giờ được sử dụng của cải mà nó sở hữu như là chỉ thuộc về nó mà thôi, nhưng còn nhìn chúng như là chung, theo nghĩa là chúng có thể sinh ích không chỉ cho nó nhưng còn cho những người khác nữa » (13).
Sau cùng, có một cách thức cuối cùng để thăng tiến tình huynh đệ – và như thế khắc phục sự nghèo khổ – vốn phải nằm ở nền tảng của mọi tình huynh đệ khác. Đó là sự siêu thoát của người chọn lựa theo những nếp sống tiết độ và được đặt căn bản trên điều thiết yếu, của người mà, khi chia sẻ các của cải riêng của mình, đạt tới chỗ kinh nghiệm tình hiệp thông huynh đệ với người khác. Điều đó là nền tảng để bước theo Chúa Giêsu Kitô và để thực sự là Kitô hữu. Đó là trường hợp không chỉ những con người thánh hiến khấn giữ khó nghèo, nhưng còn cả nhiều gia đình và nhiều công dân có trách nhiệm, vốn vững tin rằng chính mối tương quan huynh đệ với tha nhân mới tạo nên sự thiện hảo cao quý nhất.
Việc tái khám phá tình huynh đệ trong kinh tế
6. Những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về tài chính và kinh tế hiện đại – vốn có nguồn gốc của nó, một mặt trong việc con người dần dần xa rời Thiên Chúa và « tha nhân », cũng như trong việc tham lam tìm kiếm của cải vật chất, và, mặt khác, trong sự nghèo đi của các mối tương quan liên vị và cộng đồng – đã đẩy nhiều người đến chỗ tìm kiếm sự thỏa mãn, hạnh phúc và an toàn trong việc tiêu thụ và kiếm lợi, bên kia mọi lô-gíc của một nền kinh tế lành mạnh. Vào năm 1979, Đức Gioan-Phaolô II đã tố giác sự tồn tại của « một nguy cơ thực sự và thấy được : đang khi tiến triển nhanh chóng sự thống trị của con người trên thế giới sự vật, thì con người có nguy cơ mất đi sợi chỉ xuyên suốt của sự thống trị này, chứng kiến kiến nhân loại của mình bằng nhiều cách khác nhau bị phục tùng thế giới này, và như thế chính nó trở nên đối tượng của nhiều thao túng đa dạng – không phải luôn luôn có thể nhận ra – xuyên qua toàn bộ việc tổ chức đời sống cộng đồng, xuyên qua hệ thống sản xuất, qua áp lực của các phương tiện truyền thông xã hội » (14).
Sự tiến nối các cuộc khủng hoảng kinh tế phải dẫn đến những suy tư mới mẻ đúng lúc về nhưng mô hình phát triển kinh tế, và đến sự thay đổi trong lối sống. Cuộc khủng hoảng ngày nay, với gia sản nặng nề của nó đối với sự sống con người, cũng có thể được coi như là một cơ hội thích hợp để tìm lại các nhân đức khôn ngoan, tiết độ, công bằng và dũng cảm. Chúng có thể giúp vượt qua những thời điểm khó khăn và tái khám phá những mối liên hệ vốn thắt chặt chúng ta với nhau, với niềm tin tưởng sâu xa mà con người cần đến và có khả năng làm điều gì đó hơn là việc tối đa hóa lợi ích cá nhân của riêng mình. Nhất là những nhân đức này là cần thiết để xây dựng và duy trì một xã hội xứng với phẩm giá con người.
Tình huynh đệ dập tắt chiến tranh
7. Trong năm vừa trôi qua, nhiều người anh chị em của chúng ta đã tiếp tục sống kinh nghiệm sâu xé của chiến tranh, vốn tạo nên một vết thương nghiêm trọng và sâu xa cho tình huynh đệ.
Có nhiều cuộc xung đột được tiếp diễn trong sự dửng dưng chung. Với tất cả những ai đang sống trên những miền đất nơi mà vũ khí áp đặt sự kinh hoàng và những hủy hoại, tôi đảm bảo sự gần gũi của bản thân tôi và của toàn thể Giáo Hội. Giáo Hội cũng có sứ mạng mang tình yêu của Chúa Kitô cho những nạn nhân cô thế cô thân của các cuộc chiến bị quên lãng, xuyên qua lời cầu nguyện cho hòa bình, việc phục vụ cho những người bị thương tổn, những người đói khổ, những người tỵ nạn, những người di cư và tất cả những ai đang sống trong sợ hãi. Giáo Hội cũng lên tiếng để cho các nhà hữu trách hiểu thấu tiếng kêu đau đớn của nhân loại đau khổ này, và để làm cho ngưng lại, cùng với chiến sự, mọi lạm dụng và mọi vi phạm các quyền căn bản của con người (15).
Vì lý do này tôi ước ao gởi lời kêu gọi mạnh mẽ đến tất cả những ai mà, bằng vũ khí, đang gieo rắc bạo lực và cái chết : hãy tái khám phá người anh em của mình nơi người mà ngày nay quý vị chỉ xem như là một kẻ thù để đánh bại, và hãy ngừng tay lại ! Từ bỏ con đưỡng vũ trang và đi đến gặp gỡ người khác bằng đối thoại, tha thứ, và hòa giải, để tái xây dựng xã hội, lòng tin tưởng và niềm hy vọng xung quanh quý vị ! « Theo quan điểm này, rõ ràng rằng, trong đời sống của các dân tộc, những cuộc xung đột vũ trang luôn là sự phủ nhận hữu ý mọi thỏa thuận quốc tế khả thi, bằng cách tạo ra những chia rẽ sâu xa và những vết thương xâu xé vốn cần đến nhiều năm để lành lặn. Những cuộc chiến tranh là sự khước tự cụ thể dấn thân để đạt tới những mục tiêu kinh tế và xã hội to lớn mà cộng đồng quốc tế đã hết lòng dân thân » (16).
Thế nhưng, bao lâu còn có một lượng lớn vũ trang đang lưu hành như thế, như hiện thấy, thì người ta sẽ luôn có thể tìm ra những viện cớ mới để tiếp tục thù nghịch. Vì lý do này, lấy lại lời kêu gọi của các vị tiền nhiệm của tôi ủng hộ việc không chạy đua vũ trang và việc giải trừ quân bị từ phía mọi người, bằng cách bắt đầu giải trừ vũ khí hạt nhận và hóa học.
Nhưng chúng ta không thể không ghi nhận rằng những hiệp định quốc tế và các luật lệ quốc gia, dù cần thiết và rất được mong muốn, nhưng chỉ chúng mà thôi thì không đủ giúp cho nhân loại thoát khỏi nguy cơ xung đột vũ trạng. Một sự hoán cải tâm hồn là cần thiết, vốn cho phép mỗi người nhận ra nơi người khác là một người anh em vốn cần phải quan tâm, và cùng với người ấy để xây dựng một đời sống tròn đầy cho hết mọi người. Đó là tinh thần vốn đánh động nhiều sáng kiến xã hội dân sự, bao gồm cả các tổ chức tôn giáo, nhằm bênh vực hòa bình. Tôi mong ước việc dấn thân thường ngày của mọi người tiếp tục sinh hoa trái và chúng ta có thể đạt tới việc áp dụng hữu hiệu, trong luật quốc tế, quyền được hòa bình, như là quyền căn bản của con người, điều kiện tiên quyết cần thiết cho việc thực thi tất cả các quyền khác.
Việc tham nhũng và tội ác có tổ chức ngăn trở tình huynh đệ
8. Chân trời tình huynh đệ dẫn đến sự tăng trưởng tròn đầy của mọi người nam và nữ. Những tham vọng đúng đắn của một người, nhất là nếu đó là một người trẻ, không được bị tước đoạt hay bị làm tổn thương, niềm hy vọng có thể thực hiện chúng không được bị vi phạm. Thế nhưng, tham vọng không được lẫn lộn với sự tham ô. Trái lại, nên cạnh tranh trong sự tôn trọng lẫn nhau (x. Rm 12,10). Cũng thế, trong những cuộc tranh cãi, vốn là một khía cạnh không thể tránh khỏi của cuộc sống, cần phải luôn nhớ mình là anh em, và, do đó, giáo dục và tự giáo dục không được xem tha nhân như là một kẻ thù hay như một địch thủ cần loại bỏ.
Tình huynh đệ sinh ra hòa bình xã hội, bởi vì nó tạo nên một sự quân bình giữa tự do và công lý, giữa trách nhiệm cá nhân và tình liên đới, giữa thiện ích của các cá nhân và công ích. Như thế, một cộng đồng chính trị phải hành động theo cách trong sáng và có trách nhiệm để tạo điều kiện dễ dàng cho tất cả điều đó. Các công dân phải cảm thấy mình được đại diện bởi công quyền trong sự tôn trọng tự do của họ. Ngược lại, thông thường, giữa các công dân và thể chế, được len lỏi vào những lợi ích đảng phái vốn làm méo mó mối tương quan này, tạo điều kiện cho việc hình thành một bấu khí xung đột thường hằng.
Một tinh thần huynh đệ đích thực thì chế ngự thói ích kỷ cá nhân vốn ngăn cản khả năng con người sống với nhau cách tự do và hài hòa. Thói ích kỷ này được phát triển về mặt xã hội, hoặc là trong nhiều hình thức tham nhũng, ngày nay đang phổ biến khắp nơi, hoặc là trong việc hình thành các tổ chức tội phạm – những nhóm nhỏ chi đến các nhóm có tổ chức trên bình diện toàn cầu – mà, khi làm sói mòn sâu xa pháp chế và công lý, lại tác động đến cách sâu xa phẩm giá con người. Những tổ chức này xúc phạm nghiêm trọng đến Thiên Chúa, làm hại đến anh chị em và làm tổn thương đến công trình tạo dựng, và còn hơn nữa khi chúng có một đặc tính tôn giáo.
Tôi nghĩ đến tấn kịch đau lòng của thuốc phiện mà người ta làm giàu trong sự khinh thường luật luân lý và dân sự ; đến sự tàn phá các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nạn ô nhiễm đang diễn ra ; đến bi kịch của việc khai thác bóc lột trong lao động ; tôi nghĩ đến những cuộc buôn bán tiền bạc bất hợp pháp cũng như sự đầu cơ tài chính, vốn thường mang một đặc tính ăn cướp và độc hại đối với các hệ thống kinh tế và xã hội toàn thể, đặt hàng triệu người nam và người nữ vào sự nghèo đói ; tôi nghĩ đến nạn mãi dâm vốn mỗi ngày hủy hoại những nạn nhân vô tội, nhất là trong số những người trẻ nhất, cướp đi tương lai của họ ; tôi nghĩ đến sự ghê tởm của việc buôn bán con người, đến các tội phạm và những lạm dụng chống lại các trẻ vị thành niên, đến nạn nô lệ vẫn còn đang gieo rắc nỗi ghê tởm của nó ở nhiều nơi trên thế giới, đến bi kịch thường không được lắng nghe của những người di cư mà người ta lợi dụng cách xấu xa trong sự bất bình đẳng. Đức Gioan XXIII đã viết về vấn đền này : « Một xã hội chỉ được xây dựng trên tương quan sức mạnh sẽ không có gì là nhân bản : nó nhất thiết kìm ép sự tự do của con người, thay vì giúp đỡ và khích lệ sự tự do này được phát triển và hoàn thiện » (17). Nhưng con người có thể hoán cải và không bao giờ được tuyệt vọng về khả năng thay đổi cuộc sống. Tôi mong muốn sứ điệp này mà một sứ điệp tin tưởng đối với mọi người, cả đối với những ai đã phạm những tội ác tàn bạo, bởi vì Thiên Chúa không muốn cái chết của tội nhân, nhưng muốn họ hoán cải và được sống (x. Êd. 18,23).
Trong khuôn khổ rộng lớn của xã hội loài người, liên quan đến tội phạm và hình phạt, chúng ta cũng nghĩ đến những điều kiện phi nhân của nhiều nhà tù, trong đó tù nhân thường bị giảm thiểu thành một tình trạng hạ thấp nhân tính, nhân phẩm của họ bị vi phạm, bị bóp ngạt cả trong sự biểu lộ và ý muốn phục thiện của mình. Giáo Hội làm nhiều trong tất cả các lãnh vực này, và thường nhất là thinh lặng. Tôi khuyến cáo và khích lệ luôn hành động hơn nữa, trong niềm hy vọng rằng những hành động được thể hiện như thế bởi nhiều người nam và người nữ can đảm có thể luôn được nâng đỡ cách trung thực và lương thiện hơn ngay cả bởi chính quyền dân sự.
Tình huynh đệ giúp gìn giữ và vun trồng thiên nhiên
9. Gia đình nhân loại đã lãnh nhận chung một ân huệ của Tạo Hóa : thiên nhiên. Cái nhìn Kitô giáo về công trình tạo dựng bao hàm một phán đoán tích cực về tính hợp pháp của các cuộc can thiệp vào thiên nhiên để rút ra lợi ích từ đó, với điều kiện hành động cách có trách nhiệm, tức là bằng cách nhìn nhận « quy luật » (« grammaire ») được ghi khắc nơi nó, và bằng cách sử dụng cách khôn ngoan các nguồn tài nguyên vì lợi ích của mọi người, tôn trọng vẻ đẹp, cứu cánh và tính hữu ích của mỗi sinh vật và chức năng của nó trong hệ thống sinh thái. Nói vắn tắt, thiên nhiên được ban cho chúng ta hưởng dùng, và chúng ta được mời gọi quản lý nó cách có trách nhiệm. Trái lại, chúng ta thường được dẫn dắt bởi lòng tham làm, bởi thói kiêu ngạo thống trị, sở hữu, thao túng, lợi dụng ; chúng ta không giữ gìn thiên nhiên, chúng ta không tôn trọng nó, chúng ta không xem nó như là một ân huệ nhưng không mà chúng ta cần phải chăm sóc và phục vụ anh chị em, bao gồm cả các thế hệ tương lai.
Cách riêng, lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực sản xuất đầu tiên vốn có ơn gọi sống còn vun trồng và gìn giữ các tài nguyên thiên nhiên để nuôi dưỡng nhân loại. Về phương diện này, sự dai dẳng đầy hổ thẹn của nạn đói trên thế giới thúc đẩy tôi chia sẻ với anh chị em yêu cầu này : theo cách nào chúng ta sử dụng các nguồn tài nguyên trên trái đất ? Ngày nay các xã hội phải suy nghĩ về phẩm trật các ưu tiên mà người ta dự định sản xuất. Quả thế, đó là một bổn phận bó buộc sử dụng các nguồn tài nhiên trên trái đất để tất cả mọi người đều được giải thoát khỏi nạn đói. Những sáng kiến và những giải pháp khả thi thì có nhiều và không được giới hạn vào việc gia tăng sản xuất. Người ta biết rõ rằng việc sản xuất hiện nay là đủ ; thế nhưng có hàng triệu người đang đói khổ và chết đói, và điều này thực sự là một nỗi ô nhục. Vì thế, cần thiết phải tìm ra những phương thế để mọi người đều có thể hưởng dùng những hoa trái của trái đất, không chỉ để tránh việc gia tăng khoảng cách giữa người có nhiều hơn và người phải bằng lòng với những mẩu bánh vụn, nhưng còn vì một đòi hỏi công lý, công bằng và tôn trọng đối với mọi người. Theo nghĩa này, tôi muốn nhắc lại cho mọi người nguyên tắc cần thiết « mục đích phổ quát của của cải » vốn là một trong những nguyên tắc chủ yếu của học thuyết xã hội của Giáo Hội. Tôn trọng nguyên tắc này là điều kiện thiết yếu để cho phép một sự tiếp cận hữu hiệu và công bằng những của cải thiết yếu và hàng đầu này mà mọi người đều cần đến và có quyền.
Nhà vệ sinh vào thế kỷ 21 ở một vùng đất cách trung tâm thành phố Huế chỉ 2 cây số (ảnh chụp ngày 11/12/2013)
Kết luận
10. Tình huynh đệ cần được khám phá, yêu quý, cảm nghiệm, loan báo, và chứng tá. Nhưng chỉ tình yêu được Thiên Chúa ban mới cho phép chúng ta đón nhận và sống trọn vẹn tình huynh đệ.
Óc hiện thực cần thiết của chính trị và kinh tế không thể bị giảm thiểu thành một kỹ thuật lý tưởng riêng tư, vốn không biết đến chiều kích siêu việt của con người. Khi thiếu đi việc mở ra cho Thiên Chúa này, thì mọi sinh hoạt của con người trở nên nghèo nàn hơn và con người bị giảm thiểu thành một sự vật mà người ta lợi dụng. Chỉ khi chúng ta chấp nhận di chuyển trong không gian rộng lớn được đảm bảo bởi việc mở ra cho Đấng yêu thương mỗi người nam và người nữ, thì chính trị và kinh tế mới sẽ đạt tới chỗ được cơ cấu trên nền tảng của một tinh thần bác ái huynh đệ đích thực và chúng sẽ có thể là một dụng cụ hữu hiệu cho sự phát triển con người toàn diện và hòa bình.
Chúng ta, những Kitô hữu, chúng ta tin rằng trong Giáo Hội chúng ta hết thảy đều là những thành viên của nhau, hết thảy mọi người đều cần thiết hỗ tương, bởi vì mỗi người chúng ta đã được ban cho một ân sủng xứng với ân huệ của Chúa Kitô, vì lợi ích chung (x. Êp 4,7.25 ; 1Cr 12,7). Chúa Kitô đã đến trong thế gian để mang lại cho chúng ta ân sủng thần linh, tức là khả năng tham dự vào sự sống của Ngài. Điều này ngụ ý dệt nên một mối quan hệ huynh đệ, in dấu tính hỗ tương, sự tha thứ, việc hoàn toàn trao hiến chính mình, theo sự rộng lượng và chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa được ban cho nhân loại qua Đấng, chịu đóng đinh và phục sinh, đã lôi kéo mọi người đến với Ngài : « Thầy ban cho anh em một điều răn mới : đó là anh em hãy thương yêu nhau. Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em cũng hãy thương yêu nhau. Cứ dấu này người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy, đó là tình yêu anh em sẽ dành cho nhau » (Ga 13, 34-35). Chính Tin Mừng này đòi hỏi mỗi người một bước nữa, một thực hành kiên trì tha giác, lắng nghe nỗi đau khổ và niềm hy vọng của người khác, bao gồm của người xa tôi hơn, bằng việc dấn thân trên con đường đòi hỏi của tình yêu vốn biết tự hiến và tiêu hao chính mình cách nhưng không vì lợi ích của mọi anh chị em.
Chúa Kitô ôm lấy toàn thể con người và muốn rằng không một ai bị hư mất. « Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến trong thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng để, nhờ Ngài, thế gian được cứu độ » (Ga 3,17). Ngài làm điều đó mà không áp bức, không cưỡng bức ai mở cửa tâm hồn và tâm trí cho Ngài. « Người lớn nhất trong anh em phải trở nên người nhỏ tuổi nhất, và người làm đầu phải nên nhưng người phục vụ » – Chúa Giêsu-Kitô đã nói – « Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ » (Lc 22, 26.27). Như thế, mọi hoạt động phải được chứng nhận bằng một thái độ phục vụ con người, đặc biệt những người xa nhất và vô danh nhất. Việc phục vụ là linh hồn của tình huynh đệ vốn xây dựng hòa bình này.
Xin Đức maria, Mẹ của Chúa Giêsu, giúp chúng ta hiểu và sống suốt mọi ngày tình huynh đệ phát sinh từ trái tìm của Con Mẹ, để mang bình an cho mọi người trên trái đât yêu dấu của chúng ta.
Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 2013.
Tý Linh chuyển ngữ
theo bản tiếng Pháp
————-
[1] X. Thông điệp Caritas in veritate (29 /6/2009), số 19 : AAS 101 (2009), 654-655.
[2] X. Phanxicô, Thông điệp Lumen fidei (29/6/2013), số 54 : AAS 105 (2013), 591-592.
[3] X. Phaolô VI, Thông điệp Populorum progressio (26/3/1967), số 87 : AAS 59 (1967), 299.
[4] X. Gioan-Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis (30/12/1987), số 39 : AAS 80 (1988), 566-568.
[5] Thông điệp Populorum progressio (26/3/1967), số 43 : AAS 59 (1967), 278-279.
[6] X. ibid., số 44 : AAS 59 (1967), 279.
[7] Thông điệp Sollicitudo rei socialis (30/12/ 1987), số 38 : AAS 80 (1988), 566.
[8] Ibid., các số. 38-39: AAS 80 (1988), 566-567.
[9] Ibid., số 40 : AAS 80 (1988), 569.
[10] Ibid.
[11] X. Thông điệp Caritas in veritate, (29/6/2009), số 19 : AAS 101 (2009), 654-655.
[12] Summa Theologiae II-II, q.66, art 2.
[13] Công đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, số 69. X. Léon XIII, Thông điệp Rerum novarum (15/5/1891), số 19 : ASS 23 (1890-1891), 651 ; Gioan-Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis (3012/1987), số 42 : AAS 80 (1988), 573-754 ; Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo Hội, số 178.
[14] Thông điệp Redemptor hominis (4/3/1979), số 16 : AAS 61 (1979), 290.
[15] X. Hội đồng Tòa Thánh Công ý và Hòa bình , Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo Hội, số 159.
[16] Phanxicô, Thư gởi Tổng thống Poutine 4/9/ 2013 : Nhật báo Osservatore Romano, bản tiếng Pháp, 12/9/ 2013, tr. 5.
[17] Thông điệp Pacem in terris, (11/4/1963), số 17 : AAS 55 (1963), 265.
Tags: bác ái-liên đới, Hòa-bình, Nhân quyền, Nhân-phẩm, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- CHA ROBERTO PASOLINI, TÂN GIẢNG THUYẾT CỦA PHỦ GIÁO HOÀNG
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC TRỰC TUYẾN ĐÒI HỎI MỘT QUY ĐỊNH MỚI
- ĐỨA TRẺ BÊN TRONG
- ĐHY PAROLIN GỬI LỜI CHÚC TỐT ĐẸP NHẤT TỚI TRUMP VỀ CHIẾN THẮNG BẦU CỬ
- NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TRÚT BỎ NHỮNG GÌ THỪA THÃI VÀ TIẾN BƯỚC HƯỚNG TỚI NIỀM HY VỌNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 12. « CHÚA THÁNH THẦN CHUYỂN CẦU CHO CHÚNG TA ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO