SỨ ĐIỆP NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI LÂN THỨ 58
Thánh Giuse : Giấc mơ về ơn gọi
Anh chị em thân mến !
Ngày 8/12 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 150 năm tuyên bố thánh Giuse làm bổn mạng của Giáo hội hoàn vũ, đã bắt đầu năm đặc biệt dành cho ngài (x. Sắc lệnh của Tòa Ân giải tối cao, 8/12/2020). Về phần tôi, tôi đã viết Tông thư “Patris corde” (“Trái tim người Cha”), với mục đích “gia tăng lòng yêu mến đối với vị đại Thánh này”. Quả thế, ngài là một con người phi thường, đồng thời “rất gần gũi với thân phận con người của mỗi người chúng ta”. Thánh Giuse đã không gây ấn tượng, ngài không có những đặc sủng đặc biệt, ngài không tỏ ra đặc biệt trước mắt của những ai gặp gỡ ngài. Ngài không nổi tiếng và thậm chí không làm cho mình nổi bật: thậm chí các Tin Mừng đã không tường thuật một lời nào của ngài. Tuy nhiên, xuyên qua đời thường của mình, ngài đã thể hiện điều gì đó phi thường trước mặt Thiên Chúa.
Thiên Chúa nhìn thấy tâm hồn (x. 1S 16, 17) và nơi thánh Giuse, Người đã nhận ra một trái tim người cha, có khả năng trao ban và khơi dậy cuộc sống thường ngày. Đó là điều mà ơn gọi hướng tới: khơi dậy và tái tạo cuộc sống mỗi ngày. Chúa muốn hun đúc các tâm hồn người cha, người mẹ: những tâm hồn cởi mở, có năng lực nhiệt huyết cao cả, quảng đại trao hiến bản thân, có lòng trắc ẩn an ủi những lo âu và vững mạnh củng cố niềm hy vọng. Đó là điều mà ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến cần đến, ngày nay một cách đặc biệt, vào thời điểm được đánh dấu bằng sự mong manh và đau khổ do cơn đại dịch, vốn đã khơi lên nỗi bấp bênh và sợ hãi về tương lai, cũng như do chính ý nghĩa của cuộc sống. Thánh Giuse đến gặp gỡ chúng ta với sự dịu dàng của ngài, như một vị thánh đến từ cửa nhà kế bên; đồng thời, chứng tá hùng hồn của ngài có thể hướng dẫn chúng ta trên đường đời.
Thánh Giuse gợi lên cho chúng ta ba từ khóa cho ơn gọi của mỗi người. Từ đầu tiên là ước mơ. Mọi người trong cuộc sống đều có mơ ước được hiện thực. Và thật đúng để nuôi dưỡng những mong đợi lớn lao, những mong đợi cao cả mà các mục tiêu chóng qua – như thành công, tiền bạc và thú vui – không đạt tới được. Quả thế, nếu chúng ta yêu cầu mọi người diễn tả ước mơ của họ bằng chỉ một từ, thì sẽ thật khó hình dung câu trả lời: “tình yêu”. Chính tình yêu mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, bởi vì nó cho thấy mầu nhiệm của cuộc sống. Quả thế, cuộc sống, ta chỉ có nó nếu ta cho nó, ta chỉ thực sự có nếu ta cho trọn vẹn. Thánh Giuse có nhiều điều nói với chúng ta về chủ đề này, bởi vì, qua những giấc mơ mà Thiên Chúa đã soi sáng cho ngài, ngài đã biến cuộc sống của mình thành một quà tặng.
Các Tin Mừng kể lại bốn giấc mơ (x. Mt 1, 20; 2, 13.19.22). Đó là những lời kêu gọi của Thiên Chúa, nhưng không phải dễ dàng để đón nhận chúng. Sau mỗi giấc mơ, Giuse đã phải thay đổi kế hoạch của mình và tự vấn bản thân, hy sinh kế hoạch của mình để thỏa mãn kế hoạch, huyền nhiệm, của Thiên Chúa. Ngài đã tin tưởng đến cùng. Nhưng chúng ta có thể tự hỏi: “Một giấc mơ ban đêm là gì để đặt hết tin tưởng vào đó?” Cho dù ta đã từng chú ý nhiều trong quá khứ, nhưng dù sao đó không phải là điều gì to lớn khi đối diện với thực tế cụ thể của cuộc sống. Tuy nhiên, thánh Giuse đã không do dự để cho các giấc mơ này hướng dẫn mình. Tại sao? Bởi vì tầm hồn của ngài đã hướng về Thiên Chúa, ngài đã sẵn lòng hướng về Người. “Đôi tai nội tâm” tỉnh thức của ngài chỉ cần một dấu chỉ nhỏ bé để nhận ra tiếng nói. Điều đó cũng có giá trị đối với tiếng gọi nói với chúng ta: Thiên Chúa không muốn tỏ mình ra cách ngoạn mục, bằng cách ép buộc sự tự do của chúng ta. Người dịu dàng truyền cho chúng ta kế hoạch của Người; Người không làm cho chúng ta choáng ngợp bằng những thị kiến hào nhoáng, nhưng Người tế nhị nói với tâm hồn chúng ta, bằng việc trở nên thân mật với chúng ta và nói với chúng ta qua tư tưởng và tình cảm của chúng ta. Và như thế, như Người đã từng làm với thánh Giuse, Người đề nghị cho chúng ta những mục tiêu cao cả và đáng ngạc nhiên.
Quả thế, những giấc mơ đã dẫn Giuse đến những cuộc mạo hiểm mà ngài không bao giờ nghĩ tới. Cuộc mạo hiểm đầu tiên đã làm bất ổn cho việc đính hôn của mình, nhưng lại làm cho ngài thành người cha của Đấng Thiên Sai; cuộc mạo hiểm thứ hai làm cho ngài trốn sang Ai Cập, nhưng ngài đã cứu mạng sống của gia đình mình. Sau cuộc mạo hiểm thứ ba thông báo việc trở về quê hương, cuộc mạo hiểm thứ tư còn làm cho ngài thay đổi kế hoạch của mình lần nữa, đưa ngài về lại Nazareth, chính ở đó mà Chúa Giêsu bắt đầu ra đi loan báo Nước Thiên Chúa. Do đó, trong tất cả những xáo trộn này, sự can đảm theo đuổi ý muốn của Thiên Chúa đã tỏ ra chiến thắng. Trường hợp của ơn gọi cũng vậy: tiếng gọi của Chúa luôn thúc đẩy đi ra, trao hiến bản thân, đi xa hơn. Không có đức tin mà không có rủi ro. Chỉ bằng việc tin tưởng phó thác cho ân sủng, bỏ sang một bên các chương trình và sự tiện nghi của riêng mình, mà ta thực sự nói lời “xin vâng” với Thiên Chúa. Và mỗi lời “xin vâng” đều sinh hoa kết trái, bởi vì nó đồng thuận với một kế hoạch lớn lao hơn, mà chúng ta chỉ nhận thấy các chi tiết, nhưng Nhà Nghệ Sĩ thần linh biết và xúc tiến, để biến mỗi cuộc sống thành một kiệt tác. Theo nghĩa này, thánh Giuse là một hình ảnh mẫu mực của việc đón nhận kết hoạch của Thiên Chúa. Nhưng việc đón nhận của ngài là một sự đón nhận chủ động: không bao giờ chủ bại hay bỏ cuộc, ngài “không phải là một người thụ động cam chịu” (Patris corde, số 4). Xin ngài giúp đỡ mỗi người, cách riêng các bạn trẻ trong việc phân định, để thực hiện các ước mơ của Thiên Chúa dành cho họ; xin ngài khơi dậy sáng kiến can đảm nói “xin vâng” với Chúa, Đâng luôn làm ngạc nhiên và không bao giờ gây thất vọng!
Từ khóa thứ hai đánh dấu hành trình của thánh Giuse và của ơn gọi: phục vụ. Các Tin Mừng cho thấy trong mọi sự cách thức mà ngài đã sống cho người khác và không bao giờ cho chính mình. Dân thánh của Thiên Chúa gọi ngài là bạn trăm năm rất thanh sạch, từ đó cho thấy khả năng yêu thương của ngài mà không giữ lại gì cho mình. Quả thật, khi giải phóng tình yêu khỏi mọi sự chiếm hữu, ngài mở ra cho sự phục vụ còn phong nhiêu hơn nữa: sự chăm sóc đầy yêu thương của ngài đã trải qua các thế hệ, giữ bảo trợ chăm chú của ngài đã làm cho ngài trở thành người bảo trợ của Hội Thánh. Ngài cũng là người bảo trợ cho sự chết lành, ngài là người đã biết thể hiện ý nghĩa tự hiến của cuộc sống. Sự phục vụ và những hy sinh của ngài là có thể, nhưng chỉ vì chúng được nâng đỡ bởi một tình yêu lớn lao hơn: “Mọi ơn gọi đích thực đều nảy sinh từ việc trao hiến bản thân vốn là hoa trái của sự hy sinh chín chắn. Loại chín chắn này cũng được yêu cầu trong ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến. Nơi đâu ơn gọi hôn nhân, độc thân hay trinh khiết không đạt tới sự chín chắn của việc trao hiến bản thân bằng việc chỉ dừng lại ở lô-gíc hy sinh, thì như thế, thay vì trở thành dấu chỉ của vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu, nó có nguy cơ diễn tả sự bất hạnh, buồn chán và thất đoạt” (ibid., số 7).
Đối với thánh Giuse, sự phục vụ, lối diễn tả cụ thể của việc trao hiến bản thân, không chỉ là một lý tưởng cao cả, nhưng còn trở thành một quy luật sống thường ngày. Ngài đã ra sức tìm kiếm và sắp xếp một nơi mà Chúa Giêsu được sinh ra; ngài đã hết lòng bảo vệ Người khỏi cơn thịnh nộ của Hêrôđê khi sắp xếp một chuyến đi nhanh chóng sang Ai Cập; ngài vội vã trở lại Giêrusalem tìm kiếm Chúa Giêsu bị lạc mất; ngài đã nuôi dưỡng gia đình mình bằng cách làm việc, ngay cả nơi vùng đất xa lạ. Tóm lại, ngài đã thích nghi với các hoàn cảnh khác nhau bằng thái độ của người không đánh mất sự can đảm nếu cuộc sống không diễn ra như ngài muốn: bằng sự sẵn lòng của người sống để phục vụ. Trong tinh thần này, thánh Giuse đón nhận nhiều cuộc hành trình và thường là không lường trước của cuộc sống: từ Nazareth đến Bê-lem vì cuộc điều tra dân số, rồi ở Ai Cập và cả ở Nazareth, và mỗi năm ở Giêrusalem, luôn sẵn lòng mỗi khi gặp những hoàn cảnh mới, không than phiền những gì xảy đến, sẵn sàng giúp đỡ để giải quyết các hoàn cảnh. Ta có thể nói rằng ngài là cánh tay giang rộng của Chúa Cha trên trời cho Con của Người trên trần gian. Vì thế, ngài chỉ có thể là một mẫu mực cho mọi ơn gọi được kêu gọi cho điều này: là những đôi bàn tay cần cù của Chúa Cha cho các con trai, con gái của ngài.
Vì thế, tôi muốn nghĩ đến thánh Giuse, đấng bảo vệ Chúa Giêsu và Giáo hội, như là người bảo vệ ơn gọi. Quả thế, sự chăm sóc trong sự bảo vệ của ngài đến từ sự sẵn lòng phục vụ. Tin Mừng nói: “Ngài chỗi dậy; trong đêm, ngài đưa con và mẹ người và trốn sang Ai Cập” (Mt 2, 14), cho thấy sự mau mắn và sự tận tụy của ngài đối với gia đình. Ngài không mất thời gian để suy nghĩ về những gì đã không suông sẻ, để không tránh né người đã được giao phó cho ngài săn sóc. Sự chăm sóc chú tâm và chu đáo này là dấu chỉ của một ơn gọi thành công. Đó là chứng tá của một cuộc sống đã được tình yêu Thiên Chúa chạm đến. Thật là mẫu gương đẹp đẽ của đời sống Kitô hữu mà chúng ta cống hiến khi chúng ta không còn cứng đầu theo đuổi các tham vọng của chúng ta và không còn để mình bị tê liệt bởi những luyến tiếc của mình, nhưng là quan tâm đến những gì Chúa, qua Giáo hội, giao phó cho chúng ta! Lúc đó, Thiên Chúa đổ tràn Thánh Thần của Người, sự sáng tạo của Người, trên chúng ta; và ngài thực hiện những kỳ công, như nơi thánh Giuse.
Ngoài tiếng gọi của Thiên Chúa – Đấng thực hiện những ước mơ lớn lao nhất của chúng ta – và lời đáp trả của chúng ta – vốn được thực hiện trong sự sẵn lòng phục vụ và trong sự chăm sóc chu đáo -, có một khía cạnh thứ ba xuyên suốt cuộc sống của thánh Giuse và ơn gọi Kitô hữu, làm nên nhịp sống thường ngày: sự trung tín. Thánh Giuse là “người công chính” (Mt 1, 19), mà, trong sự thinh lặng tích cực của mỗi ngày, kiên trì trong sự gắn bó với Thiên Chúa và các kế hoạch của Người. Trong một thời điểm đặc biệt khó khắn, ngài bắt đầu “cân nhắc mọi sự” (x. c.20). Ngài suy nghĩ, nghiền ngẫm: ngài không để sự hấp tấp thống trị mình, không nhượng bộ cho cám dỗ đưa ra những quyết định hấp tấp, không theo bản năng và không hành động bộc trực. Ngài suy xét mọi sự trong sự kiên nhẫn. Ngài biết rằng cuộc sống chỉ có thể được xây dựng trên một sự gắn bó liên lỉ với những lựa chọn to lớn. Điều đó tương ứng với sự dịu dàng cần cù và bền bỉ mà ngài đã thực hiện nghề thợ mộc khiêm tốn (x. Mt 13, 55), một nghề mà qua đó ngài không truyền cảm hứng tin tức ồn ào gì vào thời ngài, nhưng cảm hứng cho cuộc sống đời thường của mỗi người cha, của mỗi công nhân, của mỗi Kitô hữu trải qua bao thế kỷ. Bởi vì ơn gọi, cũng như cuộc sống, chỉ chín mùi xuyên qua lòng trung tín mỗi ngày.
Làm thế nào lòng trung tín này được nuôi dưỡng? Dưới ánh sáng của lòng trung tín của Thiên Chúa. Những lời đầu tiên mà thánh Giuse đã được nghe trong giấc mộng là lời mời gọi đừng sợ, vì Thiên Chúa là Đấng trung tín với các lời hứa của Người: “Hỡi Giuse, con vua Đavít, đừng sợ” (Mt 1, 20). Đừng sợ: đó là những lời mà Chúa cũng nói với bạn, là người chị em yêu quý, và người anh em yêu quý, khi, bất chấp những bấp bênh và do dự, bạn vẫn cảm thấy như là không thể trì hoãn nữa ước muốn hiến dâng cuộc sống cho Người. Đó là những lời mà Người lặp đi lặp lại cho bạn khi, dù bạn ở đâu, có lẽ là giữa những thử thách và hiểu lầm, bạn vẫn chiến đấu để mỗi ngày tuân theo thánh ý của Người. Đó là những lời mà bạn tái khám phá khi, trên hành trình ơn gọi, bạn hướng về tình yêu ban đầu. Đó là những lời mà, như một điệp khúc, đồng hành với người nói lời “xin vâng” với Thiên Chúa qua cuộc sống của mình như thánh Giuse: trong sự trung tín mỗi ngày.
Sự trung tín là là bí quyết của niềm vui. Có một thánh thi phụng vụ nói: Trong ngôi nhà Nazareth, có “một niềm vui trong sáng”. Đó là niềm vui thường ngày và trong sáng của sự đơn sơ, niềm vui được cảm nghiệm bởi người giữ gìn điều gì là quan trọng: sự gần gũi trung tín với Thiên Chúa và tha nhân. Thật đẹp dường nào nếu chính bầu khí đơn sơ và rạng rỡ, điều độ và tràn đầy hy vọng này, thấm nhập các chủng viện, các dòng tu, các giáo xứ của chúng ta! Anh chị em thân mến, đó là niềm vui mà tôi mong muốn cho anh chị em, những người đã quảng đại biến Thiên Chúa thành ước mơ của đời mình, để phục vụ Người nơi anh chị em được giao phó cho anh chị em, xuyên qua sự trung tín mà tự nó đã là một chứng tá, vào một thời đại được ghi dấu bởi những chọn lựa chóng qua và những cảm xúc biến mất mà không để lại niềm vui. Xin thánh Giuse, đấng bảo trợ các ơn gọi, đồng hành với anh chị em bằng trái tim người cha!
Rôma, thánh Gioan Latêranô, 19/3/2021, lễ thánh Giuse
PHANXICÔ
(Tý Linh chuyển ngữ theo bản tiếng Pháp)
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS