SỨ ĐIỆP VIDEO NHÂN KỶ NIỆM 70 THÀNH LẬP TỔ CHỨC DI DÂN QUỐC TẾ : ĐỨC PHANXICÔ TỐ GIÁC VIỆC SỬ DỤNG NGƯỜI DI DÂN CHO NHỮNG MỤC ĐÍCH CHÍNH TRỊ

Written by xbvn on Tháng Mười Một 30th, 2021. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Thế Giới, Tý Linh

« Di cư không chỉ là câu chuyện về người di cư, nhưng về những bất bình đẳng, sự tuyệt vọng, sự suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, nhưng còn cả những ước mơ, lòng can đảm, du học, đoàn tụ gia đình, những cơ hội mới, an ninh và bảo vệ và công việc vất vả nhưng đàng hoàng. » Đức Phanxicô phân tích hiện tượng di dân như thế trong một sứ điệp video gởi cho Tổ chức di dân quốc tế dịp kỷ niệm 70 thành lập.

Bản văn đã được Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đọc vào dịp kỷ niệm được cử hành ở Genève, hôm 29/11/2021.

Trong sứ điệp này, Đức Thánh Cha cũng mở rộng tầm nhìn về vấn đề di dân : « Cuộc tranh luận về di cư không thực sự liên quan đến người di cư. Nói cách khác, đó không chỉ là về người di cư : đó là về tất cả chúng ta, về quá khứ, hiện tại và tương lai của các xã hội của chúng ta ».

Đức Thánh Cha cũng tố giác « tiêu chuẩn kép » đối với người di dân, đặc biệt trong thời đại dịch : « Một mặt, tại các thị trường của các nước có thu nhập trung bình  cao, nhân công di dân rất được đòi hỏi và được đón tiếp như là một phương thế bù đắp cho việc thiếu nhân công. Mặt khác, các di dân thường bị gạt bỏ và phải chịu những thái độ oán hận từ nhiều cộng đồng đón tiếp họ. »

Và ngài tố giác việc lợi dụng người di cư cho những mục đích chính trị : “Điều đáng tiếc hơn nữa khi người di cư càng ngày càng được sử dụng như đồng tiền trao đổi, như con tốt trên bàn cờ, như các nạn nhân của các cuộc tranh giành chính trị. … Làm thế nào nỗi đau khổ và sự tuyệt vọng có thể bị khai thác để thúc đẩy hay bảo vệ các chương trình nghị sự chính trị ? Làm thế nào những cân nhắc chính trị có thể thắng thế khi phẩm giá của nhân vị đang lâm nguy ?”

Từ đó, Đức Thánh Cha nhắc nhớ: « Bên kia các khía cạnh chính trị và pháp luật của các hoàn cảnh bất hợp pháp, chúng ta không bao giờ được sao lãng khuôn mặt nhân loại của việc di cư và thực tế là vượt qua các ranh giới địa lý, chúng ta là một phần của cùng một gia đình nhân loại. »

Dưới đây là sứ điệp của Đức Thánh Cha :

 

Thưa Ông Tổng Giám đốc,

Thưa Bà Chủ tịch,

Các tham dự viên quý mến,

Tôi xin bày tỏ lời chúc mừng đến Tổ chức Di dân quốc tế dịp 70 phục vụ di dân của mình. Giai đoạn quan trọng này trong lịch sử của Tổ chức, bất chấp nhiều thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, mang lại cơ hội đổi mới tâm nhìn và sự dấn thân của chúng ta thông qua một câu trả lời xứng đáng hơn cho hiện tượng di cư.

Cách đây 10 năm, tại kỳ họp thứ 100 của Hội đồng này, theo quyết định của vị tiền nhiệm thân yêu của tôi, Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI, Tòa Thánh, theo cách phù hợp với bản chất, các nguyên tắc và chuẩn mực đặc thù của mình, đã chọn trở thành một Nhà nước thành viên của Tổ chức này. Những động cơ ngấm ngầm thúc đẩy một quyết định như thế ngày nay vẫn còn có giá trị và cấp bách hơn (1) :

  1. Khẳng định chiều kích đạo đức của sự dịch chuyển dân số.
  2. Thông qua kinh nghiệm và mạng lưới các hiệp hội hợp nhất của mình tại thực địa trên thế giới, mang lại sự hợp tác của Giáo hội Công giáo trong các dịch vụ quốc tế dành cho người di dân.
  3. Cung cấp sự trợ giúp toàn cầu tùy theo nhu cầu, không phân biệt, dựa trên phẩm giá gắn liền với mọi thành viên của cùng một gia đình nhân loại.

Cuộc tranh luận về di cư không thực sự liên quan đến người di cư. Nói cách khác, đó không chỉ là về người di cư : đó là về tất cả chúng ta, về quá khứ, hiện tại và tương lai của các xã hội của chúng ta (2). Chúng ta không nên ngạc nhiên về số lượng di dân, nhưng đúng hơn gặp gỡ tất cả họ với tư cách là những nhân vị, bằng cách nhìn thấy khuôn mặt của họ và lắng nghe những câu chuyện của họ, cố gắng đáp ứng tốt nhất có thể đối với hoàn cảnh  cá nhân và gia đình duy nhất của họ. Sự đáp ứng này đòi hỏi nhiều sự nhạy cảm của con người, sự công bằng và tình huynh đệ. Cần phải tránh một cám dỗ rất phổ biến ngày nay : tống khứ tất cả những gì gây phiền toái (3). Chính « nền văn hóa loại trừ » mà tôi đã tố giác nhiều lần.

Trong đa số các truyền thống tôn giáo lớn, bao gồm cả Kitô giáo, chúng ta tìm thấy một giáo huấn khích lệ chúng ta đối xử với người khác như chúng ta muốn được đối xử và yêu thương tha nhân như chính mình. Những giáo huấn tôn giáo khác nhấn mạnh để chúng ta vượt quá chuẩn mực này và không bỏ qua lòng hiếu khách với người ngoại kiều, « vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết » (Dt 13, 2). Chắc chắn, những giá trị được công nhận phổ quát này phải hướng dẫn cách chúng ta đối xử với người di cư trong cộng đồng địa phương và ở  cấp quốc gia.

Chúng ta thường nghe nói về những gì mà các Nhà nước đang làm để đón tiếp người di cư. Nhưng cũng quan trọng để tự hỏi : đâu là những lợi ích mà người di cư mang lại cho các cộng đồng đón tiếp họ và làm thế nào các cộng đồng làm phong phú cho họ ? Một mặt, tại các thị trường của các nước có thu nhập trung bình  cao, nhân công di dân rất được đòi hỏi và được đón tiếp như là một phương thế bù đắp cho việc thiếu nhân công. Mặt khác, các di dân thường bị gạt bỏ và phải chịu những thái độ oán hận từ nhiều cộng đồng đón tiếp họ.

Thật không may, tiêu chuẩn kép này bắt nguồn từ sự chiếm ưu thế của các lợi ích kinh tế trên các nhu cầu và phẩm giá của nhân vị. Khuynh hướng này đặc biệt rõ ràng trong thời gian « cách ly » Covid-19, khi nhiều công nhân « thiết yếu » là người di cư, nhưng không được hưởng các lợi ích của các chương trình hỗ trợ tài chính Covid hoặc tiếp cận việc chăm sóc y tế cơ bản hay vắc xin Covid.

Điều đáng tiếc hơn nữa khi người di cư càng ngày càng được sử dụng như đồng tiền trao đổi, như con tốt trên bàn cờ, như các nạn nhân của các cuộc tranh giành chính trị. Như tất cả chúng ta đều biết, quyết định di cư, rời bỏ quê hương hay nguyên quán, chắc chắn là một trong những quyết định khó khăn nhất của cuộc sống.

Làm thế nào nỗi đau khổ và sự tuyệt vọng có thể bị khai thác để thúc đẩy hay bảo vệ các chương trình nghị sự chính trị ? Làm thế nào những cân nhắc chính trị có thể thắng thế khi phẩm giá của nhân vị đang lâm nguy ? Việc thiếu tôn trọng cơ bản đối với con người ở biên giới quốc gia đang xem nhẹ tất cả chúng ta trong « nhân tính » của chúng ta. Bên kia các khía cạnh chính trị và pháp luật của các hoàn cảnh bất hợp pháp, chúng ta không bao giờ được sao lãng khuôn mặt nhân loại của việc di cư và thực tế là vượt qua các ranh giới địa lý, chúng ta là một phần của cùng một gia đình nhân loại.

Nhân cơ hội này, tôi muốn đưa ra bốn nhận xét :

  1. Điều cấp bách là tìm ra những con đường xứng đáng cho các hoàn cảnh bất hợp pháp. Tuyệt vọng và hy vọng luôn hơn các chính sách hạn chế. Càng có những con đường hợp pháp, thì người di cư càng ít có khả năng bị lôi kéo vào các mạng lưới tội phạm buôn người hoặc bị bóc lột và lạm dụng trong quá trình buôn người.
  2. Những người di cư làm cho hữu hình mối liên hệ gắn kết toàn thể gia đình nhân loại, sự phong phú của các nền văn hóa và nguồn lực cho sự trao đổi phát triển và các mạng lưới thương mại vốn tạo nên các cộng đồng của người tha hương. Theo nghĩa này, vấn đề hội nhập là căn bản ; việc hội nhập bao gồm một tiến trình hai chiều, dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau, sự cởi mở hỗ tương, việc tôn trọng các luật lệ và văn hóa của nước đón tiếp trên tinh thần gặp gỡ và làm phong phú lẫn nhau đích thực.
  3. Gia đình di dân là một thành phần mấu chốt của các cộng đồng trong thế giới toàn cầu hóa của chúng ta, nhưng nơi quá nhiều nước, người lao động di dân bị từ chối những lợi ích và sự ổn định của đời sống gia đình do những trở ngại pháp lý. Khoảng trống con người để lại khi một phụ huynh đơn thân di cư là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về tình thế tiến thoái lưỡng nan rõ ràng khi buộc phải chọn lựa giữa di cư chỉ để nuôi sống gia đình hay hưởng quyền cơ bản ở lại nơi nguyên quán của mình cách phẩm giá.
  4. Cộng đồng quốc tế phải khẩn trương tìm cách giải quyết các điều kiện làm phát sinh di cư bất hợp pháp, từ đó biến việc di cư thành một chọn lựa sáng suốt chứ không phải là một sự cần thiết tuyệt vọng. Vì hầu hết những người có thể sống đàng hoàng nơi nguyên quán của họ sẽ không cảm thấy bó buộc phải di cư cách bất hợp pháp, nên cần có những nỗ lực cấp bách để « tạo ra những điều kiện kinh tế và xã hội tốt hơn […] để việc di cư không phải là chọn lựa duy nhất đối với những người tìm kiếm hòa bình, công lý, an ninh và sự tôn trọng đầy đủ phẩm giá con người » (4).

Tóm lại, di cư không chỉ là câu chuyện về người di cư nhưng về những bất bình đẳng, sự tuyệt vọng, sự suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, nhưng còn cả những ước mơ, lòng can đảm, du học, đoàn tụ gia đình, những cơ hội mới, an ninh và bảo vệ và công việc vất vả nhưng đàng hoàng.

Để kết thúc, việc thực hiện sự quản lý toàn cầu cách thích đáng đối với các phong trào di cư, sự hiểu biết tích cực về các phong trào này và một lối tiếp cận hữu hiệu về sự phát triển con người toàn diện có thể tỏ ra như những mục tiêu dài hạn. Thế nhưng, chúng ta không bao giờ được quên rằng đó không phải những số liệu thống kê, nhưng là những con người thực sự mà mạng sống đang lâm nguy. Bắt nguồn từ kinh nghiệm trần thế của mình, Giáo hội Công giáo và các thể chế của Giáo hội sẽ tiếp tục sứ mạng đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập những người di cư.

Tôi cảm ơn quý vị tận đáy lòng và tôi khấn xin phúc lành của Chúa xuống trên tất cả quý vị, trên tất cả các quốc gia mà quý vị đại diện và trên các di dân và gia đình của họ.

Thân ái,

PHANXICÔ

________________________

(1) X. Tuyên ngôn của Tòa Thánh, kỳ họp thứ 100 của Hội đồng của Tổ chức di dân quốc tế, ngày 5/12/2011.

(2) X. Sứ điệp Ngày Thế giới di dân và tỵ nạn lần thứ 105, 29/9/2019.

(3) X. Diễn văn cho khóa họp chung của Quốc hội Hoa Kỳ, Washington D.C., 24/9/2015.  

(4) Cf. Sứ điệp Ngày Thế giới di dân và tỵ nạn lần thứ 100, ngày 5/8/2013.

——————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : Anita Bourdin, ZENIT)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31