SỰ GẦN GŨI CỦA ĐHY PAROLIN VỚI ĐHY ZEN VÀ NIỀM HY VỌNG VỀ MỘT SỰ NGỪNG BẮN Ở UCRAINA

Written by xbvn on Tháng Năm 14th, 2022. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Thế Giới, Tý Linh

ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã bình luận về vụ việc ĐHY Zen bị bắt rồi được tại ngoại. Bên lề một sự kiện về Đức Gioan-Phaolô I ở đại học Grêgôriô, ĐHY Parolin cũng đề cập đến cuộc chiến tranh ở Ucraina, vài ngày trước khi Đức cha Gallagher đến Kiev. Ngài lặp lại ý muốn của Tòa Thánh là làm tất cả vì hòa bình.

« Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi với Đức Hồng y Zen đã được thả và đối xử tốt ». Được hỏi bên lề một sự kiện về Đức Gioan-Phaolô I, chân phước tương lai của Giáo hội, tại đại học Grêgôriô ở Rôma, Đức Hồng y Pietro Parolin đã nói rằng ngài « thực sự lấy làm tiếc » về việc bắt giữ ĐHY Zen, nguyên Tổng Giám mục Hong Kong, vào hôm thứ Tư vừa qua. Ngài cho rằng vụ việc này không nên được hiểu là « một sự từ chối » thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Trung quốc về việc bổ nhiệm Giám mục, được ký vào năm 2018 và được kéo dài trong hai năm. Ngài nói, chắc chắn « hy vọng cụ thể nhất là những sáng kiến như thế này không thể làm phức tạp con đường đối thoại vốn đã phức tạp và không đơn giản giữa Tòa Thánh và Giáo hội ở Trung quốc ».

Sứ mạng của Đức cha Gallagher ở Kiev

Một vài ngày trước khi khởi hành đến Kiev của Đức cha Gallagher, Bộ trưởng ngoại giao Tòa Thánh, ĐHY Parolin đề cập đến cuộc chiến tranh ở Ucraina. Sứ mạng của Đức cha Paul Richard Gallagher sẽ tái khẳng định các mục tiêu mà Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh « đã và đang làm việc trong  khả năng có thể, bởi vì không gian là rất hạn chế ». « Một sự ngừng bắn » sẽ là « điểm xuất phát căn bản » để « các hoạt động chiến tranh được kết thúc ». ĐHY nói rằng hy vọng là « một cuộc đối thoại nghiêm túc, không có điều kiện tiên quyết » được bắt đầu « để cố gắng tìm ra một phương thế giải quyết vấn đề này ».

Gởi vũ khí đến Ucraina

ĐHY Parolin cũng đề cập vấn đề nhạy cảm là việc gởi vũ khí đến Ucraina. Ngài lặp lại lập trường đã được diễn tả trong những ngày vừa qua, tức là « có một quyền tự vệ vũ trang trong trường hợp xâm lược », như sách Giáo lý Giáo hội Công giáo khẳng định, nhưng « dưới một số điều kiện ». ĐHY nhấn mạnh, điều kiện đầu tiên là « tính tương xứng, tức là sự kiến việc đáp trả không tạo nên thiệt hại lớn hơn sự xâm lược. Trong bối cảnh này, chúng ta nói về một cuộc « chiến tranh chính đáng » ». ĐHY nói thêm : « Tôi hiểu rằng về mặt cụ thể, thì thật khó xác định hơn, nhưng chúng ta phải có các thông số rõ ràng để đề cập vấn đề về vũ khí một cách công bằng và đúng mức nhất có thể ».

Trước tiên, tìm ra những giải pháp

Tiếp đến, trích dẫn một bình luận được nghe về cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina, ĐHY cho rằng Moscou và Kiev « cuối cùng sẽ phải tìm ra một giải pháp, vì địa lý buộc họ phải sống không chỉ cùng nhau nhưng gần nhau, họ chia sẻ hàng nghìn km đường biên giới ». Tuy nhiên, ngài lấy làm tiếc rằng « chúng ta đã không luôn luôn hiểu được bài học rằng, thay vì làm tất cả cuộc tàn sát này và tạo ra tất cả đống đổ nát này, các giải pháp có thể được tìm ra sớm hơn ».  Đó là những gì Tòa Thánh đã luôn hy vọng. Đối với ĐHY, vấn đề là ở chỗ « trong những thập niên vừa qua, chủ đề về chủ nghĩa đa phương đã xói mòn », từ đó thật lôgíc « khi mỗi người đều tập trung vào lợi ích riêng của mình, theo quan điểm của riêng mình, và không biết chia sẻ và tìm ra những câu trả lời chung, mà cuối cùng người ta đạt đến đó ».

Ý đề nghị các cuộc đàm phán hòa bình

Về các cuộc thương lượng hòa bình do chính phủ Ý đề nghị, ĐHY Parolin tuyên bố rằng sáng kiến được Thủ tướng Mario Draghi đề nghị « phải được hỗ trợ » và tái khẳng định rằng đối với Tòa Thánh, « bất kỳ nỗ lực nào có thể dẫn đến kết thúc chiến tranh đều được hoan nghênh ». « Chúng tôi không muốn khởi xướng nếu những người khác có thể làm được những gì Tòa Thánh không thể làm được bởi vì lời đề nghị trung gian hay can thiệp của mình đã không được chấp nhận… »

Nỗ lực cho Marioupol

Luôn được các phóng viên hỏi về cuộc gặp gần đây của Đức Thánh Cha với hai người vợ của hai chiến binh của tiểu đoàn Azov, bị chăn trong nhà máy thép Azovstal, ĐHY giải thích rằng « chúng tôi đã cho biết ý muốn của chúng tôi đứng ra đảm bảo cho việc sơ tán những thường dân còn lại tại chỗ nhưng, tiếp đến, không có gì được thực hiện. Dù sao, tôi không nghe nói rằng có phần tiếp theo… » ĐHY kể lại rằng đó là nỗ lực cuối cùng trong nhiều nỗ lực sơ tán trong những tuần qua. « Chính Sứ thần đã đưa ra ý tưởng đến đó cùng với Trưởng giáo chủ của Zaporizhzhia, nhưng trên thực tế không có phần tiếp theo bởi vì không có bảo đảm an ninh nào đã được đưa ra cho sứ mạng ».

Tương quan với Tòa thượng phụ Moscou

Đối với những vấn đề được đặt ra liên quan đến mối quan hệ với Tòa thượng phụ Moscou, sau khi Đức Thánh Cha quyết định không gặp Thượng phụ Kirill, ĐHY Parolin thừa nhận rằng «  chúng ta đang ở trong một thời điểm khó khăn, chúng ta phải thừa nhận điều đó », nhưng điều đó « không có nghĩa rằng chúng ta đang ở điểm zéro hay có sự đóng băng giữa Giáo hội Chính Thống giáo Nga và Giáo hội Công giáo. Vẫn có các kênh và những nỗ lực đối thoại. Nhưng, mọi sự đã trở nên khó khăn hơn ».

Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31