SỰ SÁNG (CN 2 MC.C) + SLIDESHOW
Truyện kể: Ngày kia Hoàng đế Rôma Trajano hỏi một thầy thông luật Do-thái là Rabbi Josue: Đức Chúa Trời của ngươi ở đâu? Hãy chỉ cho ta coi. Đáp lời: Tâu Hoàng thượng, không có ai thấy Đức Chúa Trời, không có mắt phàm nào chịu nổi sự chói lòa vinh quang của Ngài được. Khi nói những lời đó, nét mặt của thầy thông luật có vẻ hãnh diện lắm, đoạn ông nói tiếp: Tuy không thể thấy Chúa, nhưng tôi có thể chỉ cho Hoàng thượng một vị đại diện Ngài. Nói xong, ông mời hoàng đế ra sân và chỉ tay về phía mặt trời và tâu: Xin Thánh thượng hãy nhìn theo tay hạ thần. Trajano không thể nhìn lâu… lúc đó thầy thông luật thưa: Hoàng thượng không thể nhìn mặt trời là thụ tạo của Chúa Trời thì làm sao Hoàng thượng có thể thấy được Chúa Trời. Đức Chúa Trời là linh thiêng, nên phải thờ Ngài trong tâm hồn và chân lý (Ga 4, 24).
Sách Sáng Thế Ký đã lược sử cuộc đời của tổ phụ Abram. Thiên Chúa đã chọn và gọi ông khởi đầu một sứ vụ. Ông Abram được mời gọi nhìn lên bầu trời vào ban đêm. Giữa bầu trời mênh mông bao la, ông có thể thấy những ánh sáng ngôi sao chập chờn khắp nơi trong giải ngân hà. Không có mắt nào nhìn thấu tỏ và không có tâm trí nào tưởng tượng cho đủ sự vĩ đại và khoảng không bát ngát vô tận. Chúa muốn ông ngước nhìn lên: Rồi Người đưa ông ra ngoài và phán: “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không.” Người lại phán: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó! “(Stk 15,5). Chúng ta hãy ngước nhìn lên khoảng thanh không để gẫm suy về nguồn gốc của mọi sự hiện hữu trong vũ trụ. Bầu trời đầy trăng sao lấp lánh. Mây trôi cuộn cuộn tầng tầng lớp lớp. Mầu sắc trên vòm trời luôn đổi thay trong mọi khoảnh khắc. Giữa muôn trùng sự hùng vĩ của thụ tạo, Thiên Chúa hứa với Abram trở thành cha của một dân tộc đông đúc.
Abram đã tin tuyệt đối vào Thiên Chúa. Không như lời hứa suông của con người trôi theo dòng định mệnh. Thiên Chúa hứa ban cho ông sản nghiệp. Một giao ước được lý kết giữa Thiên Chúa và ông Abram bằng thịt máu của chiên bò. Thiên Chúa đã chuẩn nhận của lễ toàn thiêu và thiết lập giáo ước với ông. Từ đó, ông Abram đã hoàn toàn bước đi trong sự quan phòng của Chúa. Ông phó thác tất cả lòng tin trong sự quan phòng của Thiên Chúa, cho dù phải dâng hiến đứa con trai duy nhất. Ông xứng danh là tổ phụ của các kẻ tin. Ông được đổi tên thành Abraham và dòng dõi của ông đã sinh xôi nẩy nở và tràn lan khắp xứ. Chính qua dòng dõi này, Đấng Cứu Thế đã được sai đến để cứu độ muôn dân khỏi vòng nô lệ của ma quỉ và tội lỗi.
Bài phúc âm tường thuật sự kiện Chúa Giêsu biến hình trước mặt các tông đồ. Biến đổi dung mạo và y phục trở nên tinh tuyền: Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà (Lc 9, 29). Chúa Giêsu với hai bản tính, Thiên Chúa và loài người. Chúa đã dùng quyền uy để biến đổi các qui luật tự nhiên như: Cho nước hóa ra rượu ngon, mẻ cá đầy, sóng biển im lặng, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma qủi, cải đổi tâm hồn và cho kẻ chết sống lại. Với con mắt phàm trần, con người không thể nhận ra Chúa, trừ khi Chúa mạc khải cho. Ba môn đệ được diễm phúc cùng với Chúa đi lên đỉnh núi cầu nguyện và Chúa đã cho các ông được nhìn thấy tận mắt vinh quang của Chúa. Hằng ngày các môn đệ sống cận kề bên Chúa, nhưng mắt tâm hồn bị che kín không nhận ra. Chúa vẫn luôn là Chúa. Cũng như mọi người khác, các tông đồ cần được củng cố lòng tin qua các dấu lạ được chứng kiến.
Chúa Giêsu biến hình là muốn tỏ vinh quang đích thực của Ngài cho các môn đệ. Sự xuất hiện sáng láng của Chúa như một chút hé mở về hạnh phúc viên mãn cuối hành trình. Điều quan trọng là Chúa Giêsu thi hành thánh ý Chúa Cha và chu toàn sứ mệnh được trao. Để hiến dâng chuộc tội cho loài người, Chúa phải uống chén đắng với lễ hiến tế là chính sự sống của mình. Các môn đệ cũng phải xuống núi để thực hiện lời Chúa Cha căn dặn: Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!(Lc 9, 35). Thiên Chúa Cha muốn các môn đệ và con dân của Ngài hãy vâng nghe lời Chúa Giêsu. Đây là chìa khóa mở cửa thiên đàng. Lời của Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm và lời sự thật. Chúa Giêsu đã nhắc bảo: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”(Lc 8, 21).
Nghe lời Chúa và đem ra thực hành, chính là sống đạo. Chúng ta nghe lời Chúa qúa nhiều rồi, nhưng thực hành chẳng được bao nhiêu. Nhiều khi chúng ta chỉ muốn thực hành những điều đồng thuận với ý muốn bản năng. Chọn những cách thế sống đạo dễ dàng mà không cần phải hy sinh, từ bỏ hay đổ máu. Có một số người nghĩ rằng mỗi tuần chỉ cần dành ra một giờ đến nhà thờ dự lễ Chúa Nhật là chu toàn đạo thánh. Sự thực hành sống đạo phải được thấm nhập vào mọi khía cạnh của cuộc sống đời thường. Chúng ta mang danh là Kitô hữu và hãnh diện giữ đạo gốc từ cha ông trải qua ba bốn đời. Thật ra, số vốn liếng hiểu biết về Kinh Thánh, giáo lý và học hỏi về lẽ đạo của chúng ta còn yếu kém lắm. Trong Mùa Chay Thánh này, mỗi người chúng ta hãy cố gắng lắng nghe tiếng nói lương tâm, xét mình, suy gẫm về cách sống và hành đạo thật của mình. Nếu chúng ta muốn là anh chị em với Chúa, cách tốt nhất là nghe lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày. Đây không là lời mời gọi suông, nhưng là con đường duy nhất dẫn chúng ta tới sự sống đời đời.
Trong Giáo Hội có rất nhiều các Dòng tu, Phong trào đạo đức, Linh đạo, Nhóm, Hội đạo đức và các tổ chức khác nhau, tất cả cùng tìm về một cùng đích. Bất cứ tổ chức nào cũng phải lấy Lời của Chúa làm Kim Chỉ Nam và là ánh sáng soi đường. Chúng ta nhận thấy linh đạo của các Dòng, các Hội và các Phong trào đều rất đạo đức, tốt lành và thánh thiện. Mỗi thành viên trong Giáo hội có quyền chọn lựa cho mình một con đường thích hợp để tôi luyện và hiến thánh. Biết rằng khi gia nhập vào một Hội nhỏ mà biết chu toàn huấn chỉ và đường lối, chúng ta vẫn có thể nên thánh. Nên thánh thiện không tùy thuộc ở danh xưng của Dòng tu hay Nhóm Hội lớn nhỏ, nhưng điều quan trọng nhất là nghe và đem lời Chúa thực hành trong cuộc sống. Thực hành lời Chúa sẽ biến đổi con người toàn diện. Tự xét mình, hầu như chúng ta còn khoảng cách rất xa giữa nghe và thực hành Lời Chúa.
Chúa Giêsu có uy quyền trong mọi sự, thánh Phaolô qủa quyết: Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người (Phil 3, 21). Điều quan trọng là mỗi người chúng ta hãy nhắm đến cùng đích cuộc đời để tiến bước. Hằng ngày, chúng ta tuyên xưng đức tin, lắng nghe Lời Chúa, hát xướng và đọc kinh cầu nguyện, nhưng không thể coi thường hay lẩn tránh cách thế thực hành đạo. Thực hành ba nhân đức: Đức tin, đức cậy và đức mến và tuân giữ các giới răn của Chúa và Giáo Hội. Sống đức tin là thể hiện chu toàn những áp dụng về vấn đề đạo đức và luân lý. Nếu đức tin của chúng ta không có hành động tốt, sẽ không thể sinh hoa kết qủa như thánh Giacôbê tông đồ đã viết: Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết (Giac 2, 17).
Tất cả ý nghĩa và thực hành sống đạo được qui về: Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta (Phil 3. 20). Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã tỏ mình ra cho các môn đệ như một chút hé mở vinh quang của Chúa, xin cho chúng con biết lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy, để cũng được dự phần chiêm ngưỡng sự sáng láng trên quê thật là Nước Trời.
(Stk 15, 5-12.17-18; Phil 3, 17-4,1; Lc 9, 28b-36).
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York.
————————————
Tải file powerpoint ở đây (kích chuột phải lên link, chọn save target as):
Tags: Mùa-Chay
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C: HÃY GIỮ LÒNG MÌNH NHẸ NHÀNG VÀ TỈNH THỨC ĐỂ ĐÓN CHÚA ĐẾN
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA KITÔ VUA: ĐỨC GIÊSU LÀ ‘VUA’ CỦA TÔI KHÔNG?
- QUAN TÂM
- BẢN NHẠC “CHÚA ĐÃ RA ĐỜI”
- SLIDESHOW: LÀ MUỐI LÀ MEN, BÀI HÁT CHỦ ĐỀ NĂM PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
- BÀI HÁT “THEO CHÂN MẸ”
- BẢN NHẠC “NGỢI KHEN THIÊN CHÚA”
- DANH NGÔN ĐẸP VÀ XẤU
- DANH NGÔN NGHE VÀ NÓI
- SLIDESHOW DANH NGÔN VỀ TIỀN BẠC
- CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C: TÔN VINH ĐẦNG “BỊ ĐÓNG ĐINH THẬP GIÁ” LÀ VUA
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 34 TN C
- CHÚA NHẬT 33 TN C, LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM: THÁNH VỊNH ĐÁP CA 125
- CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM C : THEO CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 33 TN C
- CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHẾT ĐỂ ĐƯỢC SỐNG LẠI
- CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM C: TIN CÓ SỰ SỐNG LẠI VÀ SỰ SỐNG ĐỜI SAU
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 32 TN C
- SUY NIỆM LỜI CHÚA CN 31 TN C: CẤM VÀO NHÀ KẺ CÓ TỘI