SỰ THÀNH THAI VÔ NHIỄM CỦA ĐỨC MARIA
(Tác giả: Joseph Paredes, CMF / Người dịch: Lê Công Đức, PSS)
- Vài ghi chú lịch sử
Việc công bố tín điều về sự Thành Thai Vô Nhiễm của Đức Trinh Nữ Maria vốn có một lịch sử lâu dài đằng sau nó. Về mặt lịch sử, đây là một vấn đề đã được tranh cãi nhiều. Cho đến cuối thế kỷ thứ 7, Giáo hội Đông phương đã thiết lập lễ Đức Trinh Nữ Thành Thai, được cử hành sau các lễ Truyền Tin và Thành Thai của Chúa Giêsu và của Gioan Tẩy giả. Đức Maria được mừng như ‘panhagia’, người phụ nữ hoàn toàn thánh thiện không có dấu vết tội lỗi nào. Chính ở Giáo hội Tây phương mà các khó khăn chính yếu đã nổi lên.
Cách riêng kể từ thời thánh Augustinô, tình trạng tội lỗi của mọi con người, hay tính phổ cập của tội nguyên tổ, được nhấn mạnh để nêu bật nhu cầu phổ quát về sự cứu độ xuyên qua ân sủng của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô. Trong bối cảnh này, việc tuyên bố rằng Đức Maria không chia sẻ trong tội nguyên tổ dường như đồng nghĩa với việc phủ nhận không chỉ sự cứu chuộc và cứu độ của ngài bởi Chúa Giêsu Kitô, mà còn hàm ý phủ nhận đặc tính phổ quát của hành động cứu chuộc. Sự thánh thiện trọn vẹn và sự tự do của Đức Maria đối với tội lỗi là một truyền thống phổ quát trong Giáo hội. Truyền thống chủ trương rằng Đức Maria đã không phạm tội cá nhân, bởi vì ngài được thánh hóa trong lòng thân mẫu và được giải thoát khỏi fomes peccati (sự ham muốn thường xuyên bị rối loạn là nguồn gốc của mọi tội cá nhân), không phải ở khoảnh khắc đầu tiên, mà ở khoảnh khắc thứ hai của hiện hữu của ngài. Đây là quan điểm của các nhà thần học có thế giá như thánh Tôma Aquinô[1] và thánh Bonaventura.[2] Theo đó các vị này tin rằng Đức Maria Thánh Thiện không vô nhiễm ở khoảnh khắc đầu tiên thành thai, nhưng nhờ Chúa Giêsu Kitô, ngài được cứu chuộc khỏi tội nguyên tổ ở khoảnh khắc thứ hai và được thánh hóa.
John Duns Scotus, nhà thần học Dòng Phanxicô, đã trả lời cho những phản biện ấy bằng cách khẳng định rằng Đức Maria có được sự viên mãn toàn vẹn của ân sủng ngay từ khoảnh khắc đầu tiên thành thai, nhờ ở sự cứu chuộc hoàn hảo nhất ngài nhận được bởi Đấng Cứu Chuộc hoàn hảo nhất, sự cứu chuộc ấy bao gồm cả việc ngài được gìn giữ cho khỏi mọi tội lỗi. Đấng Cứu Chuộc hoàn hảo nhất là Đấng ban ơn để tránh cho tội lỗi khỏi xâm nhập một con người. Duns Scotus không thấy khó khăn gì khi đưa ra loại suy sau đây: Nếu, theo giáo huấn truyền thống của Augustinô, Đức Maria được ban ơn khi đã lớn và do đó được gìn giữ cho khỏi mọi tội cá nhân, thì điều gì ngăn cản việc ngài được ban ơn từ khoảnh khắc đầu tiên hiện hữu và được giữ cho khỏi tội nguyên tổ? [3] Theo Scotus, ‘chúng ta không thể gọi Đức Kitô là Đấng Cứu Chuộc hoàn hảo nhất, cũng không thể gọi Đức Maria là con người được cứu chuộc hoàn hảo nhất trừ phi chúng ta khẳng định rằng ngài được giữ gìn khỏi tội nguyên tổ’. [4] Vào các thế kỷ 15 và 16, sự giằng co tiếp tục giữa những người chủ trương ‘có nhiễm’ và những người chủ trương ‘vô nhiễm’ [tại khoảnh khắc đầu tiên]. Cho tới cuối thế kỷ 15, lễ Đức Maria Thành Thai đã được chính thức áp dụng ở Rôma. Trong các thế kỷ 17 và 18, giáo huấn về ‘Vô Nhiễm’ không bị lên án cũng không được khẳng định. Các giáo hoàng đã tránh nhân danh chính mình để nói về ‘sự Thành Thai Vô Nhiễm’, thay vào đó các ngài nói về ‘Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm’. Tuy nhiên, từ thời của Sắc chỉ ‘Sollicitudo’ do Giáo hoàng Alexander VII công bố ngày 8 tháng 12 năm 1661, thì vấn nạn này trong thực tiễn được giải quyết theo hướng khẳng định giáo thuyết về sự Thành Thai Vô Nhiễm của Đức Maria, đấng được gìn giữ cho khỏi mọi dấu vết tội lỗi ngay từ khoảnh khắc đầu tiên hiện hữu.
Vào ngày 8.12.1854, Giáo hoàng Piô IX đã xác định tín điều Đức Maria Thành Thai Vô Nhiễm bằng tuyên bố như sau:
Giáo lý khẳng định rằng Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc ngay từ khoảnh khắc đầu tiên thành thai, nhờ một đặc ân độc đáo của Thiên Chúa toàn năng và nhờ công nghiệp của Chúa Kitô Giêsu, Đấng Cứu Độ loài người, đã được giữ gìn khỏi mọi vết nhơ của tội nguyên tổ, là một giáo lý được Thiên Chúa mặc khải và do đó phải được mọi tín hữu tin tưởng cách chắc chắn và bền vững. [5]
Việc xác định tín điều này khởi đi từ giả định rằng mọi con người đều được sinh ra bị hoen nhiễm bởi tội nguyên tổ; tuy nhiên Đức Maria nhờ một đặc ân đặc biệt, đã không bị nhiễm như thế ngay từ khoảnh khắc thành thai.
Trong suốt một phần tư thế kỷ qua (thuộc nửa sau thế kỷ 20), các nhà thần học đã tranh luận về vấn đề tội nguyên tổ. Mỗi phát biểu mới về vấn đề này – xét theo luận lý – đã gắn với một giải thích chuyên biệt về tín điều Thành Thai Vô Nhiễm. Rồi đến lượt các nhà thần học khác, khỏi đi từ việc bảo vệ tín điều Thành Thai Vô Nhiễm, đã khẳng định giáo huấn truyền thống về tội nguyên tổ, xác quyết rằng nếu sự tồn tại của tội nguyên tổ bị phủ nhận, thì nội dung của tín điều Thành Thai Vô Nhiễm sẽ hóa thành trống rỗng. [6]
- Một số giả định
Khi muốn biện minh cho sự xác nhận tín điều Thành Thai Vô Nhiễm như được công bố bởi Đức Piô IX trong Sắc chỉ ‘Ineffabilis Deus’, các nhà thần học không thể bỏ qua những vấn nạn như sau:
- Giáo hội dựa vào loại thông tin nào (theo Thánh Kinh hay theo Truyền thống) để biết điều gì đã xảy ra ‘ở khoảnh khắc đầu tiên’ hay ‘từ khoảnh khắc đầu tiên’ Đức Maria thành thai? Đây là câu hỏi đáng đặt ra, vì không có bản văn Thánh Kinh nào cung cấp thông tin này, cũng không có bất kỳ tuyên bố nào về điều này trong Truyền thống Giáo phụ Tây phương liên quan tới tội nguyên tổ (người ta chỉ cần nhắc lại quan điểm của thánh Augustinô). Tín điều này đã không phát xuất từ một mặc khải ‘minh nhiên’ nói với chúng ta về điều gì đã xảy ra trong khoảnh khắc đầu tiên Đức Maria hiện hữu. Các cuộc giằng co hồi thế kỷ 15 và 16 giữa những người chủ trương ‘có nhiễm’ và những người chủ trương ‘vô nhiễm’ là một chỉ dấu cho thấy thiếu sự thông tin như thế.
- Phải chăng sự vâng phục của đức tin mà chúng ta phải có đối với định thức của tín điều này bắt buộc chúng ta phải chấp nhận – như được xác định theo tín lý – cách nhận hiểu về tội nguyên tổ và về ân sủng vốn thuộc về Giáo hội của thế kỷ 19? Thật vậy, từ đó đến nay cả cứu độ luận (những luận chứng thần học về sự cứu độ-cứu chuộc) lẫn thần học về tội (hamartology) đã có những bước tiến rất quan trọng, trong khi thần học về ân sủng đã ngày càng sử dụng một số chìa khóa diễn dịch rất khác biệt. Phải chăng chúng ta vẫn có thể dùng những chìa khóa mới này để giải thích tín điều về Vô Nhiễm? Phải chăng ta không thể nói rằng nếu tín điều này được phát biểu hôm nay, rất có thể nó sẽ dùng những từ khóa khác, những từ khóa vừa không phủ nhận điều đã được chính thức khẳng định vừa vượt quá nó và đặt nó vào trong một tổng hợp cao hơn?
Câu trả lời cho những dấu hỏi trên – mà tôi cho là rất nền tảng – đòi hỏi chúng ta phải hướng sự chú ý của mình đến những cơ sở lịch sử duy nhất mà mình có được, cũng như hướng đến những cơ sở thần học mà mình được cung cấp, để nhận hiểu chúng.
(1) Những cơ sở lịch sử (tức thuộc Thánh Kinh và Truyền thống) của tín điều về Thành Thai Vô Nhiễm. Cơ sở Thánh Kinh duy nhất là hình ảnh chúng ta nhận được qua việc đọc hiểu tổng quát về con người của Đức Maria trong Tân Ước, dưới ánh sáng của Cựu Ước. Chúng ta đã suy ngẫm hình ảnh Thánh Kinh về Đức Maria trong các chương trước, và chúng ta sẽ không nhắc lại ở đây. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh khẳng định của Thánh Kinh không chỉ về mẫu tính trinh khiết của Đức Maria – với tham chiếu đến ngài là một suối nguồn thánh thiện xuyên qua hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng đã ban năng lực và thánh hiến ngài đến nỗi Con của ngài sẽ là ‘Thánh’ và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao – mà tôi còn muốn nhấn mạnh đến ngài là một khuôn mẫu của đức tin nữa.
Ngay từ đầu thời đại hậu Tông đồ, các Giáo phụ đã nói về Đức Maria như ‘Eva mới’, như ‘Đức Trinh Nữ’, và như hình ảnh hoàn hảo của Giáo hội. Đã có một sự nhấn mạnh ngày càng hơn về sự thánh thiện của ngài. Ngài được gọi là ‘panhagía’, đấng ‘toàn thánh’. Đa số các Giáo phụ xác quyết ngài tự do khỏi tội lỗi, nghĩa là không dính bén bất cứ loại tội cá nhân nào.
Phải chăng những cơ sở này tự chúng đã đủ?
(2) Những cơ sở thần học của tín điều về Thành Thai Vô Nhiễm. Tín điều này gắn kết chặt chẽ với chủ đề về tội nguyên tổ. Tuy nhiên, thật quan trọng việc ta phải nói ngay rằng không được giải thích sai lạc tín điều về tội nguyên tổ theo nghĩa khẳng định rằng khoảnh khắc một người được tạo ra thì người ấy ở trong tình trạng tội lỗi rồi, như thể ‘việc truyền sinh là một trọng tội’, hay như thể ‘không có tội ác nào tệ hơn việc truyền sinh, vì nó tạo ra một kẻ thù của Thiên Chúa’.[7] Việc truyền sinh cho mọi con người cũng là một hành động tạo dựng của Thiên Chúa và là một sự tham dự vào sự sáng tạo tốt lành của Thiên Chúa. Từ quan điểm của Thiên Chúa, đây là khoảnh khắc trong đó Thiên Chúa tạo nên một hữu thể tốt lành và có sự tự do của một ‘cái tôi’ hoàn toàn độc đáo – và tất cả điều này là ‘trong Đức Kitô Giêsu’, như một tiếng gọi đi vào cuộc đối thoại liên vị với Thiên Chúa (GS, số 19). Vì thế, tín điều ở đây không thể được hiểu như là một khẳng định rằng chỉ một mình Đức Maria, xuyên qua một đặc ân duy nhất, được tạo nên theo cách tích cực này, còn những con người khác thì không như thế.
Tuy nhiên, sự xác định tín điều này qui chiếu đến cả tội nguyên tổ lẫn sự giữ gìn Đức Maria khỏi tội ấy. Sau đây là một vài suy tư ngắn về chủ đề:
– Tội nguyên tổ không phải là một di sản có tính sinh học.
– Tội nguyên tổ không bao gồm việc Thiên Chúa làm cho chúng ta là con cái của Ađam phải chịu tội của tổ tiên mình, như thể tội của Ađam tiếp tục được qui gán cho chúng ta ‘từ đời này sang đời khác’.
– Tội nguyên tổ không được đồng hóa với sự bất toàn thiết yếu của những tình trạng tiến hóa thấp hơn so với những tình trạng tiến hóa cao hơn.
– Tội nguyên tổ, như chúng ta kinh nghiệm nó (peccatum originale originatum), là hệ quả của những tội khác đi trước và, xét căn nguyên, là hệ quả của một tội đầu tiên (peccatum originale originans). Thật vậy, sự dữ luân lý, sự chống lại kế hoạch của Thiên Chúa, thì hiện diện giữa chúng ta. Nhưng ngay cả khi tự do hành động, chúng ta cũng thấy mình bị điều kiện hóa bởi một tình trạng sự dữ luân lý chi phối đến mình một cách thâm sâu. Những quyết định xấu xa tận nền tảng của tổ tiên chúng ta vẫn còn đó một cách khách quan trong lịch sử. Trong lịch sử của chúng ta, có nhiều việc làm tệ hại vẫn còn đó ngay cả sau khi chủ thể gây ra chúng đã mất đi. Vì thế, theo luận lý chúng ta phải giả thiết rằng có một việc làm tệ hại đầu tiên mà những con người đến sau đã không có khả năng thắng vượt được, và nhiều người khác còn thêm vào đó sự đồng lõa tội lỗi của chính mình nữa.
– Chúng ta kinh nghiệm tội nguyên tổ như là ảnh hưởng của nhiều dòng lưu chuyển tồi tệ ngăn cản con người hiệp thông với kế hoạch của Thiên Chúa. Kế hoạch này cốt ở việc Thiên Chúa chia sẻ sự sống của Ngài cho chúng ta, và đỉnh điểm là Chúa Giêsu. Tội lỗi là một tiếng nói ‘không’ của bản tính con người đối với việc Thiên Chúa tự truyền thông chính Ngài, mà rốt cuộc là nói ‘không’ với Chúa Giêsu Kitô – tiếng nói ‘không’ ấy được nối thêm bởi sự đồng lõa cách tự nguyện của cá nhân người ta. Tình hình như vậy đáng ra không nên xảy ra! Nó không thuộc về kế hoạch của Thiên Chúa! Vì thế ta gọi nó là tội lỗi.
– Trong hoàn cảnh hiện tại của mình, chúng ta cũng kinh nghiệm nhiều dòng lưu chuyển tích cực: ‘Ân sủng hoạt động cách vô hình trong trái tim của những người thiện chí’ (GS, số 22); ‘Bằng cuộc nhập thể, Con Thiên Chúa cách nào đó đã kết hợp chính Người với mỗi con người’ (GS số 22); ‘Thần Khí của Thiên Chúa đổ tràn trên toàn thế giới’ (GS số 11). Chúng ta cũng nên nói về ‘ân sủng nguyên thủy’ tuôn chảy từ Đức Kitô cho mọi con người, và ân sủng ấy tìm thấy những công cụ chuyển thông xuất sắc nơi nhiều con người.
Hiểu các sự việc theo nghĩa này, chúng ta có thể nói rằng ‘việc được giữ cho khỏi vấy nhiễm mọi vết nhơ tội nguyên tổ’ có những ý nghĩa sau đây:
– Ngay cả dù những tình trạng khách quan hóa của sự dữ con người và những dòng lưu chuyển tồi tệ đang hiện diện và hoạt động trong thế giới (như chúng vốn thế ngay cả trong thế giới của Đức Maria), và ngay cả dù những dòng lưu chuyển tồi tệ này mạnh đến nỗi con người không thể tự mình vượt qua chúng, thì bằng một đặc ân duy nhất của Thiên Chúa và xuyên qua hành động cứu chuộc của Con mình, Đức Maria đã không bị ảnh hưởng bởi những dòng lưu chuyển tồi tệ này và ngài đã có thể vượt qua chúng.
– Trong sự thành thai của Đức Maria, không có hiện tượng sinh học đặc biệt nào liên can vào, bởi vì tội nguyên tổ không phải là một di sản có tính sinh học.
– Điều đó cũng không có nghĩa rằng Thiên Chúa chỉ không gán cho Đức Maria một tội mà Ngài gán cho mọi con người khác, vì tội nguyên tổ không phải là một sự chia sẻ tội lỗi bởi mọi con người do bởi tội của Ađam.
– Điều đó cũng không có nghĩa rằng Đức Maria đã không phạm một tội mà mọi người khác đều phạm, vì không được lẫn lộn tội nguyên tổ với một tội cá nhân; nó được gọi là tội ’theo cách loại suy’ mà thôi (Karl Rahner).
– Nó có nghĩa rằng ngay từ đầu của đời sống mình, nhờ ân sủng, Đức Maria đã không chia sẻ trong tình trạng bất lực của nhân loại trong việc tìm gặp Thiên Chúa và trong việc tiếp nhận sự tự thông truyền đầy hồng phúc của Thiên Chúa.
– Đức Maria, định vị trong lịch sử con người, nơi mà một trận chiến đầy kịch tính giữa thiện và ác đang diễn ra khốc liệt, đã được gìn giữ khỏi ảnh hưởng của sự dữ và được trao năng lực để vượt qua những thế lực và những trung gian xấu nhờ ân sủng của Thiên Chúa, là ân sủng được ban cho ngài trước hết qua Con của ngài. Đức Maria đã vượt thắng sự bất lực của bản tính tự nhiên để đón nhận sự tự thông truyền của Thiên Chúa. Và vì sự bất lực này của bản tính con người đáng ra không nên tồn tại – bởi nó đi ngược với kế hoạch của Thiên Chúa – nên Đức Maria được thấy là người phụ nữ ‘chống lại’ quyền lực của tội lỗi.
Theo sự xác định tín điều về sự Thành Thai Vô Nhiễm, Đức Maria được gìn giữ ‘bởi một đặc ân độc đáo của Thiên Chúa toàn năng, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ loài người’. Tuyên bố thần học này hiểu sự cứu chuộc theo nghĩa ‘luân lý-tư pháp’: Chúa Giêsu Kitô, qua cuộc khổ nạn và cái chết của Người, ‘đã đạt được cho chúng ta’ món quà cứu độ, sự tha thứ và ân sủng từ Chúa Cha. Như vậy Đức Maria đã được cứu chuộc và ban ân sủng bởi Chúa Cha ‘dựa vào công trạng được thấy trước của Chúa Kitô’. Tuy nhiên, đây không phải là cách duy nhất để hiểu ơn cứu độ theo góc nhìn thần học, và đây không phải là nhãn giới Tân Ước duy nhất. Chính Chúa Giêsu là ơn cứu độ. Hiệp thông với Chúa Giêsu là hiệp thông với ân sủng. Chúa Giêsu là Ân sủng cho thế giới của mọi thời. Người là ‘Alpha và Ômêga’; ‘mọi sự được tạo dụng nhờ Người và cho Người’; ‘trước khi có Abraham, đã có Người’. Trước sau không bao giờ có sự cứu độ mà không có sự hiệp thông với Con của Chúa Cha, Đấng đã làm người. Vì thế, sự xác định tín điều này có thể được đọc lại theo cách sau đây: Sự hiện hữu của Đức Maria phải được hiểu là một sự hiện hữu hoàn toàn hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô, từ đầu cho đến cuối, và vì thế là một đời sống hoàn toàn hiệp thông với Ân sủng, với ơn cứu độ. Chúa Giêsu Kitô là Bí tích của Thiên Chúa Đấng Cứu Độ, và Người vẫn luôn là như vậy đối với Đức Maria. Chúa Giêsu Kitô là Đấng Giải Phóng của Đức Maria.
- Phải chăng Giáo hội có quyền tuyên bố tất cả những điều này về Đức Maria?
Xác tín riêng của tôi là ‘Có’. Giáo hội có quyền và có thể làm ra một số cách đọc ‘truy nguồn’. Hiện tượng này đã được thấy rõ ở Israel cổ thời. Các nhà chú giải Thánh Kinh nói về những trình thuật ‘tầm nguyên’, nghĩa là những trình thuật nhắm gọi tên những nguồn gốc các sự vật mà về sau Israel đã làm hay đã kinh nghiệm. Có những giải thích có tính tầm nguyên về các mùa, các lễ mừng và các thiết chế. Sau khi ý thức mình là ‘dân của Thiên Chúa’, Israel đi tới tự vấn mình về nguồn gốc của mọi dân tộc, và thậm chí về nguồn gốc của thế giới. Các trình thuật trong sách Sáng thế phần lớn là những trình thuật có tính tầm nguyên hay những cách đọc có tính truy nguồn về hiện tại của Israel. Dĩ nhiên, khi viết những trình thuật này, Israel đã có một số yếu tố cho một câu trả lời đối với những vấn đề đặt ra, nhưng không thể nào đủ để gọi đó là ‘những trình thuật từ thị chứng nhân’. Không có nhân chứng nào cho cuộc sáng tạo thế giới và con người, cũng không có nhân chứng nào cho việc phạm tội đầu tiên. Israel đã vận dụng những truyện thần thoại có sẵn, viết lại chúng trong ánh sáng đức tin Giavít của mình, và cung cấp một trình thuật tầm nguyên ‘mới’, mà ít nhất trong ‘những khẳng định nền tảng’ của nó thì đúng thật và có tính lịch sử.
Chúng ta cũng tìm thấy một số yếu tố của việc đọc có tính truy nguồn trong những trình thuật về thời thơ ấu của Mátthêu và Luca. Không có đủ các nguồn thị chứng nhân, Giáo hội của Tân Ước đã suy gẫm về các nguồn gốc của Chúa Giêsu từ khởi điểm là kinh nghiệm của mình về Chúa Giêsu như một vị ngôn sứ của Nước Thiên Chúa đã chết và sống lại.
Giáo hội cũng có thể thực hiện cách đọc ‘truy nguồn’ này. Chúa Thánh Thần ngự trong Giáo hội. Chúa Thánh Thần (là vị Thầy nội tâm trong lòng các tín hữu) ban cho Giáo hội – trong hành trình xuyên lịch sử của mình – một ‘cảm thức đặc biệt’ để nắm bắt mọi điều đến từ Thiên Chúa.
Lịch sử của tín điều về sự Thành Thai Vô Nhiễm có thể được giải thích như một ‘cách đọc truy nguồn’. Xuyên qua các thế kỷ, Giáo hội đã dán mắt vào Đức Maria và đã chiêm ngắm ngài như ngài hiển hiện trong Tân Ước. Khi tập chú vào hình ảnh Đức Maria trong Tin Mừng, Giáo hội bắt đầu truy vấn đến gốc rễ, đến nguyên lý (theo cả ý nghĩa hữu thể học lẫn biên niên sử) về tất cả những gì đã xảy ra nơi ngài. Được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần và được hỗ trợ bởi Lời Thiên Chúa, Giáo hội đã khám phá ra những điều sau đây:
– Nếu mọi ơn gọi của Kitô hữu đều có tiền sử tính của nó (‘trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã chọn chúng ta trước khi tạo thành vũ trụ’; ‘Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta từ trong lòng mẹ’), thì ơn gọi của Đức Maria cũng có tiền sử tính của nó. Maria được chọn làm Thánh Mẫu của Chúa Giêsu – như ngài quả thực là vậy theo lời chứng của Thánh Kinh – trước khi tạo thành vũ trụ, và ngay từ trong lòng thân mẫu của ngài.
– Nếu Chúa Cha đã định cho tất cả chúng ta, trong Đức Giêsu Kitô, trở nên tinh tuyền thánh thiện trước nhan Ngài, đầy tràn Tình yêu’ (Ep 1,4), thì điều này phải đúng cách riêng cho Đức Maria, bởi sự tính tuyền thánh thiện của Đức Maria vẫn luôn là một ký ức sống động trong Giáo hội.
– Nếu Đức Maria đã thưa tiếng ‘vâng’ hay ‘fiat’ một cách trọn vẹn và vô điều kiện như thế đối với Lời Thiên Chúa, thì đó không phải ngẫu nhiên, mà vì câu trả lời của ngài đã có một số bước đi trước rất sâu sắc trong cuộc đời ngài. Đó bởi vì ngài là ‘nữ tử vững tin’ và ‘được sủng ái’ trỗi vượt, vì ngài hoàn toàn mở lòng và ngoan ngoãn với Thiên Chúa. Một tiếng ‘vâng’ với Thiên Chúa có kích thước rộng lớn đến nỗi huy động toàn thể cuộc đời của ngài như thế phải có những gốc rễ sâu xa và thánh thiện. Đức Maria là một trong số ít người mà Tân Ước chỉ có những điều tích cực để đề cập.
– Nếu Đức Maria được chiêm ngắm – gián tiếp bởi Tân Ước và trực tiếp bởi Truyền thống – như là ‘Eva mới’, thì làm sao ngài có thể là như vậy nếu như có bất cứ dấu vết nào của ‘Eva cũ’ nơi ngài? Làm sao Đức Maria có thể là cung lòng trinh mẫu sinh ra ‘Nhân loại mới’, nếu như có bất cứ dấu vết nào của ‘nhân loại cũ’ nơi ngài?
Mầu nhiệm Thành Thai Vô Nhiễm của Đức Maria là mầu nhiệm về sự kết hợp diệu kỳ của một tiếng gọi từ Thiên Chúa và sự đáp trả của con người đối với tiếng gọi ấy. Trong trường hợp đặc biệt duy nhất này, Giáo hội – khi chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa nơi Đức Maria, suy ngẫm trong lòng mình tất cả những gì Phúc Âm nói về ngài, cảm nhận sự hiện diện mật thiết của Đức Maria trong kinh nghiệm của chính mình, và diễn dịch tất cả những điều này qua đặc sủng nhận biết chân lý (x. Dei Verbum, số 8) – đã cảm thấy được thúc đẩy phải tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi bằng việc xác định tín điều này.
- Ý nghĩa Kitô học và Giáo hội học của tín điều này
Tín điều về sự Thành Thai Vô Nhiễm trước hết là một tín điều có tính kiểu thức. Trong đó diễn tả trọn tầm mức năng lực cứu chuộc và cứu độ của Thiên Chúa Cha trong Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu cứu độ con người, không chỉ bằng cách cứu chuộc họ khỏi tội lỗi và khỏi những dòng lưu chuyển tồi tệ mà nếu không thì sẽ bóp nghẹt họ cho đến chết; Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của con người bằng việc giữ gìn họ khỏi tội lỗi và trao ban cho họ những xung năng tích cực của ân sủng đem lại sự sống. Đây là kinh nghiệm tích hợp của Giáo hội về sự cứu chuộc-cứu độ. Kinh nghiệm này được thể hiện một cách kiểu thức nơi Đức Maria. Trong bối cảnh tiếng gọi-truyền tin của ngài, Đức Maria đã sống trong hiệp thông hoàn toàn với Chúa Giêsu, vị Thiên Chúa Cứu Độ ngài, và dâng hiến chính mình một cách vô điều kiện để làm tôi tớ của Chúa. Sự hiệp thông của ngài với Chúa Giêsu đã gìn giữ ngài khỏi tội lỗi, và việc ngài toàn tâm bước theo Chúa Giêsu đã dẫn các bước chân của ngài đến ‘những nguồn nước thảnh thơi’; mối tương quan sâu xa trong đức tin của Đức Maria với Con của ngài là sự bảo vệ ngài khỏi mọi nọc độc của tội lỗi.
Tín điều về sự Thành Thai Vô Nhiễm dạy chúng ta cách sâu xa về cách mà chúng ta được cứu độ: Chúng ta không chỉ được giải phóng khỏi tội lỗi, nhưng trên hết là được gìn giữ khỏi tội. Những ai trong chúng ta đang cố gắng sống trong Chúa Giêsu Kitô hẳn có nhiều kinh nghiệm về sự gìn giữ như vậy. Giáo hội, với các cộng đoàn, các cá nhân và các cơ chế của mình, là bí tích vĩ đại qua đó Chúa Giêsu gìn giữ và giải phóng ‘những kẻ mà Chúa Cha ban cho Người’. Đức Maria là người trước hết và trên hết, nhưng không phải là người duy nhất, kinh nghiệm sự gìn giữ này. Ngài là kiệt tác của sự cứu chuộc, nhưng ngài không phải là người duy nhất được cứu chuộc. Tín điều về sự Thành Thai Vô Nhiễm cho ta thấy rằng sự cứu chuộc bởi Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc Hoàn Hảo, thì phổ quát, nghĩa là sự cứu chuộc ấy tác động đến mọi con người xuất hiện trong thế giới này, từ khoảnh khắc đầu tiên hiện hữu của mỗi người. Vì ‘ở đâu tội lỗi đầy tràn, ở đó ân sủng chứa chan’ (Rm 5,20). Đối với những ai được sinh ra cho sự sống mới, ảnh hưởng của ‘Ađam mới’ thì mạnh mẽ hơn nhiều so với ảnh hưởng của Ađam đầu tiên. Mọi người được sinh ra trong một trận chiến trong đó cuộc chiến giữa Ân sủng và Tội lỗi đang diễn ra khốc liệt, nhưng đó cũng là một trận chiến mà ‘ân sủng đã chiến thắng rồi theo nhãn giới cánh chung’ (Karl Rahner). ‘Tất cả những điều này đúng không chỉ đối với các Kitô hữu, mà còn đối với tất cả mọi người thiện chí có ân sủng hoạt động trong lòng họ theo một cách không nhìn thấy được. Vì Đức Kitô đã chết cho tất cả mọi người, và vì quả thật ơn gọi cuối cùng của người ta là một ơn gọi duy nhất và có tính thần linh, nên chúng ta phải tin rằng Chúa Thánh Thần – theo cách mà chỉ Thiên Chúa biết – cung cấp cho mọi người khả năng gắn kết với mầu nhiệm vượt qua này. Đó là mầu nhiệm lớn lao về con người, và đó là một mầu nhiệm cao cả như được các tín hữu nhìn thấy trong ánh sáng của mặc khải Kitô giáo (GS, số 22). Trong sự tự do của mình, con người có thể và thực tế hành động chống lại kế hoạch của Thiên Chúa và chống lại Tin Mừng của Chúa Giêsu. Nhưng Đấng Cứu Chuộc có thể đã làm gì hơn cho Dân của Người? Tín điều về sự Thành Thai Vô Nhiễm trước hết là một lời loan báo ‘để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh và duy nhất’. Và đối với chúng ta Đức Maria là kiểu thức, là mẫu gương cho một sự đáp trả trung thành và trọn vẹn đối với Đấng Giải Phóng chúng ta.
Bởi chính sự kiện rằng ngài là người tin đầu tiên, Đức Maria cũng là ‘Hội Thánh ở phôi thai’. Ngài là ecclesia immaculata (Giáo hội vô nhiễm). ‘Trong tư cách là Trinh nữ và là Mẹ, Đức Maria vẫn luôn là một “khuôn mẫu thường hằng” cho Giáo hội’ (Redemptoris Mater, số 42). Trong Đức Maria Vô Nhiễm, Giáo hội khám phá chính mình; nơi ngài Giáo hội tìm thấy sự thật về chính mình và ơn gọi nguyên thủy của mình. Giáo hội học hỏi từ Đức Maria để biết sống hiệp thông với Đấng Cứu Chuộc và với Thần Khí của Người. Trong mức độ Giáo hội làm thế, Giáo hội sẽ trở thành vô nhiễm và sẽ chống lại tội lỗi cũng như ảnh hưởng của tội lỗi. Đức Maria, trong tư cách đấng Vô Nhiễm, có thể dâng lên Thiên Chúa tiếng ‘xin vâng’ thuần khiết, không gợn tí bóng mờ của tội lỗi hay của sự lung lay nào. Giáo hội nhận ra nơi Đức Maria hình ảnh hoàn hảo nhất của chính mình. Với ngài, Giáo hội mong muốn nói tiếng ‘vâng’ trọn vẹn trước Lời Thiên Chúa. Giáo hội biết rằng mình sẽ trở nên tự do hơn và sinh hoa trái nhiều hơn theo mức độ mình gắn bó chặt chẽ hơn với Chúa Giêsu và với Thần Khí của Người.
- Ý nghĩa Thần khí học của tín điều: Đức Maria được thánh hiến bởi Chúa Thánh Thần
Tín điều về sự Thành Thai Vô Nhiễm đã diễn tả sự thật rằng ngay từ giây phút đầu tiên hiện hữu và không do bởi công trạng nào của ngài, Đức Maria đã được ban ơn nối kết với Thần khí Thiên Chúa, nhờ đó ngài được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ và khỏi bất cứ tội lỗi cá nhân nào. Được niêm phong trong tình yêu cứu chuộc và thánh hóa của Thiên Chúa ngay từ lúc bắt đầu hiện hữu, Đức Maria đã được chuẩn bị sẵn để thi hành chức vụ làm Mẹ của Con Thiên Chúa, theo như ý định của Thiên Chúa. Sự tuyên bố tín điều này đọc lại – theo cách truy nguồn – lời hứa dành cho Đức Maria rằng Thánh Thần sẽ ngự xuống trên ngài, và suy diễn rằng Thánh Thần vốn đã thánh hóa ngài tại khoảnh khắc đầu tiên thành thai, vì ngài đã được chọn ‘từ trong lòng thân mẫu’ để làm mẹ của Đấng Mêsia và làm một người tin, quả thật là trước khi tạo thành vũ trụ, như Giêrêmia (Gr 1,5), như Phaolô (Gl 1,15) và như tất cả các Kitô hữu (Ep 1,4-5). Nói cách khác, Giáo hội công bố rằng Đức Maria đã được gọi và được thánh hiến không chỉ ở giây phút truyền tin-tiếng gọi (mà Luca, và Mátthêu cô đọng hơn nhiều, nói với chúng ta), nhưng ngài đã được kêu gọi và thánh hiến cho sứ mạng của ngài ngay từ giây phút đầu tiên thành thai. Những lời của sách Giêrêmia được áp dụng cho ngài:
Trước khi dựng nên ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi,
và trước khi ngươi được sinh ra, Ta đã thánh hiến ngươi (Gr 1,5).
Tiếng gọi và sự thánh hiến của Đức Maria từ khoảnh khắc thành thai chứng thực cho sự kiện rằng nguồn gốc của ngài, sự bắt đầu hiện hữu của ngài, do chính Thiên Chúa thiết định.
‘Thiên Chúa, Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi ngài một việc tốt lành như thế, đã đưa công việc ấy tới chỗ hoàn thành, cho đến ngày của Đức Giêsu Kitô’ (x. Pl 1,6). Có thể nói, ở lúc ban đầu cả cuộc sống của Đức Maria đã được hàm chứa một cách phôi thai. Thiên Chúa, trong sự tự do tuyệt đối, không bị thúc bách bởi bất cứ ai khác, đã hoạch định cuộc đời của Đức Maria. Nhưng kế hoạch này đã được thực hiện bằng một lời yêu thương chân thực, bằng một hành động đem lại niềm vui, bằng một dấu lạ không để lên án nhưng để cứu độ. Thiên Chúa nói lời của yêu thương và của niềm vui này cho Đức Maria ngay từ ban đầu. Và điều mà Thiên Chúa đã làm một lần cho ngài thì cũng có tầm quan trọng đối với tất cả chúng ta. Từ khoảnh khắc đầu tiên cho đến cuôi cùng, toàn thể hiện hữu của Đức Maria được niêm phong trong tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa, một tình yêu mạnh mẽ hơn tội lỗi rất nhiều. Hơn nữa, phải nói rằng khi Thiên Chúa dự phóng các kế hoạch của Ngài, Ngài bắt đầu từ kết điểm của chúng; và điều này đúng một cách đặc biệt đối với Đức Maria. Thiên Chúa đã kêu gọi và thánh hiến Đức Maria để nhắm đến chức năng ngài sẽ chu toàn trong lịch sử cứu độ trong tư cách là Mẹ và là người tin.[8]
Tín điều về sự Thành Thai Vô Nhiễm, vì thế, nói về ơn gọi và sự thánh hiến của Đức Maria như ân sủng tinh thuần từ Thiên Chúa, là ân sủng tác động không chỉ một khoảnh khắc hiện hữu của ngài, nhưng ôm lấy toàn thể hiện hữu ấy từ đầu đến cuối. Tín điều này nói về tính tối thượng của ân sủng trên mọi sáng kiến của con người. Theo nghĩa này, tín điều về sự Thành Thai Vô Nhiễm của Đức Maria diễn tả, một cách lý tưởng và có tính truy nguồn, về những gì xảy ra – ít nhất từ quan điểm của Thiên Chúa – nơi tất cả những ai được kêu gọi bởi Thiên Chúa và tin, ngay từ lúc bắt đầu đời sống mình.
(Joseph Paredes, Mary and the Kingdom of God: A synthesis of Mariology, St. Paul Publications, 1990, pp. 221-232)
Lm. Lê Công Đức dịch
——————————————————————
Ghi chú:
[1] Thomas Aquinas, Summa Theologica, III, q. 27.
[2] Bonaventura, III Sent., p. I, a. 1, q. 2: III.
[3] X. C. Balic, Iohannes Duns Scotus doctor Immaculatae Conceptionis: I Textus Autoris, Rome, 1954-1955.
[4] A. Villalmonte, ‘Qué es lo que celebramos en la fiesta de la Immaculada’, trong Ephemerides Mariologicae, 35 (1985), p. 323.
[5] Pius IX, Sắc chỉ Ineffabilis Deus, DS 2803-2904.
[6] Về cuộc tranh cãi này, xem D. Fernández, ‘La crisis de la teología del peccado original…’ trong Ephemerides Mariologicae, 35 (1985), pp. 111-116.
[7] F. Lammenais, Discussions critiques, Paris, 1941, p. 151.
[8] x. Karl Rahner, Maria, Meditazioni, Herder-Morcelliana, Brescia, 1979, pp. 50-56.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- KINH TRUYỀN TIN LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA: THIÊN CHÚA CHỌN SINH RA CHO CHÚNG TA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA: HỌC KHÁM PHÁ SỰ VĨ ĐẠI CỦA THIÊN CHÚA TRONG SỰ NHỎ BÉ
- ĐỨC PHANXICÔ: NĂM THÁNH LÀ CƠ HỘI KHAI MỞ CÔNG TRƯỜNG TÂM HỒN CỦA CHÚNG TA
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- SỰ THÀNH THAI VÔ NHIỄM CỦA ĐỨC MARIA
- KINH TRUYỀN TIN LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 2024: ĐẶT NIỀM HY VỌNG VÀO LÒNG THƯƠNG XÓT VÔ NGẦN CỦA THIÊN CHÚA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐTC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 2024
- BÀI GIẢNG MÙA VỌNG, MỞ LÒNG NGẠC NHIÊN THÁN PHỤC TRƯỚC SỰ MỚI MẺ CỦA THIÊN CHÚA
- VÀ NẾU MIÊU TẢ ĐỨC MARIA VỚI ĐÔI CHÂN LẤM LEM?
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỬI DÂN THIÊN CHÚA ĐANG LỮ HÀNH TẠI NICARAGUA NHÂN DỊP CỬ HÀNH TUẦN CỬU NHẬT KÍNH ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
- ĐẶT CHÚA KITÔ TRỞ LẠI TRUNG TÂM
- THẦN BÍ SAI LẠC VÀ LẠM DỤNG THIÊNG LIÊNG, MỘT NHÓM LÀM VIỆC ĐƯỢC THÀNH LẬP TẠI VATICAN
- GHI CHÚ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ VỀ TÀI LIỆU CHUNG KẾT THĐ
- TÀI LIỆU CHUNG KẾT THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC LẦN THỨ XVI
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS – Bản dịch Việt ngữ
- HIỆU LỰC CỦA KINH KÍNH MỪNG QUA TRÀNG CHUỖI MÂN CÔI
- DƯỚI CÁI NHÌN YÊU THƯƠNG CỦA ĐỨC MARIA, ĐỨC PHANXICÔ CẦU XIN HÒA BÌNH TRÊN THẾ GIỚI
- KHÔNG CÓ GÌ NGĂN TRỞ TRONG VIỆC TÔN KÍNH ĐỨC MẸ Ở MỄ DU