SỰ THÁNH THIỆN KITÔ GIÁO
Jean-Jacques Olier
SỰ THÁNH THIỆN KITÔ GIÁO
Xuân Bích Việt Nam
2008
Văn bản chọn lọc
do
Gilles Chaillot, pss
Chuyển ngữ
do Antôn Trần minh Hiển, pss
NHẬP ĐỀ
Sáng lập Hội các linh mục Xuân Bích, dành ưu tiên cho sứ mệnh các chủng viện, Cha Jean-Jacques Olier (1608 – 1657) được biết đến nhất là như một trong các nhà cổ xúy chính của việc đào tạo hàng giáo sĩ Pháp từ hơn ba trăm năm nay. Nhưng quên sao được rằng, theo đường lối thiêng liêng của Hồng y Bérulle, trước tiên, ngài thuộc về dòng dõi của những nhà khởi động lên việc canh tân mục vụ của toàn thể Giáo hội Pháp Quốc hồi thế kỷ XVII? Nào ngài đã chẳng là một cha sở hoạt động đầy sáng tạo trong mười năm tại một giáo xứ rộng lớn (Saint-Sulpice) ở Paris sao?
Nếu ngài cũng đã trực tiếp hoạt động cho việc “thánh hóa hàng giáo sĩ” ở thời ngài thì luôn luôn, theo như lời của ngài, là nhằm cộng tác cách hữu hiện hơn vào việc “canh tân” mọi “dân nước” Kitô giáo trong đời sống phúc âm.
Giữa lòng hoạt động đầy hăng say của ngài – trong đó việc rao giảng tại các cuộc truyền giáo bình dân nơi miền quê, và sứ vụ cha sở tại giáo xứ Saint-Sulpice (Paris) đã giữ vai trò chẳng kém việc thành lập các chủng viện tại Pháp – tư tưởng thiêng liêng của cha Olier luôn luôn được tác động bởi mối bận tâm tái lập lại nơi mọi người đã được rửa tội ý nghĩa đích thực của những đòi hỏi tuyệt đối của sự thánh thiện chung trong Kitô giáo. Sự bận tậm hàng đầu đó ăn rễ sâu trong những mối thâm tín đức tin mà ngài đã thường chứng quả qua bút tích cũng như qua lời nói.
Tập sách này muốn trình bày về một vài kiểu mẫu mang nặng ý nghĩa đó.
Nhờ vào cuốn “Nhật ký lịch sử về cha Oliver” (Mémoires historiques sur M. Olier), một tài liệu chưa được ấn hành, trong đó một người trong những môn đệ đầu tiên và yêu quý nhất của ngài, Alexandre Bretonvilliers, đã ghi lại những kỷ niệm cá nhân, một tiếng dội đã được lưu lại từ những lời giảng dạy qua miệng của vị sáng lập Xuân Bích. Và đặc biệt, những cuộc đàm thoại ngài đã nói, vào cuối đời, với các linh mục trong chủng viện để truyền thụ cho các vị nghệ thuật “dẫn dắt các linh hồn”. Những lời đàm thoại về sự thánh thiện phúc âm đích thực giữ một chỗ đứng quan trọng trong đó, mà các linh mục có sứ mạng phải dẫn dắt các tín hữu tới – là giáo dân và nữ tu, cũng như giáo sĩ và linh mục – những người được trao phó cho phận vụ của các ngài.
Tại đây, trong phần nhất, ta sẽ thấy những điều chính yếu, được ghi lại bằng văn thể trực tiếp và thích ứng với ngôn ngữ hiện nay.
Trong phần hai và phần ba ta có thể đọc những văn bản chọn lọc mà phần lớn đã được phát hành khi cha J.J. Olier còn bình sinh. Chính yếu, chúng được rút ra từ bốn tác phẩm do ngài là tác giả, ta nhận thấy ngay, không phải dành cho các giáo sĩ và linh mục, nhưng cho toàn thể quần chúng kitô hữu có học thức. Những trang được giữ lại ở đây là bằng chứng cho một ý thức nhạy bén về những đòi hỏi của sự thánh thiện phúc âm, cũng như tính cách sư phạm thực tế đã gợi hứng cho những đường hướng thiêng liêng mà chà J.J. Olier đã phổ biến nhằm tới mọi người đã lãnh nhận phép Thánh tẩy. Những đường hướng đã là kết quả kinh nghiệm riêng của ngài.
Tiến trình của J.J. Olier tới sự thánh thiện Kitô giáo
Trong nửa đầu của thế kỷ XVII, xã hội và Giáo hội Pháp, tuy hãy còn chịu ảnh hưởng của những hậu quả của cuộc suy thoái tôn giáo nói chung của những thế kỷ trước, đã thấy những dấu hiệu hứa hẹn đầu tiên của một cuộc canh tân thiêng liêng đích thực. Hai đặc điểm đó đã phản ảnh rõ rệt trong lộ trình cá nhân của cha J.J. Olier.
Sinh tại Paris năm 1608 trong một gia đình thuộc hàng quý phái văn thần, ngài được nuôi dạy về Kitô giáo trong một bầu khí tôn giáo rất “thế tục” của thời đại: ngay từ 12 tuổi, cha mẹ ngài đã nhận được cho ngài một đặc ân do triều đinh ban, một “lộc thánh” (bénéfice) đầu tiên, thúc đẩy ngài bước vào nghề giáo sĩ. Chỉ đến khi lên 22 tuổi, năm 1630, nhân dịp đi hành hương tại thánh điện Loretta bên Ý quốc, vị giáo sĩ trẻ tuổi Olier mới ý thức được một sự “trợ lại” với đời sống Kitô giáo nghiêm chỉnh. Kinh nghiệm dứt khoát đó đã là khởi điểm cho tiến trình được hoạch định của ngài trên con đường thánh thiện phúc âm, một tiến trình trong đó sự tiến tới thiêng liêng luôn liên kết chặt chẽ với việc dấn thân tông đồ.
Từ đây, luôn bận tâm bởi “một ước ao rất lớn về cầu nguyện”, J.J. Olier lúc này tự vấn về “ơn gọi” thiên linh đích thực của mình. Và chẳng bao lâu, ngài đã khám ra rằng nếu Thiên Chúa thực sự gọi ngài “vào hàng giáo sĩ của Giáo hội Người”, thì rõ ràng không phải để gây sự nghiệp trong đó, nhưng là để “đưa việc chiêm niệm vào đó”, và như vậy là phổ biến giữa các linh mục sự tìm kiếm một sự thánh thiện đích thức và gương mẫu hầu mưu ích cho việc “canh tân Kitô giáo” nơi mọi người đã chịu phép Rửa.
Thụ phong linh mục năm 1633 tại Paris, chẳng bao lâu ngài liền rời bỏ Thủ đô, làm cho gia đình hết sức thất vọng để rảo khắp các vùng quê tại Trung tâm và miền Tây nước Pháp để rao giảng các cuộc “truyền giáo” bình dân, cùng với một toán môn đệ của cha Vinh Sơn Phaolô (Vincent de Paul).
Sau khi đã được vị trên đây dẫn dắt như cha linh hướng đầu tiên, ngài đã đặt mình dưới sự hướng dẫn của cha Charles de Condren, người kế vị hồng y Bérulle, đứng đầu dòng “Giảng thuyết của Pháp”. Ảnh hưởng của vị này sẽ dứt khoát cả về tiến trình thiêng liêng cũng như về đường hướng mục vụ của cha J.J. Olier. Cha Condren đã khuyến khích ngài vượt qua một sự sốt sắng hãy còn quá ư tình cảm mà bước sang một đức tin được lột bỏ nhiều hơn, để tìm kiếm một sự trọn lành cá nhân trong việc đón nhận nơi mình hành động của Chúa Thánh Thần. Một trật, ngài cũng động viên cha Olier quy hướng hành động tông đồ để phục vụ việc đào tạo hàng giáo sĩ: không có sự hiện diện thường xuyên của các linh mục thánh, chính cha J.J. Olier nhận định, kết quả của những “sứ mệnh” xứ đạo rất liều mình không có tương lai.
Tuy nhiên, trước khi dấn thân vào con đường này, đầu tiên ngài đã trải qua hai năm dài (1639 – 1641) thử thách đau thương nội tâm, trong thời gian hành trình truyền giáo. Bị chấn động về quân bình tâm lý, ngay tới cả sức khỏe thể xác, cha J.J. Olier đã gặp tại đó một “tập viện” do sự quan phòng: một sự thanh tẩy thiêng liêng dứt khoát được thể hiện trong việc ngài tìm kiếm sự trọn lành phúc âm, và ngài đã thoát ra với một động lực tông đồ được đổi mới. Không để mình ngã lòng bởi một cuộc thử nghiệm đầu tiên thất bại tại Chartres, sau cùng ngài đã thành công thiết lập được với mấy người bạn trung thành, một chủng viện tại Vaugirard, trong khu ngoại ô gần Paris. Mấy tháng sau, vào mùa xuân 1642, cộng đồng đào tạo nhỏ bé được chuyển vào Thủ đô, trên lãnh thổ của giáo xứ Saint-Sulpice mà cha J.J. Olier vừa nhận nhiệm vụ cha sở.
Cho tới năm 1652, ngài đổ hết công sức mình ra để điều hành, trong một bầu khí cầu nguyện hầu như liên lỉ, nhiều phận vụ mà việc canh tân mục vụ một xứ đạo lớn tại Paris đòi buộc ngài, việc sinh động hóa chủng viện và việc thiết lập điều sắp sửa trở thành Hội các linh mục Xuân Bích (Compagnie des Prêtres de Saint-Sulpice). Nhật ký cá nhân ngài ghi lại lúc đó, theo lệnh của cha linh hướng mới – một tu sĩ dòng biển đức tại tu viện Saint-Germain-des-Prés, mà xứ đạo trực thuộc, cũng như những thư tín gửi cho giáo dân ngoài đời và nữ tu, cũng có cả các linh mục, mà ngài là cố vấn thiêng liêng, đều mang bằng chứng: cha J.J. Olier đã trở thành một nhà hướng đạo đầy kinh nghiệm trên những con đường thánh thiện Kitô giáo mà chính ngài đã dấn thân vào.
Vì những lý do sức khỏe buộc mình phải từ bỏ những phận sự của cha sở, ngài lợi dụng những năm cuối đời (1652-1657) để đào sâu và phổ biến suy tư thiêng liêng và mục vụ đã được tinh luyện như vậy nơi trọng tâm của kinh nghiệm cá nhân giàu có của ngài. Một đàng, ngài hiến mình cho việc khai tâm các đệ tử của “Hội nhỏ bé” (Xuân Bích), quy tụ chung quanh ngài, vừa bằng nhiều cuộc đàm thoại trực tiếp với họ, vừa bằng nhiều tài liệu thủ bút ngài sẽ để lại cho họ. Đàng khác, ngài mở rộng môi trường thính giả tới toàn thể các kitô hữu trí thức bằng cách xuất bản cho họ một vài tác phẩm để soi dẫn họ về “Kitô giáo đích thực” mà họ được gọi để sống, nghĩa là về ý nghĩa của sự thánh thiện phúc âm trong Giáo hội.
Giáo huấn của cha J.J. Olier về sự thánh thiện Kitô giáo
Thay vì dẫn nhập vào việc đọc những văn bản trình bày trong cuốn này, ở đây chỉ xin trưng dẫn ngắn gọn một vài thâm tín hàng đầu đã làm nền tảng cho tư tưởng của cha J.J. Olier về sự thánh thiện phúc âm, như đã được tỏ lộ vào buổi chín muồi, trong những năm cuối đời của ngài.
Điều cần lưu ý ngay là ngài nhấn mạnh đến tính cách hoàn vũ của ơn gọi nên thánh. Thật vậy, dữ kiện hoàn toàn chính yếu này của sứ mạng Kitô giáo, qua các thế hệ, phần nào đã bị coi là lỗi thời. Chính cha J.J. Olier đã nhiều lần chứng kiến điều đó trong suốt thời gian thi hành chức vụ của ngài, và cả đến trong chính gia đình riêng của ngài: không kể giáo huấn của thánh Phanxicô Salêsiô, và cho dầu có một vài gương sáng đáng kể nơi người “giáo dân” (như Gaston de Renty, Jean Bernières, hoặc người thợ giầy Henri Buch), phần đông các tín hữu tự coi như xong mình với Thiên Chúa khi cho mình là an phận với một vài thực hành đạo đức bề ngoài; họ nghĩ rằng sự trọn lành được dành riêng cho một số tinh hoa: các tu sĩ và linh mục, hoặc đơn giản hơn là một vài người đặc biệt hiếm hoi trong họ! Vì thế cha Olier đã ra sức tố cáo mạnh mẽ “ảo tưởng” đó: được đặt nền móng trên ân sủng phép rửa, ơn gọi nên thánh Kitô giáo dành cho “mọi người” không trừ ai, nó là sự “mong ước” của chính Thiên Chúa như được diễn tả trong Kinh Thánh và, nhất là trong giáo huấn phúc âm của Chúa Giêsu.
Ơn gọi hoàn vũ nên trọn lành này không thể tách rời khỏi một tư tưởng đúng đắn về sự thánh thiện Kitô giáo đích thực, mà cả đến nó thường cũng bị thời đại bỏ quên. Thời đó rất nhiều kitô hữu lẫn lộn đời sống trọn lành theo Phúc Âm, hoặc với những kỷ lục nhiệm nhặt, hoặc với những hiện tượng thần bí ngoại thường, người ta đọc thấy nơi hạnh các thánh. Cha J.J. Olier coi mình có bổn phận phải làm cho họ tỉnh ngộ. Ngài nhắc lại rằng sự thánh thiện Kitô giáo không phải tìm ở đâu ngoài việc luyện tập lòng yêu mến phúc âm và việc thực hành đích thức đức bác ái: vậy toàn thể các người đã được chịu phép rửa tội, trong “mọi bậc sống” và “mọi trường hợp” đều có thể đạt tới. Và ngài mời gọi phải phân biệt trong gương các thánh được Giáo hội tôn kính, điều gì “phải thán phúc” và điều gì “phải bắt chước”.
Trong khi nhấn mạnh đến việc thực hành chung sự trọn lành phúc âm về tình yêu, là sự thánh thiện duy nhất được đề nghị cho mọi người, cha J.J. Olier lưu ý một trật và theo cách bổ túc, đến sự đa dạng của những con đường mà trong cụ thể sự thánh thiện phải dùng đến. Thực thế, những con đường này được đánh dấu bằng sự khác biệt của địa vị và hoàn cảnh của con người. Mà nếu Thiên Chúa muốn dẫn đưa tất cả mọi kitô hữu “tới cùng một mục đích”, tức là chiếm hữu được người trong sự chia sẻ chính đời sống tình yêu của Người, thì người làm điều đó “qua những con đường khác nhau” đối với từng người. Vì thế cha J.J. Olier nắm giữ như là luật vàng rằng mỗi người đã được rửa tội, thay vì mơ tưởng tới “một con đường khác” với con đường trên đó Thiên Chúa đã đặt họ, thì trái lại họ hãy được mời gọi để thánh hóa bản thân bằng cách bước theo “đường riêng” của mình trong sự trung thành với “bổn phận bậc mình”.
Vậy trong thực tế, tìm kiếm sự thánh thiện kitô giáo đó giả thiết rằng người ta đừng lầm lẫn về phẩm giá phúc âm của tình yêu phải thực hành. Và cha J.J. Olier cẩn thận chỉ rõ những đòi hỏi không thể bỏ qua mà mọi ứng sinh vào sự trọn lành trong Giáo hội đều phải cố gắng trả đáp. Trước hết ngài nhắc lại rằng đức ái phúc âm không nằm trong sự sốt sắng đơn giản “hoàn toàn mẫn cảm” và đa tình, nhưng nó thúc đẩy sự thực hành chân thực một tình yêu “mạnh mẽ và can trường”, “chủ động và thiết thực”, mà các “hiệu quả” sẽ đổi mới toàn thể cuộc sống. Rõ rệt hơn, ngài làm sáng tỏ chiều kích phục sinh của sự thánh thiện đích thực Kitô giáo: không thể làm “đẹp lòng” Thiên Chúa bằng cách “làm vui lòng người”, không thể sống “trong sự vâng phục mọi ý muốn của Người” theo gương Chúa Kitô, mà lại không qua “những thánh giá” hằng ngày. Và cha J.J. Olier nhấn mạnh biết bao rằng việc chấp nhận những “thánh giá do sự quan phòng” đó giúp thánh hóa hữu hiện hơn “tất cả mọi sự hãm mình phạt xác” tự chọn.
Bởi chưng sự thánh thiện Kitô giáo đích thực, đối với ngài, không thuộc trật tự cố gắng khổ hạnh, nhưng trước hết và nhất là thuộc trật tự chấp nhận bí nhiệm ân sủng của Thiên Chúa. Sau cùng, đó là mối thâm tín độc đáo nhất mà giáo huấn của cha J.J. Olier làm nổi bật lên. Từ căn bản và nguồn suối thường hằng của hành trình phục sinh trên những nẻo đường đưa tới sự trọn lành phúc âm của tình yêu, có hồng ân đầu tiên Thiên Chúa ban cho mọi người đã được rửa tội chia sẻ chính đời sống của Người bằng cách “ban Thánh Thần của Người” cho họ. Chính hành động nội tâm của Thánh Thần đó “đặt họ vào sự chết cho tội lỗi” bằng cách làm cho Chúa Kitô “ở trong họ” bằng đức tin và ban cho họ “sống như Ngài”. Họ sẽ phải “cảm thông”, “gắn bó” hoặc “tham dự” vào những tình cảm, tâm tính, “trạng thái” của chính Chúa Giêsu Đấng “sống trong họ” (do đó thường được nhắc lại trong bút tích của Cha Olier, đi từ “Kitô giáo” với ý nghĩa mạnh về “sự lệ thuộc Chúa kitô”, sinh động do tinh thần Chúa Kitô). Nhờ vào “kho báu” mà họ mang trong tâm hồn đó, mọi kitô hữu có thể thánh hóa bản thân bằng cách tiếp nhận chính đời sống tình yêu của “Ba Ngôi Thiên Chúa”. Từ sự việc đó, không còn là một sự trọn lành cá nhân nữa: “qua sự hiệp nhất của một Thánh Thần: ngự trị trong họ, tất cả họ làm thành Thân Thể của Đức kitô để vinh danh Chúa Cha. Đó là những chiều kích Ba Ngôi “Kitô giáo” và Giáo hội và một trật rất cá nhân, của sự thánh thiện theo cha J.J. Olier vậy. Các độc giả ngày nay của ngài sẽ không thất vọng, nếu họ biết rõ giáo huấn của cộng đồng Vaticanô II:
Ơn gọi sống sung mãn đời kitô hữu và tiến tới sự trọn lành đức ái mời gọi mọi người tin vào Chúa Kitô, bất chấp tình trạng hay địa vị của họ.
[….] Tất cả những ai tin vào Chúa Kitô sẽ tiến đi bằng cách thánh hóa mình mỗi ngày một hơn trong những điều kiện, những phận sự và những hoàn cảnh cuộc sống của họ và nhờ đó, nếu như họ lấy đức tin mà nhận mọi sự từ tay Cha trên trời và cộng tác vào việc làm trọn thánh ý Thiên Chúa, để làm sáng tỏ trước mắt mọi người, trong chính việc phục vụ trần thế của họ, đức ái mà Thiên Chúa đã yêu thương thế gian.
[Lumen Gentium V, 39-42].
GILLES CHAILLOT
PHẦN I
MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐƯỢC GỌI NÊN THÁNH
Những văn bản được trình bày trong Phần thứ Nhất này được trích từ những buổi đàm thoại của Cha J.J. Olier, trong những năm cuối đời, với những linh mục tại Chủng viện Xuân Bích (Séminaire Saint-Sulpice) để khai tâm họ vào nghệ thuật “dẫn dắt các linh hồn” kitô hữu – điều mà ngày nay người ta gọi là “đồng hành thiêng liêng” cá nhân. Đây không phải là một giáo huấn được trình bày có hệ thống, nhưng chỉ là những “phương châm” ngẫu nhiên; cùng lắm, một đôi chỗ là những bài “tiểu thuyết” nhỏ. Những tiêu đề đã được tự do thêm vào để giúp cho dễ đọc, theo viễn cảnh đó. Trong “Nhật ký lịch sử về Cha Olier”[1] nơi chúng được rút ra, Alexandre de Bretonvilliers đã ghi lại bằng ngôn ngữ gián tiếp những lời nghe được: ở đây muốn trả lại cho chúng hình thức có thể tương đương khi được phát biểu, chúng tôi quyết định thích nghi văn thể để độc giả ngày nay dễ đề cập tới hơn.
ƠN GỌI NÊN THÁNH PHỔ QUÁT
“Bữa tiệc mọi người đều được mời tới dự”.
Tin rằng mọi kitô hữu không được gọi tới sự trọn lành, những chỉ tới một đời sống chung, chước chuẩn cho họ khỏi thực hành những nhân đức đích thực và vững chắc, theo những tấm gương và phương châm trong lành nhất của Phúc Âm, đấy thật là một sự sai lầm lừa đảo do ma quỷ khơi lên. Sự trọn lành phúc âm dành cho mọi người: đó là bữa tiệc mọi người đều được mời tới dự. Chỉ tùy ở ta có đến tham dự để được no đầy những món ăn dịu ngọt mà Thiên Chúa muốn dâng hiến cho các linh hồn thôi. Ai không muốn tìm cách từ chối đều có thể được nhận vào dự, vì chủ nhà mời mọi người đến và hết lòng ao ước đón nhận chúng ta vào tiệc: vì chưng niềm vui lớn lao của Ngài là làm cho tất cả ngồi vào bàn tiệc của Ngài để nuôi chúng ta bằng đời sống thần linh của Ngài, và làm cho chúng ta no đầy những hồng ân cao quý nhất của Ngài. Không những Ngài mời gọi chúng ta đến, mà còn khẩn khoản nài xin chúng ta hết thảy: tình yêu của Ngài luôn muốn thấy chúng ta ở đó và hơn nữa, Ngài còn đi tới chỗ đe dọa chúng ta để bức thiết buộc chúng ta phải ngồi vào bàn[2].
“Phải làm việc để trở thành trọn lành hầu nên giống như Thiên Chúa”
Bởi muốn buộc mọi kitô hữu phải nên trọn lành, Chúa chúng ta đề nghị làm gương cho họ chính Thiên Chúa Cha của Ngài: Hãy nên trọn lành, Ngài nói, như Cha các người trên trời là Đấng trọn lành[3]. Một khi ta đã là con cái của Người, ta phải nên giống như Người. Như Chúa Cha có trong chính mình mọi sự trọn lành, ở điểm cao nhất có thể quan niệm được, thì cũng thế ta phải có mọi sự trọn lành đó ở độ tuyệt hảo nhất có thể. Cũng như không một kitô hữu nào lại không có vinh dự được làm con Thiên Chúa, thì cũng thế không ai trong họ được chước chuẩn làm việc để trở thành trọn lành hầu nên giống như Thiên Chúa là Cha của mình.
“Chúa Giêsu-Kitô gương mẫu mà chúng ta phải theo”
Chúa Giêsu-Kitô mà ta phải hết sức noi theo: chính Ngài lấy mình làm mẫu mực cho đời sống của mọi chi thể trong Thân thể Ngài. Ngài là đầu của ta, và ta là chi thể của Ngài, ta phải tham dự vào Thánh Thần của Ngài và làm cho ta đầy tràn sự sống của Ngài: bằng cách làm cho sự sống đo phát triển đúng mức, chính nó sẽ làm cho ta có khả năng tiến gần đến sự thánh thiện riêng của Ngài. Đó là lý do Chúa chúng ta nói với ta hết thảy: Các người hãy nên thánh vì ta là thánh[4]. Đó là tại sao Ngài đã muốn thực hành mọi nhân đức: hầu làm gương cho ta để buộc ta phải bắt chước Ngài.
“Cho mọi kitô hữu… cùng một Phúc Âm… cùng một phép rửa… cùng một mẹ, là Hội Thánh.”
Tất cả chúng ta phải gắng hết sức nên trọn lành và phải hành động để đạt tới đó. Trước hết, bởi vì Phúc Âm, mà trên đó chúng ta sẽ bị xét đoán, chỉ là một như nhau đối với mọi kitô hữu: như bản chúc thư Thiên Chúa Cha chúng ta trối lại cho con cái Người để bày tỏ những ý muốn của Người hầu họ đem hết sự mau mắn của mình mà vâng theo. Tiếp đến, bởi vì tất cả chúng ta đều đã chịu một phép rửa duy nhất, mà những đòi buộc đều giống nhau đối với tất cả, do cùng những lời trong đó mọi người chúng ta đã tuyên hứa với Thiên Chúa. Sau cùng, vì tất cả chúng ta là con của cùng một mẹ duy nhất, là Giáo Hội. Cho tất cả, mẹ đều ban cùng những luật lệ và cùng một của nuôi, là Chúa Giêsu Kitô, Đấng khắc ghi vào lòng chúng ta cùng những năng khiếu, ban cho chúng ta cùng một tinh thần, nghĩa là chính Chúa Thánh Thần, mà hoa quả đều như nhau trong mọi tâm hồn, hầu làm cho chúng ta sống và dẫn dắt chúng ta. Cho tất cả, mẹ ban phát cùng một sự sống thần linh làm đầy tràn chúng ta, cùng những bí tích sẽ phải phát sinh nơi mọi người cùng những kết quả của ân sủng. Với tất cả, mẹ căn dặn cùng những phương châm mà mọi người đều được gọi để sống theo. Như thế tất cả chúng ta đều ước vọng cùng một mối vinh quang. Sự phán xét sẽ như nhau đối với mọi người: tất cả chúng ta bị xét xử chiếu theo cùng một lề luật và tất cả chúng ta sẽ nhận hoặc cùng một hình phạt hoặc cùng một phần thường.
“Thể hiện ước muốn của Thiên Chúa, Đấng muốn ban mình cho con người”
Thiên Chúa yêu thương con người đến độ Người muốn tự ban mình cho họ vui hưởng, không chỉ trong cuộc sống vinh hiển đời đời, nhưng còn – nếu như có không được đầy đủ như vậy – ngay ở đời này. Và sự hưởng thụ Thiên Chúa đó là một hạnh phúc lớn lao đến nỗi chúng ta không được bỏ qua bất cứ điều gì để đắc thủ cho được. Để mất sự vui hưởng đó, dầu chỉ một giây phút, hoặc hơn nữa thiếu sự nâng lòng lên, dầu chỉ một độ, trong tình yêu ấy, đó thật là một bất hạnh lớn lao hơn là chúng ta mất vô vàn thế giới này. Thật vậy, chúng ta mất hết mọi sự nếu chúng ta không đạt tới sự trọn lành mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta tới: vì chưng, thước đo sự trọn lành đó là thước đo sự thánh thiện của chúng ta, và thước đo sự thánh thiện đó chẳng là gì khác thước đo sự kết hợp mật thiết của chúng ta với Thiên Chúa và niềm chúng ta hưởng thụ Người.
Nếu chúng ta biết được các linh hồn bỏ mất điều gì khi không hưởng thụ được Thiên Chúa như họ có thể, chúng ta sẽ không thể nguôi lòng chấp nhận cho chính chúng ta một sự mất mát lớn lao dường ấy. Và nếu các thánh trên trời có khả năng cảm nhận được đau khổ và buồn phiền, thì các ngài lại chả đau khổ biết mấy khi nhận ra rằng mình đã có thể chiếm hữu được Thiên Chúa sâu xa hơn là, vì do lỗi của mình, mà các ngài đã bị mất một hạnh phúc lớn lao làm vậy!
Bởi vì Thiên Chúa ước ao đến cực độ chiếm hữu ta và ban mình cho ta, thì đến lượt ta chỉ còn phải là ước ao đến với Người để thuộc trọn về Người, chỉ được làm đầy bởi chính Người và chiếm hữu Người cách trọn hảo nhất có thể. Trong viễn tượng đó, chẳng có sự thánh thiện nào, chẳng có sự trọn lành nào mà chúng ta lại không phải hành động và cố gắng để thực hiện điều ước vọng đó.
Sự trọn lành Kitô giáo là sự trọn lành của tình yêu
“Phải dậy cho các tín hữu về sự trọn lành đích thực”
Nếu quá thường xảy ra là các tín hữu không khao khát sự trọn lành, hoặc vì chính các vị linh hướng không động viên các linh hồn họ phải dẫn dắt vào, hoặc là vì một trong những lý do sau đây: cả đôi bên không được soi sáng đủ, và vì họ đặt sự trọn lành ở nơi khác với nơi nó phải ở, họ không nghĩ rằng nó được dành cho mọi người.
Vì thế, cần thiết phải dậy cho các tín hữu về sự trọn lành đích thực và khai sáng cho họ biết nó hệ tại điều gì: không những để ngăn ngừa họ khỏi lầm đường, mà cũng để một khi đã nhận ra nó là gì, họ yêu mến nó và dấn thân dùng những phương thế chân thật và vững chãi để đạt tới nó.
Khốn thay rất nhiều linh hồn hiện ở trong một sự thâm tín giả tạo cần phải được giác ngộ. Họ tưởng tượng rằng để đạt tới sự trọn lành thì cần phải biết cùng những hiện tượng – ngất trí, mạc khải, phép lạ v.v. – mà người ta thấy và ngưỡng mộ nơi một số các thánh. Họ tin rằng, không có những cái đó, người ta không thể đạt tới sự thánh thiện giống như các ngài. Hoặc còn nữa, để nên trọn lành phải bỏ thế gian, thực hành những hãm hình lớn lao và nhiệm nhặt, sống trong chay tịnh v.v… Thật ra, tất cả những điều đó, có giá trị của nó, nhưng không được lẫn lộn với sự trọn lành và không đòi buộc mọi kitô hữu phải biết cũng không phải thực hành.
Sau khi đã chỉ cho các tín hữu biết sự trọn lành không hề ở trong những cái đó, phải nói cho họ biết phải tìm nó ở đâu: trong tình yêu. Thứ tình yêu trong sáng và mạnh mẽ đó, thứ tình yêu nóng bỏng nó thúc giục chúng ta thực hành các nhân đức Kitô giáo vững chãi và hoàn toàn vĩnh viễn chết cho bản thân, để làm cho chúng ta sống bằng sự sung mãn của sự sống Thiên Chúa và trọn vẹn thiết đặt chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô, vị Thầy thần linh của chúng ta.
“Của chung mọi người chứ không phải đặc ân của một vài người … yêu mến.”
Chúa chúng ta nhìn nhận và yêu thương mọi kitô hữu con cái của Ngài, và mang họ trong tình yêu đó, Ngài gọi tất cả đến sự trọn lành, Ngài muốn tất cả nên trọn lành như Thiên Chúa và nên thánh thiện như Ngài[5]. Vì thế Ngài đã muốn đặt để sự trọn lành và sự thánh thiện đó trong vài sự việc là của chung mọi người chứ không phải là một đặc ân riêng biệt cho một vài người. Ngài đã muốn đặt chúng trong điều mọi người có thể thực hành được, trong mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện và trong mọi công việc.
Vì chưng, tất cả không có khả năng thực hiện được những hành động vẻ vang, cũng không thể làm những việc bố thí rộng rãi bởi vì họ nghèo túng. Tất cả không có khả năng trầm mình vào những khổ hạnh lớn lao và những hãm mình bề ngoài. Tất cả không ở tình trạng sẵn sàng để đi giam mình trong nơi tĩnh mạc, bởi vì họ được gọi để phục vụ tha nhân hoặc để chu toàn những phận sự công cộng. Tất cả không được rảnh rỗi để qua những giờ khắc cầu nguyện lâu dài vì bận rộn bởi công việc của họ. Tất cả cũng không thích hợp để biết những trạng thái cầu nguyện cao cấp nhất, bởi vì Thiên Chúa chưa ban ơn hoặc không cho họ hồng ân cầu nguyện thần bí.
Sự trọn lành không hề hệ tại tất cả những cái đó, nhưng ở trong tình yêu trong sáng. Thật vây, mọi kitô hữu đều có khả năng yêu mến. Thiên Chúa đã ban cho mỗi người một trái tim để yêu mến Người, là Đấng đã ban nó cho ta. Vậy chúng ta có thể luôn luôn yêu mến Người, không gì có thể ngăn cản chúng ta: yêu mến Người, không gì có thể ngăn cản chúng ta: yêu mến Thiên Chúa, có thể được trong khi chúng ta làm việc hay nghỉ ngơi, khi chúng ta bệnh hoạn hay khỏe mạnh, khi làm việc này hay việc khác, trong lúc được hạnh phúc hay khi gặp đau khổ… Tóm lại, chẳng có lúc nào, nơi nào, dịp nào, điều kiện nào mà chúng ta lại không thể yêu mến Thiên Chúa hết lòng chúng ta, và tại đó sự vững chắc của tình yêu lại không thể làm nảy sinh trong ta những kết quả chân thật của nó.
“Chúng ta càng yêu mến… thì chúng ta càng nên trọn lành”
Thiên Chúa là Tình yêu, theo kiểu nói của thánh tông đồ Gioan[6], và để làm cho các kitô hữu nên trọn lành theo hình ảnh Người, Thiên Chúa đã muốn đặt sự trọn lành trong tình yêu và đức bác ái: kẻ nào ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong kẻ ấy[7]. Chúng ta càng yêu mến thì càng được thiết định trong Thiên Chúa và Thiên Chúa trong chúng ta, và việc thiết định trong Chúa đó làm cho chúng ta tham dự cách mật thiết hơn vào hữu thể và các sự trọn lành thần linh của Người. Thiên Chúa càng ngự trị trong chúng ta thì Người càng thông ban dồi dào bản thân Người cho linh hồn chúng ta, càng đổ tràn trong đó sự sung mãn đời sống thần linh của Người. Chính trong sự ở lại trong Thiên Chúa đó mà chúng ta nên thể hiện được sự thánh thiện riêng của chúng ta: chúng ta nên thánh theo mức độ Thiên Chúa thông ban mình cho linh hồn chúng ta và làm cho chúng ta nên hài lòng Người. Thiên Chúa càng đổ tràn trong ta đời sống thần linh của Người, là một đời sống tình yêu, thì chúng ta càng nên trọn lành và được nâng lên trong sự thánh thiện trước con mặt Người.
“Thiên Chúa muốn chúng ta trở nên giống như Người trong tình yêu”
Đời sống của Thiên Chúa trong vĩnh hằng là một đời sống tình yêu. Ba ngôi vị thần linh đã luôn hiện hữu và sẽ mãi mãi hiện hữu trong tình yêu hỗ tương: và tình yêu vô tận đó mà các ngôi vị có với nhau không hề có một giây phút nào ngưng trệ. Bởi vì Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta theo hình ảnh và giống như Người[8], thì Người muốn cho chúng ta trở nên giống như Người trong tình yêu. Người muốn rằng, từ chính tình yêu đó, chúng ta yêu dấu Người hết lòng, kính mến Người đời đời không bao giờ ngừng, đúng như Ba ngôi thần linh đặt sự cao cả và quyền năng của mình để yêu thương nhau trong một tình yêu vĩnh cữu.
Đó là lý do tại sao Thiên Chúa đòi chúng ta phải yêu mến Người, đó còn là điều răn thứ nhất Người truyền cho Người và phải trở nên trọn lành như chính Người vậy. Đó là tại sao Chúa chúng ta, Con Yêu Dấu của Thiên Chúa và là hình ảnh của Cha Ngài, yêu mến đến độ tại sao không bao giờ Ngài đã ngừng yêu mến và tại sao tình yêu của Ngài sẽ kéo dài đời đời. Đó là lý do mà Đức Thánh Đồng Trinh, từ giờ phút đầu tiên được Thụ thai Vô nhiễm, đã được tràn đầy bởi một tình yêu lớn lao đến thế: một khi đã chọn Người để làm Hiền thê mình, làm Mẹ của con mình và làm Đền thờ Chúa Thánh Thần, thực sự Thiên Chúa đã không muốn cho Người sống một giây phút nào mà không có tình yêu lớn lao đó: bởi vì Thiên Chúa đã tuyệt đối yêu thương Người, không muốn nhìn thấy Người, dầu chỉ một giây phút lại không trọn lành dưới mắt mình. Sau cùng, đó là lý do tại sao đời sống của các thánh trên trời là đời sống tình yêu, các đấng trọn lành nhất trong các ngài là những đấng yêu mến nhiều nhất. Và cũng thế, trong Giáo hội của chúng ta dưới đất, Thiên Chúa đã muốn rằng cuộc sống của các kitô hữu phải là một cuộc sống tình yêu và bác ái và kẻ trọn lành nhất là kẻ có được cuộc sống đó ở độ cao nhất.
“Trong mọi điều kiện và trong mọi hoàn cảnh.”
Tình yêu mà sự trọn lành lấy làm thước để đo mình không được là một tình cảm con nít, một tình yêu hoàn toàn đa cảm, nhưng là một tình yêu mạnh mẽ và can đảm, một tình yêu chủ động, một tình yêu có khả năng dẫn dắt chúng ta cách đắc lực đến việc thực hành mọi nhân đức kitô giáo vững chắc, đến sự ước ao vâng giữ mọi phương châm và theo dõi gương lành Chúa chúng ta đã để lại cho chúng ta. Đó là tình yêu chân thật trong đó gồm sự trọn lành, và một tình yêu như thế có thể có được trong mọi điều kiện và mọi bậc sống.
Thật vậy, lúc nào người ta cũng có thể yêu mến, cả trong khi ngủ: nếu thật ra giấc ngủ không cho phép có sự thực hành hiện tại của tình yêu, thì nó cũng không vì thế mà làm ngưng trệ thói quen đã có. Đó đúng là lý do tại sao có lời trong sách Diễm ca: Tôi ngủ, nhưng tâm hồn tôi thức[9]. Con tim của một tình nhân chân thật không bao giờ lại không có tình yêu, nó luôn luôn hướng về người nó yêu và không bao giơ thôi ao ước được ở gần người đó. Nhưng không phải chỉ có vậy thôi đâu.
Bất cứ ở đâu ngự trị một tình yêu như vậy, nó thúc giục kẻ sống tình yêu đó làm hết sức mình để vui lòng Đấng Chí Ái và làm mọi điều nó biết là Ngài vui thích: nói cách khác là thực hành các nhân đức đời sống thánh thiện của Ngài ở độ cao nhất theo khả năng của nó. Mà điều đó có thể thực hiện được trong mọi điều kiện và mọi hoàn cảnh: nếu chúng ta trung thành với Thiên Chúa thì chẳng có một cảnh huống nào mà chúng ta lại không thể yêu mến Người hết tâm hồn chúng ta. Chẳng có hoàn cảnh nào mà tình yêu thiên linh lại không thể thiết đặt chúng ta trong sự tự hủy nội tâm chân thật mà Thiên Chúa đòi buộc. Chẳng có hoàn cảnh nào mà chúng ta lại không thể sống trong sự hoàn toàn phó thác bản thân mình cho Thiên Chúa để Người hành động với chúng ta lại mãi mãi mặc ý Người. Chẳng có hoàn cảnh nào mà chúng ta lại không thể yêu mến những xỉ nhục mà chúng ta lãnh nhận và yêu mến chí thiết chính những kẻ bách hại ta. Chẳng có hoàn cảnh nào mà chúng ta lại không thể cháy lửa ước ao làm sáng danh Thiên Chúa và thấy Người được mọi người tôn kính. Chẳng có hoàn cảnh nào mà chúng ta lại không thể yêu mến cách nghiêm chỉnh người thân cận của ta. Chẳng có hoàn cảnh nào mà chúng ta lại không thể hoàn toàn chết đi cho bản thân mình để sống tròn đầy với chính đời sống của Thiên Chúa.
Đó là lý do tại sao trong chính tình yêu chủ động và hiệu quả đó ở nơi ta mà Thiên Chúa đặt sự trọn lành: một tình yêu như vậy, chúng ta có thể sống nó trong mọi điều kiện, và trong mỗi một điều kiện, và sống nó trong mọi lúc; trong khi những việc hãm mình, chay tịnh và những sự khác giống như vậy chúng ta không luôn luôn có thể làm được. Hơn nữa, đó là tại sao ta thấy có các vị thánh trong mọi bậc sống và trong mọi điều kiện: vì chưng, trong mọi hoàn cảnh người ta đều có thể yêu mến. Chỉ một mình tình yêu mới có khả năng làm phát sinh những hoa quả thánh thiện của mình trong các linh hồn: chỉ cần cho điều đó là có can đảm và trung thành với Thiên Chúa!
“Phó thác cho Thiên Chúa để làm vui lòng Người và không tìm điều gì khác.”
Chúng ta phải muốn sống trong sự lệ thuộc vào Thiên Chúa và trong sự vâng phục vụ mọi ý muốn của Người, nghĩa là làm trọn mọi đòi buộc của bậc sống chúng ta do tình yêu đối với Thiên Chúa và sự ước muốn trong lành làm đẹp lòng Người, bằng cách làm thỏa ý muốn của Người. Điều đó giả thiết có lòng khát khao làm sáng danh Người, có một sự tự do nội tâm lớn lao làm tách rời chúng ta khỏi bản thân mình và ngăn cản ta gắn bó mình vào hành động riêng tư của ta: chúng ta không được muốn tìm sự thõa mãn cá nhân của mình trong đó, nhưng chỉ tìm vinh quang của Thầy chúng ta mà thôi, bằng cách chỉ hành động cho Ngài, chỉ tìm kiếm một mình Ngài, trong niềm hân hoan được làm do lòng trung thành với Thiên Chúa điều Người truyền dạy chúng ta, ngoài ra không có điều gì khác nữa.
Vậy ta phải đứng trước mặt Thiên Chúa trong một ý định trong sáng lớn lao: trong khi chúng ta làm trọn điều Người đòi buộc, như thế chính Người có thể thực hiện nơi tâm hồn chúng ta điều Người muốn để vinh danh Người. Sau cùng, ta phải hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa để làm như Người ưa thích và không làm gì ngoài ý muốn của Người. Vậy mà tinh thần đó và những sự sẵn sàng đó thì ai cũng có thể có được trong mọi điều kiện ở trần gian này.
Cách hành động đó rất đẹp lòng Thiên Chúa và nó có khả năng thánh hóa chúng ta trong thời gian rất ngắn. Nó chắc chắn và không vướng mắc bất cứ một thứ ảo tưởng và lừa dối nào. Trước hết, bởi vì chúng ta làm theo thánh ý của Thiên Chúa, chúng ta làm trọn những ý định của người và chúng ta không có lìa xa những huấn lệnh Người truyền cho chúng ta. Tiếp đến, vì theo cách đó, chẳng những chúng ta chỉ gặp được sự thánh hóa mình bằng việc làm tròn thánh ý Thiên Chúa trên chúng ta: mà thường ra, để khỏi nói là liên tục, nhờ thế chúng ta từ bỏ được ý riêng của mình chỉ quá hướng chiều, theo thói quen, tìm bất cứ điều gì khác ngoài điều Thiên Chúa đòi buộc và ước muốn.
Như vậy ta sống trong một tinh thần hi sinh liên lỉ: ta không tìm để làm thỏa lòng mình, không hài lòng sống theo sở thích mình, nhưng ngược lại sống trong một loại tử đạo thường xuyên, càng làm vui lòng Thiên Chúa khi nó càng yên hàn, càng liên tục và được chấp nhận với một tình yêu lớn hơn.
Sự trọn lành Kitô giáo qua thập giá
“Diễn văn về thập giá[10].”
Những đau khổ mà thân phận đặt định cho chúng ta, đó là những thập giá đích thực, phải được ưa thích hơn tất cả những việc hãm mình đền tội mà chúng ta tự chọn lấy cho mình. Và điều đó, bởi nhiều lý do.
Trước hết, những thập giá đó do chính Thiên Chúa đặt định cho chúng ta theo mức độ chúng gắn liền, và thường là một cách không thể chia lìa được, với thân phận trong đó Thiên Chúa đã đặt để chúng ta. Sẽ không phải như vậy đối với những sự hãm mình khác mà chính chúng ta tự quyết định lấy: nào thường ra chúng ta lại chẳng gặp lại trong đó ý riêng của chúng ta sao? Nào nói cho đúng, chúng lại chẳng nhẹ nhõm hơn chính vì chúng đã được chúng ta tự ý định đoạt lấy sao? Mọi sự hãm mình là đối tượng của sự lựa chọn hay do ý muốn riêng tư của chúng ta đều xem ra ít đắng cay đối với ta, và mũi nhọn nó có thể đâm chúng ta ít nhất cũng bị nhụt đi.
Thứ đến, những thập giá đó, vì gắn liến với thân phân chúng ta như thế, thường sẽ kéo dài suốt đời, trong khi những thập giá khác chỉ tạm bợ thôi. Những sự nhiệm nhặt và hãm mình khác qua đi rất nhanh, chúng chỉ tồn tại trong một thời gian vắn vỏi; sau đó người ta không còn thấy đau đơn nữa. Sẵn sàng chịu đựng với tình yêu, cách thường xuyên, những thập giá của thân phận chúng ta, làm chúng ta luôn bị thương tích ở mọi nơi; tiếp tục chịu đựng chúng trong khi ta có thể tránh né được, và làm thế bởi trung thành với Thiên Chúa để làm hài lòng Người bằng cách làm điều Người truyền dạy: đó bù lại, thật là một cuộc tử đạo vì tình yêu. Và chúng ta phải quý hóa nó hơn mọi việc hãm mình khác… mà chúng ta tự ý chọn lấy, chiều theo xu hướng riêng của mình, với mục đích duy nhất là tự chước chuẩn những thập giá kia! Chấp nhận những thập giá do sự quan phòng đó, làm chúng ta tiến tới trước mắt Thiên Chúa hơn hẳn những thập giá ta tự chọn có thể làm được.
Thứ ba, những thập giá đó gắn liền với thân phận chúng ta, không làm cho chúng ta thành quen thuộc. Ngoại trừ những thập giá làm ta đau đơn thể xác, thật ra, thường là những đau khổ nội tâm gây ra bởi những mối dằn vặt mà chúng ta phải chịu: chúng sẽ luôn dễ cảm nhận, và nỗi cực nhọc và đau khổ chúng gây nên cho ta, nói được là luôn luôn mới mẻ. Cũng phần nào giống như khi người ta bị đàn ong chích nhiều lần: lần cuối thường làm chúng ta cũng đau đớn như lần đầu, và mũi chích của nhóm này không làm ta thấy dịu hơn hay ít đau hơn mũi chích của nhóm khác! Cũng thế về những đau khổ ta phải chịu trong mỗi cảnh huống: không thể nào làm quen được, chúng sẽ luôn luôn cũng khó khăn để chịu đựng, và hơn nữa thường là sự liên tục của chúng làm chúng trở thành không thể chịu đựng được với chúng ta nếu không có sự trợ giúp của ân sủng thêm sức cho chúng ta. Trong khi – kinh nghiệm hằng ngày sẵn đó để chứng mình cho chúng ta – người ta dễ quen với những việc hãm mình khác: thân xác sẽ thích nghi với và sau đó sẽ ít đau đớn hơn.
Lý do thứ bốn là những thập giá của thân phận ta rất có sức thánh hóa chúng ta. Trong khi chúng ta chịu đựng chúng, thường xem ra chúng chẳng có ích gì cho lợi ích thiêng liêng của chúng ta. Hoặc chúng ta tin rằng, trong khi chịu đựng chúng, ta chẳng làm được gì nên hồn; hoặc hơn nữa ta tưởng rằng nếu phải đau khổ vì đó thì tại lỗi của ta. Nhờ vậy ta sẽ luôn ở trong tinh thần tự hủy, và điều đó làm chúng ta đẹp lòng Thiên Chúa và sẵn sàng hơn để tiếp nhận những ơn sủng của Người. Sẽ khác hẳn về những thập giá chúng ta tự chọn lựa: chúng có vẻ lợi hơn, ta chắc mình đã làm phải trong khi thực hành chúng; và có đôi lúc, vì tự nghĩ đã hãm mình hơn các người khác, tinh thần tự kiêu và tự mãn thấm nhập vào ta, và khi làm cho lòng ta kiêu căng, nó đẩy ta xa lìa Thiên Chúa và kéo ta ra khỏi tình trạng mà ta phải ở đó để nhận được những mối thương xót lớn lao của Người.
Lý do thứ năm, khi chúng ta chịu đựng được những thập giá của thân phận chúng ta đó, thường là chúng ta hay bị người ta khinh bỉ, chế nhạo, hoặc ít ra là không được tha thân thông cảm. Trái lại, trong trường hợp những hãm mình tự chọn, khi mọi người chung quanh chúng ta đều biết rõ, thì ta được kính nể và trọng vọng, mọi người đều để ý đến, do sự ngưỡng mộ và lòng trọng kính thường được dành cho những người nổi tiếng vì thực hành những hàm mình kiểu đó.
Thứ sáu, trong những kiểu hãm mình cuối cùng trên đây, không thiếu những lý do tự mãn; và nếu thân xác có đau đớn ít nhiều, thì tinh thần thấy được sự bình an của mình trong đó, nó làm quen và ngay cả sẵn sàng vui thỏa trong đó. Trái lại, trong những thập giá do sự quan phòng gửi đến, tinh thần thường bị chấn áp, không có sự thỏa mãn và sự nghỉ ngơi mẫn cảm nào hết: nó chỉ thấy trong đó khó nhọc và cay đắng làm cho nổi khổ tâm của nó càng thêm đau đớn.
Sau cùng, những việc hãm mình tự nguyện – chay tịnh và những việc khác giống như vậy – chỉ chạm đến thân xác mà tối đa, là chúng làm suy yếu sức mạnh tự nhiên để đặt nó dưới lề luật của Thiên Chúa, bằng cách thống trị nó và bắt nó quy phục ý chí. Trong khi đó những thập giá do sự quan phòng, thống trị chính tinh thần bằng cách đặt nó trong một thái độ có đủ khả năng làm đẹp lòng Thiên Chúa: bằng cách giúp nó thực hành những sự hãm mình thực sự bề trong, làm cho nó chết cho chính mình và tập luyện những hành động nhân đức trong lành nhất, làm nó tự hủy và luôn luôn phục tùng lề luật của Thiên Chúa. Như thế chúng sẽ có lợi hơn và đáng quý trọng hơn những thập giá tự chọn, xét vì tinh thần thì cao hơn thân xác và sự hãm mình nội tâm thì quý hơn sự hãm dẹp ngũ quan: một khi tinh thần được điều hành tử tế, nó sẽ thực hiện sau đó sự thống trị mạnh mẽ hơn của nó trên hạ phần vậy.
Đó là tại sao chúng ta phải yêu mến và vui mừng chấp nhận những cực nhọc nhỏ mọn xảy đến trong bậc sống của chúng ta…
Cùng một sự thánh thiện qua những con đường khác nhau
“Theo những ý định của Thiên Chúa trên chúng ta”
Con đường dẫn đến sự thánh thiện đó dù là đích xác nhất và chắc chắn nhất, thì thật sự, thường nó rất ít được đi theo: lý do là vì phần đông người ta đặt sự trọn lành trong điều người ta thấy dễ dãi nhất và thú vị nhất. Chẳng hạn, khi người ta thấy hứng thú trong lời cầu nguyện, người ta kéo dài thời gian, cho dầu phải bỏ bê bổn phận bậc mình mà người ta luôn phải chu toàn. Và cứ thế tiếp theo.
Người ta tưởng như thế là đã làm rất nhiều, trong khi thực tế người ta đã chẳng làm gì cả: chúng ta đã hành động theo sự hướng chiều riêng của mình thay vì theo những ý định của Thiên Chúa trên chúng ta, chúng ta tự rút mình khỏi những lệnh truyền của Người để tự do mặc tình làm theo ý muốn và tưởng tượng của ta. Các vị linh hướng phải rất lưu ý đến điểm này đối với những người mà Thiên Chúa đặt dưới sự hướng dẫn của mình: vì chưng, sự trọn lành kitô giáo không hệ tại hành động nhiều nhưng hệ tại yêu mến nhiều, nó hệ tại hành động với một tình yêu lớn lao điều Thiên Chúa đòi buộc chúng ta.
“Phân biệt… điều ta phải ngưỡng mộ và điều ta phải bắt chước”
Vậy phải giác ngộ một người được dẫn dắt (con linh hồn) khi họ tưởng rằng sự trọn lành ở trong những hiện tượng lạ lùng mà chúng ta có thể ngưỡng mộ nơi một vài vị thánh. Thực tế, nơi các vị này, phải phân biệt hai điều: điều chúng ta phải ngưỡng mộ và điều chúng ta phải bắt chước.
Vì chưng, một đàng có những hành động lạ lùng mà Thiên Chúa thực hiện nơi các ngài và qua trung gian các ngài, nơi người khác. Chúng ta phải thờ lạy lòng thiện hảo lớn lao của Thiên Chúa đã vui lòng thông ban chính mình như thế cho loài người: chúng ta có thể tạ ơn cho các thánh đó và vui mừng với các ngài về những hồng ân lớn lao mà Chúa đã ban cho các ngài. Trái lại, phần chúng ta, chúng ta không được ước ao những ơn đó, nhưng sự khiêm tốn và tự hủy mà chúng ta luôn phải ở trong đó phải thuyết phục chúng ta rằng chúng ta bất xứng với những đặc ân đó.
Đàng khác, có những nhân đức mà các thánh đã thực hiện. Về điểm này, ta phải cố gắng bắt chước các ngài hết sức có thể: bởi vì các nhân đức là của chung của mọi kitô hữu. Và các thánh được ban cho chúng ta như mẫu mực và gương sáng theo đó chúng ta phải định hình thể cho đời chúng ta.
“Đó là những con đường khác nhau dẫn dắt tất cả về cùng một đích”
Đừng có chủ tâm phải bắt chước tất cả những gì chúng ta thấy là thánh thiện và tốt lành nơi các thánh. Thiên Chúa có những cách thức khác nhau để dẫn dắt các linh hồn trong Giáo hội. Tốt hơn phải gắn bó với cách thức Thiên Chúa muốn cho chúng ta mà không ước ao một cách khác. Đó là những con đường khác nhau nhưng chúng đưa mọi người đến cùng một đích, là Thiên Chúa. Sự trung thành của chúng ta hệ tại bước đi trên con đường Thiên Chúa chỉ cho chúng ta, mà phải đi trong đó bằng những bước lớn nhất có thể, để sớm tới với Người và hoàn toàn chiếm hữu được Người.
Kỷ luật này là một trong những kỷ luật chính yếu mà những người dẫn dắt các linh hồn phải tuân theo: phải ngăn cản họ đừng có đi trệch đường riêng của mình mà theo một đường khác với đường Thiên Chúa gọi họ đi qua để đến với Người. Cả đến khi Thiên Chúa muốn ban mình cho mọi người và trở thành sở hữu của mọi người thì cũng do cách thức khác nhau và bằng những phương thế khác nhau cho từng người.
PHẦN II
NHỜ TINH THẦN CHÚA GIÊSU KITÔ
Những văn bản đăng lại đây đã được rút ra từ những tác phẩm Cha Jean-Jacques Olier đã cho xuất bản khi còn bình sinh để trình bày cho toàn thể tín hữu trí thức ở thời ngài một loại giáo lý về những khía cạnh đích thực điều người ta gọi là “đời sống nội tâm”, nghĩa là sự dấn thân của toàn cuộc sống để đáp lại ân sủng của các bí tích khai tâm kitô giáo. Sáu văn bản đầu được mượn ở cuốn “Giáo lý kitô giáo cho đời sống nội tâm” (1656), trình bày dưới hình thức hỏi (H) và thưa (T), theo phương pháp giáo thụ lúc đó đang trên đường phổ biến đại trào. Ba văn bản còn lại trích từ cuốn “Dẫn nhập vào đời sống và các nhân đức kitô giáo” (1657), một loài khảo luận nhỏ trong đó giáo huấn được trình bày cách liên tục. Các phụ đề, ở đầu mỗi trích đoạn, không có trong lần xuất bản đầu nhưng đã được tự do thêm vào cho dễ đọc.
“Thánh Thần của Chúa Giêsu Kitô được ban cho chúng ta để làm cho chúng ta sống như Ngài”
H – Ai là kẻ đáng gọi là kitô hữu?
T – Đó là kẻ có trong mình Thánh Thần (Thần Khí) của Đức Giêsu Kitô[11]
H – Nhờ đâu người ta biết được mình có Thần Khí của Đức Giêsu Kitô?
T – Người ta biết nhờ những hướng chiều mình có giống như những hướng chiều của Ngài, theo đó người ta sống như Ngài.
H – Đời sống của Đức Giêsu Kitô mà bạn nói là thế nào?
T – Đó là một đời sống thánh thiện được miêu tả trong Kinh Thánh, nhất là trong Tân Ước.
H -Có bao nhiêu đời sống trong Đức Giêsu Kitô?
T – Thưa có hai, đời sống nội tâm và đời sống bề ngoài.
H – Đời sống nội tâm của Đức Giêsu Kitô cốt tại điều gì?
T – Tại các năng khiếu và tình cảm nội tâm của Ngài đối với mọi sự: chẳng hạn, trong việc phượng thờ của Ngài đối với Thiên Chúa, trong tình yêu của Ngài đối với tha nhân, trong việc tự hủy của Ngài đối với bản thân, trong sự Ngài gớm ghét tội lỗi, trong việc Ngài lên án đối với thế gian và các phương châm của nó.
H – Đời sống bề ngoài của Ngài cốt tại điều gì?
T – Nó cốt tại những hành động cảm giác được và những thực hành thấy được về các nhân đức, lưu xuất từ căn bản nội tâm thiên linh của Ngài.
H – Vậy để là một kitô hữu đích thực, phải có trong ta Chúa Thánh Thần, làm cho chúng ta sống nội tâm và bề ngoài như Đức Giêsu Kitô sao?
T – Đúng như vậy.
H – Nhưng điều đó thật rất khó mà?
T – Phải, đối với kẻ chưa chịu phép Thánh tẩy, nơi mà Thánh Thần của Đức Giêsu Kitô được ban cho chúng ta để làm cho chúng ta sống như Ngài.
(Sách Giáo lý…, Phần I, bài I)
“Một kitô hữu, đó là một Đức Giêsu Kitô sống trên mặt đất.”
H – Vậy Đức Giêsu Kitôở trong ta hay sao?
T – Phải, Ngài ở trong lòng ta bằng đức tin, như Thánh Phaolô nói sau chính Chúa chúng ta[12].
H – Nào bạn đã chả nói với tôi rằng Chúa Thánh Thần cũng gặp nhau trong đó sao?
T – Phải, Người ở đó với Chúa Cha và Chúa Con và làm tràn đầy ra, như chúng tôi đã nói, cùng những tình cảm, cùng những xu hướng, cùng những lề thói và cùng những nhân đức của Đức Giêsu Kitô.
H – Vậy một kitô hữu là một điều gì rất lớn sao?
T – Chẳng có điều gì lớn hơn, uy nghiêm hơn và lộng lẫy hơn, đó chính là một Đức Giêsu Kitô sống trên mặt đất này vậy.
H – Bạn nói rằng Đức Giêsu Kitô ở trong ta, và chúng ta được xức dầu bởi dầu mà chính Ngài đã được xức[13], nghĩa là, bởi Thánh Thần, và Ngài đổ tràn trong ta những lề thói, những xu hướng, những tâm tình của Ngài: từ đâu mà bạn biết được điều đó?
T – Thánh Phaolô muốn rằng chúng ta hãy có nơi mình cũng những tâm tình mà Đức Giêsu Kitô đã có, Ngài là Đấng đã hạ mình và tự hủy diệt trên thập giá, tuy dù Ngài vẫn ngang hàng với Cha Ngài[14].
H – Có nơi mình cũng những tâm tình của Đức Giêsu Kitô có nghĩa là gì?
T – Đó là có trong tâm hồn mình và trong linh hồn mình cùng những ước muốn, như được hủy diệt và chịu đóng đinh như Đức Giêsu Kitô.
H – Phải có những ước ao đó trong cùng một sự trọn hảo như Ngài đã có sao?
T – Tôi không nói thế. Tôi chỉ nói phải có những tâm tình giống như vậy, mặc dầu chúng không bằng nhau.
H – Vậy chúng ta cũng có thể có những tâm tình giống như vậy sao?
T – Thưa đúng như vây.
H – Nhờ phương thế nào?
T – Nhờ sức mạnh của Thánh Thần. Đấng có thể ban những xu hướng hoàn toàn đối nghịch và tương phản với những xu hướng chúng ta có trong xác thịt do vì chúng ta sinh ra từ Adam.
(Sách giáo lý…, Phần I, bài 3)
“Trong Phép Rửa tội Thiên Chúa Cha chúng ta Thông ban cho chúng ta sự sống thần linh của Người.”
H – Linh hồn chúng ta được tái sinh nhờ phép Rửa tội có nghĩa là gì?
T – Có nghĩa là nó nhận được những xu hướng và những ấn tượng hoàn toàn mới mẻ và khác hẳn với cuộc sinh ra đầu tiên của nó.
H – Điều đó xảy ra làm sao?
T – Đó là, do cuộc sinh ra đầu tiên, linh hồn đã có những xu hướng tệ hại hoàn toàn đưa nó về tội lỗi, về trái đất và về các thụ tạo. Trái lại, nhờ việc tái sinh của phép Rửa tội linh hồn nhận được những ấn tượng mới mẻ và những xu hướng hoàn toàn khác, đưa nó tới tình yêu Thiên Chúa và việc phượng thờ Người, đến việc tách rời các thụ tạo để tìm kiếm những sự trên trời.
H – Vậy từ ngày chịu Thánh tẩy, con người không còn là cha chúng ta nữa, cả xác thịt cũng không còn là mẹ chúng ta nữa sao?
T – Không, từ nay chúng ta không được chiều theo những xu hướng xấu của chúng nữa.
H – Do phép Rửa tội, có phải Thiên Chúa là cha chúng ta không?
T – Phải, chúng ta gọi Thiên Chúa là cha chúng ta, và Người thật là thế, bởi vì trong phép rửa tội, Người thông ban cho chúng ta qua Thánh Thần của Người, bản tính và đời sống thần linh của Người[15]. […] Trong cuộc sinh ra này Chúa Cha đời đời là Cha chúng ta, Người thông ban cho chúng ta những xu hướng, những tâm tình, sự thánh thiện của Người do sức mạnh Thánh Thần Người ban cho chúng ta, làm nguyên lý cho đời sống thánh thiện và thần linh trong ta, hầu tiếp tục trổ sinh nơi ta những công trình giống như của Thiên Chúa làm cho Người được cả sáng trên mặt đất.
(Sách giáo lý…, Phần I, bài 8)
“Sự cầu nguyện: một trong những phương thế chính yếu và hiệu nghiệm nhất để sở đắc và bảo tồn tinh thần Kitô giáo”
H – Sau khi đã dậy tôi biết tinh thần Kitô giáo hệ tại gì, bạn có vui lòng cho tôi một phương thế để sở đắc và bảo tồn nó không?
T – Một trong những phương thế chính yếu và hiệu nghiệm nhất là sự cầu nguyện; vì Chúa chúng ta quả quyết trong Phúc Âm rằng Thiên Chúa Cha chúng ta sẽ ban tinh thần tốt lành, nghĩa là tinh thần Kitô giáo, cho những kẻ cầu xin Người[16].
H – Hãy làm ơn dậy tôi phương pháp tôi phải giữ trong việc cầu nguyện.
T – Trước hết phải đem vào đó những tâm tình giống như chính Chúa chúng ta đã có, và Ngài đã dậy cho các môn đệ; ta phải thưa với Cha đời đời cách rất khiêm nhường và tín cẩn, như chính Ngài đã thưa trong những lời cầu nguyện đẹp đẽ được ghi trong thánh Gioan[17], và như Ngài còn dạy chúng ta trong kinh Lạy Cha.
H – Bạn muốn nói gì qua tiếng khiêm nhường?
T – Trước hết tôi có ý nói đến một sự cảm nghiệm thẹn thùng về sự bất xứng của chúng ta do tội lỗi gây nên, mà Thiên Chúa không thể chịu đựng được: Ngài chẳng phải là Thiên Chúa ưa thích tội lỗi[18], theo lời tác giả Thánh vịnh; và ta hãy nhớ lời khác nữa: Thiên Chúa không nhận lời những kẻ tội lỗi[19]. Thứ hai, tôi hiểu qua tiếng khiêm nhường cũng tâm tình xấu hổ và thẹn thùng đó nó đến từ sự bất lực của chúng ta để cầu nguyện; vì sự cầu nguyện là một tác động siêu nhiên không thể làm được mà không có ân sủng, mà con người hoàn toàn không hề có ân sủng, và vì thế nó hoàn toàn bất lực để cầu nguyện.
H – Vậy thì làm sao người ta có thể cầu nguyện với lòng tín cẩn được?
T – Thiên Chúa sẽ bổ quyết cho; và tôi sẽ dậy bạn bí quyết của sự tín cẩn, rất vinh quang đối với Thiên Chúa và rất hữu ích đối với Giáo hội. Sau khi người ta đã giữ mình một thời gian trong tâm tình khiêm nhường mà tôi đã nói đó, thì phải tự chấn tĩnh trong Thần Khí của Đức Giêsu Kitô, Ngài ở trong tâm hồn mọi con cái của Giáo hội để nâng họ lên với việc cầu nguyện, như lời thánh Phaolô[20]: Accepistis spiritum adoptionis filiortum, in quo clamamus: Abba, Pater! (Anh em đã nhận được Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, trong Ngài ta kêu lên: Cha ơi Cha!). Nghĩa là trong Thần Khí đó chúng ta cầu nguyện với lòng tín cẩn: điều được đánh dấu bằng tên gọi Cha đó vừa được lặp lại hai lần, Cha ơi Cha, vừa bằng tiếng hoan hô qua đó ta lấy sự tự do mà đẩy những lời cầu nguyện của mình lên tận Ngài, Clamamus (Chúng con kêu lên); bởi vì điều đó diễn đạt sự vững vàng của lòng tín cẩn và sức mạnh của lòng sốt sắng ta dùng để xin với Thiên Chúa mọi nhu cầu của chúng ta cho sáng danh Người; tôi còn thêm vào đó thánh Phaolô nói trong một chỗ khác; Chính Thần Khí cầu thay cho chúng ta bằng những tiếng rên xiết khôn tả [21].
(Sách giáo lý…, Phần II, bài 1)
“Đức Giêsu Kitô ở trong ta trong hết mọi lúc của đời ta”
H – Tôi không thể diễn đạt được những tâm tình quý mến và kính trọng mà Thiên Chúa ban cho tôi nhờ Bí tích rất thánh bàn thờ. Đây thật là một kho báu lớn lao là được mang trong mình Chúa chúng ta là Giêsu Kitô, đầy tràn thần tính của Cha Ngài và mọi kho báu của sự khôn ngoan và thông hiểu thần linh của Người!
T – Tôi còn muốn dậy cho bạn một bí quyết đẹp đẽ để tăng thêm tình yêu của bạn đối với Thiên Chúa: Người đã ban cho chúng ta Con của Người để ở trong chúng ta không những trong thời gian chúng ta hiệp thông với mình và máu Ngài, nhưng hơn nữa trong mọi thời khắc của đời sống chúng ta.
H – Bạn nói gì vậy? Chúa chúng ta ở trong ta cách khác nữa ngoài việc hiệp lễ thánh sao?
T – Phải. Vì thế Chúa chúng ta ở trong ta khác với việc hiệp lễ thánh, không phải tôi nói với bạn điều đó, mà là thánh Phaolô quan những lời này: Christum habitare per fidem in cordibus vestris [22] (Nhờ đức tín Chúa Kitô ngự trong lòng anh em). Đức Giêsu Kitô ngự trong linh hồn chúng ta, làm phát sinh đời sống thần linh trong đó, được hoàn toàn gồm lại dưới danh hiệu đức tin.
H – Vậy, nếu như thế thì chúng ta có thể luôn thông hiệp với ân sủng của Chúa chúng ta là Giêsu Kitô sao?
T – Phải. […] Tôi ước ao biết bao cho các kitô hữu biết được hạnh phúc của họ, biết rằng họ có trong mình kho tàng quý báu của Chúa Giêsu, trong kho tàng đó và với kho tàng đó họ có thể làm biết bao việc cho sáng danh Thiên Chúa! Chúng ta hãy luôn chú ý đến chân lý lớn lao này, là Đức Giêsu Kitô ở trong ta để thánh hóa ta, và ở trong chính chúng ta và trong các công việc của chúng ta, để làm đầy bằng bản thân Ngài mọi cơ năng của chúng ta: Ngài muốn là ánh sáng của tinh thần chúng ta, là tình yêu và sự sốt sắng của tâm hồn chúng ta, là sức mạnh và dũng khí của mọi năng lực chúng ta, hầu trong Ngài chúng ta có thể nhận biết, yêu mến và làm trọn những ý muốn của Thiên Chúa Cha của Ngài, hoặc để hành động vì vinh dự Người, hoặc để chấp nhận đau khổ và chịu đựng mọi sự vì vinh quang của Người.
(Sách giáo lý…, Phần II, bài 5)
“Tất cả sự trọn lành hệ tại sống cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô”
H – Tôi khẩn xin bạn dậy tôi biết năng hiệp lễ bằng tinh thần hằng ngày và biết lợi dụng tốt một thực hành thánh thiện như thế.
T – Tôi sẵn lòng, và tôi sẽ chỉ nói ít lời thôi, sau khi đã làm bạn lưu ý rằng Chúa Chúng Ta là Giêsu Kitô, khi nói với các môn đệ, đã bảo họ rằng của ăn thiêng liêng của Ngài là làm theo ý Thiên Chúa Cha của Ngài[23], và Ngài làm mọi việc với Cha Ngài và với sức mạnh của Cha Ngài. Pater meus usque modo operatur, et ego operor[24]. Cha tôi, Ngài nói, làm mọi công trình của Người trong tôi và với tôi, và cũng nói, tôi làm mọi sự trong Người và với Người, và mọi công trình của Cha tôi là của nuôi tôi. Vậy chúng ta hãy học từ đó rằng, như Đức Giêsu Kitô làm mọi việc trong Cha Ngài và với Cha Ngài, ta cũng vậy phải làm mọi sự trong Chúa Chúng Ta và với Chúa Chúng Ta, bởi vì Ngài đến ở trong chúng ta để làm chúng ta sống bằng sức mạnh của Ngài, để đổ đầy chúng ta bằng một ân sủng có khả năng thánh hóa chúng ta trong mọi sự, hầu làm cho mọi việc của chúng ta làm cho Thiên Chúa Cha của Ngài hài lòng, và để bằng cách đổ tràn mình trong chúng ta, Ngài trở thành của nuôi linh hồn chúng ta.
H – Vậy tôi xin bạn cho biết phải làm việc thế nào trong Chúa chúng ta và với Chúa Chúng Ta, bởi vì đây là một phương thế mà đức tin ban cho tôi để hành động cách kitô giáo.
T – Tôi rất hài lòng vì bạn rất chăm chỉ trong buổi học hỏi này; cũng vì nó rất quan trọng. Chính bởi trong điểm này mà bao gồm tất cả sự trọn lành, là làm mọi việc cho sáng danh Thiên Chúa trong Chúa chúng ta và với Chúa chúng ta, và đó là điều thánh Phaolô gọi là sống cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô[25]
(Sách giáo lý…, Phần II, bài 6)
“Nhờ sự hợp nhất của một Thần Khí duy nhất mọi kitô hữu đều chỉ là một trong Đức Giêsu Kitô”
Đời sống kitô giáo đặc biệt hệ tại điều này, là người kitô hữu sống nội tâm do hành động của Thần Khí, theo cách Đức Giêsu Kitô đã sống. Không có điều đó không có hợp nhất, không có nhất trí hoàn toàn mà chính Chúa chúng ta muốn gọi chúng ta tới, Ngài muốn chúng ta sống với Ngài, do công việc của Thần Khí, bằng một cuộc sống cũng thật sự nên một như Cha và Con sống trong nhau, chỉ có một cuộc sống, một tâm tình, một ước muốn, một tình yêu, một ánh sáng, bởi vì chỉ là cùng một Thiên Chúa sống trong hai ngôi vị.
Chính vì lý do này mà Thần Khí của Thiên Chúa được đổ tràn trong các kitô hữu, như trong những chi thể của cùng một thân thể, để sinh động họ bởi cùng một cuộc sống và làm cho nơi họ có cùng những hành động Ngài thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, như thế càng làm triển nở thêm những công việc, năng khiếu, tình yêu và sinh hoạt của Ngài.
Chính là cùng một Thần Khí trong tất cả, làm cùng mọi sự trong tất cả: nhờ được đổi mới và do Ngài cải tân như vậy tận đáy tâm hồn họ trong Chúa chúng ta, họ không còn khác nhau nữa bởi những tâm tình riêng rẽ của xác thịt và lòng ích kỷ, thường vẫn ngự trị nơi mỗi người mỗi cách tùy theo sự khác biệt về tính tình và khả năng của họ; trái lại tất cả sẽ nên một do sự hiệp nhất của cùng một Thần Khí ngự trị trong họ và thấu suốt tâm hồn họ. Họ không còn khác nhau do sự khác biệt về tôn giáo nữa. Ubi non est Gentilis et Judaeus, circumcisio et praeputium[26]. Non est Judaeus, neque Graecus[27]; cũng không còn do sự phân biệt về khí hậu, về chủng tộc khác nhau, về đối nghịch tính tình và lề thói man rợ: Barbarus, et Scytha; cũng không còn do sự khác nhau về thân phận: Servus et liber[28]; cũng không còn do khác biệt về phái tính: Non est masculus, neque femina, bởi vì tất cả đều chỉ là một trong Đức Giêsu Kitô; Omnes enim vos unum estis in Christo Jesu[29]; và Đức Giêsu Kitô là mọi sự trong mọi người: Sed omnia et in omnibus Christus[30].
(Dẫn nhập…, Chương III)
“Thần Khí của Đức Giêsu Kitô đặt ta trong sự chết cho tội lỗi.”
Đời sống Kitô giáo có hai phần: sự chết và sự sống. Phần thứ nhất làm căn bản cho phần hai. Điều này được lặp lại nhiều lần trong những tác phẩm của thánh Phaolô và đặc biệt trong chương sáu của Thư gửi giáo đoàn Rôma: Anh em không biết rằng một khi đã được rửa trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta đã được rửa trong cái chết của Ngài sao? Bởi vì chúng ta đã được chôn cất với Ngài trong sự chết nhờ phép rửa tội, để như Ngài đã sống lại, chúng ta cũng biết đi trong một đời sống mới. Và sau đó ngài thêm: Hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi và sống cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô[31]. Và trong cả hằng ngàn nơi khác ngài lặp lại hai thành phần của bậc sống kitô giáo: đến nỗi, như ta đã nói, bao giờ sự chết cũng phải luôn đi trước sự sống. Và sự chết đó không gì khác là sự hủy diệt hoàn toàn tất cả bản thân chúng ta, để một khi tất cả những gì có chống đối Thiên Chúa trong chúng ta bị hủy diệt, Thần Khí của Người sẽ tự thiết đặt tại đó trong sự tinh ròng và sự thánh thiện của những đường lối Người.
Vậy phải qua sự chết mà vào sự sống kitô giáo. Nhưng phải biết sự chết đó diễn ra bằng cách nào, và Thần Khí của Đức Giêsu thể hiện nó làm sao trong chúng ta.
Chính Thần Khí đó của Đức Giêsu Kitô đặt chúng ta vào cái chết cho tội lỗi. Qua chữ tội lỗi đó, tôi hiểu là tất cả đời sống của xác thịt, mà thánh Phaolô thường gọi là tội lỗi. Và Thần Khí thể hiện trong ta cái chết đó, bằng cách thiết đặt tận đáy tâm hồn ta những nhân đức của Chúa Giêsu Kitô, nghĩa là những nhân đức Ngài đã thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô xét theo tình trạng đầu tiên của Người, tức là trong trạng thái tự hạ và nhục nhã của Người.
Như vậy, chính nhờ những nhân đức thánh thiện mà Thần Khí của Đức Giêsu Kitô đóng đinh xác thịt chúng ta, và làm cho nó chết đi cho bản thân, trong khi thâm tín rằng nếu kẻ nào muốn xây tòa nhà của đời sống thiêng liêng trên một nền móng khác, thì chỉ có ảo tưởng và lầm lẫn trong đó; không bao giờ tòa nhà có được sự vững chắc, nhưng sẽ luôn luôn nghiêng ngã và sẽ đổ xuống ngay trong trận gió đầu của những cơn cám dỗ và chống đối. Sự hãm mình thánh thiện đến từ việc thực hành duy nhất các nhân đức, đó là phiến đá vững chắc trên đó ta phải xây dựng, và không có nó thì không có gì bảo đảm.
(Dẫn nhập…, Chương III)
“Sự hợp nhất chúng ta phải có với Thần Khí của Chúa Chúng Ta để hành động trong sự thánh thiện”.
… thái độ đầu tiên chúng ta phải có trong những việc làm của chúng ta là phải từ bỏ chính mình trong hết mọi tìm kiếm riêng tư.
Điều thứ hai phải làm là thờ lạy Thần Khí của Đức Giêsu Kitô, Ngài đã nâng tâm hồn Người lên với Thiên Chúa trong sự hoàn toàn trong sáng, thánh thiện và công chính rất mực. Ngài nâng Người lên với Thiên Chúa trong mọi ý định thánh thiện nhất và mọi dự tính trong lành nhất có thể được thực hiện. Vì Thần Khí của Thiên Chúa trong linh hồn Đức Giêsu Kitô, dâng lên Thiên Chúa Cha hết mọi vinh dự, mọi lời ngợi khen và tôn vinh Ngài có thể nhận được.
Điều thứ ba phải làm là cầu xin với Thần Khí thần linh đó tràn xuống trong ta những tâm tình sẵn sàng Ngài muốn thiết lập trong ta để làm sáng danh Thiên Chúa.
Sau cùng phải phó dâng bản thân trong Thần Khí đó, để Ngài đưa tâm hồn chúng ta vào những ý định của Ngài trong khi thi hành tất cả công việc ấy, bằng cách tha thiết kết hợp với Ngài trong mọi sự ta phải làm.
Như thế nội tâm của Đức Giêsu Kitô, gồm trong Thần Khí thiên linh của Ngài, làm đầy linh hồn Ngài bằng mọi ý định và tâm tình nhờ đó Thiên Chúa có thể được tôn kính nhờ Ngài và nhờ toàn thể Giáo Hội Ngài, phải luôn ở trước mắt chúng ta như là nguồn suối và mẫu mực cho toàn thể nội tâm của tâm hồn chúng ta.
Hơn nữa phải luôn dâng cho Thiên Chúa nội tâm thần linh này thay cho nội tâm chúng ta, để Ngài dùng nó mà đền vù những tỗi lội của chúng ta.
Còn cần lưu ý thêm rằng sự hợp nhất mà chúng ta phải có với Thần Khí của Chúa chúng ta để sống trong đời sống Kitô giáo, và để hành động trong sự thánh thiện, không cần thiết ta phải cảm thấy trong mình Thần Khí đó, cũng không cần phải nếm được qua kinh nghiệm những tâm tình và ý hướng của Đức Giêsu Kitô; nhưng chỉ cần tự kết hiệp vào đó bằng đức tin, nghĩa là bằng ý chí và ước ao đích thực và chân thành.
Và đó là điều kiện thứ ba của những kẻ theo Chúa chúng ta, phải thường xuyên gắn bó với Thần Khí bằng một ý chí sắt đá luôn luôn giữ vững chúng ta trong bổn phận mình giữa những thập giá và những chống đối, và nâng chúng ta lên với Thiên Chúa, mà không tìm thỏa mãn chính bản thân mình.
(Dẫn nhập…, Chương XV)
PHẦN III
THEO CHIỀU DÀI NHỮNG NGÀY SỐNG
Với kinh nghiệm mục tử, Cha Jean-Jacques Olier đã lo lắng giới thiệu cho các tín hữu những phương thế thực tế để giúp họ cụ thể biến đời sống hằng ngày của mình thành một sự tìm kiếm chủ động sự thánh thiện Kitô giáo đó, mà ngài nhắc lại cho họ ý nghĩa và những đòi hỏi căn bản. Những văn bản lựa chọn cho phần cuối này được mượn hoặc từ những tác phẩm đã được xuất bản của ngài, đặc biệt Ngày sống Kitô giáo (1655) và Giải nghĩa những nghi thức thánh lễ trọng thể trong giáo xứ (1656), hoặc từ những thư tín[32], hay những ghi chép chưa được ấn hành của ngài. Chúng trình bày một tiêu chuẩn giầu ý nghĩa về sư phạm thiêng liêng của cha Olier mà lời nói nhằm giúp những người đã được rửa tội “hành động cách Kitô giáo” nhờ sự thấm nhập liên lỉ giữa lời cầu nguyện và cuộc sống của họ theo chiều dài của mỗi ngày.
KINH BAN SÁNG
để tôn vinh Ba Ngôi chí thánh
Con thờ lạy Chúa, uy nghiêm Cao Cả, con thờ lạy những sự cao sang không thể thấu hiểu được đối với loài người và các thiên thần, chỉ biết được do một mình Chúa, được ngợi khen bởi Ngôi Lời của Chúa, và được yêu mến xứng đáng bởi một mình Thánh Thần của Chúa.
Tự mình con là không, lạy Cha muôn thuở, để tôn vinh Cha cho phải lẽ, con dâng lên Cha mọi bổn phận của Ngôi Lời của Cha nhập thể trên mặt đất này.
Con dâng lên Cha mọi sự trọng kính và tất cả tình yêu của Thánh Thần đang sống trong thân thể của Giáo hội Cha.
Con kết hợp với mọi tâm tình tôn vinh và ngợi khen mà Đức Giêsu Kitô dâng lên Cha thay cho con, và con kết hợp hết lòng vào tất cả những gì mà Thánh Thần làm để sáng danh Cha trong các chi thể của Người.
Lạy Ba Ngôi chí thánh và rất đáng tôn thờ, chỉ một Chúa trong ba Ngôi, xin chấp nhận để trong Đức Giêsu Kitô, môi giới giữa chúng con với Chúa, và nhờ ân sủng của Thánh Thần, con dâng lên Chúa những bổn phận nghèo nàn của con.
Lạy Cha muôn thuở, con thờ lạy Cha như Đấng Tạo Hóa của con; con tôn kính tình yêu và lòng tốt lành vô biên đã kéo sự Cao Cả của Cha nhìn đến sự hư không nghèo nàn này và lưu tâm đến đó để tác thành ra thân mình con.
Lậy Ngôi Lời vĩnh cửu, con thờ lạy Ngài như Đấng Cứu Chuộc con, Ngài vốn ngang hàng với Cha Ngài, đã tự làm cho mình qua Mẹ Ngài nên giống như chúng con, nhận lấy hình thức tôi đòi để sống trong sạch, chết chuốc nha, nhưng rồi sống lại trong vinh quang, giống như Cha Ngài, để dậy chúng con biết học để sống sám hối, chết như tội nhân, hầu sau đó qua sự sống lại bước sang vinh quang của con cái Thiên Chúa.
Lạy Thánh Thần thiên linh, con thờ lạy Ngài như là Đấng Thánh Hóa con, Đấng đã thiêu hủy tội lỗi trong tâm hồn con bằng lửa của tình yêu thánh thiện Ngài, và là Đấng xuống mọi giờ trong nơi dơ dáy tội lỗi này[33] để đổ tràn trong đó đời sống thánh thiện, mà Ngài kín múc trong lòng Chúa Cha và Chúa Con, để nâng con lên tham gia vào sự cả sáng của các Đấng.
Lạy Cha muôn thuở, con tạ ơn Cha, sau khi đã dựng nên con với bấy nhiêu tình yêu, đã giữ gìn con với bấy nhiêu kiên nhẫn giữa những tội ác của con, nhất là đã giữ gìn con trong đêm qua, và đã ban cho con ngày hôm qua để phụng sự Cha và tôn kính Cha.
Lạy Con Thiên Chúa, con cảm tạ Ngài đã ngàn lần kéo con ra khỏi hỏa ngục, nhờ các công việc của đời sống Ngài và nhờ những đau thương của sự chết Ngài, và cho con đáng hưởng mọi ơn lành trong Giáo hội.
Lạy Thánh Thần thiên linh, con cảm tạ Ngài đã muốn trở thành Đấng đem đến bấy nhiêu hồng ân và bấy nhiêu ân sủng trong linh hồn con; và mặc dầu mọi coi thường con đã phạm, Ngài đã luôn đổi mới đời sống của Ngài trong con như vậy.
Lạy Cha muôn thuở, con khẩn xin Cha tha thứ cho con việc sử dụng xấu xa con đã làm về thân xác và tinh thần mà Cha đã ban cho con với biết bao lòng tốt và gìn giữ với biết bao nhân ái.
Lạy Con Thiên Chúa, con xin Ngài thứ tha vì con đã thâu lượm được quá ít kết quả từ những gương sáng thánh thiện trong đời Ngài, từ những lời khuyên trong Phúc Âm thánh của Ngài và những ân sủng trong mọi bí tích của Ngài.
Lạy Thánh Thần thiên linh, xin tha thứ cho con mọi khinh khi con đã phạm đối với những ơn cảm hứng, ơn soi sáng của Ngài và những tiếng quở trách mà Ngài đã vui lòng gợi lên trong lương tâm của con.
Lạy Cha muôn thuở, con kêu xin Cha thương xót tha thứ mọi tội con đã phạm vì yếu đuối.
Lạy Con Thiên Chúa, con xin Ngài tha thứ mọi tội con đã phạm vì thiếu hiểu biết.
Lạy Thánh Thần thiên linh xin thương tha thứ những tội con đã phạm vì ác ý.
Lạy Cha muôn thuở, xin tha thứ mọi tội lỗi con đã phạm bằng việc làm;
Lạy Con Thiên Chúa, xin tha thứ mọi tội lỗi con đã phạm do lời nói;
Lạy Thánh Thần thiêng linh, xin tha thứ mọi tội lỗi con đã phạm do tình cảm.
Lạy Cha muôn thuở, con dâng lên Cha mọi việc làm trong ngày hôm nay.
Lạy Ngôi Lời vĩnh cửu, con dâng lên Ngài mọi tư tưởng và mọi lời nói của con.
Lạy Thánh Thần Thiên Chúa, con hiến dâng Ngài mọi tình cảm của tâm hồn con.
Lạy Cha muôn thuở, con từ bỏ mọi sự hài lòng về những việc con làm.
Lạy Ngôi Lời vĩnh cửu, con lên án mọi sự hư vô của lời nói và mọi sự vô ích của tư tưởng con.
Lạy Thánh Thần thiêng linh, con chê ghét mọi thái quá trong đam mê và mọi tháo thứ trong tình cảm tự nhiên của con.
Lạy Cha muôn thuở, con tách mình ra khỏi mọi sự tín cẩn con đặt nơi đức hạnh của con, và con phó mình cho Cha để đặt con vào trong đức hạnh của Cha.
Lạy Con Thiên Chúa, con lên án mọi sự tự phụ của tinh thần con, và phó dâng mình con cho Ngài để được bước vào sự khôn ngoan duy nhất của Ngài.
Lạy Thánh Thần thiêng linh, con từ bỏ mọi hướng chiều của con, để bước vào những ước muốn sự thánh thiện mà Ngài ban cho các linh hồn lành thánh.
Lạy Cha muôn thuở, con đặt trọn niềm tin của con trong Cha.
Lạy Con Thiên Chúa, Ngài là niềm cậy trông của con.
Lạy Thánh Thần thiên linh, Ngài là tình yêu của con.
Lạy Cha muôn thuở, xin hãy nên sự trọn lành của linh hồn con.
Lạy Con Thiên Chúa, xin hãy nên ánh sáng cho linh hồn con.
Lạy Thánh Thần thiên linh, xin hãy điều khiển mọi cử động của linh hồn con.
Lạy Cha muôn thuở, một ngày kia Cha sẽ là tất cả niềm hạnh phúc của con.
Lạy Con Thiên Chúa, Ngài sẽ là chân lý của con.
Lạy Thánh Thần thiên linh, Ngài sẽ là sự sống của con,
Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần.
(Ngày sống Kitô giáo)
NGUYỆN GẪM CÁCH NÀO
Phương pháp mà Chúa chúng ta dậy cho các môn đệ Ngài chỉ được ban bố khi thiếu những sự săn sóc đặt biệt hơn của Thánh Thần, Đấng dẫn dắt con cái Người trong việc cầu nguyện.
Khi Người cầm giữ họ trong sự bỏ rơi, và họ không biết phải theo đường lối nào, thì họ thấy mình bị cản ngăn rất lớn trong thời gian đó, nếu họ không được giữ lại và điều chỉnh do một kiểu mẫu thánh thiện dẫn dắt họ.
Chúng tôi đề nghị nơi đây một kiểu mẫu dễ dàng, và nó hợp với chính ý định của Thiên Chúa Cha, trước đây được diễn đạt trong sách Luật. Nó cốt tại việc có Chúa chúng ta trước mắt, trong tâm hồn và trong tay. Chính như vậy, mà theo lệnh của Thiên Chúa, người Do thái phải mang theo Luật. Erunt verba haec in corde tuo. Et ligabis ea quasi signum in manu tua, eruntque et movebuntur inter oculos tuos[34] (Những lời nói đó sẽ phải ở trong tâm hồn ngươi. Và ngươi phải buộc nó như dấu hiệu vào tay ngươi, nó phải ở và cử động trước mắt ngươi).
Kitô giáo gồm trong ba điểm này, và tất cả phương pháp nguyện gẫm gồm trong đó: tức là, nhìn ngắm Chúa Giêsu, kết hợp với Chúa Giêsu và hành động với Chúa Giêsu. Điểm nhất đưa đến lòng kính trọng và đạo đức; điểm hai đưa đến sự kết hợp hay hiệp nhất với Ngài; điểm ba, đưa tới hành động, không phải riêng lẻ, nhưng kết hợp vào sức mạnh của Chúa Giêsu Kitô, mà ta đã kéo xuống trên mình nhờ lời cầu nguyện. Điểm đầu gọi là Thờ lạy; điểm hai là Hiệp thông; điểm ba là Cộng tác.
Vậy, để có thể áp dụng dễ dàng kiểu tập luyện này vào mọi nhân đức, chúng tôi chỉ dẫn ra ở đây một kiểu mẫu về nhân đức thống hối.
ĐIỂM THỨ NHẤT
HÃY CÓ CHÚA CHÚNG TA Ở TRƯỚC MẮT
Nghĩa là, ngắm nhìn với lòng trọng kính Chúa Giêsu Kitô thống hối về tội lỗi chúng ta. Hãy tôn kính trong Ngài Thần Khí thánh của sự thống hối, đã sinh động Ngài trong suốt cuộc sống của Ngài, và sau đó đã đầy tràn tâm hồn của mọi tội nhân thống hối của Giáo hội.
Hãy giữ mình trong thái độ cung kính và tôn trọng đối với một điều thần thiêng và thánh thiện đến thế; và sau khi tâm hồn chúng ta đã tràn trề trong tình yêu, trong lời ngợi khen và trong các bổn phận khác, hãy ở lặng thinh trong một thời gian trước nhan Ngài, trong cùng những dự định và tâm tình đạo đức tận đáy tâm hồn chúng ta.
ĐIỂM THỨ HAI
HÃY CÓ CHÚA CHÚNG TA TRONG LÒNG
Sau khi đã tôn kính Chúa Giêsu Kitô và Thần Khí thống hối thánh của Ngài như vậy, chúng ta sẽ để một thời gian để than thở với Thần Khí thiên linh đó. Ta sẽ cầu xin Thần Khí đó, vì chỉ mình Người mới có thể làm ra một trái tim mới và tạo nên một tâm hồng thống hối, khứng ngự xuống trong chúng ta. Chúng ta hãy khẩn khoảng này xin Người, bằng mọi sáng kiến của tình yêu, vui lòng đến trong linh hồn chúng ta để làm cho chúng ta trở nên giống như Đức Giêsu Kitô thống hối, bằng cách tiếp tục trong ta sự thống hối Ngài đã bắt đầu nơi Ngài, và phải mang lấy phần và lường đáng phải chịu đối với một thân xác đầy tội lỗi như thân xác chúng ta.
Chúng ta dâng mình cho Ngài để có thể có và được sinh động bởi dũng lực của Ngài; sau đó chúng ta ở lặng một thời gian bên cạnh Ngài, để mình được thấm nhuần nội tâm bằng việc xức dầu thiên linh của Ngài, hầu tùy hoàn cảnh Ngài đưa dẫn chúng ta thực hiện một việc hãm mình nào đó theo ý Ngài muốn.
ĐIỂM THỨ BA
HÃY CÓ CHÚA CHÚNG TA TRONG TAY
Điểm thứ ba trong việc nguyện gẫm là mang Chúa chúng ta trong tay, nghĩa là muốn cho thánh ý Ngài được chu toàn nơi ta, là những chi thể Ngài, phải tuân phục Thủ lãnh của mình, và không được có hoạt động nào ngoài hoạt động Đức Giêsu Kitô là sự sống và là mọi sự của chúng ta ban cho; trong khi Ngài đổ đầy tâm hồn chúng ta bằng Thần Khí của Ngài, bằng dũng lực và sức mạnh của Ngài, Ngài phải thực hiện trong chúng ta và qua chúng ta tất cả những gì Ngài muốn.
Ngài là Mục Tử trong các mục tử; là Linh Mục trong các linh mục; Tu Sĩ trong các tu sĩ; Hối Nhân trong các hối nhân; và qua họ Ngài phải thể hiện những công việc theo ơn gọi của họ; vậy Ngài phải thể hiện trong chúng ta những kết quả của việc thống hối; và chúng ta phải luôn ở trong Thần Khí đó bằng một sự cộng tác trung thành vào mọi sự Ngài muốn làm trong chúng ta và thể hiện qua chúng ta. Như vậy, trong việc thực hành thứ ba, chúng ta phó mình cho chính Thần Khí mà chúng ta đã kéo xuống trên chúng ta trong điểm thứ hai, để thể hiện qua Ngài trong suốt chiều dài của ngày sống những việc sám hối, mong không ngừng sống trong Ngài, bởi chính vì nhằm điều đó mà chúng ta đã ước mong trong giờ nguyện ngắm. Và không những chúng ta chỉ phó mình cho Thần Khí thiên linh ấy để thể hiện trong Ngài những công việc sám hối, mà ngoài việc kết hợp với Ngài không thể nào có được, nhưng hơn nữa chúng ta sẽ hoàn toàn phó dâng mình cho Ngài, hầu Ngài thể hiện trong chúng ta và do chúng ta mọi điều Ngài muốn để làm thỏa lòng Thiên Chúa.
Vậy, để làm sáng tỏ hơn phương pháp này, và để dùng nó dễ dàng hơn trong các nhân đức khác, mà người ta cũng phải nói như vậy về sự thống hối, cần phải biết rằng người ta chỉ có thể thống hối trong Chúa chúng ta là kẻ thống hối duy nhất của cả Giáo hội, nhưng tràn lan trong linh hồn và trong tâm trí của mọi hối nhân là những kẻ phải rên xiết và đau khổ trên đời này để làm hài lòng Cha Ngài[35].
(Dẫn nhập…, Chương IV)
THEO GƯƠNG ĐỨC MARIA
Lạy Chúa Giêsu sống trong lòng Mẹ Maria,
trong vẻ thẩm mỹ các nhân đức của Chúa,
trong tuyệt đỉnh quyền năng của Chúa,
trong những phú quý huy hoàng
đời đời và thiên linh của Chúa,
xin hãy cho chúng con được tham phần
vào sự thánh thiện chỉ dành riêng cho Chúa;
xin thông hiệp chúng con vào lòng nhiệt thành
Mẹ luôn có đối với Giáo hội của Mẹ;
sau hết xin dùng chính bản thân Chúa
mặc cho toàn thể chúng con
hầu nên không trong mình,
chúng con chỉ sống nhờ Thần Khí Chúa
như Mẹ
cho vinh danh Cha Ngài.
Amen.
(Thủ bút)
HIỆP LỄ THÁNH
(Rước lễ)
[…] Đây là ý định của Chúa chúng ta trong việc nhân thừa thân mình Ngài, và ban cho Giáo hội được hiệp thông vào đó: có bao nhiêu thân thể, bao nhiêu miệng lưỡi, bao nhiều tâm hồn, thì có bấy nhiêu người trong Giáo hội, để hiến mình trong họ cho vinh quang của Chúa Cha, để thờ lạy, yêu mến và làm sáng danh Người, trong bất cứ nơi đâu trên thế giới mà vẫn luôn có các tín hữu, để như thế phổ biến tình yêu và lòng phụng thờ[36] của Ngài trên mọi miền trái đất; để trải rộng khắp hoàn cầu, và sau cùng để làm cho cả thế giới[37] thành một Giáo hội, mọi người thành một vị thờ phượng, mọi tiếng nói của họ thành một lời ngợi khen, mọi con tim của họ thành một lễ hy sinh trong Ngài, Đấng là người thờ phượng toàn vũ và duy nhất của Thiên Chúa Cha Ngài.
[…] Và đây, điều kỳ diệu lớn lao của việc hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô hệ tại điều gì, kho báu lớn lao mà linh hồn ta nhận được trong đó: Ngài hiệp thông chúng ta vào nội tâm và những cảm tình thánh thiện của Ngài. Kỳ diệu thay linh hồn chúng ta được thông phần vào chính sự thánh hóa bản thân mà Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta dâng lên cho Cha Ngài! Kỳ diệu thay chúng ta được vào hiệp thông với hành động thánh thiện đáng ngưỡng mộ đó! Chúng ta phải hiến dâng gì để thành của lễ của chúng ta, nếu muốn nó được dâng trong cùng một tinh thần và trong cùng những tâm tình như Chúa chúng ta! Ta phải gắn bó biết mấy với Thiên Chúa! Ta phải thường xuyên phấn khởi biết bao! Phải hiến dâng thế nào! Yêu mến làm sao! Đời đời kiên vững cách nào! Ồ kìa! Thiên Chúa ước ao điều đó, Thiên Chúa muốn điều đó, Thiên Chúa ban Con của Người để làm điều đó, Thiên Chúa hiệp thông ta vào Thần Khí của Đức Giêsu Kitô, vào nội tâm của Ngài, vào việc Ngài sẵn sàng nên lễ hy sinh, vào hành động đặc biệt đó để dâng hiến cho Thiên Chúa. Vậy tại sao chúng ta lại không làm việc đó? Tại sao ta lại không để mình thấm nhập vào Đức Giêsu Kitô để đi vào trong những tâm tình của Ngài?
(Giải thích các nghi thức…, Chương III)
CHÚA KITÔ, BÁNH HẰNG SỐNG
Phải coi nhiệm tích rất thánh bàn thờ không phải như một tấm bánh chết, nhưng như một tấm bánh sống động: Ta là bánh hằng sống[38]. Không được chỉ xem bánh thánh đó như là để thánh hóa linh hồn chúng ta và ban cho nó tăng thêm một vài ân sủng… Nếu chỉ có vậy, thì chỉ là thông hiệp vào ân sủng của Chúa Giêsu Kitô thôi, chứ không phải là thông hiệp vào Chúa Giêsu Kitô trong chính bản thân Ngài, Đấng nói trong thánh Gioan[39], theo lời giải thích của thánh Hilariô rằng Ngài thông hiệp chúng ta vào toàn thể bản thân Ngài, cũng như Cha Ngài thông hiệp Ngài vào tất cả những gì Người là…
Linh hồn được kết hợp với Chúa Giêsu Kitô và lãnh phần trong đời sống Ngài, thì được tham dự vào tình yêu của Ngài đối với Thiên Chúa và tha nhân; nó đươc tăng thêm đức bác ái đối với Thiên Chúa và toàn thể Giáo hội Người. Điều gì trước đây trong Chúa Giêsu Kitô là riêng lẻ nay trở thành của chung với ta, khiến cho đời sống đó của Chúa Giêsu yêu thương các linh hồn, sinh động tâm hồn chúng ta, làm giãn lồng ngực chúng ta ra, khiến chúng ta phải hăng hái nhận lấy những nhu cầu của Giáo hội, và linh hồn trước đây biếng nhác đối với anh em mình, nay trở thành hăng hái trong Ngài.
Và vì Ngài là bánh hằng sống và cũng làm cho sống, Ngài đi vào trong ý định của kẻ Ngài làm cho sống và nuôi dưỡng, Ngài xem nhu cầu và những ao ước của họ; Ngài nuôi dưỡng kẻ nào ước ao đời sống, Ngài tăng cường lòng thèm muốn kêu cầu Ngài và ước ao Ngài, Các lữ hành Emmau đã được soi sáng bởi Chúa Giêsu Kitô khi hiệp thông với Ngài[40]. Vì bản tính của ánh sáng là soi chiếu tối tăm. Linh hồn chúng ta đều bị bao phủ bởi sự dốt nát; Chúa Giêsu Kitô soi sáng chúng ta khi đến trong linh hồn chúng ta, Ngài khám phá thấy những nhu cầu của anh em chúng ta, Ngài làm cho chúng ta hiểu sự khốn khó của tình trạng họ, và đánh động chúng ta về lòng trắc ẩn và thương cảm đối với linh hồn họ.
Chúa Giêsu Kitô, Đấng làm cho linh hồn chúng ta lớn lên trong đời sống của Ngài nhờ vào việc hiệp lễ, làm cho chúng ta thông phần vào điều Ngài làm trong nội tâm mình, thờ lạy, ngợi khen, chúc tụng sự cao cả của Thiên Chúa Cha Ngài và cầu xin không ngừng cho những nhu cầu của Giáo hội Ngài. Sự thờ phượng đầu tiên là ở nơi Chúa Giêsu Kitô và căn cứ trong sự tràn đầy tận đáy tâm hồn thiên linh của Ngài, Đấng là kẻ phượng thờ duy nhất và đích thực của Thiên Chúa Cha của Ngài và là Đấng sáng lập oai nghiêm của Kitô giáo; Ngài thiết lập tôn giáo của Ngài dưới đất để tham dự vào tôn giáo của Ngài, và nếu có một kẻ phượng thờ chân thật, thì là do tham dự vào việc thờ lạy và ngợi khen riêng của Ngài; nếu có một người cầu nguyện đích thực thì là do tham dự và thông hiệp vào lời cầu nguyện của Ngài. Đến nỗi kiệt tác của sự trọn lành nơi chúng ta và của việc chúng ta tôn thờ, là đi vào sự hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô, Đấng làm cho nội tâm Ngài và nội tâm chúng ta cùng trở nên một nhờ được thông phần. Điều đó được thực hiện nhờ phép Thánh Thể, điều mà mọi Giáo phụ nói là việc thông hiệp vào nhiệm tích này là việc hoàn thành cuối cùng của chúng ta. Bởi vì việc thờ phượng của Chúa Giêsu Kitô ở đó trở thành việc thờ phượng của chúng ta, và lời cầu nguyện của Ngài thâm nhập nội tâm chúng ta làm cho nó cầu nguyện bằng lời cầu nguyện của Ngài.
(Thư 293, éd.1935, t. II, tr.121-125)
“HÃY LÀM MỌI VIỆC VỚI CHÚA GIÊSU KITÔ”
Con hãy tập cho quen làm mọi việc trong sự kết hợp với Chúa Giêsu Kitô; vì tất cả những gì ở bên ngoài Ngài và ngoài các công trạng của Ngài đều vô giá trị. Và để làm điều đó hãy tập quen nhận biết rằng con là không, rằng con chẳng có công trạng gì, rằng con chỉ là tội lỗi, tự mình bất xứng có thể làm đẹp lòng Thiên Chúa bằng bất cứ một việc gì của con; rằng con chỉ có thể đáng được nhận trước mắt Người như là được che phủ bởi chính Đấng Cứu Chuộc đáng mến mà con đã được trở thành chi thể sống động nhờ phép Rửa tội, và được sinh động bởi chính Thần Khí thiên linh, Đấng dẫn dắt và cai quản cả thân thể Giáo hội mà con là một thành phần; và chính là như thế mà con phải tự trình diện với Thiên Chúa để có thể khả kham trước sự Cao Cả của Ngài.
Nhất là khi con đến trình diện vào giờ cầu nguyện (nguyện gẫm), con hãy khẩn xin Ngài nhìn con như con của Ngài, như là chi thể bổ túc của Chúa Con mà nhờ công nghiệp con đã được che phủ với danh nghĩa đó. Con hãy buông mình trong đó cho Thần Khí của Giáo hội, chỉ mình Ngài mới biết phải cầu nguyện thế nào, điều mà con không biết, để Ngài dẫn dắt con, và trong khi giúp đỡ sự yếu hèn của con, Ngài làm cho con biết cầu nguyện. Thần Khí của Giáo hội đó là Thần Khí của Chúa Giêsu Kitô, Ngài cũng là một trong các chi thể và trong đầu. Đó chính là Thánh Thần mà Thiên Chúa đã ban cho các tín hữu để dẫn dắt họ trong lời cầu nguyện và trong mọi việc họ làm, như là nguyên lý của mọi sự thánh thiện, thiếu nó họ không thể làm gì có thể hài lòng Thiên Chúa. Vậy phải làm mọi sự trong bản thân Chúa chúng ta, như là chi thể của Ngài, như được kết hợp với Ngài, như chỉ làm thành một với Ngài, như được mặc lấy chính Ngài. Cũng còn phải phó mình cho Ngài để làm mọi sự nhờ Thần Khí của Ngài và nhờ dũng lực thánh của Ngài. Như thế khi con uống, khi con ăn, khi con ngủ, cũng như khi con cầu nguyên, hay con làm bất cứ điều gì khác, con hãy luôn làm như vậy, bằng cách làm theo những phương châm, trong những tâm tình sẵn sàng, trong những nhân đức và trong chính Thần Khí của Chúa chúng ta. Bởi vì chính đó là điều người ta gọi là hành động theo Kitô giáo.
(Thư 44, éd. 1935, T. I, tr. 93-94)
KHI NGHE TIẾNG CHIM HÓT
Lạy Thiên Chúa của con, con thờ lạy Chúa, là sự sống của mọi sự.
Chúa là sự sống của cây cối và của chim chóc; sản nghiệp sự sống vô biên của Chúa tràn lan trên tất cả những gì sống động.
Sự sống của Chúa được diễn đạt với một vài vẻ đẹp trong các cây cối, nhưng chúng con thấy nó trọn hảo hơn nhiều trong các thú vật của Chúa. Chúa đã ban cho chúng một vài cấp sống đầy đủ hơn và trọn hảo hơn đối với các sự khác trên mặt đất này.
Những chim chóc kia, ôi lạy Thiên Chúa của con, trong tiếng hót của chúng, diễn đạt một điều gì đó của Chúa làm con rất ngưỡng mộ.
Nào chẳng phải, lạy Thiên Chúa của con, Chúa hoàn toàn sung túc tự bản thân mình, chấp hữu được sự bình an của Chúa, và nhìn thấy những vẻ đẹp và thiện hảo của Chúa, Chúa thật là hạnh phúc sao? Ôi lạy Thiên Chúa của con, Chúa ở trong một mối toàn phúc, trong một sự phúc lộc và một sự hoan hỉ trường tồn.
Tất cả những chim chóc này, lạy Thiên Chúa của con, chẳng diễn đạt gì khác trong tiếng hót của chúng, ngoài niềm hoan hỉ của trái tim và sự vui mừng của tâm hồn chúng, khi nhìn thấy những vẻ đẹp trong thiên nhiên, và mặc sức vui hưởng sự trong sáng và sự êm dịu của mùa này.
Chúng chẳng hót trong đêm tối hay trong mùa đông, vì những thời gian đó không được chỉ định để diễn đạt đời sống thần linh của Chúa và những vẻ đẹp của yếu tính Chúa.
Các thiên thần trong tiếng hát của các ngài, Giáo hội trong tiếng hát của mình, diễn đạt niềm hoan hỉ của Thánh Thần Chúa trong đời sống thiên linh của Chúa.
Những hành động của Thánh Thần trong chúng con là những sự tham dự vào những hành động nội tại của Thiên Chúa trong chính Người, mà lòng thiện hảo của Người làm cho cảm nghiệm được trong chúng con, để diễn đạt ra bề ngoài điều gì đó của cuộc sống và các hoạt động nội tại của Người. Chính vì vậy mà đôi khi các linh hồn thấy mình được thông phần vào các mối hoan hỉ thiêng liêng đó, đã làm phát sinh nơi các vị thánh lớn những bài thánh ca vui mừng: In cymbalis jubilations[41]. Chúng chỉ là những cách diễn đạt nhẹ nhàng niềm hoan hỉ bao là và vĩnh cửu mà Thiên Chúa luôn luôn vui hưởng trong hạnh phúc của Người.
Chính đó, lạy Chúa, là một sự hoan hỉ tuyệt diệu, được diễn đạt bởi các thánh trên trời và dưới đất, các vị được Chúa chiếm hữu và Chúa thấm nhập, và được cho thông phần vào những hành động của Chúa và những hiệu quả của đời sống hạnh phúc của Chúa.
Thương thay! lạy Đấng Chí Tôn, làm sao các chim chóc này vui hưởng đời sống của Chúa theo cách thức của chúng, còn loài người, vì tội lỗi của họ, lại thấy mình bị tước đoạt mất hạnh phúc của Ngài? Phải chăng, lạy Chúa, chúng sống trung thành với ơn gọi của chúng, hơn là chúng con với ơn gọi của mình?
Ôi ơn gọi đáng thán phục! Ôi ơn gọi thánh thiện! Chúng con được gọi để tham dự vào bản tính thần linh, divinoe consorter naturoe[42], mà chúng con lại chỉ muốn là những kẻ sống bằng đời sống của thú vật.
Thiên Chúa đã ban cho chúng ta chiếm hữu được mọi sự sống trong thiên nhiên; Người còn ban cho ta cả sự sống các thiên thần, và không bằng lòng về việc đó, Người muốn ban cho chúng ta tham dự vào đời sống thần linh của Người.
Thiên Chúa đã ban mọi sự sống đầu tiên đó để làm cho chúng ta khinh miệt chúng, và để làm cho chúng ta cảm thấy sự tuyệt hảo của đời sống sau cùng, để hy sinh cho Người những đời sống khác.
Thiên Chúa đã thực sự ban cho chúng ta lý trí, là một đời sống mà Người cho chúng ta cầm giữ lệ thuộc và khuất phục dưới đức tin. Nếu người muốn rằng chúng ta khinh dể nó bên cạnh đức tin, thì chúng ta còn phải khinh dể biết mấy mọi đời sống khác và những công việc của chúng nơi chúng ta?
Lạy Thiên Chúa của con, con chỉ còn bận tâm đến đời sống thánh thiện, nội tâm và thiên linh của Người thôi: lạy Thiên Chúa của con, mọi sự khác đối với con đều chỉ là tạm bợ và hư nát; tất cả đối với con đều là giả trá, sai lầm và ảo tưởng; tất cả đối với con đều là không trong Chúa.
(Ngày sống Kitô giáo)
“MỘT SỰ SỬ DỤNG THÁNH THIỆN MỌI CUỘC GẶP GỠ”
Hỡi con, Cha biết rằng tinh thần con khao khát sự trong sạch và thánh thiện; nhưng phải làm điều đó trong Chúa Giêsu Kitô chứ không phải trong chính mình con; phải tới đó bằng những đường lối của Thiên Chúa chứ không phải bằng những cái nhìn mà con có thể nghĩ ra. Những ý định của Thiên Chúa thì vô cùng cao cả trên những ý định của con, và những phương thế Người muốn dùng thì hoàn toàn khác với những phương thế con có thể tưởng tượng ra. Cũng phải biết phó thác cho những phương thế Người muốn dùng trên con để thánh hiến con, như những ý định Người có trên con và trên mọi linh hồn Người đã chọn trong cung thánh lời chỉ bảo của Người, […]
Nhân danh Thiên Chúa, hỡi con, hãy chết đi đối với những cái nhìn, những luật lệ và những cách thức con tưởng tượng ra để trở nên như lòng Thiên Chúa. Chỉ còn phải phó thác trong tay Người và ước ao sống trung thành biết sử dụng cách thánh thiện mọi cuộc gặp gỡ, mọi cơ hội và mọi chỉ dẫn của Chúa Giêsu Kitô trên con, luôn luôn có một trái tim tự hủy trong chính bản thân, tự làm trống rỗng hết mọi ước muốn riêng tư, và tẩy trừ tinh thần con khỏi mọi sự phân tích và ánh sáng riêng, để đặt mình vào trình trạng được đổ tràn ánh sáng của Con Thiên Chúa và những ý muốn của Người, như thế là chuẩn bị nội tâm của con cho mọi nhân đức Kitô giáo, mà con không ngừng phải khao khát đạt tới.
Con rất yếu dấu của cha, chúng ta hãy bước đi trên những con đường đơn sơ, khiêm tốn, mà chẳng ai biết. Chúa cúng ta lập Vương quốc của Ngài như vậy đó. Những bước đi của Ngài, hỡi con, không phải như bao nhiêu người vẫn tin lúc này, là viết ra những cuốn sách khổng lồ và thông thái lợi khẩu để nói rằng phải bước đi theo đường này hay theo đường nọ. Hỡi con, không có linh hồn nào mà lại không có đường đã được Thiên Chúa chuẩn bị cho nó mà ta lại chẳng phải thờ lạy cách thẳm sâu trong lặng thinh, để phục tùng trong đó cách đặc biệt như Thiên Chúa muốn.
Nhân danh Thiên Chúa, con ơi, hãy yêu mến chỉ một Tình Yêu Ngài thôi, Hãy yêu Lang Quân của lòng con, Đấng cho tới nay đã dẫn dắt con qua những lối đi và đường nẻo của Ngài. Hãy thuộc về Ngài, con ơi, theo kiểu Ngài muốn, và Ngài sẽ không để lỡ cơ hội tỏ mình hoàn toàn cho con đâu […]
Vậy con hãy nắm vững điều đó, thuộc về Chúa Giêsu Kitô và sống trong Ngài, trong các nhân đức và trong ân sủng của Ngài. […]
(Thư 177, gửi bà Hầu tước de Porter, éd. 1935, T.I, tr. 441-443.)
TRONG NHỮNG CÔNG VIỆC THẾ SỰ
Thưa Bà, tôi cầu xin Chúa chúng ta, trong Mẹ thánh của Ngài, tuyệt đối chiễm hữu tâm hồn bà đến độ lúc nào Ngài cũng để bà chỉ nghĩ hoặc muốn điều Ngài nghĩ và muốn trong bà thôi. Tôi hy vọng từ nay Ngài sẽ không cho phép tinh thần riêng của bà làm bà lẩn tránh khỏi đường lối và những ý định Ngài có trên bà trong mọi thời khắc của đời sống bà. Bà phải tiếp tục điều bà đã khởi sự, mặc dầu miệng thế gian nói gì đi nữa, bởi vì Chúa chúng ta đòi bà làm điều đó.[…]
Bà cũng có thể quyết định không ngần ngại điều bà đã đề nghị với tôi, nếu bà có những đề án bên ngoài đáp lại những thôi thúc bề trong của Thánh Thần. Nhưng […] người ta đã cho tôi biết rằng Chúa Quan phòng đã khơi dậy một vài người muốn đến trình diện để bao thầu công trình. Nếu thật vậy, thì phải vui mừng vì họ có tất cả vinh dự. Thiên Chúa làm mọi sự rất tốt đẹp và để sáng danh Ngài hơn. Miễn sao những ý định của Ngài được hoàn tất và việc phụng sự Ngài được thành đạt, bởi ai, điều đó có quan trọng chi? Chúng ta luôn phải an ủi mình rằng điều đó là do người khác hơn là do chúng ta là những kẻ bất xứng nhất và bất trung nhất trong mọi người. Chỉ cần là mọi sự được làm trong chân lý của giáo thuyết và trong sự hoàn hảo của đức ái. […]
Ta phải bằng lòng đáp lại ơn gọi thánh thiện của ta với lòng khiêm nhường và ở trung thành với điều xem ra Thiên Chúa muốn nơi chúng ta. Chúng ta có thể rất cởi mở đối với những gì là tốt và có tâm hồn sẵn sàng để đi khắp toàn cầu cũng như thánh Phaolô; nhưng chỉ cần chúng ta nhận lấy việc lành Ngài chỉ định cho chúng ta qua Thánh Thần của Ngài, và trung thành gắn bó vào đó. […].
Về những của cải bà hiện có, đừng nghĩ nhiều đến việc giải tỏa chúng đi cho bằng phải có tinh thần khó nghèo ngay giữa việc sở hữu chúng. Đó là điều bà phải đặc biệt cầu xin với Chúa Chúng Ta, như là một trong những nhu cầu lớn nhất trong bậc sống của bà hiện nay. Vì Thiên Chúa không gọi bà làm nữ tu, và vì bà không thể sống ngoài đời mà không có của cải gì, nên bà phải dùng đến những của Thiên Chúa ban cho bà. Nhưng bí quyết lớn là phải dùng chúng mà không gắn bó với chúng, và mặc dầu ta sở hữu chúng, ta vẫn giữ lòng ghét bỏ và khinh chê chúng. Đó là điều Chúa chúng ta đòi buộc bà trong nghề nghiệp của bà; bởi vì những của cải và những tiện nghi trong đời sống không phải được làm ra để chiếm hữu chúng ta; và chúng ta cũng không được coi chúng là những đối tượng phải chiếm đoạt tâm hồn chúng ta, nơi chỉ mình Thiên Chúa mới đáng chiếm hữu; nhưng chúng không phải được làm ra, cũng như mọi sự trên mặt đất này, chỉ để được hưởng thụ. (Theo lời) thánh Augustinô […] “thế giới được làm ra để phục vụ chúng ta, và Thiên Chúa để an ủi chúng ta”. Chính Chúa chúng ta đã coi sự hưởng thụ mọi sự đó thật đáng khinh bỉ và quá gây phiền nhiễu đến nỗi Ngài đã chẳng coi chúng xứng đáng tới gần Ngài. Ngài dùng chúng trong những cuộc gặp gỡ, dùng chúng theo nhu cầu, những không hề chiếm hữu gì, cho dầu đúng ra mọi sự là của Ngài và chính Ngài mới là chủ. Đó là cách bà phải sống giữa những của cải Thiên Chúa ban cho bà, chỉ dùng chúng theo nhu cầu, nhưng coi chúng quá hèn hạ và quá đê tiện làm cho bà phải nghĩ chúng bất xứng chiếm được lòng yêu mến của bà. Một trái tim được sinh ra cho Thiên Chúa không được tự hiến mình cho những sự hèn hạ như vậy. […]
(Thư 379, gửi một bà lo việc từ thiện, éd. 1935, T. II, tr.310-313)
MỌI SỰ CHO MỘT MÌNH THIÊN CHÚA
Con rất yếu dấu của cha, cha chào con dịp con trở về trong sự bình an và trong niềm vui của Con Thiên Chúa […]
Đấng đã làm tràn đầy lòng Chúa Cha từ muôn thuở, và còn làm tràn đầy mãi mãi, muốn làm cho chính mình nên sự tràn đầy của linh hồn con; và Ngài, Đấng làm thỏa mãn mọi vị thánh trên trời và làm cho các vị thấy hạnh phúc vì chiếm hữu được Ngài, muốn đến trong con để chiếm đoạt hoàn toàn trái tim của con. […] Vậy chớ gì Ngài sống, Ngài cai trị và Ngài toàn thắng muôn đời nơi toàn thể bản thân con!
Cha khuyên con hãy chỉ tìm làm đẹp lòng Ngài và làm Ngài hài lòng trong mọi sự; bởi vì Ngài muốn nâng con dậy và đưa con lên với Thiên Chúa trong mọi sự, hầu con không còn tìm bản thân mình nữa cùng không tìm sự thỏa mãn riêng tư, nhưng chỉ hành động để tìm vinh quang của Cha Ngài. Ngài phát ghen vì danh dự của Thiên Chúa và Ngài chỉ đến trong ta để tìm kiếm vinh quang cho Người thôi. Vậy con đừng tìm gì khác ngoài điều gì đó trong những hành động của con; và khi con muốn bắt đầu một hành động nào, hãy cẩn thận coi chừng để xem nếu thật con không hề định làm việc đó cho con và để thỏa lòng con.
Một trong những phương thế sẽ làm con phân biệt con làm những việc đó cho ai, là nhìn xem cách đơn giản và thành thực cái lý do mà con có trong tâm trí khi thi hành chúng và lưu ý nếu cùng một lý do cứ trở lại luôn trong khi hành động; vì nếu con làm việc đó cho Thiên Chúa, thì lòng ước ao sự cả sáng của Người sẽ hiện diện ở đó, con sẽ luôn dễ dàng nhìn thấy được, nó sẽ tự đến với con không cần tìm tòi nhiều. Trái lại, nếu con hành động cho mình hoặc cho một thụ tạo nào khác, con sẽ luôn nghĩ đến mình trong lúc hành động, hoặc nghĩ đến người vì họ mà con đã quyết định về hành động của con.
Một phương thế thứ hai để biết nếu vì Thiên Chúa mà con hành động là nghiệm xét nếu con chạy đến nhiều với Ngài, và nếu con có sự tín thác lớn trong đó; bởi vì nếu có thế, thì là một dấu hiệu rằng con hành động cho Ngài; còn như trái lại, thì sẽ là một bằng chứng rằng con hành động cho bản thân con nếu, thay vì cậy tựa vào Thiên Chúa con chỉ tìm những sáng kiến của riêng trí óc con để các việc được thành công; nếu con hăm hở và bối rối; nếu con bị giao động và lo lắng khi chúng không được thành công theo những ước vọng của con. Sự lo lắng, sự hăm hở và sự bối rối là những dấu hiệu có tính ích kỷ trong đó, hoặc trong ý hướng của công việc, hoặc trong việc thực hiện nó; đó là ngược lại với sự đòi buộc người kitô hữu, kẻ chỉ phải hành động cho Thiên Chúa và trong Thiên Chúa thôi, nghĩa là trong Thánh Thần của Ngài, nhờ uy lực và ân sủng của Ngài.
Nếu con muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa, con phải chú ý rất nhiều vào điều này […] Con hãy dâng toàn thân cho Chúa chúng ta để sống trong Ngài cho vinh quang của Cha Ngài. Cũng hãy phó thác mình cho Thần Khí thiên linh, như cha đã dậy con, để được mặc lấy Người, nghĩa là mặc lấy những tâm tình, những tư tưởng và toàn thân của Người. Hãy theo sát những hành động của Thần Khí đó, Ngài sẽ luôn đưa con đến chỗ biết khinh miệt bản thân, thắng vượt được mình đã chấp nhận hy sinh trong mọi sự để phục vụ tha nhân vì lòng mến Chúa Giêsu.
(Thư 398, gửi một bà trong số những con linh hướng của ngài,
éd. 1935,T.II, tr. 357-358)
XÉT MÌNH
Chuẩn bị. – Phải thờ lạy Chúa Giêsu Kitô, vị thẩm phán của bạn, Đấng một ngày kia phải đến phán xét bạn theo toàn bộ luật Phúc Âm, và sẽ nghiệm xét nghiêm nhặt việc bạn sử dụng hôm nay. Phải tu bổ lại trong Chúa Giêsu Kitô những mất mát bạn đã phải chịu, và nhờ Ngài sửa chữa lại sự trống rỗng và vô ích trong đó bạn đã sống ngày hôm nay.
Phải xin Ngài ánh sáng Ngài sẽ mang đến với mình vào giờ chết của bạn, để bạn nhận biết tội lỗi của bạn, và ơn biết đề phòng trước phán quyết của Ngài bằng việc đền tội của bạn.
Hãy bắt đầu việc tạ ơn của bạn bằng sự cám ơn về những ơn lành Ngài đã làm cho bạn, cho bạn hiện hữu và đời sống sinh động bởi Con của Ngài chết và sống lại, để giúp bạn và làm cho bạn có khả năng tôn kính Thiên Chúa.
Đặc biệt hãy cám ơn Ngài đã ban ngày hôm nay cho bạn để phục vụ Ngài, với biết bao trợ giúp bề ngoài, là tất cả sự sử dụng thế giới hiện nay và các thụ tạo của nó để ngợi khen Ngài trong chúng.
Hãy cám ơn Ngài còn nhiều hơn nữa về những sự trợ giúp bề trong và về ơn sủng của Thánh Thần Ngài, Đấng vẫn luôn ở trong bạn để chỉ cho bạn biết bổn phận mình, để đưa dẫn bạn làm theo, và ban sức mạnh để trung thành chu toàn nhờ uy lực của Chúa Giêsu Kitô, Đấng là mọi sự của bạn. Tất cả những việc đó phải làm cách tổng quát.
Xét mình riêng từng điểm.– Phải xét nghiệm ngày sống của bạn về ba điểm mà chúng ta đã lưu ý trên đây.
Trước hết, nếu bạn đã sống trước mặt Thiên Chúa trong ý định chỉ làm bất cứ điều gì, nói hoặc nghĩ điều gì chỉ để làm đẹp lòng Ngài thôi, vì người kitô hữu chỉ được phép sống cho Thiên Chúa thôi.
Nếu bạn đã sống cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô; nếu bạn đã biết ẩn mình cách nội tâm trong Ngài để được sinh động bởi tinh thần Ngài, bởi những tâm tình và những lề thói của Ngài trong toàn thể hạnh kiểm của bạn, vì bạn không còn được phép sống theo xác thịt nữa, nhưng chỉ được sống theo Thần Khí trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta thôi.
Nếu bạn đã chết cho mình trong suốt ngày hôm nay; hoặc nếu bạn đã sống tùy thuộc vào ngũ quan của bạn, chiều theo các sở thích của bạn, dính bén với các dục vọng và các ước muốn nhân loại của bạn. Nghiệm xét xem nếu bạn đã theo những bản năng của chúng hay theo hướng dẫn của đức tin và của Thần Khí Đức Giêsu Kitô, Đấng hướng dẫn bạn bề trong và sinh động bạn trong đời sống Kitô giáo để giúp bạn chết đi cho chính mình.
Nếu thấy mình bất trung với Thánh Thần, bạn hãy tự hủy bỏ mình đi và hãy hổ ngươi vì đã lạm dụng Chúa Giêsu Kitô trong bạn. Hãy xin với Ngài ban nước mắt cho bạn để khóc thương đời bạn, và để trong Ngài bạn tìm được niềm thống hối các tội lỗi của bạn.
Trong khi kết hợp nội tâm với Chúa Giêsu Kitô, bạn hãy cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa, hãy chê ghét những lỗi phạm của bạn, và phân phô lòng trung thành bằng cách hoàn toàn từ bỏ bản thân để từ nay gắn bó với Thánh Thần của Ngài, nhờ ơn Ngài trợ lực.
Bạn phải phó thác mình cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, hối nhân duy nhất của Giáo hội, để mang lấy trong Ngài việc đền tội mà công lý của Chúa Cha mà Ngài muốn áp đặt cho bạn.
Bạn phải vui vẻ ra trình diện trước tòa án tình yêu và thương xót của Ngài, sẵn sàng mang lấy án phạt về tội mình, ngay trước khi Ngài ra hình phạt và phán quyết nghiêm nhặt.
Cách tổng quát, bạn hãy nhận lấy tất cả việc đền tội Ngài áp đặt cho bạn trong sự bí mật của công lý đời đời nơi Ngài, mà lúc này bạn không nhìn thấy, nhưng với thời gian bạn sẽ cảm thấy Ngài đã xếp đặt, hoặc tại đời này, hoặc trong đời sau.
Nếu trước đó Ngài thông tri cho bạn sự cảm tưởng về một việc đền tội riêng lẻ nào đó, bạn hãy sẵng sàng thực hiện nó, đừng từ chối chi cả; nếu nó là quan trọng, hãy thông báo cho cha linh hướng của bạn trước khi đem thực hiện, sợ lỡ mắc ảo tưởng; nếu nó nhẹ nhàng và nghĩ đơn giản rằng nó theo như ý cha linh hướng và thích hợp với những luật chung trong sự dẫn dắt của ngài, thì bạn hãy làm ngay đi, nhưng sau đó phải cho ngài biết.
(Ngày sống Kitô giáo)
MỤC LỤC
Nhập Đề. 3
Tiến trình của J.J. Olier tới sự thánh thiện Kitô giáo. 5
Giáo huấn của cha J.J. Olier về sự thánh thiện Kitô giáo. 8
PHẦN I
MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐƯỢC GỌI NÊN THÁNH… 11
Ơn gọi hoàn vũ nên thánh. 11
Sự trọn lành Kitô giáo là sự trọn lành của tình yêu. 15
Sự trọn lành Kitô giáo qua thập giá. 22
Cùng một sự thánh thiện qua những con đường khác nhau. 25
PHẦN II
NHỜ TINH THẦN CHÚA GIÊSU KITÔ… 27
PHẦN III
THEO CHIỀU DÀI NHỮNG NGÀY SỐNG… 39
KINH BAN SÁNG ĐỂ TÔN VINH BA NGÔI CHÍ THÁNH 40
NGUYỆN GẪM CÁCH NÀO.. 44
THEO GƯƠNG ĐỨC MARIA.. 48
HIỆP LỄ THÁNH (Rước lễ) 49
CHÚA KITÔ, BÁNH HẰNG SỐNG.. 51
“HÃY LÀM MỌI VIỆC VỚI CHÚA GIÊSU KITÔ”. 53
KHI NGHE TIẾNG CHIM HÓT. 55
“MỘT SỰ SỬ DỤNG THÁNH THIỆN MỌI CUỘC GẶP GỠ”. 58
TRONG NHỮNG CÔNG VIỆC THẾ SỰ.. 60
MỌI SỰ CHO MỘT MÌNH THIÊN CHÚA.. 62
XÉT MÌNH.. 64
[1] Công hàm Xuân Bích, ms. 116
[2] x. Mt 22, 1-14; Lc 14, 15-24: dụ ngôn về bữa tiệc
[3] Mt 5, 18
[4] Lv 11, 44-45; 19,2; 20,7; v.v. x. 1 Pr 1,16: lời mà Cha J.J. Olier gán cho Chúa Kitô
[5] x. Mt 5,48.
[6] 1 Ga 4, 8
[7] 1 Ga 4, 16
[8] x. St 1, 26-27
[9] Dc 5, 2.
[10] Nhan đề do Alexandre de Bretonvilliers đặt cho bản ghi lại một buổi đàm thoại có lẽ được nói với cả cộng đồng chủng viện.
[11] Ngay từ đầu, Cha J.J. Olier định nghĩa người kitô hữu theo câu nói của thánh Phaolô: “Nếu ai không có Thần Khí của Chúa Kitô, người đó không thuộc về Chúa Kitô” (Rm 8,9).
[12] Ep 3, 17; Ga 14, 29
[13] Nói về Chúa Thánh Thần, Giáo hội nói đến việc “xức dầu thiêng liêng” (Kinh hát Veni Creator)
[14] Pl 2, 5-9
[15] x. 2 Pr 1,4; Ga 3,1
[16] Lc 11, 13
[17] Ga 17
[18] Tv 5, 5
[19] Ga 9, 31
[20] Rm 8, 15
[21] Rm 8, 26
[22] Ep 3, 17
[23] Ga 4, 34
[24] Ga 5, 17: “Cha tôi, giờ này đang làm việc, và tôi cũng vậy tôi đang làm việc”
[25] Rm 6, 11.
[26] Cl 3, 11: “Ở đó không còn người Hy Lạp hay Do Thái, cắt bì hay không cắt bì nữa”
[27] “Chẳng còn Do Thái, cũng chẳng còn Hy Lạp”
[28] Cl 3, 11: “[Không còn nữa] Man rợ và Scytha, nô lệ và người tự do”
[29] Gl 3, 28: “Không còn đàn ông hay đàn bà nữa: bởi vì tất cả anh em chỉ là một trong Đức Giêsu Kitô.”
[30] Cl 3, 11: “Nhưng Chúa Kitô: Ngài ở trong mọi người”
[31] Rm 6, 3.11
[32] Thư tín của Cha Olier, E. Levesque, nouv. éd, de Girard 1935 (tập 2).
[33] Cách nói hung bạo; trước cái nhìn sự thánh thiện của Thiên Chúa, cha Olier tự thấy mình, cũng như rất nhiều vị thánh, như một vực thẳm của những khốn cùng.
[34] Đnl 6, 6-8
[35] Cũng như rất nhiều tác giả ở thời ngài, và nhất là Bossuet sau này, cha Olier đã không đưa vào đề tài này đủ các sắc thái cần thiết. Nói cho đúng thì Chúa Giêsu không phải là “hối nhân”: Ngài nhận lấy trên mình hình phạt của tội lỗi chúng ta, trong khi Ngài hoàn toàn thánh thiện.
[36] “Religion” (Phượng thờ) chỉ toàn bộ những tâm tình và thái độ của người tín hữu đối với Thiên Chúa; ở đây, các tín hữu của chính Chúa Kitô, vị “phượng thờ duy nhất” như được nhắc ở tận cuối câu nói, với ý nghĩa là người thờ lạy hoàn hảo nhất nhân danh mọi người.
[37] “Cả thế giới”, mọi người trên toàn thế giới: một có nghĩa là một mình: một vị thờ phượng duy nhất, một lời ngợi khen duy nhất.
[38] Ga 6, 48
[39] Ga 6, 57
[40] Lc 24, 30-31
[41] Tv 150, 5: (Ca tụng Chúa) bằng thanh là inh ỏi.
[42] 1 Pr, 4: anh em được đồng hưởng bản tính thần linh
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO
- JOHN TRAYNOR, NGƯỜI ĐƯỢC PHÉP LẠ THỨ 71 Ở LỘ ĐỨC
- KINH TRUYỀN TIN LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 2024: ĐẶT NIỀM HY VỌNG VÀO LÒNG THƯƠNG XÓT VÔ NGẦN CỦA THIÊN CHÚA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐTC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 2024
- ĐỨC PHANXICÔ CẦU CHÚC VIỆC MỞ LẠI NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS TRỞ THÀNH MỘT DẤU CHỈ NGÔN SỨ VỀ SỰ ĐỔI MỚI CỦA GIÁO HỘI PHÁP
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI CÁC TÂN HỒNG Y HÃY LÀ NHỮNG NGƯỜI XÂY DỰNG SỰ HIỆP THÔNG VÀ HIỆP NHẤT
- BÀI GIẢNG MÙA VỌNG, MỞ LÒNG NGẠC NHIÊN THÁN PHỤC TRƯỚC SỰ MỚI MẺ CỦA THIÊN CHÚA
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 16. LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG CHÚA THÁNH THẦN. CHÚA THÁNH THẦN VÀ CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG
- LỜI KHUYÊN CỦA MỘT GIÁO PHỤ SA MẠC ĐỂ THÁO GỠ MỐI DAY OÁN HẬN