SỰ THÁNH THIỆN VẸN TOÀN TRONG ĐỜI SỐNG LINH MỤC GIÁO PHẬN

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 15th, 2014. Posted in Linh mục, Nhân bản, Đại Chủng Viện Huế

LTS: Nhận thấy tài liệu này hữu ích cho việc đào tạo linh mục, nên chúng tôi đã cho đánh máy lại và phổ biến. Chúng tôi không biết dịch giả là ai, vậy xin mạn phép dịch giả để phổ biến tài liệu này và đồng thời chân thành cám ơn dịch giả đã chuyển ngữ một tài liệu hữu ích cho việc đào tạo linh mục.

BBT XBVN

Sự thánh thiện vẹn toàn trong đời sống

Linh mục Giáo Phận-

Viễn tượng của ngàn năm thứ ba

————————

THE WHOLENESS IN HOLINESS IN THE LIFE OF DIOCESAN PRIESTS – A THIRD MILLENNIUM PERSPECTIVE

 

(The Paradigm Shift in the Mission and Ministry

of the Priest in Asia)

Seminar, Bangkok, 2010

Fr. Lawrence Pinto, MSIJ

 Từ ngữ “Thánh” phát xuất từ một từ tiếng Anh cổ ‘halig’ có nghĩa là “sự toàn vẹn”, diễn tả sự thánh thiêng trong một đối tượng, một hữu thể, một người, một nơi chổ hay một ý tưởng. Trong văn mạch thường dùng, hạn từ “thánh” được sử dụng cách tổng quát, để chỉ một ai đó hoặc cái gì đó liên kết với một sức mạnh thần thánh. Đôi khi từ “thánh” (holy) được sử dụng như một từ đồng nghĩa với “thánh hóa” (sacred), theo La ngữ là “sacrum: thánh”, đề cập đến các vị thần hoặc những gì thuộc về quyền lực của họ, và thuộc về tư tế ‘sacer’;dành riêng “sanctum”. Ý tưởng về sự thánh thiện tồn tại trong tất cả các tôn giáo trên thế giới.

Chủ đề hôm nay của chúng ta rõ ràng cho thấy rằng, nếu không trở nên “lành mạnh” hay “nguyên vẹn” trong bản thân con người của chúng ta (hoặc trong bản chất nhân loại của chúng ta), thì chúng ta không thể trở nên thánh thiện (thiêng liêng), hoặc không thể đạt được sự thánh thiện trong cuộc sống của chúng ta là những linh mục.

Một điều hiển nhiên là con người với bản tính nhân loại của mình có thể có khả năng trở thành thánh thiện như đời sống tinh thần đang hiện hữu trong bản tính nhân loại của họ. Nhân tính là nền tảng cơ bản của đời sống tâm linh. Nếu chúng ta thực sự là con người, chúng ta có thể thật sự là tâm linh. Do đó chúng ta có thể xây dựng một tinh thần lành mạnh trên sự khỏe mạnh của thân thể chúng ta (Pinto, 2000). Mối quan tâm chính của chúng ta trong thiên niên kỷ thứ ba là phải giúp mọi người, đặc biệt là các linh mục, trở thành “con người vẹn toàn” để họ có thể trở thành “vẹn toàn thiêng liêng hoặc vẹn toàn tinh thần”.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1992) trong Tông huấn “Pastores Dabo Vobis” , cho thấy các linh mục trong tương lai cần phải là “những con người quân bình”, mạnh mẽ và tự do, có khả năng mang gánh nặng của trách nhiệm mục tử… (43 ). Đức Thánh Cha tuyên bố cách mạnh mẽ rằng tầm quan trọng hàng đầu của toàn bộ tiến trình chuẩn bị cho chức linh mục trong việc đào tạo nhân bản, là các ứng cử viên cho chức thánh phải phát triển nhân bản, phát triển các đức tính tự nhiên cộng với các nhân đức thiêng liêng; ngài nói rằng nhân cách của chúng ta, bản chất, tính khí con người hòa trộn và trở thành “phẩm chất” của chức tư tế, rồi được Chúa “sắp xếp lại” và sử dụng trong bí tích Truyền chức; và ngài cho biết rằng nhân cách, tính khí, con người của chúng ta, trong tư cách là Linh Mục, hoặc sẽ lôi cuốn mọi người đến với Chúa Giêsu và Giáo Hội, hoặc xua đuổi họ. Nhân cách cơ bản của một linh mục phải được hòa hợp cách hợp lý, lành mạnh đủ để đời sống thiêng liêng có thể lớn lên, và nhờ đó mà trở thành một mục tử tốt lành, rất nhân bản mà cũng rất thánh thiện.

Tất cả những gì Đức Tnánh Cha đang nói là “ơn thánh được xây dựng trên nhân tính” – nên lời mời gọi tiến đến chức linh mục là công việc của Ân Sủng, nhưng lại đòi hỏi sự hợp tác của con người. Chúng ta cung cấp nguyên liệu thô cho ân sủng tuyệt vời của Thiên Chúa. “Chủng sinh sao, linh mục vậy”, như ngạn ngữ xưa đã nói. Chúng ta có thể áp dụng điều này cho đời sống siêu nhiên nữa – nếu bạn cầu nguyện và thực hành các nhân đức khi còn là một chủng sinh, thì bạn cũng sẽ như thế khi là linh mục, nhưng nếu bạn không, bạn sẽ không là chủng sinh tốt lẫn linh mục tốt được, bởi vì bí tích truyền chức thánh, trong khi biến đổi cách nào đó đời sống tinh thần của chúng ta, sẽ không làm thay đổi các thói quen của chúng ta trong đời sống. Cũng thế, chúng ta có thể áp dụng điều đó với chiều kích nhân bản: nếu một chủng sinh lười thì sẽ là một linh mục lười.

Công việc của ân sủng và sự hợp tác của chúng ta thường trở nên dễ dàng hơn nếu nhân cách con người hòa điệu và lành mạnh, và nó sẽ khó khăn nếu gặp một nhân cách chưa trưởng thành hoặc còn khập khiễng. Nếu đời sống nhân bản của chúng ta ốm yếu hay không lành mạnh, thì đời sống thiêng liếng của chúng ta cũng sẽ ốm yếu và không lành mạnh, vì vậy, để phát triển đời sống thiêng liêng, trước tiên cần phải phát triển nhân bản. Nói cách khác, để trở nên Thánh, chúng ta phải trớ thành một người hoàn hảo, lành mạnh.

Hầu hết chúng ta trong cuộc sống đều chịu ảnh hưởng của một linh mục, có thể trong giáo xứ, ở trường học, trong tòa giải tội, hoặc trong thời gian cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Tính nhân bản nơi ngài, sự chân thành, tình yêu chân thật, sự chăm sóc, lòng từ bi của ngài, độ nhạy cảm, sự kiên nhẫn, tình bạn, tất cả như chiếc xe, nhịp cầu đưa chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, gặp được ơn thánh hóa, sự siêu nhiên. Chúng ta đều muốn là một linh mục như thế! Song, bạn và tôi cũng đã gặp các linh mục gây sốc với chúng ta, không chỉ vì những khiếm khuyết của đời nội tâm, nhưng còn bởi cá tính của họ, nhân cách của họ, lối sống xa hoa, tình dục phóng túng của họ, sự ăn nhậu, tính khí cộc cằn, ngôn từ tục tằn, sự cứng cỏi và sự lười biếng của họ (Dolan, 2000).

Cần trích dẫn lời Đức Thánh Cha lần nữa, rằng “Điều quan trọng là các linh mục phải trở nên mẫu mực trong nhân cách của mình sao cho họ trở thành một nhịp cầu chứ không là một trở ngại cho những người khác trong việc gặp gỡ Chúa Giêsu”. Sự vẹn toàn (đời sống nhân bản) như là nền tảng của Thánh thiện (đời sống thiêng liêng) được trình bày như sau:

I. Việc đào tạo nhân bản trọn vẹn đòi hỏi phải làm cho đời sống thiêng liêng lớn lên.

II. Ý nghĩa các động cơ thúc đẩy trong con người ứng viên chức Linh Mục

III. Trưởng thành trong đời sống tính dục độc thân lành mạnh đưa tới một đời sống thiêng liêng lành mạnh cho đời Linh mục.

IV. Phát triển căn tính Linh mục nuôi dưỡng sự thánh thiện toàn vẹn.

V. Các nhân đức – sống đời Kitô hữu – tăng thêm sự thánh thiện trong đời sống Linh mục triều.

VI. Kết luận – Sự vẹn toàn và thánh thiện hòa nhập trong con người Linh mục triều

 I. Việc giáo dục nhân bản đòi hỏi phải làm cho đời sống thiêng liêng lớn lên

Con người là một thực thể phức tạp bao gồm các chiều kích sinh lý, tâm lý và tâm linh, với những thay đổi của thiên niên kỷ thứ ba, nhu cầu đối với việc huấn luyện và hòa nhập nhân cách là điều cần thiết hơn hết, đặc biệt trong bối cảnh trách nhiệm của linh mục là phải đáp ứng nhu cầu xây dựng một xã hội nhân bản, và giúp con người nhận ra các giá trị của Nước Thiên Chúa.

Đào tạo nhân bản cần bắt đầu từ trong gia đình, và đào tạo ở chủng viện giả thiết luôn dựa vào nền tảng lành mạnh của gia đình. Muốn xây dựng nền tảng cho một nhân cách lành mạnh đòi phải có các nhân tố cơ bản từ gia đình như tình yêu, sự âu yếm, sự quân bình kỷ luật, cha mẹ mẫu mực và gieo mầm đức tin trong gia đình, và nhiều nhân tố khác nữa vốn đang được gia đình sống. Nếu xảy ra nền tảng đó không được lành mạnh lắm, họ sẽ được tài bồi và sửa chữa cách hợp lý trong thời gian đào tạo ở chủng viện. Đồng bộ (giữa gia đình và nhà trường) có nghĩa là đặt các yếu tố khác nhau hoặc những thành phần của một toàn thể, tùy theo bản chất và mục đích của chúng đối với tổng thể, sao cho chúng có thể hài hoà làm việc cùng nhau vì lợi ích của tập thể. Chúng ta gọi đó là tính cách nhân bản của linh mục.

Nếu đời sống nhân bản của một người mà không có sự hòa hợp bên trong, sẽ làm phát sinh nhiều mâu thuẫn và hành vi đền bù.  Khi một người tìm thỏa mãn các nhu cầu thuộc về sinh lý của mình mà bỏ qua nhu cầu tinh thần, thì những nhu cầu này có thể xung đột với những cố gắng của nhu cầu kia để phát triển các giá trị vì các nhân đức luôn đòi hỏi phải có một đời sống luân lý và thiêng liêng lành mạnh. Những xung đột này phản ánh trạng thái của một người bị căng thẳng, thất vọng, giận dữ, tội lỗi, xấu hổ, lo lắng hoặc lòng tự trọng thấp, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống, đến công việc, đến hiệu quả, hiệu năng, các mối quan hệ và niềm hạnh phúc. Cho dẫu cha mẹ và giáo viên đồng bộ nỗ lực ở nhà cũng như ở trường học hầu giúp các người trẻ phát triển trí tuệ, cảm xúc và tinh thần, thì đối với một ứng cử viên trẻ cho chức linh mục vấn đề vẫn chưa hẳn đã chấm dứt khi muốn hướng tới một đời sống linh mục lành mạnh với những động lực chân chính. Hơn nữa, thật cần thiết cho một ứng cử viên trong chức tư tế khi phải có lòng khát khao kiến thức, động lực học hỏi, và một ý chí trau dồi khả năng trí tuệ và tài năng vốn là những khía cạnh quan trọng làm phát triển đời sống nhân bản của một Linh Mục.

II. Ý nghĩa của các động cơ thúc đẩy nơi các ứng viên tiến tới chức Linh Mục

Động cơ thúc đẩy là cái gì đó có khả năng làm cho con người “nhúc nhích” Điều này bao hàm mọi động lực cùng hướng tới một mục tiêu cụ thể hoặc mục đích, đặc biệt trong trường hợp chức linh mục hay đời sống tôn giáo (Anice & Pinto, 2000). Động cơ thúc đẩy bao gồm hai khía cạnh chính là “sẵn sàng hành động, và hướng tới một mục tiêu cụ thể (Cencini & Manenti. 1998)”.

Động cơ thúc đẩy là một tiến trình phức tạp. Nó bắt nguồn và chịu ảnh hưởng từ một cá nhân di truyền đến một loạt các ảnh hưởng khác bao gồm cha mẹ, đồng nghiệp, người trưởng thành, và toàn bộ các khả năng của cá thể (Coville, 1968). Tuy nhiên, không phải tất cả đều bao hàm sự tăng trưởng: ơn gọi phải là một sự lựa chọn có ý thức, chứ không là vô thức đưa đẩy.

Con người lớn lên với một cuộc sống có khả năng luôn tăng trưởng, luôn ra khỏi mình, ra khỏi mình để gặp gỡ tha nhân. Bấy giờ, mọi quyết định của con người đều được thúc đẩy bởi một động cơ. Có thể trước đây, động cơ thúc đẩy chính nơi một chủng sinh phát xuất từ ngoài vào. Nhưng nay trong thiên niên kỷ thứ ba, có thể giả định với một mức độ khá chắc chắn rằng một số lớn các chủng sinh quan niệm ơn gọi linh mục như là một phương tiện để tiến thân trong xã hội, bởi trong nhiều trường hợp, địa vị xã hội, cơ hội được giáo dục và sự bảo đảm kinh tế đòi hỏi như thế. Để một chủng sinh biết đánh giá cao giá trị của lời thề hứa, và để gia tăng lòng tự tin, các nhà đào tạo cần động viên khích lệ, và trong trường hợp này, phải có những khẳng định nhất quán để các chủng sinh biết rằng động cơ thúc đẩy tiến đến đời sống linh mục và nhất là đối với chức linh mục độc thân chỉ có thể trong sáng khi họ đi theo một lời mời gọi dấn thân cho Thiên Chúa và những mục đích của Người, qua việc việc phục vụ tha nhân theo ý hướng cao cả đó. Do đó, động lực thúc đẩy là trung tâm làm cho nhân cách trưởng thành, mà cũng là nền tảng cho đời linh mục dựa vào và trở nên có ý nghĩa (Van Kaam, 1966).

III. Trưởng thành trong đời sống tính dục độc thân lành mạnh đưa tới một đời sống thiêng liêng lành mạnh cho đời Linh mục.

Một con người toàn diện là một con người được phát triển và trưởng thành về thể chất, trí tuệ, cảm xúc, tình dục và tinh thần. Việc phát triển và trưởng thành của một con người toàn diện luôn đi đôi với hành trình thiêng liêng hướng về Thiên Chúa. Tình dục và tâm linh cùng nhau tạo nên sự toàn vẹn nơi con người chúng ta. Do đó tách đôi chúng ra là phá vỡ sự toàn vẹn mà Thiên Chúa đã luôn dành cho chúng ta. Trong thực tế, nhiều năm qua, tình dục đã bị bỏ qua, bị xem thường và coi là tội lỗi. Trong lối suy nghĩ của chúng ta về tình dục, chúng ta đã thừa hưởng từ Giáo hội một di sản không mấy sáng sủa khi cực đoan xuyên tạc quá khứ, nghi ngờ vì cho đó là bệnh lý của cơ thể, và lo sợ nếu quá gần gũi và dễ bị làm hại. (AntoneSamy, 2001). Điều này đã có một ảnh hưởng khôn lường trên tâm lý con người.

A. Ý nghĩa của tính dục con người

Tính dục là một đặc tính cơ bản của con người và là một phần của hữu thể con người chúng ta. Vì vậy mà nó cũng là một phần công trình của Thiên Chúa. Không nên hạn hẹp tính dục trong phạm vi bản năng tình dục giữa hai giới tính. Ngược lại còn hơn thế, nó luôn luân chuyển, phức tạp, và mang tính tương giao. Tính dục cơ bản là cái gì đó sẽ được đem ra thực hiện điều ta nghĩ tới hoặc điều ta cảm thấy về chính mình xét như là một hữu thể hiện sinh. Nó được thực hiện với toàn bộ hiện sinh của một con người. Một đàng là do nhu cầu các mối quan hệ, cần có ý nghĩa và sáng tạo, đàng khác là do tương quan với chính mình và với người khác. Tính dục của chúng ta như là nền tảng để đi vào các mối tướng quan, làm thăng hoa cuộc sống, sung mãn cuộc sống, và hòa nhập (Nelson, 1978). Một đàng nó đem lại cho chúng ta niềm say mê cuộc sống, cũng là nguồn mạch của lòng can đảm phi thường và sự đại lượng anh hùng, nhưng đàng khác cũng một năng lượng ấy lại có thể dẫn chúng ta đi vào thái độ tự hủy và vô nhân.

Tính dục, bản năng giới tính (sexuality) là một thuật ngữ mang tính toàn diện hơn từ “sex” (quan hệ tình dục), vì bao hàm nhiều ý nghĩa vừa đa dạng và vừa tượng trưng, vừa nhiều định hướng cho tâm lý và văn hóa. Ngược lại quan hệ tình dục (sex) đề cập đến một nhu cầu sinh học cơ bản, không chỉ hướng tới sinh sản mà thôi, mà còn nghĩ tới sự khoái lạc và xả nén các căng thẳng. Tuy nhiên, tính dục đối với chúng ta là tự biết mình và là con đường hiện hữu trong thế giới xét như là phái nam và phái nữ. Nó bao gồm sự đánh giá của chúng ta về các thái độ và các đặc tính mà nhờ các nền văn hóa để biết là đàn ông hay đàn bà. Tính dục còn hướng dẫn tình cảm của chúng ta hướng tới những người có cùng giới tính hay khác. (Pinto&Mendes, 2002).

Huyền nhiệm về tính dục của chúng ta là huyền nhiệm của nhu cầu muốn tiếp cận ôm lấy tha nhân cả về thể chất lẫn tinh thần. Thật vậy, tính dục của chúng ta, trong ý nghĩa đầy đủ và phong phú nhất của mình, là nền tảng tâm sinh lý của khả năng yêu thương. Nhu cầu muốn gần gũi với một hữu thế hiện sinh khác nơi con người vốn có liên quan mật thiết với tính dục. Nhu cầu tương giao này cũng là một nhu cầu tâm linh. Chúng ta mong mỏi đến với con người khác là để tinh thần chúng ta được đụng chạm, nhân cách được hòa hợp chứ không bị biến mất trong nhau. (Clarke, 1986).

B. Tính dục của Chúa Giêsu và ơn gọi độc thân

Chúa Giêsu, Đấng được xức dầu, Đấng mà lòng đạo đức của các Kitô hữu qua mọi thời đã làm mất đi giới tính của Ngài. Việc nhập thể đúng nghĩa sẽ trọn vẹn khi nào cộng đồng nhân loại nhìn thấy một vị Thiên Chúa tỏ mình trong bản tính nhân loại. Cũng vậy, một Kitô học sẽ thiếu sót khi tự cho phép mình tạo nên hình ảnh một Đức Giêsu đang dấn sâu vào cơn đam mê tình dục của mình, y như chúng ta đang làm với cuộc thương khó của Ngài. Quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa không thể bị tách rời khỏi hữu thể của Người được.

Đức Giáo Hoàng Paul VI (1967) trong thông điệp về đời sống độc thân “Sacerdotalis Caelibatus” đã nói rõ ràng lý do Kitô tính của đời sống độc thân với tấm gương trinh khiết của chính Chúa Kitô, và qua các lời mời gọi đi theo Người đều cho thấy sự đòi hỏi phải gắn bó sâu sắc với Người mà không được chia sẻ với một ai khác. Đức Giáo hoàng mô tả giá trị của đời sống độc thân luôn mang tính giáo hội vì mỗi khi linh mục kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu thì cũng là lúc ngài đồng thời yêu mến Giáo hội như thể đang thực sự đính hôn với Giáo hội ấy trong một khế ước rất chặt chẽ mà cũng rất độc chiếm. ĐGH Phaolô VI cũng mô tả đời sống độc thân mang tính cánh chung, vì nó mạnh mẽ nhắc nhở mọi người về một khế ước của một tình yêu, một sự gắn kết vượt lên trên cuộc sống này; và ngài cũng đề cập đến chiều kích mục vụ của đời sống độc thân, vì nó tạo điều kiện cho các linh mục phục vụ Thiên Chúa và con người với một tình yêu thủy chung và tinh ròng.

Các sách Tin Mừng không nói nhiều về đời sống riêng tư và tính dục của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, không nên có ấn tượng cho rằng tính dục của Chúa Giêsu không thấy nói đến trong các sách Tin Mừng, sách Tin Mừng vẫn đề cập đến điều đó, nhưng không theo cách chúng ta mong đợi để thấy. Nó tùy thuộc vào những gì chúng ta hiểu về tính dục. Tính dục vừa là các cơ quan sinh dục mà cũng vừa mang chiều kích của cảm tính. Cảm tính và tất cả những gì nó bao hàm đều là một phần của sự sống tính dục. Chiều kích tình cảm hay cảm xúc của con người hệ tại ở sự hiền hòa và dịu dàng, làm cho tính dục thật sự thuộc về con người. Lòng thương xót là một dấu chỉ cao nhất của một đời sống tính dục hài hòa tốt đẹp.

Khoái cảm và sinh lý hài hòa cách vẹn toàn trong con người của Chúa Giêsu. Qua các sách Tin Mừng, Chúa Giêsu chứng tỏ là một người thanh thản với giới tính của mình. Người thanh thản cách tự nhiên, ấm áp, dịu dàng và chân thực trong các mối quan hệ với đàn ông, với phụ nữ và trẻ em. Người cảm thương mọi người cách tự nhiên, rất tâm lý và rất thiêng liêng. Người cũng có những người bạn nam và nữ. Chính qua các tương quan này mà bản năng giới tính của Người xuyên suốt, có đủ mọi hạng người, kể cả phụ nữ, tìm cách đụng chạm vào Người, vì là họ biết sẽ được đón nhận và trao ban (Goergen, 1974). Chúa Giêsu, một người luôn sống bản năng giới tính, đã không bị gò ép, thái quá hay bừa bãi, nhưng luôn đầy sức sống, nồng nàn yêu thương.

Người có quan điểm tiêu cực sẽ cho việc chọn sống độc thân là chúng ta đã bỏ quên nét đẹp của một người vợ và con cái, một báu vật tuyệt vời của cuộc sống. Từ khi Thiên Chúa mặc khải rằng khoái lạc của quan hệ tình dục là quà tặng rất thánh thiêng chỉ dành cho một người nam và một người nữ vui hưởng nên một trong hôn nhân, thì sự lựa chọn đời sống độc thân của chúng ta cũng có nghĩa rằng, khi tự ý không lấy vợ, chúng ta tự do từ bỏ tất cả mọi sinh hoạt tính dục và khoái cảm khác giới hoặc đồng giới, một mình hay với người khác, trong tư tưởng, lời nói, và việc làm. Đó là những gì rất thẳng thắn, là cứu cánh, hiện thực của đời sống độc thân (Dclan, 2000).

Trong một Giáo Hội e dè lo ngại về tình dục, chúng ta cần phải nhận ra trong đời của Chúa Giêsu vốn bị coi là sống không có bản năng giới tính, đã được giải thoát khỏi những ám ảnh về tình dục. Các mối tương quan của Chúa Giêsu đã được kiểm soát không phải do tình dục nhưng tình bạn. Như thế thì lòng trong trắng, sự trinh nguyên và đức khiết tịnh là những nhân đức bảo vệ đời sống độc thân của chúng ta. Mặc dù Giáo Hội nhấn mạnh đời sống độc thân như là điều kiện tiên quyết để truyền chức phó tế và Linh mục, nhưng sẽ là điên rồ nếu chúng ta xem đó như là một đòi hỏi để được truyền chức.

Mục tiêu của cả hai đời sống tính dục và tâm linh là sự nên một của đương sự với Thiên Chúa và với người khác. Đời sống thiêng liêng là trung tâm của đời sống độc thân, và tính đồng nhất của đời sống thiêng liêng phải đi trước và đi theo tính đồng nhất của đời độc thân. Đời sống độc thân chỉ có thể hiểu và sống trong bối cảnh của một linh đạo. Đời độc thân nên lựa chọn cách sống và cách làm chứng bằng con đường bản thân tìm kiếm Thiên Chúa.

C. Trưởng thành toàn diện tâm sinh lý nâng cao sự trưởng thành đời sống thiêng liêng.

Sự liên kết có thể có giữa bản năng giới tính và đời sống thiêng liêng luôn mới lạ và đôi khi khó hiểu với nhiều người (Pinto & Mertdes, 2002). Để hiểu rõ mối quan hệ giữa đời sống thiêng liêng và bản năng giới tính là lĩnh vực nhạy cảm ai cũng né tránh, chúng ta cần xác tín rằng cả hai chiều kích trên luôn gắn bó chặt chẽ trong tâm thức chúng ta. Cả hai cùng nhau tạo nên sự toàn vẹn nơi con người chúng ta. Do đó, bắt buộc chúng ta cần lập nên một số nguyên tắc cơ bản và các chương trình để có một cuộc sống tính dục lành mạnh, mà cũng để hài hòa đồng bộ với sự huấn luyện trong chủng viện.

Các xung lực của bản năng tình dục và của tâm linh là những năng lực bí ẩn mạnh mẽ nhất trong một con người. Mục tiêu thực sự của cả hai là để đón nhận và thể hiện tình yêu trong sự hiệp thông với nhau. Tình yêu chắc chắn là một bình diện sống động của cả hai bản năng tình dục và bản năng tinh thần. Tình dục và tâm linh vẫn tồn tại và hiện diện trong bản thân và trong tất cả các mối quan hệ của chúng ta, trong công việc, trong cách ứng xử của chúng ta với nghệ thuật và thiên nhiên, trong những ước muốn và trí tưởng tượng của chúng ta, trong sự gắn bó với cuộc sống đầy cảm giác này. Đời sống tâm linh không phải là một sự giáo dưỡng bên trong của linh hồn vốn tách ra khỏi thân thể và thế giới trần tục, nhưng lại liên quan chặt chẽ với mối bận tâm về người thân cận và toàn thể tạo thành.

Vì là người có nhu cầu tình dục (sexed-person) nên chúng ta dễ bị tổn thương nhất. Nhưng sự trưởng thành sâu sắc đời sống tâm linh cũng đòi hỏi một sự cởi mở triệt để và vâng phục trước các hành động mầu nhiệm của Thiên Chúa, trước sự hiện diện và chiếm hữu của Ngài. Tình dục và tâm linh có thể đưa đến những cuộc chạm trán sâu xa với chính mình, với những người khác và với Thiên Chúa, và điều này biến đổi cách sâu sắc chúng ta trở thành người mà chúng ta là và thành điều mà chúng ta đang được mời gọi phải trở nên. Thiên Chúa là nguồn gốc và mục tiêu tất cả chúng ta khao khát. Bản năng giới tính và đời sống tâm linh của chúng ta là điềm báo trước sự hiệp nhất hoan lạc tột bậc với Thiên Chúa trong tình yêu. Lòng khao khát Thiên Chúa và tha nhân nơi chúng ta là âm vang của lòng Thiên Chúa khao khát con người chúng ta.

Hoạt động tình dục và hoạt động tâm linh có thể hàn gắn nỗi đau tình cảm ở quá khứ khi chúng mang lại những trải nghiệm tích cực. Chúng chữa lành những chấn thương tiềm ẩn và những căng thẳng, phục hồi chúng ta lại với chính mình. Cuộc va chạm thật sự sẽ đưa đến một tình yêu hổ tương giữa cho và nhận, có khả năng chữa lành và sáng tạo cách sâu xa. Ngày nào hoạt động tình dục: và hoạt động tâm linh còn mang tính phổ quát và toàn diện như thế, chúng vẫn luôn là một phần tử sâu kín và hiện diện suốt trong toàn thể nhân cách và bản thân chúng ta, trong vận mệnh và trong toàn bộ con người chúng ta. Đó là một sức sống cần được chấp nhận, cần được khẳng định và chung sống trong ý thức nó vừa duy nhất vừa khác biệt nơi bản thân mình. Một khi chúng ta phủ nhận bản năng tình dục nơi mình, chúng ta gây ra cái chết đối với tinh thần, đối với nhân vị, đối với những gì thuộc về mình, đối với họ hàng bà con.

D. Đào tạo tính dục và đời sống độc thân

Giáo dục con người để có thể hòa nhập phải là mục tiêu hàng đầu trong tiến trình đào tạo của chúng ta. Tiến trình đào tạo này đòi hỏi phải có một óc hiểu biết thực tế về chính mình cũng như những khả năng cá nhân vốn được phát triển cách thích hợp, lại cần phải được điều chỉnh thường xuyên, cả ở trong bản thân lẫn giữa các cá nhân với nhau. Việc đào tạo linh mục của chúng ta phải đi xa hơn các kiến thức ta có được. Nói tóm, tiến trình đào tạo của chúng ta phải là một nền giáo dục luôn tìm cách thúc đẩy sự phát triển một con người tiến tới sự trưởng thành toàn diện (Fernandes, 1996). Vì thế mà một nhu cầu to lớn luôn nảy sinh, đó là phải giúp các chủng sinh tăng trưởng hài hòa các tính chất thể lý, giới tính, luân lý, cảm xúc, tri thức và tâm linh của họ.

Vấn đề hoạt động tình dục của con người cũng là một phần chuẩn bị cho sự cam kết sống độc thân. Dạy dỗ cách cụ thể về hoạt động tính dục con người là một nhu cầu cơ bản trong thiên niên kỷ này cho những ai muốn sống độc thân. Chủng sinh cần được giúp đỡ để cảm nghiệm những hoạt động tình dục nơi mình là một ơn ban đáng quý hơn là một sức mạnh nguy hiểm đáng sợ, đáng từ chối, bị dồn nén hoặc kiềm chế hơn là thông thoáng. Hoạt động tình dục mang theo khả năng đem lại lành mạnh hoặc bị tổn thương, thánh thiện hay tội lỗi. Những người sống độc thân phải đối mặt thực sự với những vấn đề này cả trong tư duy lẫn kinh nghiệm nếu muốn thành công trong cuộc sống và trong các sứ vụ của họ đối với Giáo Hội.

Chúng ta phải nhớ rằng các chủng sinh cần có một mức độ trưởng thành tâm lý đủ để đối mặt với những thách đố của cuộc sống độc thân. Thế nhưng, môn học về tình dục lại thường khi không nằm trong chương trình đào tạo ở các nhà trường và các chủng viện của chúng ta. Đó là một thiếu sót đáng trách, nếu không nói là quá thiếu sót đối với vấn đề giáo dục giới tính. Nghĩa là chúng ta không tạo ra trong chương trình đào tạo của mình một cơ hội để các chủng sinh, có thể thảo luận cách cởi mở và trung thực những điều họ cảm thấy trong bản năng giới tính của mình và được tích cực hướng dẫn để đối phó với các vấn đề như vậy cách xây dựng. Thành thử, họ sẽ mang theo như hành trang một mặc cảm tội lỗi, xấu hổ và mất cân bằng trong phạm vi giới tính của mình, và từ đó tình dục trở thành nỗi ám ảnh trong đời sống linh mục của họ. Thái độ dè chừng trong đào tạo với cái đựợc gọi là “tình bạn riêng tư” vốn làm nên mọi tình bạn, đã tạo ra những giá trị không mấy rõ ràng đối với nhiều người chân thành mong muốn đón nhận đời sống linh mục với hết cả lòng dấn thân (Sipe, 1990). Theo cách này, mọi nỗ lực trong việc phát triển tình thân hữu cách lành mạnh đều bị phá hủy.

Khi các ứng viên chức linh mục vào nhà trường giữa độ tuổi thanh thiếu niên, họ vẫn chưa nắm rõ những hoạt động giới tính của bản thân. Một số các ứng viên xuất thân từ các gia đình có những bất bình thường trong các cơ quan của cơ thể, và số khác có lẽ mang trong người những chấn thương của lạm dụng tình dục. Một số lớn có thể đến từ môi trường giáo dục và xã hội dành riêng cho nam hay nữ giới. Một số chủng sinh phải đối mặt với các vấn đề giới tính theo cách của họ liên quan đến người nam hay người nữ, mà lắm khi gây quan ngại không ít cho các nhà đào tạo. Xung đột bên trong, tội lỗi, xấu hổ, hoặc lo lắng về các vấn đề giới tính như sự hoạt động khác thường của một cơ quan trong cơ thể, thủ dâm và các chứng bệnh thuộc sinh lý là những trở ngại nghiêm trọng cho cuộc sống độc thân mà chúng ta cần giải quyết vào một thời điểm nào đó trong quá trình huấn luyện đào tạo.

E. Đời sống độc thân – một tiếng “vâng” với lòng nhiệt thành liên quan đến Thiên Chúa và tha nhân.

Cam kết sống độc thân không đơn giản là nói ‘không’ với hôn nhân, với ‘việc sinh con cái, và với các liên hệ đến bộ phận sinh dục. Nhiều người sống ảo tưởng với chữ “không” trong đời độc thân mà bỏ lỡ tầm quan trọng của chữ “vâng”. Bị mắc kẹt với tiếng “không”, đời độc thân cuối cùng trở nên cay đắng và phẫn uất. Họ phẫn uất vì đời sống cá nhân của họ đặt nền tảng trên cái đã bị cất đi khỏi họ. Họ tức bực dù trong ý thức hay vô thức bởi vì cảm thấy mình đã bị tước đoạt cách bất công những gì là chính đáng của mình. Thật vậy, họ đã bị tước đi một cách bất công nếu toàn bộ đời sống độc thân đối với họ có nghĩa là nói không (Rossetti, 2005).

Vậy điều gì là nói “vâng” trong đời sống độc thân? Trước hết, cần khẳng định rằng sống đời độc thân cách toàn vẹn không thừa nhận “con đường thứ ba”. Người sống độc thân không thể có quan hệ tình dục với một người khác, ngay cả khi người đó chưa kết hôn. Người độc thân đích thực không cho phép sống hai mặt, và cũng không cho phép có các mối quan hệ đôi lứa. Một số linh mục cho rằng sống thân mật với phụ nữ trưởng thành (như vợ chồng dù không quan hệ tình dục) thì đâu có chống lại đời sống độc thân. Tuy nhiên, đơn giản chỉ kiêng khem quan hệ tình dục thì vẫn không có nghĩa là đang sống một cuộc sống độc thân toàn vẹn. Sống độc thân là nói “vâng”, một tiếng “vâng” được sống với hết đam mê hứng khởi. Thực vậy, các linh mục sống độc thân được mời gọi đón nhận mọi sự tốt lành trong thế giới của chúng ta và rồi làm chứng cho sự thiện hảo của Thiên Chúa, có nhiều người quanh ta đang là chứng nhân cho Thiên Chúa (Rossetti, 2005).

Đời sống độc thân và đời sống linh mục cả hai chủ yếu là những thực tại – thiêng liêng. Thật chính xác khi khoa Tâm lý và các môn khoa học có thể giúp chúng ta hiểu và sống cách nào đó các lĩnh vực của chức linh mục và đời sống độc thân. Nhưng, cuối cùng, người ta vẫn không hoàn toàn hiểu và cũng không làm sáng tỏ được một trong hai mà không nại đến các ngành khoa học thánh. Cả hai đời sống linh mục và đời sống độc thân đều bắt nguồn từ đời sống thiêng liêng và trong mối quan hệ với Thiên Chúa. Như vậy, sống độc thân là một chứng từ của thực tại Kitô giáo, đó là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Cũng như mối quan hệ của họ với Thiên Chúa, mối quan hệ của vị linh mục sống độc thân với những người khác cũng rất quan trọng. Một linh mục tự cô lập là một linh mục đang bắt đầu bước vào sự sa ngã.

Vì vậy, chúng ta phải làm cho các mối quan hệ của chúng ta hoạt động. Chúng ta phải nố lực giăng mắc một mạng lưới các mối tình thân hữu thực sự. Có nhiều bạn bè không có nghĩa là khi nào cũng đòi chất lượng, nhưng đòi một kỹ năng đã thành thục. Thật đáng tiếc khi lối đào tạo các linh mục tương lai của chúng ta trong chủng viện đã không có các hướng dẫn rõ ràng cụ thể cổ vũ cho tình bạn của con người. Ngay cả Chúa Giêsu, vị Thầy của đời độc thân, đã có nhiều bạn bè bên cạnh mười hai tông đồ của Ngài.

Đức Tổng Giám Mục Timothy Dolan (2000) tổng giám mục của New York, giới thiệu một số gợi ý thực hành cho các linh mục nhằm bảo vệ đời sống độc thân của họ. Ngài đưa ra cả hai cách giúp đỡ tiêu cực lẫn tích cực:

a. Những Giúp đỡ tiêu cực- Cần Tránh:

1. Rượu – uống quá nhiều có thể mất kiểm soát các đam mê.

2. Những kênh truyền hình, phim ảnh, tạp chí và sách báo khiêu dâm trên mạng Internet gợi hình.

3. Không đặt lằn ranh thích hợp trong mối quan hệ với phụ nữ, trẻ em và những người dễ bị tổn thương đối với những gì có liên can đến tình dục.

4. Xem các chuẩn mực của đời này như kỉm chỉ nam của mình.

5. Nói những chuyện tục tỉu.

 b. Những giúp đỡ tích cực – Nên Dùng:

1. Cầu nguyện – Đừng xấu hố khi đưa vấn đề bản năng tình dục của chúng ta vào cầu nguyện. Cần thú nhận những thất bại của chúng ta và cầu xin ơn thánh.

2. Hãy tận hưởng những khoảnh khắc cô tịch – Tận hưởng niềm vui với bạn bè thân thiết của mình.

3. Có những kỉ luật làm cân bằng của cuộc sống – điều này đòi phải có một khung đời sống về đời cầu nguyện, làm việc, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, và tình bạn, với một kỉ luật khả thi trong việc ăn, uống, chi tiêu tiền, mua các tiện ích mới, và giải trí.

4. Nuôi dưỡng những tình bạn linh mục tốt, đây là những người mà chúng ta có thể tin tưởng, có thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, và gây niềm hy vọng, những người mà mối quan hệ của họ với chúng ta rất an toàn, và ngược lại, họ có thể nói thẳng thắn với chúng ta khi chúng ta lừa dối chính mình về lý tưởng chức linh mục và các lời khấn hứa.

5. Có những người bạn tốt sống đời hôn nhân – Đời độc thân được xây dựng trên, sự biết ơn sâu xa đời sống hôn nhân. Người ta nói, “người độc thân tốt cũng sẽ là những người chồng, người cha tốt”. Quan hệ tốt với các cặp vợ chồng sống đời hôn nhân làm cho tình yêu của đời độc thân nơi chúng ta được tăng trưởng cách bình thường, và mạnh mẽ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được kêu gọi để yêu thương Giáo Hội cách dịu dàng như người đàn ông yêu thương vợ mình và yêu thương hy sinh cho con người như các cặp vợ chồng hy sinh cho con cái họ vậy. Như thế thì chúng ta sẽ sống đời độc thân khiết tịnh chân thành, thực tế, lành mạnh, vui tươi, tự do. Sợ hãi, níu kéo lại, hoặc thiếu trung thực sẽ không có chỗ trong mối tình lãng mạn này.

F. Một cảnh báo về nạn ấu dâm – Các xu hướng của các Chủng sinh/ Linh mục

Chúng ta đừng tự mãn cho rằng nạn ấu dâm là một vấn đề của phương Tây hay Mỹ; nó cũng đang phổ biến khá thịnh hành ở tất cả các nước châu Á (Pirito, 2004). Qua các cuộc phỏng vấn, P.D. Cristantiello (2002) một linh mục – tâm lý gia có thể hiểu biết về lịch sử tình dục của một linh mục, hoặc của một ứng viên cho chức linh mục. Theo nghĩa rộng, người lớn mắc chứng thích tình dục với trẻ em phát xuất từ bản thân thích thú, thèm muốn và bị cuốn hút đến với trẻ em hoặc thiếu niên (Groth, 1979). Việc chẩn đoán bệnh ấu dâm không phải là dễ dàng. Hy vọng trong những tháng năm phạm tội theo bản năng nhục dục, người phạm tội ấu dâm thấu hiểu là anh ta đã phạm nhiều sai lầm khi có những hành vi nhục dục lệch hướng. (Prendergast, 2003).

Hầu hết đàn ông hoặc phụ nữ mắc bệnh ấu dâm là những người cô đơn và nhút nhát, không thích các cuộc tụ họp hay các sinh hoạt đông người, nhưng họ vẫn có những cách cư xử duyên dáng, thân thiện, và hòa mình trong các tình huống để che dấu cảm xúc thật của họ. Họ thường có những hành vi “đóng kịch” như là một chiến thuật phòng thù. Tiếp xúc với trẻ em hoặc thanh thiếu niên thì đương nhiên là họ thoải mái hơn với người lớn. Nếu phải tham gia trách nhiệm cộng đồng thì cách cư xử và tầm ảnh hưởng của họ là không tồn tại lâu và nông cạn. Họ biết rõ về mọi hành vi và cuộc sống của mọi người, nhưng không ai biết bất cứ điều gì về bản thân họ. Họ hoàn toàn bình thường xuất hiện trước mắt hầu hết mọi người khi đứng “trên sân khấu”, và khéo léo biểu diễn để người khác không nhận ra được điều họ thực sự là. Họ thích nắm giữ các địa vị vốn đem lại cho họ quyền lực, quyền hạn và cơ hội tiếp xúc với một trong hai giới trẻ em hoặc thanh thiếu niên (Pinto, 2004).

IV. Nhu cầu phát triển căn tính linh mục nhằm tăng trưởng sự thánh thiện

Chúng ta đọc trong sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống Linh Mục (Presbyterorum Ordinis, số 2) của Công Đồng Vatican II: “Các linh mục được tham dự vào quyền bính mà chính Chúa Kitô đã dùng để kiến tạo, thánh hóa và cai quản Thân Thể Người, vì vậy, chức Linh Mục của các ngài tuy dựa trên những Bí Tích khai sinh đời sống Kitô giáo, nhưng lại được một Bí Tích riêng in dấu đặc biệt khi các ngài được Chúa Thánh Thần xức dầu: như thế các ngài nên giống Chúa Kitô Linh Mục, đến nỗi có quyền thay mặt Chúa Kitô là Đầu mà hành động”.

Chức linh mục là một lời mời gọi, không phải là một nghề nghiệp; là tái xác định lại bản thân chứ không chỉ là một chức vụ mới; là một cách sống chứ không là một công việc; một trạng thái hiện sinh chứ không chỉ là một chức năng, một sự cam kết vĩnh viễn suốt đời chứ không phải là một dịch vụ tạm thời; một căn tính chứ không là một vai trò (Dolan, 2000). Chúng ta là linh mục; vâng, công việc hay chức vụ đều quan trọng và cao cả, nhưng xuất phát từ một hiện sinh; chúng ta có thể hành động như linh mục, thi hành thừa tác như linh mục, giữ vai trò như linh mục, phục vụ như linh mục, rao giảng như linh mục, bởi vì trước hết và trên hết chúng ta là Linh Mục. Chúng ta là những “hiện sinh” trước khi là “hành động”. Phẩm giá và căn tính nền tảng của chúng ta đến từ cái chúng ta là ai; chứ không phải từ những gì chúng ta làm. Điều này rất đúng với chức linh mục của chúng ta.

Theo cách hiểu của giới Công Giáo chúng ta, chức linh mục được xem như là một cuộc làm mới lại một con người cách cơ bản và tổng quát trước cái nhìn của Thiên Chúa và Giáo hội của Người, bằng cách mang lấy một bản thể “đồng hình đồng dạng” với Đức Kitô. Căn tính linh mục này rất là quan trọng, là yếu tính của một con người và đồng thời lại tác động trên hiện sinh và trên hành động của họ. Do đó các linh mục sẽ được vui hưởng những đặc điểm tương tự như của Vị Linh mục Vĩnh cửu Tối Cao. Hai chiều kích đặc biệt đáng quan tâm của chúng ta là: chức linh mục của chúng ta là vĩnh viễn và đồng thời chức linh mục cũng là trung thành.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói; “Khi một người nói “vâng” với chức linh mục thì tiếng “vâng” ấy là đời đời”. Trong thực tế, điều này có nghĩa là chúng ta không được “rời bỏ” chức linh mục hoặc thôi chức linh mục, vì không có gì hơn được hoặc làm ngưng lại chức “cha” của chúng ta (our father). Chức linh mục là đời đời. Chúng ta biết và từng gặp nhiều người rời bỏ chức linh mục – chúng ta không đoán xét họ, họ là những người tốt. Nhưng một điều chắc chắn, cho dẫu không biết bao nhiêu người bỏ cuộc, không biết bao nhiêu lời chỉ trích phê phán, không biết bao nhiêu vụ bê bối đã xảy ra, linh mục vẫn là đời đời. Đó là một sự dấn thân trọn vẹn và vĩnh viễn với Chúa Kitô và Giáo Hội (Dolan, 2000). Chúng ta không biết sẽ sống chức linh mục như thế nào, được sai đi phục vụ ở đâu, làm những gì, tất cả những điều này chắc chắn sẽ thay đổi, nhưng căn tính linh mục của chúng ta sẽ không bao giờ thay đổi. Chức Linh mục là đời đời.

Một đặc điểm thứ hai của căn tính linh mục chúng ta là trung thành. Mẹ Têrêxa Chân phước thường nói: “Chúa không đòi chúng ta phải thành công, Người chỉ đòi chúng ta trung thành”. Chúng ta trung thành với căn tính linh mục của mình bất kể hoàn cảnh như thế nào. Chúng ta thường nghe hoặc đọc các tin tức báo chí: “Linh mục: đáng trách vì có nhiều thiếu sót. Ít đi thăm viếng. Giảng dạy bậy bạ. Ông ta là người dốt.” Tất cả những điều này vẫn không thay đổi căn tính của linh mục được.

Sự trung thành sẽ dễ dàng hơn khi đời sống linh mục của chúng ta hạnh phúc, thích thú và tràn trào sinh lực. Tuy nhiên, nỗi buồn, sự cô đơn, thất bại sẽ đến, và cứ như thế liệu chúng ta có trung thành được không? Có, nếu chúng ta biết rằng lòng trung thành của chúng ta không thuộc về một công việc, một nghề nghiệp, một chức năng, một sự giao việc, nhưng thuộc về một tiếng gọi, một căn tính, một con người mang tên Giêsu và Giáo Hội của Người! Lòng trung thành không dựa trên thành tích, sự khen thưởng, hoặc sự trọn hảo. Đôi khi, trong chức Linh mục của mình, chúng ta cảm nghiệm sự khô khan, hoang mang, bối rối, nghi ngờ, mệt mỏi, thất vọng, cô độc, nóng giận – Chính những khi như thế mà chúng ta chứng minh được lòng trung thành của chúng ta. Giáo hội, Hiền thê của chúng ta lắm khi như què quặt và vô dụng, cạn kiệt; Thầy của chúng ta, Chúa Giêsu, đôi khi có vẻ như xa cách, vắng mặt và ngủ quên, vậy đó mà chúng ta cứ trung thành. Như lời nguyện của Thánh Tôma Aquinô: ” Lạy Cha là Thiên Chúa của con, xin ban cho con một trái tim thức tỉnh, để không một tư tưởng hão huyền nào kéo con xa Cha;một tấm lòng cao thượng, để không một tình cảm đê tiện nào có thể hạ thấp con; một tấm lòng ngay thẳng để không một ý đồ mập mờ nào có thể làm cho con ra xiên xẹo; Lạy Cha là Thiên Chúa của con, xin ban cho con một tấm lòng trung thành để luôn gắn bó với Ngài mà thôi”

Bây giờ, điều gì nuôi dưỡng căn tính linh mục của chúng ta? Trước tiên, chẳng có gì đáng ngạc nhiên ở đây, đó là cầu nguyện. Cầu nguyện dĩ nhiên là khẳng định cách tin tưởng rằng đối với chúng ta không có gì là có thể, trong khi đối với Chúa không có gì là không thể.

Cầu nguyện được xây dựng trên niềm tin rằng Thiên Chúa không bao giờ mời gọi chúng ta đến điều gì đó mà không hỗ trợ ân sủng để thực hiện. Nếu linh mục biết hướng dẫn dân mình tiếp xúc với sự hiện diện mầu nhiệm của Thiên Chúa, vốn đem lại sự thánh thiện, thì rồi chính các linh mục cũng sẽ bắt liên lạc với sự hiện diện và mầu nhiệm đó của Thiên Chúa. Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phạolô nói “Cầu nguyện theo một nghĩa nào đó làm nên các linh mục, và đồng thời, mỗi linh mục tự làm nên chính mình cách liên lỉ qua cầu nguyện. Điều cao cả nhất của mọi lời cầu nguyện là Thánh Thể, đó là nơi chúng ta cảm nghiệm cách sâu xa nhất căn tính linh mục của chúng ta. “Linh mục là người của Thánh Thể “, Đức Thánh Cha nói tiếp trong cùng một trích đoạn trên (Presbyterorum Ordinis số 2). Chúng ta cử hành Thánh Thể nhân danh Đức Kitô, vì đó mà trở thành “một Đức Kitô khác”.

Linh mục còn có một sự giúp đỡ khác đó là hiệp ý cầu nguyện với Mẹ Maria, Mẹ của vị Linh mục tiên khởi. Như đời sống tự nhiên và bản chất chúng ta đã được tạo thành và nuôi nấng trong lòng bà mẹ dưới đất thế nào, thì đời linh mục và căn tính chúng ta cũng được nuôi nấng dưới sự chăm sóc của bà mẹ trên trời như vậy.

Có một cách khác để bảo vệ đời sống linh mục là phát triển mạnh mẽ tình bạn với anh em linh mục. Sự đồng hành và hỗ trợ của “những người bạn chiến đấu” (comrades in arm) là một trợ giúp vô giá làm sống điộng chức linh mục của chúng ta. Tất nhiên, điều này giả thiết chúng ta luôn duy trì tình bạn Linh mục tốt, lành mạnh, không hay chỉ trích, không dật dờ. Thực ra, tránh đi lại với anh em linh mục luôn là dấu hiệu của sự khủng hoảng. Chúng ta là những linh mục nên luôn mang điều tốt đẹp nhất cho nhau. Khi chúng ta đi thăm nhau, chia sẻ; qua ăn uống, ngày nghỉ, hoặc ngày hè, thảo luận về điều gì đó, xả hơi với nhau, thách đố nhau, thăm hỏi một người anh em đang chán nản, hoặc cầu nguyện với nhau…là chúng ta đang tăng cường cho nhau đời linh mục.

Có một người nữa mà chúng ta vì là Linh mục nên cần giữ liên lạc, luôn yêu thương và tin cậy, đó là giám mục của chúng ta. Mối liên kết mật thiết giữa một vị giám mục và các linh mục của mình là điều cần thiết vừa mang tính thần học mà cũng vừa là một thực tại nhân bản. Không thể có chuyện giám mục mà lại không ưu tiên hàng đầu chăm lo phúc lợi và săn sóc các linh mục của mình.

Còn nữa, ngoài việc có những người bạn tốt trong số các anh em linh mục, bạn bè với giáo dân cũng rất tốt. Tất cả đều nhằm tăng cường và nuôi dưỡng đời sống linh mục của chúng ta.

Tất cả các biện pháp bảo vệ ở trên sẽ trở nên lu mờ khi chúng ta nói tới một khía cạnh quan trọng nhất có khả năng tăng cường căn tính linh mục của chúng ta: đó là mối quan hệ gắn bó thân mật với Chúa Giêsu. Chúng ta chỉ là linh mục vì lời mời gọi chúng ta phát xuất từ Người và chúng ta nên một với Người. Đặc biệt chúng ta được kêu gọi là để nên một với Người trên thập giá? Dĩ nhiên, ở đây Người là linh mục tối cao, và chúng ta là Linh mục khi chúng ta chia sẻ đau khổ của Người. Những đau khổ về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Chúng ta hãy khép lại bài tham luận về bản chất linh mục này bằng cách trích dẫn lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói với các tân linh mục mới được tấn phong: “Cho đến buổi hoàng hôn của cuộc đời, trong kinh ngạc và biết ơn, con hãy giữ tiếng gọi nhiệm mầu ngày đó đã vang vọng trong sâu thẳm tâm hồn con: “Hãy theo ta!”.

V. Các nhân đức – sự sống của đời Ki-tô hữu – Thăng tiến sự thánh thiện linh mục triều

Một linh mục giáo phận cũng phải tự mình sống đời Ki-tô hữu nghiêm chỉnh nếu ngài muốn đặt mình vào vị trí lãnh đạo Dân Chúa. Linh mục cần phải thấm nhuần và thực hành các nhân đức Ki-tô giáo để trở nên vững mạnh và thánh thiện mà lãnh đạo đoàn dân của ngài đi tới sự thánh thiện, tới Chúa Cha Đấng ngự trên trời. Các nhân đức đó là: đức tin, cậy, mến, khiêm nhường, trung thành, vâng phục, lịch sự, chính trực, cẩn trọng, kiên nhẫn, sám hối, giản dị trong lối sống và vui tươi.

1. Linh mục – Con người của đức tin

Giữa những nghi nan, nhạo báng, mỉa mai và lộn xộn, con người của đức tin dám công bố rằng có những sự thật mà chúng ta cần khám phá bởi vì các sự thật ấy đến từ Thiên Chúa chứ không từ nhân loại. “Đức tin”, theo như thư gửi tín hữu Do Thái chỉ dẫn chúng ta, “là bảo đảm cho những phúc lành mà chúng ta trông đợi, là bảo chứng cho sự hiện hữu của những thực tại mà hiện thời chúng ta không trông thấy” (x. Dt 11,1). vâng, cho dù lãnh đạm, chống đối, và ly giáo bao vây chúng ta chăng nữa, đức tin cũng cho phép ta gắn kết chặt chẽ với những thực tại chắc chắn rằng: Thiên Chúa hiện diện và Ngài yêu thương chúng ta cách say đắm!

Đức tin chúng ta đặt để nơi Thiên Chúa không phải là lý thuyết nhưng mang tính tự phát và hồn nhiên như là một phần tất yếu của hiện hữu. Khi linh mục chúng ta trở nên biến chất trong bất cẩn, cáu kỉnh, hưởng thụ, lười biếng, khép kín, không thích hoạt động vì ơn gọi nữa, lại là lúc chúng ta cần làm mọi sự với đức tin! Đúng như Đức Cha Fulton Sheen đã nói: “Khủng hoảng trong đời sống linh mục không phải là vấn đề liên quan đến ơn gọi mà là vấn đề của đức tin!” Hoặc chúng ta là những người có đức tin mạnh mẽ hoặc chúng ta chẳng là gì cả! Không có đức tin, không có niềm tin vào các bí tích, thì chúng ta trở nên trống rỗng vô hồn. Nếu không có đức tin, nếu chính chúng ta cũng không tin vào điều chúng ta nói, thì bài giảng cũng trở nên nhàm chán, buồn tẻ. Sau cùng, không có đức tin, chúng ta tự đưa mình đến sa ngã. sớm hay muộn, một ngày nào đó, cơn khủng hoảng sẽ đến.

Vậy chúng ta có thể làm gì để gia tăng và bảo vệ đức tin của chúng ta? Có nhiều cách, chẳng hạn:

1) Học các môn thần học có thể làm tăng thêm đức tin;

2) Cầu nguyện tăng thêm đức tin, bởi vì, đức tin tự thân là một hồng ân được ban cho chúng ta khi chúng ta cầu xin;

3) Thận trọng về việc xin dấu lạ, vì đức tin của chúng ta không lệ thuộc vào những dấu lạ (chẳng hạn các phép lạ hay những cuộc hiện ra);

4) Khủng hoảng, đau khổ cũng có thể thanh luyện và tăng sức cho đức tin chúng ta. Ngày mới chịu chức chúng ta tin cách dễ dàng, nhưng sau đó thật khó mà tin khi lần đầu tiên cha sở trút cơn bão tố trên chúng ta. Đức tin thật suôn sẻ khi chúng ta khoẻ mạnh, nhưng thật gai góc khi chúng ta ốm đau; Tiện nghi và sự an phận thủ thường đôi khi cũng dễ bóp nghẹt đức tin;

5) Chúng ta cần sự đồng hành, trợ giúp và khích lệ của những người nâng đỡ chúng ta trong đức tin. Một khi đã rời xa môi trường chủng viện, chúng ta cần đến những người bạn tốt và anh em linh mục để tiếp tục đỡ nâng đức tin của chúng ta.

2. Linh mục – Con người của hy vọng (đức cậy)

Một phó tế đang trong giờ hấp hối đã nói: “Đức cậy là hồng ân giúp chúng ta tiến bước khi chúng ta tưởng Chúa Giêsu đang ngủ mà chẳng chăm sóc gì cho chúng ta, và chúng ta hãy tạ ơn Chúa về hồng ân cao trọng của đức trông cậy”. Đức cậy là nhân đức giúp chúng ta tiến bước khi chúng ta rơi vào cơn cám dỗ cho rằng Đức Giêsu đang ngủ. “Chỉ nơi Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi an toàn, ơn cứu độ của tôi bởi Ngài mà đến. Duy Người là núi đá, là là sức mạnh, là thành luỹ chở che, tôi chẳng hề nao núng” (Tv 62).

Dĩ nhiên, đức tin là nhân đức giúp ta tin có một Thiên Chúa; đức cậy là nhân đức giúp ta xác tín rằng Chúa luôn giữ lời Người đã hứa! Hồng y Suenens viết: “Tôi là con người của hy vọng, không phải vì những lý lẽ của con người, cũng không phải vì chủ nghĩa lạc quan tự nhiên, nhưng bởi vì tôi tin rằng Chúa luôn hoạt động trong cuộc đời tôi, trong Giáo hội, trong thế giới, ngay cả khi danh Ngài không được nghe biết đến”. Đức cậy như là niềm hy vọng sâu xa, vững bền, không nao núng, bình tâm mà chắc chắn, quả thực là một điều rất quan trọng và thiết yếu cho đời sống linh mục! Dân chúa muốn chúng ta trao tặng cho họ niềm hy vọng, và chúng ta không thể cho điều chúng ta không có (Nemo dat quad non habat). Chính chức vụ linh mục của chúng ta cũng khó lòng mà đứng vững và tăng tiến, triển nở, nếu chúng ta không có niềm hy vọng như thế.

Vậy giờ đây chúng ta hãy nhìn vào một số phương thế mà chúng ta có thể giúp các linh mục sống niềm hy vọng trong cuộc đời linh mục của các ngài.

A. Hy vọng có thể trở thành một cuộc tranh đấu cam go cho các linh mục bởi vì chúng ta ít khi nhìn thấy những kết quả xác thực và tức thời nơi những công việc chúng ta làm. Chúng ta đừng có ngây thơ cho rằng sứ vụ linh mục là một cuộc sống sẽ mang lại những phần thưởng, niềm vui và sự thoả mãn lớn lao. Nhưng sẽ có nhiều lúc chúng ta cần phải nghiền ngẫm cho kỹ rằng: nếu có bất cứ điều gì chúng ta làm mà mang lại nhiều kết quả, hay là chúng ta làm được bất cứ điều gì tốt, thì cũng là bởi vì chúng ta đang cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa, ân sủng đó đang hoạt động âm thầm cách vô hình, nhẹ nhàng, tiệm tiến và rất hiếm khi làm nảy sinh ngay lập tức những ngọn hoa đăng hay là những kết quả phi thường. Đây là lý do cho thấy tại sao niềm hy vọng lại quan trọng như thế trong đời sống linh mục, bởi vì chính hy vọng cho ta thấy rằng Thiên Chúa hoạt động mãnh liệt nơi chúng ta, qua chúng ta và thay cho chúng ta, ngay cả khi chúng ta không nhìn ra kết quả.

B. Một trong những hiểu biết sâu sắc nhất về chức vụ linh mục ở những năm gần đây là nhu cầu được nhìn nhận. Các linh mục cần được sự nhìn nhận từ các anh em linh mục, các giám mục, mục tử, dân Chúa, gia đình và bạn hữu. Nhưng nếu chúng ta cứ lệ thuộc vào sự nhìn nhận, lệ thuộc vào sự đánh giá của đám đông dân chúng, của những lời tung hô và sự thoả mãn bề ngoài thì chúng ta tự chuốc lấy thất vọng!

C. Chúng ta thường bị cám dỗ đặt hy vọng vào những điều lớn lao, nhưng những điều này lại thường nuốt chững chúng ta. Những điều tốt lành đó là: chúng ta tin tưởng vào bạn bè, vào các giám mục, vào Tòa Thánh, vào tiếng tăm của mình, vào những thoả mãn chính đáng sau khi hoàn thành tốt một công việc. Nhưng chúng ta biết sẽ đến ngày mà ngay cả những thứ chính đáng đó, những đối tượng tốt lành đáng tin đó sẽ hạ chúng ta xuống; Nên nếu chúng tạ cứ đặt tất cả niềm tin vào những thứ chính đáng như thế, chúng ta cũng sẽ tự chuốc lấy thất vọng và thất bại.

D. Nhân đức chủ đạo đến từ đức cậy là sự kiên trì bền đỗ. Có lần Đức Thánh Cha Phao-lô VI đã nói với các chủng sinh Roma rằng: “Khi một người cất tiếng thưa vâng để lãnh chức linh mục thì đó là tiếng thưa vâng muôn đời! Để giữ được lời hứa ấy, đế có thể tiếp tục cuộc chiến đấu ngoan cường, để có thể trung thành, và kiên trì ngay cả giữa những nghi nan, xáo trộn, đổ vỡ, tất cả cần có niềm hy vọng”.

E. Đức cậy đặc biệt cần đến lời cầu nguyện. Thầy Chí Thánh đã căn dặn chúng ta: kiên trì, bền đỗ, trung thành cần phải được đi kèm với đời sống cầu nguyện liên lỉ, vì đó là nguồn mạch của nhân đức hy vọng. Lỗi lầm lớn nhất mà chúng ta có thể phạm phải là khi gặp khó khăn trong việc cầu nguyện thì bỏ cầu nguyện hoặc đánh mất hy vọng. Đức cậy giúp chúng ta chiến đấu chống lại tội lỗi, chống lại tật thiếu kiên trì, ngồi lê đôi mách, lười biếng, tà dâm, nóng nảy, lời nói cay độc, xét đoán. Giám mục Fulton Sheen nhắc nhở chúng ta rằng đời sống thiêng liêng của chúng ta không bằng phẳng hết đâu, mà cũng có đồi núi va thung lũng, nên bí quyết để nên thánh là không đánh mất lòng cậy trông khi bước qua lũng sâu.

F. Trong thư thứ nhất của thánh Phê-rô chúng ta đọc thấy rằng: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3,5). Trên trời là nơi niềm hy vọng của chúng ta tới mức hoàn hảo nên chúng ta đừng bao giờ phải sợ khi nói về những sự trên trời.

3. Linh mục – Con người của lòng mến (đức ái)

Chúng ta biết truyền thống liên quan đến những ngày cuối đời của thánh Gioan, Tông đồ của Đức Giêsu, là ngài cứ lặp đi lặp lại bài giảng của ngài hết Chúa Nhật này đến Chúa Nhật khác: “Các con thân mến, các con hãy yêu thương nhau! Các con hãy yêu phương nhau!”. Người ta hỏi ngài sao cứ lặp đi lặp lại hoài như thế, ngài trả lời rằng: “Vì Thầy Chí Thánh cũng đã luôn lặp đi lặp lại điều ấy như vậy”.

Ngày nay, đời sống linh mục đầy ắp những yêu cầu và mong đợi; nên chúng ta phải có nhu cầu cầu nguyện hàng ngày, học hành, chuẩn bị cho phụng vụ, cho sứ vụ, cho các cuộc gặp gỡ liên miên phải tham dự, và cứ thế…cứ thế. Nguy cơ ở chỗ là đời sống chúng ta có thể vì đó mà trở nên rời rạc, phân tán, thậm chí bị trật khỏi đường rầy. Vì vậy, chúng ta cần tìm ra một giá trị có thể mang lại sự hài hòa, nguyên lý đem lại sự thống nhất, nguồn sức mạnh mang lại sự gắn kết liên tục, một động cơ để định hướng cho ngôn ngữ và hành động của chúng ta, đó chính là tình yêu.

Cũng thế, Đức thánh cha Gioan Phao-lô II trong tông huấn Pastores Da bo Vobis (1992) đã viết: “Chúa Ki-tô đã trao ban chính mình cho Giáo hội. Đây là hoa trái của tình yêu, được diễn tả bằng hình ảnh sự hiệp nhất giữa Cô dâu và Chàng rể… Linh mục cũng được kêu gọi để trở nên hình ảnh sống động của Chúa Giêsu Ki-tô, Phu quân của Giáo hội (PDV 22). Vì vậy, linh mục được mời gọi sống đời sống thiêng liêng của mình làm sao để thể hiện mối tình phu quân của Chúa Ki-tô dành cho Giáo hội, Hiền Thê của Ngài. Để lớn lên trong tình yêu với Chúa Ki-tô và Giáo hội của Ngài, chúng ta cần làm một số việc nào đó. Giờ đây chúng ta làm thế nào để lớn lên trong tình yêu?

A. Để tình yêu của chúng ta với ai đó tăng trưởng thì trước hết chúng ta cần có thời gian ở bến họ, trao đổi và lắng nghe, chia vui sẻ buồn với họ, và tương tự, chúng ta cũng phải làm như thế với Chúa Giê-su.

B. Một phương cách để nâng cao tình bạn hay mối liên hệ yêu thương là chia sẻ bữa ăn với nhau. Cũng giống như thế, chúng ta có dành thời gian cho Chúa Ki-tô đang thực sự hiện diện trong Bánh Hằng Sống, trong Bí Tích Thánh Thể không? “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở trong tôi và tôi ở trong người ấy” (Ga 6,56).

C. Khi chúng ta đem lòng yêu ai, chúng ta sẽ tìm hiểu về gia đình và bạn bè của người đó phải không? Vậy là chúng ta muốn Chúa Ki-tô và Giáo hội của Người trở thành tình yêucho cuộc sống của chúng ta. Vậy là có liên quan đến bà Mẹ đặc biệt của Người nữa! Chúng ta được gắn bó với Chúa cách mật thiết tới mức Mẹ Người trở thành Mẹ của chúng ta. Là những linh mục, chúng ta phải luôn cầu khẩn Mẹ của chúng ta, nhất là khi chúng ta cảm thấy bị ghen ghét, cô đơn, bị chối từ, cảm nghe mất mát hoặc khủng hoảng trong cuộc sống và sứ vụ linh mục.

D. Khi chúng ta muốn thân mật với ai nhiều hơn, đương nhiên là chúng ta. cố gắng khám phá mọi sự có thể về người đó. Điều này cũng đúng trong mối tương quan với Chúa. Đó là lý do tại sao các môn thần học có trật tự và hệ thống được Giáo hội ủy thác cho những người đang chuẩn bị để cống hiến đời mình vì niềm yêu mến say mê Chúa Ki-tô và Hiền Thê của Ngài là Giáo hội.

E. Khi chúng ta yêu mến ai, chúng ta muốn thanh luyện đời sống chúng ta khỏi bất cứ điều gì có thể gây tổn thương đến người mà chúng ta yêu mến. Vì vậy, đặc tính nền tảng của mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa là chúng ta cần phải chết đi hàng ngày với tội lỗi và sống lại trong ân nghĩa.

F. Khi chúng ta yêu mến ai, chúng ta sẽ hy sinh cho người đó. Chúa Giêsu đã từng dạy chúng ta: “Nếu anh muốn theo tôi, anh phái từ bỏ chính mình; và vác thập giá mình mà theo”. Vì thế, tình yêu dành cho Chúa Giêsu và Hiền thê của Người là Giáo Hội được chứng minh rõ nhất trong thời gian thử thách, cô đơn, bị loại trừ, đau khổ, bị căng thẳng – đó là lúc tình yêu trong sáng nhất. Tình yêu mà chúng ta dành cho Chúa Giêsu và Giáo hội của Ngài không luôn luôn thảnh thơi, dễ chịu và khắng khít tràn trề. Không, tình yêu đó sẽ đòi hỏi sự hy sinh vất vả, mồ hôi nước mắt và cả máu đào nữa. Tình yêu đó luôn bao hàm thập giá.

 4. Linh mục – Con người khiêm nhường

Khiêm nhường là nhân đức mà Chúa ưa thích, là nhân đức trọng yếu của đời sống nội tâm, là nhân đức nổi bật của Chúa Giêsu, là nhân đức được tất cả các vị thánh tuân giữ và được các nhà thần học chân chính gọi là “yếu tố tiên quyết để tiến triển trên đường trọn lành”. Thánh Tê-rê-sa, Bông Hoa Nhỏ đã nói: “Khởi đầu của mọi sự thánh thiện là khiêm nhưòng chấp nhận rằng nếu không có Chúa chúng ta không thể làm gì được, nhưng trong Ngài và nhờ Ngài, mọi sự đều có thể được!”

 Tại sao sự khiêm nhường lại được Chúa Giêsu đánh giá cao như vậy? Có lẽ bởi vì trong tư cách là Đấng cứu chuộc, sứ mạng chính của Ngài là ở chỗ cứu chúng ta khỏi tội đối nghịch với đức khiêm nhường là kiêu ngạo – giống tội mà gia đình nguyên tổ của chúng ta đã sa ngã, bởi họ nghĩ mình có thể đạt tới đích điểm đời mình mà không cần đến Thiên Chúa. Thánh Augustinô nhận xét rằng: “Chính sự kiêu ngạo đã gây ra sự sa ngã… nếu bạn hỏi tôi đâu là con đường dẫn tới Thiên Chúa, tôi có thể trả lời ngay rằng con đường thứ nhất là sự khiêm nhường, con đường thứ hai là sự khiêm nhường, con đường thứ ba là sự khiêm nhường…”. Có lẽ vì vậy mà sự nhập thể của Chúa Giêsu là hành động tuyệt đỉnh nhất của sự khiêm nhường. Thánh Bernađô từng viết: “Đức khiêm nhường là mẹ của ơn cứu rỗi”.

Mẹ Tê-rê-sa, với tâm hồn đơn sơ rất đặc trưng của mình đã nói về thứ tự ưu tiên trong cuộc sống là J-0-Y (niềm vui): J: Jesus (Giê su); O-Others (tha nhân), Y- you ( Y- chính mình). Nói cách khác, đức khiêm nhường dạy chúng ta đặt mọi sự trong một tầm nhìn xa, với sự chấp nhận rằng chúng ta thực sự chẳng đáng công chi và rằng, trong cuộc chạy đua đường dài, niềm hãnh diện, việc gây chú ý, uy danh thế lực thật là nguy hiểm và nên xa tránh là tốt hơn. Nói theo thánh Phaolô: “Nếu tôi có tự hào, thì tôi tự hào về thập giá của Đức Giêsu Ki-tô, Chúa chúng ta”.

5. Linh mục – Con người trung tín

Sắc lệnh Công đồng Vaticano II về chức linh mục đã diễn tả vẻ đẹp tuyệt vời của trung tín như là nhân đức thích hợp nhất đối với người linh mục, vì trong sứ vụ mục tử của mình, linh mục phản chiếu cho các tín hữu thấy tình yêu dạt dào mà Thiên Chúa dành cho dân Ngài và tình yêu mà Chúa Giêsu đã dành cho Giáo hội. Dĩ nhiên, trung tín có nghĩa là chúng ta chân thực với bản tính cũng như những đòi hỏi xuất phát từ ơn gọi của chúng ta, rằng chúng ta cần sống một cuộc sống chính trực toàn vẹn, khơi nguồn từ niềm xác tín thâm sâu rằng chúng ta sống dưới cái nhìn của Chúa, rằng chúng ta trung tín hoàn thành những bổn phận liên quan đến ơn gọi của mình, và rằng chúng ta là những con người trọng lời hứa, là những người đáng tin cậy vì đã làm điều chúng ta nói và đem ra sống điều chúng ta tuyên xưng.

Nguồn trợ giúp đầu tiên cho sự trung tín của đời linh mục chúng ta là Thánh lễ    hằng ngày. Nhiều học giả tu đức hay các linh mục thánh thiện nhắn nhủ chúng ta rằng: nếu bạn muốn trung thành với ơn gọi của mình, hãy trung thành với Thánh lễ hàng ngày”.

Nguồn trợ lực thứ hai là trung thành với kinh nguyện phụng vụ hàng ngày; Tổng giám mục Timothy Dolan đã chia sẻ một trong những kinh nghiệm của ngài cho một linh mục: Hầu hết các linh mục bỏ chức vụ linh mục của mình đều là những người đã bỏ Kinh nguyện của Giáo hội.

Nguồn tiếp sức thứ ba cho sự trung tín của linh mục là kỷ luật, tức là một lối sống nhất quán. Bạn đã nghe nhiều vị linh hướng, nhiều nhà tâm lý trị liệu và các chuyên gia cho biết rằng nếu hàng ngày mà có một khung đời sống đàng hoàng, có kế hoạch, có kỉ luật, có sự cân bằng trong cầu nguyện, trong học tập, lao tác, giải trí, thể dục, thời gian dành cho bạn bè, cho ăn uống, ngủ nghỉ… thì đó sẽ là những bảo đảm tốt cho một cuộc sống vui khoẻ và hạnh phúc.

6. Linh mục – Con người vâng phục    

“Nếu như hôm nay các ngươi nghe tiếng Chúa, thì đừng cứng lòng”, câu Thánh Vịnh này có thể được coi là quen thuộc nhất trong kinh thần vụ. Vâng phục có thể là một nhân đức dễ để diễn tả nhất, nhưng lại là nhân đức khó thực thi nhất. Điều đó được chứng nghiệm nơi các Tổ phụ, nơi Đức Trinh Nữ, nơi thánh Giu-se, vì chính nơi các ngài mà tiến trình ơn cứu độ đã bắt đầu. Ngày nay, việc người ta nhấn mạnh đến yếu tố tự trưởng thành, tự thực hiện và tự chăm sóc chính mình càng đào sâu thêm những nghi vấn về đức vâng phục. Thật là đúng đắn khi vì đức vâng phục mà chúng ta lội ngược dòng đời nhất, với một xã hội mà chúng ta bị thúc bách tự do chọn lựa, không bị ràng buộc gì, luôn sẵn sàng chạy theo điều lôi cuốn hơn, bảo vệ lợi ích riêng tư của chúng ta hơn bất cứ cái gì khác, đòi hỏi quyền lợi và chống lại sự hạn chế.

Trong ngày chịu chức, chúng ta đã tuyên hứa hoàn toàn vâng phục một người và một khung giới hạn là vườn nho của Chúa. Đó là đức vâng phục. Đó cũng là lội ngược dòng đời!

Chúng ta không chỉ vâng phục Đức Giám Mục của mình mà còn phải vâng phục thiên chức linh mục của chúng ta nữa. Điều đó muốn nói rằng chúng ta trung thành với ơn gọi làm linh mục của mình. Chúng ta quảng đại vâng theo những mong ước Giáo Hội đặt để nơi chúng ta, ngày ngày chúng ta nuôi dưỡng và làm triển nở căn tính linh mục của chúng ta, và xa tránh tất cả những ai hay những gì có thể đe dọa thiên chức ấy. Thật lạ là chúng ta thường bị cám dỗ không vâng phục đối với chức linh mục của mình không chỉ khi bất mãn, nhàm chán hay thất bại mà ngay cả lúc chúng ta được yêu mến, ca tụng và thành công.

Vâng phục đối với chức linh mục còn có nghĩa là chú tâm chu toàn những bổn phận của ơn gọi mình: dâng lễ và đọc kinh thần tụng hàng ngày, nguyện ngắm, làm cho các nhân đức trong sạch, khiêm tốn tăng trưởng, sống đơn giản, tình bạn trong sáng với tất cả các anh em linh mục, chế độ ăn uống thích hợp, tin tưởng vào bí tích hòa giải, duy trì việc tĩnh tâm hằng năm và linh hướng – Tất cả những điều này gìn giữ lòng trung thành của chúng ta với thiên chức linh mục.

 Tiếp đến, chúng ta phải vâng phục giáo dân của mình, vâng, họ chính là những chủ nhân của chúng ta. Chúng ta phục vụ họ. Lo phần rỗi linh hồn họ là công việc hằng ngày của chúng ta. Một ý thức về bổn phận: vâng phục giáo dân của mình. Tôi nợ bổn phận vâng phục ấy với giáo dân của tôi khi tôi là linh mục của họ. Thiên Chúạ không trao thiên chức linh mục như một địa vị để hưởng sự thoải mái, mà để phục vụ dân Người.

Sau cùng, chúng ta phải vâng phục cả những đau khổ của mình. Như lời thánh Tông đồ trong thư gửi cho giáo đoàn Do Thái nhắc nhở chúng ta “dẫu là Con, Người đã học thế nào là vâng phục nhờ đau khổ”. Chúng ta cũng phải như vậy. Đau khổ có thể đến từ việc chúng ta chấp nhận một bổn phận được giao cho mà chúng ta không hề mong muốn, nhưng buộc phải lao mình vào; đau khổ có thể là phải cố gắng sống với một ai đó không “đồng bàn” với chúng ta. Đau khổ có thể là sự mệt mỏi trước những công việc đầy khó khăn vất vả xem như bế tắc. Trong mọi sự này, chúng ta vâng phục chúng với ý thức chính Chúa Giêsu cũng đã thưa “xin Cha hãy cất chén này xa Con; nhưng đừng theo ý Con, mà theo ý Cha”.

7. Linh mục – Con người lịch sự

Ngày nay, lịch sự là một đức tính không cần phải định nghĩa. Chúng ta biết nó khi chúng ta nhìn thấy nó; và chắc chắn chúng ta biết nó ngay cả khi chúng ta không thấy nó. Lịch sự nghĩa là làm mọi sự cách tử tế, có cân nhắc, có cách thức, đúng mực và đoan trang. Lịch sự được xem đứng thứ hai sau đức bác ái, nhân đức tối thượng của Kitô giáo. Thánh Phanxicô nói: “Thưa anh em, anh em phải nhận biết rằng lịch sự quả thực là một trong các thuộc tính của Thiên Chúa, Người cho mặt trời mọc lên và mưa rơi xuống trên cả người công chính cũng như kẻ bất chính cũng vì lịch sự; lịch sự là chị em của đức ái, nhờ đó mà hận thù bị tan biến, tình thương được ấp ủ”.

Lịch sự dựa trên ba nguyên tắc: Nguyên tắc thứ nhất là lòng tự trọng – Chúng ta hãnh diện tôn trọng bản thân chúng ta với tư cách là một người con của Chúa, được tạo dựng giống hình ảnh của Người, được cứu độ bẳng giá máu châu báu của Con của Người, được tiền định để sống cuộc sống vĩnh cửu. Những điều như thế mang lại cho chúng ta một lòng tự trọng lành mạnh để chúng ta phải cư xử với chính mình cách có nhân cách.

Nguyên tắc thứ hai là tôn trọng người khác- Tôi tin mình thể nào thì chắc chắn tôi cũng tin người khác như vậy, và vì thế tôi sẽ cư xử với họ như họ chính là hình ảnh thực của Thiên Chúa – nghĩa là cư xử hết sức lịch sự.

Nguyên tắc thứ ba, lịch sự theo quan niệm thông thường cho rằng dù được bành xử trong bất cứ xã hội lớn hay nhỏ nào thì nó cũng chỉ có thể tồn tại, phát triển và đem lại thành quả khi được thực hiện theo một quy tắc rõ ràng của phép lịch sự, của sự quan tâm chăm sóc .

Đối với một linh mục, lịch sự đòi chúng ta phải giới thiệu mình với người lạ, hiếu khách với tất cả mọi người, kể cả với một người xa lạ vừa mới tới, tin tưởng những nơi mình được sai đến, đáp lại những lời mời, và đừng mong đợi được đối xử đặc biệt (kiểu giao sĩ trị), thông báo khi mình đi đâu ra khỏi nhiệm sở, trả những lá thư đúng lúc.

Phép lịch sự không đề cao danh tính, không bùng lên những cơn tức giận, và không đưa ra những lời cáo buộc. Chúng ta bày tỏ sự phê bình một cách bình tĩnh, bác ái và tôn trọng. Người lịch sự thì cao thượng, sự cao thượng được thể hiện khi ai đó luôn cư xử thô lỗ với chúng ta mà chúng ta vẫn lịch sự với họ. Cư xử  lịch thiệp bao gồm cung cách ứng xử, sự quan tâm đến người khác, và có thói quen cảm ơn khi nhận ơn.

8. Linh mục – Con người chính trực

Người ta thường hỏi Giáo Hội và xã hội mong đợi gì nơi các linh mục, câu trả lời quen thuộc nhất là “thánh thiện”. Đúng vậy! Nhưng chắc chắn mối tương quan rất gần gũi đi theo sự thánh thiện phải là đức chính trực, vâng, Giáo Hội, giáo dân và thậm chí thế giới này cũng đều mong các linh mục phải là những con người chính trực. Chính trực là một trong những đức tính khó định nghĩa nhưng lại rất dễ nhận ra.

Một người chính trực là một người chân thật, không lừa đảo; một con người đáng tin thực sự, những điều đáng tin ở bên trong đuợc tỏ lộ ra bên ngoài, Coi trọng lời nói lẫn việc làm đều chứng tỏ anh ta luôn trung thực với điều anh ta nói đó là một con người chân thành, trung thực, mực thước, có nhân cách và đáng tin cậy. Lời nói của anh được tin tưởng và khiến người khác phải kính trọng

Chúng ta xưng mình là những người có niềm tin, những người cầu nguyện và yêu thương, sống giản dị, trong sạch, trung thành, danh dự và quảng đại – nhưng thường thì chúng ta không phải vậy. Những lời chúng ta hứa, những bài giảng và việc phụng thờ Chúa của chúng ta tất cả đều trở thành những lời đầu mồi chót lưỡi vô ích nếu chúng ta không phải là những con người chính trực thực sự.

Đức khiết tịnh (độc thân) là môi trường liên quan trước tiên với chính trực. Chính trực và khiết tịnh có tương quan mật thiết với nhau. Giáo dân tin tưởng chúng ta khi chúng ta nói rằng chúng ta là những người độc thân trong trắng, rằng chúng ta có thể yêu thương và đón nhận họ bằng tình yêu trong sáng, rằng chúng ta tôn trọng họ không phải vì để họ có thể đáp ứng những ham muốn phái tính của chúng ta mà bởi vì chính nhân vị của họ. Giáo hội không cần những linh mục làm tổn thương chính mình, làm tổn thương tha nhân, Thiên Chúa và Giáo Hội qua việc xâm phạm đức chính trực trong lĩnh vực khiết tịnh độc thân.

Điều thứ hai người ta mong đợi nơi các linh mục về đức chính trực đó là các ngài là những con người đáng tin cậy. Họ trông chờ chúng ta là những con người y như lời chúng ta rao giảng, những con người mang theo những lời hứa đáng tin cậy (1 Cr 4, 1-2).

Lãnh vực chuyên biệt thứ ba mà giáo dân của chúng ta mong đợi sự chính trực nơi các linh mục của họ là luôn luôn nói sự thật: “mọi điều con cần nói là: có thì nói có, không thì nói không, thêm bớt điều gì là do ác quỷ”. Chúa Giêsu đã cảnh báo như thế (Mt 5,37).

Khía cạnh thứ tư của sự chính trực mà người ta tìm kiếm nơi các linh mục của họ là sự công bằng. Họ mong mỏi chúng ta kiên định, rõ ràng, vô tư và sáng suốt. Đặc biệt, họ sẽ rất nhạy cảm với sự thiên vị! Biệt đãi người giầu có, người hấp dẫn, trẻ khoẻ, dễ thương, hạnh phúc, quyền lực, những người vốn làm tho chúng ta cảm thấy quá tuyệt vời. Đó là một cám dỗ lớn đối với các linh mục.

Và lãnh vực cuối cùng của sự chính trực linh mục đó là đức ái. Chúng ta công khai xưng mình là những người được biến đổi để yêu mến Đấng là khuôn mẫu tuyệt vời của lòng thương xót, nhẫn nại, hiền lành, quảng đại và quan tâm. Sự chính trực đòi hỏi chúng ta phải hành động như chúng ta đã xưng mình. Có lẽ đây là một trong những lãnh vực gây nhiều vấp phạm nhất trong đời sống linh nục. Không chỉ say sưa, sắc dục, nói năng hành động vô ý, lười biếng, giảng giải sơ sài, gây nhiều bi kịch – mà còn không thực hành điều chúng ta giảng về đời sống giản dị, yêu thương, Tất cả làm cho chúng ta trở thành người lạnh lùng; vô tâm và vô cảm!

Làm thế nào bây giờ để triển khai đức chính trực? Rất nhiều gợi ý được đưa ra ở đây. Như thánh Tê-rê-sa Lisieux, người vừa được phong làm tiến sỹ Hội thánh, viết: “Khiêm tốn nhận biết mình được coi là khởi đầu của sự thánh thiện”. Ngài có ý nói là chúng ta sẽ trở thành người chính trực nếu chúng ta khiêm tốn nhận rằng mình thẳng thắn và trung thực với chính mình và với người khác.

Tiếp đến, sự trợ giúp thứ hai để theo đuổi và duy trì đức chính trực là khả năng nghe sự thật về chính mình. Chín mươi chín phần trăm linh mục đều có kinh nghiệm về những xáo trộn trong sứ vụ của họ (liên quan đến tính dục, cô đơn, thiếu trong sáng và thiếu tin tưởng về căn tính cùa mình, say sưa, hoặc bất cứ vấn đề gì khác…), đều thừa nhận rằng vấn đề đó đã có từ lâu, chỉ có điều là họ phủ nhận hay phớt lờ nó mà thôi.

Sự giúp ích thứ ba đối với đức chính trực là việc tu dưỡng. Trước hết là gặp gỡ đều đặn và chân thành với vị linh hướng, sau đó là việc thường xuyên lãnh nhận bí tích hoà giải.

Phương thế trợ giúp thứ tư để phát triển đức chính trực là biết đảm đương trách nhiệm cho cuộc sống riêng của mình. Người chính trực ý thức về những ân sủng cũng như những thiếu sót, biết rõ về những nguyên tắc và những xác tín cúa mình, biết nghĩa vụ của mình để thi hành chúng cách hãnh diện và tận tụy, và chịu trách nhiệm về nó khi mình thi hành hay không thi hành. Người chính trực biết là sai dù rất dễ chịu khi đổ lỗi cho người khác. Điều cuối cùng mà cũng là điều tối thiểu nhất đó là người ta mong những linh mục chính trực phải là những con người cầu nguyện.

9. Linh mục – Con người khôn ngoan

Ngày nay chúng ta không còn nghe nói về Đức khôn ngoan, nó được thay thế bằng thuật ngữ “lẽ phải thông thường”. Tuy nhiên, nhân đức này rất quan trọng để chúng ta thủ đắc hầu trở thành những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.

Nhân đức này bao gồm những nhân đức “họ hàng” như: khôn ngoan, tư vấn, thấu hiểu, cẩn trọng, phán đoán và biện phân. Giáo dân nhìn vào hàng linh mục chúng ta như là những người khôn ngoan, thánh thiện, cẩn trọng, vì thế, đức cẩn trọng hay khôn ngoan chắc chắn là một nhân đức rất cần cho mọi tín hữu, nhưng đối với hàng ngũ linh mục thì rất là quan yếu.

Trước hết, điều quan trọng bậc nhất của đức khôn ngoan đó là chúng ta đừng bao giờ đưa ra quyết định trong lúc nóng giận, đam mê, trong lúc nản chí hay trong khi vội vàng. Chúng ta cần kiên nhẫn với chính mình và không hành động khi nóng giận. Những lựa chọn trong cuộc sống được thực hiện khi chúng ta bình tĩnh thư thái và không bị dục vọng thúc đẩy. Ngạn ngữ có câu “dục tốc bất đạt”, nên đừng bao giờ hành’ động vội vàng, đừng bao giờ quyết định hấp tấp.

               Trợ lực thứ hai của đức khôn ngoan là duy trì sự hài hòa trong cuộc sống. Đường đời của chúng ta được cắm rễ vững vàng trong Thiên Chúa qua cầu nguyện và niềm xác tín về căn tính cũng như sứ mạng linh mục. Mặc dù linh mục là một con người biết uyển chuyển, nhưng cuộc sống của ngài vẫn có những định hướng và mục tiêu. Nên hài hòa trong cuộc sống là cần tránh sự vô độ, lên kế hoạch mỗi ngày: ngủ nghỉ, thể dục đầy đủ, ăn uống điều độ chừng mực.

              Thứ ba, đức khôn ngoan giúp ta giữ vững mục tiêu của mình, giữ vững những giá trị ưu tiên. Nghĩa là mục tiêu của chúng ta trong cuộc sống luôn rõ ràng, hướng tới mục tiêu trong trật tự. Thánh Phanxicô Sales bày tỏ quan điểm của mình về đức khôn ngoan như sau: “bạn hãy khôn ngoan như con rắn, khi gặp nguy hiểm nó vứt bỏ thân xác để che chở cái đầu; tương tự, chúng ta phải liều lĩnh mọi thứ để gìn giữ tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa sâu thẳm trong lòng chúng ta, vì Người là đầu và chúng ta là thân thể.”

               Lợi ích thứ tư của đức khôn ngoan đó là biết thực tế trong những gì chúng ta bỏ lại đàng sau. Chúng ta biết điều mà chúng ta sẽ dấn thân trong tư cách linh mục. Như các tông đồ đã từ bỏ lưới thuyền, cha mẹ, vợ con, anh em để đi theo tiếng gọi, chúng ta cũng được mời gọi nhận ra những gì chúng ta cần phải bỏ lại phía sau. Chúng ta đừng nghĩ rằng Đức Giêsu chỉ giỡn chơi khi Ngài cho chúng ta biết cái giá phải trả để trở thành người môn đệ là cô đơn, thất vọng, thù nghịch, chán nản, đau khổ và hy sinh. Nghĩa là chúng ta sẽ phải từ bỏ khả năng tính dục, truyền sinh, sự nghiệp, danh tiếng, mái ấm và sự đùm bọc của vợ con và một gia đình, cả sự giàu sang vinh hoa phú quý. Nhưng đức khôn ngoan giúp chúng ta nhận ra chân giá trị của điều chúng ta từ bỏ.

               Lãnh vực cuối cùng của đức khôn ngoan được diễn tả rất tuyệt vời với từ “thận trọng,” một từ đồng nghĩa với nhân đức này. Thận trọng rất hữu ích trong khi nói. Đức khôn ngoan hướng dẫn chúng ta biết nhuần nhuyễn nội dung sao cho thích hợp, giúp cho lời ăn tiếng nói của chúng ta khéo léo, chuẩn mực và nhẹ nhàng, sự thận trọng có giá trị rất cao khi chúng ta biết tiết chế trong việc tranh luận. Thận trọng rất hữu ích cả trong khi khôi hài. Linh mục có óc khôi hài là một người được chúc lành nhưng sự khôi hài phải luôn được hướng dẫn bởi sự thận trọng của đức khôn ngoan. Chúng ta phải thận trọng với bất kỳ sự tếu táo nào về giới tính, về sắc tộc, vì dân chúng có thể dễ dàng bị sốc hoặc bị tổn thương.

Thận trong rất có giá trị trong nghệ thuật phê bình. Đây là một nhân đức, thậm chí là một dấu hiệu của lòng trung thành khi biết chỉ ra những bất toàn của các bề trên và cách thế để cải thiện sự việc. Để biết được khi nào, nơi nào và như thế nào có thể làm điều đó thì cần đến đức khôn ngoan và thận trọng. Cuối cùng thận trọng thúc đẩy chúng ta xa tránh không chỉ sự dữ mà cả những bóng dáng của sự dữ nữa. Tuy nhiên, thận trọng không có nghĩa là thiếu sáng tạo, thiếu đương đầu, thiếu quyết đoán, thiếu mạo hiểm. Thận trọng có nghĩa là biết như thế nào, khi nào, và ở đâu thì làm được.

10. Linh mục – Một một con người sám hối

               Nhân đức sám hối rất cần thiết cho đời sống của một người môn đệ chân chính, và đặc biệt cần thiết trong đời sống linh mục. Nhân đức sám hối…mời gọi ta biết hãm mình, khổ chế, từ bỏ; nghĩa là biết kiềm chế, phục thiện, chừng mực, biết chết đi cho những thèm khát, những lạc thú, những đam mê, những dục vọng của thế gian xác thịt để sống tự do thân mật với Đức Giêsu (Doian 2000). Nhân đức này không mấy phổ biến đối với thời nay. Sau đây là một vài tình huống của đức sám hối trong đời sống linh mục.

A. Sự hi sinh thời gian, dù khó khăn cũng phải sắp xếp thời gian để cầu nguyện. Chúng ta phải gắn bó nghiêm chỉnh với các giờ kinh nguyện của Giáo hội, các giờ suy gẫm và tất cả những gì liên hệ đến đời sống thiêng liêng của linh mục chúng ta. Sự hy sinh thời gian cũng bao gồm việc dành thời gian cho dân Chúa. Sự hiện diện của linh mục quý biết bao! Điều này thực sự đòi hỏi hy sinh về thời gian, và đúng là từ bỏ.

B. Một hình thức sám hối tự nguyện thứ hai của sứ vụ lịnh mục được gọi là sống giản dị. “Đời sống xa hoa phô bày giàu có của linh mục có lẽ là đầu mối của những vụ tai tiếng lớn đối với giáo hữu hơn là những yếu đuối của xác thịt cám dỗ hoặc bê tha rượu chè”, vì vậy cần học để biết từ bỏ chính mình đối với những tiện nghi, những tài sản và bổng lộc để bảo vệ đức khó nghèo Phúc Âm là một bài học thiết yếu cho các linh mục.

C. Khía cạnh thứ ba của việc sám hối mang tính cam kết tự nguyện rất thích hợp với linh mục phát xuất từ việc chúng ta không ngừng đấu tranh chống lại sự tăm tối và tội lỗi nơi chúng ta. Giám mục Fulton nói: “Một vị thánh chỉ là một tội nhân biết hoán cải”. Một linh mục khôn ngoan là người luôn cảnh giác với những yếu đuối, những khuynh hướng tội lỗi và những mặt trái đen tối của mình. Tất cả chúng ta, dù là những người được cứu chuộc, vẫn có những thần khí xấu xa lẩn khuất bên trong, và vì thế, bước đầu tiên để chiến thắng chúng là phải xác định chúng và tẩy trừ chúng.

D. Thứ tư, vì là linh mục, chúng ta cũng phải chấp nhận sự bỏ rơi đến từ phía những giáo dân mà chúng ta phục vụ, nhất là khi họ không thích lời giảng dạy của chúng ta về các vấn đề như phá thai hay việc truyền chức linh mục cho phái nữ hay về những điều họ chống đối. hơn nữa, họ thậm chí có thể quấy rối và bất hợp tác với linh mục trong giáo xứ nữa.

 E. Thứ năm, vì là linh mục chúng ta được kêu gọi để trở thành người lội ngược dòng đời. Chesterton nói: “Kitô giáo không chỉ an ủi kẻ ưu phiền, nhưng còn ưu phiền với kẻ thích thoải mái”. Rất nhiều người trong số giáo dân của chúng ta hiện nay thích một tôn giáo dễ dãi, hợp thời, thoả hiệp và nhẹ nhàng. Vì vậy linh mục được kêu gọi vượt lên trên những trào lưu văn hoá, vì ngài đứng về phía bình an và tha thứ đang khi xã hội lại lan tràn bạo lực và hận thù. Ngài chọn đời sống độc thân trong khi thế giới lo tìm thoả mãn nhục dục. Ngài là mẫu gương cho đời sống giản dị và xả kỷ, trong khi xã hội chỉ lo hưởng thụ, sở hữu và vun vén tài sản. Ngài thúc đẩy sự quan tâm và hoạt động cho công lý đang khi xã hội hắt hủi và khinh miệt người nghèo, và tất cả những điều đó đòi hỏi bạn phải trả giá bằng tiếng tăm, uy thế và quyền lực; và điều này chỉ mang lại ý nhĩa nếu chúng ta ý thức đây là sự từ bỏ, là sự biến đổi để làm cho chúng tạ đồng hình đồng dạng với chính Đấng đã bị hắt hủi, bị khinh bí và bách hại.

11. Linh mục – con người kiên nhẫn  

Thánh Phanxicô de Sales đã viết trong cuốn sách rất kinh điển của Ngài “Dẫn vào đời sống đạo đức” (“Sống thánh giữa đời”) rằng: “Đức kiên nhẫn là nhân đức bảo đảm chắc chắn cho chúng ta sự toàn hảo. Kiên nhẫn là nhân đức trung tâm đời sống của mọi Kitô hữu đích thực. Đó cũng là một nhân đức mà linh mục bị chỉ trích nhiều. Tổng giám mục Timothy Dolan (2000) viết: “Hơn cả những bài giảng nghèo nàn, hơn cả những dịp nhất thời say sưa, thậm chí hơn cả những sa ngã tình dục, có lẽ dân Chúa trải qua năm tháng đã từng bị sốc nặng trước những linh mục có biệt danh “thùng thuốc nổ”, hay thay đổi, nóng nảy, thô bạo là thiếu kiên nhẫn.”

Đức kiên nhẫn có thể được hiểu trong ba cách: kiên nhẫn với Chúa, kiên nhẫn với chính mình, và kiên nhẫn với người khác.

Trước hết là kiên nhẫn với Chúa – chúng ta đôi khi có thái độ như ta biết nhiều hơn Chúa, và khi mọi thứ không theo như kế hoạch của mình thì chúng ta trở nên mất kiên nhẫn với Chúa. Thật là hữu ích khi biết nhìn nhận chúng ta đã không kiên nhẫn đủ với Chúa trong cầu nguyện, sự cằn cỗi, khô khan và lạnh nhạt trong lời cầu nguyện có nguy cơ dẫn chúng ta tới chán nản, bỏ cuộc. Chính Chúa đã dạy chúng ta rằng cần kiên trì nhẫn nại và bền tâm vững chí để lời cầu nguyện sinh nhiều hoa trái.

Thứ đến là kiên nhẫn với chính mình, vầ đây là một điều rất khó khăn. Thánh Phanxicô de Sales nói: “Kiên nhẫn với mọi người nhưng trên tất cả là kiên nhẫn với chính mình. Tôi muốn nói là đừng lo âu với những bất toàn của mình, nhưng hãy luôn đứng dậy một cách can đảm sau khi ngã.” Sự khôn ngoan đích thật cảnh báo chúng ta rằng bất kỳ sự thiếu kiên nhẫn nào với chính mình cũng dẫn tới sự thất vọng vốn làm chúng ta chết dần chết mòn. Vì thế thảm kịch lớn nhất không hệ tại nơi sự sa ngã của chúng ta nhưng ở chỗ chúng ta không chỗi dậy.

Kiên nhẫn với Chúa, kiên nhẫn với chính mình… và cuối cùng là kiên nhẫn với người khác. Nếu chúng ta không kiên nhẫn với Chúa và với chính mình, thì sẽ khó mà kiên nhẫn được với người khác. Việc chúng ta tự hào về thân thế của mình có thể kích động tính nóng nảy nơi chúng ta, nhất là khi chúng ta quá hãnh diện mình là “người trở về từ Roma”, “người có bằng cấp của Mỹ”, “Hiệu trưởng một trường đại học”, “một Giám đốc chủng viện”, hoặc là “Cha Tổng đại diện”, “Chưởng ấn Giáo phận” v.v… Trái lại, người ta mong đợi linh mục là người điềm tĩnh trong công việc được giao, có tinh thần cầu tiến, nhiệt thành phục vụ, sẵn sàng cúi xuống và được dân chúng tín nhiệm trước cả khi ngài khởi sự thay đổi bất cứ điều gì.

12. Linh mục – Con người giản dị

Sự giản dị dễ nói hơn là làm, dễ bắt buộc hơn là vâng phục. Giản dị là khái niệm rất mơ hồ và hàm chứa vô vàn lối cắt nghĩa khác nhau. Nhưng, ở đây chúng ta tất cả đều thừa nhận là, giản dị là điều cốt yếu đối với tất cả các môn đệ chân chính của Đức Kitô, nhất là với những người tuyên bố mình hành động nhân danh Đức Kitô” (in persona Christi) trong tư cách là một linh mục. Gương mẫu tuyệt hảo nhất cho chúng ta theo đuổi đời sống giản dị là chính Đức Kitô. Bằng chính đời sống gương mẫu, Con Thiên Chúa tự nguyện trút bỏ mọi danh dự, vinh quang, giàu sang và an toàn, sinh ra trong một máng cỏ, chạy trốn trong đày ải, lớn lên trong những cảnh đời rất thường, không nhà, không sản nghiệp, tài sản duy nhất là một chiếc áo khoác, làm người không có nơi gối đầu, và táng xác trong một ngôi mộ vay mượn. Bằng chính gương sáng và bằng lời giảng dạy, Người đã cảnh báo thêm cho chúng ta sự nguy hiểm của giàu có. Người đề cao nếp sống giản dị tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Đức Giêsu tuyên dương đời sống giản dị.

Có rất nhiều lý do tại sao Chúa Giêsu dạy chúng ta sống giản dị cả trong lời nói lẫn gương sáng:

A. Người nói với chúng ta rằng nhiều của cải sẽ làm chúng ta xa lìa Thiên Chúa. Một đời sống dễ dãi, tiện nghi và xa hoa, tích luỹ của cải vật chất lôi kéo chúng ta xa lìa Thiên Chúa và cám dỗ chúng ta nghĩ rằng hạnh phúc đích thực có thể đến từ những cái chúng ta có (sỡ hữu), chứ không đến từ cái chúng ta là (hiện hữu), tức là phẩm giá làm con Thiên Chúa, được tạo nên giống hình ảnh của Ngài, được cứu chuộc bằng giá máu châu báu Con Ngài, được dựng nên để yêu mến Ngài và sống với Ngài mãi mãi.

B. Một lý do thứ hai làm phong phú thêm lối sống giản dị, đó là nó nuôi dưỡng tình liên đới với người nghèo. Khi chúng ta tự nguyện gắn kết với đời sống giản dị, thanh thoát khỏi giàu sang phú quý, tiện nghi, xa hoa và tài sản vật chất, chúng ta gần gũi với người nghèo trên thế giới hơn.

C. Thứ ba, đây là một thách đố thực sự đối với những ai muốn sống đức khó nghèo mục tử. Thách đố đầu tiễn là cách ăn mặc của chúng ta. Nhờ ơn Chúa là chúng ta có tu phục giáo sĩ, giúp chúng ta không có quá nhiều quần áo. Tuy nhiên, chúng ta cần có đủ quần áo để giữ vệ sinh, đủ để mặc chỉnh tề, để cảm thấy thoải mái và khoẻ khoắn. Chúng ta cũng hãy nhớ rằng “nghèo khó không có nghĩa là dơ bẩn”. Chúng ta đừng lẫn lộn giản dị trong cách ăn mặc với sự luộm thuộm nhếch nhác, lôi thôi lếch thếch. Dù vậy chúng ta phải tránh lối ăn mặc lòe loẹt, phô trương cả trong đời thường lẫn trong phụng vụ.

D. Mối đe doạ lớn nhất với đức khó nghèo mục tử có lẽ là tiền bạc. Việc có quá nhiều tiền đã làm cho nhiều linh mục hư hỏng trong say sưa và nhục dục. Đồng thời, chúng ta cũng phải tránh không nên có thói quen vay mượn tiền bạc. Nếu chúng ta biết sống với mức tài chánh giới hạn của mình, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được đức khó nghèo mục tử.

 13. Linh mục Con người vui tươi

 Triết gia người Pháp Leon Bloy đã viết: “Vui tươi là dấu hiệu rõ nhất không sai lệch về sự hiện diện của Thiên Chúa ” Tin tưởng, hy vọng, yêu mến, hiền lành, nhiệt thành, từ bỏ, trung tín, khiết tịnh và vui tươi… tất cả đều là những nhân đức thiết yếu trong đời sống linh mục (Dolan, 2000). Một linh mục không vui tươi là Linh mục thiếu sức sống, có rất nhiều linh mục như vậy trong chúng ta. Nhiều người tự hỏi phải chăng nguyên nhân chính cho sự giảm sút ơn gọi linh mục đơn giản là vị Linh mục và tu sĩ đã chìm đắm trong bùn nhơ, lo lắng cho tương lai, ôm đồm quá nhiều việc, phàn nàn về mọi thứ, phiền muộn về cuộc sống, tiếc nuối về chính mình, quá khắt khe với bản thân. Hỏi rằng còn ai muốn tham gia vào một hàng ngũ như vậy?

Tống giám mục Timothy Dolan (2000) nói: “Thật là ý nghĩa nếu Giáo hội tràn đầy niềm vui, các vị mục tử, cha xứ, và các linh mục sẽ là những con người vui tươi, vì nếu họ không như vậy, họ sẽ biến “tin mừng” thành những lời gian dối. Chúng ta hãy tự nhắc nhở mình rằng, niềm vui đến từ Thiên Chúa, Đấng đã gieo nó trong tâm hồn những kẻ tin. Thánh Phaolô đã liệt kê niềm vui như là một trong những hoa trái của Thánh Thần, một ân huệ, một đặc sủng do Thiên Chúa ban tặng”.

Chính Thiên Chúa là nguồn vui, bởi vì Ngài yêu thương chúng ta. Chúng ta xác tín sâu sắc rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và Ngài không mang cho chúng ta điều gì khác ngoài niềm vui.

Một nguồn mạch nữa của vui tươi là niềm xác tín về tình yêu vô điều kiện mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, nghĩa là tin chắc rằng Ngài thực sự ngự trong chúng ta nhờ ơn thánh sủng. Nói cách khác, nguồn mạch của niềm vui là khiêm nhường nhận thức với lòng biết ơn và kính sợ về ơn ngự trị của Chúa Ba Ngôi, về ân sủng thanh hiến thấm sâu trong linh hồn chúng ta.

Nguồn suối thứ ba của niềm vui là sự hy vọng, tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết: “Mọi sự đều hoà hợp cho những người có lòng tin.” Tại sao lại phải buồn chán, tại sao lại phải thất vọng, tại sao phải phân cách niềm vui khỏi chúng ta?

Nguồn mạch cuối cùng của vui tươi đó là cầu nguyện. Cầu nguyện là nguồn mạch của niềm vui trong cả hai hướng: nếu vui tươi là một nhân đức, một hồng ân, thì khi chúng ta không có niềm vui, chúng ta phải xin qua việc cầu nguyện. Chúng ta xác tín rằng chúng ta có thể đến gần Thiên Chúa để hưởng lòng xót thương, ơn trợ giúp và hướng dẫn, là những điều gia tăng niềm vui cho chúng ta.

VI. Kết luận: Vẹn toàn và thánh thiện – để hài hòa trong đời sống linh mục triều

Trong tông huấn Pastores Dabo Vobis (“Những mục tử như lòng Chúa mong ước”), Đức Gioan Phaolô II (1992) đã kể ra ba dấu hiệu Ngài lưu tâm về mức độ phát triển của con người mà các nhà hữu trách phải tìm kiếm nơi các ứng sinh, đó là trưởng thành về tâm sinh lý, có một đời sống cầu nguyện thâm trầm sâu lắng và những mối quan hệ nhân bản lành mạnh. Cần có một sự giáo huấn liên tục, đối thoại và khích lệ để cổ võ và giúp cho việc cam kết sống độc thân đúng nghĩa. Tuy nhiên, không một trường lớp hay một chương trình nào có thể dạy một người về những đa dạng muôn vẻ của các quy tắc, baọ gồm việc linh hướng, các bí tích, sự tư vấn, những đỡ nâng tương xứng, sự trưởng thành về mặt tình cảm và một đời sống cầu nguyên đích thực. Các nhà đào tạo cần tận dụng những tiện ích mà khoa tâm lý học đề ra nhằm điều chỉnh tiến trình trưởng thành tâm lý và khuyến khích sự lớn mạnh giữa các ứng sinh.

Người ta nói rằng những khủng hoảng tâm lý mở ra cho đời sống thiêng liêng những hướng tăng trưởng. Những nghiên cứu hiện đại lại khẳng định rằng: nếu các nhu cầu, thái độ và những giá trị của thời niên thiếu không được phân định và đáp ứng một cách lành mạnh, thì khi trưởng thành đời sống sẽ bị vẫn đục. Qua quá trình tư vấn và chữa trị cá nhân, một người không chỉ được chữa lành những vết nhơ trong quá khứ, mà còn có khả năng phát triển về mặt thiêng liêng nữa. Nhân tính con người lành mạnh thúc đẩy đời sống tâm linh lành mạnh; nói cách khác, đời sống tâm linh tăng trưởng nhờ thực hành các nguyên tắc như: vị tha, khiêm tốn, biết chấp nhận, tha thứ và chịu đựng (Pinto, 2004). Sự vẹn toàn trong nhân tính của một người đưa tới sự thánh thiện của người đó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

——————-

  1. Anice and Pinto, L. A Motivation for Priesthood and Religious Life – A Process of Human and Spiritual Integration. Asian Journal of Vocation and Formation, Vol.24, No.2, NVSC, July-Dee., 2000.
  2. Antohe, H.S. Sexuality and Spirituality. God’s image, Vol.20, September, 2001.
  3. Clarke, K. Being Sexual and Celibate. Ave Maria Press, Indiana, 1986.
  4. Cenciqi, A. & Manenti, A. Psychology and Formation. Bombay, Pauline Publications, 1998.
  5. Coleman, G.D and R.L. Fried. Assessing Seminary Candidates. Human Development, 21, 2000.
  6. Covilie, W.J. Assessment of Candidates for the Religious Life. 1968. f
  7. Cristantiello, P.D. “Formation and Predatory Threat”. Seminary Journal, 8, No.l, spring, 2002. Pp.3 – 10.
  8. Fernandes, C.S. A Guide to Candidate Assessment. Asian Quest, Vol.20, No.2, May-Aug. 1996.
  9. Dolan. T.M. Priests for the Third Millennium. Our Sunday Visitor Division, Olt Sunday Visitor, Inc. Huntington, Indiana 46750, USA, 2000.
  10. Goergen, D. The Sexual Celibate. Image Books, New York, 1974,
  11. Groth, A. Nicolas. Men who Rape. Plenum Press: New York, 1979.
  12. Nelson, J. B. Embodiment: An Approach to sexuality and Christian Theology. Augsburg Publishing House, Minnesota, USA, 1978.
  13. Pinto, L. The Process of Reclaiming the Inner Child Leads to Human and Spiritual Integration. Asian Journal of Vocation and Formation, Vol.24, No.l, Jan-June, 2000.
  14. Pinto, L. & Mendes, A. Sexuality – An Integral Part of Spirituality. Asian Journal of Vocation and Formation. Vol.26, No.2, July-Dec.2002
  15. Pinto, L. Psychological Assessment of Candidates to the Catholic Priesthood – A Controversial Issue. Asian Journal of Vocation and Formation, Vol.27, No.2, July-Dee.2003
  16. Pinto, L. Counselling a Pedophile-Priest – An Urgent Need. Asian Journal of Vocation and Formation, Vol.28, No.l, Jan- June.2004
  17. Prendergast, E.W. Treating Sex Offenders: A guide to Clinical Practice with Adults, Clerics, Children, and Adolescents, The Haworth Press: New York, 2003.
  18. Pope John Paul II, Pastores Dabo Vobis, 1992.
  19. Pope Paul VI. Sacerdotalis Caelibatus, 1967.
  20. Rossetti, S.J. The Joy of Priesthood. Ave Maria Press, Notre Dame., Indiana, 2005.
  21. Sipe, A. W. R. A Secret World: Sexuality and the Search for Celibacy. Brunner/Mazel, Philadelphia, USA, 1990.
  22. Van Kaam, A. Existential Foundations of tehe Psychology Image Books, USA, 1966.

 MỤC LỤC

———————

I. Việc giáo dục nhân bản đòi hỏi phải làm cho đời sống thiêng liêng lớn lên.. 7

II. Ý nghĩa của các động cơ thúc đây nơi các ứng viện tiến tới chức Linh Mục.. 8

III. Trưởng thành trong đời sống tính dục độc thân lành mạnh đưa tới một đời sống thiêng liêng lành mạnh cho đời Linh mục.   10

IV. Nhu cầu phát triển căn tính linh mục nhằm tăng trưởng sự thánh thiện   24

V. Các nhân đức – sự sống của đời Ki-tô hữu – Thăng tiến sự thánh thiện linh mục triều.. 29

VI. Kết luận: Vẹn toàn và thánh thiện – để hài hòa trong đời sống linh mục triều.. 55

TÀI LIỆU THAM KHẢO.. 57

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30