SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT 19 TN C

Written by xbvn on Tháng Tám 7th, 2013. Posted in Mai Tá, Năm C

“Dành riêng Em đấy, khi tình tự,”

Ta sẽ đi về, những cảnh xưa.”

(dẫn từ thơ Đinh Hùng)

Lc 12: 32-48

Cảnh xưa anh về, tình tự sao vẫn thế. Tình tự em đi, nay có thánh Hội cùng đi cùng đến, chốn thiên đường. Trình thuật thánh Luca nay cũng diễn tả thiên đường có cửa hẹp rất khó vào. Khó, thì có khó nhưng sao người vẫn cứ hỏi: thiên đường là chốn hạnh ngộ đầy chúc phúc, sao vẫn còn nhiều người khóc lóc/nghiến răng, nhiều đến thế?

Trải qua giòng đời lịch sử, người người nay cho thấy nhiều đáp trả khác biệt cho vấn nạn này. Thánh Augustinô, là đấng bậc hiển thánh uy tín là thế, lại vẫn bi quan cho rằng: người được cứu cũng rất hiếm. Theo thánh-nhân, hiếm là bởi nhân loại xưa nay là tập đoàn chúng-sinh bị án phạt đời đời; nên, thánh-nhân quyết biến cải mọi người để họ sống đạo cho tốt.

Thánh nhân lại quan niệm: nếu không có ơn Chúa, mọi người sẽ ngập trong lỗi tội. Truyền thống Đạo Chúa, lúc sau này còn gay gắt, những bảo rằng: nhiều người sẽ bị Chúa phạt đến muôn đời do phạm lỗi. Các đấng bậc giảng thuyết về nền thần học cổ điển, có thể chia làm hai loại: một, gồm các “ngôn-sứ-địa-ngục” chuyên đặt nặng việc Chúa nổi giận với dân con mọi người. Thứ đến, là những vị vẫn tin rằng Chúa sẽ thứ tha hết tất cả.

Các thần-học-gia loại đầu, luôn có khuynh hướng ngả về ảnh-hình sai lầm một Đức Chúa, lẫn con người. Nhóm người sau, nhận thức cũng chưa đủ về trách nhiệm của con người khi đáp-trả lại lời Chúa mời gọi sống yêu thương giùm giúp, chính đó mới là thiên đường. Trình thuật, nay diễn bày về thiên đường và ơn cứu rỗi như tiệc mặn, có đủ thức ăn phục vụ mọi thực khách, có sự hiện diện của Đức Chúa. Ơn cứu độ, là ảnh-hình về tiệc vui có Chúa, có con dân mọi người tốt/xấu đến dự.

Giáo huấn Hội thánh lâu nay tóm gọn ba điểm: điểm đầu, Chúa muốn kết-thân làm hoà, cứu độ hết muôn người. Chúa làm thế, ngang qua Hội thánh bấy lâu nay, nhưng ta không thể đoán biết đường lối cụ thể Chúa thực hiện. Trong khi đó, người người phải có trách nhiệm về cuộc sống hiện tại và tương lai của chính mình. Dù, thực tế cũng có người kình chống hoặc xa rời Chúa, nhưng  nhiều vị vẫn tôn trọng trách nhiệm của người khác; vẫn muốn người khác ngồi cùng hang hoặc đồng vị với mình. Điểm cuối, không ai được phép xét đoán người khác. Chỉ mình Chúa mới thông hiểu được mọi người, nên chỉ mình Ngài mới có phán quyết về mỗi người và mọi người. Tuy nhiên, Chúa vẫn dành chỗ cho con người có hy vọng và Ngài vẫn tặng ban ơn lành để con người còn có dịp mà cải-hối.

Thiên đường cứu độ, là yến tiệc Chúa mời gọi mọi người đến tham dự. Cứu độ, là ân huệ được ban cho mọi người đến dự tiệc cùng Chúa, suốt mọi thời. Mọi người sẽ đến dự tiệc, dù gần/xa hoặc có là dân “tứ chiếng” tám hướng bốn phương, đều được mời. Chủ-nhà-là-Thiên-Chúa, có dùng  lời lẽ hơi cứng ngắc với người dự, như: “Ta không biết các ngươi là ai, từ đâu đến!” cũng để ám chỉ người đó không là “người” thật, mà chỉ là thể-loại tưởng-tượng do tác giả trình-thuật muốn đưa ra một luận-cứ để ta suy về tình huống “tìm đến Chúa.” Tìm đến Chúa, phải chăng họ chỉ đến bằng mặt, chứ không bằng lòng. Nói cách khác, họ đến thật đấy, nhưng tâm can vẫn để đâu đó, vắng xa, cách biệt.

Thế nên, đôi lúc, ta cũng hãy tự kiểm để xem từ phần sâu lắng của tâm can, ta có thật lòng muốn gần Chúa hay không? Và, điều gì thúc giục ta tìm đến Chúa? Có khác biệt gì chăng giữa lòng muốn “tìm đến với Chúa” theo kiểu ngoài mặt và thật lòng?

Đáp trả các vấn-nạn trên, thánh-sử rày ghi rõ tâm trạng của những người lâu nay xa rời Chúa. Họ là những người hầu hết từng phạm lỗi bất công. Bất công, không ở cung cách đối xử với Chúa, mà với chòm xóm, với người nghèo hèn, thuộc giai cấp ở dưới thấp. Hoặc, họ có đến dự tiệc thật đấy, nhưng trong lòng chỉ muốn đến để vui chơi hoặc để thưởng thức các món ngon mà chẳng làm bất cứ thứ gì, từ: việc sắp bàn, phục vụ cho mọi người ăn no đủ. Làm như thế, chủ-nhà-là-Thiên-Chúa sẽ nói với người đến gõ cửa: “Thật tình, tôi chẳng biết quí vị là ai, đến từ nơi nào…” hoặc: “Quí vị không là khách được mời!”

Cũng nên suy về lập trường rất đúng từ trình thuật, rằng: mọi người đều sẽ có đủ thức ăn đến mãn đời, nếu biết sẻ san/phục vụ người khác; chí ít, là những kẻ có nhu cầu nhiều hơn ta. Nghĩ như thế, mới đúng là mình quyết đến với Chúa, rất thật tình. Có thể, người đến dự tiệc lại từ phương Đông hay phương trời nào đó tới, không ai biết. Nhưng, một khi đã đến, ắt là họ đến để phục vụ cho người khác ăn. Đến, với tâm-trạng như thế, tức: đã biết chào đón/hoan nghênh hết mọi người, không trừ ai. Thực tế đời người, đôi lúc ta lại nói quá nhiều về những việc từ thiện/bác ái ở đời, nhưng kỳ thực, ta chẳng lý gì đến tình bác ái/thương yêu rộng lớn hơn.

Trình thuật hôm nay, thánh Luca còn ám-chỉ điều mà ta coi đó như một hành trình. Hành trình dài từ Galilê đến Giêrusalem. Và, thánh-sử còn tạo dịp để Chúa ban huấn-từ về hành-trình dự tiệc, còn diễn tiến. Bằng vào hành trình dự tiệc, Chúa lại ban nhiều quà cáp đến với ta. Quà thiên đường ở gần Chúa, là để ta tiếp tục hành-trình đi vào cõi chết và Sống lại. Khi đó, “quà tặng” Chúa ban, sẽ lớn dần và gần gũi ta đến độ ta không còn gạn hỏi, nghi ngờ hoặc ngần ngại về tính lâu dài của nó nữa. Sự sống lại, đã mở cửa mộ phần để ta bật dậy, ngõ hầu sống trở lại thật kiên trì, vững chắc.

Từ ngàn xưa, thần-học Đạo Chúa nói khá nhiều về nét tiêu-cực của sự sống và cũng diễn giải khá nhiều về khía cạnh tích-cực của nó, bằng những hù doạ, rất bi quan. Vì thế nên, dân con trong Đạo mới hãi sợ một Đức Chúa có “cơn giận lành”, đầy phẫn nộ, cứ muốn đưa hối-nhân vào chốn lửa bỏng rất hoả ngục; và rồi, biến thiên đường thành chốn ngoại lệ rất khó đến. Ngày nay, có lẽ ta cũng nên quay về với đặc trưng tích-cực hiền-lành của Đức Chúa. Bởi, ví dù các nhà thần-học có nhấn mạnh nhiều đến khía-cạnh tiêu cực của cuộc sống Đạo, thì đó cũng chỉ là phương-pháp hung-biện ngõ hầu giúp người nghe biết mà cảnh giác để làm tốt cho mọi người; chí ít, là người nghèo khó, khốn đốn, tủi nhục.

Làm như thế, mới tạo được thiên đường phúc hạnh cho mọi người; và, mới vinh thăng được phẩm cách con người được. Đồng thời, sẽ còn khích-lệ mọi người về cuộc sống tương lai/mai ngày đúng như ơn gọi là vinh thăng chính mình. Vinh thăng phúc lợi cho con người mình. Vinh thăng chính mình để mình không giống như những người chỉ biết nhận chìm kẻ khác vào chốn tối tăm đầy khóc lóc và nghiến răng; mà, vui hưởng một mình chốn thiên cung phúc-hạnh, chẳng thực tế. Trái lại, phải biết đỡ nâng những kẻ đang khốn khổ vì cảnh bất công, chèn ép, bức bách.

Cuối cùng, như ý của tác giả trình-thuật hôm nay viết ở các chương/đoạn khác: Hãy đến với kẻ nghèo hèn mà làm chút gì đó cho họ. Có làm thế, mới có nghĩa: mở cửa lòng mình ra với Chúa, tựa hồ như Chúa từng mở đường cho ta làm, dù ngang qua con đường nhiều gai góc, khó thực hiện. Có như thế, mới là phấn đấu, khắc kỷ và đáng làm.

Trong cảm nghiệm điều lành thánh Chúa khuyến khích, cũng hãy ngâm lên lời thơ ý nhị, rằng:

 “Dành riêng em đấy, khi tình tự

Ta sẽ đi về, những cảnh xưa.”

(Đinh Hùng– Tình Tự Dưới Hoa)

 Cảnh xưa bây giờ, là như thế. Cũng như thể, chốn thiên đường phúc-hạnh có anh, có em, có tất cả mọi người chung vui trong cảnh sống rất Nước Trời. Ở đây. Bây giờ.

 Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá lược dịch

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31