SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN B

Written by xbvn on Tháng Hai 4th, 2015. Posted in Mai Tá, Năm B

“Đường em về, mong tuyết phủ khắp nơi”

Và giông tố, xin đừng rời em nhé
Hạnh phúc tuyệt vời giờ em hiển lộ
Sợi xích vàng khóa tim chặt với nhau
Đừng tách ra sẽ mang đến thương đau!

(Dẫn nhập từ thơ Tân Văn)

Mc 1: 29-39

Tuyết phủ khắp, con đường em về. Có phải là, nhà thơ nay muốn giữ chân người tình? Sợi xích vàng, khoá chặt tim nhau. Phải chăng đây, là trạng huống của nhà Đạo? Tâm trạng này, được diễn tả nơi trình thuật thánh Máccô. Có nối kết với sách Gióp, trong Cựu Ước.

Sách Gióp, nay có giòng chảy kể về sự mong mỏi đợi chờ: “Tôi thừa hưởng, những tháng ngày tuyệt vọng. Ngả lưng nằm, tôi thầm nhủ: ‘Khi nào trời sáng, đây?’ Vừa thức giấc, tôi đã lại hỏi: ‘Khi nào trời lại tối?” (Jb 7: 4). Dù viết từ hơn 2000 năm trước, tâm tình trên vẫn còn mới mẻ, đến hôm nay.

Tâm tình nói ở đây, là sự bận rộn trong cuộc sống. Cuộc sống, có những công việc cật lực. Sống, để kiếm kế sinh nhai, như lời ông Giób nói: “Một ngày đời tôi, thấm thoát hơn thoi đưa, và tàn lụi không hy vọng.” (Jb 7: 6). Thật ra, cuộc đời con người, xưa cũng như nay, đâu chỉ là như thế.

Xưa và nay, con người vẫn sống trong tâm thức chuẩn bị cho tương lai, ngày một sáng. Nhưng sao mãi ngày ấy không thấy đến. Có những người người vẫn lam lũ tạo cuộc sống, nhưng chưa vững bụng. Lam lũ, để vui hưởng kết quả lao động. Chỉ vững bụng, khi ta biết sống tháng ngày của hiện tại, rất đơn giản.

Trình thuật hôm nay, thánh Máccô đưa ra một ảnh hình, thật rất khác. Ảnh hình Đức Kitô đang làm việc, đầy ý nghĩa. Năng lượng Ngài sử dụng, là để chữa lành và tạo hạnh phúc cho mọi người. Và, khác biệt ở đây, chính là điều: Chúa đến để phục vụ. Để cho đi. Và san sẻ. Ngài không tuyệt vọng hoặc ta thán như ông Gióp:“Cuộc sống con người nơi dương thế, chẳng là thời khổ dịch sao?” (Jb 7: 1).

Cuộc sống nơi dương thế, thật ra có mệt nhọc, luỵ khổ; nhưng cứ thử sống một ngày không có sinh hoạt vây quanh/nhộn nhịp cùng xã hội, chắc cũng nản? Cứ thử sinh hoạt tách rời khỏi xã hội, khỏi chòm xóm láng giềng, rồi sẽ thấy. Sống trên đời và với đời, là biết sống san sẻ những gì mình, như Chúa từng làm. Sống làm sao, để trở nên một người sống vì mọi và mỗi người.

Sống như thế, là sống mà cho đi. Sống, đem lại giá trị và ý nghĩa của cuộc sống. Và, giả như việc ta làm không mang dáng dấp của một đóng góp vào của chung, có lẽ cũng nên thay đổi lối sống, là vừa.

Sống, như Đức Giê-su từng sống, là biết san sẻ với người khác. Biết làm mọi thứ, giống như Ngài. Ở chốn thị thành nơi ta sống, đã có đủ mọi thứ mà vào thời của Chúa, Ngài chẳng có. Cũng thế, Chúa phải là người giàu lắm mới đi đây đi đó, khắp mọi vùng. Ngài lại còn lo cho mọi người được ấm no, đầy đủ.

Nhưng, nếu sống thời hôm nay, Ngài đâu lái những Mercedes, BMW bóng láng. Và, cũng chẳng có điện thoại di động, cầm đi khắp phố phường. Nhưng Ngài là Đấng làm cho mọi người nên giàu có, phong phú. Và, Ngài lo lắng cho mọi người có đủ thực phẩm để độ thân. Có mái ấm che phủ đầu, như mọi người.

Tin Mừng hôm nay, đem đến cho ta một bài học, là: hãy sống cho ra sống. Sống, giống những người được Chúa chữa lành. Và phục vụ. Đầu trình thuật, thánh Máccô mô tả Chúa chữa lành bà mẹ vợ ông Simôn, đang cơn sốt. Khi khỏi bệnh, cụ bà không ngồi nghỉ nghơi, mà dậy “phục vụ các ngài”.

Được lành bệnh, là được tháp nhập đi vào cùng sống với cộng đoàn. Cùng san sẻ công việc dựng xây cộng đoàn, qua phục vụ. Và, bài học hôm nay muốn nói: phục vụ là tình thương yêu đang hoạt động.

Bài đọc 2, thánh Phao-lô cũng san sẻ một kinh nghiệm, để tự hào. Thánh nhân nói: “đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr (: 16)

Và, thánh nhân còn tự hào về chính mình: “tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người”(1Cr 9: 19). Và, thánh nhân cũng vang vọng Lời của Chúa, khi Ngài nói: “Ta đến không phải được phục vụ, mà là phục vụ người khác.”

Phục vụ, vì tình thương. Phục vụ, là hạnh phúc. Phục vụ, để san sẻ tình thương, lẫn hạnh phúc. Như Lm Tony de Mello từng biểu lộ, một khi đã phục vụ, ta sẽ thành công trong tác tạo những gì mình cần có. Cần, để tạo dựng nỗi niềm hạnh phúc, ở đây. Trong tay mình. Bởi lẽ, hạnh phúc và sự tràn đầy không ở bất cứ nơi nào khác, nhưng ngay tại đây. Bây giờ.

Tuy nhiên, phục vụ không có nghĩa vô chừng mực. Đức Giê-su cũng thế. Ngài không là người tham công tiếc việc, vượt nhu cầu. Để rồi, cuối cùng cuộc đời, Ngài lại phải lên núi đồi, mà hồi hưu. Không phải thế. Ngài lên chốn hoang vu, không để lẩn tránh áp lực của cuộc sống, nhưng tìm nơi vắng vẻ để tìm đến Cha, mà nguyện cầu. Tìm Cha, để tạo thêm công lực. Thêm ân huệ, rồi tiếp tục phục vụ cho tốt hơn.

Bởi lẽ, có đi xa Ngài cũng không tài nào tránh khỏi các khuôn mặt đang kiếm tìm Ngài, nhờ chữa lành. Ngài không là người phục vụ, bất đắc dĩ. Nhưng rất công tâm, tình nguyện.

Gặp môn đệ, Ngài bác bỏ đề nghị của các thánh yêu cầu trở về quê quán cũ, vẫn thành công. Ngài không tìm đến chốn thị thành nhiều người biết. Lắm người hâm mộ. Ngài không màng trở thành trung tâm thu hút mọi người. Cũng chẳng muốn đạt tiếng tăm, thành quả.

Nhưng, Ngài chỉ đến nơi nào, dân chúng thực sự có nhu cầu. Và cứ thế, Ngài đi khắp nơi chỉ để phục vụ, hết mọi người. Những ai được Ngài phục vụ, rồi cũng sẽ học được bài học ấy, mà phục vụ người khác.

Sống phục vụ, là sống có ý nghĩa. Sống phục vụ, là có giờ để nguyện cầu, suy tư, và đến gần với Chúa. Trong cuộc sống như thế, mới có giờ để san sẻ với người khác bằng lời nói và hành động. Sống như thế, mới bỏ giờ ra mà dựng xây, chữa lành và hoà giải.

Thực tế, không ai là không biết học hỏi cách sống đích thực, như thế. Sống đích thực, là sống như ông Gióp hay như Đức Giê-su? Và, câu hỏi đặt ra cho mọi ngưòi, vẫn là: ta có giống như ông Gióp không? Có giống ông ta, khi cuộc sống của mình trở nên ngán ngẫm, trì trệ, sống như cái máy…? Sống đích thực, phải là sống giống như Đức Giê-su.

 Sống có ý nghĩa. Có định hướng. Sống để rồi, sẽ cảm thấy hạnh phúc tràn đầy khi gia nhập làm thành viên cộng đoàn. Quyết tập trung tạo cho cuộc sống nên tốt đẹp. Ở đây. Bây giờ.

Trong quyết tâm sống đời hạnh phúc có phục vụ, ta hân hoan cất tiếng hát mừng một hành động:

 

“Một đoàn trai đi khi xuân tới

Hẹn rằng gieo tình thương khắp nơi

Non nước tuy xa vời

Ta đã yêu thương đời

Đừng e nắng gió sương bạn ơi . Bạn ời!” 

(Văn Phụng – Vó câu muôn dặm)

           

Hãy quyết tâm mà ra đi. Ra đi, để phục vụ. Và để, “gieo tình thương khắp nơi”. Bởi, một khi đã rắc gieo yêu thương và phục vụ, ta sẽ nhận ra được rằng: “Hạnh phúc tuyệt vời, giờ em hiển lộ” và “Sợi xích vàng khóa tim, chặt với nhau”. Xích vàng cho nhau yêu thương hạnh phúc. Suốt đời.

Lm Frank Doyle sj

Mai Tá lược dịch

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30