SUY NIỆM LỜI NGÀI ĐỌC TRONG TUẤN III MÙA CHAY C

Written by xbvn on Tháng Hai 25th, 2013. Posted in Mai Tá, Năm C

“Một thời mây biếc đã trôi qua,”

“Nay tưởng cây vàng lại nở hoa.”

(Dẫn từ thơ Đinh Hùng)

Lk 13: 1-9

Cây vàng hôm trước có nở hoa, đâu vì mây biếc đã trôi qua! Cây vả hôm nay đà khô đét, cũng chẳng do Chúa quở trách mới vừa qua, như trình thuật hôm nay còn kể lại.

Trình thuật, thánh Luca nay kể về cây vả, một loại cây vẫn thấy đầy đường ở Israel. Cây vả bị Chúa chúc dữ còn ám chỉ rất nhiều điều. Điều trước tiên về cây vả, là cây gặp thấy ở vùng Địa Trung Hải, từ nhiều năm. Có tài liệu bảo rằng: từ 11,500 năm nay, người Trung Đông thay đổi nếp sống kể từ ngày lo thu gom hột giống của các cây dại rồi thuần phục chúng biến thành cây sinh lợi.

Khai quật Qumran ở Gilgal, gần Giêricô khi xưa, đã đưa ra bằng chứng cho thấy: “vả” có mặt ở vùng này suốt 11, 400 năm. Người xưa có nói: chỉ cần chặt cành vả cắm xuống đất, sau một thời gian nó sẽ đâm chồi sinh hoa trái cho mọi người. Có người còn bảo: “vả”, là loài thực vật đầu tiên được con người trồng trọt, thế nên mới có câu hát: “Thuở đầu đời người thấy cây vả…”.

“Vả”, cao từ 3 đến 9 thước. Tàn nó xoè rộng hơn cả chiều cao. Có loại “vả” mọc vút cao hơn 10 thước. Mỗi cây mang dáng vẻ riêng, có lá cành xum xuê, mỗi năm cho đến 2 vụ mùa, rất nhiều trái. Vụ mùa chính là vào cuối hạ hoặc chớm thu. “Vả đực”, vẫn có trái; nhưng trái hơi khô và chẳng mùi vị. Trong khi đó, trái “vả” từ cây cái lại rất ngọt, nhiều nước cốt. Trái “vả” nào sống sượng không thích hợp bữa ăn ngày Sabát chỉ đáng quăng bỏ cho người nghèo nhặt nhạnh.

Giống “vả” đôi lúc cũng cho hoa trái rất sớm; được như thế, là nhờ vụ mùa nở rộ vào xuân mùa năm trước. Có văn bản lịch sử còn cho biết: nhiều năm cây “vả” đực lại cho trái đến 4 vụ mùa; đôi khi nó không trổ cành lá nào hết. Thành thử, “vả” là loại cây cho trái sớm/muộn còn tùy vào nhiều thứ, nhất là thời tiết. Có khi cả lá lẫn trái “vả” đều đâm chồi trổ sinh cùng một lúc. Có lúc, người ta còn nhờ lá “vả” để biết trước vụ mùa sắp tới có đạt kết quả hay không, hoặc năm đó sẽ không có vụ mùa nào hết.

Sách Đệ Nhị Luật, nói về Đất Lành Chúa hứa cho dân con Israel là “miền đất có lúa mì, lúa mạch, cây nho, cây vả, cây lựu, miền đất có cây ô-liu để ép dầu và có mật ong, miền đất ở đó anh (em) sẽ ăn bánh mà không bị hạn chế.” (ĐNL 8: 8) Ở sách tiên tri Giêrêmia, Giavê Thiên Chúa lại cũng nói: “Ta quyết sẽ thu về, không để trái nào trên cây nho, không để trái nào trên cây vả, cả lá cây cũng phải héo tàn, vì Ta sẽ trao chúng cho những kẻ qua đường.” (Giê 8: 13) Cũng trong cùng chiều hướng như thế, tiên tri Habakhúc lại thêm vào: “Thật thế, cây vả không còn đâm bông nữa, cả vườn nho không được trái nào. Quả ô-liu, đợi hoài không thấy, ruộng đồng chẳng đem lại gì ăn.” (Hab 3: 17)

Ở đoạn 23-29, sách Giêrêmia lại thấy sử dụng hình ảnh cây “vả” để nói về lưu đày và cuộc “xuất hành” về đất hứa. Ngay tại Giêrusalem, lại cũng thấy nhiều người được sánh tày như cây “vả” thối vữa không đâm chồi nẩy lộc, chỉ đáng bứt gốc nhổ bỏ, thôi. Tuy thế, người lành thánh như cây “vả” tốt tươi từng trở về sau lưu đày lại “hiểu biết kính sợ Chúa” nên được tháp tùng Chúa đi vào Giao ước, đáp ứng lại ân huệ Ngài ban bằng cả tấm lòng thành thật.

Thánh Mátthêu cũng sử dụng cây “vả” để diễn tả hiện trạng của một số người Do thái như đoạn Tin Mừng 21 câu 19 có nói: “Trông thấy cây vả bên đường, Ngài đến gần nhưng không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi. Nên Ngài nói: “Từ nay, không bao giờ ngươi sinh trái nữa!” Cây vả chết khô ngay lập tức. Thấy vậy, các môn đệ ngạc nhiên hỏi: “Sao cây vả lại chết khô ngay tức thì như thế?” Thêm nữa, thánh Mátthêu còn ghi rõ ở đoạn khác: “Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần.” (Mt 24: 32)                                   

Tin Mừng Thánh Luca hôm nay cũng dùng văn bản do thánh Mátthêu viết rồi theo phong cách/thể loại của thánh-nhân lại kể rõ từng chi tiết: “Người kia có cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó.May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.” (Lc 13: 6-9)

Đoạn 19 câu 29 Tin Mừng, thánh Luca để Đức Giêsu dùng dụ ngôn cây vả vào lúc Ngài đến với Giêrusalem, qua Bết-Pha-Ghê và Bê-ta-ni-a, nên nói rõ: “Khi đến gần làng Bết-pha-ghê và làng Bê-ta-ni-a, bên triền núi gọi là núi Ô-liu, Người sai hai môn đệ và bảo: “Các anh đi vào làng trước mặt kia. Khi vào sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và dắt nó đi.” Như thế nghĩa là: Ngài sửa soạn cho Lễ Lá mà vào thành Giêrusalem, gần Lễ Vượt Qua. Địa danh Bết-Pha-ghê có nghĩa là “nhà có cây vả chưa kịp chín.” Gọi thế là bởi, mùa đó chưa là mùa hái “vả”, và cũng chưa là mùa “vả” trổ nụ đơm hoa.

Địa điểm kể truyện lại nói là quanh núi Ô-liu. Như thế, phải chăng bối cảnh sự việc diễn ra ở trên núi Ô-liu? Thật ra, chỉ một vùng đáng kể ở quanh đó là có ô-liu bọc quanh cây “vả” không trái, đó là vùng Ghét-sê-ma-ni thôi.

Ở Ghét-sê-ma-ni, Chúa cảm nghiệm giờ phút khổ đau/mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể xác theo cung cách rất cực kỳ. Cực mệt, đến độ Ngài phải thốt lên lời, âu cũng là chuyện ít thấy. Ở Tin Mừng thánh Máccô, Đức Giêsu còn lớn tiếng kêu vời Chúa Cha đến tiếp cứu. Tuy nhiên, dù Ngài có kêu hoặc có vời thì Chúa Cha vẫn im hơi lặng tiếng, chẳng đáp từ. Thành thử, lối nói theo kiểu chúc dữ cây “vả” ở giữa đường là cung cách diễn tả cơn đau cực kỳ vào lúc Ngài hấp hối.

Với thánh Mátthêu, Đức Giêsu lại nói trực tiếp với cây vả, là: “Từ nay, không bao giờ ngươi có trái nữa!” Và, cây “vả” đã chết khô ngay lập tức.” (Mt 21: 19) cũng hệt như lời nguyền/chúc dữ, không chỉ cho cây “vả” mà thôi, nhưng cho cả những gì là kết quả tích cực dù ở hoàn cảnh nào cũng thế. Điều đó cho thấy: Chúa cảm nghiệm đích thực về sự cực kỳ, tột cùng của con người.

Ở Tin Mừng thánh Luca, Đức Giêsu muốn cho cây “vả” bị đốn/chặt đồ bỏ đi, tức: Ngài muốn nó không bị bật gốc khỏi mặt đất. Điều đó dẫn đến thắc mắc: tại sao mọi sự phải đâm hoa sinh trái trước sự việc đau thương thống khổ của thập giá?

Một lần nữa, ở Tin Mừng thánh Mátthêu, Đức Giêsu kể cho tông đồ kém lòng tin tưởng biết mình phải có niềm tin vững mạnh và nguyện cầu mới được như thế, cả vào khi các thánh phải đối đầu với hoàn cảnh khổ đau rất cực kỳ, tựa như Chúa.

Với thánh Luca, đây lại mang ý nghĩa một đề nghị: mọi người cần có lòng kiên nhẫn kéo dài nhiều tháng ngày. Khi ta nói với Đức Giêsu tương tự như hoàn cảnh xảy đến nơi vườn Ghét-sê-ma-ni, là ta nói với Ghét-sê-ma-ni bé nhỏ của chính ta. Và, như thể cũng bảo rằng: “Ngay tôi đây, cũng sẽ làm được như thế, cũng thế thôi.”

Có bao giờ những người như ta cảm thấy như mình chẳng có gì là cần thiết, cả khi mình thật sự rất cần những điều như thế, không? Sống ở hoàn cảnh tương tự, ta gọi là sống có kiên nhẫn. Đó, còn là cung cách để ta sống theo đường lối sẻ san có kiên nhẫn như Chúa từng sống, chí ít là vào mùa Chay.

Trong cảm nghiệm những điều như thế, ta lại ngâm lên lời thi ca đầy chất thơ và nhạc, mà rằng:

 “Một thời mây biếc đã trôi qua,”

“Nay tưởng cây vàng lại nở hoa.”

            Em chẳng mơ gì, tôi chẳng nói,

            Đôi hồn không biết có nhìn xa?”

            (Đinh Hùng – Bướm Xuân) 

Cứ tưởng cây vàng, cây “vả” đã nở hoa, cả khi “đau khổ tình chết lặng” đến như thế, phải chăng đó cũng là cảnh tình của nhiều người, ở mọi nơi?

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh –

Mai Tá lược dịch

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31