SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 31 TN C

Written by xbvn on Tháng Mười 28th, 2013. Posted in Mai Tá, Năm C

“Mơ ước, hiền như truyện trẻ thơ,”

“hoài nghi từng nét, mực phai mờ.”

(dẫn từ thơ Đinh Hùng)

Lc 19: 1-10

Mơ ước truyện trẻ thơ của nhà thơ đâu bằng ước mơ chuyện nhà Đạo có Chúa đoái hoài như truyện ông Da-kêu ở trình thuật hôm nay.

Trình thuật thánh Luca, nay mô tả chuyện người thu thuế thấp bé lại có tâm hồn rất thanh cao, tốt lành chuyên giúp người khác có quyết tâm. Ông Da-kêu nói: Ông quyết tâm tặng phân nửa tài sản mình có cho kẻ nghèo khổ, và nếu chẳng may ông có làm cho ai bị thiệt thòi cách nào đó, thì ông sẽ hoàn trả gấp bốn. Chuyện ông Da-kêu, tác-giả không cho biết: ông hành đạo và giữ đạo cách nào; cũng chẳng kể về chuyện ông có đến đền thờ tham dự nghi thức phụng vụ đều đặn không, cũng đâu biết.

Bởi, vào thời thánh Luca ghi chép Tin Mừng, thì đền thờ của người Do thái đã bị phá hủy, nhưng thánh Luca lại đã kể tình tiết câu chuyện xảy ra trước ngày đền thờ bị tàn phá. Ông không kể là nhân vật Da-kêu thấp bé, lùn tịt có ăn chay giữ luật Torah Do thái không và cũng chẳng đề cập gì về chuyện ngày vui/lễ hội đình đám; và cũng chẳng dám bàn về tập tục trong Đạo mà người Do thái tuân giữ cũng như phổ biến cho công chúng, cách công khai. Ông Da-kêu muốn trở thành đạo-hữu bình thường và làm những điều thông thường phải Đạo với mọi người, thôi.

Thời hôm nay, cũng đã thấy nhiều người hành-xử giống như thế. Họ có niềm tin của dân con Đạo Chúa khá mãnh liệt, nhưng không công khai xuất hiện trước mặt mọi người. Họ có quan-hệ tốt với nhiều người nhưng vẫn không được gọi là người tốt lành/hạnh đạo chuyên chăm đi nhà thờ/nhà thánh.

Chuyện ông Da-kêu hôm nay, cũng lôi kéo người đọc và người nghe để biết thêm về các sinh-hoạt bác ái/từ thiện nơi Đạo Chúa vẫn âm thầm đến với người nghèo/khổ có nhu cầu thể chất cũng như tinh-thần để được giúp. Gọi các vị này là thừa-tác-viên, tức: các nhà hoạt-động hữu hiệu trong công-cuộc quảng bá/truyền rao niềm tin cho người không có cơ được biết Chúa. Các vị, làm nhiều việc hữu-hiệu nhưng không hợm hĩnh tự cho mình là người biết đọc kinh, siêng chăm đi nhà thờ/nhà thánh cách thường xuyên quá mức đòi hỏi.

Các vị là những người làm công việc giúp đỡ nhiều người khác. Xem thế thì, cả ông Da-kêu lẫn những người hoạt-động hữu-hiệu đã và đang leo lên cây cao để có vị-thế thuận-lợi là thấy được Chúa, nơi người nghèo.

Chuyện ông Da-kêu vời Chúa gợi cho ta ý tưởng là: hôm nay, Hội thánh Chúa ở trần thế, vẫn còn đó những con người lý tưởng, nhưng vẫn không ồn ào chuyện kinh kệ, rước sách hoặc sinh hoạt bề ngoài chuyện nhà thờ hay phụng vụ. Nhưng, họ vẫn sống thực thụ cuộc sống đích thực theo Lời Chúa khuyên; và, đã biến các lời khuyên dạy của Thầy Chí Thánh thành hành động bác ái/từ thiện.

Ở đây nữa, truyện ông Da-kêu thực thi giúp người nghèo/khổ không hẳn chỉ là gợi ý của tác giả Tin Mừng thôi, nhưng là nhắc nhớ/khuyên nhủ người đọc Tin Mừng hãy khám phá ra lần nữa, ý-nghĩa và nhu-cầu thực-hiện trọng trách của Kitô-hữu, có bổn phận như ông Da-kêu tìm “thấy” Chúa cho bằng được; ngõ hầu tỏ bày quyết tâm thực hiện công ích giúp người nghèo/khổ thiếu thốn. Nghèo/khổ vật chất và/hoặc kiến thức. Thiếu thốn, phương tiện sống cho ra người, đúng ý nghĩa.

Truyện ông Da-kêu hôm nay, đã khẳng-định vai trò tạo sức hút thực thi bác ái/từ thiện. Bác ái/từ thiện, như thực tại hoà trộn nhiều thứ, trong đó có: lòng thương người, tính thực-dụng và phương-cách tổ chức. Lòng thương người, tự nó, không có nghĩa là mình sẽ làm được mọi thứ nếu không có được tính thực-dụng. Có tính thực-dụng, mà không có lòng thương người, thì thật ra, cũng chả “sờ chạm” hoặc tiếp cận được ai; hoặc đến được người nghèo/khổ nào thì cũng không thương yêu, chăm sóc họ.

Biết tổ-chức, mà không có lòng thương người theo tính thực dụng/thực tiễn, thì sẽ có khuynh hướng tự vỗ béo, nuôi dưỡng chính mình, chứ người nghèo/khổ nào hưởng được lợi lộc gì cho cam. Nghèo khổ/thiếu thốn là những ai? Nghèo khó/khốn khổ luôn biến đổi nhưng lúc nào cũng có đó, vào mọi thời và xã hội.

Thời hôm nay, ví dụ về người nghèo/khổ thiếu thốn bao gồm cả di dân/tị nạn sống bấp-bênh, tạm bợ tại hầu hết các quốc gia. Với những người này, nghèo và khổ không là trường hợp của người thiếu ăn/thiếu mặc, dù loại hình nghèo và khổ nay vẫn đầy dẫy khắp nơi, trên thế giới.

Nghèo và khổ, trước hết và trên hết, là ngôn-từ diễn tả tư tưởng, ước muốn của mình và của người. Nơi đất khách quê người, cảm nghiệm đầu tiên họ từng trải, là: cảm nhận/nghiệm sinh về khả-năng nắm bắt, hiểu biết ý nghĩa của ngôn-từ mà người khác đã nói. Phần đông những người nghèo về kiến thức/hiểu biết về âm giọng và tiếng nói mà người khác từng phát âm hoặc diễn tả, nên không phát-biểu được điều mình muốn nói cho người khác hiểu. Kết cuộc dẫn đến kỳ thị, ngộ nhận, chỉ cười trừ.

Nghèo khổ/túng thiếu còn thấy ở nhiều địa hạt khác nữa. Địa hạt khoa học, vi tính, khiến lạc lõng mất mát mọi thông tin cần thiết cho cuộc sống khác với quê mình. Thế nên, đa số những người mới tới đất miền xa lạ -chí ít là nữ-phụ-  vẫn cần có người giúp đỡ. Di dân nào cũng cần người khác giúp đỡ dạy dỗ để hiểu tiếng “mẹ đẻ” mới theo ngôn ngữ phố chợ, chứ không phải ngôn từ ở sách vở. Nơi xứ lạ, người mới đến sinh sống có cảm giác như mình tuy là người sinh viên đại học lớn xác đấy, nhưng chưa từng kinh qua trường lớp tiểu học hoặc mẫu giáo, nào hết.

  Nếu người di dân/nghèo khổ hoặc túng thiếu lại không được ai giúp đỡ, hẳn là họ sẽ bo mình trong một thế giới của riêng mình; nên, ngay như dân địa phương nơi đó cũng không biết là có đám người di dân đang gần gũi. Di dân như thế, sẽ mất đi khả năng tự mình vượt ra khỏi mọi khó khăn; mất cả niềm tự trọng lẫn tự tin nên chẳng tin tưởng vào bất cứ ai, đấng bậc nào. Họ ra như con trẻ không được người nào chăm sóc. Điều họ cần hơn cả là: giúp họ khám phá ra gia đình mới, từ từ giúp họ hiểu/biết và trao đổi, hoặc đối thoại. Việc này còn là điều tiên quyết trước cả nhu cầu học pháp-cú, văn-phạm cùng tự vựng của bất cứ ngôn-ngữ nào cũ/mới. Di dân mới tới, vẫn cần các nhà sinh hoạt bác ái/từ thiện giúp đỡ họ giải toả những khó khăn, vấp váp bằng nụ cười đầy thiện cảm.

Giống như Da-kêu người thu thuế hoặc thân thuộc vẫn vui bước ra khỏi nhà để giúp đỡ khi ông và họ có nhu cầu trèo lên cây để thấy được Chúa có mặt ở với người khèo hèn, cùng khổ. Di dân thời nào cũng cần làm quen với nền văn hoá sở tại khả dĩ giúp họ tái-tạo niềm tin-yêu đã để mất.

Các nhà hoạt-động bác ái/từ thiện là thành phần của nền văn-hoá, của thánh Hội có hiệp thông/liên kết giúp người có nhu cầu tối-thiểu. Bởi, nhà từ-thiện dù không là kẻ tin vào Đấng Thánh Hiền rất lành và rất thánh vẫn là người chân phương, hiền từ chuyên giùm giúp những người nghèo và khổ đang cần giúp đỡ. Tín-hữu Đức Kitô, theo định nghĩa, chính là nhà từ thiện chuyên giùm giúp hết mọi người, không phân biệt tôn giáo hoặc tín-ngưỡng.

Không văn hoá nào có thể tồn tại mà lại không có tín ngưỡng. Mỗi nền văn hoá đều có truyền thống, truyện kể, nghi thức tôn giáo, đạo đức chức năng và giáo lý riêng của mình. Trong mỗi văn hoá, đều có thông điệp nhắn nhủ mọi người nên giúp đỡ kẻ yếu hèn, nghèo khổ. Cùng với truyền thống đó, còn có tín ngưỡng và mọi sự mang tính chất xã hội.

Niềm tin thì khác. Đó, không là loại hình tôn giáo. Nhưng niềm tin giúp con người thấy được Chúa nơi con người và thấy được chân trời rộng lớn hơn chính tôn giáo thấy. Khi niềm tin thấy được người có nhu cầu thì sẽ thấy nhiều người nghèo/khổ, nhiều nhu cầu hơn ai hết. Với nhiều người, tầm nhìn của niềm tin sẽ không kéo dài khi đạo giáo không hỗ trợ. Rủi thay, chuyện ngược đời lại trở thành sự thật, tức: tôn giáo thường sống dai hơn niềm tin. Tôn giáo sẽ khập khiễng khi con người mất niềm tin. Và lúc đó, tôn giáo sẽ trở thành chiến-hào tập trung vào mình, rồi đóng kín, dữ dằn và cố-chấp. Lúc đó, không còn nhớ gì người nghèo/khổ, nhiều nhu cầu hơn bao giờ hết.

Cũng là điều tốt nếu các Da-kêu thời đại lại sẽ phát-hiện được tôn-giáo trong khi vẫn là Da-kêu còn niềm tin. Cũng sẽ là điều tốt đẹp, giả như các nhà từ thiện lại đến được với các nhóm hội cầu nguyện dù thuộc tôn giáo nào đi nữa, quyết thu hút hết mọi người, cả những người đang tìm Chúa.

Cầu và mong sao những người như thế vẫn tồn tại và đang làm những việc tốt đẹp như mơ ước. Mơ và ước như ước mơ của nhà thơ từng thổ lộ, rằng:

 “Mơ ước hiền như truyện trẻ thơ,

Hoài nghi từng nét mực phai mờ.

Chữ Yêu lượn nét hoa kiều diễm,

Tưởng thấy nghìn đuôi mắt hẹn hò.”

(Đinh Hùng – Bao Giờ Em Lấy Chồng)

             Như nhà thơ có ước mơ, dù chỉ mỗi chuyện trăm năm vợ chồng, nhà Đạo mình cũng mơ ước chuyện được thấy Chúa nơi người nghèo/khổ. Để rồi, tất cả mọi người sẽ chiêm niệm về Tình Thương Yêu chẳng “hoài nghi”, nhưng vẫn tin chắc vào Lời Chúa, như sự thật chẳng hề phai, bao giờ.

 Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh   

Mai Tá lược dịch

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30