SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 14 TN C: GIÁO DÂN TRUYỀN GIÁO

Written by xbvn on Tháng Bảy 5th, 2013. Posted in Cao Huy Hoàng, Giáo dân, Năm C, Truyền giáo

 Suy niệm Tin Mừng CN 14 TN C hôm nay, trong bài: “CHÚA SAI TÔI ĐI”, ĐTGM. Ngô Quang Kiệt nói: “Ta thường nghĩ rằng: Việc truyền giáo là dành cho các Giám mục, các Linh mục, Tu sĩ. Giáo dân không được học hỏi gì nhiều làm sao có thể truyền giáo được? Truyền giáo phải có nhiều phương tiện vật chất. Thiếu phương tiện không có thể làm gì được. Đó là những quan niệm sai lầm mà Chúa vạch cho ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay”.

          Cha JM. Lam Thy, trong bài suy niệm: “AI LÀ THỢ GẶT”, cắt nghĩa rõ hơn: “Trước đó, Người đã sai 12 môn đệ đi giảng dạy (Lc 6, 12-15), và vì là 12 môn đệ đầu tiên chính thức được sai đi, nên các Thánh sử nêu tên đầy đủ; nhưng lần này là con số đông gấp 6 lần. Sự kiện này mang ý nghĩa gì? Điều này cho thấy ngay từ giai đoạn khởi đầu cho sứ vụ cứu độ nhân loại, Đức Giê-su Ki-tô đã trao sứ vụ cho tất cả những ai tin và đi theo Người, được Người coi là bạn hữu . “Anh em là Bạn Hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.” – Ga 15, 14. Như vậy là đã rõ, tất cả mọi Ki-tô hữu đều được coi là thợ gặt trên cánh đồng lúa chín Truyền Giáo”.

Cha JM. Lam Thy còn nói đến việc Hội Thánh qua các thời kỳ đã nhìn vai trò giáo dân rất thấp bé, mãi cho đến Công đồng Va-ti-ca-nô II (1962-1965), người giáo dân mới chính thức được công nhận có quyền và có bổn phận loan báo Tin Mừng, chia sẻ Lời Chúa.

 Thế nhưng, cho đến ngày nay có vẻ như quan niệm sai lầm ấy vẫn còn tồn tại nơi não trạng của cả các giáo sĩ và giáo dân. Một số giáo sĩ hoặc muốn ôm đồm công việc truyền giáo cho mình, hoặc chưa dám tin về ý thức truyền giáo của giáo dân. Vì vậy, nếu có một số nào đó đã ý thức và dấn thân vào việc truyền giáo trong mọi lĩnh vực cuộc sống, thì lại bị kết án là “không có bằng cấp”, “không đủ tư cách”, làm việc “bao đồng”,  hoặc “không có bài sai”. Có phải vì não trạng ấy của các Giáo Sĩ đã khiến cho đa số giáo dân bỗng trở nên ươn lười, không mạnh dạn dấn thân, cầu an, tránh sự phật lòng các đấng làm thầy “chính danh”.

Ước gì tình trạng ấy đang chỉ là số ít.

Và thiết tưởng cần nhân lên nhiều hơn nữa những mô hình truyền giáo mới trong các cộng đoàn

-bắt đầu từ việc các đấng làm thầy khiêm tốn nhìn nhận sứ vụ truyền giáo của tất cả những người đã được rửa tội, của giáo dân

-họ cần được huấn giáo qua các bài giảng lễ, qua những cuộc tĩnh huấn, học hỏi.

-mở ra cụ thể cho họ những chương trình chứng nhân giữa đời thường, để chính khi họ sống đời sống công giáo công chính, là họ đã truyền giáo vậy.

-tránh xem thường những nhiệt tình của giáo dân, nhưng cần hướng dẫn, nâng đỡ, khích lệ họ để họ đi đúng đường hướng của Hội Thánh.

 Đã đến lúc cả giáo sĩ lẫn giáo dân cần hỗ trợ cho nhau cách xứng hợp để cả hai chu toàn sứ vụ truyền giáo. Xin đừng xem thường nhau nữa. Và cũng xin đừng làm gương xấu về việc xem thường nhau trong việc truyền giáo, nhất là gương xấu nơi các giáo sĩ. Một cha sở xem thường cha phó, xem thường các cha khác; vị đương nhiệm chê bai vị tiền nhiệm; một cha tỏ vẻ vâng mà không phục đức giám mục của mình… thì giáo dân là gì trong mắt cha, nếu không phải là một đám chiên dốt nát, ít học, biết gì mà truyền giáo!

Nhìn lại một chặng đường Công Giáo Việt Nam sau năm 1975, chúng ta có thể thấy được một toàn cảnh Hội Thánh mà vai trò của Giáo Dân Việt Nam thực là đáng kể. Trong lúc các giám mục, linh mục gặp nhiều khó khăn khi thi hành tác vụ, thì chính giáo dân là những người giữ lại nhà thờ, giữ sinh hoạt tôn giáo giữa làn tên mũi đạn. Cũng chính giáo dân trong những cụm “cộng đồng cơ bản” (grassroots community, communauté de base) giữ và trao cho nhau ngọn lửa đức tin, đức cậy, đức mến. Hơn thế nữa, đời sống Tin, Cậy, Mến của họ cũng làm chứng cho mọi người chưa nhận biết Chúa về một Thiên Chúa đáng tôn thờ, và tôn thờ tuyệt đối.

Thưở ấy, có những việc mà linh mục khó làm, nhưng giáo dân làm được. Có những nơi linh mục không thể đến được, nhưng giáo dân thì vào tận bên trong. Có những chuyện nhạy cảm linh mục không dám đương đầu, nhưng giáo dân thì sẵn sàng vì chân lý. Có những sẻ chia mà linh mục không thể sẻ chia được, nhưng giáo dân thì cụ thể sống với nhau bằng đức ái, chia nhau cái củ nần, chén bắp chà vôi qua bữa…

Năm 2000, một cha được chuyển về giáo xứ nọ. Trong buổi họp khẩn cấp với Hội Đồng Giáo Xứ và các ban ngành đoàn thể, cha nói ngay câu đầu tiên: “Phải hạ bức tượng ông thánh Tử Đạo Việt Nam xuống ngay”. Ông chủ tịch từ tốn: “Thưa cha, ông thánh của chúng con linh lắm. Không hạ được đâu. Một ông Nông Hội xã đề nghị đem xe ủi mà ủi tượng đi. Tức thì hai hôm sau, chính ông ấy chết ngay dưới bánh xe ủi trước nhà thờ kia”. Cả hội trường đồng thanh xin cha đừng hạ tượng. Cha nói: “Đúng là tôi đến với anh chị em như chiên con vào giữa đám sói rừng”. Cả giáo xứ buồn man mác. Nghĩ mà thương các cụ Toma L, Phao-lô T…, Sơ cụ M (MTG QN), Sơ cụ A, M, L  (St Paul ĐN) đã kiên trì gìn giữ GX từ sau 1975 có giờ kinh, giờ phụng vụ…. Nghĩ mà thương cha tiền nhiệm chịu thương chịu khó với Giáo Xứ 18 năm, từ những năm 1982 với ngôi nhà thờ tranh tre đổ nát…. Bảo vệ Đức Tin là sói sao? Không sao! Nhờ kiên quyết của giáo dân mà sau 5 năm quản xứ, cha không thể thực hiện ý hạ tượng, lại hiểu và thương giáo dân hơn.

 Ngay lúc này, tại Việt Nam, lời kêu gọi “Lúa chín đầy đồng, mà thiếu thợ gặt. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đến” vẫn còn đang khẩn thiết lắm. Chỉ có một, hai giáo phận đã có đủ linh mục phục vụ Hội Thánh Người. Đủ linh mục không có nghĩa là đủ thợ gặt. Thợ gặt vẫn còn thiếu. Huống chi đa số giáo phận còn thiếu linh mục trầm trọng thì thợ gặt còn thiếu tới đâu.

Xin chủ ruộng sai thợ gặt đến ngay trong nhà mình, để cha truyền giáo cho con trai, mẹ truyền giáo cho con gái bằng chính đời sống đạo đức của mình. Xin chủ ruộng sai thợ gặt đến ngay trong khu phố của mình, để đời sống của những người có đạo trở nên lời chứng hùng hồn cho Triều Đại Thiên Chúa đã đến. Xin chủ ruộng sai chính mình vào cánh đồng truyền giáo, là xin cho chính mình sống đúng lời Chúa dạy, đi đúng đường Chúa đi, sống công chính giữa một xã hội bất công chằng chịt, sống trong sạch giữa một thế giới nhơ uế, sống đơn sơ nghèo hèn giữa những con người tham hưởng thụ danh lợi dục…. để trở nên họa ảnh tuyệt đẹp của một Thiên Chúa hiền lành, khiêm nhượng, giàu lòng khoan dung, hằng sống….

Đừng trách người ta lì lợm không tin vào Thiên Chúa, nhưng hãy ngộ ra điều này: người ta không theo đạo không phải vì Đạo không tốt, nhưng một phần, vì người có đạo sống không tốt hơn họ. Đôi khi còn tồi tệ hơn họ. Tại một giáo xứ được kể là lớn nhất nhì Giáo Phận, xảy ra chuyện người có đạo cầm hung khí bất thần đến đánh đập người có đạo ngay trong bữa cơm tối. Máu đổ, cơm đổ trộn lẫn vào nhau. Cả nhà 5 con người ta, cha mẹ và 3 con, đều phải nhập viện trong một đêm. Cha Mẹ bị nặng nhất, phải nằm viện hơn một tháng trời. Người mẹ ra viện, trong tình trạng nửa khùng nửa điên! Đạo nào dạy người có đạo làm như thế. Người chưa có đạo thấy cách hành xử của người có đạo mà ớn lạnh! Truyền giáo cho ai?

Trân trọng đón nhận Lời Chúa hôm nay, mỗi giáo dân vui mừng tạ ơn Chúa vì bài sai quý giá và những chỉ dẫn cụ thể:

-Hãy biết nâng đỡ nhau sống đạo tốt để truyền giáo: “hai người một”

-Hãy hiền lành, khiêm nhượng như “chiên con vào giữa sói rừng”.

-Đừng quá bận tâm đến tiền bạc phương tiện. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”.

-Đừng lo ra chia trí vì những chuyện bên lề, hình thức bên ngoài, nhưng hãy nhắm đến nội dung sống đạo tốt. “Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường”.

-Trước tiên là phải “mang bình an đến cho người”, bình an của Chúa được thể hiện trong yêu thương phục vụ.

Lạy Chúa, xin giúp con ý thức và sống đời sống công giáo tốt trong nhà, trong giáo hội, ngoài xã hội, để mọi người nhìn thấy việc chúng con làm mà ngợi khen Cha chúng con trên trời.

A men

PM. Cao Huy Hoàng, 04-7-2013

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31