SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 15 TN C: LUẬT CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA

Written by xbvn on Tháng Bảy 12th, 2013. Posted in Cao Huy Hoàng, Năm C

Công dân của một nước thì phải chu toàn luật của đất nước ấy. Bộ luật của đất nước nào chân thật, nghiêm minh thì bảo đảm được sự bền vững của đất nước ấy. Ngược lại, bộ luật nào trí trá, chắp vá, nhiều khe hở, thì kém bền vững, trước sau cũng sụp đổ là đương nhiên. Biết vậy, nhưng có khi chính những người làm luật lại không muốn cho luật lệ chân thật, nghiêm minh, để chính mình còn đường thoát khỏi lưới luật.

Vì vậy, cũng không thiếu những người nghiên cứu học hỏi cho thông luật để làm những điều luật không cấm, để biết những khe hở thoát thân. Có thể là do khả năng kém cỏi của người làm luật, nhưng phần lớn là do “không có tấm lòng chân thành” cho công cuộc chung, do lòng ích kỷ, tham lam của một phe nhóm, một bè phái. Đất nước nào có bộ luật không nghiêm sẽ luôn ở trong tình trạng bát nháo, hỗn độn, chẳng có gì là bảo đảm một nền độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân và cho sự ổn định trường tồn của đất nước.

Bộ luật của Nước Thiên Chúa do chính Thiên Chúa Toàn Năng, Chí Thánh, Chí Thiện lập ra là bộ luật chân thật, nghiêm minh và bền vững. Bộ luật ấy được gọi là Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, được tóm gọn chỉ một câu “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”.

Tin Mừng hôm nay đề cập đến Luật của Nước Thiên Chúa: Một thầy thông luật đã hỏi Chúa Giêsu “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” Chúa Giêsu hỏi lại ông ta: “Luật đã dạy gì ?” và ông ta đã trả lời đúng như câu tóm gọn bản luật

Bản chất của không ít thầy thông luật, là biết luật không phải để giữ luật, chỉ để dạy người ta giữ, và phê phán, bắt bẻ khi người ta không giữ. Có thể Chúa Giêsu vẫn cho là thầy thông luật có chút thành tâm hỏi về luật để giữ luật cho đặng hưởng được sự sống đời đời, nên Ngài đã trả lời rất chân thành: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”. Biết mình đã không làm như vậy, nên thầy thông luật lại vặn hỏi: “Nhưng ai là người thân cận của tôi ?”

Chúa Giêsu biết âm mưu của ông khi nhắc đến hai chữ “thân cận”, may ra có cái khe hở nào để khỏi giữ luật chăng, vì ông muốn hiểu theo người đời là đóng khung hai chữ thân cận chỉ trong những người Do Thái mà thôi, có khá hơn thì cũng chỉ thêm được một vài ngoại kiều thân thích với họ. Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu dùng câu chuyện dụ ngôn người “Samari có lòng thương người” mở ra cho nhân loại một định nghĩa chính xác về người thân cận trong bộ luật Nước Trời: đó chính là tất cả mọi người. Đồng thời, Ngài cũng chỉ cho thấy việc thi hành luật: yêu thương, là hy sinh chính mình để cho người khác được sống.

Đối tượng của tình yêu và lòng thương xót chính là “con người”. Con người là thân cận của con người. Không phân biệt dân tộc, màu da, tiếng nói, tôn giáo, xã hội, chính trị… vì tất cả đều là con cái của Thiên Chúa, đều được sống trong tình huynh đệ của các con cái cùng một Cha trên Trời. Dụ ngôn cho thấy: công việc đầu tiên của người Samari khi xuống ngựa không phải là xem người bị nạn này là ai, Do Thái hay Samari, người quen hay người lạ, người đẹp hay xấu… nhưng là cấp cứu ngay, và cấp cứu hết sức tận tình.

Một thứ tự rất chu đáo và hợp lý:

– chạnh lòng thương,

– lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó

– đặt người ấy trên lưng lừa của mình

– đưa về quán trọ mà săn sóc

– lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”.

Như vậy, việc đầu tiên trong việc giữ luật yêu thương người là “chạnh lòng thương”. Và từ “chạnh lòng lương” dẫn đến các việc tốt khác. Nếu không có trái tim biết “chạnh lòng thương”, thì người Samari này cũng chẳng khác gì thầy Tư Tế, thầy Lêvi kia, sẻ “tránh sang bên kia đường mà đi”, bỏ mặc ai sống chết mặc ai !

Khi được hỏi “Theo ông thì ai là người thân cận của người bị nạn ?” hẳn thầy thông luật phải trả lời là chính người Samari kia. Chúa Giêsu đã kết luận dụ ngôn: “Vậy, ông cũng hãy đi và làm như vậy”.

Chúa cũng đang gửi đến mọi người chúng ta thông điệp về việc chu toàn Luật của Nước Thiên Chúa: “hãy đi và làm như vậy”, để được Sự Sống đời đời làm gia nghiệp cho chúng ta.

Tình yêu thương, lòng thương xót trong mỗi con người như quà tặng quí giá Chúa đã ban cho mỗi con người nơi trái tim biết yêu và cảm nhận được yêu. Chúng ta đang sống được, sống vui, sống khỏe là nhờ chúng ta nhận được nhiều tình yêu thương của người khác. Tình thương yêu luôn là nguồn sinh lực quí giá mà con người trao cho nhau để xây dựng một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp. Trong Hội Thánh Chúa, tình yêu thương của những người có Đạo dành cho tất cả mọi người, không phận biệt lương giáo, thân sơ, giàu nghèo… còn là một bằng chứng hùng hồn về Thiên Chúa, về Nước Thiên Chúa đang ngự trị giữa trần gian này.

Thực vậy, chúng ta có thể chia nhau Tin Vui này: thời nay, vẫn còn đang có nhiều người Samari nhân hậu giữa chúng ta. Tình yêu thương của họ đã biến thành những liều thuốc đặc biệt đắt tiền, những lượt xạ trị, hóa trị tốn kém cho người bệnh ung thư trầm kha được phép kéo dài những ngày đời chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ Thiên Chúa. Tình yêu thương của họ như trái tim mở ra cho những ca mổ tim để cứu sống biết bao em bé tưởng phải sớm vĩnh biệt cõi đời. Tình yêu thương của họ đã biến thành cơm bánh, thành chăn mền, quần áo cho biết bao người nghèo khổ đói rét. Tình yêu thương ấy biến thành nếp nhăn tàn tạ của cha mẹ, của người bán cả sức lực mình cho gia đình, của cả người chăm sóc bệnh nhân trắng đêm thao thức.

Tin Vui này còn đang mãi nhân lên trong Hội Thánh Chúa để mỗi người ngộ ra điều kỳ diệu này: là khi ta “thực hành đức yêu thương như Chúa dạy” chính là lúc chúng ta đền đáp bao yêu thương đã nhận lãnh, và lại được Chúa yêu thương giữ cho ta phần gia nghiệp Nước Trời.

Nhưng để sống được Đức Yêu Thương ấy, không đơn giản một ngày một bữa, một sớm một chiều mà chúng ta có thể đạt được, và chúng ta cũng không thể tự mình đạt được nếu không có ơn Chúa.

Lời cầu nguyện hằng ngày của chúng ta phải là khẩn thiết xin Chúa loại trừ trong chúng ta lòng kiêu căng, ích kỷ. Bởi vì những thói xấu ấy sẽ làm tắt ngúm lửa tình yêu thương trong chúng ta. Lòng kiêu căng không cho phép mình phục vụ cho ai, nhưng đòi hỏi ai cũng phải phục vụ mình. Lòng ích kỷ khiến mình không quan tâm đến ai, chỉ muốn ai cũng phải quan tâm đến mình, không cho phép mình cúi xuống trên những thân phận người đau khổ, yếu hèn, thấp kém, nhơ uế, để hiểu nỗi đau tận cùng của kiếp nhân sinh…

Thiết tưởng, không chỉ lời cầu nguyện, mà còn phải luyện tập Đức Yêu Thương bắt đầu bằng sự từ bỏ chính mình, để nghĩ đến người khác. Từ bỏ việc được phục vụ để biết phục vụ người khác. Có người không đau bệnh gì, mà quần áo của mình, mình không giặt nổi thì nói gì giặt quần áo cho ai ? Đi đâu cũng có cơm bưng nước rót, kẻ hầu người hạ, thì mình còn chịu phục vụ ai ?

Từ bỏ tính phân biệt, vụ lợi, để lòng ta quảng đại hơn với tất cả mọi người. Đừng như chỗ “nhà thương” là nhà của “những người bị thương”, đáng lý “người phải được thương” cách khẩn cấp nhất, thì ngược lại, cứ từ từ nhẩn nha mà giải quyết, xem “người bị thương” là ai đã, nhân thân thế nào đã, có tiền lót tay hay không đã mới chịu thăm khám, chữa trị cho người ta…

Chu toàn Luật Yêu Thương, Luật của Nước Thiên Chúa với lòng chân thành, chúng ta tin chắc về giá trị bền vững của Luật Yêu Thương đó là phần Sự Sống đời đời làm gia nghiệp mai sau.

Nguyện xin Chúa giúp chúng con chu toàn Luật của Nước Thiên Chúa, là yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân vì chúng con là công dân của Nước Chúa. Amen.

PM. CAO HUY HOÀNG, 12.7.2013

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31