SUY NIỆM TIN MỪNG CN 12 TN C: NGƯỜI CÓ ĐẠO
Bài Tin Mừng hôm nay Lc 9,18-24, sau khi Chúa Giê-su hỏi “Người ta bảo Thầy là ai?”, Chúa lại hỏi: “Các con bảo Thầy là ai”… Và Thánh Phê-rô đã trả lời: “Thầy là Đức Ki-tô của Thiên Chúa”.
Khi tuyên tín như thế, hẳn là ông Phê-rô chưa hiểu nhiều về sứ mạng của Đấng Messia, Đấng được Xức Dầu, gọi là Ki-tô. Vì thế Chúa đã giải thích thêm về “Đức Ki-tô của Thiên Chúa” rằng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.
Chúa Giê-su còn công khai nói với mọi người rắng : “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì kẻ nào muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nó. Còn kẻ nào mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ cứu được mạng sống mình”.
Như vậy, khi tuyên tín vào Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là phải mặc lấy Đức Ki-tô, sống như Ngài đã sống, suy nghĩ như ngài đã suy nghĩ, yêu như ngài đã yêu, và chấp nhận con đường khiêm hạ, từ bỏ, công chính, hiến thân, phục vụ, chết và sống lại, rồi cùng Ngài về trời. Nói cách khác là : phải nên đồng hình đồng dạng với Ngài, thì lời tuyên tín kia mới là lời tuyên tín giá trị.
Chúa cũng đã hỏi ông bà chúng ta câu này. Và cách nào đó, ông bà đã trả lời “Chúa Giê-su là Đạo của chúng con”, “Chúng con là kẻ có đạo”.
Chỗ tôi, trải qua 20 năm, 1975-1995, bà con nghèo khổ quá, bởi lúa bắp khoai chỉ được một vụ trong năm. Năm nào có mưa khá, thì còn có cái thu hoạch. Năm nào ít mưa là coi như công toi. Không có tiền để lo cho con cái, nhiều cha mẹ đành đi vay mượn, rồi chờ đến mùa lúa thì đong lúa cho người ta. Thế mới có chuyện “bán lúa non” mà “không có lúa già để trả!” Đành mắc nợ triền miên. Người mua lúa non, đong lúa già cũng phải kiếm cho mình phần lợi, nên không thiếu cảnh đong lúa mà người “bán lúa non” xót xa rơi lệ. Họ sàng sảy năm lần bảy lượt để chỉ lấy những hạt lúa chắc. Không một hạt lép nào có thể chen vào lẫm lúa họ. Người bán lúa non đành phải hốt đống lúa lép về mà sàng sảy lại để kiếm những hạt lúa đưng mà phơi, giả, nấu cháo cho con. Trong xóm tôi chỉ có một người mua lúa non tốt bụng. Đó là ông bà A. Ông luôn dặn bà: “Đừng mua quá rẻ của người ta. Người ta trả sao lấy vậy. Mình là người có đạo đó, nghe bà”.
Tôi vẫn nghĩ rằng câu nói “Mình là người có đạo” của ông bà ta xưa, tuy rất đơn sơ mộc mạc, nhưng lại là một ý thức cơ bản, một đức tin sống động, một kim chỉ nam chính xác cho hành trình đức tin nơi dương thế.
Một ý thức cơ bản: “Mình là người có đạo”. Ngữ “người có đạo” lúc ấy dành cho người công giáo, cho các Kitô hữu, để phân biệt với từ “người lương” dành cho những người theo các đạo khác, và hiểu chữ lương là lương thiện. Tôi còn nhớ trong sách bổn ngày xưa có câu: “Có một đạo rất chính rất thật ấy là Đạo Thánh Đức Chúa Trời”. Và khi sử dụng từ “mình là người có đạo” cho một người và “mình con nhà có đạo” cho cả dòng họ, thì hiểu là: “Mình đã được rửa tội, là Ki-tô hữu, là người Công Giáo, thuộc dòng dõi của Chúa Giê-su Ki-tô, của Con Thiên Chúa và nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, được ơn gọi là nghĩa tử của Thiên Chúa”. Ý thức ấy vốn là ý thức cơ bản nhất của một “người có đạo”. Và chính ý thức ấy đã hướng dẫn, chỉ đạo mọi tư tưởng lời nói việc làm của ông bà ta xưa.
Một Đức Tin sống động: Bởi vậy, đừng chê ông bà ta ít học giáo lý, cũng đừng xem vốn giáo lý của mình thời nay là khá, là nhiều, nhưng hãy xem cách “sống giáo lý” của ông bà thời ấy.
Từ ý thức “mình là người có đạo”, Mẹ tôi thường dặn dò: “Đi đâu, ở đâu, làm việc gì, cũng phải nhớ mình là người có đạo nghe con”. Sau này chúng tôi mới hiểu là có ở đâu, làm gì, thì cũng phải giữ lề luật Chúa, giữ lời Chúa cho nên, cũng phải “đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su Ki-tô”. Cha thì hay dùng lời thánh Phaolô mà dặn: “Dầu khi ăn, dầu khi uống, dầu khi làm việc gì, cũng phải làm cho sáng danh Chúa”. Khi cha cho ý kiến về việc gì thì ý kiến cuối cùng vẫn là “nhưng phải xem coi có sáng danh Chúa không nghe con, không được sáng danh mình”.
“Mình là người có đạo” hẳn phải từ bỏ những tư tưởng, lời nói, việc làm không xứng với danh xưng quý giá ấý, hẳn phải từ bỏ “cái tôi” của mình để cho danh Chúa được cả sáng. Khi anh em chúng tôi nói, làm điều gì sai quấy, cha thường trách yêu: “Con quên mình là người có đạo sao?”. Khi chị tôi chuẩn bị lập gia đình, Mẹ kể cho chị nghe câu chuyện Tobia và Sara: “Tobia và Sara tâm sự: “Mình con nhà có đạo, không thể lấy nhau như lương dân”.
Kim chỉ nam chính xác: “Mình là người có đạo” như kim chỉ nam chính xác cho hành trình đức tin chúng ta. Bởi vì, khi đã tháp nhập vào Đức Giê-su Kitô là “Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống”, người có đạo có Con Đường để đi, con đường Thật bảo đảm một Sự Sống Thật thay cho những con đường gian trá chỉ đưa con người ta đến sự chết ngàn thu. Người có đạo là người đi Con đường của Chúa Giê-su: con đường khiêm nhượng, từ bỏ, chấp nhận khổ đau, thập giá, con đường phục sinh và lên trời, và theo con đường ấy mà về trời. Đó là Sự Thật vĩnh cửu, thay cho sự thật về kiếp con người mong manh tàn lụi. Tôi vẫn mãi nghĩ rằng ngày ấy ông bà chúng ta chưa có văn minh, chưa có phương tiện, còn ít văn hóa, nhưng cái gọi là “Văn hóa Ki-tô Giáo” thì có nhiều hơn chúng ta hôm nay. Bởi, ông bà đã chọn Chúa Giê-su Ki-tô và theo đúng con đường của Chúa Giê-su Ki-tô đã đi:
Người có đạo không chối đạo, nhưng xưng danh Chúa trước mặt thiên hạ.
Người có đạo không oán ghét, trả thù, nhưng yêu thương hết mọi người.
Người có đạo không xảo trá điêu ngoa, lường gạt, nhưng thực thà chân chất.
Người có đạo không sống cách vô luân lý, không tham danh lợi dục nhưng sống đúng phẩm hạnh của người con Cha trên trời.
Người có đạo không ích kỷ, hẹp hòi, không thu quén cho mình nhưng rộng lượng, quảng đại mong phần lợi cho anh em.
Và người có đạo không tham nhũng, hối lộ, thanh trừng nhau kiểu quan to, trộm cắp giết người kiểu dân nhỏ, không lấy quyền mà hiếp đáp, ăn chơi, trác táng, cùng không hoang đàng, phung phí … nhưng là người sống đời công chính của Đức Giê-su.
Người có đạo không toa rập bán nước, nhưng yêu quê hương và bảo vệ tổ quốc.
…………
Người có đạo không làm hoen ố hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng luôn là họa ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi xinh đẹp sáng láng thánh thiện.
Hôm nay, Chúa cũng đang hỏi chúng ta mọi lúc mọi nơi “Các con bảo Thầy là ai” để chúng ta xác minh lại niềm tin của mình rằng: “Thầy là Đức Giê-su Ki-tô, là Đạo của chúng con”, và Ngài cũng đang bảo chúng ta sống đức tin ấy cách sống động như ông bà ta xưa: “Mình là người có đạo”.
Xin cho ông bà yên tâm, xin cho các Thánh Tử Đạo Việt Nam vui mừng vì dòng dõi “con nhà có đạo” Việt Nam thời nay đang bước theo Con Đường của Chúa Giê-su Ki-tô, noi gương đức tin sống động của ông bà, của các Thánh Tử Đạo.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn nhớ mình là “người có đạo” trong mọi lúc, mọi nơi, để vì yêu mến Đạo, vì yêu mến Chúa Giê-su, mà chúng con có thể từ bỏ tất cả những gì không làm đẹp lòng Chúa, không làm đẹp danh Chúa và sẵn sàng làm tất cả những gì có thể, cho vinh danh Chúa. A men.
PM. Cao Huy Hoàng, 21-6-2013
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA : THÁNH GIA NADARÉT, MẪU GƯƠNG ĐỐI THOẠI VÀ LẮNG NGHE
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C: HÃY GIỮ LÒNG MÌNH NHẸ NHÀNG VÀ TỈNH THỨC ĐỂ ĐÓN CHÚA ĐẾN
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA KITÔ VUA: ĐỨC GIÊSU LÀ ‘VUA’ CỦA TÔI KHÔNG?
- QUAN TÂM
- ÁI MỘ NHỮNG SỰ TRÊN TRỜI
- SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH A: NGÔI LỜI TỎ TÌNH THIÊN CHÚA
- CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH: NGƯỜI LẠ
- CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH : THEO ĐỊNH HƯỚNG CỦA CHỦ CHIÊN
- MUỐI VÀ ÁNH SÁNG
- BÌNH AN DƯỚI THẾ CHO NGƯỜI LÒNG NGAY
- THIÊN CHÚA GIÁNG SINH TRONG MỘT GIA ĐÌNH
- THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA
- CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG, C: ĐẤNG PHẢI ĐẾN, ĐÃ ĐẾN
- CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG A: LỜI CẢNH TỈNH KHẨN THIẾT
- CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG A: MÙA YÊU THƯƠNG
- CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C: TÔN VINH ĐẦNG “BỊ ĐÓNG ĐINH THẬP GIÁ” LÀ VUA