SUY TƯ DỊP LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH
Mt. Nguyễn Khắc Hy, pss.
Lễ Mẹ Dâng Mình được chọn làm quan thầy của Hội Xuân Bích. Là thành viên của Hội, tôi mừng ngày lễ này với nhiều thắc mắc lẫn hiếu kỳ, muốn biết tại sao Hội Xuân Bích chọn ngày này làm bổn mạng.
Sau khi biết ngày lễ không có cơ sở trong Kinh Thánh, và lịch sử hình thành cũng lắm gian truân, tôi đọc được lời ĐGH Phaolô VI trong tông huấn Marialis Cultus mời mọi người tham dự lễ này và suy niệm ý nghĩa và gương mẫu đức tin của việc Mẹ Dâng Mình cho Thiên Chúa theo truyền thống đáng quí bắt nguồn từ Đông phương. ĐGH Gioan Phaolô II gọi ngày này Pro Orantibus, với ý cầu nguyện cho những tu sĩ sống đời chiêm niệm, ẩn tu.
Với ý tưởng đó, tôi suy niệm về đời sống Dâng Hiến của linh mục dựa trên lời dạy của Thánh Phaolô:“Tôi khuyên anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,1-2).
Trước hết, “hiến dâng thân mình” làm của lẽ sống động, thánh thiện cho Thiên Chúa là tư tưởng tích cực và mới mẻ trong lời dạy của Thánh Phaolô.
Với người Do Thái, quan niệm “hiến dâng” phổ biến trong đại chúng thời bấy giờ là họ có thể dùng của lễ, vật chất, hay bất cứ một hình thức nào khác để “dâng” lên Thiên Chúa thay cho mình. Trong ngày cực thánh Yom Kippur, ngày Đền Tội, sau khi vị thượng tế đại diện cho dân thú tội với Thiên Chúa và xin Ngài tha tội, vị thượng tế thả con chiên gánh tội của mọi người chạy vào hoang địa, một biểu tượng đem tội lỗi của mọi người đi nơi khác (xem Lêvi 16:1-34 để hiểu thêm nghi lễ).
Với người Hi Lạp, họ coi thân xác chỉ là phương tiện tạm thời cho Trí và Linh Hồn hiện diện mà thôi. Thân xác còn bị coi là nhà tù giam giữ linh hồn. Vì thế, thân xác không thật sự đáng được quí trọng.
Khi kêu gọi những Kitô hữu Rôma mới gia nhập Giáo hội dâng hiến chính thân xác mình cho Thiên Chúa, Thánh Phaolô muốn đánh tan hai quan niệm sai lầm trên, và khắng định giá trị thân xác con người, nhất là sau khi Đức Kitô đã sống lại.
Anh em linh mục chúng ta đã được thánh hiến toàn vẹn con người (cả xác và hồn) để phục vụ Thiên Chúa và dân Ngài. Lời thề hứa giữ mình trong sạch, tinh tuyền không hình thành trong trừu tượng, mà cụ thể trong chính mỗi con người anh em chúng ta. Vì “Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí” (Rm 8,6).
Cũng trong tư tưởng “hiến dâng”, ta đọc thấy trong Xuất Hành, Aaron được “tấn phong và thánh hiến” để phục vụ Thiên Chúa. (Xh 28,41).
“Tấn phong” nguyên gốc tiếng Do thái, male hay mala, được cha Nguyễn Thế Thuấn chú thích sát nghĩa là: “đặt đầy tay”, nghĩa là những người được thụ phong sẽ nhận lễ vật đặt trong tay họ; sau đó họ hoặc là dâng của lễ đó cho Thiên Chúa, hoặc ban phát cho dân (đọc thêm Xh 29,19-28 để hiểu nghi thức đặt của lễ “dùng cho lễ tấn phong” trong tay tư tế).
Là những linh mục với bàn tay được xức dầu, chúng ta được vinh phúc cầm lấy của lễ thay mặt mọi người dâng lên Thiên Chúa, và sau đó phân phát Lương Thực đời đời cho họ. Như thế, “anh em không biết thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa” (1 Cr 6,19). Trong câu 2, Thánh Phaolô tiếp: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2). Hai từ “rập theo” và “cải biến” tuy đối chọi nhưng bổ túc cho nhau để cảnh tỉnh chúng ta. Hơn nữa, “tìm kiếm ý Thiên Chúa” là châm ngôn nên thánh của các giáo phụ.
“Rập theo” đời này là châm ngôn của nhiều thần học gia ngay sau Công đồng Vatican II. Khi hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng được công bố, nhiều người nghĩ rằng đã đến lúc phải đem đạo vào đời, đối thoại với đời, hay Thiên Chúa nhập thể để Giáo hội nhập thế. Những khẩu hiệu quá lý tưởng này đã không thuyết phục được linh mục trẻ Josef Ratzinger, người nhìn thấy yếu điểm “đơn sơ” của những thần học gia nhầm lẫn giữa mầu nhiệm nhập thể (Thiên Chúa làm người) và mầu nhiệm Thập Giá (Đức Kitô chết vì thế gian không chấp nhận giáo huấn Ngài). Và lịch sử đã chứng minh là Ratzinger đúng, vì sau 50 năm, nhiều đối thoại tự phát, thiếu kỷ luật đã diễn ra để Đạo chưa hẳn lôi kéo được đời, nhưng Đời đã và đang tục hoá Đạo.
Là linh mục ngày nay, chúng ta hiểu được tâm tư Chúa Giêsu khi Ngài cầu nguyện với Chúa Cha: “Vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần…..Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật” (Ga 17,14-16).
Nếu không “rập theo”, chúng ta được kêu gọi để “cải biến”. Động từ (Hi Lạp) “cải biến – metamorphoo” được dùng ở đây nói lên sự thay đổi hoàn toàn, không phải để mặc lấy một cái gì mới vốn không là của mình, mà tỏ lộ cái hoàn toàn mới đó chính là mình. Trong Mt 17,2, khi Chúa Giêsu “biến hình – metamorphoo” trên núi, Ngài không chỉ biến dạng bên ngoài, mà sự tinh tuyền-sáng láng các môn đệ chứng kiến chính LÀ Ngài.
Cải biến để trở nên con người thật lúc nào cũng cần thiết và cấp bách trong đời anh em linh mục chúng ta, vì chúng ta không thể sống mãi trong tình trạng của loài “ốc mượn hồn”, sống nhờ vỏ của người khác. Nói cách khác, ta cần hiểu thật sự: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Điều cản trở chúng ta “hiến dâng” cho Thiên Chúa không gì khác hơn là khi chúng ta “rập theo” mà không biết “cải biến”.
Lễ Mẹ Dâng Mình vào đền thờ nhắc nhở tất cả các linh mục tầm quan trọng của việc hiến dâng trọn vẹn con người (xác và hồn) cho Thiên Chúa để hằng ngày, các linh mục “astare coram te et tibi ministrare – đứng trước Ngài và phụng sự Ngài” (Đệ Nhị Luật 18,5.7 – được trích lại trong kinh nguyện thánh thể II) cho xứng đáng.
Xin Mẹ-Dâng-Mình cầu cho anh em linh mục chúng con. Amen.
Tags: Năm-đức-tin
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BÀI HÁT: CÚI LẠY CHÚA TÔI
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- ĐCV HUẾ: HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG NGÀY ĐẦU NĂM MỚI 2025
- KINH TRUYỀN TIN LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA: THIÊN CHÚA CHỌN SINH RA CHO CHÚNG TA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA: HỌC KHÁM PHÁ SỰ VĨ ĐẠI CỦA THIÊN CHÚA TRONG SỰ NHỎ BÉ
- ĐỨC PHANXICÔ: NĂM THÁNH LÀ CƠ HỘI KHAI MỞ CÔNG TRƯỜNG TÂM HỒN CỦA CHÚNG TA
- MỪNG CHÚA GIÁNG SINH 2024
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO ĐỨC CỐ TỔNG GIÁM MỤC TÊPHANÔ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- SỰ THÀNH THAI VÔ NHIỄM CỦA ĐỨC MARIA
- ĐCV HUẾ: GIẢI BÓNG BÀN MỪNG CHÚA GIÁNG SINH 2024
- KINH TRUYỀN TIN LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 2024: ĐẶT NIỀM HY VỌNG VÀO LÒNG THƯƠNG XÓT VÔ NGẦN CỦA THIÊN CHÚA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐTC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 2024
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI CÁC TÂN HỒNG Y HÃY LÀ NHỮNG NGƯỜI XÂY DỰNG SỰ HIỆP THÔNG VÀ HIỆP NHẤT
- BÀI GIẢNG MÙA VỌNG, MỞ LÒNG NGẠC NHIÊN THÁN PHỤC TRƯỚC SỰ MỚI MẺ CỦA THIÊN CHÚA
- VÀ NẾU MIÊU TẢ ĐỨC MARIA VỚI ĐÔI CHÂN LẤM LEM?