SUY TƯ VỀ LINH MỤC

Written by lcd on Tháng Bảy 25th, 2021. Posted in Linh mục, Lm Lê Công Đức, Ơn gọi, Thiên Phong

SUY TƯ VỀ LINH MỤC

(Giuse Lê Công Đức)

  1. 1.ƠN GỌI LINH MỤC LÀ GÌ?

Chức linh mục là một ơn gọi (vocatio, vocare). Thiên Chúa gọi.

Không phải là dự án của cá nhân hay gia đình. Không phải là một sự nghiệp để tiến thân xã hội. Không phải là sáng kiến hay sự chủ động của tôi.

Thiên Chúa gọi; sáng kiến và sự chủ động là của Chúa. Tôi nghe và nhận ra tiếng Chúa gọi tôi. Tôi hưởng ứng.

Đây là thực tại căn bản mà mọi ứng viên dành hàng chục năm chuẩn bị cho mình xác tín rõ khi được Giáo hội gọi tên, bước lên, và được đặt tay để truyền chức linh mục. Cha Jean-Jacques Olier, nhà đào tạo linh mục nổi tiếng ở Pháp hồi thế kỷ 17 đã nhấn mạnh: “Mỗi ứng viên phải đến với chức linh mục qua cánh cửa ơn gọi!” Nghĩa là ý thức rằng chính Chúa gọi mình cho công cuộc của Chúa! Từ “ơn thiên triệu” là một từ rất hay, rất chính xác cách đặc biệt để nói về ơn gọi linh mục.

Tông huấn Pastores dabo vobis về Đào tạo Linh mục đã bắt đầu bằng những trích dẫn sách Giê rê mia:

“Ta sẽ ban cho các ngươi những mục tử như lòng Ta mong ước” (3,15) …

“Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ dẫn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải khiếp sợ và bị bỏ rơi nữa” (23,4).

Cụm từ ‘TA SẼ’ lặp lại ở đây, và còn rất dày đặc trong văn mạch này, xác nhận rõ tiếng gọi và sự chủ động là của Thiên Chúa. Bất cứ ý nghĩ nào, dù manh nha, muốn coi chức linh mục như việc của mình, như phương tiện mình dùng cho mục đích riêng của mình… thì đều là một lạm dụng chức linh mục. Để tránh mọi hình thức lạm dụng này, các ứng viên đã không ngừng được giúp thanh luyện động cơ; và họ còn tiếp tục thanh luyện động cơ cả sau khi đã lãnh chức linh mục.

Ở đây mở ra câu hỏi: Vậy đâu là mục đích của chức linh mục trong Giáo hội? Hay diễn đạt cách khác: Linh mục, cho ai?

 

  1. LINH MỤC, CHO AI?

Thì đã nói rồi, linh mục để phục vụ cho công cuộc của Chúa, hay cho Chúa, dĩ nhiên. Nhưng còn phải nói rõ hơn, công cuộc của Chúa không nhắm gì khác ngoài đoàn chiên Chúa, tức dân chúng ngoài kia, không trừ ai. Văn mạch những câu đầu chương 23 sách Giê rê mia nêu bật mối quan tâm của Chúa đối với đoàn chiên. Chúa ban các mục tử là để chăm sóc chiên. Vả chăng, không vì chiên thì mục tử sẽ vì gì? Không qui hướng về chiên thì mục tử còn đâu ‘lý do hiện hữu’ (raison d’être) nhỉ? Hai tiếng “mục tử” đã hàm chứa tất cả!

Cũng trong văn mạch Chúa hứa ban mục tử của sách Giê rê mia, có nói đến chồi non chính trực nảy sinh từ nhà Đa vít – đó chính là Đức Giêsu, Đấng tự giới thiệu là Mục Tử Tốt Lành, ở chỗ: biết chiên, yêu chiên đến mức hy sinh mạng sống cho chiên! Để ý, tâm tư của vị Mục Tử Tốt Lành vẫn là tâm tư của Thiên Chúa trong sách Giê rê mia, thấy chiên không người chăm sóc thì chạnh lòng, quay quắt… “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”… Thấy dân chúng đói, Giêsu bảo các môn đệ: “Anh em hãy cho họ ăn”… Ngay trong bản văn Tin Mừng Mác cô hôm nay (18/7/2021), ta cũng đọc thấy: “Người ta lui tới quá đông, nên các ông chẳng có thì giờ để ăn uống nữa”! Chúa đang đào tạo các ứng viên linh mục đầu tiên tinh thần chịu khó, bởi chịu khó là dấu hiệu của đức ái mục tử đấy: Vì dân chúng mà không có thời giờ để ăn uống nữa!

Thế đó, linh mục là một người của dân chúng (trong tư cách một người của Thiên Chúa). Dân chúng, hay đoàn chiên, nhất là những con chiên ốm yếu, phải ở trong trái tim của người linh mục. Mọi quyết định, mọi kế hoạch mục vụ, mọi việc làm của người mục tử chỉ có ý nghĩa trong qui hướng về thiện ích của chiên. Linh mục đi tĩnh tâm, đi thường huấn, đi họp ban tư vấn… là những nơi thường không có mặt chiên, nhưng chiên vẫn hiện diện ở trung tâm các sinh hoạt đó, vì nếu chẳng vậy thì những sinh hoạt đó sẽ đi lạc và hoá nên vô nghĩa! … Ngay cả linh mục ăn, ngủ, giải trí, đi nghỉ hè, chơi thể thao, hay gì gì… thì nói cho cùng cũng phải là cho chiên. Bất cứ gì linh mục làm mà không có mối nối kết với chiên đều đáng ngờ.

Ngót hai tháng nhà thờ đóng cửa vì giãn cách và phong toả, chẳng thấy chiên đâu! Các lời nguyện Kinh Sáng Chúa Nhật hôm nay đọc lên mà đắng lòng khi lặp đi lặp lại: “Ngày hôm nay dân Chúa tụ họp để…” Mà tình trạng này xem ra sẽ còn kéo dài! …

Nhiều linh mục ắt hẳn cảm thấy bị thách đố phải biết làm gì đó, để ngay cả trong những ngày tháng này mình vẫn sống vì chiên, cho chiên!

 

  1. LINH MỤC CẦN GÌ?

Mô sê lãnh đạo dân trong cuộc Xuất hành. Và rất sớm, ông bị dân cằn nhằn phiền trách, khi họ gặp nguy hiểm hay đói khát hay bất cứ khó khăn nào. Họ cứ đổ hết ‘tội’ cho ông. Hết lần này đến lần khác như vậy – thậm chí có lần họ định ‘xử’ ông.

Ngay cả chính Mô sê nhiều khi cảm thấy rất mệt mỏi, than thở với Chúa, xin Chúa cho mình chết đi cho xong! …

Thế đó, Mô sê như một người đi dây, luôn phải nín thở mà giữ thăng bằng giữa một đầu là dân chúng và một đầu là Thiên Chúa. Chúa huấn dụ, ông truyền đạt lại cho dân và nhắc nhở họ trung tín với Chúa; dân bướng bỉnh, cứng đầu, hư hỏng, Mô sê đến với Chúa trong tư cách người chịu trách nhiệm, và kêu xin Chúa tha thứ cho dân…

Dường như chính trong trách nhiệm này và trong sự chia sẻ cùng số phận của đoàn dân rời đất Ai cập, mà ngay cả Mô sê cũng không được vào Đất Hứa, dù đã nhìn thấy toàn cảnh đất ấy ở xa xa…

Hình ảnh ấy của Mô sê là hình ảnh của người linh mục: một người của dân chúng trong tư cách một người của Thiên Chúa. Chiên có khi mềm mỏng, biết lắng nghe, mà cũng nhiều khi dở hơi, cố chấp. Linh mục yêu thương phục vụ chiên, thì cũng lãnh trách nhiệm về chiên trước mặt Chúa. Anh ta cũng phải là người đi dây, như Mô sê. Vì thế, điều linh mục cần là đức ái mục tử, hoạ lại chính đức ái mục tử của Đức Giêsu, Mục Tử Tốt Lành. Đức ái mục tử nằm ở trung tâm và là nền móng của sứ vụ và đời sống linh mục. Nó là ‘chất’ linh mục. Không có nó, linh mục mất ‘chất’!

Đức ái mục tử giúp linh mục giữ được thăng bằng khi đi dây, một trạng thái ‘quân bình động’ – cùng một lúc anh ta là người của dân chúng và là người của Thiên Chúa. Nói theo Tgm. Fulton Sheen, linh mục là người đồng thời sống trong hai thế giới, là người ‘lưỡng tính’! Và đó là mầu nhiệm đời linh mục.

Đức ái mục tử không cho phép linh mục mất kiên nhẫn với chiên, hay đổ lỗi cho chiên, chẳng hạn chê chiên ‘dân trí thấp’, chê chiên nghèo, dốt, lười, khô đạo, yếu đức tin, mê tín dị đoan, dễ bị lôi kéo, vân vân… Đức ái mục tử cũng không cho phép linh mục quan liêu, cường quyền, hoặc mang não trạng công chức hay thực dụng cách ‘lấy được’…

Không, đức ái mục tử đòi người linh mục phải ôm lấy, chịu trách nhiệm về tất cả những cái dở nơi chiên. Có thể nói, một khi Chúa đã ban cho dân chúng các mục tử, thì hễ họ có gì sai trái, lệch lạc, Chúa sẽ trước hết hỏi các mục tử, và các mục tử không bao giờ vô can.

Vì thế, đào tạo linh mục, nói cho cùng, là đào tạo đức ái mục tử – và tiêu chí để Giáo hội chọn ứng viên tiến chức linh mục, rốt cuộc, kết tinh ở đức ái mục tử. Bởi vị Mục Tử Tốt Lành, với đức ái mục tử của Người, đã ôm lấy hết mọi bệnh hoạn tật nguyền và tội lỗi của chúng ta mà đưa lên cây thập giá!

 

  1. ĐÂU LÀ GIA ĐÌNH CỦA LINH MỤC?

Mấy năm trước, tôi có viết một tự sự với tiêu đề “Một thằng làm cha bằng ba thằng Việt kiều”. Tiêu đề ấy nói về cái lợi vật chất của một số ông bà cố và gia đình ruột thịt khi có con em làm linh mục. Tình hình này hiện nay thấy đỡ hơn. Nhưng vấn đề căn bản thì vẫn còn nguyên và do đó giả thiết các ứng viên linh mục phải giải quyết, hay nói đúng hơn, phải xác lập các nguyên tắc cho mình để có thể phù hợp với sứ vụ linh mục. Vấn đề đó là: mối tương quan của linh mục với gia đình ruột thịt (trong bối cảnh anh ta là mục tử, yêu thương và phục vụ đoàn chiên của Chúa với đức ái mục tử, như đề cập ở hai stt trước!).

Chính Đức Giêsu, trong sứ vụ của Người, cũng có vấn đề này. Và Người đã có nguyên tắc để giải quyết vấn đề này, như ta đọc thấy ở Mt 12,46-50:

Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: ‘Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia’. Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: ‘Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?’ Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: ‘Ðây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy’”.

Người ta nhắc Đức Giêsu về gia đình ruột thịt của Người, cụ thể là đang chờ gặp Người; Đức Giêsu đang giảng dạy, và Người tiếp tục giảng dạy, vận dụng chính sự kiện ấy để nói về gia đình thiêng liêng của Người, bao gồm tất cả những ai ‘làm theo ý muốn của Cha trên trời’! Gia đình thiêng liêng của Chúa chính là Hội Thánh, hay sâu rộng hơn nữa: chính là Nước Trời, là Triều Đại Thiên Chúa mà Đức Giêsu thiết lập.

Có thể nói, gia đình ruột thịt là phương tiện, và gia đình thiêng liêng là mục đích. Và đừng quên, DNA của gia đình thiêng liêng là “làm theo ý muốn của Cha trên trời”, nên gia đình này mở ra cho mọi người không trừ ai – nghĩa là cả gia đình ruột thịt cũng có thể, và cần phải liệu, để thuộc về gia đình thiêng liêng này. Không ngờ gì nữa, Đức Maria là ứng viên thứ nhất cho gia đình thiêng liêng của Đức Giêsu! Một hình ảnh tuyệt đẹp trong Phúc Âm theo Thánh Gioan, đó là Đức Giêsu trên thập giá đã trao Gioan cho Mẹ và trao Mẹ cho Gioan – gia đình ruột thịt và gia đình thiêng liêng hoà vào nhau, không còn phân biệt nữa!

Để giải quyết mối tương quan với gia đình ruột thịt của mình, người linh mục cần học theo cùng nguyên tắc của Đức Giêsu. Gia đình ruột thịt là phương tiện, gia đình thiêng liêng là mục đích, chứ không ngược lại. Linh mục vẫn là con là em trong nhà, nhưng không giới hạn mối quan tâm nơi gia đình ruột thịt, cũng không ưu tiên quan tâm gia đình ruột thịt theo tình cảm tự nhiên. Quá bận bịu hay quá lạnh nhạt với gia đình ruột thịt đều không phải là cách thức phù hợp.

Điều đáng lưu ý, trước và sau khi chịu chức, vị thế của mình trong gia đình ruột thịt vẫn không thay đổi, ngôn ngữ xưng hô và thái độ cũng không nên thay đổi, nhưng có một sự thay đổi cần xảy ra: Người linh mục cần nhìn gia đình mình với trái tim mục tử, bởi những người nhà của mình cũng là con chiên của Chúa, họ có quyền trên đức ái mục tử của anh ta. Nói cách khác, linh mục có thể không giúp được gì cho gia đình về vật chất, nhưng có bổn phận giúp người thân của mình “làm theo ý muốn của Cha trên trời”, trước hết bằng lời cầu nguyện của anh.

Lý tưởng là đây: gia đình ruột thịt hoà vào trong gia đình thiêng liêng trọn vẹn!

 

  1. LINH MỤC TRAO GÌ CHO DÂN CHÚNG?

Trong sa mạc, ông Mô sê lại bị dân ta thán vì thiếu thốn lương thực, ông kêu xin Chúa, và Chúa ban cho dân Manna… Ở Biển Hồ, Đức Giêsu ngồi dưới thuyền và giảng cho dân chúng trên bờ, Người giảng về chính việc giảng Lời Chúa và những thái độ đón nhận Lời khác nhau – qua dụ ngôn về người gieo giống…

Trong dòng suy tư về sứ vụ và con người linh mục, hai câu chuyện trên đây lập tức gợi lên câu hỏi căn bản: Linh mục trao gì cho dân chúng? Câu trả lời tức khắc: Thánh Thể và Lời. Trong thực tế, tác vụ Lời của linh mục thường thời sự hơn tác vụ Thánh Thể – như có thể thấy nơi sự quan tâm của dân chúng đối với bài giảng của các cha!

Tác vụ Lời Chúa còn gọi là sứ vụ ngôn sứ hay sứ vụ giảng dạy, trong đó việc giảng lễ chiếm vị trí đặc biệt đệ nhất. Đây là tác vụ hàng đầu của linh mục theo Vatican II (khác với Công đồng Trento trước đó, vốn xem tác vụ tư tế mới là hàng đầu!). Ở đại chủng viện có môn Giảng lễ, thường khoảng 30 hay 40 tiết, giúp trang bị cho các thầy những nhận thức căn bản về giảng lễ và những việc ‘bếp núc’ trong chuẩn bị và thực hiện bài giảng lễ. Thật ra, tất cả các môn học, tất cả nền đào tạo và tất cả kinh nghiệm cá nhân của ứng viên đều góp phần cho việc thi hành tác vụ này.

Hơi tiếc là sau khi chịu chức, dường như ít linh mục tiếp tục ‘học giảng lễ’ – theo nghĩa là an phận, ‘có sao hay vậy’, không cảm thấy nhu cầu cải thiện chất lượng giảng lễ của mình. Cũng hiếm thấy các giáo phận có sáng kiến và những chương trình thường huấn về giảng lễ cho các cha! Mà đây chắc hẳn là một trong những điều được giáo dân mong đợi nhất. Cần nhớ, thông điệp là cái được nhận chứ không phải là cái được trao – và dân chúng có quyền nhận được những bài giảng tốt từ các mục tử của mình.

Những bài giảng tốt! Vâng, không nhất thiết phải giảng hay, theo nghĩa hùng biện rổn rảng – nhưng linh mục cần cố gắng giảng tốt, theo nghĩa giúp người nghe được đánh động bởi Lời Chúa cách thâm trầm. Nhiều linh mục giảng tốt và hay, ôi tạ ơn Chúa! Nhưng ngay cả dù không giảng hay, không hùng biện, không văn hoa bay bướm, linh mục vẫn giảng tốt được. Giảng tốt là điều nằm trong khả năng của mọi linh mục; nếu tự thấy mình giảng chưa tốt, linh mục nên khiêm tốn và kiên nhẫn chỉnh sửa chính mình, chắc chắn sẽ tốt hơn. Đồng thời, chẳng có linh mục nào đã giảng tốt đủ cả. Linh mục nào cũng có bổn phận cố gắng giảng lễ tốt hơn – chính đức ái mục tử thúc đẩy điều đó. Đức thánh cha Phan xi cô dành hàng chục trang trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng của ngài để huấn dụ các linh mục cách riêng về giảng lễ, vì ngài rất thấu hiểu tầm quan trọng của tác vụ này.

Một bài giảng tốt có thể rất gọn nhẹ, đơn sơ, không đao to búa lớn, không hoạt ngôn, không hàn lâm… Nhưng để thực sự là tốt, nó trước hết phải phát toả niềm xác tín từ trong tâm hồn của người giảng – như người ta nói: ‘từ trái tim đến trái tim’! Có cả ngàn yếu tố góp phần trong một bài giảng tốt, nhưng đáng lưu ý cách riêng:

-lòng yêu mến Lời Chúa và cảm thức về tính sống động, mới mẻ của Lời Chúa.

-lòng yêu mến cộng đoàn và sự quan tâm nắm hiểu hoàn cảnh thực tế của cộng đoàn.

-sự chuẩn bị chu đáo hết sức có thể cho bài giảng, nhưng không phải để thể hiện mình, mà chỉ nhằm giúp người nghe được biến đổi nhờ điều Chúa muốn nói với họ trong cử hành phụng vụ cụ thể ở đây và lúc này.

Đức Giêsu xác nhận rõ ràng rằng Maria (ở Bêtania) đã chọn phần tốt nhất – là chăm chú lắng nghe Lời. Vì thế, dân chúng cũng đang chọn phần tốt nhất khi qui tụ lại và lắng nghe Lời Chúa qua tác vụ của linh mục. Sự trân trọng của linh mục đối với tác vụ Lời, vì thế, có bao giờ là thừa không?

 

  1. LINH MỤC ĐÓN NHẬN ĐỜI SỐNG ĐỘC THÂN THẾ NÀO?

Ngày kính Thánh Ma đa lê na, bản văn sách Diễm Ca đầy ứ niềm khắc khoải của cô gái quay quắt đi tìm người mình yêu dấu. Tin Mừng Gioan thì kể rằng lúc trời chưa sáng Ma đa lê na đã thức dậy, vội vã ra mồ… Chợt nhớ tiểu thuyết ‘Cơn cám dỗ cuối cùng của Đức Ki tô’ của Nikos Kazantzakis và bộ phim cùng tên của đạo diễn Martin Scorcese. Chuyện là, trong suy tư và tưởng tượng của mình, Nikos Kazantzakis đã hư cấu một thứ ‘chuyện tình’ giữa Đức Giêsu và Ma đa lê na, ông diễn tả trong tiểu thuyết nói trên, rồi được ông đạo diễn kia chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh.

Trong bối cảnh ấy, ngày lễ Thánh Ma đa lê na có thể là dịp để ta nghĩ về đời sống độc thân của Đức Giêsu – và cũng để tự hỏi: Linh mục đón nhận đời sống độc thân thế nào?

Linh mục ở đây là linh mục Công giáo Rôma, và chính xác hơn nữa: linh mục giáo phận, hay linh mục triều! Vì độc thân linh mục là kỷ luật của Giáo hội Công giáo – và vì các linh mục dòng thì đã chọn đời sống độc thân khiết tịnh vì Nước Trời như cái gì thuộc bản chất ơn gọi thánh hiến của họ rồi. Giả sử mai mốt Giáo hội bỏ luật độc thân linh mục, thì điều này cũng chỉ liên hệ đến các linh mục triều thôi, không liên hệ gì đến các linh mục dòng cả!

Nhiều tác giả đã phân tích và bình luận đủ kiểu, đủ chiều về luật độc thân linh mục và về đặc sủng sống đời độc thân này. Chẳng hạn, người ta lưu ý rằng luật này chỉ mới hiện hữu từ đầu thiên niên kỷ thứ hai, nghĩa là một ngàn năm đầu tiên của Ki tô giáo không hề có nó – và rõ ràng độc thân không thuộc về yếu tính của chức linh mục thừa tác trong Ki tô giáo. Ừ thì đúng vậy, nhưng thiếu gì những yếu tố rất quan trọng trong Giáo hội đã không tồn tại ngay từ đầu, mà đã dần dần nổi lên và được thu nạp trong tiến trình lịch sử của Giáo hội! Vì thế, nhìn vấn đề này một cách siêu nhiên hơn, ta có thể nói: Bao lâu luật độc thân linh mục (triều) còn được duy trì trong Giáo hội Công giáo, thì bấy lâu Chúa vẫn muốn gắn kết đời sống độc thân với ơn gọi linh mục (triều), thế thôi.

Cha James S. Tucker, linh mục Xuân Bích, định nghĩa độc thân linh mục như sau: “Độc thân linh mục là một cách thế độc đáo để yêu thương, trong đó không có ai cũng chẳng có gì có thể được chọn lựa ưu tiên trên tình yêu và bổn phận phụng sự Đức Ki tô và Hiền Thê của Người là Giáo hội”.

Định nghĩa trên rất hay ở chỗ nhận diện bản chất của độc thân linh mục là yêu thương! Để yêu thương! Những người vợ, người chồng đang yêu… các bạn trẻ nam nữ ngoài kia đang yêu… thì linh mục và các ứng viên linh mục cũng đang yêu – chỉ khác ở chỗ các linh mục đang yêu một cách độc đáo, không giống với tình yêu đôi lứa hay vợ chồng. Linh mục yêu thương mà không độc chiếm ai, cũng không để ai độc chiếm mình. Tình yêu của linh mục mở ra cho tất cả, trong đó ưu tiên những anh chị em bé mọn nhất của Chúa, vốn được Chúa ưu tiên đồng hoá với chính Người (x. Mt 25).

Ứng viên linh mục cần khám phá và xác nhận đặc sủng về một tình yêu như vậy nơi mình để có thể tiến chức. Và dĩ nhiên, tình yêu này – cũng như mọi dạng thức khác của tình yêu chân thực – không bao giờ được làm xong, kiểu ‘một lần cho tất cả’, mà luôn trong tiến trình vun xới và lớn lên không ngừng. Chính tình yêu này nơi người linh mục là động lực và điểm tựa để anh ta quân bình tình cảm và hội nhập tính dục trong đời sống độc thân linh mục của anh ta. Nó làm cho người linh mục hạnh phúc, yêu đời, tự do, nhiệt tâm với sứ vụ, không khép kín hay nhăn nhó, không bị dày vò trong tâm trạng trống rỗng, cay đắng hay tủi thân…

Chính Đức Giêsu cũng có đời sống tình cảm và tính dục, được quân bình và hội nhập trong tình yêu của Người đối với Cha và trong nhiệt tâm sứ mạng của Người. Người đã sống đời độc thân khiết tịnh vì Nước Trời. Để ý, Đức Giêsu rất tự do trong tương quan với các phụ nữ, chẳng hạn, nhưng ngay cả các đối thủ cũng không thể xầm xì gì về đời sống độc thân của Người (trong khi họ nói xấu Người đủ điều về những mặt khác!).

Rõ ràng, Đức Giêsu cho thấy khiết tịnh hệ tại ở tình yêu đối với Cha và đối với sứ mạng mà Cha trao phó, chứ không hệ tại ở chỉ việc gồng lên giữ sao cho đừng ‘phạm điều răn thứ sáu’! Không có tình yêu ấy, người ta không thể ‘gồng lên’ mãi được – họ sẽ mỏi, sẽ buông, sẽ đầu hàng, sớm hay muộn. “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha!” Lời Chúa Phục sinh nói với Ma đa lê na ở đây như một lời tuyên xưng tình yêu trong đời độc thân khiết tịnh vì Nước Trời của Người!

Từ kỷ luật độc thân hiện hành của Giáo hội, và từ bản chất yêu thương cách độc đáo của đời độc thân linh mục, như nhận cảm hứng và động lực từ Đức Giêsu, có thể đúc kết cho các linh mục, nhất là các ứng viên của chức linh mục, như sau: Tôi tự do chọn chức linh mục, và tôi cũng tự do chọn đời sống độc thân linh mục! Tôi muốn và tôi chọn cả hai! Không chỉ chọn chức linh mục mà thôi, còn sự độc thân thì nhận một cách miễn cưỡng, kiểu như ‘mua hàng phải mua trọn gói’! Sự miễn cưỡng ấy, nếu có, sẽ là sự bắt đầu của nhiều kiểu bù trừ đầy phiền luỵ và bất hạnh cho sứ vụ và đời sống linh mục của tôi…

 

  1. LINH MỤC THỰC THI QUYỀN BÍNH THẾ NÀO CHO PHÙ HỢP?

Tôi đã định đặt tiêu đề “Làm sao để linh mục không bị mang tiếng ‘ông trời con’?” – nhưng sợ nói vậy nghe gay gắt quá… Thật ra, hình ảnh ‘ông trời con’ càng gây sốc bao nhiêu thì càng có sức cảnh giác bấy nhiêu cho các mục tử trong việc thực thi quyền bính của mình.

Những ngày vừa qua, người ta bức xúc nhiều về cái video ‘bánh mì không phải là thực phẩm’, trong đó ông phó chủ tịch phường nọ thể hiện thái độ, lời lẽ và hành động đầy hống hách, áp chế, sặc mùi cha chú kiểu ‘trời con’. Dư luận không phẫn nộ mới là lạ! Tôi tin rằng những biểu hiện cường quyền, độc đoán ấy không phải là cái gì cá biệt, mà vẫn xảy ra nhan nhãn khắp nơi đó thôi, đặc biệt trong cơn khủng hoảng đại dịch này…

Điều đáng phản tỉnh, đó là phải chăng trong Giáo hội chúng ta không có những biểu hiện cường quyền, hống hách nơi cách thực thi quyền bính của một số mục tử, dù có thể không đến mức thô lỗ như ông phó phường kia? Nếu có, thì đó có phải là đức ái mục tử ‘in persona Christi’ không? Và đâu là những thiệt hại mà dân Chúa phải chịu do sự lạm dụng quyền bính nơi mục tử của mình?

Quyền lực, nếu không được nhận thức thật đúng đắn, sẽ là cám dỗ và là cạm bẫy khủng khiếp. Người ta mê quyền lực, tìm cách đạt được nó, nghiện nó, cố bám lấy nó, bởi ý chí thống trị trên người khác nhằm phục vụ cho lợi ích cục bộ của cá nhân hay phe nhóm mình. Họ thấy mình là một thứ ‘chúa’! Những ví dụ về điều này được thấy tràn lan trong các xã hội đời, ở mọi cấp độ: địa phương, quốc gia và quốc tế. Chính vì ý thức cái cám dỗ ghê gớm của việc lạm dụng quyền lực mà các xã hội văn minh thiết lập các cơ chế, chẳng hạn tam quyền phân lập, để hạn chế ngần nào có thể sự lạm dụng này. Khỏi phải nói, các thể chế càng độc tài toàn trị thì quyền lực càng bị lạm dụng nhiều hơn. Người ta rất dễ lấy mục đích biện minh cho phương tiện, làm lấy được, bất chấp nhân phẩm, nhân quyền, công lý…

Không phải ngẫu nhiên mà trong trình thuật ban Mười Điều Răn của sách Xuất Hành, và bàng bạc trong Thánh Kinh, người ta thấy lặp đi lặp lại câu tuyên bố “Ta là Đức Chúa, là Thiên Chúa của ngươi”. Thiên Chúa xác nhận Ngài nắm giữ quyền lực tối thượng! … Đức Giêsu khẳng định với Phi la tô rằng quyền lực của ông ấy, cả của sếp Xêda của ông ấy, là bởi Trời, bởi Thiên Chúa! Và nói với các môn đệ, Người căn dặn họ đừng lạm quyền kiểu những nhà cầm quyền thế gian, nhưng hãy nhớ rằng giữa họ thì quyền lực và vai trò lãnh đạo chỉ có ý nghĩa phục vụ mà thôi. Người lấy chính Người làm gương: Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và trao hiến mạng sống…! Hình ảnh Chúa Ki tô Vua trong cách thể hiện của chúng ta thường gắn với cẩm bào, vương miện và côn trượng; nhưng thực ra hình ảnh Ki tô Vua đích thực là Giêsu chịu đóng đinh và chết trên Thập giá, với tấm bảng ‘INRI’ ở trên đầu!

Giáo hội là cơ chế có tính thuộc linh, thần quyền đúng hơn là dân chủ – vì thế, quyền bính của những người lãnh đạo trong Giáo hội thật sự rất lớn. Hãy nghĩ đến quyền của giám mục giáo phận! Và quyền của các cha sở ở các giáo xứ! Quyền càng lớn thì cái bẫy lạm quyền càng đáng phải cảnh giác biết bao! Để làm sáng tỏ điều này, tôi cho rằng tốt nhất là dẫn lời của Đức Phan xi cô ở số 104, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, trong văn mạch ngài đang nói về vị thế của… phụ nữ trong Giáo hội! Bản văn như sau:

[104]. Các đòi hỏi rằng các quyền hợp pháp của phụ nữ phải được tôn trọng, dựa trên xác tín vững vàng rằng người nam và người nữ bình đẳng với nhau về phẩm giá, đang đặt ra cho Hội Thánh những vấn đề sâu xa và thách thức mà chúng ta không thể coi nhẹ và lẩn tránh. Việc chức linh mục được dành riêng cho nam giới, như một dấu chỉ Đức Kitô là Phu Quân hiến mình trong bí tích Thánh Thể, là vấn đề không thể bàn cãi, nhưng nó có thể gây chia rẽ, đặc biệt nếu quyền năng của bí tích bị đồng hoá với quyền năng nói chung. Phải nhớ rằng khi nói về quyền năng bí tích “chúng ta đang ở trong lãnh vực chức năng hoạt động, chứ không phải lãnh vực phẩm giá hay sự thánh thiện”. Chức tư tế thừa tác là phương tiện Chúa Giêsu dùng để phục vụ dân Ngài, nhưng phẩm giá cao cả của chúng ta bắt nguồn từ phép rửa tội mà mọi người có thể lãnh nhận. Việc đồng hoá người linh mục với Đức Kitô là đầu – nghĩa là nguồn mạch chính của ân sủng – không có nghĩa là đặt người linh mục lên trên những người khác. Trong Hội Thánh, các chức vụ “không đặt một số người lên địa vị cao hơn những người khác”. Thực tế, Đức Maria là một phụ nữ nhưng quan trọng hơn các giám mục. Thậm chí khi chức năng của chức linh mục thừa tác được coi là thuộc “phẩm trật”, ta vẫn phải nhớ rằng “nó hoàn toàn được qui hướng về sự thánh thiện của các chi thể của Đức Kitô”. Chìa khoá và trục của chức năng này không phải là quyền lực hiểu như là sự thống trị, nhưng là quyền lực để cử hành bí tích Thánh Thể; đây là nguồn gốc quyền bính của chức linh mục, luôn luôn là để phục vụ Dân Chúa… (hết trích).

Quyền bính của chức linh mục luôn luôn là để phục vụ dân Chúa! Mẫu thức của việc thực thi quyền bính linh mục, vì thế, là hình ảnh Đức Giêsu quì xuống rửa chân cho các môn đệ – cho tất cả, không loại trừ Giu đa Iscariot! “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa – đúng lắm … Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”.

Không phải ‘ông trời con’, mà là một tôi tớ!

 

  1. TIỀN BẠC CÓ THỂ GÂY PHIỀN LUỴ CHO LINH MỤC KHÔNG?

Hằng năm, các giám mục giáo phận thường yêu cầu các linh mục của mình trình duyệt sổ lễ, cập nhật chúc thư, và nếu là linh mục quản xứ hoặc giữ các chức vụ có quản lý tài chánh thì còn phải báo cáo sổ sách liên quan nữa. Điều này giúp các linh mục giữ tính minh bạch trong các vấn đề về tiền bạc và tài sản chung, riêng – nhất là ở Việt Nam, khi trong thực tế các cha xứ thường phải giữ những quĩ chung với số tiền tương đối đáng kể…

Cũng nên đề cập một chút về thu nhập riêng của các linh mục, điều mà xem ra nhiều anh chị em giáo dân vẫn chưa rõ: Cách chung, theo nguyên tắc, mỗi linh mục dâng lễ và được nhận một bổng lễ mỗi ngày, khoảng 250 ngàn đồng theo mức hiện nay – đôi khi cũng có người xin lễ với bổng lễ 300, 400, hoặc 500 ngàn đồng. Nhiều người xin lễ với bổng lễ thấp hơn 250 ngàn đồng, ngay cả không có đồng nào, thì vẫn là điều tự nhiên thôi, các cha hoặc nhận luôn như một bổng lễ cho mình, hoặc chuyển về toà giám mục để được bản quyền ‘điều phối’ hợp tình hợp lý… Một số linh mục triều có thể nhận được thù lao cho những sứ vụ chuyên biệt nào đó (chẳng hạn dạy học, giảng tĩnh tâm, thường huấn…), thì đó cũng thường được xem là thu nhập riêng (trong khi đối với các linh mục dòng thì tuỳ nhà dòng định đoạt). Tưởng cũng cần ghi nhận, linh mục không phải là một nghề (kiếm tiền), anh ta có thể nhận được tiền từ những việc phục vụ nào đó, nhưng anh ta không làm gì chỉ để nhắm kiếm tiền riêng! Khái quát bối cảnh như vậy, có thể thấy rằng cách chung các linh mục khó mà nghèo đến mức thiếu cái ăn cái mặc như nhiều bà con túng khổ nhất trong xã hội, song cũng khó mà giàu sang xa hoa như những người trong giới thượng lưu.

Linh mục triều không có lời khấn nghèo khó như các linh mục dòng, anh ta có một ‘không gian tự do hơn’ trong tương quan với tiền bạc của cải – vì thế, mối tương quan này của anh cũng tế nhị hơn, và dễ hàm hồ hơn. Thời nào thì tiền bạc của cải cũng là lực cực mạnh, tương tranh với chính Thiên Chúa – như Đức Giêsu đã xác nhận. Thời nay, với trào lưu tiêu thụ, hưởng thụ và chủ nghĩa cá nhân, mãnh lực của tiền bạc càng dữ dội hơn nữa. Cụ Nguyễn Khắc Dương dám dùng cách nói rằng những tờ giấy bạc polymer ấy là ‘thánh thể của ma quỉ’ đó! Vì thế, đứng trước câu hỏi ‘tiền bạc có thể gây phiền luỵ cho các linh mục không?’, câu trả lời hẳn nhiên là rất rất có thể – và nếu linh mục khinh suất đến mức nào đó, nếu không có những nguyên tắc cần thiết cho mình, anh ta có thể rơi vào xì căng đan lớn, chí ít là tiền bạc sẽ làm phân tán tinh thần anh, làm cho sứ vụ và đời sống của anh mất nét, xoàng xĩnh…

Để tránh bị phiền luỵ vì tiền bạc, thì chỉ có một cách là tự do đối với nó, tức vun xới tinh thần nghèo khó theo Tin Mừng, dù không tuyên khấn chính thức như tu sĩ. Tinh thần nghèo khó ấy là nét nổi bật nhất trong chân dung của Đức Giêsu. Một vị giám mục đã đúc kết cuộc đời Đức Giêsu trong 3 chữ Đ: sinh ra giữa đồng, sống ngoài đường, chết trên đồi! Thực ra, Đức Giêsu – trong gia đình rồi trong sứ vụ – không quá nghèo túng, nhưng đó là một lối sống đơn sơ, giản dị trong tinh thần siêu thoát đối với mọi điểm tựa vật chất chóng qua.

Không phải vô cớ mà các trình thuật Người sai nhóm 12 và nhóm 72 đi sứ mạng đều lưu ý họ không được mang theo tiền bạc, bao bị, các thứ… Cũng vậy, khi chàng thanh niên giàu có kia tỏ ra mọi mặt đều ok rồi, thì Người đề nghị điều còn lại để làm là ‘bán hết mọi sự, đem bố thí cho người nghèo, rồi đi theo tôi’. Chính Người tự mô tả mình là ‘không có nơi tựa đầu’. Và nhất là, Đức Giêsu khẳng định rõ, không cho phép một sự ấm ớ nào, rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ; anh em không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền tài!” … Lịch sử Giáo hội hoàn vũ và tại Việt Nam cũng chứng minh rằng những giai đoạn mà Giáo hội ít dính líu với thế lực đời, thậm chí bị bách hại, bị tước đoạt các phương tiện, thì Giáo hội lại rất dồi dào sức sống Tin Mừng và các chứng tá của Giáo hội rất có sức thuyết phục người ta…

Sự tự do đối với tiền bạc của cải trước hết là một tinh thần, một thái độ nội tâm cắm rễ trong mối kết hợp của người linh mục với Đức Giêsu, chứ không hệ tại vài sự sắp xếp mặt ngoài có tính kỹ thuật. Dù sao, một số gợi ý mặt ngoài sau đây hy vọng có thể giúp ích cách nào đó:

-Tôi có chu đáo trong việc ghi sổ lễ riêng và các sổ sách tài chánh khác mà tôi phụ trách không?

-Nếu tôi chết bất ngờ, tôi có để lại những lộn xộn do thiếu minh bạch về các vấn đề tài chánh, gây khó khăn cho người kế nhiệm và những người sẽ đảm nhận việc xử lý không?

-Đối với tiền bạc của cải riêng, tôi coi mình là chủ nhân hay tôi nhìn nhận cách sâu xa rằng mình chỉ là người quản lý và có bổn phận sử dụng theo ý của vị Chủ đích thực là Thiên Chúa?

-Tôi có bị tiếng là ve vãn chạy theo người giàu và quên người nghèo không?

-Người nghèo có luôn được nhớ đến trong các quyết định, các chọn lựa mục vụ của tôi không?

-Lối sống, nhà cửa, các tiện nghi của tôi có tương đối hài hoà với số đông xung quanh? Hay là cao vọt xa trên họ?

-Tôi khư khư giữ tiền của mình hay dễ dàng chia sẻ?

-Tôi có lạm dụng vị thế, quyền hành, nhất là quyền thánh chức, để kiếm tiền không?

Đó là một vài câu tự vấn tiêu biểu. Mỗi linh mục, trong hoàn cảnh và chức vụ cụ thể của mình, sẽ có những qui chiếu khác nữa được dùng để chẩn đoán mối tương quan của mình với tiền bạc của cải. Xin mượn lời Cố Hồng y Phan xi cô Xavie Nguyễn Văn Thuận để khép lại ở đây: “Các con thân mến, thế gian không thấy các con vâng phục, không biết các con trinh khiết, nhưng chứng tá nghèo khó của các con sẽ được người ta thấy rõ – nó đập vào mắt họ, xoáy vào đầu họ, và làm bật ra những dấu hỏi…”

……………

Con xin làm tôi tớ sống cho muôn con người, đôi tay rộng yêu thương ôm trọn mọi khó nghèo. Đời con xin là muối, là men cho trần gian, niềm vui hay khổ đau tháng ngày xin hiến tế.

Vì Ngài đã gọi thì con đây xin đến hiến dâng đời con. Vì Ngài đã chọn thì xin thương đón lấy tấm thân mọn hèn.

————————————————

 

  1. CON ĐƯỜNG NÀO TRỞ THÀNH LINH MỤC?

Giao ước là một đề tài lớn trong Thánh Kinh và lịch sử cứu độ. Việc Thiên Chúa ký kết giao ước Sinai với dân Ngài diễn ra khá đơn giản, nhưng long trọng và uy nghiêm. Một đặc tính quan trọng của việc ký kết giao ước, đó là sự tự do đồng thuận giữa hai bên – Thiên Chúa muốn coi dân Ngài như ‘đồng đẳng’ với chính Ngài khi Ngài ký giao ước với họ. Mọi sự sẽ được hoàn thành trong Giao ước mới, trong đó sự đồng đẳng và đồng thuận này được thực hiện nơi Đức Giêsu, vị Thiên Chúa làm người! Trong dòng suy nghĩ về chức linh mục, ý nghĩa ký kết giao ước gợi lên khoảnh khắc cử hành bí tích Truyền chức – mà bài thánh ca nổi tiếng có tựa đề ‘Giao ước’ (của Ánh Đăng và Thiên Cung) rất thường được chọn cho khoảnh khắc này: “Từ đó, vâng từ đó, Chúa đã gọi con. Một phút trao lời ước giao muôn vạn thuở. Từ đây, vâng từ đây, Chúa đã chọn con, ấn tín trao tay là lời hứa sắt son…”

Trong Thánh lễ Truyền chức linh mục, khi kết thúc các nghi thức chính yếu, các tiến chức mặc phẩm phục tư tế, chào cộng đoàn và được cộng đoàn mừng bằng tràng vỗ tay giòn giã. Điều gì đã xảy ra vậy? Cái gì đã làm cho những con người này trở thành linh mục vậy?

Nào hãy điểm lại những diễn tiến nãy giờ: Gọi tên ứng viên, đáp dạ có mặt, phỏng vấn có muốn và có hứa không, đáp con muốn, con hứa – và còn kỹ lưỡng nói rõ ‘nhờ ơn Chúa giúp con xin hứa’, phủ phục sát đất kêu cầu chư thánh đỡ nâng, lời nguyện truyền chức, đặt tay… cuối cùng thì cộng đoàn vỗ tay! … Nghi lễ với nhiều chi tiết, nhưng tựu trung là hành động của 3 chủ thể: Thiên Chúa, Giáo hội, và ứng viên tiến chức. Thiên Chúa gọi ứng viên, Giáo hội nhân danh Chúa để công bố tiếng gọi này, ứng viên tự do tự nguyện hưởng ứng việc được chọn truyền chức, Giáo hội tiến hành việc truyền chức đó, hay còn gọi là ‘trao tác vụ linh mục’. Một cuộc ký kết giao ước được thực hiện dựa trên sự đồng thuận giữa người tiến chức và Thiên Chúa, qua Giáo hội!

Nhưng tất cả câu chuyện không diễn ra chỉ trong 45 hay 60 phút ấy. Cuộc cử hành truyền chức chỉ là việc đóng ấn quyết định cho một câu chuyện đã bắt đầu từ lâu – nói không ngoa là từ đời đời, còn cụ thể hơn thì câu chuyện này đã đi qua một quá trình mười mấy hay hai mươi mấy năm! Đó là: cảm hứng ban sơ từ thời tuổi nhỏ… sự tập tành theo đuổi làm quen… những năm ở tiền chủng viện… bảy năm ở đại chủng viện với hai chu kỳ Triết và Thần học… một năm thử ở giáo xứ giữa hai chu kỳ ấy… và một năm thực tập mục vụ (sau tốt nghiệp đại chủng viện), trong đó ứng viên lãnh chức Phó tế… Tất cả quá trình này nhằm giúp Thầy Phó tế bảo đảm rằng lúc này đây mình tiến lên lãnh chức linh mục “qua cánh cửa ơn gọi” – theo cách nói của Cha J-J Olier (xem stt. số 1).

Đến với chức linh mục qua cánh cửa ơn gọi! Khái niệm này có hai hàm ý căn bản: Thứ nhất, ứng viên xác tín đây là ý Chúa, là tiếng gọi của Chúa, là ơn Chúa ban cách nhưng không, do Chúa sáng kiến và chủ động, qui hướng đến công cuộc của Chúa. Thứ hai, ứng viên nói “vâng” cách hoàn toàn tự do trước ơn gọi mà Chúa ban cho mình, qua Giáo hội, để mình được Chúa thánh hiến trong bí tích truyền chức, trở thành thuộc về Chúa trọn vẹn, được Chúa dùng trong công cuộc của Ngài, với thừa tác vụ linh mục mà mình lãnh nhận.

Đi qua cánh cửa ơn gọi theo nghĩa trên chính là đi vào trong một giao ước, với đặc tính tự do ưng thuận và dấn thân của mỗi bên. Đi qua cánh cửa ơn gọi là qua cửa chính, cách chính thức và đàng hoàng, không giả trang đội lốt, không nhảy cửa sổ hay dỡ mái nhà… Toàn thể quá trình lâu dài chuẩn bị trước đó là để lúc này ứng viên ‘đi qua cánh cửa ơn gọi’ mà trở thành linh mục. Tiêu chuẩn là sự phù hợp. Và Giáo hội có vai trò rất quan trọng trong việc thẩm định sự phù hợp ở đây.

Thật vậy, sự phù hợp cho chức linh mục cần được xác nhận từ cả hai phía: Ứng viên thấy mình phù hợp và Giáo hội cũng thấy anh ta phù hợp. Nếu một thanh niên thấy mình phù hợp, còn Giáo hội không thấy như vậy – hay nếu chỉ Giáo hội thấy chàng trai nào đó phù hợp, còn chính anh ta không thấy như vậy, thì việc truyền chức linh mục không thể xảy ra! Toàn thể nền đào tạo linh mục, do Giáo hội tổ chức gồm ‘toà trong’ và ‘toà ngoài’ – nhẫn nại từng ngày qua ngần ấy tháng năm – nhằm làm rõ vấn đề phù hợp hay không phù hợp của mỗi ứng viên. Ở ‘toà trong’, hoàn toàn cẩn mật, Giáo hội cung cấp một cha linh hướng, tức đồng hành thiêng liêng, để giúp ứng viên trở nên phù hợp hơn qua tiến trình, và cuối cùng giúp anh ta tự lượng giá về tính phù hợp của mình. ‘Toà ngoài’ là tất cả khung cảnh bên ngoài của nền đào tạo, với các cơ chế, các sinh hoạt và các nhân sự của nó, cũng nhằm giúp ứng viên trở nên phù hợp và đồng thời thẩm định tính phù hợp của ứng viên qua từng chặng đường, nhất là vào lúc chung cục trước ngưỡng cửa việc giới thiệu tiến chức.

Tưởng cần ghi nhận, sự phù hợp ở đây là phù hợp cho chức linh mục thừa tác trong Giáo hội Công giáo. Một Ki tô hữu tốt thì không đương nhiên phù hợp để làm linh mục đâu! Bởi sự phù hợp này giả thiết những tố chất tích cực cần riêng cho ơn gọi này nữa. Một chuyên viên đã mạnh dạn đề xuất tại một hội thảo quốc tế về đào tạo linh mục rằng: “Ngày nay, không nên giới thiệu tiến chức cho một ứng viên nếu chỉ bởi vì ứng viên ấy không có khuyết điểm!” Ở đây, ta có thể thấy việc ‘rao điều tra chịu chức’, trong thực tế, rõ ràng nhằm tham vấn để rà soát lại cho chắc – bởi việc khảo sát tính phù hợp, theo nghĩa là phù hợp một cách tích cực, đã được làm một cách cơ bản và có hệ thống rồi. Tuy nhiên, theo ý nghĩa biểu tượng, việc rao điều tra ấy nói lên rằng cả Giáo hội cùng tham gia vào tiến trình trở thành linh mục của ứng viên.

Con đường của một ứng viên trở thành linh mục là con đường rất cá vị của anh ta trong câu chuyện giao ước với Thiên Chúa – nhưng đó cũng là con đường mang dấu ấn xuyên suốt của Giáo hội. Tràng vỗ tay của dân Chúa không

chỉ là chúc mừng tân linh mục, mà trước hết đó là dân Chúa diễn tả niềm vui của chính mình, niềm vui tạ ơn vì Chúa ban cho mình các mục tử. Niềm vui này là lời nói với tân linh mục rằng cộng đoàn dân Chúa đang đặt nơi anh ta những kỳ vọng…

(HẾT)

………….

(Tôi tặng loạt stt. này cách riêng cho các bạn trẻ sắp chịu chức linh mục ở Huế, Đà Nẵng, Kontum – là những học trò, con cái của tôi. Cùng với toàn thể dân Chúa, tôi chúc mừng và kỳ vọng nơi các bạn. Hiệp thông cầu nguyện, tạ ơn, và hẹn gặp lại sau dịch!)

Lm. Giuse Lê Công Đức (25/7/2021)

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31