TẠ TỪ CHA ALBERTÔ

Written by lcd on Tháng Sáu 20th, 2014. Posted in Thiên Phong, Xuân Bích Việt Nam, Đại Chủng Viện Huế

Cha kính mến,

Cũng sáu hay bảy năm rồi, Cha nhỉ, con mới gặp lại Cha, mà lại là lần … cuối cùng!

Trưa Chúa Nhật rồi, từ B.C. trở lại Saigon, việc đầu tiên con làm là vào mạng check mail, thì bất ngờ biết tin Cha qua đời hôm Thứ Bảy trước đó. Năm ngoái, cũng ngày 14 tháng 6, và cũng vào dịp con có mặt ở Saigon này, một cha bạn con qua đời. Năm nay, một cha thầy!

Cha ra đi lặng lẽ quá.

Con bỗng tiếc. Tiếc cho cả nhóm Xuân Bích chúng con nữa. Nếu hôm đầu tuần, chúng con nhớ đến Cha và tạt lại Chí Hòa ghé thăm Cha trước khi đi Hố Nai thăm Cố Hiển và Cố Anh (cũng đang gần đất xa trời) trên đường đi tĩnh tâm thường niên ở Vũng Tàu, thì hay biết mấy. Nhưng chúng con đã không nhớ – và đã lỡ mất dịp chào đưa chân Cha rồi! Cha không phải là người bạn / người thầy ‘vàng ròng’ chung thủy gắn bó với Xuân Bích Việt Nam, cách riêng với Đại Chủng Viện Huế, gần ngót nửa thế kỷ rồi đó sao?

Cha ạ, giữa hàng ngàn môn sinh của Cha qua ngần ấy tháng năm, con chỉ là một anh học trò ‘đẻ non’, muộn màng. Nhưng con tạ ơn Chúa, vì được làm học trò của Cha trong những năm đầu thập niên 90 ấy ở Saigon này, và về sau còn được vinh dự tập tễnh làm đồng nghiệp của Cha tại Huế nữa.

Nghĩ về Cha, nhiều người sẽ ngưỡng mộ một con người biết hàng chục thứ tiếng, cả sinh ngữ lẫn cổ ngữ, một con người từng du học bên Tây trên chục năm, hay một chuyên viên Thánh Kinh gạo cội vốn là trụ cột của Nhóm PVCGK từ thuở nhóm này mới chào đời, hay thành viên của một gia đình thuộc hàng kỷ lục trong việc cung cấp cho Giáo hội những ơn gọi linh mục tu sĩ, hay một cố vấn cho một Thánh Bộ của giáo triều… Thực là những vòng hào quang lung linh lấp lánh.

Nhưng với riêng con, ấn tượng Cha để lại trong con trước nhất và sâu đậm nhất lại không phải là bất cứ thứ nào trong những thứ ấy – mà là những điều khác, kín đáo và giản dị hơn, song thực sự còn lấp lánh hơn rất nhiều.

Cha là một linh mục giáo phận, và người ta sẽ gặp ít nhiều khó khăn để nói Cha là một hình mẫu của một linh mục giáo phận, bởi gần như trong suốt đời linh mục của mình, Cha không làm cha sở, Cha hầu như không sống giữa dân chúng và không làm việc trực tiếp với các tầng lớp dân chúng. Song trong sứ vụ chuyên biệt – hay trong đặc sủng – mà Chúa mời gọi Cha, sứ vụ của một chuyên viên, một nhà giáo, Cha đã đàng hoàng cống hiến một hình mẫu, rất sâu và rất đậm, không chỉ cho các đồng nghiệp, các môn sinh, mà con nghĩ: cho mọi người.

Thác là thể phách, còn là tinh anh.

Nét lấp lánh đặc biệt trong “tinh anh” của Cha, đó là Cha đã sống một đời sống hết sức giản dị, khó nghèo. Ai từng biết Cha hay ở gần Cha, sẽ chẳng cần giải thích nhiều. Như một vị nào đó ở Tu viện Mai Khôi, 44 Tú xương, có lần thốt lên: “Ngài không khấn khó nghèo như chúng tôi, song ngài là bậc thầy của chúng tôi về đời sống khó nghèo, siêu thoát!”

Phần con, những gì nhận được từ Cha và lắng đọng trong con sâu xa nhất không phải là những kiến thức về Sáng Thế, về các Ngôn Sứ hay các Thánh Vịnh, mà chính là những mẩu giấy vụn, với đủ kích thước và hình thù mà Cha cắt ra từ các phong thư cũ, tận dụng các chỗ còn trống để ghi ‘notes’ khi chấm bài cho đám học trò chúng con. Còn những mẩu bút chì Cha dùng thì chỉ bị quăng đi khi đã gọt đến còn quá ngắn, chừng hơn đốt ngón tay, không còn có thể cầm và viết được nữa! Quần áo, đồ đạc, túi xách… và mọi thứ nơi Cha đều đơn sơ giản dị như thế.

Cũng vì in trí nét giản dị của Cha mà năm ấy, khi là ‘tân binh’ ở Huế, con đã mắc lừa bởi một anh bạn tinh nghịch. Chuyện như vầy: Lớp Thần IV chúng con ở tầng ba, nhà A, nơi có phòng của Cha ở cuối dãy. Hôm ấy Cha mới từ Saigon ra. Sau giờ chơi thể thao buổi chiều, anh chàng nọ ập đến chỗ con, nghiêm giọng: “Nè anh Đ., Cha Nhân nhắn mượn cái quần đùi của anh để tắm. Ngài quên đem quần đùi. Anh mang lại phòng ngài nhé!” Thế là không chút nghi ngờ, con lon ton cầm cái quần đùi đi đến phòng Cha, may mà chưa kịp gõ cửa thì hắn ta đã phá lên cười ngặt nghẽo phía sau lưng mình. (Cha thấy đó, đúng là nhất quỉ nhì ma…!)

Đức khó nghèo theo Tin Mừng là một cái gì ngày càng xa xỉ, Cha à. Cha ra đi, lỗ hổng Cha để lại to lắm đó! 

Cũng lấp lánh không kém trong ‘tinh anh’ của Cha, đó là thái độ cần mẫn, tận tụy hết mực với công việc của mình, và với những người mà mình phục vụ. Chấm bài cho học trò, Cha không chỉ lướt qua nội dung, mà soi đến từng dấu chấm, dấu phẩy, cú pháp, cách dùng từ, soi đến cả nét chữ nữa. Và để bảo đảm sự công tâm khi cho điểm, Cha chấm một mạch hết câu thứ nhất cho mọi bài, rồi mới trở lại chấm câu thứ hai, rồi câu thứ ba… Cũng chính vì sự nghiêm cẩn nghề nghiệp và tinh thần tận tụy với trách nhiệm người thầy mà – Cha thừa biết – Cha đã là ‘nỗi ám ảnh’ cho đa số những ai từng học với Cha. Con tự hỏi, trong ngót 50 năm dạy học, không biết Cha có sưu tập những bài vè, bài thơ não nùng ai oán kiểu này không: *

 

Ôn Thánh Vịnh, mắt mờ, miệng mỏi

Tiếng ve sầu inh ỏi, nỉ non

Chưa thi, thân đã gầy còm

Thi rồi chẳng biết hình hài còn không.

Buồn vì nỗi răng nhiều bài rứa

Học xong rồi, mà thấy như không

Ui chao, sách vở chất chồng

Bốn hai Thánh Vịnh Hương Trầm + Phụ trương!

Biết Cha mình có thương không nhỉ

Đoái nghe lời rên rỉ thở than

Mai sau vui hưởng Thiên đàng

Gặp nhau chắc sẽ dễ dàng chào nhau

[…]

Cha ơi Cha, có thầy bị sốt

Suốt mấy ngày lửa đốt tâm can

Lẽ nào Cha vẫn không màng

[…]

Cha ra Huế, mấy tuần chớ mấy

Nỡ nào đành nhìn thấy con đau

Vì Cha bắt học thuộc làu

Hương Trầm như nước ngập đầu con thơ…

 

Đám học trò của Cha, nam nhi chi chí, mà đỏng đảnh nũng nịu vậy đó. Ai bảo trong nỗi ‘ngán’ và ‘sợ’ ấy không có một cái tình rất là mật thiết?

Ngày mai, sẽ là Thánh Lễ cuối cùng. ‘Thể phách’ Cha sẽ được đem đi đốt. Nhưng ‘tinh anh’ của Cha sẽ còn đọng lại dài lâu. Chúng con cầu nguyện cho Cha. Và Cha cũng cầu nguyện cho chúng con, Cha nhé.

THIÊN PHONG

 

* xin lỗi tác giả bài thơ vì ở đây có sửa vài từ!

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30