TẠI LIÊN HỢP QUỐC, TÒA THÁNH TÁI KHẲNG ĐỊNH DẤN THÂN XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA HÒA BÌNH

Written by xbvn on Tháng Tám 4th, 2024. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Văn hóa hòa bình, Đức cha Gabriele Caccia, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên hợp quốc ở New York, đã nêu rõ rằng khái niệm hòa bình được tóm tắt trong bốn từ : sự thật, công lý, bác ái và tự do.

Xây dựng và nuôi dưỡng văn hóa hòa bình cho các thế hệ hiện tại và tương lai”, chủ đề này là trọng tâm của Diễn đàn cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Văn hóa Hòa bình. Đó là cơ hội để Tòa Thánh, hôm thứ Sáu, ngày 2/8/2024, “tái khẳng định sự dấn thân của mình trong việc xây dựng và nuôi dưỡng một nền văn hóa hòa bình,” bằng cách “dựa trên các lĩnh vực hành động được mô tả trong Tuyên ngôn, vốn tạo nên nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy một nền văn hóa hòa bình ở mọi tầng lớp xã hội”.

Đức Cha Gabriele Caccia, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên hợp quốc ở New York, hoan nghênh việc tổ chức Diễn đàn này, 25 năm sau khi Tuyên ngôn và Chương trình Hành động về văn hóa hòa bình được thông qua.

Ngược dòng thời gian, ngài không quên nhắc lại rằng hơn 60 năm trước, Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã dành một thông điệp cổ vũ chính nghĩa hòa bình: Pacem in Terris. “Nó đã là, và ngày nay vẫn đang là, một lời kêu gọi đầy thuyết phục cho việc thiết lập hòa bình”, Đức Cha nhấn mạnh và đồng thời nêu rõ rằng “khái niệm hòa bình này được tóm tắt trong bốn từ: sự thật, công lý, bác ái và tự do”.

Sự thật và phẩm giá con người

Đại diện của Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: trong việc tìm kiếm một nền văn hóa hòa bình, “điều bắt buộc là phải thừa nhận phẩm giá vốn có nơi mỗi cá nhân”. Do đó, Tòa Thánh nhắc lại rằng chính trong gia đình, đặc biệt là trong quá trình giáo dục, mà trẻ em có được sự hiểu biết về nhân phẩm chung gắn liền với Thiên Chúa, trau dồi khả năng của mình và chuẩn bị tiến triển theo ơn gọi riêng biệt và cá nhân của mình.

Công bằng xã hội và kinh tế

Đề cập đến vấn đề công lý, Đức cha Caccia nói rõ rằng việc tìm kiếm hòa bình phụ thuộc vào việc thiết lập công lý. Từ đó, tầm quan trọng của việc thúc đẩy công bằng xã hội và kinh tế bằng cách giải quyết các vấn đề nghèo đói và bất bình đẳng.

Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã lưu ý: “Quả thật, hòa bình là kết quả của những mối quan hệ nhìn nhận và đón nhận người khác trong phẩm giá bất khả tước bỏ của họ, cũng như sự hợp tác và dấn thân trong việc tìm kiếm sự phát triển toàn diện của tất cả mọi người và các dân tộc”.

Bác ái và toàn cầu hóa

Và mặc dù toàn cầu hóa đã dẫn tới “một số phát triển tích cực”, nhưng “rõ ràng là tiến bộ này đã không được phân bổ đồng đều”. Đại diện thường trực của Tòa Thánh tại Liên hợp quốc nói tiếp : trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, “một số người đã trở thành ‘công dân thế giới’, trong khi nhiều người khác đã trở thành ‘công dân của chẳng nơi nào cả’, như hiện tượng di cư cho thấy”.  Ngài tin rằng để đạt được toàn cầu hóa hòa bình, cần phải khuyến khích sự liên đới toàn cầu hóa.

Tự do

Từ sự thật đến bác ái, ngang qua công lý, Đức cha Caccia cũng liên kết khái niệm hòa bình với tự do: “một điều kiện cơ bản cho sự phát triển của con người”. Đối với ngài, điều bắt buộc là các cá nhân phải được tự do bày tỏ tôn giáo hay tín ngưỡng của họ, theo đuổi nguyện vọng và tham gia vào xã hội nhằm thiết lập một nền văn hóa hòa bình. Tuy nhiên, sự tự do này không nên được hiểu là sự theo đuổi lợi ích ích kỷ của chủ nghĩa cá nhân. Đúng hơn, đó là sự tự do yêu thương và hiến thân cho người khác để phục vụ công ích.

Tý linh

(theo Myriam Sandouno – Vatican News)

Tags: , , , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Chín 2024
H B T N S B C
« Th8    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30