TẠI SAO ĐỐI THOẠI VỚI CÁC TÔN GIÁO KHÁC ? ĐÂU LÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ THẦN HỌC MÀ VIỆC ĐỐI THOẠI NÀY ĐẶT RA ?

Written by xbvn on Tháng Năm 2nd, 2013. Posted in Truyền giáo, Tý Linh, Xuân Bích Thế Giới, Đại Chủng Viện Huế

Dưới đây là bài thuyết trình của cha Henri de la Hougue, pss, tại Đại Chủng Viện Huế, chiều 2.5.2013. Cha Henri de la Hougue là một chuyên viên về Hồi giáo, hiện đang dạy tại Học Viện Công Giáo Paris. Cha cũng là thành viên chủ chốt trong Ban Giám Đốc tại Đại Chủng Viện Issy-les-Moulineaux, Pháp, và là cố vấn thứ nhất của Xuân Bích tỉnh Pháp. Tham dự buổi thuyết trình này, ngoài đại gia đình chủng viện, còn có quý cha, quý nữ tu và quý thầy đến từ các dòng trong giáo phận Huế.

——-

I. Một vài con số :

Những tôn giáo lớn trên thế giới[1] :

 Hồi giáo Sunnite:  1 tỷ 300 triệu.

Hồi giáo Chiite: 200 triệu.

Ấn giáo: 950 triệu.

Thần đạo: 110 triệu.

Phật giáo: 700 triệu.

Các tôn giáo Trung Hoa: Lão giáo và Khổng giáo: 700 triệu.

Các tôn giáo truyền thống ở Châu Phi, nơi người da đỏ Châu Mỹ và ở Châu Đại Dương : 300 triệu.

Công giáo: 1 tỷ 300 triệu.

Tin Lành: 700 triệu, trong đó đa số là các giáo hội độc lập.

Chính thống giáo: 300 triệu.

Do thái giáo: 14 triệu.

Đạo Sikh: 27 triệu

 Trong một số trường hợp, có thể thêm vào chủ nghĩa vô thần khi nó được đánh dấu bằng một ý thức hệ chuyên chế và việc tôn thờ lãnh tụ, như đã và đang được thực hành nơi chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa quốc xã.

– Nét mới mẻ, đó là cuộc gặp gỡ của các tôn giáo này trong khuôn khổ của cuộc toàn cầu hóa những trao đổi và của việc phát triển truyền thông.

Cho đến nay, đã có những vùng hỗn hợp tôn giáo và/hay những vùng đối đầu (chẳng hạn hỗn hợp tôn giáo ở Nhật Bản ; Hồi giáo/Công giáo ở Địa Trung Hải), nhưng đã có những nơi trong đó văn hóa và các tôn giáo đã đan xen nhau chặt chẽ đến nỗi không có đặt ra vấn đề. Điều đó luôn luôn tồn tại, nhưng đang thay đổi.

Những nước này cũng trở thành nơi của một hỗn hợp tôn giáo, của một cuộc tìm kiếm điều mới mẻ, của một sự đối đầu tôn giáo.

– Một nét mới mẻ khác, đó là nền văn hóa được đánh dấu bởi Internet: một loạt thông tin do các cơ quan phi thể chế truyền đi trong đó tính ngây thơ lướt thắng chân lý và các nhóm tôn giáo nảy nở lan tràn. Còn hơn xưa kia, người trí thức lỗi lạc có thể rút ra từ đó một sự phong phú bất khả sánh; đối với những người khác, điều này dẫn đến những tư tưởng ngây thơ ở đó thẩm quyền Internet lướt thắng thẩm quyền của các thể chế, đóng góp vào việc khép kín căn tính hay vào những kiểu hỗn hợp tôn giáo cá nhân.

II. Sự cộng tác giữa các tôn giáo là một vấn đề quan trọng đối với xã hội chúng ta.

–          Có những thách đố xã hội mời gọi ta phải hành động vì sự cộng tác giữa các tôn giáo khác nhau :

1-   Ở đây các tôn giáo phải có thể cùng nhau thông truyền một sứ điệp rõ ràng để các động cơ tôn giáo không còn có thể được viện dẫn cách sai trái và các tôn giáo có thể đóng góp cách hữu hiệu vào hòa bình.

2-   Một yếu tố quan trọng của việc toàn cầu hóa, đó là tác động đang gia tăng của những người nắm quyền quyết định kinh tế nơi các nước khác nhau, ngay cả khi chính những người này lại tùy thuộc vào các cổ đông của họ trong những quyết định mà họ đưa ra, và do đó cuối cùng không có mấy quyền hạn trên những gì mà những quyết định của họ khơi lên. Hố chia cắt giữa người giàu và người nghèo luôn gia tăng và các Nhà Nước lại có rất ít quyền tự trị về chính trị lẫn kinh tế để chữa trị. Qua sự tìm kiếm thiện ích siêu việt của mỗi người, các tôn giáo mang có thể lại một tiếng nói, nhưng tiếng nói này sẽ càng hữu hiệu hơn nếu chúng  được thực hiện cách hòa hợp với nhau.

3-   Sự tiến bộ công nghệ kỹ thuật không được thực hiện trước hết để đáp lại một nhu cầu nhân đạo nào đó, nhưng để rút ra từ đó một lợi nhuận kinh tế. Những vấn đề đạo đức thông thường chỉ là thứ yếu khi chúng được đề cập đến. Tuy nhiên, những tiến bộ này đang đặt ra những vấn đề đạo đức càng ngày càng quan trọng: người ta có thể hủy diệt hành tinh, tạo ra sự sống bằng cách cấy ADN nhân tạo vào các tế bào sống, nhân bản con người…nhưng đó chỉ là sau khi người ta tự vấn về những gì người ta đang làm. Vậy mà đối với tất cả những vấn đề đạo đức này, các tôn giáo sẽ chỉ là khả tín và có ảnh hưởng trước mắt dân chúng và những người nắm quyền quyết định trong chừng mực chúng có khả năng đồng thanh lên tiếng.

4-   Trong một thế giới nơi các cuộc gặp gỡ ảo gia tăng và sự tương tác càng ngày càng thống trị, thì những mối tương quan nhân loại không được truyền thông hóa đang bị giảm đi: hiện tượng cá thể hóa, sự phá hủy dần các tế bào gia đình, cấp độ gia tăng các mạng lưới ảo có hại đến các mạng lưới thật. Những tương quan ảo này càng ngày càng ít cho phép đương đầu với tính khác biệt: chúng mở ra những khoảng cách địa lý và văn hóa nhưng thường bằng lòng tìm kiếm nơi người khác những gì mà chúng quan tâm. Nơi các mạng xã hội, người ta chỉ trình bày cho người khác những gì người ta muốn trình bày về chính mình và chỉ tìm kiếm nơi người khác những gì mình quan tâm. Dĩ nhiên vẫn tồn tại một mối quan hệ nào đó, nhưng nó không học biết xây dựng một cuộc gặp gỡ tha nhân đích thực. Các tôn giáo được cơ cấu hóa để dạy cho biết sống tương quan và khi chấp nhận gặp nhau, chúng làm chứng cho tầm quan trọng của cuộc gặp gỡ đích thực.

Cũng có những thách đố thần học riêng: Làm sao hiểu tốt hơn vai trò của Giáo Hội và của các Kitô hữu trong một xã hội đa tôn giáo ? Mục đích của Giáo Hội không phải chỉ nâng đỡ các Kitô hữu, vì chúng ta là những người mang một Tin Mừng cho toàn thế giới…Nhưng điều đó ngụ ý điều gì trong cái nhìn của chúng ta về các tôn giáo khác? Làm sao hiểu đúng những gì Thiên Chúa muốn mạc khải cho chúng ta về Vương quốc của Ngài và về chính Ngài?Làm sao hiểu đúng những gì chúng ta phải làm chứng trước các thành viên của các tôn giáo khác?

Sự khó khăn đó là thần học Kitô giáo của các thế kỷ vừa qua đã được soạn thảo ở Châu Âu trong một khung cảnh trong đó Kitô giáo đã từng là đa số và nó chỉ đối diện với tính khác biệt một cách xa xôi. Dĩ nhiên, các nhà truyền giáo đã nghĩ đến ý nghĩa của sự hiện diện và sứ mạng của họ, nhưng khởi từ những nền tảng được soạn thảo trong khung cảnh Kitô giáo hay trong khung cảnh thống trị, và đó chính là khó khăn của việc soạn thảo thần học từ Công đồng.

III. Có thể có nhiều lập trường trí thức đối với người tín hữu:

-1- Hoặc là giữ khoảng cách đối với truyền thống của mình theo hướng tương đối hóa mọi tiêu chí có tính tuyệt đối: Mọi truyền thống tôn giáo đều có giới hạn và tương đối, trước tiên chúng do những nhân tố nhân loại (những hoàn cảnh lịch sử, địa lý, chính trị…). Chúng cố gắng mang lại những câu trả lời cho những bí ẩn to lớn của nhân loại như ý nghĩa của cuộc sống, vấn đề cái chết và đau khổ, … Không có tôn giáo nào có thể tham vọng có một sự tiếp cận tốt nhất đến Chân Lý Thiên Chúa như những tôn giáo khác; điều thiết yếu đó là việc mở ra cho siêu việt, cho dù người ta gọi tên là gì, đóng góp vào hạnh phúc tốt hảo nhất cho cá nhân và cộng đoàn. Theo quan niệm này, việc quy chiếu khách quan của các tôn giáo đến một chân lý tuyệt đối là thứ yếu. Hai hình thức tương đối hóa thường gặp thấy:

* Hình thức thứ nhất giữ khoảng cách đối với toàn bộ các truyền thống tôn giáo, tìm một mẫu số chung nhỏ nhất vốn sẽ là nền « khách quan tính » của các tôn giáo, phần còn lại sẽ là thứ yếu (một bề mặt văn hóa và lịch sử). Từ đó, người ta có thể sáp nhập toàn bộ các tôn giáo vào một lược đồ chung (x. Cuộc cách mạng Copernic của John Hick). Trong lược đồ đó, thiên tính của Chúa Giêsu được coi như là một diễn tả về sau, gắn liền với việc hình thành quan niệm đức tin Kitô giáo trong não trạng lý tính của Hy Lạp, nhưng không có nền tảng khách quan. Đó cũng là lập trường của Frédéric Lenoir[2].

 * Hình thức thứ hai không đặt mình bên ngoài truyền thống tôn giáo nào, nhưng cho rằng mỗi tôn giáo gắn liền với môi trường văn hóa và lịch sử của mình đến nỗi những gì có thể được nhận thức nơi tôn giáo này thì không thể được mang đến cho tôn giáo kia. Mỗi tôn giáo đều có một giá trị ý nghĩa đối với các thành viên của chúng. Tính đa nguyên tôn giáo là một hệ quả của quyền tự trị mà Thiên Chúa đã để cho con người quản lý mối tương quan của nó với Thiên Chúa và với người khác. Để lấy lại từ vựng của Joseph Ratzinger trong Tuyên ngôn Dominus Iesus, tính đa nguyên vốn tồn tại « trên thực tế » trở thành một tính đa nguyên « pháp quyền », theo nghĩa người ta phải xem mỗi tôn giáo mang đến cho thành viên của mình những gì là tốt cho người ấy và cho phần rỗi của người ấy. Do đó, cần phải từ bỏ việc muốn áp đặt một khuôn mẫu chuẩn mực để suy nghĩ mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Người ta có thể đơn giản hóa lập trường này bằng lối diễn tả sau: “Mọi tôn giáo đều có giá trị như nhau”. Ở đây, người ta không cố gắng làm thành một hệ thống hay chân lý của Thiên Chúa sẽ là mẫu số chung nhỏ nhất cho các tôn giáo khác nhau, nhưng người ta chấp nhận rằng mỗi tôn giáo có điều gì đó có giá trị để nói về Thiên Chúa vì lợi ích của con người. Tính khách quan của đức tin mà các tôn giáo dựa vào sẽ bị tương đối hóa so với chiều kích hiện sinh của đức tin… chiều kích này có thể được tìm thấy cách tương đương trong các tôn giáo khác nhau. Chẳng hạn, người ta không đặt vấn đề thiên tính của Chúa Giêsu, nhưng người ta cho rằng đó là hoa trái của một kinh nghiệm chỉ thực sự có thể hiểu được bởi người Kitô hữu và rằng tính duy nhất trong Hồi giáo và mạc khải của kinh Coran đều dẫn đến mối tương quan với Thiên Chúa cũng như với con người, cũng như Phật giáo cho phép một sự giải thoát đích thực, cũng hoàn toàn có giá trị. Nếu một số người muốn thay đổi tôn giáo, thì họ có thể làm như thế, nhưng muốn áp đặt chân lý của một tôn giáo cho những thành viên của một tôn giáo khác thì không có ý nghĩa gì.

Hai hình thức tương đối hóa này không thích hợp với sứ điệp Kitô giáo.Chúng bị tố giác cách minh nhiên bởi Tuyên ngôn Dominus Iesus về “Tính duy nhất và tính phổ quát cứu độ của Chúa Giêsu-Kitô”.

-2- Hoặc là tôi cố gắng tìm trong nội bộ, trong đức tin của tôi, những lý do thần học để sáp nhập tính đa nguyên tôn giáo này mà không chối bỏ chiều kích phổ quát của sứ điệp Kitô giáo và tính khách quan của mạc khải của nó: Thiên Chúa đã tự tỏ mình trong Chúa Giêsu-Kitô và, như Công đồng Vatican II nói, “từ đó không có bất kỳ sự mạc khải công khai mới nào cần phải chờ đợi trước khi Chúa Giêsu-Kitô ngự đến trong vinh quang” (Dei Verbum, số 4). Ở đây cũng thế, có thể có ba hình thức:

– Hình thức thứ nhất bác bỏ mọi hình thức nhìn nhận một chân lý nơi các tôn giáo khác và cho rằng các tôn giáo này là những hình thức ngẫu tượng cần phải cho biến mất. Không thể có bất kỳ cuộc đối thoại nào với những người không Kitô.Đó là lập trường Công giáo thủ cựu.Đúng hơn đó là loại trừ người khác.

– Hình thức thứ hai không tìm cách xem xét hệ tại điều gì đức tin của mình bị các tôn giáo khác chất vấn, nhưng chấp nhận xem xét những gì xem ra tốt đẹp trong các truyền thống tôn giáo khác dưới ánh sang của các tiêu chí riêng của mình. Nó nhìn nhận nơi người khác những tia sáng chân lý, được gắn liền sự hiện diện huyền nhiệm của Thánh Thần của Chúa Kitô nơi các tôn giáo khác (đó là “những hạt giống của Ngôi Lời” mà một số Giáo Phụ như thánh Justin đã nói đến). Nhưng, một mặt, hình thức này có nguy cơ không quan tâm đủ đức tin của người khác như đức tin đó được sống vì nó nhìn người khác với những tiêu chí bên ngoài; mặt khác, nó giảm thiểu người khác, trong trường hợp tốt nhất, chỉ còn là một phần của chính nó.Tuy nhiên, nó nhìn các tôn giáo này cách kính trọng và, qua việc đối thoại, tìm cách biết họ tốt hơn. Vào thời điểm Công đồng, các thần học gia đã nói đến một mạc khải tự nhiên, nỗ lực của con người để vươn tới Thiên Chúa, đối lại với mạc khải siêu nhiên trong đó Thiên Chúa trước tiên tỏ mình ra cho con người nhờ ân sủng của Ngài.

– Hình thức thứ ba là hình thức mà cùng với các thần học gia của các tôn giáo khác, tôi cố gắng đào sâu. Hình thức này khởi đi từ những gợi ý của hình thức thứ hai, nhưng với nhiều xác tín: sự tôn trọng và lòng quý trọng mà Công đồng khuyên chúng ta phải có đối với người khác không thể bằng lòng với việc giảm thiểu người khác thành một phần của chính mình; mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa cũng phải để mình được chất vấn bởi niềm tin của người khác; việc quan tâm đến người khác cho phép lớn lên trong đức tin của mình và làm phong phú sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa; chúng ta có một trách nhiệm cần phải cùng nhau xây dựng Nước Trời.

IV. Những vấn đề thần học mới.

Nhưng trong trường hợp này, nếu tôi quan tâm đến các tôn giáo khác và tôi cố gắng đặt mình vào vị trí nhìn nhận hoạt động của Thánh Thần của Chúa Kitô nơi các tôn giáo khác, thì tôi được dẫn đến chỗ đặt ra cho mình những câu hỏi về nhiều khía cạnh của đức tin Kitô giáo:

1)      Vai trò trung gian của Chúa Giêsu-Kitô: việc nhập thể, cái chết và sự phục sinh phải chăng chúng là trọng tâm đối với các tôn giáo khác trên thế giới? Nếu đúng, phải chăng chúng cần ý thức về điều đó?

2)      Ơn cứu độ: đó là gì? Sựân thưởng sau cái chết, sự sống đã ở đây rồi? Có ý nghĩa gì khi nói Chúa Giêsu là Đấng trung gian duy nhất của ơn cứu độ?

3)      Vị trí của Giáo Hội: đâu là mối liên hệ giữa Giáo Hội Thân Thể Chúa Kitô, Giáo Hội được Chúa Kitô muốn, và Giáo Hội thể chế? Trong thời gian lâu, Giáo Hội đã suy nghĩ về mình so với các thành viên của mình và Giáo Hội đã nhìn các tôn giáo khác như là những lạc giáo. Ngày nay, trong khung cảnh đa tôn giáo, Giáo Hội phải nghĩ mình như là dấu chỉ cho các tôn giáo khác. Vatican II đã định nghĩa Giáo Hội “ trong Chúa Kitô, cách nào đó, là bí tích, tức là dấu chỉ và là phương thế của sự kết hiệp thân mật với Thiên Chúa và sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại…”. Nhưng làm thế nào áp dụng điều đó? Làm thế nào nhìn nhận những gì được xem là tốt đẹp nơi nhân loại? Làm thế nào trở thành một dấu chỉ đối với người khác nếu chúng ta vẫn chia rẽ?

4)      Mạc Khải hay các mạc khải? Phải chăng có một mạc khải Do thái và Kitô giáo tách rời với mạc khải cho các dân tộc khác? Phải chăng chúng ta có thể quan niệm rằng, về mặt địa lý và lịch sử, Thiên Chúa đã lấy đi khỏi hàng tỷ người một mạc khải ưu việt mà Ngài đã muốn dành riêng cho một số người có khả năng làm chứng cho người khác về điều đó?  Khi Hiến chế Dei Verbum, số 2, nói rằng Chúa Kitô là “Đấng trung gian và là sự viên mãn của toàn thể mạc khải”, thì điều đó có nghĩa gì khi nhìn nhận vai trò của các tôn giáo khác?

5)      Mối liên hệ giữa đức tin của các Kitô hữu và niềm tin của những người khác: ở đây nên xác định đức tin là gì: mối tương quan giữa fides qua/ fides quae[3];  mối liên hệ giữa đức tin được sống, đức tin được cử hành và đức tin được loan báo. Cần phải khởi đi  từ đó để xem xét niềm tin của người khác.

6)      Nước Thiên Chúa: làm cho Nước Thiên ngự trị nghĩa là gì? Phải chăng Chúa Kitô phải được đề cập cách minh nhiên ở đó? Thiên Chúa chờ đợi sự tham dự nào của nhân loại vào tính đa dạng của Ngài và đâu là vai trò đặc thù của các Kitô hữu trong viễn cảnh này?

7)      Việc đối thoại liên tôn: mối liên hệ của nó với việc truyền giáo, những chiều kích khác nhau của nó: khái niệm thần học, chiều kích tự hủy (kénotique, chấp nhận những bất tất của việc đối thoại), việc lắng nghe nhau, “sống với”, chấp nhận tính bất khả giảm thiểu của người khác.

8)      Quan tâm đén tính đặc thù riêng của mỗi tôn giáo: đối với Hồi giáo, mối tương quan Ba Ngôi/Tính Duy Nhất của Thiên Chúa, mối liên hệ Lời Thiên Chúa/Sứ ngôn, mối liên hệ Kinh Coran/Chúa Kitô; đối với Ấn giáo và Phật giáo, những khó khăn soạn thảo một suy tư khi những khái niệm của Tây phương như một Thiên Chúa ngôi vị, tạo dựng, ngôi vị, ơn cứu độ, không hề tồn tại.

 


[1]Trên thực tế, theo các nhà xã hội học, có hàng ngàn tôn giáo, nếu người ta lưu tâm đến những tính đặc thù văn hóa và tín ngưỡng của mỗi dân tộc. Những con số trên đây được rút ra từ : Michael D. Coogan (dir), Les grandes Religions, Larousse, 1999.

[2] F. Lenoir, Comment Jésus est-il devenu Dieu, livre de Poche, 2012.

[3] « ‘Đức tin vừa là một hành vi tin tưởng hay tín thác, fides qua, vừa là điều được tin hay được tuyên xưng, fides quae » (x. Ủy ban thần học quốc tế, Thần học ngày nay : viễn cảnh, nguyên lý và tiêu chuẩn, (bản dịch của Ủy ban Giáo lý Đức tin, trực thuộc HĐGMVN, 2012), số 13, ctnd).

 

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31