TẠI SAO GIÁO HỘI QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI NGHÈO ?

Written by xbvn on Tháng Sáu 4th, 2022. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Thế Giới, Tý Linh

Tại sao người Kitô hữu luôn khẳng định mối quan tâm của mình đối với người nghèo và người bị loại trừ ? Từ thập niên 1970, thậm chí họ đã làm nổi bật nguyên tắc « chọn lựa ưu tiên cho người nghèo », nguyên tắc luôn có tính thời sự. Nó hệ tại điều gì ? Cha Étienne Grieu, s.j., hiệu trưởng Trung tâm Sèvres, giải thích.

Sophie de Villeneuve : Nền thần học giải phóng, vốn làm nóng Châu Mỹ Latinh từ thập niên 1960, đã sử dụng rộng rãi thành ngữ « chọn lựa ưu tiên cho người nghèo ». Nó có nghĩa là gì ? Ngày nay chúng ta vẫn có thể sử dụng nó chứ ?

Étienne Grieu : Thành ngữ này nảy sinh trong khuôn khổ các đại hội đồng của các Giám mục Châu Mỹ Latinh. Nó xuất hiên trong cuộc gặp gỡ ở Puebla năm 1979, nhưng ý nghĩa của nó đã từng được trình bày vào năm 1968 trong cuộc gặp gỡ ở Medellin. Nó muốn nói lên điều gì ? Trên một lục địa được ghi dấu bởi những bất bình đẳng hết sức bạo lực, Giáo hội ý thức rằng Tin Mừng luôn đưa chúng ta trước hết đến với những người rất nghèo. Các trang Tin Mừng đầy những cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và các bệnh nhân, những người ăn xin, những người đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng. Nếu chúng ta loại bỏ những đoạn này khỏi Tin Mừng, thì chúng ta sẽ loại bỏ Tin Mừng một cách tận căn. Để loan báo Tin Mừng, trước hết chẳng phải chúng ta xem xét những người rất nghèo sao ? Chính những người Châu Mỹ Latinh là những người đầu tiên lôi kéo sự chú ý của Giáo hội đến điểm này. Sau đó, chính toàn thể Giáo hội đã lãnh lấy vấn đề này, và đặc biệt là Đức Gioan-Phaolô II.

Sophie de Villeneuve : Tại sao nó đến từ Châu Mỹ Latinh ? Châu Phi cũng là một lục địa rất nghèo…

Étienne Grieu : Châu Mỹ Latinh có hai nét đặc thù. Trước hết là số người Công giáo rất đông đảo, hơn 90%. Tiếp đến, đó là lục địa biết đến nhiều bất bình đẳng nhất trên thế giới, với các mối tương quan xã hội hết sức bạo lực, được ghi dấu bằng nhiều vụ ám sát, cho đến tận ngày nay. Các Giám mục Châu Mỹ Latinh trở về từ công đồng Vatican II, một công đồng đã nhấn mạnh rất nhiều đến sự kiện rằng Giáo hội phải mở mắt nhìn ra thế giới và đọc các dấu chỉ của thời đại. Các ngài đã tự nhủ rằng trong thế giới của mình, các ngài không thể nhắm mắt và khoanh tay đứng nhìn, làm như thể đức tin chỉ liên quan đến lãnh vực thiêng liêng và không quan tâm đến những gì xảy đến với những người nam và người nữa, đặc biệt là những người thấp hèn nhất.

Sophie de Villeneuve : « Chọn lựa ưu tiên cho người nghèo », có phải thành ngữ này có nghĩa rằng chính những người nghèo là ưu tiên đối với Giáo hội ?

Étienne Grieu : Đúng vậy. Nó giống như một gia đình đông con, trong đó một đứa con bị bệnh. Cha mẹ sẽ quan tâm đặc biệt đến người con này. Điều đó không muốn nói rằng những người khác sẽ ít được yêu thương hơn, nhưng, trước tiên, sự quan tâm của họ sẽ đến với đứa con đang gặp khó khăn này. Đó chính xác là những gì mà chúng ta quan sát được trong truyền thống Thánh Kinh. Ngay cả Cựu Ước cũng trình bày cho chúng ta một vị Thiên Chúa có mối quan tâm rất lớn đối với người nghèo. Các Thánh vịnh chứa đầy những tiếng kêu van của những người cầu xin đang gặp khó khăn nghiêm trọng và thưa lên với Thiên Chúa. Tác giả Thánh vịnh đã quan tâm làm vang vọng những lời cầu xin đó, ông đã biến chúng thành những bản văn tuyệt vời, ông đã biến chúng thành kinh nguyện thông thường của dân Giao ước. Người nghèo có một vị trí rất quan trọng trong Giao ước, bởi vì chính do họ mà chúng ta nói với Thiên Chúa. Những người cầu xin, và chúng ta cũng thấy rõ điều này trong các sách Tin Mừng, có một lời cầu nguyện rất mạnh mẽ, như thể họ đặt mình hoàn toàn vào lời cầu nguyện của mình. Chính họ dạy cho chúng ta cầu nguyện, và Chúa Giêsu nhìn nhận họ như là những người có đức tin.

Sophie de Villeneuve : Khi chúng ta nói về người nghèo, chúng ta đang nói về ai ? Về những người nghèo vật chất ? Bệnh tật ?

Étienne Grieu : Trong Thánh Kinh, có nhiều hình thức nghèo, trong đó có hình thức nghèo tinh thần. Nhưng những người mà chúng ta đang nói đến khi chúng ta nói về chọn lựa ưu tiên cho người nghèo, đó là tất cả những ai bị đe dọa đến tính mạng. Bị đe dọa bởi bệnh tật, bạo lực, đói khát, khinh miệt…Tất cả những người có nguy cơ rơi ra ngoài thế giới của chúng ta, và cả ra ngoài mối tương quan Giao ước.

Sophie de Villeneuve : Khái niệm này đã có ảnh hưởng quan trọng đến Giáo hội không ?

Étienne Grieu : Có, nó đã được lấy lại bởi huấn quyền và bởi các Giáo hoàng từ Đức Gioan-Phaolô II. Một nhận thức toàn cầu đã được thực hiện trong Giáo hội từ một hoàn cảnh địa phương.

Sophie de Villeneuve : Chúng ta biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã được ghi dấu nhiều như thế nào bởi bối cảnh mà ngài đã phát triển. Chúng ta có thể nói rằng Thượng hội đồng gần đây về Amazon cũng được ghi dấu bởi điều đó không ?

Étienne Grieu : Có. Trong tông huấn Evangelii gaudium của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi Giáo hội « đi đến các vùng ngoại vi », và khi ngài nói về các vùng ngoại vi, ngài cũng nghĩ đến những người rất nghèo. Toàn thể Giáo hội đã vang dội lại lời mời gọi này. Đó là một hoa trái của công đồng Vatican II vốn đã chín mùi sau đó. Thượng hội đồng đã quan tâm đến những vấn đề của Amazon, đặc biệt là những vấn đề sinh thái, nhưng cả những vấn đề về một Giáo hội đang sống trong tình trạng bấp bênh, với các cộng đồng nhỏ bé, rải rác, khó tiếp cận, có ít thừa tác viên…Chúng ta thực sự đang ở đó trong một Giáo hội ở vùng ngoại vi, mà từ kinh nghiệm của mình mời gọi toàn thể Giáo hội suy nghĩ. Chúng ta có thể chờ đợi gì từ Thượng hội đồng này và từ chủ đề « chọn lựa ưu tiên  cho người nghèo » ? Đối với tôi, Giáo hội được mời gọi kết nối lại với những gì đã từng là thực tại của mình trong những thế kỷ đầu tiên của sự tồn tại của mình. Đối với một Kitô hữu của các thế kỷ đầu tiên, trở thành Kitô hữu, đó cũng là ngồi vào bàn của người nghèo và biến họ thành bạn hữu của mình. Tôi nghĩ rằng đối với Giáo hội, điều đó có thể là một nhân tố canh tân đáng kể. Vì những người rất nghèo nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của Tin Mừng.

Sophie de Villeneuve :  Cha đã tham dự rất nhiều vào ngày Diaconia (phục vụ) cách đây vài năm, Cha đã bước đi và sống với những người rất nghèo. Điều đó có nhắc nhở Cha về phong trào vĩ đại này mà Châu Mỹ Latinh đã trải qua không ?

Étienne Grieu : Có, với điểm khác biệt là phong trào ở Châu Mỹ Latinh đã rất nhanh chóng và thường xuyên biến thành một cuộc đấu tranh giải phóng chính trị. Trong phương pháp tiến hành Diaconia, điểm lưu ý đầu tiên là lắng nghe và quan tâm đến những người được ghi dấu bởi tình trạng nghèo khổ to lớn. Sự biến động, mà việc lắng nghe đích thực tạo ra, cho phép đón nhận Tin Mừng. Nó không chỉ là về những biến đổi xã hội, nhưng còn về việc loan báo Tin Mừng.

Sophie de Villeneuve :  Đó có phải là những gì mà Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu chúng ta, loan báo  Tin Mừng hơn là thực hiện các cuộc đấu tranh chính trị ?

Étienne Grieu : Cả hai không thể tách rời nhau. Sẽ rất tàn nhẫn và bạo lực để nói với người nghèo rằng hoàn cảnh của họ là một điều tốt vì sự nghèo khổ của họ giúp chúng ta nhận ra Tin Mừng ! Dĩ nhiên, cần phải đấu tranh cùng với những người này để họ được giải thoát khỏi sự khốn khổ và bạo lực.

———————————-

 Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : croire.la-croix.com)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30