TẠI SAO TIN VÀO THIÊN CHÚA ? (1)
Tại sao tin vào Thiên Chúa? Bởi vì có những lý do để tin vào Chúa Giêsu, tác giả cuốn “La Méthode simple pour commencer à croire” (“Phương pháp đơn giản để bắt đầu tin”, nxb. Artège) giải thích, một phương pháp với ba chiều kích : lý trí, tâm hồn và ân sủng. Chính trên nền tảng của tình yêu mà tôi có thể chọn xây dựng đời mình cách hoàn toàn tự do và ý thức bởi vì tôi đã gặp được Chúa Kitô trong đời tôi.
Tại sao bạn là một Kitô hữu mà không phải là Do thái, Hồi giáo, Phật giáo hay vô thần? Nhiều người chờ đợi một chứng tá nhưng vào thời đại chúng ta, không phải lúc nào chúng ta cũng dành thời gian để “trình bày niềm hy vọng của mình” và chúng ta thường không nghĩ kỹ đến điều đó. Tuy nhiên, có những lý do to lớn và mạnh mẽ để chọn Chúa Giêsu. Nói tóm lại, chúng ta, những Kitô hữu, chúng ta tin vào Chúa Kitô, Đấng mời gọi chúng ta làm chứng cho Ngài. Các Đức Giáo hoàng đã không ngừng mời gọi chúng ta trở nên những nhà truyền giáo, mời gọi chúng ta đừng sợ, mời gọi chúng ta trở thành chứng nhân, ra khỏi chính mình.
Trở thành chứng nhân
Thông thường, khi chúng ta mạo hiểm yêu cầu ai đó làm chứng cho đức tin của họ, chúng ta thường có những câu đúng, nhưng không nhất thiết giúp chúng ta nhiều, như : “Trước tiên, đó là chứng tá đời sống của mình, trước tiên cần phải là một người nhất quán, cần phải là người yêu thương, cần phải tốt lành…” Những điều này hoàn toàn đúng, nhưng, ngày nay, chúng không đủ đối với nhiều người. Trong nhiều trường hợp, cần phải nói. Quả thế, bản thân đời sống đức hạnh không đủ dẫn đến Tin Mừng. Một đời sống hiếm gương mẫu đến nỗi tất cả mọi người đều có thể nhận thấy qua nó động cơ siêu nhiên đang thúc đẩy nó. Thậm chí trong trường hợp của Chúa Giêsu, Đấng hoàn hảo nhất, chúng ta thấy rằng đời sống ẩn dật ở Nadarét cách nào đó chỉ là một sự chuẩn bị. Cần phải có lời rao giảng của Ngài để bắt đầu khơi dậy những cuộc hoán cải.
Tại sao chúng ta tin?
Nhiều người chờ đợi một câu trả lời ít duy lý hơn, ít trí thức hơn. Điều đó không muốn nói rằng cần phải có những câu trả lời phức tạp; điều đó muốn nói: chúng ta có khả năng, đơn giản trả lời cho câu hỏi “Tại sao bạn tin?” không. Thực ra, thánh Phêrô nói: “Anh em hãy luôn sẵn sàng trả lời cho những ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1 P 3, 15). “trả lời” hay, tùy bản dịch, “đưa ra lý lẽ”. Phải nói gì với một người hỏi bạn: “Tại sao bạn tin?” Người Kitô hữu thường trả lời: “Tôi, tôi tin vào Chúa Giêsu. Ngài đã chết và đã phục sinh.” Nhưng điều đó không phải là tại sao bạn tin: đó là những gì bạn tin. Xã hội – ngay cả khi nó không chia sẻ đức tin của bạn – nói chung vẫn viết rằng người Kitô hữu tin vào một vị Thiên Chúa, Một Chúa và Ba Ngôi, một Thiên Chúa đã làm người, một Đấng Mêsia đã chết và họ tin đã phục sinh. Nhưng điều gì dẫn bạn đến chỗ tán thành tất cả điều đó?
Rốt cục, điều gì khiến cho bạn tin vào Chúa Giêsu-Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật, chết và phục sinh, hơn những người Hy Lạp hay những người Rôma thời đó đã tin vào thần Zeus và Jupiter? Thực ra, làm thế nào bạn trả lời cho một câu hỏi mở, đơn giản và chúng ta nhận thấy rằng câu trả lời (dĩ nhiên, có rất nhiều cách trả lời) không dễ dàng đến trên môi miệng của các tín hữu.
Tin bằng lý trí, tự do và tâm hồn mình
Theo định nghĩa cổ điển của thánh Tôma Aquinô, “đức tin là một hành vi của trí khôn, tuân theo thánh ý của Thiên Chúa nhờ ân sủng”. Như thế, đó là một hành vi dấn thân toàn thể thân phận con người chúng ta, tức là cả lý trí, tự do và tâm hồn chúng ta. Thực ra, ba điểm này là ba chiều kích của bản tính con người chúng ta, nghĩa là đức tin là một hành vi dấn thân toàn bộ nhân tính của chúng ta. Nó bao hàm tất cả các năng lực trỗi vượt của con người chúng ta, cách riêng trí khôn, ý chí, những gì mà chúng ta có thể coi như là tâm hồn (trái tim), tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.
Khi nói rằng đức tin là “một hành vi của trí khôn, tuân theo thánh ý của Thiên Chúa nhờ ân sủng”, thánh Tôma nói lên điều gì đó sâu xa, theo nghĩa rằng đức tin rõ ràng không chỉ là một hành vi của trí khôn mà thôi, nếu không nó sẽ là một lối tiếp cận dành cho những kẻ tinh quái và thông minh; thế nhưng, Chúa Giêsu nói với chúng ta điều ngược lại: “Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn” (Lc 10, 21). Vì thế, đó không thể chỉ là một hành vi của trí khôn. Đó cũng không thể chỉ là một hành vi của ý chí. Khi tôi còn trẻ, có những người bạn nói với tôi: “Bạn tin nếu bạn muốn tin điều đó, và thế là xong! Bạn chọn nó!” Điều này muốn nói rằng đó sẽ là một hành vi của những người đức hạnh, của kẻ mạnh, những người đã tập luyện nói vâng…Nhưng đức tin không dành riêng cho một nhóm tinh hoa có đức hạnh hay sức mạnh (theo nghĩa của ý chí). Và rồi sau cùng, có những người nói (chẳng hạn nơi một số cộng đoàn được gọi là “mới” vốn ưu tiên nhiều cho chỗ đứng của tâm hồn): “Tôi tin vào Thiên Chúa bởi vì tôi cảm nhận được Ngài”. “À, vâng, nhưng tôi, tôi không cảm nhận được Ngài!” “À, tiếp tục đi! Bạn sẽ cảm nhận được Ngài sau này!”… Chúng ta nhận thấy rằng tất cả những câu trả lời này nói lên điều gì đó về đức tin, nhưng chúng không đủ. Thậm chí chúng có thể làm suy yếu phần nào bản tính con người của chúng ta, theo nghĩa là, nếu quên đi một trong những chiều kích của nó, thì nó sẽ như bị cắt cụt…
Một sự quân bình
Tùy theo các thời đại, tùy theo các cộng đồng, tùy theo các linh đạo, người ta đã nhấn mạnh đến khía cạnh này hay khía cạnh kia, nhưng định nghĩa của thánh Tôma Aquinô tái lập một sự quân bình tốt đẹp. Vâng, đó là một hành vi của trí khôn vì đức tin, trước tiên đó là trí khôn nói xin vâng với Thiên Chúa, nhìn nhận rằng Thiên Chúa tồn tại và Thiên Chúa đã tỏ mình ra nơi Chúa Giêsu. Vì thế, theo quan điểm này, đó là một hành vi của trí khôn, vì tôi đưa ra một phán đoán : « Thiên Chúa hiện hữu » hay « Thiên Chúa đã tỏ mình ra nơi Chúa Giêsu ». Thứ hai, đó là một hành vi của ý chí, vì lời phát biểu này không hiển nhiên, thậm chí nó « không rõ ràng » : tôi không đạt tới đó qua trực giác, hoặc thông qua một lập luận hay một lý luận. Vì thế, có một thời điểm nào đó mà ý chí đi đến chỗ thể hiện lập trường, nhưng nó không thể hiện lập trường cách tùy tiện : nó thể hiện lập trường vì nó thấy sự thiện hảo thoáng được nhận ra trong chân lý này và trong những điều thiện hảo mà Chúa Giêsu đã hứa. Và rồi quả thật cuối cùng có một sự xác nhận bằng kinh nghiệm, bằng trái tim và đặc biệt bằng việc cầu nguyện : việc tìm kiếm đôi khi có chút lo lắng mà tôi đã thực hiện từ thời niên thiếu đã thực sự được xoa dịu và mãn nguyện trong sự tiếp xúc hằng ngày với việc cầu nguyện.
Với trí khôn
Trên bình diện trí khôn, các lý do để tin là rất nhiều. Tôi tóm tắt chúng bằng cách trước tiên gợi lên dấu chỉ lạ thường là những lời tiên tri, những bản văn mà, trong hàng thập kỷ và hàng thế kỷ, đã loan báo những điều vốn đã được thực hiện, được sinh lợi, được cụ thể hóa, trong đời sống của một người và trong trường hợp này là đời sống của Chúa Giêsu. « Hãy tưởng tưởng bạn tìm thấy một bản giấy cói (papyrus) cũ trong kim tự tháp Khéops. Trên bản giấy cói này, người ta nói với bạn rằng bạn sẽ được sinh hạ ở một nơi như vậy, bạn sẽ kết hôn với một phụ nữ như thế, bạn sẽ có bây nhiêu người con, bạn sẽ đến sống trong một thành phố như thế và, khi bạn ở thành đó, bạn sẽ bị bách hại, bạn sẽ lại rời đi để đi đến một nơi khác như vậy…. Bản giấy cói này đã được viết cách rõ ràng trước bạn hàng trăm hay hàng nghìn năm và, nếu nó xác nhận tất cả những gì bạn đã sống, thì bạn sẽ tự nhủ : « Có Đấng nào đó đi trước Lịch sử, có Đấng nào đó tồn tại trước Lịch sử » !» Vì thế, đó sẽ là lời xác nhận rằng có một sức mạnh vượt quá tự nhiên, nghĩa là có một sức mạnh siêu nhiên.
Việc ứng nghiệm các lời tiên tri loan báo Đấng Mêsia đến là một dấu chỉ rõ ràng khác. Nếu một số người Do Thái đã không nhìn nhận Ngài, thì cứ phải nhớ rằng tất cả các Kitô hữu đầu tiên đều là người Do Thái. Một số người Do Thái – cách riêng các thánh sử – đã nói rõ Chúa Giêsu đã ứng nghiệm lời Thánh Kinh đến mức nào. Nhiều lời tiên tri đã được nói rõ trong Tin Mừng : « Chúa Giêsu đã nói điều đó để lời Thánh Kinh được ứng nghiệm » hay trái lại : « Khi làm thế, ông đã ứng nghiệm lời Thánh Kinh ». Và rồi, có nhiều lời tiên tri đã được ứng nghiệm mà thậm chí các thánh sử đã không nhận thấy, nhưng chúng ta hiểu được hàng chục hay hàng trăm năm sau. Người ta nhận thấy những đoạn đối chiếu gây lúng túng giữa Cựu Ước và Tân Ước. Sự mong đợi của dân Israel, được cưu mang bởi vô số người và lời tiên tri trong nhiều thế kỷ để loan báo sự xuất hiện của một Đấng Mêsia sẽ là Đấng Cứu Độ thế giới, bằng cách gợi lên cách huyền nhiệm sự ra đời, cuộc sống, cái chết, sứ mạng, số phận, mầu nhiệm của Ngài, và thậm chí ngày Ngài xuất hiện, là một sự kiện độc nhất trên thế giới và không thể chối cãi về mặt lịch sử.
Thực ra, từ « Évangile » (Phúc Âm, Tin Mừng) là cách chơi chữ với từ « épangile » (epaggelia) mà, trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là « lời hứa ». Đức Hồng y Barbarin nhấn mạnh rằng Phúc Âm quả thật là Tin Mừng đáp lại lời hứa, épangile trong tiếng Hy Lạp, cho Israel ! Trong tiếng Pháp, chúng ta đã mất phần nào khái niệm đó : chúng ta chỉ giữ từ « Phúc Âm » và từ « Tin Mừng », nhưng trên thực tế, đối với các Kitô đầu tiên, toàn bộ Tin Mừng là hình đối xứng của « lời hứa dành cho cha ông chúng ta », để lấy lại những lời của Đức Trinh Nữ Maria (Lc 1, 55). Đó là một trong những khía cạnh đầu tiên mà dù sao có thể khơi dậy câu hỏi của những người đương thời với chúng ta.
Tin với các phép lạ
Cũng có cả phần chìm và siêu nhiên : tất cả các phép lạ, cách không gián đoạn trong truyền thống của Giáo hội, đã giúp ích cho Giáo hội và ghi dấu ấn trong lịch sử của chúng ta. Tất nhiên, đó là những phép lạ thời Chúa Giêsu, nhưng cũng là những phép lạ ngày nay, cho đến những phép lạ ở Lộ Đức, những lần Đức Mẹ hiện ra, những người được ghi dấu thánh (chẳng hạn, ta có thể gợi lên ở đây Marthe Robin, Cha Piô và thánh Phanxicô Assidi), với vô số dấu lạ và điều kỳ diệu đáng kinh ngạc (thi thể còn nguyên vẹn, ở hai nơi cùng một lúc (phân thân, lưỡng tại), hiện tượng chảy nước mắt, những cuộc chữa lành, những cuộc can thiệp, hương thơm, hiện tượng nâng cao lên khỏi mặt đất, các phép lạ Thánh Thể…). Cách chung chung hơn, chính những lời cầu nguyện được nhậm lời này, được nhậm lời đến nỗi người ta đã cảm thấy nhu cầu phải đặt các tấm đá tạ ơn lên tường để nói : « Tôi đã cầu xin điều đó và tôi đã nhận được, điều đó hoàn toàn chưa chắc đã xảy ra ! Vì thế, tôi muốn mọi người nhớ đến điều này về lâu sau này, vì tôi biết rằng một ngày nào đó tôi sẽ ra đi. Tôi muốn tấm đá này cho thấy tôi đã hưởng được một ân sủng rất đặc biệt hay kỳ diệu như thế nào. » Và Blaise Pascal nhấn mạnh : « Có thể tất cả các phép lạ không phải là thật, đó là khả thể. Nhưng sự kiện một số là giả chứng minh rằng một số khác là thật », vì nếu tất cả chúng đều là giả, thì người ta thậm chí sẽ không có từ « phép lạ » : người ta sẽ nói « sự gian dối ».
Đời sống của các thánh
Dấu chỉ lớn thứ ba có thể chạm đến trí khôn, đó là đời sống của các thánh. Dĩ nhiên, không phải tất cả Kitô hữu đều là thánh nhân, các Kitô hữu có lẽ còn không tốt hơn những người nói chung. Nhưng trong lịch sử nhân loại, tôi muốn người ta cho tôi thấy những mẫu gương về một cường độ như thế trong bậc thang của sự cho đi, của sự hy sinh quên mình, của sự dâng hiến bản thân (dĩ nhiên có rất nhiều vị đại thánh được biết đến và được mọi người yêu mến, như thánh Phanxicô, thánh Vincent de Paul, Mẹ Têrêxa hay Sơ Emmanuelle), nhưng có lẽ cách sâu xa hơn những mẫu gương của những người đã chấp nhận chết cho tha nhân ; tôi nghĩ đến cha Maximilianô Kolbê hay các đan sĩ ở Tibhirine, đến tất cả những người mà, vào một thời điểm nào đó, đã nói : « Tự đáy lòng, những gì quan trọng nhất trong đời tôi, tôi dâng tặng nó ». Ở đây, có một dấu chỉ quan trọng vì, trong bản tính con người, không có gì được làm nên như thế : đúng hơn, người ta muốn giữ quyền lực, tiền bạc, sự vui thú của mình. Nhưng chết đi cho chính mình là một dấu chỉ chạm đến trí khôn, từ khi sự sống được cho đi vì sự sống…
Đời sống của các thánh là một mầu nhiệm lớn lao vì đó chính là phản ảnh của đời sống của Chúa Kitô. Câu nói của Charles Péguy tóm tắt rất tốt ý tưởng này : người ta có thể nói rằng Thiên Chúa đã tiên báo về Con của Ngài qua các ngôn sứ, Ngài đã nói mọi sự trong Con của Ngài và Ngài lặp lại mọi sự qua đời sống của các thánh. Có cả một sự chuẩn bị, một sự hiện tại hóa và một xác nhận vừa bằng các phép lạ vừa bằng đời sống của các thánh. Các vị tuẫn đạo của Giáo hội sơ khai, những người đã hiến dâng mạng sống mình để làm chứng cho sự thật mà không có bất kỳ bạo lực nào, đã mang lại một chứng tá mạnh mẽ đến nỗi cuối cùng họ sẽ thành công trong việc làm cho Đế quốc Rôma hoán cải.
Sự thiện và sự dữ
Sự dâng hiến của nhiều người cho Chúa Kitô qua các thế kỷ cũng là một dấu chỉ hùng hồn. Những lời được nói trong ba năm bởi một Người thợ mộc trẻ, đến từ một tỉnh ít người biết đến ở Palestin, ở biên giới Đế chế Rôma, sẽ trở thành cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại, như lời Ngài đã tiên báo : « Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu » (Lc 21, 33). Tiếp đến, trong suốt dòng lịch sử, sứ điệp này của Chúa Giêsu Kitô đã không ngừng thu hút nhiều người nam và người nữ chọn bước theo Ngài bằng cách dâng hiến đời mình cho Ngài trên con đường đầy đỏi hỏi, triệt để, không muốn nói là bất khả thi.
Trái lại, một dấu chỉ khác rất tác động đến trí khôn của người tin là sự hiện diện của Sự Dữ mà tự nó chứng thực Sự Thiện. Nói cách khác, các hiện tượng rõ ràng siêu nhiên gắn liền với sự hiện diện của ma quỷ, với các lang băm, các pháp sư – bất kể nội dung của chúng là gì – đều cho thấy rằng không tin vào Thiên Chúa vì người ta không thấy Ngài, nhiều người đã tin vào sự hiện diện của ma quỷ vốn vượt quá phạm vi vất chất và tự nhiên. Và tôi nghĩ rằng phạm vi tiêu cực, xấu xa, đôi khi rõ rệt này, chứng minh sự tồn tại của một vị Thiên Chúa. Nhiều người nói rằng, nếu có Sự Dữ, thì không có Sự Thiện ; nhưng có vẻ lôgíc hơn khi nói rằng tất cả những sự hiện diện đó đều chứng thực một cách nghịch lý sự hiện diện của Thiên Chúa.
(xem phần 2 ở đây)
—————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(theo Pierre Durieux, Aleteia)
Tags: các thánh-nhân vật
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM