TẠI THƯỢNG HỘI ĐỒNG, KHÔNG AI CÓ Ý KIẾN THAY ĐỔI GIÁO THUYẾT

Written by xbvn on Tháng Mười 8th, 2014. Posted in Gia đình, Linh mục, Luân lý, Thế Giới, Tý Linh

« Trong các bài tham luận của các Nghị Phụ, không có ai yêu cầu một sự thay đổi giáo thuyết », một trong những vị phát ngôn viên của Văn phòng báo chí Tòa Thánh đã khẳng định như thế hôm 7/10, vào ngày thứ hai của khóa họp chung của THĐ Giám mục về gia đình. « Đúng hơn cần phải đào sâu việc hiểu chính giáo thuyết này ».

Trong số những thay đổi mà các tham luận viên nêu lên, mà các bài tham luận của họ vẫn chưa được phổ biến nhưng được Tòa Thánh tóm ý lại mỗi ngày, thì điều được đề cập đến nhất là tầm quan trọng của việc thay đổi « ngôn ngữ ». « Những lối diễn tả như « hỗn độn tự nội », « sống  trong tội lỗi », hay « não trạng ngừa thai » không nhất thiết thích hợp để nói với người ta. Điều đó không giúp dẫn họ đến với Chúa Kitô », một trong những diễn giả đại ý khẳng định như thế. Từ vựng này được dùng cách đều đặn trong các văn kiện chính thức của Giáo Hội, trong sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo cũng như trong Giáo luật hay những bản văn do các Bộ khác nhau của Tòa Thánh phổ biến.

« Cần nhấn mạnh đến các giá trị tích cực hơn là tiêu cực »

Những bài tham luận hôm thứ Ba 7/10/2014 đặc biệt bàn về các chủ đề « Tin Mừng về gia đình và luật bản nhiên », và « gia đình và ơn gọi của con người trong Chúa Kitô ».

Một số Giám mục cũng đã gợi ý rằng Giáo Hội, trong lãnh vực mục vụ gia đình, chuyển từ một « thái độ kiên định bảo vệ các giá trị của chúng ta » đến một « thái độ tấn công » cho thấy niềm hy vọng gắn liền với hôn nhân. « Cần phải nhấn mạnh đến các gia trị tích cực hơn là tiêu cực », một tham luận viên nhận xét. « Chúng ta sẽ không phải đấu tranh chống lại giới tính nếu chúng ta không đề nghị một con người nên thánh đích thực, qua tính dục ».

« Luật tiệm tiến »

Sau cùng, một phần cuộc tranh luận đã bàn đến luật tiệm tiến, được mô tả bởi một số tham dự viên như là « một chiếc cầu thang cho phép tiếp cận, từng bước một », những đòi hỏi luân lý của Giáo Hội. « Vào năm 1992, ở THĐ trước đây về gia đình, đã có nhiểu thảo luận xung quanh khái niệm này », ĐHY Vincent Nichols, Tổng Giám mục Westminster, cho biết như thế bên lề THĐ. « Đó là một luật mục vụ của thần học luân lý vốn cho phép người ta leo lên các bậc cấp từng bậc một ».

Ngài cũng nhắc lại lối phân biệt mà Đức Gioan-Phaolô II đã đưa ra vào thời điểm đó : « Đừng lẫn lộn luật tiệm tiến với sự tiệm tiến của luật ».

Bản tin của VIS cho biết, theo gương Công đồng, các Nghị Phụ lần này đề nghị cần phải đối thoại với thế giới, một sự mở ra có tính phê bình, nhưng chân thành. Nếu Giáo Hội không lắng nghe thế giới, thì thế giới cũng sẽ không lắng nghe Giáo Hội. Nhưng cuộc đối thoại này phải nhắm đến những chủ đề quan trọng như sự bình đẳng phẩm giá nam nữ hay việc từ bỏ bạo lực…Vấn đề hệ tại chuyển từ thái độ phòng vệ sang đề nghị, tức là tái đề nghị đức tin bằng một ngôn ngữ mới và bằng những chứng tá có sức thuyết phục xây dựng lại một chiếc cầu với xã hội….Đối diện với các đôi bạn đang gặp khủng hoảng, Giáo Hội phải thông hiểu và có lòng thương xót, và hình dung vấn đề dưới đường hướng một công lý tôn trọng kế hoạch của Thiên Chúa. Chắc chắn, hôn nhân vẫn là một bí tích bất khả phân ly. Chân lý là chính Chúa Kitô chứ không phải một tổng thể các quy luật, cần phải duy trì các nguyên tắc và  đồng thời thích ứng các hình thức. Tính mới mẻ trong sự liên tục, như Đức Bênêđictô XVI đã nói. Nếu THĐ không đặt vấn đề giáo thuyết, thì nó suy nghĩ về mục vụ, về việc phân định thiêng liêng cần thiết cho việc áp dụng giáo thuyết khi đối diện với những vấn đề gia đình. Lòng thương xót không loại bỏ các giới răn, nó là chìa khóa để hiểu các giới răn…Cần phải yêu mến cách chân thành các gia đình đang gặp khó khăn…Loan báo vẻ đẹp và sự tốt lành của gia đình không thể bị giới hạn vào não trạng hồi cổ, vào việc đề nghị một lý tưởng phải bắt chước, nhưng là một sự làm nổi bật giá trị của giao ước dứt khoát của đôi bạn đối với Thiên Chúa.

Cũng trong buổi họp chung lần hai ngày 6/10 này, một điểm quan trọng khác cũng được làm sáng tỏ: từ bỏ óc giáo sĩ trị. Dường như Giáo Hội thường bận tâm đến quyền lực của mình hơn là phục vụ. Hãy trở lại để bắt chước Chúa Kitô và trở lại với lòng khiêm nhường. Việc cải cách Giáo Hội phải bắt đầu bằng việc cải cách hàng giáo sĩ. Các tín hữu phải tìm thấy những mục tử trong đường lối của Chúa, có khả năng dẫn họ đến với một Giáo Hội tràn ngập Tin Mừng. Vấn đề được đề cập là tính dục trong hôn nhân, và về giá trị thiết yếu của nó. Nó bị phê phán khi được sống ngoài hôn nhân, và tình yêu vợ chồng hầu như là một nhượng bộ cho sự yếu đuối của con người. Ở đây cần thiết có những linh mục được đào tạo tốt, nhưng cả những chính sách gia đình có khả năng làm sinh động đức tin nơi các gia đình Kitô giáo. Trong cuộc họp bàn tròn lúc 18 giờ và 19 giờ, THĐ cũng bàn đến các giáo sĩ kết hôn trong các Giáo Hội Đông phương mà đôi khi cũng gặp khủng hoảng đôi bạn vốn có thể dẫn đến việc phân ly.

Trong khóa họp chung lần ba của THĐ (7/10), lần này các Nghị Phụ yêu cầu cần thiết có một sự chuẩn bị tiền hôn nhân tốt hơn, vững chắc và hữu hiệu. Không chỉ để cập đến các phương thuốc cho những thất bại vợ chồng, nhưng cả những điều kiện giúp thành công trong hôn nhân. Vì thế cần thiết mang lại một cái nhìn về hôn nhân vốn không bị hạn chế vào thành công của nó, nhưng trình bày nó như là bước chuyển đến một mục đích cao hơn, nhờ vào sự khổ chế cá nhân của các đôi bạn, vốn là sức mạnh và nghị lực…Việc chuẩn bị bí tích Hôn Phối phải kéo dài cho dầu điều đó có nguy cơ giảm đi con số lễ cưới ở nhà thờ. Không nên chất đầy các vụ án hôn phối cho các tòa án Giáo Hội…Giáo huấn của Giáo Hội phải có tính kích thích chứ không hạn chế vào các luật cấm. Như Chúa Giêsu, Giáo Hội phải gần gũi con người…Vấn đề không phải là chọn lựa giữa giáo thuyết và lòng thương xót, nhưng là phát triển một nền mục vụ rõ ràng, khích lệ các gia đình đang gặp khủng hoảng mà  thường không cảm thấy thuộc về Giáo Hội nữa. Đối diện với các đôi bạn đang gặp khó khăn và ly dị tái hôn, Giáo Hội phải nói lên chân lý chứ không phải phán xét. Và chính lòng thương xót mà săn sóc và đồng hành… Các gia đình khủng hoảng không muốn là những thông số những cần được hiểu và yêu mến. Cần dành chỗ cho lô-gíc bí tích hơn là lô-gíc pháp chế. Về bí tích Thánh Thể, cần tái khẳng định rằng đó không phải là bí tích cho người hoàn hảo, nhưng cho người lữ hành. Không đủ việc thay đổi từ vựng để thiết lập một chiếc cầu và dấn thân đối  thoại hữu hiệu với các tín hữu. Đó thực là một cuộc hoán cải mục vụ đang cần đến để làm cho việc loan báo Tin Mừng hữu hiệu hơn.

THĐ tiếp tục đề cập đến các chiều kích cụ thể của gia đình là ơn gọi đến sự sống, sứ mạng và đón tiếp. Làm chứng cho Chúa Kitô xuyên qua sự hiệp nhất gia đình biến gia đình thành trường học đầu tiên về tha nhân. Giáo dục việc nên thánh trong gia đình cũng được nói đến bằng việc kinh nguyện mà thông truyền đức tin của cha mẹ cho con cái. Và ở đây nữa, các linh mục và giáo lý viên cần được một nền đào tạo thích ứng.

Tý Linh

Theo la Croix và VIS

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30