TÂN PHÚC ÂM HÓA – ĐÃ QUA RỒI HAY CHƯA TỚI?

Written by lcd on Tháng Chín 7th, 2018. Posted in Lm Lê Công Đức, Thiên Phong, Truyền giáo

Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

 

  1. DẪN NHẬP

Có lẽ văn kiện huấn quyền mới nhất chuyên biệt về sứ mạng là Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium, 24.11.2013) của Đức thánh cha Phanxicô. Không gọi là một tông huấn hậu thượng hội đồng, nhưng thực sự nó cũng đến từ Thượng hội đồng Giám mục 2012 về “Tân Phúc âm hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo” (x. EG 14) diễn ra khi Đức Biển Đức XVI còn tại vị giáo hoàng.

Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Phanxicô không thường dùng trực tiếp cụm từ “tân Phúc âm hóa”, ngài chỉ dùng 12 lần, nhưng ngài luôn ám chỉ nó bất cứ khi nào ngài nói đến sứ mạng loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay. Đề tài của bài này mang hình thức một câu hỏi: “Tân Phúc âm hóa – đã qua rồi hay chưa tới?”. “Tân Phúc âm hóa” ở đây nhằm qui chiếu đến tất cả các hàm ý nói trên của Đức Phanxicô, và rộng hơn, muốn qui chiếu đến Thượng hội đồng Giám mục 2012 về chủ đề này…

Đã qua rồi? Hay chưa tới?

Phải chăng qua rồi, vì đã 6 năm trôi qua kể từ Thượng hội đồng ấy, và đã 5 năm kể từ ngày công bố Tông huấn Evangelii Gaudium? Và phải chăng tất cả đã thuộc về quá khứ, như số phận hẩm hiu của nhiều thông điệp, tông huấn của các giáo hoàng? Chưa tới, nếu như những định hướng và ánh sáng được cung cấp bởi các nghị phụ và nhất là bởi Đức thánh cha vẫn chưa được nhìn thấy trong thực tế đời sống và sứ mạng của Giáo hội tại địa phương chúng ta.

Qua rồi hay chưa tới – trường hợp nào cũng đáng buồn. Như chuyện kể về vị giám mục nọ đi Thêm sức và thăm mục vụ tại một giáo xứ trong giáo phận. Đông đảo giáo dân, trong trang phục chỉnh tề, rải hàng ra thật xa, cách nhà thờ đến vài cây số, để đón đức cha cho thật long trọng. Đã quá giờ theo lịch hẹn trước, mà vẫn không thấy đức cha đâu cả, họ tiếp tục chờ, chờ mãi. Hai mươi phút sau, tất cả họ mới té ngửa nghe nói rằng đức cha đã vào trong nhà thờ rồi. Thì ra, ngài đến trong một ô tô cà tàng, xen lẫn trong những xe cộ khác, và ngài đã không xuống xe cho họ rước, nên họ đã không thấy ngài và vẫn cứ đứng chờ! Đức cha đi qua rồi… mà họ vẫn nghĩ ngài chưa tới. Điều mà họ muốn là đón ngài, rước ngài, là có ngài với họ. Họ muốn gặp ngài, sờ chạm ngài, hôn nhẫn ngài. Điều đó, thật tiếc, đã không xảy ra! Họ bị ‘hors jeu’!

Chúng ta cũng không muốn bị ‘ọoc rơ’ như vậy. Chúng ta muốn ‘tân Phúc âm hóa’ thực tế diễn ra trong hiện tại này, chứ không phải là cái gì đã qua rồi hay chưa tới. [Cũng từ thao thức này mà chúng tôi đã dịch Việt ngữ quyển sách Saint Paul and the New Evangelization (Thánh Phaolô và Tân Phúc âm hóa) của Cha Ronald D. Witherup, Tổng quyền Xuân Bích, quyển sách suy tư đào sâu các nội dung của Thượng hội đồng Giám mục về Tân Phúc âm hóa từ lăng kính con người và sứ vụ của Thánh Phaolô, hy vọng sẽ xuất bản nay mai].

Trước hết tôi sẽ đề cập vắn tắt về ý niệm tân Phúc âm hóa, rồi sẽ nêu các đặc điểm của tân Phúc âm hóa, từ đó rút ra ba điểm cốt yếu về mục tiêu, động lựcphương thức của sứ mạng tân Phúc âm hóa, đây là những điểm trọng tâm của bài này. Cuối cùng là một kết luận gợi mở…

  1. TÂN PHÚC ÂM HÓA LÀ GÌ?

Đó là công cuộc loan báo Tin Mừng mới! Không phải ‘Tin Mừng’ mới, mà ‘công cuộc loan báo’ mới – nghĩa là giả thiết một sự đổi mới trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội. Điều này đòi một cuộc hoán cải mục vụ toàn diện và sâu xa mà Đức thánh cha Phanxicô hình dung trong Evangelii Gaudium, văn kiện có tính cương lĩnh cho triều giáo hoàng của ngài (x. EG 25-33).

Bắt rễ từ Tông huấn Evangelii Nuntiandi (8.12.1975) của Đức Phaolô VI, cụm từ “tân Phúc âm hóa” có lẽ được Đức Gioan Phaolô II dùng lần đầu tiên trong chuyến viếng thăm quê hương Ba Lan của mình hồi tháng Sáu năm 1979. Vài năm sau, ngài lại nói đến “tân Phúc âm hóa” tại Haiti năm 1983 nhân một cuộc hội nghị của các giám mục Mỹ Latinh và vùng Caribê. Đặc biệt, chính Đức Gioan Phaolô II đã tiếp tục đề cập về tân Phúc âm hóa trong Thông điệp Redemptoris Missio (1990), trong đó quả thật ngài dùng cả hai cụm từ – tân Phúc âm hóatái Phúc âm hóa – hầu như đồng nghĩa với nhau (x. RM 33; IL 13 và Christifidelis Laici 34)…

Chính Thượng hội đồng Giám mục 2012 sẽ định nghĩa rõ hơn về tân Phúc âm hóa. Cha Witherup đã tiếp cận trước hết bằng cách chỉ ra tân Phúc âm hóa không phải là gì. Như đã nói trên, tân Phúc âm hóa không phải là một sứ điệp Tin Mừng mới, vì Tin Mừng luôn là một và không thay đổi qua dòng lịch sử. Chân lý của Tin Mừng bất di bất dịch. Tân Phúc âm hoá cũng không chỉ là việc nắn đúc một công thức mới từ một sứ điệp cũ. Mặc dù những dạng thức diễn đạt mới là cần thiết, nhưng bản thân chúng không tạo nên một cuộc tân Phúc âm hóa. Tân Phúc âm hóa cũng không chỉ là sự hâm nóng cuộc Phúc âm hóa cũ theo nghĩa kích hoạt lại sứ mạng rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô đến tận cùng cõi đất, dẫu cho đây vẫn là một phần sứ mạng của Giáo hội trong mọi thời.

Dường như ta có thể nói cách đơn giản: Tân Phúc âm hóa là công cuộc Phúc âm hóa hay Loan báo Tin Mừng thích hợp và hữu hiệu cho thời đại của mình hôm nay.

  1. CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA TÂN PHÚC ÂM HÓA

Từ những ghi nhận trên, tác giả quyển Thánh Phaolô và Tân Phúc âm hóa đi đến mô tả sáu đặc điểm của công cuộc tân Phúc âm hóa này. [Ghi chú: Những nguồn dẫn ghi ‘Lin’ và ‘IL’ qui chiếu đến Bảng Câu hỏiTài liệu Làm việc của Thượng hội đồng Giám mục 2012].

– Thứ nhất, tân Phúc âm hóa mang tính biệt vị và quy Kitô, tập chú vào việc thúc đẩy một mối tương quan cá vị với Đức Giêsu Kitô. Tân Phúc âm hóa đặt trọng tâm nơi con người của Đức Giêsu Kitô. Trong tư cách Đấng Cứu độ của thế giới, Ngài mời gọi mọi người đi vào trong tương quan. Cả Đức Gioan Phaolô II lẫn Biển Đức XVI đã nhiều lần nhấn mạnh đức tin là một cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Giêsu Phục sinh (xem thêm IL 18). Khi một người theo đạo và gia nhập Giáo hội, ta thường nói rằng người ấy “trở lại”, một từ rất hay. Nhưng đừng quên trước hết đó là “trở lại” với Đức Giêsu Kitô, với Thiên Chúa!

Một khía cạnh thiết yếu của cuộc gặp gỡ này là Lời Thiên Chúa, vì Đức Giêsu chính là Lời hằng sống, Lời hóa thành nhục thể. Vì thế, mọi nỗ lực vươn ra sẽ liên can đến việc giúp người ta gặp gỡ Lời Thiên Chúa và nhất là gặp gỡ Đức Giêsu Kitô theo một cách thức cá vị. Đức Phanxicô nói trong EG: “Là Kitô hữu, đó không phải là kết quả của một chọn lựa đạo đức hay lý tưởng cao siêu, nhưng là gặp gỡ với một biến cố, một con người, sự gặp gỡ đem đến cho cuộc đời một chân trời mới và một hướng đi quyết định” (số 7).

Quan điểm đẫm tính cá vị này đưa tân Phúc âm hóa vượt trên việc duy chỉ truyền bá nội dung đức tin. Tân Phúc âm hóa không chỉ là chia sẻ một sứ điệp hay những nét tinh yếu của Kitô giáo. Nó bao hàm một lời mời gọi đi vào trong mối tương quan cá vị, tiên vàn với Đức Kitô, rồi với tất cả những ai đón nhận Người trong tư cách là Đấng Cứu Độ của thế giới.

– Thứ hai, tân Phúc âm hóa mạnh mẽ kêu gọi một cuộc tái khám phá tinh thần thừa sai giữa mọi tín hữu. Đây thiết yếu là một tiếng gọi khám phá lại lòng nhiệt thành và nỗ lực vươn ra, vốn là nét đặc trưng nơi những môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu, khi họ được Chúa Thánh Thần trao ban sức mạnh trong lễ Hiện Xuống để ra đi và rao giảng Tin Mừng (x. Cv 2,1-13). Tân Phúc âm hóa bao hàm một niềm khát khao chia sẻ chân lý của sứ điệp Tin Mừng với bất cứ ai sẵn lòng lắng nghe. Nó cũng đòi một linh đạo thừa sai nào đó liên can đến sức mạnh, lòng dũng cảm và nguồn năng lực mới mẻ.

Các giám mục châu Mỹ La tinh đã nêu bật chủ đề này trong cuộc họp của các ngài, với sự tham dự của Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, tại Aparecida, Brazil (13-31.5.2007). Tài liệu chung quyết (2008) từ hội nghị này đã nói về việc những người Công giáo cần trở thành những “thừa sai môn đệ” hay những “môn đệ thừa sai” (Aparecida, 2.2.E; 3.A). Văn kiện trên cũng chỉ ra vai trò của những cộng đoàn nhỏcommunidades de base (tiếng Tây Ban Nha), nghĩa là những nhóm nhỏ các tín hữu – trong việc thúc đẩy sự chuyển hoá này (Aparecida, 64.3). Những nhóm nhỏ này đã trở nên quan trọng trong bối cảnh của một số giáo xứ Công giáo rộng lớn ở nhiều nơi trên thế giới. Một cách thiết yếu, mọi tín hữu trong Giáo hội đều được yêu cầu kích hoạt lại tinh thần thừa sai này.

– Thứ ba, tân Phúc âm hóa không chỉ hướng ngoại (ad extra) mà còn hướng nội nữa (ad intra) (IL 76). Dĩ nhiên, sứ mạng của Giáo hội luôn mang tính loan báo Tin Mừng, vươn ra ngoài, tìm cách đưa Đức Kitô vào trong những vùng chưa biết đến đức tin. Nhưng tân Phúc âm hóa cũng đồng thời mang tính hướng nội, nhắm đến những người đã gặp gỡ Đức Giêsu Kitô nhưng vì nhiều lý do khác nhau có thể đã từ bỏ đức tin của họ, hoặc đang thờ ơ nguội lạnh với đức tin ấy. Có thể nói đây là lời kêu gọi một cuộc tái Phúc âm hóa ở những vùng và giữa những người mà cuộc Phúc âm hóa trước đó đã gặp phải những thách đố làm ngáng trở sự phát triển, tựa như dụ ngôn hạt giống của Đức Giêsu (IL 85, x. Mt 13,3-8; 18-23). Không phải tất cả “lời rao giảng Nước Trời” (Mt 13,19) đều đã rơi trên đất tốt! Khác với Máccô (x. Mc 4,8), phiên bản của Mátthêu về dụ ngôn này nói về mùa gặt đang giảm sút chứ không phải đang gia tăng – là điều xem chừng sát với thực tế hơn, khi chúng ta đứng trước những thách đố thời nay đối với công cuộc tân Phúc âm hóa. Nói cho cùng, tân Phúc âm hóa hướng đến cả những người tin lẫn những người không tin.

– Khía cạnh thứ tư của tân Phúc âm hóa, đó là nó không chỉ nhắm đến các cá nhân mà còn nhắm đến toàn bộ các nền văn hóa (IL 49, 52). Tân Phúc âm hóa bao hàm một nỗ lực đưa các nền văn hóa hiện đại tiếp xúc với Đức Giêsu Kitô và giúp chúng hoán cải trở về với sứ điệp Tin Mừng. Đây là một dự án đầy dũng cảm. Nghe có vẻ đầy tham vọng, nhưng đây là tham vọng không chỉ rất chính đáng mà còn rất cần thiết!

Tham vọng này đòi hỏi hơn nhiều chứ không duy chỉ việc rao giảng Tin Mừng cho các cá nhân, mặc dù đó là một nhiệm vụ thường hằng. Để tác động đến toàn bộ các nền văn hóa, nơi mà những ảnh hưởng của các xã hội thế tục hiện đại được thấy quá rõ nét, Giáo hội phải dùng các phương tiện truyền thông mới và các phương pháp hiện đại để thúc đẩy sự tương tác xã hội theo cách thức sao cho biến đổi chính xã hội, biến nó thành một cộng đồng nhân loại lý tưởng hơn, theo như chính nó được kỳ vọng. Có thể xem Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI như một mẫu gương. Hồi cuối năm 2012, ngài đã bắt đầu đăng các “tweet” trên Twitter, tức những thông điệp ngắn không quá 140 ký tự, để đến với các cư dân mạng trên toàn thế giới, nhất là giới trẻ.

– Đặc điểm thứ năm, đó là công việc Phúc âm hóa không chỉ dành cho các nhà thừa sai, các giáo sĩ hay các chuyên viên, nhưng là cho mọi Kitô hữu. Không ai được miễn trừ (IL 89, 92, 118; Evangelii Nuntiandi 59), vì Phép Rửa là thánh hiến, và thánh hiến là để được sai đi. Mọi người đã lãnh phép Rửa đều được kêu gọi thực thi sứ mạng làm cho muôn dân trở thành môn đệ (Mt 28,16-20) – hay nói theo ngôn ngữ của tài liệu Aparecida – trở nên những “môn đệ thừa sai”. Trong một bối cảnh Công giáo, điều này cũng lại là một thách đố, bởi lẽ nhiều người Công giáo không đủ nhiệt tâm để rao giảng đức tin của mình cách công khai, là một nét khá quen thuộc trong truyền thống của phái Tin Mừng. Lineamenta của Thượng hội đồng đã tuyên bố điểm này cách rõ ràng:

Trách nhiệm loan báo và rao giảng không phải là công việc của một cá nhân đơn lẻ hay của một số ít được tuyển chọn, nhưng là một ân huệ dành cho tất cả những ai tin tưởng đáp trả tiếng gọi của đức tin. Thông truyền đức tin cũng không phải một công việc chuyên môn được gán cho một nhóm người hay cho những cá nhân được chỉ định cách chuyên biệt, nhưng là một kinh nghiệm của mọi Kitô hữu và của toàn thể Giáo hội. Xuyên qua công việc này, Giáo hội liên lỉ khám phá lại căn tính của mình như một Dân được hiệp nhất nhờ tiếng gọi của Thánh Thần, Đấng quy tụ chúng ta từ vô số các cảnh vực của đời sống thường ngày để kinh nghiệm sự hiện diện của Đức Kitô giữa chúng ta, và nhờ đó khám phá Thiên Chúa là Cha. (Lin 12; xem thêm Verbum Domini 94; và IL 11)

– Cuối cùng, tân Phúc âm hóa mở tầm nhìn về một toàn thể tiến trình Kitô h, trong đó người ta gắn kết với Chúa Phục Sinh đến mức toàn bộ đời sống của họ thay đổi. Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói về “tiến trình phức hợp” của Phúc âm hóa (Evangelii Nuntiandi 24), và tình hình trong thế kỷ 21 cũng không bớt phức hợp hơn. Tầm nhìn này rất đặc trưng ‘Phaolô’ về mặt quan niệm, vì Phaolô rõ ràng nói đến một “cuộc tạo dựng mới” khi nói về đời sống mới của ngài (và của những người khác), một đời sống được tìm thấy trong Đức Kitô (x. 2Cr 5,17; Gl 6,15). Mục tiêu là sự biến đổi toàn diện, cả bên trong lẫn bên ngoài, để trở nên con người mới trong Đức Kitô. Cách lý tưởng, tiến trình này dẫn đến một lối sống mới phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa.

Sự “biến đổi toàn diện” hay “toàn thể tiến trình Kitô hóa” nói trên là kết quả của việc thi hành chức năng Vương đế do Phép Rửa. Nó được ý niệm rất hay trong tính cách trần thế (tiếng Pháp: sécularité) của các tu hội đời: Ở giữa trần thế để thánh hóa trần thế từ bên trong bằng các phương tiện của trần thế!

Sáu đặc điểm trên không nhằm trình bày toàn triệt về tân Phúc âm hóa, nhưng chúng có thể giúp chúng ta thường xuyên trở lại với Thánh Kinh, nhất là Thánh Phaolô, để nhận cảm hứng. Câu hỏi thực sự được đặt ra là liệu những người Công giáo, và có lẽ cả những Kitô hữu khác, có thật sự sẵn sàng chuyển đức tin thành hành động phù hợp với loại tầm nhìn này hay không.

  1. MỤC TIÊU, ĐỘNG LỰC VÀ PHƯƠNG THỨC CỦA SỨ MẠNG TÂN PHÚC ÂM HÓA

Thiết tưởng, sáu đặc điểm nêu trên, cách nào đó, làm hiện lộ khá rõ mục tiêu, động lựcphương thức chủ yếu của sứ mạng tân Phúc âm hóa hôm nay.

Mục tiêu cuối cùng của sứ mạng tân Phúc âm hóa là Nước Trời hay Triều đại Thiên Chúa. Tân Ước cho thấy có ít nhất ba hàm nghĩa của Triều đại Thiên Chúa. Thứ nhất, nó là một Vương quốc đã bắt đầu, đang trên đường đi, và chờ được hoàn thành. Thứ hai, nó là Nước Trời trong tình trạng hoàn thành chung cuộc, hay đời sau. Thứ ba, nó hiện thân nơi chính con người của Đức Giêsu Kitô, ‘auto-basilica’ (x. Mt 11; Lc 17,21). Ý nghĩa thứ ba này của Triều đại Thiên Chúa được chứa đựng rõ trong tính biệt vị và qui Kitô của tân Phúc âm hóa (đặc điểm 1), trong định hướng nhắm đến toàn bộ các nền văn hóa (đặc điểm 4), và trong tầm nhìn về toàn tiến trình Kitô hóa (đặc điểm 6).

Triều đại Thiên Chúa, đó là Các Mối Phúc của Tin Mừng, tức chân dung Đức Giêsu, được sống bởi cộng đoàn môn đệ thừa sai. Đức Phanxicô kêu mời mọi Kitô hữu đi vào một cuộc gặp gỡ mới mẻ với Đức Giêsu Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình mỗi ngày (x. EG 3 và 7). Đó là Triều đại Thiên Chúa đang được xây dựng.

Có thể thấy, Triều đại Thiên Chúa là mục tiêu và Giáo hội là phương tiện, cũng như nơi chính bản thân Giáo hội thì chiều kích cơ chế phục vụ cho chiều kích đặc sủng, chứ không ngược lại. Triều đại Thiên Chúa cốt ở định phẩm chứ không ở định lượng. Theo đó, kiểu thức ‘trồng Giáo hội’ và ‘cứu linh hồn’ nhường chỗ cho kiểu thức ‘sứ mạng ở giữa các dân tộc’ (missio inter gentes) mà các giám mục Á châu (FABC) đã hình dung – với biểu tượng tốt nhất có lẽ là các hình ảnh về muối, men và ánh sáng được Đức Giêsu dùng trong sách Phúc Âm (x. Mt 5,13-16). Muối, men, ánh sáng là những thứ làm việc bằng sự hiện diện rất âm thầm nhưng đầy tác động.

Động lực sâu xa của sứ mạng tân Phúc âm hóa là niềm vui Tin Mừng. Lệnh truyền “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19) dĩ nhiên là động lực. Nhưng động lực này luôn giả thiết niềm vui sâu xa bên trong người môn đệ thừa sai (x. EG 263). Niềm vui này bừng nở từ cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô (đặc điểm 1 của công cuộc tân Phúc âm hóa) và hình thành cảm thức về căn tính môn đệ thừa sai (đặc điểm 2). Đó là niềm vui của người đã lãnh nhận tình yêu cứu độ của Đức Kitô. Đó là thứ tình yêu làm cho chúng ta cảm thấy nhu cầu phải nói về người yêu, chỉ cho người khác thấy người đó, làm cho người đó được biết đến (x. EG 264).

Ta hiểu tại sao niềm vui được tô đậm xuyên suốt trong các văn kiện giáo huấn của Đức thánh cha Phanxicô. Có thể gọi ngài là vị giáo hoàng của niềm vui, cũng như có người đã gọi ngài là vị giáo hoàng của lòng Chúa thương xót vậy. Cách riêng, trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức thánh cha đã bắt đầu bằng một mô tả rất hay về niềm vui này (x. EG 2-8), trong đó ngài cũng lấy làm tiếc rằng có những Kitô hữu sống đời mình giống như “chỉ có mùa Chay” hay giống như lúc nào cũng “mới đi đám ma về”. Tình yêu trong đời sống hôn nhân gia đình cũng được kinh nghiệm trước hết là niềm vui, niềm vui của chính các đương sự và niềm vui của Giáo hội (x. Amoris Laetitia 1). Còn trong Tông huấn Hãy Vui mừng Hoan hỉ (Gaudete et Exsutate) mới đây, trong khi nhấn mạnh sứ mạng riêng của mỗi người trong cuộc đời này là “một nẻo đường của sự thánh thiện” (GE 19) thì Đức thánh cha cũng khẳng định một dấu hiệu của sự thánh thiện trong thế giới hôm nay là niềm vui và khiếu hài hước (x. GE 122-128). Đời sống Kitô hữu, theo Đức thánh cha, thì “đầy niềm vui trong Thánh Thần” (Rm 14,7).

Cha Nguyễn Trọng Viễn có một quyển sách rất hay, tựa đề: “Những căn bệnh trầm kha trong đời sống đức tin Công giáo tại Việt Nam”. Ở lời tựa, tác giả kể câu chuyện về ông kia có 18 vợ, gần cuối đời, ông theo đạo, rồi ông chết ít lâu sau đó. Những người Công giáo đạo gốc xung quanh ông trầm trồ: “Ôi, cái ông này tốt số, được sướng cả đời này lẫn đời sau!” Thì ra, theo đạo từ bé và việc giữ đạo cả đời là một cái giá phải trả cách miễn cưỡng, để cho được lên thiên đàng, chứ chẳng có niềm vui chi cả!

– Những toát lược trên về mục tiêu và động lực của sứ mạng tân Phúc âm hóa đã ẩn chứa trong đó những chỉ dấu về một phương thức sứ mạng ưu tiên mà chúng ta không thể không ý thức và thực hành trong bối cảnh xã hội và thế giới hôm nay. Phương thức đó là chứng tá đời sống, hay nói thật gọn hơn nữa là: đời sống! Chứng tá đời sống, xét như phương thức làm sứ mạng tân Phúc âm hóa, là hàm ý vốn được thấy khá rõ trong căn tính ‘môn đệ thừa sai’ và trong những ‘cộng đoàn nhỏ’ (đặc điểm 2 ở trên). Nó cũng là lý do giải thích tại sao tân Phúc âm hóa không chỉ hướng ngoại mà cả hướng nội (đặc điểm 3). Và nó giúp hiểu tại sao Phúc âm hóa không chỉ là công việc của các giáo sĩ, tu sĩ, chuyên viên… mà còn cho mọi tín hữu không trừ ai (đặc điểm 5).

Đáng nhắc lại ở đây rằng gần nửa thế kỷ nay các giám mục Á châu (FABC) không ngừng đào sâu nhãn giới “đối thoại” xét như phương thức sứ mạng ưu biệt tại lục địa này. Và đối thoại, theo các ngài, có nhiều cấp độ ý nghĩa, trong đó ý nghĩa rộng nhất thuộc về ‘đối thoại đời sống’, điều mà ở đây chúng ta gọi là chứng tá đời sống. Đức Gioan Phaolô II chính thức ủng hộ tầm nhìn này về phương thức chứng tá đời sống trong Tông huấn Ecclesia in Asia, (Giáo hội tại Á châu, 6.11.1999, xem số 23), thậm chí ngài ghi nhận nó là cách duy nhất tại những nơi mà sứ điệp Tin Mừng không thể được rao giảng trực tiếp.

Về phần ngài, cách nào đó, Đức thánh cha Phanxicô đã khai triển phương thức chứng tá đời sống khi trình bày các thách thức đặt ra cho sứ mạng tân Phúc âm hóa hôm nay mà ngài mệnh danh là “cơn khủng hoảng về sự dấn thân cộng đồng” (x. EG, chương 2), và khi ngài nói về “chiều kích xã hội của việc Phúc âm hóa” (x. EG, chương 4). Thật rõ, khó mà hình dung “chứng tá đời sống” Kitô hữu trong xã hội và thế giới hôm nay nếu người ta không thấy trong đó những dấu hiệu đủ rõ về tính cách lội ngược dòng của ngôn sứ và về tinh thần dấn thân xã hội (tức dấn thân trong các lãnh vực nhân quyền, công bằng xã hội, hòa bình, quan tâm môi trường, vv…) dưới ánh sáng học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo.

Chứng tá đời sống là chính câu chuyện của toàn thể cuộc sống theo Đức Giêsu Kitô như được trình bày trong Phúc Âm. Nó là toàn thể cuộc sống, và nó là sứ mạng. Chúng ta không dừng một việc gì đó để làm sứ mạng, ta cũng không dừng sứ mạng để làm một việc gì đó. Bởi đời sống không có một sứ mạng, mà đời sống là sứ mạng! (x. GE 27).

  1. KẾT LUẬN

Chứng tá đời sống là nguồn chất liệu dệt nên những chứng từ mà ta chia sẻ. Bấy giờ, nó trở thành câu chuyện của chúng ta, câu chuyện cá vị của mỗi chúng ta với Chúa Giêsu, câu chuyện xây dựng Triều đại Thiên Chúa, trong Chúa Thánh Thần, và trong cộng đoàn môn đệ thừa sai là Giáo hội. Người ta có thể chống lại những quan điểm, những ý kiến, nhưng không ai chống lại một câu chuyện, tức kinh nghiệm sống được chia sẻ – vì thế, chứng tá đời sống luôn luôn đầy sức mạnh.

Từ những ghi nhận trên, ta trả lời câu hỏi đặt ra lúc ban đầu: Tân Phúc Âm hóa – đã qua rồi hay chưa tới? Không, nó không thể đã qua rồi. Nó cũng không thể chưa tới. Tân Phúc âm hóa phải đang diễn ra ở đây và lúc này (hic et nunc), nơi chứng tá đời sống của tất cả chúng ta, một đời sống đầy niềm vui của Tin Mừng, nhờ gặp gỡ cá vị với Chúa Giêsu, và một đời sống luôn được qui hướng đến mục tiêu cuối cùng là xây dựng Triều đại Thiên Chúa.

 

CÂU HỎI GỢI Ý SUY NGHĨ THÊM HOẶC THẢO LUẬN

  1. Đâu là những biểu hiện thường thấy nhất nơi những người tín hữu giữ đạo mà thiếu tương quan cá vị với Đức Giêsu Kitô?
  2. Tại sao không thể là thừa sai nếu không là môn đệ, và không thể là môn đệ đúng nghĩa nếu không trở thành thừa sai?
  3. Đâu là những lợi thế của các cộng đoàn nhỏ trong sứ mạng tân Phúc âm hóa tức công cuộc loan báo Tin Mừng hôm nay?
  4. Có người thốt lên: “Đức Giêsu đã đến thiết lập Triều đại Thiên Chúa, nhưng điều xảy ra là Giáo hội!” Bỏ qua tính bi quan có thể có của nó, thì nhận định này có thể có ý nghĩa gì không? Hãy giải thích.
  5. Một giáo phận, giáo xứ hay cộng đoàn mạnh thực sự trong công cuộc tân Phúc âm hóa thì thiết yếu có những đặc tính nào? Hãy mô tả vắn tắt theo hình dung của bạn.

6. Bạn có nghĩ rằng chứng tá đời sống của người tín hữu Việt Nam hôm nay phải bao gồm tính cách lội ngược dòng của ngôn sứ và tinh thần dấn thân xã hội không? Tại sao?

Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

5.9.2018

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31