TẤT CẢ XOAY QUANH MỘT ĐỨA TRẺ
Xin mọi người đừng cười khi nghe câu hỏi này: Giáng Sinh là gì vậy?
Và mừng lễ Giáng Sinh, đó là mừng gì? Cái gì ở đàng sau hàng triệu cánh thiệp, hàng triệu món quà người ta trao nhau trong những ngày này? Cái gì là nguồn cảm hứng từ đó mới xuất hiện những hang đá xinh đẹp, những cây Noen rực rỡ, những đèn hoa lung linh, những bài ca Giáng Sinh dặt dìu, và cả những bữa Réveillons rộn rã? Cái gì là đối tượng của nỗi khắc khoải mong chờ suốt bốn tuần lễ Mùa Vọng vừa qua?
Sáng nay tôi nhận được một cánh thiệp Giáng Sinh điện tử, có kèm ca khúc Noel c’est l’amour rất hay. Tác giả ca khúc ấy như muốn trả lời cho câu hỏi ở đây, rằng:
Giáng Sinh là yêu thương.
Là trái tim vĩnh cửu (c’est un coeur éternel).
Là tình yêu trong đôi mắt đứa trẻ (c’est l’amour dans les yeux de l’enfance).
Vâng, tất cả ý nghĩa của lễ Giáng Sinh, nói cho cùng, XOAY QUANH MỘT ĐỨA TRẺ.
Chỉ cần nhìn vào đứa trẻ này, chỉ cần nhìn vào đôi mắt của đứa trẻ này, ta sẽ thấy tất cả nguồn mạch của niềm vui Giáng Sinh.
Đó là một đứa trẻ rất thật!
Nhiều khi khoảng cách 20 thế kỷ trong thời gian và mười ngàn cây số trong không gian làm cho chúng ta không ý thức rõ về tính ‘người thật việc thật’ của đứa trẻ này.
Ở đất nước mình, dường như chẳng có mấy di tích lịch sử từ 2000 năm mà còn tồn tại, điều đó gây cái cảm giác rằng quá khứ ấy quá xa xăm, gần như là thần thoại.
Nhưng đứa trẻ của đêm nay là rất thật, là một con người thật, như chúng ta là những con người thật đang ở trước mặt nhau đây. Dù các chi tiết trong câu chuyện của Tin Mừng Luca có hoàn toàn chính xác về mặt sử tính hay không, thì ít ra cái cốt của câu chuyện là 100% sự thật.
Thiên Chúa đã thật sự làm người, đã thật sự sinh ra trong hình hài một đứa trẻ, với cha mẹ là Giuse và Maria.
Và đó là Tin Mừng, Tin Mừng mà dưới ngòi bút của Luca, thiên sứ đã trao cho những người chăn chiên: “Anh em đừng sợ. Này tôi loan báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại, cũng là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em”.
Hồi tôi ở bên Rôma, nhà tôi ở chỉ cách lăng mộ của Hoàng Đế Augustô một cây cầu qua khoảng sông hẹp. Mỗi lần đi qua và nhìn lăng mộ ấy, tôi thường nghĩ đến đoạn Tin Mừng này của Luca (“thời ấy hoàng đế Augustô ra chiếu chỉ…”), và tự nhủ: ông này là người đồng thời của Chúa, và dấu tích của ông vẫn còn đây, vẫn thấy được và sờ được, rất thật!
Đứa trẻ của đêm nay là một đứa trẻ rất thật như vậy.
Đứa trẻ ấy đã từng chào đời trên chính mặt đất này và trong chính dòng thời gian lịch sử này.
Và nơi đứa trẻ ấy, Thiên Chúa đã làm người.
Vĩnh cửu đã đi vào trong thời gian.
Vô hạn đã trở thành hữu hạn.
Trời đã nối với đất và đất đã gặp gỡ trời!
Theo Thánh Luca, cuộc chào đời của đứa trẻ là Con Thiên Chúa ấy đã diễn ra trong một đêm – và vì thế gọi là Đêm Thánh.
Thứ hai, đó là một đứa trẻ rất gần – gần gũi mọi người chúng ta, hoàn toàn không có một khoảng cách nào.
Ai muốn gặp giáo hoàng thì phải đi Rôma; ai muốn gặp ông Tổng thống Obama thì phải sang Mỹ – mà đi đến nơi cũng chưa chắc đã được gặp!
Còn Thiên Chúa, trong hình hài một đứa trẻ, Thiên Chúa mà dấu vết riêng của Ngài được thiên sứ mô tả: “một trẻ sơ sinh, bọc tã, nằm trong máng cỏ”, thì ai cũng có thể gặp được.
Những người chăn bò gặp được thì chúng ta hoàn toàn có thể gặp được.
Thiên Chúa từ trời cao xa tít đã đến thế giới này để ta có thể gặp được Ngài. Thiên Chúa vĩ đại, quyền uy đã hiện thân nơi một đứa trẻ bé bỏng mong manh, bọc tã, nằm trong máng cỏ, để cho ta có thể gặp được. Thiên Chúa sinh ra ngoài đường, ngoài đồng trống, để ta có thể gặp được. Ngài không ở trong đền đài dinh thự để ta phải ngại ngần việc bấm chuông hay ngại ngần chó dữ.
Chỉ sợ là ta ngại lạnh, ngại mưa gió, ngại bóng đêm, ngại mùi hôi hám của phân bò, và không tông cửa bước ra để đến với Ngài.
Vâng, lễ Giáng Sinh là lễ của niềm vui, niềm vui có Chúa – Emmanuel. Xin Chúa Hài Nhi cho mỗi người chúng ta cảm nghiệm được Ngài đang ở với ta, rất thật và rất gần.
Xin cho chúng ta khi nhìn vào đứa trẻ trong hang đá Giáng Sinh thì thấy được tình yêu của Thiên Chúa, thấy được món quà tình yêu lớn nhất là CHÍNH CHÚA, là khuôn mặt của Lòng Chúa Thương Xót, misericordiae vultus, được trao ban tận tay và hoàn toàn miễn phí cho mình.
Và xin cho chúng ta ơn bình an của Chúa Hài Nhi.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- “ORDO AMORIS” LÀ GÌ?
- J.D. VANCE TRÁI NGƯỢC VỚI ĐỨC PHANXICÔ: “LIỆU TRẬT TỰ CỦA TÌNH YÊU CÓ BIỆN MINH CHO VIỆC TRỤC XUẤT NGƯỜI NƯỚC NGOÀI KHÔNG?”
- NĂM THÁNH CỦA CÁC NGHỆ SĨ VÀ THẾ GIỚI VĂN HOÁ: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
- ANNE LÉCU: “CÀNG QUAN TÂM ĐẾN THÁNH KINH, CHÚNG TA CÀNG QUAN TÂM ĐẾN CON NGƯỜI”
- KHỔ HÌNH KHỦNG KHIẾP CỦA THÁNH NỮ APOLLINA
- THÁNH KINH THỰC SỰ NÓI GÌ VỀ TIẾNG CƯỜI?
- THÁNH KINH: LOẠT VIDEO CHỐNG LẠI NHỮNG LỐI GIẢI THÍCH SAI LẠC
- TẠI SAO GIÁO HỘI CAN THIỆP VÀO VẤN ĐỀ XÃ HỘI?
- MỸ: CÁC HỆ PHÁI KITÔ VÀ CÁC TỔ CHỨC DO THÁI PHẢN ĐỐI VIỆC BẮT GIỮ NGƯỜI DI CƯ
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 5 : « MỘT ĐẤNG CỨU ĐỘ ĐÃ SINH RA CHO ANH EM, NGƯỜI LÀ ĐẤNG KITÔ, LÀ ĐỨC CHÚA » (Lc 2, 11). CHÚA GIÊSU GIÁNG SINH VÀ CÁC MỤC ĐỒNG THĂM VIẾNG
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỞI CHO TỔNG THỐNG PHÁP EMMANUEL MACRON NHÂN DỊP “HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH HÀNH ĐỘNG VỀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO”
- MẸ TÊRÊSA CALCUTTA ĐƯỢC GHI VÀO LỊCH CHUNG RÔMA
- ĐHY CUPICH HOAN NGHÊNH LÁ THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỬI CÁC GIÁM MỤC MỸ VỀ VẤN ĐỀ DI CƯ
- THƯ CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỬI CÁC GIÁM MỤC HOA KỲ
- “TRÍ TUỆ NHÂN TẠO SẼ GÂY RA NHỮNG BIẾN ĐỘNG Ở QUY MÔ TƯƠNG TỰ NHƯ CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP”
- NĂM THÁNH CỦA CÁC LỰC LƯỢNG VŨ TRANG, CẢNH SÁT VÀ NHÂN VIÊN AN NINH: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN 2025 : NIỀM HY VỌNG KHÔNG LÀM THẤT VỌNG VÀ LÀM CHO CHÚNG TA MẠNH MẼ TRONG CƠN THỬ THÁCH
- ĐỨC PHANXICÔ: ƠN GỌI CỦA MỖI NGƯỜI LÀ NHẬN BIẾT NHU CẦU CỦA NGƯỜI KHÁC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH: SỐNG NIỀM HY VỌNG CÙNG VỚI MARIA MAĐALÊNA, HƯỚNG VỀ CHÚA KITÔ
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT NGÀY 2/2/2025: THẾ GIỚI HÔM NAY CẦN ÁNH SÁNG CỦA CHÚA GIÊSU