THẦN HỌC , MỘT SỰ PHỤC VỤ VÀ LÀ MỘT TRƯỜNG HỌC VỀ CON NGƯỜI THEO ĐỨC PHANXICÔ

Written by xbvn on Tháng Sáu 17th, 2022. Posted in Linh mục, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tu sĩ, Tý Linh

Trong bài phát biểu dịp gặp gỡ các nhà đào tạo của chủng viện của Tổng Giáo phận Milan hôm 17/6/2022, Đức Phanxicô đã mô tả cách thức mà vai trò của thần học ngày nay phải được hình dung : một sự phục vụ đức tin của Giáo hội, một trường học có khả năng đào tạo « các chuyên viên về con người và sự gần gũi », và là một phương tiện loan báo Tin Mừng.

Đâu là sứ mạng của thần học thời nay ? Chính cho câu hỏi quan trọng và tế nhị này mà Đức Thánh Cha đã trả lời trong bài phát biểu nhân buổi tiếp kiến dành cho các nhà đào tạo của chủng viện của Tổng giáo phận Milan – giáo phận quan trọng nhất của Ý -, đang cử hành kỷ niệm 150 năm tạp chí La Scuola Cattolica (« Trường Công giáo ») của mình.

Một phương dược cho sự mất ý nghĩa

Trước tiên, Đức Thánh Cha giải thích : « Thần học là sự phục vụ cho đức tin sống động của Giáo hội ». Thông thường, trong chính Giáo hội, « người ta không còn mong đợi nhiều ở thần học và các khoa học của Giáo hội ». Thế nhưng, « kinh nghiệm sống động đang gia tăng về trí tuệ » là một « sự phục vụ quý giá ». Điều cần thiết là phải « tái định nghĩa nội dung của đức tin vào mỗi thời, trong sự năng động của truyền thống », Đức Thánh Cha khẳng định. Vì thế, « ngôn ngữ thần học phải luôn luôn sống động, năng động », nó phải « tiến triển » và có thể hiểu được, Đức Thánh Cha nhấn mạnh và đồng thời phê phán các bài giáo lý và các bài giảng mang tính « chủ nghĩa luân lý, không đủ « thần học », nghĩa là ít nói với chúng ta về Thiên Chúa và ít trả lời cho những vấn đề về ý nghĩa vốn đi kèm với cuộc sống của con người ».

Đức Thánh Cha cho thấy, « một trong những điều tồi tệ nhất của thời đại chúng ta là việc mất ý nghĩa », và thần học có « trách nhiệm to lớn trong việc kích thích và định hướng việc nghiên cứu, soi sáng con đường ». Ngài nói : « Khi chúng ta nói hay viết, hãy luôn có trong tâm trí mối liên hệ giữa đức tin và cuộc sống, hãy cẩn thận để không rơi vào tình trạng quy ngã ». Thần học là « sự phục vụ chân lý », vốn phải truyền đạt « niềm vui của đức tin ».

Quan tâm đến chiều kích nhân bản

Cột trụ thứ hai của sứ mạng của thần học : nó phải « có khả năng đào tạo các chuyên viên về con người và sự gần gũi ». « Việc canh tần và tương lai của các ơn gọi chỉ có thể thực hiện được nếu có những linh mục, phó tế, những người thánh hiến và các giáo dân được đào tạo tốt », Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Những người này không phải là « những cây nấm đột nhiên mọc lên », nhưng là « những bình sành » được Chúa nhào nắn và cho phép Ngài hành động qua họ.

Đức Thánh Cha nếu rõ : « Tính dục, tình cảm và khía cạnh tương quan là những chiều kích của nhân vị cần phải xem xét và hiểu biết, dù là về phía Giáo hội hay khoa học ».

Liên quan đến việc phân định ơn gọi, các nhà đào tạo phải xem xét nơi con người « cách sống tình cảm, các mối tương quan, những không gian, các vai trò, những trách nhiệm, cũng như sự mong manh, nỗi sợ hãi và sự mất quân bình của họ ». Cần phải đào tạo các linh mục và những người thánh hiến thành « những chuyên viên về con người và sự gần gũi, chứ không phải những công chức của sự linh thánh ». Như thế, nhà đào tạo đảm nhận vai trò của « sự phục vụ chân lý ».

Đức Thánh Cha nói tiếp : « Các chủng sinh và các bạn trẻ đang được đào tạo phải có thể học được nhiều từ cuộc sống của anh chị em hơn là từ lời nói của anh chị em ». Học được « sự ngoan ngoãn từ sự vâng phục của anh chị em, sự vất vả từ sự tận tụy của anh chị em, tình phụ tử từ tình cảm trong sạch chứ không chiếm hữu của anh chị em ». Khả năng đối với thừa tác vụ « được gắn liền với sự sẵn sàng ứng trực, vui tươi và nhưng không, đối với người khác ».

Đôi chân trên mặt đất

Sau cùng, khía cạnh thứ ba được Đức Thánh Cha làm nổi bật là việc loan báo Tin Mừng, được quan niệm như là sự thu hút đến với Chúa Kitô chứ không phải chiêu dụ tín đồ. « Thần học loan báo Tin Mừng là một nền thần học được nuôi dưỡng bằng đối thoại và đón tiếp ».

Để thực hiện sứ mạng của mình, thần học gia phải mặc lấy « con người thiêng liêng, có lòng khiêm tốn cởi mở cho sự mới mẻ vô tận của Chúa Thánh Thần và gần gũi những vết thương của nhân loại (…) ». Chúa Thánh Thần rất quan trọng để không rơi vào một nền thần học « không có lòng trắc ẩn và thương xót ». « Vì sự tròn đầy của chân lý – mà Chúa Thánh Thần dẫn tới – sẽ không được như thế nếu nó không được nhập thể ».

« Giảng dạy và nghiên cứu thần học có nghĩa là sống trên một biên giới, nơi mà Tin Mừng gặp gỡ các nhu cầu thực sự của con người ». Và Đức Thánh Cha cảnh giác một nền thân học « suy yếu đi trong tranh luận học thuật hay nhìn nhân loại từ tháp ngà ».

Đối với Đức Thánh Cha, thế giới hiện nay cần đến một nền thần học có được « hương vị » (saveur) hơn là « kiến thức » (savoir) « vốn là nền tảng cho cuộc đối thoại nghiêm túc của Giáo hội, cho sự phân định hiệp hành », gắn liền với các cộng đoàn địa phương, để khơi lại đức tin « trong những biến đổi văn hóa của ngày nay ». Một nền thần học lắng nghe thế giới và đối thoại với thế giới, trong sự đa dạng văn hóa của nó.

Đức Thánh Cha kết thúc bài phát biểu bằng những lời khích lệ dành cho cộng đoàn chủng viện Milan.

Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31