THẦN HỌC VỀ SỰ THỊNH VƯỢNG

Written by xbvn on Tháng Một 14th, 2023. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Nền thần học về sự thịnh vượng, có nguồn gốc từ Tin Lành, muốn thấy trong Thánh Kinh một sự xác nhận : Thiên Chúa ban đầy của cải, đặc biệt là của cải vật chất, cho những ai có niềm tin vào Ngài.

Mục sư ngôn sứ Crispin Kapeya chúc lành cho các tín hữu dâng cúng trong buổi lễ Chúa Nhật ở nhà thờ “Ngọn đèn của thế giới” ở Kimbanseke, Kinshasa.

Thần học về sự thịnh vượng là gì ?

Thần học về sự thịnh vượng nảy sinh ở Hoa Kỳ vào thập niên 1960 trong phong trào Tin Lành phái Ngũ Tuần. Nó đến Châu Mỹ Latinh và Châu Phi vào thập niên 1970 và sau đó lan sang Châu Á. Ngày nay, nó có nhiều biến thể. Đâu là sứ điệp thiết yếu của nó ? Ai đặt niềm tin vào Chúa Kitô sẽ không chỉ được cứu rỗi, nhưng còn gặt hái được ở đời này sự giàu có vật chất, sức khỏe và thành công.

Để hỗ trợ quan điểm của mình, các tín đồ của nền thần học này sử dụng nhiều trích dẫn Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước. Trong số đó, hai trích dẫn thường được nêu lên. Trích dẫn đầu tiên đến từ ngôn sứ Malaki (3, 10) : « Các ngươi hãy đem tất cả thuế thập phân vào nhà kho, để có lương thực trong Nhà Ta. Hãy làm thế thử xem Ta có mở cổng trời cho các ngươi, hoặc có tuôn đổ phúc lành dư dật xuống trên các ngươi không !».

Trích dẫn thứ hai được rút ra từ Tin Mừng theo thánh Marcô (10, 29-30), khi Chúa Giêsu khẳng định : « Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm…» Bằng cách thường xuyên bỏ qua phần cuối của câu vốn cũng gợi lên « sự bách hại »…

Nó có hình thức nào ?

Sébastien Fath, nhà sử học và nhà nghiên cứu ở CNRS, cho đến nay đã xác định được bảy « biến thể » của nền thần học về sự thịnh vượng. Biến thể thứ nhất dựa trên nguyên tắc hỗ tương, do Chúa Giêsu thiết lập : « Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại » (Lc 6, 38). Biến thể thứ hai nhấn mạnh đến việc tuân giữ các giới răn của Chúa : « Anh em phải giữ những lời của giao ước này và đem ra thực hành để được thành công trong tất cả những gì anh em làm » (Đnl 29, 8).

Biến thể thứ ba thuộc phạm vi « ma thuật tôn giáo ». Nếu, qua đức tin, chúng ta nhận được sự xức dầu của Thiên Chúa, thì chúng ta được bảo vệ : « Đừng đụng tới những kẻ Ta xức dầu tấn phong » (Tv 104/105, 15). Biến thể thứ tư gán một sức mạnh cho lời được tuyên xưng với đức tin, như thế nó có một sức mạnh sáng tạo mang lại những gì nó phát biểu : « Sống hay chết đều do sức mạnh của cái lưỡi» (Cn 18, 21).

Biến thể thứ năm đáp ứng cho một thứ chủ nghĩa bảo trợ nào đó. Nói cách khác, người tín hữu nào phục tùng thẩm quyền của vị mục tử của mình – Thánh Phaolô nói với các tín hữu Do Thái : « Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ » (13, 17) – sẽ được hưởng lợi từ những ân huệ của Chúa…Biến thể thứ sau thuộc về phát triển cá nhân hơn. Sébastien Fath nhắc lại : « Nhờ đức tin, tôi sẽ có thể trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình ». Niềm tin này dựa vào lời của  Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan (10, 10) : « Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào ».

Biến thể thứ bảy và cuối cùng hệ tại « sự chuyển giao của cải ». Nó phát triển mạnh ở Châu Phi và bắt nguồn từ việc đọc sách Xuất Hành. Giống như dân Do Thái dưới sự cai trị của vua Pharaông, người dân Châu Phi sống dưới ách thống trị của những kẻ thực dân áp bức và bóc lột họ. Hôm nay, Thiên Chúa đến giải thoát dân Người, phục hồi họ và trả lại cho họ nhũng của cải mà họ đã bị tước đoạt một cách bất công.

Cuối cùng, ở Châu Á, đặc biệt ở Hàn Quốc và Trung quốc, nền thần học về sự thịnh vượng dựa vào giá trị lao d dộng, vốn trở thành một hình thức cầu nguyện và ơn gọi. Sébastien Fath tóm tắt : « Khi tôi tôn kính Thiên Chúa qua công việc của mình bằng cách trở thành một nhân viên hay một doanh nhân lương thiện, kỷ luật và hiệu quả, thì tôi nhận được thành quả của công việc mình như một phần thưởng ».

 Nó có trung thành với những gì Thánh Kinh nói không ?

Thần học của Ngũ Kinh (từ sách Sáng Thế Ký đến sách Lêvi) bao gồm một khái niệm về quả báo. Philippe Haddad, giáo sĩ của hội đường ở đường Copernic ở Paris nêu chi tiết : « Thiên Chúa nói với các tổ phụ, nếu các ngươi lắng nghe tiếng nói của Ta và các người thực hiện các điều răn của Ta, thì các người sẽ nhận được phúc lành và phần thưởng của Ta, đặc biệt trên bình diện vật chất. Nhưng với các ngôn sứ, chúng ta thoát khỏi lôgíc này. Các ngài tố giác sự giàu có bất chính và việc lạm dụng nó, cũng như khoảng cách ngày càng gia tăng giữa người giàu và người nghèo. Các ngài nói, người giàu có một trách nhiệm đối với góa phụ và trẻ mồ côi. Không chia sẻ của cải của mình, đó là làm ô danh Thiên Chúa ».

Chúa Giêsu nằm trong dòng dõi ngôn sứ nay bằng cách biến sự chăm sóc dành cho những người thiếu thốn nhất (người nghèo, ngoại kiều, bệnh nhân, tù nhân trong Matthêu 25) thành chính tiêu chí của sự phán xét của Chúa. Và thậm chí Ngài còn đi xa hơn : « Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi » (Mt 19, 21). Bằng sự đảo ngược to lớn, người theo Chúa Kitô, người nghèo giữa những người nghèo, trở nên giàu có.

Tại sao các Kitô hữu phái Phúc Âm giữ khoảng cách với các nền thần học này ?

Mục sư phái Ngũ Tuần, Marc Rizzolio, nói với nhật báo Réforme (1) : « Tất nhiên, nói về sự thịnh vượng là một diễn từ rất quyền rũ, có thể thu hút các tín đồ mới. Nhưng đối với tôi, dường như ý tưởng có đi có lại mà nó dựa vào có thể gieo vào lòng người một sự hiểu sai về Tin Mừng. Kitô hữu không nên gắn bó với Thiên Chúa vì Thiên Chúa sẽ làm cho người ấy thịnh vượng, nhưng bởi vì Ngài ban cho người ấy tình yêu của Ngài, ơn cứu độ của Ngài được mạc khải nơi con người của Chúa Giêsu-Kitô. »

Sébastien Fath còn thêm một lý do thực tiễn hơn : “Khi các Kitô hữu đóng góp nhiều với hy vọng nhận lại được nhiều của cải, như mục sư của họ đã hứa, và họ không thấy có gì đến cả, nên họ rời bỏ nhà thờ ! »

Sự khao khát đối với nền thần học về sự thịnh vượng chất vấn người tín hữu. Mục sư Nicolas Farelly (2), thuộc Tin Lành Baptiste, nói : « Đối với người nào đó bị cám dỗ bởi nền thần học về sự thịnh vượng, tôi có thể gợi ý điều này : việc tìm kiếm thành công, của cải, nói gì về đức tin của bạn, về niềm tin của bạn vào Chúa Giêsu ? Có phải Chúa Giêsu chỉ là một phương tiện để đạt được mục đích của bạn ? (…) Ngay cả khi tôi không biết liệu hoàn cảnh của tôi có được cải thiện hay không, thì sự hiện diện của Chúa Giêsu vẫn ở đó, vốn làm cho tôi yên tâm ; nhờ sự hiện diện đó, tôi có thể sống trong vui mừng ngay cả trong thử thách, vì tôi biết rằng Thiên Chúa đang hoạt động trong tôi. »

——-

Trích đoạn. Một ngôn ngữ « phóng túng » về tiền bạc

Nền thần học về sự thịnh vượng, Hội đồng quốc gia Tin Lành Phúc Âm Pháp, tháng Mười 2012

Trào lưu này tương ứng với khát vọng duy vật chủ nghĩa của một bộ phận Kitô giáo phương Tây, vốn cuối cùng tìm thấy ở đó một ngôn ngữ « phóng túng » về tiền bạc. Qua những hy vọng mà nó khơi lên, nó cũng vươn tới biết bao nhiêu người mà thực tại hằng ngày của họ là đau khổ và khốn cùng. Lời mời gọi của họ có cái nhìn lạc quan về tương lai đáp lại tình trạng hỗn loạn của ngày càng có nhiều người cảm thấy bất an trước quá trình toàn cầu hóa không thương tiếc. (…) (Qua lối giải thích Thánh Kinh của mình), các ngôn sứ về sự thịnh vượng đã thoát khỏi bất kỳ chất vấn nào về lời hứa của họ. Trái lại, tất cả sức nặng của sự thất bại có thể có của những lời hứa này đề đặt lên người tín hữu đã hy vọng, cầu nguyện, cho đi. Trong hệ thống, không thể chất vấn những lời hứa ban đầu. Người ta gửi trả lại người đã « không nhận được » về với sự thiếu đức tin của người ấy, người mà người ta sẽ làm lộ ra những rạn nứt nhỏ nhất.

—————–

Những gì cần phải nhớ

Một nền thần học của phái Ngũ Tuần

Nền thần học về sự thịnh vượng nảy sinh nơi các Giáo hội Tin Lành phái Ngũ Tuần ở Hoa Kỳ vào thập niên 1960 và đã lan rộng đến tất cả các lục địa.

Bằng cách dựa vào nhiều trích dẫn Thánh Kinh, đôi khi bị cắt bớt hay đưa ra khỏi ngữ cảnh của chúng, các tín đồ của nền thần học này khẳng định rằng, nếu đức tin vào Thiên Chúa đủ mạnh, thì Ngài sẽ ban cho tín hữu của mình các ân huệ : ơn cứu độ và cả sự giàu có, sức khỏe, hạnh phúc nữa.

Cái nhìn này trái ngược với sứ điệp Thánh Kinh trong đó Thiên Chúa cảnh giác con người chống lại việc tôn thờ ngẫu tượng đối với của cải để mời gọi họ sống điều độ và biết chia sẻ.

————————–

 (1) Từ ngày 9 tháng 12 năm 2020.

(2) Ibid.

———————–

Tý Linh

(theo Gilles Donada, nhật báo La Croix)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30