THÁNH CATARINA THÀNH ALEXANDRIA
Người Công giáo và các Kitô hữu khác trên khắp thế giới cử hành, vào ngày 25 tháng 11, lễ nhớ thánh Catarina thành Alexandria (287-305), một vị thánh tử đạo lúc 18 tuổi, được tôn kính vào thế kỷ IV.
Thánh Catarina là chủ đề thu hút sự quan tâm và sùng kính của các Kitô hữu thời Trung cổ sau này. Những người sùng đạo thích thú với những câu chuyện về việc thánh nữ từ chối hôn nhân, sự quở trách của thánh nữ đối với hoàng đế, và quyết định của thánh nữ để gắn bó với Chúa Giêsu Kitô ngay cả khi bị tra tấn. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khôi phục việc cử hành lễ nhớ (không bắt buộc) thánh nữ theo lịch Công giáo Rôma vào năm 2002, mà trước đó bị hủy bỏ vào năm 1969. Giáo hội Chính Thống Đông Phương tôn kính thánh nữ như là một vị thánh vĩ đại.
Sự nổi tiếng của thánh Catarina như một hình tượng của lòng sùng kính, trong thời kỳ của hạnh các thánh giàu trí tưởng tượng, đã che khuất sự thật về cuộc đời thánh nữ. Có khả năng thánh nữ xuất thân cao quý, cải đạo sang Kitô giáo, là một trinh nữ do lựa chọn (trước khi xuất hiện lối sống đan tu có tổ chức), và cuối cùng là một người tử vì đạo vì đức tin.
Các tường thuật về cuộc đời của thánh Catarina cũng thống nhất về vị trí nơi thánh nữ sinh ra, được giáo dục và làm chứng cho đức tin của mình. Thành phố Alexandria của Ai Cập là một trung tâm học thuật trong thế giới cổ đại, và truyền thống cho thấy thánh Catarina là con gái có học thức cao của một gia đình ngoại giáo quý tộc.Cha của thánh nữ là ông Constus, thống đốc của Alexandria.
Người ta nói rằng thị kiến về Đức Trinh Nữ Maria và Hài Nhi Chúa Giêsu đã thúc đẩy sự cải đạo của thánh nữ, và câu chuyện đã truyền cảm hứng cho các tác phẩm nghệ thuật mô tả quyết định của thánh nữ sống như một « hiền thê » đồng trinh của Chúa Kitô.
Hoàng đế Maxentius đã cai trị Ai Cập suốt thời gian ngắn ngủi của thánh Catarina, thời kỳ mà nhiều đồng hoàng đế cùng cai trị Đế quốc Rôma. Trong thời gian này, ngay trước khi Hoàng đế Constantine chọn theo và hợp pháp hóa Kitô giáo, Giáo hội đang phát triển nhưng cũng thu hút sự bách hại.
Thánh Catarina, nhiệt thành bảo vệ đức tin mà mình đã theo đuổi, đến trước mặt Maxentius để phản đối một chiến dịch tàn bạo chống lại Giáo hội. Lúc đầu, hoàng đế quyết định cố gắng thuyết phục thánh nữ từ bỏ Chúa Kitô. Nhưng trong một cuộc tranh luận mà hoàng đế đã tiến hành dàn xếp giữa thánh Catarina và 50 triết gia ngoại giáo, thánh nữ đã thắng thế – với khả năng hộ giáo khéo léo của mình đã hoán cải họ.
Mưu mẹo tiếp theo của Maxentius liên quan đến lời đề nghị biến thánh nữ thành tình nhân của ông. Thánh nữ không chỉ cự tuyệt hoàng đế mà còn thuyết phục vợ ông chịu rửa tội. Tức giận trước sự gan dạ và cương quyết của thánh Catarina, Hoàng đế quyết tâm phá bỏ ý chí của thánh nữ bằng cách tra tấn bằng bánh xe răng cưa. Truyền thống cho rằng thánh nữ đã được giải thoát một cách kỳ diệu khỏi bánh xe, trước hoặc trong khi bị tra tấn. Cuối cùng, thánh nữ bị chặt đầu.
Maxentius sau đó đã chết trong một trận chiến lịch sử chống lại Đồng Hoàng đế Constantine của mình vào tháng 10 năm 312, sau đó ông được nhớ đến một cách khinh bỉ, nếu có. Trong khi đó, Thánh Catarina đã truyền cảm hứng cho các thế hệ triết gia, phụ nữ thánh hiến và các vị tử đạo.
Trớ trêu thay, hoặc có lẽ thích hợp – cứ cho là thánh nữ chọn sống đồng trinh cũng như “cuộc hôn nhân thần bí” của thánh nữ với Chúa Giêsu – những phụ nữ trẻ ở nhiều nước Tây Âu từng được biết đến là tìm kiếm sự cầu bàu của thánh nữ trong việc tìm chồng của họ. Thật tiếc thay, bánh xe tra tấn mà chính thánh nữ có thể đã phải chịu sau đó được đặt biệt danh là “bánh xe Catarina”, và được sử dụng ngay cả trong các vương quốc Kitô giáo.
Ngày nay, Thánh Catarina thành Alexandria được biết đến nhiều hơn với cái tên trùng tên của một đan viện ở Núi Sinai được cho là đan viện lâu đời nhất trên thế giới.
Tý Linh
Tags: các thánh-nhân vật
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO
- SỨ THẦN TÒA THÁNH TẠI PARIS NÓI VỀ LÝ DO TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KHÔNG ĐẾN PARIS
- JOHN TRAYNOR, NGƯỜI ĐƯỢC PHÉP LẠ THỨ 71 Ở LỘ ĐỨC