« THÁNH HIẾN » MỘT ĐẤT NƯỚC CHO ĐỨC MARIA NGHĨA LÀ GÌ ?

Written by xbvn on Tháng Ba 21st, 2022. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh, Đức Maria

Đức Phanxicô sắp thánh hiến Ucraina và Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Maria vào ngày 25/3/2022. Điều đó có ý nghĩa gì ? Nếu vấn đề là phó dâng tất cả trong tay Đức Trinh Nữ, thì hành vi này phải chăng không dấn thân các tín hữu ?

Đó là một cử chỉ lịch sử mà Đức Thánh Cha sắp thực hiện vào ngày 25/3/2022, ngày Lễ Truyền Tin cho Đức Mẹ. Đang khi cuộc tấn công xâm lược của Nga vào lãnh thổ Ucraina đã kéo dài từ 26 ngày qua, Đức Thánh Cha sẽ thánh hiến Nga và Ucraina cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, và đã mời gọi tất cả các Giám mục và linh mục, cũng như tất cả các cộng đoàn và các Kitô hữu kết hiệp với ngài trong cử hành vi thánh hiến này.

Thánh hiến có nghĩa là « dâng hiến cho một mục đích thánh thiêng ». Thuật ngữ này thường xuyên xuất hiện trong từ vựng của Giáo hội, cho dù là đối với những nơi chốn (các nhà thờ), con người (tu sĩ hay giáo dân thánh hiến) và các vật dụng trong phụng vụ, hay, ở trung tâm đức tin Kitô giáo, là việc truyền phép trong Thánh lễ. Bằng việc sùng kính, người ta cũng có thể dâng hiến bản thân (lúc đó người ta nói đến lời khấn nguyện thánh hiến) cho Chúa Kitô qua Đức Maria. Từ thời Trung Cổ, cử chỉ cá nhân này đã được mở rộng đến các thành phố, rồi các nước. Chẳng hạn, vua Louis XIII đã thánh hiến nước Pháp cho Đức Mẹ vào năm 1638, một cử chỉ tiếp đến được các Giám mục hay các Đức Giáo hoàng bắt chước, đối với các nước và nơi chốn cụ thể, thậm chí cho toàn thế giới. Sự thánh hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ được thực hiện lần đầu tiên bởi Đức Piô XII, trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, ngày 31/10/1942.

Các nước đã được thánh hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Maria

Nhiều nước đã được thánh hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Các Giám mục Bồ Đào Nha đã thánh hiến nước Bồ Đào Nha vào ngày 13/3/1931. Ba Lan vào năm 1946 và Úc vào năm 1948. Gần đây hơn, Công-gô được thánh hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ vào ngày 4/2/2017, trước sự hiện diện của Đức Hồng y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Ngày 18/2/2017, Anh quốc và Xứ Galles đã được thánh hiến bởi ĐHY Vincent Nichols, Tổng Giám mục Westminster. Một vài tháng sau, các Giám mục Scotland cũng đã thánh hiến đất nước của mình cho Trái Tim Đức Mẹ, vào ngày 3/9/2017. Cách đây hai năm, ngày 25/3/2020, lúc bắt đầu đại dịch covid-19, 24 nước đã được thánh hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ và cho Thánh Tâm Chúa Giêsu ở Fatima để cầu xin sự che chở của Chúa và Đức Trinh Nữ Maria đối với dịch bệnh. Các nước được thánh hiến (làm mới lại sự thánh hiến) là : Albani, Bôlivia, Côlômbia, Costa Rica, Cuba, Tây Ban Nha, Guatemala, Hungary, Ấn Độ, Kenya, Mêxicô, Moldavi, Nicaragua, Panama, Paraguay, Pêru, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Đôminica, Rumani, Slôvakia và Đông Timor.

Đến với Chúa Giêsu qua Đức Maria

Tuy nhiên, làm thế nào thánh hiến cả một đất nước đang khi các cư dân của nó không phải tất cả đều là tín hữu ? Sự thánh hiến một nước rõ ràng là một lời khấn nguyện thánh hiến : đó không phải là một sự thánh hiến hình thức (vốn đòi hỏi sự đồng thuận), nhưng là một sự cầu thay nguyện giúp cho đất nước. Trong tông huấn Reconciliatio et poenitentia, Đức Gioan-Phaolô II đã giải thích cử chỉ này : « Chính trong đôi bàn tay của người Mẹ này, chính nơi Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ – mà chúng ta đã nhiều lần phó thác toàn thể nhân loại đang bị xáo trộn bởi tội lỗi và bị xâu xé bởi biết bao căng thẳng và xung đột – mà tôi đặc biệt phó thác ý hướng này : ước gì qua sự cầu bầu của Mẹ, nhân loại khám phá và bước đi trên con đường sám hối, con đường duy nhất có thể dẫn đến sự hòa giải hoàn toàn ! » Thực ra, hành vi thánh hiến được dâng lên Thiên Chúa là Cha, qua sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria. Điều đó ngụ ý, như Đức Gioan-Phaolô II nhấn mạnh, được hỗ trợ bởi con đường hoán cải.

 Đón nhận Đức Maria như một người mẹ, một sự bảo vệ « kép »

Thánh Louis Marie Grignion de Montfort đã giải thích rằng thánh hiến mình cho Đức Mẹ tóm lại là đón nhận Đức Maria làm mẹ : « Thánh hiến mình cho Đức Maria, đó chính là chọn Mẹ làm Mẹ, không chỉ đối với việc bảo vệ thể lý con người chúng ta, nhưng còn hơn thế nữa và trước hết để trao phó cho Mẹ trọn vẹn quyền hành của người Mẹ trên linh hồn của chúng ta. Người mẹ, trong gia đình nhân loại, có quyền hành trên con cái của mình. Họ bảo vệ con cái bằng hai cách. Bằng cách tránh cho chúng khỏi những nguy cơ và những mối đe dọa, mà thậm chí đôi khi họ không hay biết. Cũng bằng cách khuyên bảo và hướng dẫn chúng, để chúng sử dụng tốt quyền tự do của mình. »

« Đừng làm gì có thể làm phật lòng Mẹ »

Trong khi tôn trọng quyền tự do của mỗi người, hành vi thánh hiến cũng kêu gọi sự hoán cải tâm hồn. Trong một thông điệp truyền thanh nói với nước Bỉ, Đức Piô XII đã nêu rõ : « Bằng cách đặt các hoạt động của bản thân, gia đình, quốc gia dưới sự che chở của Đức Maria, anh chị em đang kêu cầu sự bảo vệ và trợ giúp của Mẹ trên mọi hành trình của mình, nhưng, anh chị em cũng hứa với Mẹ đừng làm gì có thể làm phật lòng Mẹ và cả cuộc đời anh chị em tuân theo sự chỉ dẫn và ước muốn của Mẹ ». Do đó, nếu chúng ta muốn ủng hộ hành vi thánh hiến nước Nga và Ucraina cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Maria, thì chắc chắn thật tốt khi bắt đầu bằng việc hoán cải tâm hồn và hành động như người nam và người nữ tuân theo trái tim của Thiên Chúa.

Tý Linh

(theo Mathilde de Robien, Aleteia)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31