THÁNH KINH THỰC SỰ NÓI GÌ VỀ TIẾNG CƯỜI?
Thánh Kinh không được biết đến là một cuốn sách hài hước. Tuy nhiên, Thánh Kinh thường nói về tiếng cười. Thánh Kinh nói gì về nó? Và tại sao chúng ta không bao giờ thấy Chúa Giêsu cười trong các sách Tin Mừng? Những câu hỏi đã làm nảy sinh nhiều cuộc tranh luận trong lịch sử Kitô giáo.
Abraham và ba sứ thần
Cựu Ước nói gì về tiếng cười?
Trong Thánh Kinh, tiếng cười hầu hết là sự chế giễu, mỉa mai, hoài nghi. Đó là tiếng cười của những người giàu có chế giễu nỗi bất hạnh của người nghèo: “Bạn hữu đã nhạo cười tôi”, Gióp kêu lên trước nỗi đau khổ của người đã mất tất cả (G 12, 4). Đặc biệt là tiếng cười của những kẻ vô đạo, những người quay lưng lại với Chúa và không chịu lắng nghe lời Ngài. Tiên tri Giêrêmia phàn nàn: “Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con”. Cha Philippe Henne, Dòng Đa Minh, nguyên giáo sư tại trường Kinh Thánh và Khảo cổ học Giêrusalem (1), giải thích : đối với tác giả Thánh vịnh, “ông chỉ sợ một điều, đó là người ta sẽ chế nhạo ông. Ông mơ ước có thể trả thù bằng cách cười nhạo kẻ thù của mình”.
Tuy nhiên, tiếng cười có thể đổi chiều, khi người công chính giành được chiến thắng (Tv 51 (52), 8), hoặc khi họ vui mừng khi thấy công trình của Thiên Chúa được hoàn thành: “Những người nào muốn thấy con được minh oan, chớ gì họ cười vui và reo mừng hoan hỷ” (Tv 34 (35), 27). Ngay cả Qoheleth, người tuyên bố tiếng cười là vô lý (2, 2), cũng thừa nhận rằng có “thời để cười” (3, 4).
Tại sao tổ phụ Isaac được gọi là “Nó cười”?
Tiếng cười, đó cũng là ý nghĩa tên của tổ phụ thứ hai trong sách Sáng Thế ký, Isaac, con trai của ông Abraham. Mẹ của ông, bà Sara, hiếm muộn và đã quá già để có con. Cha ông là Abraham cũng đã già. Nhưng trong khi Abraham đã có một đứa con trai từ người hầu của ông là Haga, thì Thiên Chúa lại thông báo với ông rằng ông sẽ có một đứa con trai từ vợ mình. Abraham cười (Stk 17, 17). Khi ba người lạ xuất hiện và nói rằng Sara sẽ có con trai, chính bà đã cười. Cha Henne tóm tắt: “Câu chuyện của Sara vô cùng cảm động. Người phụ nữ này, bị sỉ nhục suốt đời vì vô sinh, được cho biết rằng bà sắp sinh con! Nhiều người nghĩ rằng bà cười vì hoài nghi. Đối với tôi, đó đặc biệt là tiếng cười của sự giải thoát.”
Ở chương 21, khi Isaac được sinh ra, bà Sara đã kêu lên: “Thiên Chúa đã làm cho tôi cười; tất cả những ai nghe biết sẽ cười tôi.” (c. 6). Đối với Sơ Juliette Ploquin, một nữ tu dòng Xavier, người vừa bảo vệ một luận văn về chủ đề này, “câu chuyện về Abraham và Sara ghi khắc tiếng cười trong giao ước giữa Thiên Chúa và loài người, thực hiện lời hứa với Abraham về vô số con cháu”. Trong “Bible. Les récits fondateurs” (2), Frédéric Boyer viết: “Trong tiếng cười này, có tất cả những gì chúng ta không còn mong đợi nữa, những hy vọng đã mất, những lời hứa đã bị lãng quên. Chính cái bất khả đột nhập và đến gõ cánh cửa của cuộc đời.”
Chúa Giêsu có cười không?
Trong các sách Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu khóc, nhưng không bao giờ cười. Vì lý do gì? Theo cha Henne, điều này là do “tiếng cười có hàm ý phá hủy rộng rãi trong tiếng Do Thái, cũng như cả tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh, thời Cổ đại. Chúa Giêsu không đến để chế nhạo chúng ta, Người đến để cứu độ chúng ta”. Trái lại, Người chắc chắn đã trải nghiệm niềm vui và sự vui thích.
Chúa Giêsu có cười không? Vào thời Trung cổ, câu hỏi này là chủ đề tranh luận gay gắt giữa những người ủng hộ của hai truyền thống. Một mặt, một truyền thống khắc khổ trong đó sự ăn năn thống hối là bắt buộc: cần phải buồn phiền vì tội lỗi của mình hơn là vui mừng và vui đùa. Trong Tu Luật của mình, thánh Biển Đức chính thức cấm các đan sĩ cười. Đời sống Kitô hữu dưới cái nhìn của Thiên Chúa là một điều quá nghiêm túc để có chỗ cho sự hài hước. Một số Giáo Phụ Sa mạc đã đau khổ khi thấy các đệ tử trẻ của họ cười và đùa cợt. Sơ Juliette Ploquin coi đó là “một lệnh truyền về sự tự chủ: người ta buông thả trong tiếng cười”.
Nhưng các Giáo phụ Kitô giáo khác lại bảo vệ tiếng cười. Cha Philippe Henne gợi nhớ: “Một Giáo Phụ sa mạc đã nói rằng một đan sĩ không biết cười thì không phải là một đan sĩ nghiêm túc”. Thánh Augustinô nhìn thấy trong tiếng cười biểu hiện niềm vui đích thực trước những kỳ công của Thiên Chúa. “Vả lại, ngài đã hoán cải sau khi nhìn thấy một người ăn xin vui cười trên đường phố, bất chấp sự nghèo khổ của mình.” Cha Henne nói thêm, thánh Tôma Aquinô thậm chí còn biến nó thành một “bổn phận bác ái”. Cha giải thích : “Thánh Tôma sống trong cộng đoàn. Trong cộng đoàn, một người anh em rầu rĩ và tiêu cực, không bao giờ cười, có thể gây nhiều tổn hại cho người khác.”
Tiếng cười có sức mạnh tinh thần không?
Niềm vui của bà Elizabeth, bà cũng cao tuổi, mang thai Gioan, tiếng cười của Đức Maria mà chúng ta nghe trong bài ca Magnificat (Lc 1, 39-58), nói lên sự giải thoát khỏi những nhục nhã của cuộc sống, khỏi tình trạng vô sinh, khỏi địa vị xã hội… Nữ tu Juliette Ploquin giải thích: “Tiếng cười xuất phát từ khoảng cách giữa những gì hẳn đã phải xảy ra và những gì đang xảy ra theo kế hoạch của Thiên Chúa. Nó cho phép giữ khoảng cách và nhìn mọi thứ khác với quan điểm của con người chúng ta.”
Tiếng cười nâng cao tinh thần, nó lay động, nó cũng có thể giúp ích cho sự khiêm tốn thực sự khi chúng ta biết cười chính mình. Nữ tu cho rằng “có điều gì đó cứu rỗi trong sự tự cười nhạo, đó là một ân sủng. Nó có thể là một tay vịn chống lại sự kiêu ngạo.” Tuy nhiên, giống như bất kỳ hình thức hài hước nào, việc tự cười nhạo mời gọi sự phân định. Cha Philippe Henne cho rằng: “Tất cả là vấn đề về liều lượng. Khi chúng ta có quá nhiều khoảng cách quan trọng so với những gì chúng ta làm, chúng ta không thể thực sự dấn thân được nữa.” Sự tự cười nhạo, hài hước, nhẹ nhàng, đùa giỡn… do đó được chào đón trong đời sống Kitô hữu, đúng mức và đúng chỗ.
Tý Linh
(theo Christel Juquois, nhật báo La Croix)
—————————————————————-
(1) Tác giả của cuốn Rire dans la Bible. Ironie, cruauté ou joie de vivre ?, Cerf, 2025, 212 p., 22 €.
(2) Frédéric Boyer et Marc Bloch, Bible. Les récits fondateurs, Bayard, 2016, 524 p., 29,90 €.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- CÁC NHÀ KHOA HỌC TÁI TẠO LẠI KHUÔN MẶT CỦA THÁNH TÊRÊSA AVILA
- SỨC KHỎE CỦA ĐỨC PHANXICÔ ĐƯỢC CẢI THIỆN DẦN DẦN KHI NGÀI ĐANG HỒI PHỤC TẠI NHÀ THÁNH-MARTA
- BẢO VỆ TRẺ VỊ THÀNH NIÊN: ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI MỘT “SỰ HOÁN CẢI TOÀN DIỆN”
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. II. CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU. NHỮNG CUỘC ĐỐI THOẠI. BÀI 2. NGƯỜI PHỤ NỮ SAMARI. “CHO TÔI XIN CHÚT NƯỚC UỐNG!” (Ga 4, 7)
- 24 GIỜ CHO CHÚA 2025
- BA MƯƠI NĂM THÔNG ĐIỆP EVANGELIUM VITAE: TRỰC GIÁC NHÌN XA TRÔNG RỘNG CỦA ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II
- ĐỨC THÁNH CHA ĐỒNG TẾ THÁNH LỄ, TIẾP TỤC TRỊ LIỆU TẠI NHÀ THÁNH MARTA
- LINH THAO CỦA GIÁO TRIỀU: BÀI 1. LÚC KẾT THÚC SẼ LÀ LÚC KHỞI ĐẦU
- MỘT HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH QUỐC TẾ TẠI VATICAN DÀNH RIÊNG CHO VẤN ĐỀ TUỔI THỌ
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM C: SỰ KIÊN NHẪN CỦA THIÊN CHÚA MỜI GỌI CHÚNG TA HOÁN CẢI
- VATICAN, BÀI HỌC TỪ MỘT VỊ GIÁO HOÀNG ĐAU KHỔ
- ĐỨC PHANXICÔ CHÀO CÔNG CHÚNG VÀ BAN PHÉP LÀNH ĐẦU TIÊN TỪ BỆNH VIỆN
- ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ SẼ XUẤT VIỆN VÀO CHÚA NHẬT
- ĐỨC PHANXICÔ SẼ CHÀO ĐÓN VÀ BAN PHÉP LÀNH CHO ĐÁM ĐÔNG TẠI BỆNH VIỆN GEMELLI VÀO CHÚA NHẬT
- ĐỨC PHANXICÔ ĐANG CẢI THIỆN VÀ NGÀY CÀNG SỬ DỤNG ÍT OXY LƯU LƯỢNG CAO HƠN
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. II. CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU. CÁC CUỘC GẶP GỠ. BÀI 1. NICÔĐÊMÔ, “ÔNG CẦN PHẢI ĐƯỢC SINH RA MỘT LẦN NỮA BỞI ƠN TRÊN” (Ga 3, 7b).
- HƠN 1,4 TỶ NGƯỜI CÔNG GIÁO TRÊN TOÀN THẾ GIỚI
- ĐỨC PHANXICÔ KHÔNG CÒN CẦN ĐẾN MÁY THÔNG KHÍ NỮA
- SỨ ĐIỆP CỦA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO CÁC ƠN GỌI 2025 : NHỮNG NGƯỜI HÀNH HƯƠNG HY VỌNG : DÂNG HIẾN MẠNG SỐNG
- ĐỨC PHANXICÔ ĐÃ QUA ĐÊM MÀ KHÔNG DÙNG MÁY THÔNG KHÍ