THÁNH LỄ AN TÁNG ĐỨC ÔNG GIUSE MAI ĐỨC VINH

Written by xbvn on Tháng Chín 11th, 2020. Posted in Xuân Bích Thế Giới, Xuân Bích Việt Nam

Thánh lễ diễn ra lúc 10g, tại nhà thờ Saint Sulpice, Paris, ngày 10/9/2020, do cha Jean-Marc Micas, Giám tỉnh Xuân Bích tỉnh Pháp,  chủ tế.

Lời chào đầu lễ của cha Micas:

Hôm nay, chúng ta quy tụ nơi đây để đồng hành bằng tình cảm, đức tin và lời cầu nguyện của chúng ta với Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh, Linh mục của Hội Xuân Bích, trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đời ngài trên trần gian.

Nhân danh Hội Linh Mục Xuân Bích và các anh em Xuân Bích Tỉnh Pháp, tôi mến chào Cha Bề trên tổng quyền của chúng tôi, tất cả các anh em Xuân Bích đang hiện diện và những ai bày tỏ sự gần gũi của mình, cách riêng các anh em Xuân Bích Việt Nam. Đức Cha Aupetit, Tổng Giám mục của chúng ta, đã viết thư cho tôi để bày tỏ sự gần gũi và lời cầu nguyện của ngài, cũng như sự biết ơn của ngài đối với công việc phục vụ mà Đức Ông Vinh đã làm ở giáo phận Paris.

Trong tình huynh đệ, tôi xin hết lòng chào đón cộng đoàn Thừa sai Công giáo Việt Nam ở Paris, cùng với Cha Sở và Cha Phó của mình. Xin cám ơn vì tình cảm mà anh chị em đã luôn dành cho Đức Ông Vinh, trong suốt cuộc đời của ngài, vào lúc ngài dọn nhà đến Nhà Marie-Thérèse, và cho đến hôm nay.

Tôi xin hết lòng cám ơn Nhà Marie-Thérèse, cách riêng Bề trên của cộng đoàn, Cha Georges Nicholson, vì sự hiện diện của ngài, thừa tác vụ của ngài bên cạnh các anh em cư trú dưới mái nhà. Cha thân mến, tôi cũng xin Cha bày tỏ lòng biết ơn của tôi đến tất cả nhân viên của Nhà Marie-Thérèse nơi Đức Ông Vinh đã được đón tiếp rất tốt đẹp cách đây 3 năm.

Sau cùng, tôi xin cám ơn Cha Henri de La Hougue, tân quản xứ của Giáo xứ Saint-Sulpice, vì sự đón tiếp của ngài ở đây hôm nay, cũng như tất cả các nhân viên của Giáo xứ. Bình thường, nhà thờ Saint-Sulpice trở nên nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Paris… Hôm nay, bên cạnh việc đón tiếp một linh mục Xuân Bích, nhà thờ này cách nào đó cũng trở thành nhà thờ Saint-Joseph des Epinettes, mang lại cho mọi người một không gian thích hợp, trong những điều kiện vệ sinh y tế mà chúng ta đều biết.

Chúng ta cầu nguyện cho người anh em của chúng ta, trong niềm hy vọng mà đức tin mang lại, phó dâng ngài cho lòng thương xót của Thiên Chúa.

Tôi xin mời anh chị em ngồi xuống để nghe giới thiệu về hành trình của ngài.

Giới thiệu:

Đức Ông Giuse Vinh sinh ngày 15/12/1935 ở Thanh Hóa, Việt Nam. Như thế ngài 85 tuổi. Từ năm 1958 đến 1962 ngài ở Đại Chủng viện Xuân Bích ở Sài Gòn, rồi ở Đại Chủng viện Huế trong vòng 2 năm, và cuối cùng Đại Chủng viện Vĩnh Long trong vòng 1 năm. Sau đó, ngài được thụ phong linh mục ngày 17/4/1965 thuộc giáo phận Thanh Hóa, trước khi gia nhập Hội Linh Mục Xuân Bích vào năm tiếp theo.

Trong vòng 1 năm, ngài là giáo sư ở Tiểu Chủng viện Nha Trang, rồi được gởi sang Rôma nơi mà trong vòng 3 năm ngài đã học tập để dạy ở Đại Chủng viện.

Từ năm 1969 đến 1974, ngài là Nhà đào tạo ở Đại Chủng viện Huế, giáo sư luân lý và giáo luật.

Tiếp đến, ngài lại được gởi đi du học và lần này ngài đạt hai bằng tiến sĩ: 1 giáo luật vào năm 1975 và 1 thần học mục vụ vào năm 1978.

Chiến tranh bùng nổ ở Việt Nam khi ngài đang ở Rôma. Ngài đã phải ở lại Pháp sau khi kết thúc việc đào tạo. Và chính như thế mà vào năm 1978 Đức Hồng y François Marty đã bổ nhiệm ngài làm Cha Sở Giáo xứ Việt Nam ở Paris. Lúc đó ngài 43 tuổi! Ngài ở đó cho đến khi sức khỏe của ngài và nhất là tuổi tác của ngài bó buộc ngài phải  dọn nhà đến Nhà Marie-Thérèse cách đây 3 năm.

 Bài giảng của cha Micas:

1 Co 15,1-5.11 – Ps 22 – Lc 24,13-35

Vào chiều Phục Sinh, hai môn đệ lên đường đến một làng nọ, cả hai đều buồn bã vì họ cùng nhau nói về niềm hy vọng thất vọng của họ… Và rồi có ai đó đang bước đi cùng với họ và cuộc đối thoại bắt đầu. Lòng họ cháy bừng lên đang khi họ nói chuyện trên đường đi, nhưng tâm trí của họ vẫn chưa nhận ra Ngài… Chỉ khi ở quán trọ mà mắt họ sẽ được mở ra, sự nhận biết sẽ bắt đầu, niềm vui sẽ dâng trào và họ sẽ trở thành những tông đồ loan báo Tin Mừng : Ngài đang sống !

Bóng tối và ánh sáng, tâm hồn cháy bừng lên và tâm trí chậm hiểu, niềm hy vọng thất vọng và niềm hy vọng phục sinh… Như thế, cuộc đời  con người của chúng như một công trình dần dần được nổi rõ lên, được vẽ, được đan dệt, được ghi khắc, được nhào nắn… Bóng tối và ánh sáng, tâm hồn cháy bừng lên và tâm trí chậm hiểu, niềm hy vọng thất vọng và niềm hy vọng phục sinh…

Các môn đệ trên đường Emmaus rời bỏ một thế giới vốn không hoàn toàn là thế nữa, một thế giới làm cho họ buồn bã bởi vì họ đã mơ mộng và giấc mơ của họ đã tan vỡ. Từ đây, chắc chắn họ bị lấy đi những gì quá đến từ họ : đối với họ rõ ràng vị đại ngôn sứ mà niềm tin Israel chờ đợi hàng bào thế kỷ nhất thiết phải là một nhà giải phóng theo cách thức nhân loại. Giấc mơ của họ đã bị treo trên thập giá và, đến lượt họ, họ tan vỡ.

Các môn đệ trên đường Emmaus rời bỏ một thế giới vốn hoàn toàn không còn là của họ nữa. Họ chuẩn bị nghiền ngẫm sự cay đắng của mình, theo đuổi con đường sống rụt cổ của mình… Dĩ nhiên, họ sẽ tiếp tục sống, nhưng đó sẽ là không cùng hương vị, không cùng đà nhiệt huyết, không niềm vui, không ánh sáng đích thực… Họ ra đi buồn bã, và ta hiểu rằng sự buồn bã này là những nỗi buồn kéo dài suốt cuộc đời, nếu không có gì xảy ra…

Các môn đệ trên đường Emmaus rời bỏ một thế giới vốn không hoàn toàn là nó nữa : nó như có mùi vị cát mà một cơn cuồng phong đã sinh ra trong miệng họ và làm cho họ khô khan từ bên trong…

Ngay cả người lạ đang bước đi bên cạnh họ cũng không làm cho họ quên đi nỗi buồn của mình, chưa quên được, cho dầu lòng họ hoàn toàn cháy bừng lên khi Ngài nói chuyện với họ trên đường đi…

Rất thường, cuộc sống của chúng ta có thể giống với câu chuyện của hai môn đệ này. Chúng ta còn trẻ, đầy những nhiệt huyết, những giấc mơ, những ước muốn…và rồi cuộc sống đến làm thất vọng điều đó và nỗi buồn có thể xâm nhập, và đe dọa bao phủ tất cả bằng một màn đêm…Biết bao số phận con người cho thấy rằng chính như thế mà mọi sự đã diễn ra cho họ. Những phản ứng đi theo là rất khác nhau : hoặc người ta rơi vào một cuộc sống trầm cảm, hoặc người ta trốn vào những thú vui chơi ồn ào để không còn nghĩ đến những giấc mơ thất bại của mình nữa…Toàn thể nhân loại có thể giống với các môn đệ trên đường Emmaus : nhiều người đương thời của chúng ta cũng có một ý tưởng rất rõ ràng về việc Thiên Chúa phải giống với điều gì, nếu Ngài tồn tại, về việc Ngài phải làm hay không làm những gì, nếu Ngài thực sự tồn tại…

« Vậy mà, đang khi họ nói chuyện và thảo luận, thì chính Chúa Giêsu tiến đến gần và Ngài bước đi với họ. Nhưng mắt họ còn mù lòa, và họ đã không nhận ra Ngài. »

Chính trong đức tin mà chúng ta khẳng định rằng Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu, luôn trở nên bạn đồng hành với các môn đệ trên đường Emmaus. Chúng ta tin rằng Chúa Giêsu luôn đồng hành bên cạnh những con người đang than khóc về những giấc mơ tan vỡ của họ, cho dầu mắt và tâm trí họ vẫn chưa thấu hiểu Ngài. Để sự nhận biết khai mở, để họ sáng mắt, để tâm trí hiểu được ngay, cần phải có một cử  chỉ, một lời nói, và một ít bánh…Từ khi Chúa Giêsu dâng lời chúc tụng, ánh sáng mở ra, và lập tức niềm vui sẽ là dấu chỉ hữu hình của điều đó. Từ cuộc gặp gỡ trên đường Emmaus này giữa Chúa Giêsu và hai người lữ khách trong Tin Mừng, bản văn là như là một dụ ngôn về câu chuyện của chúng ta với Thiên Chúa. Và Giáo hội chính là bí tích để Thiên Chúa đồng hành bên cạnh con người và làm cho tâm hồn họ bừng cháy lên, Giáo hội chính là bí tích làm cho con người đón nhận tấm bánh mở mắt và tâm trí, tấm bánh mang lại niềm vui, lên đường trở lại, tấm bánh mang lại sự sống. Giáo hội, toàn Giáo hội, giáo dân, tu sĩ, các thừa tác vụ chức thánh, Giáo hội là dấu chỉ của sự sống của Thiên Chúa mà sẽ không bao giờ làm thất vọng. Và trong Giáo hội, thừa tác vụ của các linh mục là thiết yếu để chia sẻ bánh sự sống.

Hôm nay, chúng ta đồng hành một con người đã đạt tới tận cùng sự sống hữu hình của mình. Người này, người tín hữu này đã được thụ phong linh mục cách đây 55 năm, nơi một đất nước khác, một châu lục khác. Linh mục này đã muốn trở thành nhà đào tạo các linh mục, và, sau một vài năm sứ vụ ở Đại Chủng viện, một lần nữa ngài đã được gởi sang Rôma để tiếp tục học nâng cao và trở thành một giáo sư đầy khả năng hơn nữa. Và rồi chiến tranh đã làm tan vỡ các tự phóng, quật ngã các giấc mơ, và đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của con người này, và hàng triệu người khác, làm đảo lộn cuộc sống của vị linh mục Xuân Bích này. Thay vì phục vụ các anh em chủng sinh nhỏ bé của mình, ngài đã trở thành Cha Sở, và là một Cha Sở tuyệt vời : 39 năm Cha Sở của Giáo xứ Việt Nam ở Paris ! Ngài hẳn đã có thể buồn bã và trầm uất : ngài đã hiến mạng sống mình cách nhiệt thành và hân hoan, cho đến cùng, để an ủi, nâng đỡ, khích lệ các anh chị em của mình, để thông truyền cho họ Tin Mừng và mang lại cho họ sự sống của Thiên Chúa ! Sự hiện diện của nhiều anh chị em gốc Việt Nam của chúng ta trong ngôi nhà thờ Saint-Sulpice này hô mnay làm chứng cho sự chiếu sáng trong đời sống và thừa tác vụ của Đức Ông Vinh.

Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì những gì cảo cả, tốt đẹp, quảng đại trong đời sống của người anh em của chúng ta : ngài đã là người tôi tớ của một công trình vốn vượt quá tất cả chúng ta, bởi vì công trình là công trình mầu nhiệm của Thiên Chúa cứu độ, của Thiên Chúa dâng hiến mạng sống, của Thiên Chúa trao ban niềm vui.

Anh chị em thân mến, biết ơn vì thừa tác vụ của Cha Vinh, chúng ta phó dâng ngài cho lòng nhân hậu và thương xót của Thiên Chúa, cầu xin Người đón nhận ngài trong bình an của Người, vào cuối hành trình Emmaus. Xin Thiên Chúa đón nhận ngài vào bàn tiệc của Người nơi chúng ta sẽ gặp lại nhau một ngày nào đó trong niềm vui vĩnh hằng. Amen.

 

Tý Linh chuyển ngữ

từ:  https://www.saintsulpicefrance.fr/actualites/415-deces-du-p-joseph-mai-duc-vinh-pss.

Nguồn hình ảnh: Vietcatholic.org (https://photos.google.com/share/AF1QipMj03PdJPspp4GwWBbmRs0ay6fTib8JKiXKAG2kNifllL1WPuXka8i1_h3LL3U1ng?pli=1&key=QlVCdE5oYWU5VDllQUZSc1FIMDVSSXQwdU1sR3N3)

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31