THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
Trước khi cử hành Thánh lễ Đêm Giáng sinh 2024, Đức Phanxicô đã mở Cửa Thánh Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, từ đó khai mạc Năm Thánh 2025 với chủ đề hy vọng. Trong bài giảng, ngài nhấn mạnh rằng nhân đức Kitô giáo này không tương thích với sự lười biếng và yêu cầu mỗi người “trở thành những người hành hương tìm kiếm sự thật”. Trong một năm, các tín hữu từ khắp nơi trên thế giới được mời đi qua Cửa Thánh và mở rộng cánh cửa cho Chúa Kitô.
Chính trong thinh lặng và cầu nguyện mà Người Kế vị Thánh Phêrô đã mở những cánh cửa đồng của Cửa Thánh của Vương cung thánh đường Phêrô, chính thức đưa người Công giáo trên toàn thế giới bước vào Năm Thánh 2025. Cánh cửa nằm ở cuối bên phải của sảnh Vương cung thánh đường, sẽ vẫn mở cửa cho đến ngày 6 tháng 1 năm 2026, cho phép những người hành hương đi qua nó, cũng như bốn Cửa Thánh khác của thành phố vĩnh cửu, đi từ tội lỗi đến ân sủng. Điều này được thực hiện cho 54 tín hữu trong đó có đại diện Việt Nam, thuộc mọi lứa tuổi và từ năm châu lục, những người đã đi theo bước chân Đức Thánh Cha vào ngày 24 tháng 12, cùng với bài hát chính thức của Năm Thánh, và tiếp theo là các hồng y, linh mục, tu sĩ và các thành viên của Giáo triều Rôma.
Trước 6.000 tín hữu trong vương cung thánh đường và 25.000 người khác tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có bài giảng về niềm hy vọng được mang lại do sự ra đời của Hài Nhi Giêsu, Đấng “đã ngự xuống giữa chúng ta để nâng chúng ta lên và đưa chúng ta trở lại trong vòng tay của Chúa Cha”. “Và nếu Thiên Chúa đến, ngay cả khi tâm hồn chúng ta như chiếc máng cỏ nghèo nàn, thì chúng ta có thể nói: niềm hy vọng không chết, hy niềm vọng vẫn sống động, và nó bao bọc cuộc đời chúng ta mãi mãi!”, Đức Giáo hoàng đã thốt lên như thế dưới chân Tán du đã được phục hồi của Bernini và bức tượng Đức Mẹ Hy vọng.
“Anh chị em thân mến, với việc mở Cửa Thánh, chúng ta đã khai mạc một Năm Thánh mới: mỗi người chúng ta có thể bước vào mầu nhiệm của việc loan báo ân sủng này. Đó là đêm mà cánh cửa hy vọng mở ra cho thế giới; đó là đêm mà Thiên Chúa nói với mỗi người: cũng có niềm hy vọng cho con! Có hy vọng cho mỗi người chúng ta. Nhưng thưa anh chị em, đừng quên rằng Thiên Chúa tha thứ mọi sự, Thiên Chúa luôn tha thứ. Hãy nhớ điều này, đó là một cách hiểu về niềm hy vọng vào Chúa”
Theo hình ảnh các mục đồng ở Bêlem đã “lên đường không chậm trễ” sau khi được thông báo về sự ra đời của Hài Nhi Giêsu, Đức Thánh Cha cũng mời gọi các tín hữu lên đường “không chậm trễ”, tìm kiếm niềm hy vọng đã mất để “gieo nó vào sự sầu não của thời đại và thế giới của chúng ta”, và chuyển nó “vào các hoàn cảnh cuộc sống của chúng ta”.
Niềm hy vọng, không tương thích với sự tầm thường và lười biếng
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha kêu gọi đừng nhầm lẫn niềm hy vọng Kitô giáo với “một kết thúc có hậu được chờ đợi một cách thụ động”. Ngược lại, ngài nhấn mạnh, nó yêu cầu các tín hữu đừng nhốt mình vào những thói quen của mình, đừng chìm đắm trong sự tầm thường và lười biếng mà hãy “phẫn nộ trước những điều sai trái và hãy can đảm để thay đổi chúng”. Niềm hy vọng Kitô giáo “yêu cầu chúng ta trở thành những người hành hương tìm kiếm sự thật, những người mơ ước không bao giờ mệt mỏi, những người nam và người nữ để cho mình được đánh động bởi ước mơ của Thiên Chúa, ước mơ về một thế giới mới, nơi hòa bình và công lý ngự trị”. Để làm được điều này, Đức Phanxicô khuyên hãy lấy một gương từ các mục đồng ở Bêlem, bởi vì “niềm hy vọng nảy sinh trong đêm nay không dung thứ cho sự lười biếng của những người ru rú ở nhà và sự lười biếng của những người đã ngồi yên trong sự tiện nghi của họ; nó không thừa nhận sự khôn ngoan sai lầm của những người không dấn thân vì sợ làm tổn hại đến bản thân và sự tính toán của những người chỉ nghĩ đến bản thân mình; nó không tương thích với cuộc sống bình lặng của những người không lên tiếng chống lại sự dữ và những bất công gây thiệt hại cho những người nghèo nhất.” Niềm hy vọng Kitô giáo phải đi kèm với trách nhiệm và lòng trắc ẩn.
Dấn thân mang lại niềm hy vọng ở nơi nó đã bị mất
Được chọn làm chủ đề của Năm Thánh, nhân đức Kitô giáo này mời gọi các tín hữu “tái khám phá niềm vui được gặp gỡ Chúa, (…) về một cuộc đổi mới tâm linh và dấn thân biến đổi thế giới, để thời gian này thực sự trở thành thời gian đại xá” cả đối với Trái đất, vốn “bị biến dạng bởi lôgic lợi nhuận”, cũng như đối với “các quốc gia nghèo nhất, đang gánh những khoản nợ bất công”, cũng như “tù nhân của chế độ nô lệ cũ và mới”. Việc mở Cửa Thánh trao cho mỗi người “ân sủng và sự dấn thân mang lại niềm hy vọng ở những nơi nó đã bị mất”, chẳng hạn như trong trái tim của những người nghèo, những người đau khổ hay thậm chí là những tù nhân. Các tù nhân, thường bị tước đoạt triển vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn, sẽ được vinh dự vào Thứ Năm tuần này, ngày 26 tháng 12, trong việc mở Cửa Thánh tại nhà tù Rebbibia ở Rôma. Như đã chỉ ra trong sắc chỉ Spes non confundit, việc mở cánh cửa này giữa các tù nhân tượng trưng cho niềm hy vọng về một khởi đầu mới có thể có đối với mỗi người.
Đức Thánh Cha tiếp tục bằng cách trích dẫn bài giảng lễ Giáng Sinh của cố Hồng y người Ý và Tổng Giám mục Milan, Dòng Tên, Carlo Maria Martini, về sự dịu dàng của Thiên Chúa được thể hiện trên khuôn mặt của Hài Hhi Giêsu: “Chiêm ngưỡng lòng nhân từ yêu thương của Thiên Chúa, Đấng đã chiến thắng sự ngờ vực và nỗi sợ hãi của chúng ta, chúng ta cũng chiêm ngưỡng sự vĩ đại của niềm hy vọng đang chờ đợi chúng ta. […] Cầu mong tầm nhìn hy vọng này soi sáng con đường của chúng ta mỗi ngày” (Bài giảng Giáng sinh, 1980).
Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ngỏ lời với tất cả các tín hữu: “Trong đêm nay, chính cho bạn mà “Cửa Thánh” của trái tim Thiên Chúa được mở ra. Chúa Giêsu, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đã được sinh ra cho bạn, cho chúng ta, cho mỗi người nam và người nữ. Và với Người, niềm vui nảy nở, với Người cuộc sống thay đổi, với Người niềm hy vọng không làm thất vọng”.
Như truyền thống hàng năm, Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc buổi lễ bằng cách mang Hài Nhi Giêsu đến hang đá Giáng Sinh ở Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, xung quanh là những đứa trẻ đang đặt những bó hoa của chúng ở đó.
Tý Linh
(theo Alexandra Sirgant – Vatican News)
Tags: Giáng-sinh, năm thánh 2025, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS