THÁNH LỄ TẠI SINGAPORE: ĐỨC THÁNH CHA KHUYẾN KHÍCH “TÌNH YÊU XÂY DỰNG”

Written by xbvn on Tháng Chín 12th, 2024. Posted in Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

50.000 tín hữu từ Singapore và các nước lân cận đã tham dự thánh lễ do Đức Phanxicô chủ tế vào thứ Năm ngày 12/9/2024 tại sân vận động thành phố. Trong bài giảng của mình, ngài nhắc lại sự cao cả và uy nghi của các dự án của chúng ta có thể khiến chúng ta quên rằng nếu không có tình yêu, chúng ta chẳng là gì cả.

Một biển điện thoại lấp lánh, dù che nắng, đồng phục học sinh và dàn hợp xướng trẻ em tràn ngập sân vận động Quốc gia Singapore trong thánh lễ đầu tiên của một Giáo hoàng sau gần 40 năm tại quốc đảo này. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chinh phục được khán giả của mình bằng cách dừng lại khoảng 20 lần bằng xe giáo hoàng truyền thống để chào đón và chúc lành cho các trẻ nhỏ ở Singapore, khơi dậy sự hò reo và tán thành của 50.000 tín hữu có mặt. Với cách tổ chức chính xác, đã được triển khai tại sân vận động này nhân dịp kỷ niệm 200 năm thành lập thành phố cách đây 5 năm, thánh lễ long trọng đã cộng hưởng các bài hát của nhiều ca đoàn trẻ em và người lớn từ các giáo xứ hoặc trường học khác nhau của Singapore.

“Không có tình yêu chúng ta chẳng là gì cả”

Trong buổi cử hành Thánh Thể bằng tiếng Anh này, Đức Thánh Cha muốn nhắc nhở các tín hữu đến từ Đài Loan, Hồng Kông, các nước láng giềng Malaysia, Philippines, Việt Nam, Miến Điện và các giám mục của họ, tính ưu việt của tình yêu trên mọi hình thức hận thù, lòng quảng đại trên sự ích kỷ, tình liên đới trên sự thờ ơ.  “Không có tình yêu chúng ta chẳng là gì cả”. Trong bài giảng, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng nền kỹ thuật điêu luyện của Singapore sẽ không tồn tại nếu nó không được thúc đẩy bởi tình yêu.

“Cho dù ở khởi nguồn của những công trình hoành tráng này, giống như bất kỳ doanh nghiệp nào khác để lại dấu ấn tích cực trên thế giới này, nhưng, như nhiều người nghĩ, trước hết không có tiền bạc, cũng không phải kỹ thuật, thậm chí cả đồ án kỹ thuật – tất cả đều là phương tiện hữu ích – nhưng là tình yêu: “ chính xác là tình yêu xây dựng”, Đức Phanxicô nhấn mạnh và đồng thời nói tiếp : “Một số người có thể cho rằng đây là một tuyên bố ngây thơ, nhưng nếu chúng ta nghĩ lại thì không phải vậy. Quả thực, không có công trình tốt nếu không có những con người thông minh, mạnh mẽ, giàu có, sáng tạo, nhưng cũng có cả những người đàn ông và phụ nữ mong manh, như chúng ta, những người không có tình yêu thì không có sự sống, không có động lực, không có lý do để hành động, cũng không có sức mạnh để xây dựng.”

“Chúng ta là một kho báu quý giá”

Nếu không có điều này, ngay cả ở đây, không ai có thể phát triển một đô thị lớn như vậy, các kiến ​​trúc sư hẳn sẽ không thiết kế, các công nhân sẽ không làm việc và sẽ không đạt được điều gì, Đức Thánh Cha nhận xét và mô tả Singapore như một dấu hiệu, và đằng sau mỗi công trình của nó là rất nhiều câu chuyện tình yêu để khám phá. “Những người nam và người nữ đoàn kết với nhau trong một cộng đồng, những công dân tận tụy cho đất nước, những người mẹ và những người cha quan tâm đến gia đình họ, những chuyên gia và công nhân thuộc mọi loại hình và trình độ, dấn thân trung thực trong các vai trò và nhiệm vụ khác nhau của họ.”

Vì vậy, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người hãy học cách đọc “những câu chuyện này được viết trên mặt tiền các ngôi nhà và trên đường đi của chúng ta, thật tốt để chúng ta học cách đọc và truyền tải ký ức về chúng, để nhắc nhở chúng ta rằng không có gì tồn tại lâu dài được sinh ra và lớn lên nếu không có tình yêu”. Trong Giáo hội Singapore này, rất đa dạng về mặt sắc tộc nhưng cũng rất đoàn kết và hiệp nhất, tòa nhà đẹp nhất, kho báu quý giá nhất, khoản đầu tư sinh lợi nhất trước mắt Thiên Chúa, “chính là chúng ta”.

Ở một vùng đất mà lòng sùng kính Đức Mẹ hết sức mãnh liệt, vẫn còn đậm nét Châu Âu với những hang đá phía trước mỗi nhà nguyện, Đức Thánh Cha mong muốn trong phụng vụ này, việc tưởng nhớ Danh Thánh Đức Maria là tưởng nhớ hình ảnh dịu dàng của Mẹ; cũng như hình ảnh của Thánh Phanxicô Xaviê, được đón tiếp ở Singapore nhiều lần, lần cuối cùng là vào ngày 21 tháng 7 năm 1552, vài tháng trước khi ngài qua đời. Đức Phanxicô trích dẫn một lá thư gửi cho thánh Inhaxiô trong đó thánh Phanxicô Xaviê  bày tỏ mong muốn được đi qua tất cả các trường đại học của thời ngài để “kêu lên đây đó như một kẻ điên và lay chuyển những người có nhiều giáo lý hơn là bác ái” (Thư từ Cochin, tháng 1 năm 1544), và Đức Thánh Cha hy vọng rằng mọi người sẽ coi những lời này là của riêng mình.

Mong muốn hòa bình ở Miến Điện

Phản ánh bức tranh đa sắc tộc và tôn giáo của đảo quốc, các bài hát dâng lễ và hiệp lễ được hát bằng bốn ngôn ngữ chính thức: tiếng Anh, tiếng Quan Thoại, tiếng Mã Lai, tiếng Tamil, trong thánh lễ do Đức Hồng Y William Goh, Tổng Giám mục Singapore, cử hành. Các Hồng y Chow (Hồng Kông), Francis (Malaysia) và Bo (Miến Điện) cũng có mặt. Trong số các tín hữu, có một nhóm hơn 200 người Miến Điện đang cầu nguyện cho hòa bình và hòa hợp trên đất nước của họ.  “Thánh lễ này rất quý giá. Nhiều người trong chúng tôi làm việc rất chăm chỉ cho gia đình và đất nước của mình. Điều đó thực sự khó khăn đối với chúng tôi, người dân Miến Điện. Không thể đến Ý để gặp Giáo hoàng. Như bạn đã biết, hiện tại đất nước chúng tôi đang rất hỗn loạn. Chúng tôi thực sự hy vọng sự bình an và hòa hợp từ thánh lễ này”, Sơ Marie, một nữ tu truyền giáo di ở Singapore, đến từ Miến Điện, giải thích.

Đó là trải nghiệm của một đời, của một cuộc đời duy nhất. Cảm ơn Chúa tôi đã ở đây ngày hôm nay. Tôi đã có thể tham dự thánh lễ của Đức Gioan Phaolô II vào năm 1986. Thậm chí hôm qua, khi tôi đang ở chợ, người bán cá đã nói với tôi: vị lãnh đạo Công giáo của đạo của bạn đã đến Singapore! Tôi nói ồ!, họ không phải là người Công giáo nhưng rất vui vì điều đó. Chúng tôi, những người Công giáo ở Singapore đang ở trang nhất của tin tức thời sự!”, một nữ tu người Singapore vui mừng nói.

Hy vọng về một chuyến tông du đến Việt Nam

Nhưng niềm hy vọng lớn nhất đến từ Việt Nam, một đất nước đang là nạn nhân của cơn bão chết người mà Đức Thánh Cha đã cầu nguyện trong thánh lễ. Đến với số lượng 450 tín hữu từ Hà Nội, Hồ Chí Minh hoặc các thành phố nhỏ hơn, tất cả đều chờ đợi chuyến tông du tới quê hương của họ.

Chúng tôi rất may mắn được gặp Đức Thánh Cha, thật là một niềm tự hào lớn lao khi được ở đó. Hiện nay ngày càng có nhiều người Công giáo ở Việt Nam. Chúng tôi cần sự nâng đỡ rộng rãi từ Vatican và Ý. Ở Việt Nam có một số người không hiểu chúng tôi, nhưng họ ngày càng thay đổi và cởi mở hơn. Chúng tôi vẫn cần những người giúp chúng tôi tin tưởng vào chính mình”, chị Veronica, 27 tuổi, đến từ thành phố “bên kia sông”, Hà Nội, cho biết. Hung, một sinh viên Việt Nam 20 tuổi, mỉm cười nói: “Tôi hy vọng rằng tiếp đến Đức Giáo hoàng sẽ đưa Việt Nam vào danh sách của mình để đến thăm chúng tôi”.

Tý Linh

(theo Delphine Allaire – Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Chín 2024
H B T N S B C
« Th8    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30