THÁNH PHAOLÔ LÀ NGƯỜI BÀI NỮ GIỚI ? « HOÀN TOÀN SAI », THEO THẦN HỌC GIA DANIEL MARGUERAT

Written by xbvn on Tháng Tư 21st, 2023. Posted in Nhân bản, Tâm linh, Thánh Kinh, Tý Linh

 Daniel Marguerat (*), nhà chú giải Thánh Kinh, chuyên viên về Tân Ước, thuộc Giáo hội Tin Lành Cải Cách, cho rằng các Kitô hữu sẽ được lợi ích khi đọc thánh Phaolô. Vì cái nhìn của ngài về căn tính Kitô giáo, vốn trao cho mỗi người được rửa tội cùng một địa vị và cùng một giá trị, có tính  hiện đại một cách đáng kinh ngạc. Đặc biệt, “cái nhìn của thánh Phaolô về căn tính Kitô giáo là tương lai của chúng ta, chứ không phải là quá khứ của chúng ta”.

 Daniel Marguerat

La Croix: Ông giới thiệu một tác phẩm mới về thánh Phaolô tại Hội sách Paris. Có gì mới để nói về nó?

Daniel Marguerat: Đa số các tác phẩm được xuất bản về thánh Phaolô hiện nay hoặc là các tiểu sử về thánh Tông đồ, được viết bởi các sử gia tìm cách xây dựng lại cuộc sống của ngài, hoặc là những phân tích thần học về tư tưởng của ngài. Tôi muốn kết hợp hai lối tiếp cận này, xác tín rằng tư tưởng nảy sinh và được nuôi dưỡng bởi cuộc sống. Một thần học gia, khi ông viết, là một người sống, đau khổ, trải nghiệm cảm xúc, muốn bảo vệ một quan điểm…Ghi khắc lại tư tưởng của thánh Phaolô trong lịch sử của ngài cho phép tôi nhận ra nhân tính của ngài: nói tóm lại là con người đằng sau bản văn.

Vả lại, tôi cố gắng giải quyết vấn đề tối nghĩa về một tư tưởng vốn luôn dịch chuyển, thay đổi, và đôi khi tự mâu thuẫn. Một số thần học gia cho rằng thánh Tông đồ thiếu đi sự nhất quán và ngài chỉ gây phản ứng với các bối cảnh hoặc các cuộc xung đột mà ngài tham gia. Tôi xác tín về điều ngược lại. Nhưng vị Tông đồ vĩ đại này không đưa ra một giáo lý phi thời gian. Lời nói của ngài luôn hướng đến một cộng đoàn và trả lời cho một vấn đề mà chúng ta có thể xác định.

La Croix: Chúng ta có thể nói rằng thánh Phaolô là người sáng lập Kitô giáo?

Daniel Marguerat: Ngài chưa bao giờ giới thiệu mình như thế. Ngài quan niệm lời của mình như một Tin Mừng có nền tảng là Chúa Kitô. Nhưng ngài là người tiên phong. Trước ngài, vào thập niên 40-50, Tin Mừng được rao giảng ở hội đường. Thánh Phaolô là người đầu tiên dẫn dắt một cách có hệ thống sứ mạng Kitô giáo vốn cũng được nói với những người không phải Do Thái giáo, mà họ không phải sáp nhập vào Do Thái giáo.

Mặt khác, ngài phải đương đầu với những vấn đề mới mẻ, như Thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô đặc biệt làm chứng. Chúa Giêsu đã không viết điều gì, cũng không nghĩ tổ chức một cộng đoàn sau Ngài. Ngài sống như một người du mục được đồng hành bởi một nhóm các môn đệ, trước khi chịu chết. Sau Ngài, mọi sự phải được phát minh.

Thánh Phaolô nói với những người Hy Lạp – Rôma, những người đang tự hỏi làm thế nào hằng ngày sống đức tin mới mẻ của mình, liệu họ có thể dùng bữa với người hàng xóm ngoại đạo, liệu họ phải thực hành nghi lễ của người Do Thái, liệu nữ giới có thể có một vai trò trong phụng tự không…Rất nhiều câu hỏi mà Chúa Giêsu đã không trực tiếp tự đặt ra, nhưng thánh Phaolô phải trả lời. Vì thế, ngài không phải là người sáng lập, bởi vì ngài không ngừng quy chiếu về Chúa Giêsu, nhưng ngài là người tiên phong.

Chúng ta hãy nói cho rõ ràng: căn tính của Kitô giáo sẽ không phải như nó là nếu không có ngài. Ngài là người đầu tiên trình bày lại lời nói của Chúa Giêsu trong nền văn hóa của thế giới Rôma, mở Kitô giáo ra với tính phổ quát. Ngài đã thực hiện một công việc sáng tạo và đổi mới đầy ấn tượng.

La Croix: Đến độ một số người trách cứ ngài đã phản bội Chúa Giêsu…

Daniel Marguerat: Vâng, người ta thường nói rằng Chúa Giêsu là một người đơn sơ, nói với những người nông dân và ngư dân, kể các dụ ngôn, loan báo một vị Thiên Chúa nhân lành…Thánh Phaolô sẽ đến làm rối mọi sự bằng một nền thần học trừu tượng, phức tạp và gây mặc cảm tội lỗi. Trên thực tế, thánh Phaolô đã trung thành với Chúa Giêsu, khi giải thích lời của Người trong một nền văn hóa và những điều kiện khác nhau. Vì thế, ngài là người giải thích của Người, có lẽ là người giải thích tốt nhất.

Chẳng hạn, thái độ của ngài đối với nữ giới chứng minh điều đó. Trong Do Thái giáo thời đó, việc giáo dục tôn giáo hoàn toàn được dành riêng cho nam giới. Chúa Giêsu đã phá vỡ những quy ước xã hội và tôn giáo khi chấp nhận nữ giới trong nhóm các môn đệ của mình. Cũng thế, thành Phaolô tạo ra những cộng đoàn của những người nam và người nữ bình đẳng về quyền lợi, trách nhiệm và ơn gọi. Qua bí tích Rửa tội, các tín hữu trở thành anh chị em. Nữ giới cầu nguyện và nói tiên tri trong các cộng đoàn này (1Cr 11). Sự hỗn hợp này hoàn toàn có tính độc đáo trong thế giới cổ đại! Thật không may, sau thánh Phaolô, nó sẽ biến mất dần dần và nữ giới bị gạt bỏ khỏi một số chức năng thừa tác vụ. Hoàn cảnh này đôi khi được kéo dài…cho đến ngày nay!

La Croix: Đây có phải là hình ảnh mà Kitô hữu ngày nay đã giữ được về thánh Phaolô không ?

Daniel Marguerat: Thánh Phaolô là Tông đồ bị phê phán nhiều nhất trong toàn bộ Tân Ước! Các tín hữu ngày nay sẽ nói với bạn rằng các thư của ngài thật khó hiểu, ngài là người giáo điều, nóng giận, bài nữ giới và bài Do Thái…Trong cuốn sách của tôi, tôi cố gắng trả lại công bằng cho ngài về tất cả những điều này. Sẽ hoàn toàn sai lầm khi nói ngài bài nữ giới.

Các thư gởi trả các phụ nữ về nhà họ (Thư Côlôsê, Thư Êphêsô, các Thư mục vụ) là một phần di sản của ngài, nhưng chúng không phải bởi ngài. Trong hai thế kỷ đầu, tư tưởng của ngài đã được khai triển và khuếch đại bởi các đồ đệ của ngài, thậm chí đôi khi bị phản bội, hay ít nhất bị sai lệch nhiều. Tôi biện hộ để các mục sư và linh mục làm việc để sửa chữa hình ảnh tai hại về thánh Tông đồ, và nhất là họ cập nhật tư tưởng của ngài để cho thấy tính hiện đại của nó.

La Croix: Một số Kitô hữu nói rằng họ muốn khám phá lại sự nhiệt tình của các cộng đoàn nhỏ của thánh Phaolô. Đó có phải là điều không tưởng không?

Daniel Marguerat: Khi đọc kỹ hai Thư gởi tín hữu Côrintô, những thư cho chúng ta biết cách cụ thể nhất về đời sống của các cộng đoàn này, người ta nhận thấy rằng, trên thực tế, họ đã bị khuấy động bởi nhiều căng thẳng. Nhưng thánh Phaolô chỉ cho họ phương cách đảm nhận và vượt qua chúng.

Mỗi lần ngài thấy mình đối diện với một cuộc khủng hoảng nảy sinh từ sự đối đầu của các lập trường đối kháng, ngài không quyết định ủng hộ người này chống lại người kia, nhưng quy hướng người này và người kia đến căn tính mà họ đã nhận được từ Thiên Chúa và là điều mang lại cho họ một giá trị bình đẳng. Từ đó,  ngài thúc giục họ xem xét vấn đề theo cách khác và chấp nhận những khác biệt. Một hình tốt đẹp về quản lý xung đột, phải không? Về cơ bản, thánh Phaolô không tìm cách gia tăng sự nhiệt tình. Điều ngài muốn giúp cho hiểu, đó là làm thế nào căn tính của người tín hữu được xây dựng. Về điểm này, ngài hoàn toàn hiện đại.

La Croix: Hiện đại, vì lý do nào?

Daniel Marguerat: Bởi vì ngài khẳng định rằng người nam và người nữ, nếu họ tin vào Thiên Chúa, đều được đón nhận cách vô điều kiện. Đó là điều mà chúng ta gọi là « sự công chính hóa nhờ lòng tin ». Thánh Phaolô đã không tìm cách làm cho người ta sùng đạo hơn. Ngài đến để nói : « Qua bí tích Rửa Tội, anh chị em đã nhận được một căn tính vốn làm thay đổi mối tương qua của anh chị em với Thiên Chúa, với chính mình và với tha nhân ». Căn tính mới mẻ này đòi hỏi rằng, trong cộng đoàn tín hữu, chúng ta coi người khác như anh chị em có cùng giá trị và địa vị như chính mình, được Thiên Chúa  thừa nhận, đón tiếp và đánh giá cao bất kể nguồn gốc của họ là gì.

Sự bình đẳng về giá trị và địa vị này, sự khước từ mọi sự phân biệt kỳ thị xã hội này làm nên mô hình Giáo hội…một mô hình mà ngày nay kitô giới không đạt được.  Dĩ nhiên, vì sự nhìn nhận hỗ tương này tạo ra những căng thẳng : làm sao một người nam khinh thường một phụ nữ hay một ông chủ khinh thường nô lệ có thể thay đổi chỉ sau một đêm chỉ vì họ được rửa tội và tham dự bí tích Thánh Thể ? Tuy nhiên, theo thánh Phaolô, đó là điều mà họ được kêu gọi thực hiện trong cộng đoàn.

Sau cái chết của thánh Tông đồ, mô hình này đã suy giảm bởi vì nó mâu thuẫn trực diện với sự vận hành của xã hội. Tuy nhiên, ơn gọi của Giáo hội là làm nên điều mà thánh Phaolô gọi là « thân thể Chúa Kitô » (1Cr 12), mà mỗi cơ quan đều cần thiết đối với toàn thể. Không có gì đổi mới hơn, hứa hẹn hơn, hiện đại hơn ý tưởng này.

La Croix : Ông nghĩ thánh Phaolô sẽ nói gì với các Kitô hữu ngày nay ?

Daniel Marguerat: Tôi nghĩ rằng ngài sẽ bày tỏ sự hoang mang và phẫn nộ trước sự chia rẽ của Kitô giáo. Tôi cũng tin rằng ngài sẽ đau lòng khi nhận thấy sự nghèo nàn trong đời sống cộng đoàn của các Kitô hữu. Vì đối với ngài, sự thể hiện căn tính mới mẻ nhận được từ bí tích Rửa tội sẽ ngang qua đời sống cộng đoàn. Ngài sẽ khiển trách các tín hữu vì đã bỏ bê những gì Thiên Chúa đã thực hiện từ họ nhờ bí tích Rửa tội nơi họ, vì đã sống dưới mức căn tính của họ, vì đã chấp nhận sự phân biệt kỳ thì do xã hội áp đặt.

Ngày nay, đối với tôi, Kitô giáo có vẻ mệt mỏi, nếu không muốn nói là chủ bại. Vì thế, việc đọc thánh Phaolô sẽ giúp động viên. Đó là một tác giả có tính sáng tạo, ngài có hoài bão về Kitô giáo ! Nếu Kitô giới muốn hồi sinh nền văn hóa của mình, thì sẽ là rất tốt để họ đọc đi đọc lại các Thư của ngài. Cái nhìn của thánh Phaolô về căn tính Kitô giáo là tương lai của chúng ta, chứ không phải là quá khứ của chúng ta.

———————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : nhật báo La Croix)

——–

(*) Daniel Marguerat sinh năm 1943, tại Thụy Sĩ. Ông nghiên cứu ở Lausanne, Thụy Sĩ và ở Göttingen, Đức. Dạy Tân Ước ở đại học Lausanne, ông đặc biệt quan tâm đến Chúa Giêsu lịch sử, thánh Phaolô và sách Công vụ Tông đồ. Lúc đầu được đào tạo về phân tích phê bình lịch sử các bản văn, ông đã khám phá ra phân tích thường thuật và phân tích tu từ ở Hoa Kỳ. Ngày nay, ông tìm cách kết hợp các kiểu đọc khác nhau để trả lại công bằng tốt nhất cho các bản văn. Trong số những cuốn sách xuất bản mới nhất của ông có Jésus et Matthieu. À la recherche du Jésus de l’histoire (Labor et Fides, 2016), L’Historien de Dieu. Luc et les Actes des Apôtres (Labor et Fides, 2018), Vie et destin de Jésus de Nazareth, (Seuil, 2019) và Paul de Tarse. L’enfant terrible du christianisme (Seuil, 2023).

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31