“THẦY ĐẾN KHÔNG PHẢI ĐỂ ĐEM BÌNH AN, NHƯNG ĐỂ ĐEM GƯƠM GIÁO”: CHÚA GIÊSU CÓ BẠO LỰC KHÔNG?

Written by xbvn on Tháng Mười 20th, 2024. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu: “Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo”. Xét từ bối cảnh của nó, câu này có vẻ mâu thuẫn với hình ảnh bất bạo động của Chúa Kitô. Chúa Giêsu không đến để rao giảng hòa bình sao? Các yếu tố giải thích.

Tại sao Chúa Giêsu nói Người đến để đem gươm giáo chứ không đem bình an?

Trong chương 10 của Tin Mừng theo thánh Matthêu (câu 34), Chúa Giêsu sai các môn đệ đi truyền giáo và nói với họ: “Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo.” Trước đó vài câu, Người đã cảnh báo họ: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét” (c. 22). Ở câu 36, Người nói thêm: “Kẻ thù của mình chính là người nhà.” Vì vậy, gươm giáo mà Chúa Giêsu nói đến không phải là một vũ khí mà Người muốn trao vào tay các môn đệ, thậm chí để tự vệ. Nó tượng trưng cho điều ngăn cách họ với tất cả những người từ chối sứ điệp của Chúa Kitô. Cha Christian Mellon, Dòng Tên, thành viên Trung tâm Nghiên cứu và Hành động Xã hội, cho biết: “Sứ điệp này triệt để đến mức chắc chắn sẽ tạo ra sự chia rẽ: chúng ta không thể đứng trung lập”.

Tin Mừng Luca tường thuật những lời tương tự, nhưng thay thế từ “gươm giáo” bằng từ “chia rẽ” (Lc 12, 51). Christian Mellon giải thích cách sử dụng thuật ngữ này cho thuật ngữ kia: “Gươm giáo, trong Thánh Kinh, đó là thứ đi vào phần sâu nhất của trái tim, là thứ chia rẽ nội bộ và trong các mối quan hệ với người khác.” Hòa bình, đối lại với gươm giáo hay chia rẽ, “đó không chỉ là sự im lặng của cánh tay, đó còn là sự hòa hợp với Thiên Chúa, với chính mình, với người khác và với Công trình tạo dựng”.

Công lý, điều kiện của hòa bình?

Đối với Agnès von Kirchbach, mục sư của Giáo hội Tin lành thống nhất ở Pháp, hòa bình, shalom trong Thánh Kinh, liên quan đến mọi khía cạnh của cuộc sống: “Shalom, đó là hạnh phúc, hòa hợp, sức khỏe, an toàn, sự cứu rỗi…” Bản dịch Thánh Kinh đại kết đôi khi dịch nó là “Mọi sự đều ổn.” Nhưng câu “mọi sự đều ổn” này có thể che giấu nhiều trục trặc, thường bị các ngôn sứ lên án: “Chúng đã làm cho dân Ta lạc đường khi nói rằng: “Hòa bình”, mà thực ra chẳng có hòa bình” (Êd 13, 10). Bà Mục sư giải thích: “Bạn nói “hòa bình”, nghĩa là “mọi thứ đều ổn”, nhưng bạn phải chịu đựng một sự bất công xã hội khủng khiếp, và cuộc sống trọn đầy với Thiên Chúa không làm bạn quan tâm… Hòa bình mà bạn nói là sai lầm.”  Đối với bà, “gươm giáo” là những gì vạch trần sự dối trá và giả tạo, đó là “công cụ phân định mạnh mẽ” để quyết định giữa cái thật và cái giả, cái vững chắc và cái không vững chắc.

Trong Thánh Kinh, hòa bình không thể tách rời khỏi công lý. Công lý cũng bao trùm một lĩnh vực rất rộng của kinh nghiệm con người. Người công chính là người trung thành với lời Chúa (x. Stk 15,6), nhưng cũng là người trả lương đúng hạn cho người làm công hoặc bố thí cho người nghèo (x. 2 Cr 9,9). Christian Mellon khẳng định: “Không có công lý, thì không thể có sự hòa hợp giữa con người và với Công trình tạo dựng.” Hòa bình mà không có công lý, đó là “pax romana” tàn nhẫn được áp đặt bởi vũ khí, vũ khí của Đế quốc Rôma vào thời Chúa Giêsu.

Christian Mellon lưu ý: “Cần phải thừa nhận rằng công lý không phải lúc nào cũng là mối quan tâm hàng đầu của những người có quyền lực trên thế giới này”. Nó thậm chí còn đến ngăn trở lợi ích của nhiều người. Đây là lý do tại sao lời kêu gọi hòa bình và do đó công lý chắc chắn sẽ gây ra xung đột.

“Phúc thay ai xây dựng hòa bình”: làm thế nào thoát khỏi bạo lực?

Từ “gươm giáo” cũng kêu gọi chúng ta nhìn vào bên trong chính mình. Agnès von Kirchbach cho rằng: “Khi chúng ta bị thúc đẩy bởi lòng tham, sự ghen tị, và chúng ta che giấu động cơ, mong muốn thống trị của mình, thì hòa bình sẽ không thể đạt được. Sự không thống nhất nội tâm là điều trái ngược với hòa bình.

Trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14, 27). Vào cuối Thánh lễ, các tín hữu được sai đi vào thế giới với những lời này: “Hãy ra đi trong bình an của Chúa Kitô.” Đối với Agnès von Kirchbach, “sự bình an của Chúa Kitô” này, đó là sự bình an nội tâm cho phép “giữ sự bình an trong mối quan hệ với Thiên Chúa khi bạo lực xảy ra xung quanh chúng ta”. Đối mặt với bạo lực của Cuộc Khổ Nạn, Chúa Giêsu không nhắm mắt, không để mình bị hành động một cách mù quáng. Nhưng thay vì đáp lại bạo lực bằng bạo lực, anh lại chất vấn những kẻ hành hạ mình: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi? ” (Ga 18, 23).

Nhưng làm thế nào giữ được sự thống nhất và hài hòa nội tâm khi cuộc sống, nhân phẩm, danh tiếng của bạn bị tấn công? Cha Christian Mellon, một trong nhiều Kitô hữu rất dấn thân cho bất bạo động, khẳng định: “Trong Tin Mừng có cả một giáo huấn cho thấy làm thế nào không nuôi dưỡng bạo lực khi chúng ta đối đầu với nó”. Cha nói tiếp : “Cần phải đáp lại sự bất công, bởi vì chúng ta không thể để cho sự bất công xảy ra. Nhưng cần phải tìm một phản ứng khác với phản ứng bạo lực.

Chúa Giêsu nói vào lúc bị bắt: “Ai dùng gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26, 52). Đối với cha Mellon, “tất cả thách thức là phá vỡ tính đối xứng vốn gây ra chuỗi bạo lực và ngăn chặn việc chấm dứt nó”. Theo Agnès von Kirchbach, khi Chúa Giêsu yêu cầu “đưa má bên kia” (Mt 5, 39) cho người tát bạn, “điều này có nghĩa là bạn phải ra khỏi phạm vi gây hấn của mình và giữ một khoảng cách hữu hiệu, để có thể sau này kết nối lại liên hệ với người ấy”.

Cái giá của hòa bình

Trong Các Mối Phúc (Mt 5, 1-12), Chúa Giêsu nói: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình.” Người cũng nói: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính.”  Xây dựng hòa bình vì thế không phải là “có hòa bình”. Agnès von Kirchbach cho rằng: “Hình ảnh gươm giáo nhắc nhở chúng ta rằng hòa bình không thể đạt được với cái giá thấp”. Đây là ý nghĩa những lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng Mátthêu: gươm giáo, đó là bạo lực mà các môn đệ của Người có nguy cơ phải đương đầu trong sứ mạng của mình. Christian Mellon nói: “May mắn thay, không phải tất cả những người bảo vệ hòa bình đều phải chịu tử đạo. Nhưng nhiều người nam và người nữ trong suốt lịch sử đã chấp nhận đảm nhận rủi ro của nó.

—————————————–

Trích đoạn. “Sẵn sàng trả giá cho những lựa chọn nhất quán”

Trích sứ điệp trong buổi đọc Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngày 18 tháng 8 năm 2019

“(Với những lời này, Chúa Giêsu) đã đến để “chia rẽ”, để gây ra “khủng hoảng” – nhưng theo cách ích lợi – cuộc sống của các môn đệ, bằng cách đập tan những ảo tưởng dễ dãi của những người tin rằng họ có thể kết hợp đời sống Kitô giáo và tính trần tục, Đời sống Kitô giáo và mọi loại thỏa hiệp, những thực hành tôn giáo và thái độ chống lại người lân cận. (…) Vấn đề là không sống đạo đức giả, nhưng sẵn sàng trả giá cho những lựa chọn nhất quan (…) với Tin Mừng.

———————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(theo Christel Juquois, nhật báo La Croix)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười 2024
H B T N S B C
« Th9    
  1 2 3 4 5 6
7 8 9 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27
28 29 30 31