THEO CHÚA (CN 5 QN.C) + SLIDESHOW
Chúng ta tin theo và phó thác cuộc đời cho Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta đã được học hỏi, nhận biết về giáo lý đức tin và Giáo Hội, cũng như sứ mệnh cuộc đời của Chúa Giêsu. Chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa, hiện hữu từ trước muôn đời, được sinh ra làm người bởi Đức Trinh Nữ Maria. Ngài là Đấng Thánh mà tiên tri Isaia đã được thị kiến khi các Thần sốt mến ca ngợi và tung hô: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Thiên Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!(Is 6, 3). Trải qua lịch sử cứu độ, có biết bao nhiêu dòng dõi con người đã tin và đi theo Chúa qua sự hướng dẫn của các vị ngôn sứ, các tông đồ và các vị thừa kế sứ mệnh truyền rao tin mừng cứu độ. Niềm tin của chúng ta cậy dựa vào Chúa và uy tín của Giáo Hội do Chúa thiết lập. Giáo Hội có một kho tàng vô giá được Thiên Chúa mạc khải ẩn chứa trong Thánh Kinh, Thánh Truyền và đời sống Giáo Hội.
Mỗi người có ơn gọi riêng để thi hành sứ vụ truyền giáo. Chúa gọi và chọn những người Chúa muốn. Tiên tri Isaia được Thiên Chúa tuyển chọn để làm ngôn sứ. Ông đã tự nguyện đáp lại tiếng Chúa mời gọi. Isaia tường thuật: Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán: “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta? “Tôi thưa: “Dạ, con đây, xin sai con đi.”(Is 6, 8). Isaia đã ra đi thi hành sứ vụ tại Giêrusalem từ khoảng năm 742 tới năm 701 trước Công Nguyên. Ông đã đồng hành với dân Chúa trên mọi nẻo đường. Ông chuyên cần hướng dẫn, khuyên dạy và giáo dục cảnh cáo dân chúng trong mọi trạng huống của cuộc sống. Các tiên tri là những cột trụ hải đăng chiếu sáng và qui tụ con dân về một mối. Các ngài đứng mũi chịu sào đối diện với tinh thần thế tục ảnh hưởng của dân ngoại. Làm ngôn sứ cho Thiên Chúa không dễ dàng và đơn giản, vì luôn gặp rất nhiều sự phản bác và chống đối từ các vua chúa quan quyền và dân chúng.
Chúng ta biết dân tộc nào cũng có các cha ông tổ phụ và quê cha đất tổ. Chúa chọn tổ phụ Abraham làm cha một dân tộc. Dân tộc Do-thái khởi đầu là dân du mục lữ hành về miền đất hứa. Thiên Chúa hứa ban cho tổ phụ Abraham, Isaac và Giacob con cháu đông đúc và miền đất phì nhiêu làm sản nghiệp. Có những Giao Ước được ký kết giữa Thiên Chúa và các tổ phụ, nếu Dân trung tín tôn thờ Chúa, Chúa sẽ thực hiện lời hứa ban cho miền đất chảy sữa và mật. Trải qua bao năm tháng, Thiên Chúa đã từng bước can thiệp vào lịch sử cứu độ và mạc khải cho con dân về tất cả sự khôn ngoan sống ở đời. Cho dù trải qua nhiều sự thăng trầm khốn khổ, dân Do-thái đã bước theo huấn lệnh của Chúa. Lời hứa ban Đấng Cứu Độ đã được thực hiện nơi dòng dõi của Abraham.
Đấng Cứu Độ đã đến và rao giảng tin mừng giải thoát con người khỏi tối tăm lầm lạc. Ngài là Chúa Giêsu Kitô hạ thân làm người hòa nhập vào cuộc sống xã hội. Ngài có uy quyền trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Với các môn đệ đầu tiên, Ngài đã kiên nhẫn giảng dạy, huấn luyện và khai mở tâm linh. Đi vào cuộc sống thường ngày, Chúa Giêsu không loại trừ mọi cơ hội để tỏ bày sứ mệnh cứu độ. Chúa dùng những sự kiện đời thường để biến đổi tâm hồn. Sau khi giảng, Chúa sai các tông đồ đi thả lưới bắt cá: Ông Si-môn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.”(Lc 5, 5). Thâu đêm vật lộn với sóng biển nhưng các ngư phủ trở về tay không. Giờ đây vì muốn đẹp lòng Thầy, chúng con sẽ thực hiện theo ý Thầy. Thả lưới đánh cá. Kết qủa vượt qúa sức tưởng tượng, tâm linh được đánh động: Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người (Lc 5, 11).
Bỏ mọi sự đi theo Chúa, các tông đồ đã trở thành những ngư phủ lưới người ta. Các ngài đã đem tin mừng giải thoát truyền rao khắp nơi. Các ngài đã sống chết với sứ mệnh của mình. Ngoại trừ ông Giuđa đã rời xa Chúa, hầu hết các tông đồ đã đổ máu đào làm nhân chứng cho Chúa Kitô chịu chết và sống lại. Các ngài đã theo Chúa và đã đi đến cùng đường. Phaolô cũng là một nhân chứng sống động. Từ là một kẻ đi ruồng bắt các Kitô hữu, bách hại đạo và tiêu diệt niềm tin của các tín hữu đã trở thành tông đồ nhiệt thành. Ngài xác tín rằng: Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững (1Cor 15, 1). Phaolô đã nhận lãnh đặc sủng trực tiếp từ Chúa Kitô sống lại cùng một nguồn mạc khải trong ơn cứu độ. Giáo lý tin mừng được mạc khải cho Phaolô là những sự kiện đã xảy ra cho Chúa Kitô. Nên thánh Phaolô nhận mình là đứa con đẻ non trong Chúa Kitô: Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh (1Cor 15, 3-4).
Chúa mời gọi chúng ta ‘Hãy theo Thầy’. Chúng ta đã lãnh nhận các Bí tích là máng chuyển ơn cần thiết cho cuộc sống tâm linh. Chúng ta không thể dậm chân tại chỗ với vốn liếng giáo lý quá ít ỏi. Trong Năm Đúc Tin, chúng ta cần hun đúc, học hỏi niềm tin, trau dồi đạo lý và phát triển nhân đức cuộc sống mỗi ngày. Trong khi mọi kiến thức khoa học của xã hội tiến triển không ngừng, người tín hữu cũng cần đào sâu ý nghĩa của niềm tin và sống đức tin đích thực. Đừng để đức tin của chúng ta trở thành bánh vẽ hay như lá bùa hộ mạng. Đôi khi chúng ta xác tín tuyên xưng rằng chúng tôi là người Công Giáo, nhưng việc thực hành đạo thì bê trễ và biếng nhác. Chạy theo cách sống của thế tục và coi thường luân lý đạo đức của cuộc sống. Đức tin nông cạn trở về giống như những người chưa bao giờ tin Chúa.
Quan sát cuộc sống xã hội hôm nay, chúng ta nhận biết có muôn vàn tổ chức về tôn giáo, chính trị, đảng phái xã hội và các phe nhóm. Chúng ta dễ bị kéo lôi vào những thỏa hiệp về nhu cầu bản năng. Nói chung mọi tổ chức đều có điểm tốt, điểm xấu, điều tích cực và tiêu cực. Không có tổ chức nào trong xã hội được xem là hoàn thiện. Mọi đường hướng đều tương đối và hay thay đổi. Chính sự thay đổi đó làm cho cuộc sống con người vừa có thể phát triển tốt và vừa có cơ nguy đi thái qúa hoặc bất cập cả về vẫn đề luân lý và đạo đức. Thường thì các đảng phái nào cũng tự khen và tự khoe mình là tốt, đường lối đúng đắn, yêu nước thương dân, lo lắng cho dân, phục vụ người nghèo, đứng về phe người thấp cổ bé miệng, bảo vệ công lý và mang lại hòa bình. Thật ra các tham vọng của các nhà lãnh đạo cũng không nhỏ, vì họ muốn làm chủ tất cả tâm linh và vật chất.
Cuộc sống vô thường hay thay đổi. Con người thường dễ chạy theo các xu hướng thời đại. Vì sự yếu đuối của bản năng xác phàm, chúng ta thường bị đánh lẻ bởi các đam mê trần tục. Đi theo Chúa thật đó, nhưng đôi khi cũng giả điếc làm ngơ, ươn lười, thụ động, chần chừ và bắt cá hai tay. Muốn nên trọn lành, nhưng chúng ta không muốn dứt bỏ vấn vương tội lỗi trần đời. Dõi theo Chúa, nhưng lại muốn bám víu vào điểm tựa bảo hiểm trần gian. Tin vào Chúa, nhưng khi hữu sự cũng tìm đến những cửa ngõ mê tín dị đoan như xem quẻ, chỉ tay, bói toán, cầu cơ và xem tướng. Bước theo Chúa, nhưng lại muốn ngoảnh mặt nếm hưởng chút mặn nồng cuộc sống. Làm tôi Chúa, nhưng rồi cứ tham lam ham muốn sự giầu sang và của cải vật chất. Chúng ta tự an ủi lẫn nhau rằng có thực mới vực được đạo chứ! Thế là cuộc sống cứ đắm chìm trong tham thân si và bôn ba hưởng thụ mọi nhu cầu xác thân đòi hỏi.
Lạy Chúa, xin cho chúng con kiên tâm chạy đến cùng đường mà vẫn giữ vững đức tin. Đi theo Chúa cho trọn vẹn. Chúng con không được làm tôi hai chủ, hoặc mến chủ này mà ghét chủ nọ. Chúng con xin chọn Chúa làm gia nghiệp đời chúng con mãi mãi. Amen
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York
——————————
(Is 6, 1-2a.3-8; 1Cor 15, 1-11; Lc 5, 1-11).
—————————
Tải file slideshow ở đây (kích chuột phải lên link, chọn save target as hay save link as):
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA : THÁNH GIA NADARÉT, MẪU GƯƠNG ĐỐI THOẠI VÀ LẮNG NGHE
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C: HÃY GIỮ LÒNG MÌNH NHẸ NHÀNG VÀ TỈNH THỨC ĐỂ ĐÓN CHÚA ĐẾN
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA KITÔ VUA: ĐỨC GIÊSU LÀ ‘VUA’ CỦA TÔI KHÔNG?
- QUAN TÂM
- CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C: TÔN VINH ĐẦNG “BỊ ĐÓNG ĐINH THẬP GIÁ” LÀ VUA
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 34 TN C
- CHÚA NHẬT 33 TN C, LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM: THÁNH VỊNH ĐÁP CA 125
- CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM C : THEO CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 33 TN C
- CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHẾT ĐỂ ĐƯỢC SỐNG LẠI
- CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM C: TIN CÓ SỰ SỐNG LẠI VÀ SỰ SỐNG ĐỜI SAU
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 32 TN C
- SUY NIỆM LỜI CHÚA CN 31 TN C: CẤM VÀO NHÀ KẺ CÓ TỘI
- CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM C: “TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA!”
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 31 TN C
- CHÚA NHẬT 30 TN C: HẠ MÌNH