THIÊN CHÚA CHÚNG TA ĐẦY LÒNG THƯƠNG XÓT

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 16th, 2015. Posted in Thánh Kinh

THIÊN CHÚA CHÚNG TA ĐẦY LÒNG THƯƠNG XÓT

(Lc 1,78[1])

Tiêu đề bài viết này là một dạng phỏng dịch của phần đầu tiên trong Lc 1,78. Chúng tôi dùng từ phỏng dịch, vì có thể nói cách diễn tả “đầy lòng thương xót” mới chỉ hơi chạm tới được phần nào ý nghĩa của cụm từ splagkhna eleous (σπλάγχνα ἐλέους) trong bản văn tiếng Hi-lạp.

Mỗi danh từ trong cụm từ này, splagkhnon (σπλάγχνον) và eleos (ἔλεος), gắn liền với một lịch sử thật dài trong đó Thiên Chúa đã can thiệp, tức là Ngài “viếng thăm” “cứu chuộc” (x. Lc 1,68) những con người và dân tộc Ngài tuyển chọn. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của từng hạn từ trong cụm từ nêu trên, khám phá ý nghĩa của những hạn từ này trong một văn mạch cụ thể, để rồi thử đọc lại cụm từ này trong bối cảnh hiện tại.

NHỮNG NÉT NGHĨA CỦA CỤM TỪ

Tìm hiểu cụm từ splagkhna eleous

Trong toàn bộ bản văn Hi-lạp Tân Ước, cụm từ splagkhna eleous chỉ xuất hiện một lần duy nhất tại câu văn mà chúng ta đang tìm hiểu[2]splagkhna là dạng đối cách số nhiều của splagkhnon, đi liền theo giới từ dia (διά), ở đây là giới từ chỉ lí do, còn eleous là dạng thuộc cách số ít của eleos. Hai hạn từ này diễn tả lòng thương xót theo những sắc thái khác nhau.

Hạn từ splagkhnon xuất hiện 11 lần trong Tân Ước (Lc 1,78; Cv 1,18; 2 Cr 6,12; 7,15; Pl 1,8; 2,1; Cl 3,12; Plm 1,7.12.20; 1 Ga 3,17), và có nghĩa là: 1- những phần bên trong cơ thể, ruột gan; 2 – trung tâm cảm xúc, trái tim; 3 – tình yêu, cảm xúc. Những nghĩa trên đây trong các từ điển có thể giúp ta nhận thấy rằng về căn bản, hạn từ splagkhnon có nghĩa là ruột, hoặc nội tạng, bao gồm tim, gan, phổi, là những cơ quan được coi như điều khiển cảm xúc[3]. Nghĩa bóng của từ này, lòng trắc ẩn hay lòng thương xót, hẳn đã nảy sinh từ nét nghĩa căn bản đó. Như vậy, từ splagkhnon diễn tả mối thương cảm sâu xa được cảm nhận rõ nét từ tận trong ruột gan, những rung động từ tận tâm can. Động từ cùng gốc với danh từ này là splagkhnizomai (σπλαγχνίζομαι) xuất hiện 12 lần trong Tân Ước (Mt 9,36; 14,14; 15,32; 18,27; Mc 1,41; 6,34; 8,2; 9,22; Lc 7,13; 10,33; 15,20), và thường được dịch là chạnh lòng thương.

Từ eleos xuất hiện 27 lần trong Tân Ước (Mt 9,13; 12,7; 23,23; Lc 1,50.54.58.72.78; 10,37; Rm 9,23; 11,31; 15,9; Gl 6,16; Ep 2,4; 1 Tm 1,2; 2 Tm 1,2.16.18; Tt 3,5; Hr 4,16; Gc 2,13; 3,17; 1 Pr 1,3; 2 Ga 1,3; Gđ 1,2.21), với nghĩa là lòng tốt, mối quan tâm, lòng thương xót, lòng trắc ẩn, lòng khoan dung nhân từ. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy trong số 6 lần danh từ này xuất hiện trong Tin Mừng Lu-ca, tới 5 lần là ở chương 1, trong đó 2 lần ở trong Bài Ca Chúc Tụng (Lc 1,68-79). Do vậy, Lc 1 có thể được xem như một bài ca ngợi khen lòng thương xót của Thiên Chúa.

Như đã nói, trong cụm từ splagkhna eleous, eleous là dạng thuộc cách số ít và được coi là thuộc cách chỉ phẩm chất (genitivus qualitatis), diễn tả lòng Thiên Chúa là tấm lòng thương xót[4]. Ở đây, hai từ splagkhnoneleos, vốn có những nét nghĩa gần gũi, nhưng đồng thời cũng khác biệt nhau, được dùng liên kết với nhau khiến cho cụm từ này hàm chứa ý nghĩa vừa sâu sắc, vừa cụ thể. Cụm từ này khiến ta nhớ tới Hs 11,8 về tình yêu nồng cháy Thiên Chúa dành cho Dân Ngài:

“Hỡi Ép-ra-im, Ta từ chối ngươi sao nổi!

Hỡi Ít-ra-en, Ta trao nộp ngươi sao đành!

Làm sao Ta xử với ngươi như với Át-ma,

để ngươi nên giống như Xơ-vô-gim được?

Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi.”    

Đoạn văn này gợi ý cho chúng ta rằng để hiểu rõ hơn lòng thương xót được diễn tả trong cụm từ splagkhna eleous, ta cần đọc lại một số đoạn văn trong Cựu Ước

Xem xét ý nghĩa trong tiếng Híp-ri

Bài Ca Chúc Tụng có hình thức của một Thánh vịnh theo truyền thống Do-thái. Xuất hiện trong bài ca này, hai hạn từ splagkhnoneleos cũng bám rễ sâu trong truyền thống lâu đời này.

Hạn từ splagkhna, dạng đối cách số nhiều, có những nét nghĩa tương đồng với hạn từ raHámîm (רַחֲמִים), cũng là dạng số nhiều của reHem (רֶחֶם), có nghĩa là tử cung, các phần nội tạng, lòng thương xót, trắc ẩn (x. St 20,18 ; St 43,14; Xh 13,2 ; Đnl 13,18). Chúng ta nhận thấy nét tương đồng của hai hạn từ splagkhnaraHámîm là ở chỗ chúng đều có nghĩa gốc chỉ một phần trong thân thể con người, từ đó nảy sinh nghĩa bóng là cảm xúc gắn liền với phần thân thể ấy. Bản Bẩy Mươi (LXX) thường dùng hai hạn từ eleosoiktirmoi (οἰκτιρμοὶ) để dịch hạn từ raHámîm. Tuy nhiên, xét về mặt ngữ nghĩa, hạn từ splagkhna gần với raHámîm hơn, và hạn từ splagkhna ở Lc 1,78 dường như là một cách dịch hạn từ raHámîm.

Trong bản LXX, hạn từ eleos thường được dùng để dịch hạn từ Hesed (חֶ֫סֶד). Ngoài những nghĩa gần với những nét nghĩa của eleos được kể ra ở trên, Hesed mang nét nghĩa chính là bổn phận, lòng trung thành (x. St 19,19; 21,23; Xh 15,13; Ds 14,18; Đnl 5,10). Tác giả Walter Kasper đánh giá rằng Hesed là hạn từ quan trọng nhất giúp hiểu khái niệm lòng thương xót, vì Hesed vượt lên bên trên bình diện cảm xúc đau buồn trước thân phận con người. Hạn từ này không chỉ diễn tả một hành động đơn độc, nhưng một tiến trình, một tương quan, là hồng ân Thiên Chúa ban không, vượt mọi mong muốn và công trạng của con người[5]. Nói cách khác, Hesed biểu lộ lòng trung thành vĩnh cửu, tuyệt đối và vô điều kiện của Thiên Chúa[6].

Như vậy, cụm từ splagkhna eleous trong Lc 1,78 có thể xem như phản ảnh cặp từ raHámîmHesed, vừa diễn tả lòng thương xót rất cụ thể và nồng cháy, vừa cho thấy lòng trung thành bền bỉ và siêu việt của Thiên Chúa. Nhưng để hiểu cụm từ này, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở bình diện ngữ nghĩa, mà cần phải mở rộng tầm nhìn để xem xét cụm từ trong văn mạch cụ thể.

TRONG BẢN VĂN Lc 1

Như đã nói, có thể xem Lc 1 như là bài ca lòng thương xót của Thiên Chúa với những sắc thái phong phú và sâu sắc của một lịch sử vừa mang tính hiện tại, vừa bao hàm những biến cố trong quá khứ.

Lc 1,50 : “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.”

Hạn từ eleos xuất hiện ở đây, nơi trung tâm của Bài Ca Magnificat (Lc 1,46-55), ở vị trí bản lề, vị trí then chốt, vừa để chúc tụng kì công của Thiên Chúa trong cuộc đời Đức Ma-ri-a, vừa để ngợi khen lòng trung thành của Thiên Chúa trải dài nơi muôn con người từ đời nọ tới đời kia.

Trước tiên, Đức Ma-ri-a ca ngợi Thiên Chúa là “Đấng cứu độ” (Lc 1,47), Đấng “đoái thương nhìn tới” thân phận “nữ tỳ hèn mọn” (Lc 1,48), “Đấng Toàn Năng” đã làm cho ngài “biết bao điều cao cả” (Lc 1,49). Có thể nói tất cả những cách diễn tả vừa kể trong các câu Lc 1,47-49 là những biểu hiện khác nhau của lòng thương xót Thiên Chúa dành cho một con người cụ thể là Đức Ma-ri-a. Trong cái nhìn như thế, lời chúc tụng ở các câu Lc 1,46-50 có thể tiếp tục mở rộng đến ông Da-ca-ri-a, bà Ê-li-sa-bét (x. Lc 1,58), và xa hơn, tới mọi cá nhân đã được Thiên Chúa “đoái thương nhìn tới”.

Tuy nhiên, thông thường ơn cứu độ được ban cho một người không chỉ vì người đó, nhưng còn nhằm đến những con người, nhằm đến cả dân tộc. Bài Ca Magnificat không dừng lại ở những gì Thiên Chúa làm cho Đức Ma-ri-a, vì lòng thương xót, tức eleos, của Thiên Chúa cũng là lòng trung thành, tức Hesed, của Ngài đối với giao ước mà Ngài đã kí kết với dân Ít-ra-en. Lòng trung thành này được diễn tả một cách cụ thể và đặc biệt ở Lc 1,54 với lối diễn tả mnēsthēnai eleous (μνησθῆναι ἐλέους)[7], “Ngài nhớ lại lòng thương xót”. Ở đây, một lần nữa hạn từ eleos lại xuất hiện nhằm diễn tả lòng trung thành, Hesed, của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa “nhớ lại” có nghĩa là Ngài trung thành thực thi lời đã hứa[8] với “tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1,55).

Như vậy, hạn từ eleos ở Lc 1,50 không chỉ kết nối chiều kích cá nhân và chiều kích tập thể, quá khứ hiện tại và tương lai, trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, mà còn cho thấy lòng thương xót và lòng trung thành gắn bó chặt chẽ, vì là hai mặt của một thực tại, vì chúng là những nét nghĩa khác nhau của một hạn từ duy nhất, Hesed.

Trong Bài Ca Chúc Tụng (Lc 1,68-79)

Hạn từ eleos xuất hiện hai lần trong Bài Ca Chúc Tụng, ở Lc 1,72.78. Có thể nói lòng thương xót và trung thành của Thiên Chúa được trình bày trong Bài Ca Magnificat được mở rộng một cách đặc biệt trong Bài Ca Chúc Tụng. Những lần hạn từ eleos xuất hiện trong bài ca này dường như để kết nối nhiều yếu tố khác nhau trong lịch sử cứu độ

Lc 1,72 diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa một cách rất cụ thể, với lối diễn tả poiēsai eleos (ποιῆσαι ἔλεος), dịch sát là sẽ thực thi lòng thương xót[9]. Lối diễn tả này thường được bản LXX dùng để dịch cách nói `äSâ Hesed (חֶ֫סֶד עָשָׂה) trong bản văn Kinh Thánh tiếng Híp-ri (x. St 24,12; Tl 1,24; 8,35; R 1,8; 1 Sm 20,8). Việc so sánh như thế cho chúng ta thấy rằng bản văn Lc 1,72 không chỉ đơn thuần đề cập tới lòng thương xót hay lòng trung thành trong cách thức hành động của Thiên Chúa, mà ở đây, lòng thương xót, trung thành, tín nghĩa của Thiên Chúa còn gắn liền với giao ước, cùng với lời “đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham” (Lc 1,73)[10]. Có thể nói Lc 1,72 vừa là trung tâm, vừa tóm lược phần đầu của Bài Ca Chúc Tụng, Lc 1,68-75, về đường lối, thái độ thương xót-trung thành-tín nghĩa của “Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en” (Lc 1,68) trải dài trong lịch sử lâu dài, từ Áp-ra-ham qua Đa-vít, trải từ đời nọ qua đời kia, đồng thời mở ra với hiện tại và tương lai.

Như vậy, ở Lc 1,72, eleos trở thành sợi chỉ xuyên suốt lịch sử cứu độ, dệt nên cách thức hành động nhân từ và trung tín của Thiên Chúa.

Với Lc 1,78, lòng thương xót và trung thành của “Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en” trong Lc 1,68-75 chuyển qua một cung bậc khác, vì nó kết nối hai nhân vật nổi bật vào thời viên mãn của ơn cứu độ[11].

Trong phần thứ hai này (Lc 1,76-79) của Bài Ca Chúc Tụng, kẻ “đi trước Chúa” (Lc 1,76) và “Vầng Đông” (Lc 1,78) được liên kết với nhau qua cụm từ splagkhna eleous. Có thể nói với hạn từ splagkhna trong Lc 1,78 – với tất cả những nét nghĩa cụ thể, nóng hổi kinh nghiệm nhân sinh như phần trên đã trình bày – lòng thương thương xót của Thiên Chúa đã “đã trở nên xác phàm” (Ga 1,14), trong khi eleos ở đây tiếp tục diễn tả lòng thương xót-trung thành-tín nghĩa của Thiên Chúa. Việc Thiên Chúa “cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta” (Lc 1,78) có thể hiểu như là kết quả của lòng thương xót mạnh mẽ vô biên của Ngài, splagkhna eleous.

Một điểm khác nữa cũng cần lưu ý ở đây là Bài Ca Chúc Tụng mang dấu vết của dạng cấu trúc đóng khung (inclusio), với “Vị Cứu Tinh quyền thế” ở Lc 1,69 và “Vầng Đông tự chốn cao vời” ở Lc 1,78, cùng với động từ episkeptomai (ἐπισκέπτομαι – viếng thăm) ở Lc 1,68 và Lc 1,78. Đây có thể coi như một lí chứng thêm vào giúp xác định rằng “Vầng Đông” ở đây nhằm ám chỉ “Vị Cứu Tinh”, tức là Đấng Mê-si-a, chứ không phải Gio-an Tẩy Giả như một số học giả đề nghị[12]. Đàng khác, với cách hiểu “Vầng Đông” là chính Đấng Mê-si-a, tính chất cầu nối giữa hai nhân vật trọng yếu của cụm từ splagkhna eleous được nhận diện rõ nét hơn, vì điều được loan báo ở đây sẽ triển nở viên mãn với trình thuật về cuộc hạ sinh của “Đấng Ki-tô Đức Chúa”, liền sau Bài Ca Chúc Tụng, trong Lc 2,1-20.

Như vậy, cụm từ splagkhna eleous – xuất hiện ở cuối Bài Ca Chúc Tụng với chủ đề chính là ơn cứu độ và sự giải thoátvừa là đỉnh cao, vừa tóm kết bài ca dài về lòng thương xót của Thiên Chúa trong Lc 1. Không chỉ dừng lại ở đó, cụm từ này còn đúc kết đường lối hành động đầy lòng thương xót và trung tín của Thiên Chúa trong suốt lịch sử cứu độ, trải từ đời nọ tới đời kia. Có thể nói, với Lc 1,78, cụm splagkhna eleous vừa tóm lược lịch sử việc Thiên Chúa trung thành với lời giao ước trong quá khứ, vừa mở ra chân trời của giao ước mới.

TRONG BỐI CẢNH HIỆN TẠI

Chúng ta vừa trải qua một hành trình khám phá cụm từ splagkhna eleous dưới khía cạnh ngữ nghĩa và trong văn mạch Lc 1. Thiết tưởng chúng ta không thể bỏ qua nỗ lực đọc và hiểu cụm từ quan trọng này trong bối cảnh hiện tại.

Lòng thương xót cháy bỏng của Thiên Chúa với chúng ta

Trong các phần trên chúng tôi đã trình bày những ý nghĩa rất cụ thể và rất hiện sinh của hạn từ splagkhna. Những ý nghĩa này khiến độc giả như nghe được nhịp đập trong con tim của Thiên Chúa. Nhưng khi quay trở lại với cuộc sống hiện tại, chúng ta lại như thấy nhịp đập mạnh mẽ ấy dường như chỉ tồn tại trên mặt giấy của bản văn Kinh Thánh.

Cuộc sống thực tế phơi bày cho chúng ta những thực tại xót xa, liên quan đến thân phận từng người, thân phận của cả quốc gia, và rộng hơn, cả trên phạm vi toàn nhân loại. Ở phạm vi cá nhân, những khó khăn trong công việc làm ăn, trong đời sống gia đình, bệnh tật, và bao nhiêu thứ bất trắc khiến cuộc sống của mỗi con người không hề dễ dàng. Rộng lớn hơn, trên bình diện quốc gia, thế kỉ 20 được ghi dấu bằng những cuộc chiến tranh đằng đẵng và đẫm máu. Sau chiến tranh, hệ thống vận hành mù quáng và lạc hậu đã nghiền nát biết bao thân phận con người. Hiện tại và tương lai cũng không có gì sáng sủa. Ở tầm thế giới, thế kỉ 20 là thế kỉ của những cuộc chiến lớn. Thế kỉ 21 bắt đầu với sự kiện khủng khiếp ngày 11-9-2001. Bên cạnh đó là những cuộc chiến mới đây, với tổ chức IS, và còn biết bao thiên tai và nhân họa liên tiếp giáng xuống đầu con người của thời đại chúng ta. Liệu chúng ta còn có thể nói về lòng thương xót của Thiên Chúa nữa không? Phải chăng con tim cháy bỏng yêu thương của Thiên Chúa đã ra nguội lạnh, và những hành động đầy lòng thương xót của Ngài chỉ là chuyện của quá khứ?

Cách chúng ta vài ngàn năm, tác giả Thánh vịnh cũng đã thốt ra những câu hỏi tương tự như thế:

“Tình yêu Chúa phải chăng nay cạn hẳn

và thánh ngôn chấm dứt đời đời?

Hay Thiên Chúa đã quên thương xót,

vì giận hờn mà khép kín từ tâm?” (Tv 77,9-10).

Cuộc sống trong quá khứ không dễ dàng hơn, cũng không thiếu những tai ương đủ loại. Con người ở mọi thời đại vẫn luôn phải đối mặt với đủ thứ đe dọa, đủ loại bất trắc. Liên quan trực tiếp tới cụm từ chúng ta đang tìm hiểu, những con người cụ thể như Da-ca-ri-a, Ê-li-sabét, Gio-an Tẩy Giả, Đức Ma-ri-a, cũng phải đối mặt với đủ loại khó khăn của thân phận những người bị trị. Vị từng được nhắc tới trong Bài Ca Chúc Tụng như là kẻ “đi trước Chúa, mở lối cho Người” sẽ kết thúc cuộc đời, đầu lìa khỏi cổ (x. Lc 9,9). Còn Đấng được gọi là “Vầng Đông tự chốn cao vời” còn có kết cục thê thảm hơn: chết treo trên thập giá (x. Lc 23,33-34). Một điều khác nữa ta cần ghi nhận: những đoạn Tin Mừng tràn đầy niềm vui và hi vọng mà chúng ta vẫn đọc hằng ngày được viết ra trong một giai đoạn mà các cộng đoàn Ki-tô hữu bị Đế quốc Rô-ma bách hại. Cuộc sống và thân phận của các nhân vật trong Kinh Thánh cũng như những tín hữu đọc Kinh Thánh thời đó không kém bi thảm và bất trắc hơn thân phận con người trong thời đại của chúng ta. Những cuộc chiến trong thế giới cổ đại cũng không kém phần tàn bạo và đẫm máu so với thời đại chúng ta. Hơn nữa, những nhân vật trong Kinh thánh và các tín hữu đọc Kinh Thánh thời đó cũng không chúc tụng lòng thương xót của Thiên Chúa một cách dễ dãi và ngây thơ. Khác với chúng ta, giữa những đau thương và ở những thời khắc bi thảm nhất của cuộc sống, những con người đó vẫn nhờ ánh sáng đức tin, ánh sáng chỉ le lói trong đêm tối mù mịt, mà nhận ra lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Khi nhìn mọi biến cố, vui cũng như buồn, tai ương cũng như hạnh phúc, trong ánh sáng ơn cứu độ của Thiên Chúa, người ta có thể nhận ra lòng thương xót hải hà của Thiên Chúa trong mọi sự. Và như vậy, họ vẫn như cảm nhận được nhịp đập nóng hổi nơi con tim đầy lòng thương xót của Thiên Chúa qua mọi biến cố hằng ngày. Đó có thể là điều mỗi chúng ta đang cần và đang thiếu: nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc sống hiên tại, tức là đọc ra được “dấu chỉ của thời đại”[13].

Thiên Chúa vẫn luôn thành tín với lời Ngài đã hứa

Khi nhận ra rằng Thiên Chúa vẫn luôn đầy lòng thương xót, chúng ta đồng thời cũng nhận ra rằng Thiên Chúa vẫn luôn trung tín với lời hứa “dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1,55). Chúng ta như thấy được lòng trung tín ấy qua “dấu chỉ” những lần Thiên Chúa “viếng thăm và cứu chuộc” (Lc 1,68).

Chúng ta không thể phủ nhận rằng những tai ương đủ loại, với những nỗi đau khổ tột cùng của những người vô tội, vẫn luôn là một thử thách, một nan đề, với những người dám suy nghĩ về đức tin của mình một cách nghiêm túc. Tác giả Walter Kasper gọi tên tất cả những tai họa như chiến tranh, bệnh tật, các loại thiên tai hay nhân họa đầy rẫy trong xã hội hiện đại như là những “dấu chỉ của thời đại”. Vì con người đã từng mang ảo tưởng rằng việc phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, hoặc nhẹ hơn, phủ nhận lòng thương xót của Ngài, sẽ giúp tìm ra hướng giải quyết cho nan đề nêu trên. Kết quả là họ rơi vào sự trống rỗng không lối thoát, hoặc sa đà vào những chủ thuyết lệch lạc, khiến cho đau khổ nơi người vô tội lại như chồng chất và còn trở nên kinh khủng hơn. Cách nào đó, thiếu ánh sáng về lòng thương xót và ơn cứu độ của Thiên Chúa, con người cảm thấy sự hiện hữu của mình thành bất hạnh và vô nghĩa[14]. Điều đó có thể là một “dấu chỉ” cho thấy Thiên Chúa vẫn tiếp tục trung thành “viếng thăm và cứu chuộc” những ai ngước nhìn lên Ngài bằng ánh mắt tin tưởng, vì: “Đức tin giúp chúng ta xác tín rằng, Thiên Chúa sẽ không cho phép có sự dữ xảy ra nếu Người không rút được sự lành từ chính sự dữ, bằng những con đường mà chúng ta chỉ biết được trọn vẹn trong đời sống vĩnh cửu.”[15]

Hơn thế nữa, chúng ta còn có thể đọc được “dấu chỉ” về lòng thành tín của Thiên Chúa đối với lời hứa cứu độ dành cho toàn nhân loại thông qua biết bao những con người thánh thiện, hữu danh và vô danh, bởi vì hơn ai hết, họ là những “dấu chỉ” cụ thể và hữu hình về sự hiện diện, lòng trung tín và thương xót của Thiên Chúa dành cho thế giới này. Trong sứ điệp gửi nước Pháp ngày 29-9-1986, Đức Gio-an Phao-lô II đã nhắc lại lời thánh Gio-an Vi-a-nây: “Nơi đâu mà những vị thánh đi qua, Thiên Chúa cũng đi qua cùng với các ngài.”[16] Bên cạnh đó, những tác động mạnh mẽ mà Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục thực hiện trong thế giới, nhất là trong lòng Hội Thánh vẫn tiếp tục là những “dấu chỉ” cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không bỏ rơi con người trong trầm luân, tai họa và thống khổ, Ngài vẫn thành tín yêu thương và “viếng thăm” nhân loại. Không phải vô tình mà trong diễn văn khai mạc Công Đồng Va-ti-ca-nô II, ngày 11-10-1962, Đức Gio-an XXIII đã chỉ chìa khóa cho những vấn đề của thế giới và Giáo Hội là “phương thuốc lòng thương xót”[17].

Tất cả những “dấu chỉ” đó và còn rất nhiều những “dấu chỉ của thời đại” vẫn tiếp tục khẳng định với những ai dám đặt niềm in vào Thiên Chúa rằng “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta” (Ep 2,4).

Trở lại với cụm từ splagkhna eleous, sau bài tìm hiểu ngắn này, hẳn độc cũng đồng ý với chúng tôi rằng các bản dịch tiếng Việt, và rất nhiều bản dịch ra các ngôn ngữ khác, chỉ mới hơi chạm tới được bề mặt ý nghĩa của cụm từ này. Chiều sâu ý nghĩa với cả một lịch sử dài Thiên Chúa “viếng thăm” “cứu chuộc” những con người và những dân tộc cụ thể là những điều không thể dịch được. Thông qua việc tìm hiểu ý nghĩa ngôn từ, ý nghĩa của cụm từ trong văn mạch, và nỗ lực đặt những ý nghĩa đó trong bối cảnh thế giới hiện đại, chúng tôi hi vọng độc giả có thể hiểu rõ hơn đường lối đầy thương xót và tín thành của Thiên Chúa trong lịch sử, để rồi cùng với tác giả Thánh vịnh chúng ta chúc tụng rằng:

“Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136,1).

Vinh-sơn Trần Minh Thực, PSS

————————

[1] Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng bản dịch, cách ghi tên và viết tắt các sách trong bộ Kinh Thánh theo Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (Nhóm CGKPV), ấn bản năm 2011.

[2] Trong Bovon, F., & Koester, H.,   Luke 1: A commentary on the Gospel of Luke 1:1-9:50 (Minneapolis 2002), tr. 69, hai tác giả này cho biết rằng cụm từ σπλάγχνα ἐλέους xuất hiện hai lần trong Các Di chúc của Mười Hai Tổ Phụ. Brown R. E., The Birth of the Messiah (New York 1977), tr. 373 cũng đưa ra những thông tin tương tự.

[3] X. Reiling, J., & Swellengrebel, J. L., A handbook on the Gospel of Luke (New York 1971), tr. 99; Nolland, J., Word Biblical Commentary: Luke 1:1-9:20. 35A (Dallas 2002) tr. 89; Fitzmyer, J. A., The Gospel according to Luke I-IX: Introduction, translation, and notes (New Haven – London: Yale University Press 2008) tr. 386.

[4] X. Bovon, F., & Koester, H.,  Luke 1: A commentary, tr. 76.

[5] X. Kasper, W., Mercy. The Essence of the Gospel and the Key to Christian Life (New York – Mahwah 2014), chúng tôi tham khảo bản ebook, III, 1.

[6] Trong Cựu Ước (x. St 24,27.49), lòng trung thành của Thiên Chúa được diễn tả cách đặc biệt khi hạn từ Hesed (חֶ֫סֶד) đi cùng với ´émet (אֱמֶת).

[7] Trong bản văn Hi-lạp, cụm từ này xuất hiện ở câu 54. Chúng tôi không hiểu tại sao trong bản dịch của Nhóm CGKPV, cụm từ này lại được chuyển sang câu 55.

[8] X. Nhóm CGKPV, Kinh Thánh (ấn bản 2011), chú thích b, tr. 2263.

[9] Nhóm CGKPV dịch là “sẽ trọn bề nhân nghĩa”.

[10] X. Nolland, J., Word Biblical Commentary, tr. 87.

[11] X. Bovon, F., & Koester, H.,   Luke 1 : A commentary, tr. 76.

[12] X. Fitzmyer, J. A., The Gospel according to Luke I-IX, tr. 387.

[13] Hiến chế Vui Mừng và Hi Vọng, số 4.

[14] X. Kasper, W., Mercy. I.1.

[15] Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (bản dịch 1997), số 324.

[16] Trích từ trang điện tử: w2.vatican.va/content/john-paul-ii/fr/speeches/1986/september/documents/hf_jp-ii_spe_19860929_popolo-francese.html, truy cập ngày 31-10-2015.

[17] Trích từ trang điện tử: http://w2.vatican.va/content/john-xxiii/it/speeches/1962/documents/hf_j-xxiii_spe_19621011_opening-council.html, truy cập ngày 31-10-2015.

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31