THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI NÓI GÌ VỀ VẤN ĐỀ DI DÂN?

Written by xbvn on Tháng Ba 29th, 2021. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý

Dưới đây là những số mà thông điệp bàn về vấn đề này (bản dịch của Lm. Lê Công Đức, PSS)

CÁC BIÊN GIỚI VÀ CÁC GIỚI HẠN CỦA CHÚNG

129. Những thách đố phức tạp nổi lên khi người láng giềng của chúng ta là một người nhập cư. (109) Một cách lý tưởng, nên tránh những cuộc di cư không cần thiết; điều này đòi phải tạo ra nơi các nước nguyên quán những điều kiện cần thiết cho một đời sống có phẩm giá và sự phát triển toàn diện. Nhưng trước khi có được những tiến bộ thiết yếu để đạt được mục tiêu này, chúng ta buộc phải tôn trọng quyền của mọi cá nhân được tìm ra một nơi chốn đáp ứng các nhu cầu căn bản của họ và của gia đình họ, và ở đó họ có thể tìm thấy sự hoàn thành con người của mình. Sự đáp trả của chúng ta khi những người nhập cư đặt chân đến có thể được đúc kết bằng bốn từ: tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến, và hội nhập. Vì “đây không phải là một trường hợp thực hiện các chương trình phúc lợi từ trên xuống, nhưng đúng hơn đây là chuyện đảm nhận cuộc hành trình cùng với nhau, xuyên qua bốn hành động ấy, để xây dựng các thành phố và các quốc gia mà trong khi bảo toàn căn tính tôn giáo và văn hóa của mình, thì vẫn mở ra với những sự khác biệt và biết cách thăng tiến chúng trong tinh thần huynh đệ giữa con người”. (110)

130. Điều này bao hàm việc thực hiện một số bước tất yếu, nhất là để đáp ứng cho những ai đang chạy tránh các khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Ví dụ, chúng ta có thể nêu ra: gia tăng và đơn giản hóa việc cấp visa; áp dụng những chương trình bảo lãnh cá nhân và tập thể; mở các hành lang nhân đạo cho những người tị nạn trong hoàn cảnh chênh vênh nhất; cung cấp nhà ở phù hợp và xứng phẩm giá; bảo đảm an ninh cá nhân và sự tiếp cận các dịch vụ căn bản; bảo đảm sự hỗ trợ thích đáng từ lãnh sự, và quyền giữ giấy tờ tùy thân; sự tiếp cận hệ thống tư pháp; khả năng mở các tài khoản ngân hàng và sự bảo đảm nhu cầu tối thiểu để sống còn; sự tự do đi lại và khả năng có việc làm; việc bảo vệ trẻ vị thành niên và bảo đảm trẻ được đi học bình thường; cung cấp những chương trình bảo trợ hay chỗ ở tạm thời; bảo đảm tự do tôn giáo; giúp hội nhập vào xã hội; hỗ trợ việc đoàn tụ gia đình; và chuẩn bị những cộng đồng sở tại cho tiến trình hội nhập. (111)

131. Đối với những ai không phải là người mới đến nhưng đã tham gia vào đời sống xã hội, thật quan trọng việc áp dụng ý niệm “quyền công dân”, là điều “đặt nền trên sự bình đẳng về các quyền lợi và nghĩa vụ, nhờ đó mọi người có được công lý. Vì thế thật quan trọng việc thiết lập trong các xã hội chúng ta ý niệm về quyền công dân đầy đủ, và loại bỏ kiểu nói ‘người thiểu số’ có tính kỳ thị, đó là từ ngữ gây ra cảm giác cô lập và tự ti. Cách dùng từ không ổn như vậy sẽ mở đường cho sự hiếu chiến và xung đột; nó phá hỏng mọi thành công và tước đi các quyền tôn giáo và dân sự của một số công dân bị kỳ thị như vậy”. (112)

132. Ngay cả khi các nhà nước thực hiện những bước thiết yếu, thì một mình nhà nước cũng không thể xúc tiến những giải pháp phù hợp, “vì những hệ quả của các quyết định do mỗi chính phủ sẽ nhất thiết có những tác động đến toàn thể cộng đồng quốc tế”. Vì thế, “sự đáp ứng của chúng ta chỉ có thể là kết quả của một nỗ lực chung” (113) để phát triển một hình thức quản trị toàn cầu liên quan đến các phong trào di dân. Do đó, cần “lập kế hoạch trung hạn và dài hạn, không giới hạn chỉ ở những sự đáp ứng khẩn cấp. Việc lập kế hoạch như thế phải bao gồm sự trợ giúp hữu hiệu để hội nhập các người nhập cư tại những quốc gia tiếp nhận họ, trong khi cũng thúc đẩy sự phát triển các quốc gia nguyên quán của họ xuyên qua những chính sách được cảm hứng từ sự liên đới, nhưng không nối kết sự trợ giúp này với các chiến lược có tính ý thức hệ và các thực hành xa lạ hay tương phản với các nền văn hóa của các dân tộc được trợ giúp”. (114)

NHỮNG QUÀ TẶNG CHO NHAU   

133. Những người mới đến, khác biệt về lối sống và văn hóa, có thể là một quà tặng, vì “những câu chuyện của người nhập cư luôn luôn là những câu chuyện về sự gặp gỡ giữa các cá nhân và giữa các nền văn hóa. Đối với các cộng đồng và các xã hội nơi mà họ đến, những người nhập cư mang tới một cơ hội giúp làm phong phú hơn, và giúp cho sự phát triển nhân bản toàn diện của mọi người”. (115) Vì thế, “tôi đặc biệt kêu gọi các bạn trẻ, đừng để bị giật dây bởi những kẻ xúi mình chống lại các bạn trẻ khác – là những người mới đến tại đất nước mình – và những kẻ khuyến khích các bạn trẻ xem những người mới đến như một mối đe dọa, và như thể họ không có cùng phẩm giá bất khả nhượng như mọi con người khác”. (116)

134. Thật vậy, khi chúng ta bắt đầu mở lòng mình ra với những người khác mình, thì điều này sẽ giúp họ phát triển trong những con đường mới, trong khi họ vẫn tiếp tục là chính họ. Các nền văn hóa khác nhau đã triển nở qua các thế kỷ cần phải được giữ gìn, nếu không muốn thế giới chúng ta bị nghèo nàn đi. Đồng thời, những nền văn hóa ấy cần được khuyến khích mở ra với những kinh nghiệm mới, xuyên qua sự gặp gỡ với những thực tại khác, vì mối nguy của việc chịu xơ cứng văn hóa vẫn luôn luôn có đó. Đó là lý do tại sao “chúng ta cần truyền thông với nhau, khám phá những quà tặng của mỗi người, cổ võ những gì giúp hiệp nhất chúng ta, và xem những khác biệt của chúng ta như một cơ hội để lớn lên trong sự tôn trọng lẫn nhau. Rất cần sự kiên nhẫn và tin tưởng trong cuộc đối thoại như thế, cho phép các cá nhân, các gia đình và các cộng đồng chia sẻ những giá trị văn hóa của mình, và tiếp nhận những điều tốt đẹp từ kinh nghiệm của những người khác”. (117)

135. Ở đây tôi muốn đề cập một số ví dụ mà tôi đã từng dùng. Văn hóa la tinh là “một thứ men các giá trị và các khả năng, có thể giúp làm cho nước Mỹ phong phú thêm rất nhiều”, vì “làn sóng di cư luôn tác động ảnh hưởng và biến đổi nền văn hóa của một nơi chốn… Ở Argentina, làn sóng di cư từ Ý đã để lại một dấu ấn trên nền văn hóa của xã hội tại đây, và sự hiện diện của khoảng 200.000 người Do thái đã có một hiệu ứng trên ‘phong cách’ văn hóa của Buenos Aires. Nếu những người nhập cư được giúp đỡ để hội nhập, họ sẽ là một sự chúc phúc, một nguồn đem lại sự phong phú và là một quà tặng mới có sức khích lệ một xã hội lớn lên”. (118)

136. Trên một qui mô rộng hơn, Đại giáo trưởng Ahmad Al-Tayyeb và tôi đã ghi nhận rằng “những mối quan hệ tốt giữa Đông và Tây là điều thiết yếu cần cho cả hai bên. Không được coi nhẹ các mối quan hệ ấy, để mỗi bên có thể được phong phú hơn nhờ nền văn hóa của bên kia, xuyên qua việc trao đổi và đối thoại đầy triển vọng. Phương Tây có thể khám phá nơi phương Đông những phương dược cho các bệnh trạng về tôn giáo và tâm linh gây ra bởi một chủ nghĩa duy vật đang tràn ngập. Và phương Đông có thể tìm thấy nơi phương Tây nhiều yếu tố có thể giúp giải thoát mình khỏi yếu kém, chia rẽ, xung đột, và sự suy yếu văn hóa, kỹ thuật và khoa học. Thật quan trọng việc chú ý đến các khác biệt về tôn giáo, văn hóa và lịch sử, vốn là một thành tố năng động trong việc định hình tính cách, văn hóa, và văn minh của phương Đông. Cũng quan trọng không kém, việc tăng cường mối ràng buộc về các quyền căn bản của con người, để giúp bảo đảm một đời sống có phẩm giá cho mọi người nam và nữ ở phương Đông và phương Tây, tránh những chính sách có tính tiêu chuẩn kép”. (119)

Một sự trao đổi đầy hoa trái

137. Sự trợ giúp lẫn nhau giữa các quốc gia rõ ràng đem lại sự phong phú cho mỗi bên liên hệ. Một quốc gia tiến lên phía trước trong khi vẫn giữ gốc rễ vững chắc trên nền tảng văn hóa của mình, đó là một kho tàng cho toàn thể nhân loại. Chúng ta cần phát triển nhận thức rằng ngày nay chúng ta hoặc được cứu cùng với nhau tất cả, hoặc không ai được cứu cả! Sự nghèo đói, suy thoái, và khốn khổ tại một vùng trên trái đất là một mảnh đất âm thầm sản sinh những vấn đề rốt cục ảnh hưởng đến toàn thể hành tinh. Nếu chúng ta lo lắng bởi sự tuyệt chủng của một số giống loài, thì chúng ta càng phải lo lắng vì tại một số nơi trên thế giới chúng ta những cá nhân hay những dân tộc bị cản trở việc phát triển các tiềm năng và vẻ đẹp của mình, do bởi tình trạng nghèo đói hay những giới hạn có tính cơ cấu khác. Cuối cùng, điều này sẽ làm nghèo nàn tất cả chúng ta.

138. Điều nói trên vẫn đúng trong mọi thời, song chưa bao giờ nó rõ ràng hơn thời của chúng ta, khi thế giới được nối kết bởi hiện tượng toàn cầu hóa. Chúng ta cần đạt được một trật tự kinh tế, chính trị, pháp lý có tính toàn cầu, “một trật tự có thể tăng cường và giúp định hướng cho sự hợp tác quốc tế, nhằm phát triển mọi dân tộc trong tình liên đới”. (120) Cuối cùng, điều này sẽ giúp ích cho toàn thế giới, vì “sự trợ giúp phát triển cho các nước nghèo” hàm nghĩa là “tạo ra của cải cho tất cả”. (121) Từ quan điểm phát triển toàn diện, điều này giả thiết “việc cho phép các nước nghèo có một tiếng nói có hiệu năng trong việc cùng nhau đưa ra các quyết định” (122) và khả năng “tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế đối với các nước đang trong tình trạng nghèo và kém phát triển”. (123)

Tinh thần vô vụ lợi mở ra với người khác 

139. Tuy nhiên, tôi không muốn giới hạn ý tưởng của mình ở một cách tiếp cận có tính thực dụng. Luôn luôn có yếu tố “vô vụ lợi”: đó là khả năng làm những điều gì đó chỉ vì tự chúng tốt đẹp, chứ không bận tâm kiếm chác hay bù đắp cá nhân. Tinh thần vô vụ lợi làm cho chúng ta có thể tiếp đón người lạ, ngay cả dù điều này không đem lại cho chúng ta ích lợi cụ thể lập tức nào. Thế nhưng, một số quốc gia lại chủ trương chỉ đón nhận các nhà khoa học hay các nhà đầu tư mà thôi!

140. Đời sống mà không có tinh thần vô vụ lợi huynh đệ sẽ trở thành một hình thức thương mại lạnh lùng, trong đó chúng ta thường xuyên cân nhắc điều mình cho đi và điều mình nhận lại. Đàng khác, Thiên Chúa trao ban cách nhưng không, đến mức Người trợ giúp cả những ai bất trung với Người; Thiên Chúa “cho mặt trời của Người mọc lên trên kẻ dữ cũng như người lành” (Mt 5,45). Đó là một lý do tại sao Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Khi anh em bố thí, đừng để tay phải biết việc tay trái làm, như thế việc bố thí của anh em sẽ kín đáo” (Mt 6,3-4). Chúng ta đón nhận sự sống cách nhưng không; chúng ta chẳng trả giá nào cho nó cả. Vì thế, tất cả chúng ta có thể cho đi mà không chờ mong nhận lại bất cứ gì, làm điều tốt lành cho người khác mà không đòi họ đối xử tốt với mình để đáp lại. Như Chúa Giêsu bảo các môn đệ: “Anh em đã lãnh nhận nhưng không, anh em hãy cho đi nhưng không” (Mt 10,8).

141. Giá trị đích thực của các quốc gia trên thế giới chúng ta được đo lường bằng khả năng nhận thức mình không chỉ là một quốc gia mà còn là một phần của gia đình nhân loại rộng lớn hơn. Điều này được thấy cách đặc biệt vào những thời khắc khủng hoảng. Những hình thức hẹp hòi của chủ nghĩa dân tộc là một biểu hiện cực đoan của tình trạng thiếu khả năng nắm bắt ý nghĩa vô vụ lợi này. Người ta sai lầm khi nghĩ rằng họ có thể tự mình phát triển mà không quan tâm đến sự thiệt hại của những người khác, họ nghĩ rằng bằng cách đóng cửa từ chối người khác thì họ sẽ được bảo vệ tốt hơn. Những người di dân bị coi như những kẻ đột nhập và chẳng có gì để cống hiến. Điều này dẫn tới niềm tin ngây thơ rằng người nghèo rất nguy hiểm và vô dụng, trong khi người mạnh là những đại ân nhân. Chỉ một nền văn hóa chính trị xã hội sẵn sàng tiếp đón người khác cách “vô vụ lợi” thì mới có tương lai.

ĐỊA PHƯƠNG VÀ PHỔ QUÁT

142. Cần nhớ rằng “có một căng thẳng nội tại giữa toàn cầu hóa và địa phương hóa. Chúng ta cần chú ý tới tầm vóc toàn cầu để tránh sự hẹp hòi và tầm thường. Nhưng chúng ta cũng cần để tâm tới chiều kích địa phương, qua đó giữ bàn chân mình trên mặt đất. Cả hai chiều kích sẽ giữ cho chúng ta khỏi rơi vào một trong hai thái cực. Ở thái cực thứ nhất, người ta bị kẹt trong một vũ trụ toàn cầu hóa trừu tượng… Ở thái cực kia, họ chuyển thành một viện bảo tàng thần thoại địa phương, một thế giới tách rời, chết cứng trong sự lặp đi lặp lại cùng những việc nào đó mãi mãi, không có khả năng bị thách đố bởi cái mới mẻ hay biết thưởng ngoạn vẻ đẹp mà Thiên Chúa ban cho vượt quá các biên giới của mình”. (124) Chúng ta cần có một nhãn giới toàn cầu để cứu chúng ta khỏi não trạng thiển cận nhỏ nhen. Khi ngôi nhà chúng ta không còn là một mái ấm và bắt đầu trở thành một khu nội cấm, một xà lim, thì tính toàn cầu sẽ giải cứu chúng ta, như một “nguyên tắc tối hậu” lôi kéo chúng ta về hướng hoàn thành chính mình. Đồng thời, tính địa phương cũng phải được trân trọng, vì nó có một cái gì đó mà tính toàn cầu không có: đó là khả năng làm men, đem lại sự phong phú, kích hoạt những cơ chế bổ trợ. Tình huynh đệ phổ quát và tình thân hữu xã hội, vì thế, là hai cực năng động như nhau và không thể tách rời. Việc tách rời chúng sẽ làm méo mó mỗi bên, và tạo ra tình trạng phân cực rất nguy hiểm.

 

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31